Viện Nghiên Cứu Phật Học

16. DIỄN GIẢI KINH VỀ SĀRIPUTTA
(SĀRIPUTTASUTTANIDDESO)

 

Giờ phần “Diễn giải kinh về Sāriputta” được nói đến:

16.1. Từ đây trở về trước, con chưa từng được thấy,

[Đại đức Sāriputta đã nói thế ấy]

Hoặc chưa từng được nghe của bất cứ người nào.

Bậc Đạo Sư, vị có giọng nói êm dịu như thế,

Bậc Có Đồ Chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā.

Từ đây trở về trước, con chưa từng được thấy: Từ đây trở về trước, đức Thế Tôn ấy chưa được thấy trước đây bởi chính con bằng con mắt này, bởi bản ngã này; vào lúc đức Thế Tôn, sau khi trải qua [an cư] mùa mưa ở cung trời Tam Thập Tam, tại gốc cây san hô, nơi bảo tọa của đức trời Sakka,[1] được tháp tùng bởi hội chúng chư thiên, đã ngự xuống thành Saṅkassa bằng cầu thang làm bằng ngọc ma-ni [đặt] ở chính giữa; cảnh tượng này trước đây chưa được nhìn thấy.

“Từ đây trở về trước, con chưa từng được thấy” là như thế.

Đại đức Sāriputta đã nói thế ấy.

Thế ấy: Từ “iccā” này là sự nối liền các câu văn, sự kết hợp các câu văn, sự làm đầy đủ các câu văn, sự gặp gỡ của các âm, trạng thái trau chuốt từ ngữ, tính chất tuần tự của các câu văn.

Đại đức: Từ “āyasmā” này là lời nói yêu mến, lời nói kính trọng, lời nói có sự tôn kính và có sự phục tùng.

Sāriputta: Là tên của vị Trưởng lão ấy, là sự ấn định, sự chỉ định, sự quy định, sự diễn tả, tên gọi, sự đặt tên, sự định danh, từ mô tả, tên hiệu, từ kêu gọi.

“Đại đức Sāriputta đã nói thế ấy” là như thế.

Hoặc chưa từng được nghe của bất cứ người nào.

Chưa từng: Là sự phủ định.

Hoặc: Từ “udā” này là sự nối liền các câu văn, sự kết hợp các câu văn, sự làm đầy đủ các câu văn, sự gặp gỡ của các âm, trạng thái trau chuốt từ ngữ, tính chất tuần tự của các câu văn.

Của bất cứ người nào: Của bất cứ ai, của vị Sát-đế-lỵ, hoặc của vị Bà-la-môn, hoặc của thương buôn, hoặc của kẻ nô lệ, hoặc của người tại gia, hoặc của vị xuất gia, hoặc của vị  trời, hoặc của người nhân loại.

“Hoặc chưa từng được nghe của bất cứ người nào” là như thế.

Bậc Đạo Sư, vị có giọng nói êm dịu như thế: Giọng nói êm dịu như thế là giọng nói ngọt ngào, giọng nói đáng yêu, giọng nói đi vào trái tim, có âm thanh dịu dàng như tiếng hót của loài chim Karavīka. Hơn nữa, âm thanh phát ra từ miệng của đức Thế Tôn ấy có tám yếu tố: Không bị lắp bắp, có thể hiểu được, dịu dàng, nghe êm tai, chắc nịch, không bị loãng, sâu sắc và có âm vang. Hơn nữa, đức Thế Tôn ấy giảng giải cho hội chúng như thế ấy bằng tiếng nói; âm giọng của Ngài không thoát ra bên ngoài của hội chúng. Hơn nữa, đức Thế Tôn ấy có âm thanh của Phạm thiên, có giọng nói của loài chim karavīka. “Vị có giọng nói êm dịu” là như thế.

Bậc Đạo Sư: Bậc Đạo Sư là đức Thế Tôn, người chỉ đạo đoàn xe. Giống như người chỉ đạo đoàn xe giúp chúng sanh vượt qua hiểm lộ, giúp vượt qua hiểm lộ có trộm cướp, giúp vượt qua hiểm lộ có thú dữ, giúp vượt qua hiểm lộ có khó khăn về vật thực, giúp vượt qua hiểm lộ không có nước, giúp cho vượt lên, giúp cho vượt ra, giúp cho vượt khỏi, giúp cho đạt đến vùng đất hoàn toàn an ổn; tương tự như vậy, đức Thế Tôn là người chỉ đạo đoàn xe giúp chúng sanh vượt qua hiểm lộ, giúp vượt qua hiểm lộ của sanh, giúp vượt qua hiểm lộ của già, giúp vượt qua hiểm lộ của bệnh, giúp vượt qua hiểm lộ của chết, giúp vượt qua hiểm lộ của sầu muộn, giúp vượt qua hiểm lộ của than vãn, giúp vượt qua hiểm lộ của khổ, giúp vượt qua hiểm lộ của ưu phiền và lo âu, giúp vượt qua hiểm lộ của luyến ái, giúp vượt qua hiểm lộ của sân hận, giúp vượt qua hiểm lộ của si mê, giúp vượt qua hiểm lộ của ngã mạn, giúp vượt qua hiểm lộ của tà kiến, giúp vượt qua hiểm lộ của ô nhiễm, giúp vượt qua hiểm lộ của uế hạnh, giúp vượt qua sự nắm giữ của luyến ái, giúp vượt qua sự nắm giữ của sân hận, giúp vượt qua sự nắm giữ của si mê, giúp vượt qua sự nắm giữ của ngã mạn, giúp vượt qua sự nắm giữ của tà kiến, giúp vượt qua sự nắm giữ của ô nhiễm, giúp vượt qua sự nắm giữ của uế hạnh, giúp cho vượt lên, giúp cho vượt ra, giúp cho vượt khỏi, giúp cho đạt đến vùng đất hoàn toàn an ổn, bất tử, Niết-bàn. “Đức Thế Tôn, người chỉ đạo đoàn xe” là như vậy.

Hoặc là, đức Thế Tôn là bậc Hướng Đạo, bậc Hướng Dẫn, bậc Đoạn Nghi, bậc Truyền Đạt, bậc Truyền Thụ, bậc Khơi Mở, bậc Khởi Tín. “Đức Thế Tôn, người chỉ đạo đoàn xe” còn là như vậy.

Hoặc là, đức Thế Tôn là vị làm sanh khởi đạo lộ chưa được sanh khởi, là vị làm sanh ra đạo lộ chưa được sanh ra, là vị tuyên thuyết đạo lộ chưa được tuyên thuyết, là vị biết về đạo lộ, là vị hiểu rõ về đạo lộ, là vị rành rẽ về đạo lộ. Và hơn nữa, những người đi theo đạo lộ, là các đệ tử của Ngài, hiện nay đang an trú và sau này sẽ thành tựu [đạo lộ ấy]. “Đức Thế Tôn, người chỉ đạo đoàn xe” còn là như vậy.

“Bậc Đạo Sư, vị có giọng nói êm dịu như thế” là như vậy.

Bậc Có Đồ Chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā: Đức Thế Tôn, sau khi lìa khỏi hội chúng Tusitā, có niệm, có sự nhận biết rõ, đã ngự xuống vào thai bào của người mẹ. “Bậc có đồ chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā” là như vậy. Hoặc là, chư thiên được gọi là Tusitā; các vị ấy vui sướng, vừa lòng, hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc; Ngài đã đi đến vị thế của bậc có đồ chúng từ thế giới chư thiên. “Bậc có đồ chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā” còn là như vậy. Hoặc là, các vị A-la-hán được gọi là Tusitā; các vị ấy vui sướng, vừa lòng, hoan hỷ, có tâm tư hoàn mãn; Ngài đã đi đến vị thế của bậc có đồ chúng của các vị A-la-hán. “Bậc có đồ chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā” còn là như vậy.

Bậc Có Đồ Chúng: Đức Thế Tôn là bậc Có Đồ Chúng; “vị Thầy của đồ chúng” là bậc có đồ chúng; “bậc Đạo Sư của đồ chúng” là bậc có đồ chúng; “vị chăm nom đồ chúng” là bậc có đồ chúng; “vị giáo huấn đồ chúng” là bậc có đồ chúng; “vị chỉ dạy đồ chúng” là bậc có đồ chúng; “vị tự tin tiếp cận đồ chúng” là bậc có đồ chúng; “đối với Ngài, đồ chúng lắng nghe, lóng tai nghe, thiết lập tâm mong muốn hiểu biết” là bậc có đồ chúng; “vị đưa đồ chúng ra khỏi bất thiện pháp và sách tấn thiện pháp” là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng Tỳ-khưu là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng Tỳ-khưu-ni là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng nam cư sĩ là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng nữ cư sĩ là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng vua chúa là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng Sát-đế-lỵ… vị có đồ chúng Bà-la-môn… vị có đồ chúng thương buôn… vị có đồ chúng nô lệ… vị có đồ chúng chư thiên… vị có đồ chúng Phạm thiên là bậc có đồ chúng; vị có hội chúng là bậc có đồ chúng, là vị Thầy của đồ chúng.

Đã đi đến: Đã đi đến, đã đi đến gần, đã tiến đến gần, đã đạt đến thành Saṅkassa.

“Bậc có đồ chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā” là như thế.

Vì thế, Trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Từ đây trở về trước, con chưa từng được thấy,

[Đại đức Sāriputta đã nói thế ấy]

Hoặc chưa từng được nghe của bất cứ người nào,

Bậc Đạo Sư, vị có giọng nói êm dịu như thế,

Bậc Có Đồ Chúng, đã đi đến từ cõi trời Tusitā.”

16.2. Đối với thế gian có cả chư thiên,

Bậc Hữu Nhãn được nhìn thấy là như thế.

Sau khi xua đi tất cả tăm tối,

Chỉ một mình, Ngài đã đạt đến sự khoái cảm.

Đối với thế gian có cả chư thiên: Đối với thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người.

“Đối với thế gian có cả chư thiên” là như thế.

Bậc Hữu Nhãn được nhìn thấy là như thế: Chư thiên nhìn thấy đức Thế Tôn ngồi ở cung trời Tam Thập, tại gốc cây san hô, nơi bảo tọa của đức trời Sakka đang thuyết pháp như thế nào, loài người nhìn thấy như thế ấy; loài người nhìn thấy như thế nào, chư thiên nhìn thấy như thế ấy; Ngài được nhìn thấy giữa chư thiên như thế nào, Ngài được nhìn thấy giữa loài người như thế ấy; Ngài được nhìn thấy giữa loài người như thế nào, Ngài được nhìn thấy giữa chư thiên như thế ấy. “Bậc Hữu Nhãn được nhìn thấy là như thế” là như vậy. Hoặc ngược lại, giống như một số Tôn giả Sa-môn và Bà-la-môn, không rèn luyện, được nhìn thấy có vẻ đã được rèn luyện; không an tịnh, được nhìn thấy có vẻ đã được an tịnh; không yên tịnh, được nhìn thấy có vẻ đã được yên tịnh; không tịch tịnh, được nhìn thấy có vẻ đã được tịch tịnh.

1. “Tựa như bông tai làm bằng đất sét là đồ giả mạo,

    Tựa như một nửa tiền bằng đồng được phủ lên lớp vàng,

    Chúng sống ở thế gian, được che đậy dưới lớp vỏ bọc,

    Bên trong thì không trong sạch, bên ngoài thì sáng rỡ.”

Đức Thế Tôn được nhìn thấy không là như vậy.

Đức Thế Tôn, theo sự thật, với sự đúng đắn, bằng thực thể, với sự xác đáng, với sự không bị sai lệch, với sự đúng theo bản thể; đã được rèn luyện, Ngài được nhìn thấy với sắc thái đã được rèn luyện; đã được an tịnh, Ngài được nhìn thấy với sắc thái đã được an tịnh; đã được yên tịnh, Ngài được nhìn thấy với sắc thái đã được yên tịnh; đã được tịch tịnh, Ngài được nhìn thấy với sắc thái đã được tịch tịnh; và chư Phật Thế Tôn có các oai nghi không phải sắp đặt [trước], các Ngài đã thành tựu về nguyện vọng. “Bậc Hữu Nhãn được nhìn thấy là như thế” còn là như vậy. Hoặc là, đức Thế Tôn có thanh danh, đã đạt đến danh thơm và tiếng tốt như thế này, như thế khác, và còn hơn thế nữa ở cõi rồng, ở cõi linh điểu, ở cõi dạ-xoa, ở cõi a-tu-la, ở cõi càn-thát-bà, ở cõi Tứ Đại Thiên Vương, ở cõi trời Đế-thích, ở cõi Phạm thiên và ở cõi chư thiên. “Bậc Hữu Nhãn được nhìn thấy là như thế” còn là như vậy. Hoặc là, đức Thế Tôn đã được thành tựu mười lực, bốn pháp tự tin, bốn tuệ phân tích, sáu thắng trí, sáu pháp của vị Phật; Ngài được nhìn thấy, được biết, được nhận biết do oai lực, do năng lực, do đức hạnh, do sự tinh tấn và do tuệ.

2. “Những người tốt tỏa sáng ở nơi xa, ví như núi Hy-mã-lạp. Những kẻ xấu ở đây [vẫn] không được nhìn thấy, giống như những mũi tên được bắn ra vào ban đêm.”

“Bậc Hữu Nhãn được nhìn thấy là như thế” còn là như vậy.

Bậc Hữu Nhãn: Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với năm loại nhãn [con mắt]: Bậc Hữu Nhãn với nhục nhãn, bậc Hữu Nhãn với thiên nhãn, bậc Hữu Nhãn với tuệ nhãn, bậc Hữu Nhãn với Phật nhãn, bậc Hữu Nhãn với toàn nhãn.

Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với nhục nhãn nghĩa là thế nào? Ở nhục nhãn của đức Thế Tôn hiện hữu năm màu sắc: Màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu đen và màu trắng. Và các lông mi của đức Thế Tôn: Nơi nào các lông mi mọc, màu xanh ở nơi ấy là màu xanh tuyền, duyên dáng, đáng nhìn, như là hoa của cây ummā. Phần bên ngoài xung quanh nơi ấy có màu vàng, là màu vàng tuyền, màu của kim loại vàng, duyên dáng, đáng nhìn, như là hoa của cây kaṇikāra. Hai bên đuôi mắt của đức Thế Tôn có màu đỏ, là màu đỏ tuyền, duyên dáng, đáng nhìn, như là màu của loài mối cánh. Chính giữa [hai con mắt] có màu đen, là màu đen tuyền, không sần sùi, bóng láng, duyên dáng, đáng nhìn, như là màu trái addāriṭṭhaka. Phần bên ngoài xung quanh nơi ấy có màu trắng, là màu trắng tuyền, trắng tinh, trắng sáng, duyên dáng, đáng nhìn, như là ngôi sao osadhī. Nhục nhãn tự nhiên ấy, nương ở kim thân, đã được sanh lên do hạnh nghiệp tốt đẹp trong thời quá khứ; thông qua nó, đức Thế Tôn nhìn thấy xung quanh một do-tuần, ban ngày và luôn cả ban đêm.

Ngay cả vào lúc tối tăm nhất hội đủ bốn yếu tố: Mặt trời đã lặn xuống, vào ngày trai giới thuộc hạ huyền [đêm cuối tháng âm lịch], nơi khu rừng già sâu thẳm và có đám mây đen lớn trỗi dậy; ngay cả vào lúc tối tăm hội đủ bốn yếu tố có hình thức như thế, Ngài cũng vẫn nhìn thấy xung quanh một do-tuần. Ở nơi nào dầu có vách tường, cánh cửa, tường thành, ngọn núi, bụi rậm, hoặc dây leo, cũng không là sự ngăn trở việc nhìn thấy các hình thể. Nếu sau khi làm dấu một hạt mè rồi ném vào cỗ xe chở hạt mè, Ngài vẫn có thể nhặt lên chính hạt mè ấy. Nhục nhãn tự nhiên của đức Thế Tôn là thanh tịnh như vậy. Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với nhục nhãn nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với thiên nhãn nghĩa là thế nào? Đức Thế Tôn, với thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người, nhìn thấy các chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại [trở thành] hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, sung sướng, [hay] đau khổ, vị ấy biết được rằng các chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng: “Quả vậy, những chúng sanh đang hiện hữu này có uế hạnh về thân, có uế hạnh về khẩu, có uế hạnh về ý, vu khống các bậc Thánh, theo tà kiến, tán thành các hành động do tà kiến. Những kẻ ấy, khi tan rã thân xác và chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Trái lại, những chúng sanh đang hiện hữu này có thiện hạnh về thân, có thiện hạnh về khẩu, có thiện hạnh về ý, không vu khống các bậc Thánh, theo chánh kiến, tán thành các hành động do chánh kiến. Những người ấy, khi tan rã thân xác và chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi trời, thế gian [này].” Như thế, bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người, Ngài nhìn thấy các chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại [trở thành] hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, sung sướng, [hay] đau khổ, Ngài biết được rằng các chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng. Và trong khi mong muốn, đức Thế Tôn có thể nhìn thấy một thế giới,[2] có thể nhìn thấy hai thế giới, có thể nhìn thấy ba thế giới, có thể nhìn thấy bốn thế giới, có thể nhìn thấy năm thế giới, có thể nhìn thấy mười thế giới, có thể nhìn thấy hai mươi thế giới, có thể nhìn thấy ba mươi thế giới, có thể nhìn thấy bốn mươi thế giới, có thể nhìn thấy năm mươi thế giới, có thể nhìn thấy nhất thiên  tức tiểu thế giới, có thể nhìn thấy nhị thiên tức trung thế giới, có thể nhìn thấy tam thiên tức đại thiên thế giới.[3] Hơn nữa, Ngài mong muốn đến chừng nào thì Ngài có thể nhìn thấy đến chừng ấy. Thiên nhãn của đức Thế Tôn là thanh tịnh như vậy. Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với thiên nhãn nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với tuệ nhãn nghĩa là thế nào? Đức Thế Tôn là bậc có tuệ vĩ đại, có tuệ rộng lớn, có tuệ vi tiếu, có tuệ tốc hành, có tuệ sắc bén, có tuệ thấu suốt, là bậc thiện xảo trong việc chia chẻ bằng tuệ, bậc có trí đã được phát triển, đã đạt đến tuệ phân tích, đã đạt được bốn pháp tự tin, có sự duy trì mười lực, là bậc Nhân Ngưu, bậc Nhân Sư, bậc Nhân Tượng, bậc Nhân Kiệt, bậc Nhân Đạo, bậc có trí vô biên, có oai lực vô biên, có danh vọng vô biên, giàu có [về trí tuệ], có tài sản lớn [về trí tuệ], sở hữu tài sản [về trí tuệ], là bậc Hướng Đạo, bậc Hướng Dẫn, bậc Đoạn Nghi, bậc Truyền Đạt, bậc Truyền Thụ, bậc Khơi Mở, bậc Khởi Tín.

Chính đức Thế Tôn ấy là vị làm sanh khởi đạo lộ chưa được sanh khởi, là vị làm sanh ra đạo lộ chưa được sanh ra, là vị tuyên thuyết đạo lộ chưa được tuyên thuyết, là vị biết về đạo lộ, là vị hiểu rõ về đạo lộ, là vị rành rẽ về đạo lộ. Và hơn nữa, những người đi theo đạo lộ, là các đệ tử của Ngài, hiện nay đang an trú và sau này sẽ thành tựu [đạo lộ ấy]. Chính đức Thế Tôn ấy biết [đúng bản thể] điều cần phải biết, thấy [đúng bản thể] điều cần phải thấy, là bậc có bản thể của mắt, có bản thể của trí, có bản thể của pháp, có bản thể của Phạm thiên, là vị công bố, vị tuyên thuyết, vị chỉ dẫn mục đích, vị ban cho bất tử, bậc Pháp Chủ, đức Như Lai.

Đối với đức Thế Tôn ấy, không có việc không biết, không thấy, không hiểu rõ, không chứng ngộ, không chạm đến bằng tuệ. Tất cả các pháp liên quan đến quá khứ, tương lai, hiện tại, với mọi biểu hiện, đều đi đến phạm vi ở trong tầm trí tuệ của đức Phật Thế Tôn. Bất cứ điều gì có thể biết, nghĩa là có pháp cần phải biết, có lợi ích cho mình, hoặc có lợi ích cho người khác, hoặc có lợi ích cho cả hai, hoặc có lợi ích liên quan đời này, hoặc có lợi ích liên quan đời sau, hoặc có lợi ích hời hợt, hoặc có lợi ích thâm sâu, hoặc có lợi ích được giấu kín, hoặc có lợi ích được che đậy, hoặc có lợi ích tiềm tàng, hoặc có lợi ích hiển hiện, hoặc có lợi ích không tội lỗi, hoặc có lợi ích không ô nhiễm, hoặc có lợi ích trong sạch, hoặc có lợi ích là lợi ích tối thượng, tất cả [các] điều ấy đều vận hành ở bên trong trí của đức Phật. Tất cả thân nghiệp của đức Phật Thế Tôn đều vận hành theo trí, tất cả khẩu nghiệp, tất cả ý nghiệp của đức Phật Thế Tôn đều vận hành theo trí. Đức Phật Thế Tôn có trí không bị chướng ngại về quá khứ, có trí không bị chướng ngại về vị lai, có trí không bị chướng ngại về hiện tại. Điều-có-thể-biết là chừng nào thì trí là chừng ấy, trí là chừng nào thì điều-có-thể-biết là chừng ấy. Trí có điều-có-thể-biết là giới hạn, điều-có-thể-biết có trí là giới hạn; vượt qua điều-có-thể-biết thì trí không vận hành, vượt qua trí thì không có hành trình của điều-có-thể-biết; các pháp ấy có sự xác lập giới hạn tương xứng với nhau. Giống như hai nắp đậy của cái hộp được gắn liền đúng đắn, nắp đậy bên dưới không lệch nắp trên, nắp đậy bên trên không lệch nắp dưới, chúng có sự xác lập giới hạn tương xứng với nhau; tương tự như vậy, điều-có-thể-biết và trí của đức Phật Thế Tôn có sự xác lập giới hạn tương xứng với nhau. Điều-có-thể-biết là chừng nào thì trí là chừng ấy, trí là chừng nào thì điều-có-thể-biết là chừng ấy. Trí có điều-có-thể-biết là giới hạn, điều-có-thể-biết có trí là giới hạn; vượt qua điều-có-thể-biết thì trí không vận hành, vượt qua trí thì không có hành trình của điều-có-thể-biết; các pháp ấy có sự xác lập giới hạn tương xứng với nhau.

Trí của đức Phật Thế Tôn vận hành ở tất cả các pháp. Tất cả các pháp được gắn liền với sự hướng tâm, được gắn liền với sự mong muốn, được gắn liền với sự chú tâm, được gắn liền với sự khởi tâm của đức Phật Thế Tôn.

Trí của đức Phật Thế Tôn vận hành ở tất cả chúng sanh. Đức Thế Tôn biết tính tình, biết tiềm năng, biết nết hạnh, biết khuynh hướng của tất cả chúng sanh. Ngài nhận biết các chúng sanh có tầm nhìn bị vấy bụi ít và có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, có khả năng và không có khả năng. Thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người, chuyển vận ở bên trong trí của đức Phật. Giống như bất cứ những loài cá và rùa nào, thậm chí luôn cả cá ông và cá voi, chuyển vận ở bên trong đại dương; tương tự như vậy, thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người, chuyển vận ở bên trong trí của đức Phật. Giống như bất cứ những loài có cánh nào, thậm chí luôn cả loài nhân điểu là loài linh thú, chuyển vận ở phạm vi thuộc bầu trời; tương tự như vậy, những vị nào tương đương với vị Sāriputta về tuệ, những vị ấy cũng chuyển vận ở phạm vi thuộc Phật trí; Phật trí thâm nhập tuệ của chư thiên và loài người, ngự trị, và trụ lại. Những vị Sát-đế-lỵ sáng suốt, những vị Bà-la-môn sáng suốt, những gia chủ sáng suốt, những vị Sa-môn sáng suốt, tinh tế, quen thuộc với học thuyết của những người khác như người cung thủ có thể bắn trúng cọng tóc, nghĩ rằng họ hành xử với sự thành tựu của tuệ trong khi bẻ đôi các tà kiến. Sau khi chuẩn bị các câu hỏi, họ đi đến gặp đức Như Lai rồi hỏi các điều bí mật và đã được che giấu. Được đức Thế Tôn giảng giải và trả lời, các câu hỏi ấy trở nên rõ ràng. Những người ấy đều quy thuận với đức Thế Tôn. Khi ấy, chính đức Thế Tôn, trong trường hợp ấy, chói sáng rực rỡ; điều ấy là nhờ vào tuệ. Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với tuệ nhãn nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với Phật nhãn nghĩa là thế nào? Đức Thế Tôn, trong khi dùng Phật nhãn quán xét thế gian, đã nhìn thấy các chúng sanh có tầm nhìn bị vấy bụi ít và có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, [đã nhìn thấy] một số chúng sanh đang sống có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi trong tội lỗi và [sự tái sanh vào] những đời sống khác, một số chúng sanh đang sống không có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi trong tội lỗi và [sự tái sanh vào] những đời sống khác. Cũng giống như ở hồ sen xanh hoặc ở hồ sen hồng hoặc ở hồ sen trắng, có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được phát triển ở trong nước, không vươn ra khỏi nước, và được nuôi dưỡng chìm ở bên trong [nước]; có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được phát triển ở trong nước, sống ngang bằng mặt nước; và có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được phát triển ở trong nước, vươn lên khỏi nước và tồn tại không bị vấy bẩn bởi nước; tương tự như vậy, đức Thế Tôn trong khi dùng Phật nhãn quán xét thế gian đã nhìn thấy các chúng sanh có tầm nhìn bị vấy bụi ít và có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, [đã nhìn thấy] một số chúng sanh đang sống có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi trong tội lỗi và [sự tái sanh vào] những đời sống khác, một số chúng sanh đang sống không có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi trong tội lỗi và [sự tái sanh vào] những đời sống khác.

Đức Thế Tôn biết rằng: “Người này có tánh luyến ái, người này có tánh sân, người này có tánh si, người này có tánh tầm, người này có tánh tín, người này có tánh giác.” Đối với người có tánh luyến ái, đức Thế Tôn thuyết bài giảng về đề mục tử thi. Đối với người có tánh sân, đức Thế Tôn chỉ dạy sự tu tập về tâm từ. Đối với người có tánh si, đức Thế Tôn dạy bảo việc đọc tụng, việc vấn hỏi, việc lắng nghe giáo pháp lúc hợp thời, việc bàn luận giáo pháp lúc hợp thời, việc cộng trú với vị thầy. Đối với người có tánh tầm, đức Thế Tôn chỉ dạy về niệm hơi thở vào hơi thở ra. Đối với người có tánh tín, đức Thế Tôn chỉ dạy về biểu hiện đem lại sự thành tín: Sự giác ngộ tốt đẹp của đức Phật, tính chất tốt đẹp của giáo pháp, sự hành trì tốt đẹp của chúng Tăng, và các giới của bản thân. Đối với người có tánh giác, đức Thế Tôn chỉ dạy về ấn chứng của pháp minh sát: Biểu hiện của vô thường, biểu hiện của khổ, biểu hiện của vô ngã.

3. “Giống như người đứng ở đỉnh đầu của ngọn núi đá, cũng giống như người có thể nhìn thấy dân chúng ở xung quanh, tương tự như thế ấy, bạch đấng Khôn Ngoan, bạch đấng Toàn Nhãn, sau khi bước lên tòa lâu đài làm bằng giáo pháp, xin bậc đã xa lìa sầu muộn hãy quan sát chúng sanh bị rơi vào sầu muộn, bị ngự  trị bởi sanh và già.”

Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với Phật nhãn nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với toàn nhãn nghĩa là thế nào? Toàn nhãn nói đến trí toàn giác. Đức Thế Tôn đã tiến đến, đã tiến gần, đã đến gần, đã tiến vào, đã đạt đến, đã đầy đủ, đã thành tựu với trí toàn giác.

4. “Đối với Ngài, không có bất cứ điều gì ở nơi đây là không được nhìn thấy, không được nhận thức, hoặc không thể biết được. Điều nào có thể biết được, Ngài đã biết rõ tất cả; vì thế đức Như Lai là bậc Toàn Nhãn.”

Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với toàn nhãn nghĩa là như vậy.

“Bậc Hữu Nhãn được nhìn thấy là như thế” là như thế.

Sau khi xua đi tất cả tăm tối: Sau khi xóa đi, sau khi đuổi đi, sau khi từ bỏ, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu tất cả sự tăm tối bởi luyến ái, sự tăm tối bởi sân hận, sự tăm tối bởi si mê, sự tăm tối bởi ngã mạn, sự tăm tối bởi tà kiến, sự tăm tối bởi ô nhiễm, sự tăm tối bởi uế hạnh, sự tạo ra tăm tối, sự làm cho mù mắt, sự tạo ra vô trí, sự diệt tận tuệ, đem đến sự buồn phiền, không vận hành đến Niết-bàn.

“Sau khi xua đi tất cả tăm tối” là như thế.

Chỉ một mình, Ngài đã đạt đến sự khoái cảm: Đức Thế Tôn là một mình, một mình theo quy định của đời sống xuất gia, một mình với ý nghĩa không người thứ hai, một mình với ý nghĩa dứt bỏ tham ái, một mình “có luyến ái đã được xa lìa hoàn toàn”, một mình “có sân hận đã được xa lìa hoàn toàn”, một mình “có si mê đã được xa lìa hoàn toàn”, một mình “hoàn toàn không còn ô nhiễm”, một mình “đã đi con đường độc đạo”, một mình “đã giác ngộ quả vị Chánh đẳng giác vô thượng.” “Một mình” là như thế.

Đức Thế Tôn là một mình theo quy định của đời sống xuất gia nghĩa là thế nào? Đức Thế Tôn, trong lúc đang còn thanh xuân, có tóc đen nhánh của tuổi trẻ, được thành tựu tuổi thanh niên tốt lành, vào giai đoạn đầu của tuổi thọ, trong khi mẹ và cha không mong muốn, với khuôn mặt đầy nước mắt, đang khóc lóc, đang than van; Ngài, sau khi cắt đứt mọi sự vướng bận của đời sống tại gia, sau khi cắt đứt sự vướng bận về vợ con, sau khi cắt đứt sự vướng bận về thân quyến, [sau khi cắt đứt sự vướng bận về bạn bè và thân hữu,][4] sau khi cắt đứt sự vướng bận về việc tích trữ, sau khi cạo bỏ râu tóc, khoác lên các tấm vải màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà, sau khi đi đến trạng thái không có gì, một mình sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, hộ trì, bảo dưỡng. Đức Thế Tôn là một mình theo quy định của đời sống xuất gia nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn là một mình với ý nghĩa không người thứ hai nghĩa là thế nào? Trong khi đã được xuất gia như vậy, Ngài một mình thân cận các khu rừng, các nơi heo hút, các chỗ trú ngụ xa vắng có ít âm thanh, ít tiếng ồn, có bầu không gian vắng vẻ, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh. Ngài sống một mình, đi một mình, đứng một mình, nằm một mình, đi vào làng để khất thực một mình, đi trở về một mình, ngồi nơi vắng vẻ một mình, quyết định kinh hành một mình, sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, hộ trì, bảo dưỡng một mình. Đức Thế Tôn là một mình với ý nghĩa không người thứ hai nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn là một mình với ý nghĩa dứt bỏ tham ái nghĩa là thế nào? Ngài một mình như vậy, không người thứ hai, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có bản tánh cương quyết, ở bờ sông Nerañjarā, nơi gốc cây Bồ-đề, trong khi đang nỗ lực sự nỗ lực vĩ đại, sau khi đã phá tan Ma vương, Thần chết, Hắc ám, thân quyến của những kẻ bị xao lãng, cùng với đạo quân binh; Ngài đã dứt bỏ, đã xua đi, đã làm chấm dứt, đã làm cho không còn hiện hữu sự vướng mắc là mạng lưới tham ái.

5. “Có tham ái là bạn lữ, trong khi luân chuyển một thời gian dài đến cõi này và cõi khác, con người không vượt qua được luân hồi.

6. Sau khi biết được sự bất lợi như vậy, [biết được] tham ái là nguồn sanh khởi của khổ, vị Tỳ-khưu, có tham ái đã được xa lìa, không có sự nắm giữ, có niệm, nên ra đi du phương.”

Đức Thế Tôn là một mình với ý nghĩa dứt bỏ tham ái nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn là vị một mình “có luyến ái đã được xa lìa hoàn toàn” nghĩa là thế nào? Là vị một mình “có luyến ái đã được xa lìa hoàn toàn” do trạng thái đã được dứt bỏ đối với luyến ái, là vị một mình “có sân hận đã được xa lìa hoàn toàn” do trạng thái đã được dứt bỏ đối với sân hận, là vị một mình “có si mê đã được xa lìa hoàn toàn” do trạng thái đã được dứt bỏ đối với si mê, là vị một mình “hoàn toàn không còn ô nhiễm” do trạng thái đã được dứt bỏ đối với các ô nhiễm.

Đức Thế Tôn là vị một mình “đã đi con đường độc đạo” nghĩa là thế nào? Con đường độc đạo nói đến bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần.

7. “Vị nhìn thấy sự tiêu hoại và chấm dứt của sanh, có lòng thương tưởng đến điều lợi ích, nhận biết con đường độc đạo. Trong thời quá khứ các vị đã vượt qua, [trong thời vị lai] các vị sẽ vượt qua, và [trong thời hiện tại] các vị đang vượt qua dòng lũ bằng con đường này.”

Đức Thế Tôn là vị một mình “đã đi con đường độc đạo” nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn là vị một mình “đã giác ngộ quả vị Chánh đẳng giác vô thượng” nghĩa là thế nào? Giác ngộ nói đến trí ở bốn đạo, tuệ, tuệ quyền, tuệ lực, trạch pháp giác chi, sự thẩm xét, sự thấy rõ, chánh kiến. Nhờ vào trí giác ngộ ấy, đức Thế Tôn đã giác ngộ rằng: “Tất cả các hành là vô thường”, đã giác ngộ rằng: “Tất cả các hành là khổ”, đã giác ngộ rằng: “Tất cả các pháp là vô ngã”, đã giác ngộ rằng: “Vô minh duyên cho các hành”,… (nt)… đã giác ngộ rằng: “Sanh duyên cho lão, tử”, đã giác ngộ rằng: “Do sự diệt tận của vô minh [đưa đến] sự diệt tận của các hành”,… (nt)… đã giác ngộ rằng: “Do sự diệt tận của sanh [đưa đến] sự diệt tận của lão, tử”, đã giác ngộ rằng: “Đây là khổ”, đã giác ngộ rằng: “Đây là nhân sanh khổ”, đã giác ngộ rằng: “Đây là sự diệt tận khổ”, đã giác ngộ rằng: “Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận khổ”, đã giác ngộ rằng: “Đây là các lậu hoặc”,… (nt)… đã giác ngộ rằng: “Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận các lậu hoặc”, đã giác ngộ rằng: “Các pháp này cần được biết toàn diện”, đã giác ngộ rằng:… cần được dứt bỏ… cần được tu tập… cần được chứng ngộ”, đã giác ngộ về nhân sanh khởi, sự tiêu hoại, sự hứng thú, sự bất lợi, và sự thoát ra của sáu xúc xứ; đã giác ngộ về nhân sanh khởi, sự tiêu hoại, sự hứng thú, sự bất lợi, và sự thoát ra năm thủ uẩn; đã giác ngộ về nhân sanh khởi, sự tiêu hoại, sự hứng thú, sự bất lợi và sự thoát ra bốn yếu tố chính [đất, nước, lửa, gió]; đã giác ngộ rằng: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Hoặc là, điều gì có thể giác ngộ [bởi Sơ đạo], có thể giác ngộ [bởi Nhị đạo], có thể giác ngộ [bởi Tam đạo], có thể giác ngộ [bởi Tứ đạo],[5] có thể chứng đắc, có thể chạm đến, có thể chứng ngộ, Ngài đã giác ngộ [Sơ đạo], đã giác ngộ [Nhị đạo], đã giác ngộ [Tam đạo], đã giác ngộ [Tứ đạo], đã giác ngộ đúng đắn, đã chứng đắc, đã chạm đến, đã chứng ngộ toàn bộ điều ấy nhờ vào trí giác ngộ ấy. Đức Thế Tôn là vị một mình “đã giác ngộ quả vị Chánh đẳng giác vô thượng” nghĩa là như vậy.

Đã đạt đến sự khoái cảm.

Sự khoái cảm: Khoái cảm của việc xuất gia, khoái cảm của sự viễn ly, khoái cảm của sự yên tịnh, khoái cảm của sự giác ngộ.

Đã đạt đến: Đã chứng đắc, đã chạm đến, đã chứng ngộ.

“Chỉ một mình, Ngài đã đạt đến sự khoái cảm” là như thế.

Vì thế, Trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Đối với thế gian có cả chư thiên,

Bậc Hữu Nhãn được nhìn thấy là như thế.

Sau khi xua đi tất cả tăm tối,

Chỉ một mình, Ngài đã đạt đến sự khoái cảm.”

16.3. Với ý định [hỏi] câu hỏi cho số đông đã được gắn bó ở nơi này, con đã đi đến gặp Ngài, đức Phật, bậc Không Nương Nhờ, đấng Tự Tại, vị Không Gạt Gẫm, bậc Có Đồ Chúng đã đi đến.

Ngài, đức Phật, bậc Không Nương Nhờ, đấng Tự Tại.

Đức Phật: Vị ấy là đức Thế Tôn, đấng Tự Chủ, vị không có thầy, đã tự mình giác ngộ hoàn toàn các sự thật về các pháp chưa từng được nghe trước đây. Ngài đã đạt được trạng thái toàn tri về các pháp ấy và đã đạt được bản thể năng lực về các lực.

Đức Phật: Với ý nghĩa gì là đức Phật? “Vị đã giác ngộ các chân lý” là đức Phật. “Vị đã giúp cho chúng sanh giác ngộ” là đức Phật. Do trạng thái toàn tri là đức Phật. Do trạng thái nhìn thấy tất cả là đức Phật. Do trạng thái không bị người khác dẫn dắt là đức Phật. Do trạng thái nở rộ [các đức hạnh] là đức Phật. Do được công nhận đã cạn kiệt các lậu hoặc là đức Phật. Do được công nhận không có tùy phiền não là đức Phật. “Vị có luyến ái đã được xa lìa hoàn toàn” là đức Phật. “Vị có sân hận đã được xa lìa hoàn toàn” là đức Phật. “Vị có si mê đã được xa lìa hoàn toàn” là đức Phật. “Vị hoàn toàn không còn ô nhiễm” là đức Phật. “Vị đã đi con đường độc đạo” là đức Phật. “Vị độc nhất đã giác ngộ quả vị Chánh đẳng giác vô thượng” là đức Phật. Do trạng thái đã phá tan sự không giác ngộ là đức Phật. Do việc đạt được sự giác ngộ là đức Phật. “Đức Phật”, tên gọi này không do mẹ tạo ra, không do cha tạo ra, không do anh [em] trai tạo ra, không do chị [em] gái tạo ra, không do bạn bè hoặc thân hữu tạo ra, không do các thân quyến và những người cùng huyết thống tạo ra, không do các Sa-môn hoặc Bà-la-môn tạo ra, không do chư thiên tạo ra. Sự tận cùng của giải thoát này là sự quy định thuộc về chư Phật Thế Tôn, do sự đạt được, do sự chứng ngộ trí Toàn tri ở cội cây Bồ-đề, tức là “đức Phật.” “Ngài, đức Phật” là như thế.

Bậc Không Nương Nhờ: Có hai sự nương tựa: Nương tựa vào tham ái và nương tựa vào tà kiến.

Việc nào là nương tựa vào tham ái? Cho đến vật đã được tạo lập ranh giới, đã được tạo lập biên giới, đã được tạo lập giới hạn, đã được tạo lập hạn định, đã thuộc sở hữu, đã được chấp là của ta bởi cái gọi là tham ái rằng: Cái này là của tôi, cái ấy là của tôi, chừng này là của tôi, cho đến chừng này là của tôi, các sắc, các thinh, các hương, các vị, các xúc, các vật trải lót, các vật đắp, các tôi trai và tớ gái, dê, cừu, gà, heo, voi, bò, ngựa, lừa, ruộng, đất, vàng, bạc, làng mạc, thị trấn, kinh thành, quốc độ, xứ sở, khu trại và nhà kho của tôi, và luôn cả toàn thể đại địa cầu, đều được chấp là của ta do tác động của tham ái, được giải rộng ra cho đến một trăm lẻ tám ái; việc này là nương tựa vào tham ái.

Việc nào là nương tựa vào tà kiến? Thân kiến có hai mươi nền tảng, tà kiến có mười nền tảng, hữu biên kiến có mười nền tảng, quan điểm nào có hình thức như vậy là sự đi đến tà kiến, có sự nắm giữ của tà kiến, có sự hiểm trở của tà kiến, có sự bóp méo của tà kiến, có sự xáo động của tà kiến, có sự ràng buộc của tà kiến; là sự nắm lấy, sự chấp nhận, sự chấp chặt, sự bám víu, con đường xấu, con đường sai trái, bản thể sai trái, ngoại giáo, sự nắm lấy đường lối trái nghịch, sự nắm lấy điều sai lệch, sự nắm lấy điều trái khuấy, sự nắm lấy điều sai trái, sự nắm lấy điều không xác đáng cho là xác đáng, cho đến sáu mươi hai tà kiến; việc này là nương tựa vào tà kiến.

Đối với đức Phật Thế Tôn, sự nương tựa vào tham ái được dứt bỏ, sự nương tựa vào tà kiến được buông bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với sự nương tựa vào tham ái, do trạng thái đã được buông bỏ đối với sự nương tựa vào tà kiến; đức Thế Tôn không nương nhờ mắt, không nương nhờ tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không nương nhờ các sắc, các thinh, các hương, các vị, các xúc, các pháp, gia tộc, đồ chúng, chỗ ngụ, lợi lộc, danh vọng, lời khen, hạnh phúc, y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, vật dụng là thuốc men chữa bệnh, dục giới, sắc giới, vô sắc giới, cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, cõi hữu tưởng, cõi vô tưởng, cõi phi tưởng phi phi tưởng, cõi một uẩn, cõi bốn uẩn, cõi năm uẩn, quá khứ, vị lai, hiện tại, các pháp đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức; không nương tựa, không bám vào, không đến gần, không bám chặt, không hướng đến, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.

“Ngài, đức Phật, bậc không nương nhờ” là như thế.

Đấng Tự Tại: Đức Thế Tôn là đấng Tự Tại với năm biểu hiệu: Tự tại về đối tượng ước muốn và không ước muốn, tự tại với ý nghĩa “đã từ bỏ”, tự tại với ý nghĩa “đã vượt qua”, tự tại với ý nghĩa “đã giải thoát”, tự tại với việc diễn giải điều ấy.

Đức Thế Tôn tự tại về đối tượng ước muốn và không ước muốn nghĩa là thế nào? Đức Thế Tôn là tự tại về lợi lộc, tự tại về không lợi lộc, tự tại về danh vọng, tự tại về không danh vọng, tự tại về lời khen, tự tại về lời chê, tự tại về hạnh phúc, tự tại về khổ đau; nếu người ta thoa một cánh tay với dầu thơm, nếu người ta đẽo một cánh tay với cái rìu thì không có luyến ái về điều ấy, không có bất bình về điều ấy, Ngài đã lìa bỏ sự ưa chuộng và bất bình, đã vượt qua khỏi sự hưng phấn và chán nản, đã vượt qua hẳn sự chiều chuộng và chống đối; đức Thế Tôn tự tại về đối tượng ước muốn và không ước muốn nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn tự tại với ý nghĩa “đã từ bỏ” nghĩa là thế nào? Đối với đức Thế Tôn, sự luyến ái đã được từ bỏ, đã được tẩy trừ, đã được giải thoát, đã được dứt bỏ, đã được buông bỏ; sự sân hận, si mê, giận dữ, thù hằn, gièm pha, ác ý, ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá, lừa gạt, bướng bỉnh, hung hăng, ngã mạn, cao ngạo, đam mê, xao lãng, tất cả ô nhiễm, tất cả uế hạnh, mọi sự lo lắng, mọi sự bực bội, mọi sự nóng nảy, tất cả các pháp tạo tác bất thiện đã được từ bỏ, đã được tẩy trừ, đã được giải thoát, đã được dứt bỏ, đã được buông bỏ; đức Thế Tôn tự tại với ý nghĩa “đã từ bỏ” nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn tự tại với ý nghĩa “đã vượt qua” nghĩa là thế nào? Đức Thế Tôn đã vượt qua dòng lũ [ngũ] dục, đã vượt qua dòng lũ của hữu, đã vượt qua dòng lũ tà kiến, đã vượt qua dòng lũ vô minh, đã vượt qua mọi nẻo đường luân hồi, đã vượt lên, đã vượt ra khỏi, đã vượt quá, đã vượt qua hẳn, đã vượt qua khỏi. Ngài đã trải qua cuộc sống [của bậc Thánh], đã hoàn tất việc thực hành, đã hoàn mãn cuộc hành trình, đã hoàn mãn hướng đi, đã đi đến điểm cuối cùng, đã hộ trì Phạm hạnh, đã đạt đến kiến tối thượng, đã tu tập đạo lộ, đã dứt bỏ ô nhiễm, đã thấu triệt sự không thể thay đổi, đã chứng ngộ diệt đế.

Đối với Ngài, khổ đã được biết toàn diện, tập đã được dứt bỏ, đạo đã được tu tập, diệt đã được chứng ngộ. Điều cần được biết rõ đã được biết rõ, điều cần được biết toàn diện đã được biết toàn diện, điều cần được dứt bỏ đã được dứt bỏ, điều cần được tu tập đã được tu tập, điều cần được chứng ngộ đã được chứng ngộ. Ngài đã hất tung rào chắn [vô minh], đã san lấp mương rãnh [luân hồi tái sanh], đã nhổ lên cột trụ [tham ái], không còn chốt cửa, là Thánh thiện, đã hạ xuống ngọn cờ [ngã mạn], đã đặt xuống gánh nặng, đã tháo khỏi ách, đã dứt bỏ hẳn ngũ dục, đã thành tựu sáu căn, có một sự bảo hộ [niệm], có bốn sự nâng đỡ, đã xua đi sự độc đoán, có sự tầm cầu đã được hoàn toàn cởi bỏ, có tâm tư không bị xáo trộn, có thân hành đã được an tịnh, có tâm khéo được giải thoát, có tuệ khéo được giải thoát, toàn hảo, đã được hoàn mãn, là con người tối thượng, con người tột đỉnh, đã đạt được sự thành đạt tột đỉnh.

Ngài không tích lũy [nghiệp] cũng không loại trừ, tồn tại sau khi đã loại trừ [ô nhiễm]; không dứt bỏ [ô nhiễm] cũng không chấp thủ, tồn tại sau khi đã dứt bỏ; không tự kết nối [tham ái] cũng không tháo gỡ, tồn tại sau khi đã tháo gỡ; không dập tắt [lửa phiền não] cũng không đốt cháy, tồn tại sau khi đã dập tắt; tồn tại với trạng thái đã được thành tựu về giới uẩn của bậc Vô học, tồn tại với trạng thái đã được thành tựu về định uẩn của bậc Vô học, tồn tại với trạng thái đã được thành tựu về tuệ uẩn của bậc Vô học, tồn tại với trạng thái đã được thành tựu về giải thoát uẩn của bậc Vô học, tồn tại với trạng thái đã được thành tựu về giải thoát tri kiến uẩn của bậc Vô học; tồn tại sau khi đã thấu suốt chân lý, tồn tại sau khi đã vượt qua dục vọng, tồn tại sau khi đã trấn áp lửa phiền não, tồn tại do không đi vòng quanh [ở luân hồi], tồn tại sau khi đã thọ trì lời giảng, tồn tại do thân cận với giải thoát, tồn tại với sự thanh tịnh của từ, tồn tại với sự thanh tịnh của bi, tồn tại với sự thanh tịnh của hỷ, tồn tại với sự thanh tịnh của xả, tồn tại với sự thanh tịnh tột cùng, tồn tại với sự thanh tịnh của trạng thái không còn tham ái, tà kiến và ngã mạn, tồn tại với trạng thái đã được giải thoát, tồn tại với trạng thái đã được hài lòng, tồn tại trong giai đoạn cuối của các uẩn, tồn tại trong giai đoạn cuối của các giới, tồn tại trong giai đoạn cuối của các xứ, tồn tại trong giai đoạn cuối của cảnh giới tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự nối liền tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của kiếp sống, tồn tại trong giai đoạn cuối của luân hồi, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự luân chuyển, tồn tại trong kiếp sống cuối cùng, tồn tại trong thân xác cuối cùng. Với việc duy trì thân xác cuối cùng là đức Thế Tôn.

“Đối với vị ấy, sự hiện hữu này là cuối cùng,

Thân xác này là sau chót,

Việc sanh tử luân hồi,

Việc hiện hữu lần nữa không có đối với vị ấy.”

Đức Thế Tôn tự tại với ý nghĩa “đã vượt qua” nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn tự tại với ý nghĩa “đã giải thoát” nghĩa là thế nào? Đối với đức Thế Tôn, tâm đã được thoát khỏi, đã được giải thoát, đã khéo được giải thoát khỏi sự luyến ái; tâm đã được thoát khỏi, đã được giải thoát, đã khéo được giải thoát khỏi sự sân hận… khỏi sự si mê… khỏi sự giận dữ… khỏi sự thù hằn… khỏi sự gièm pha… khỏi sự ác ý… khỏi sự ganh tỵ… khỏi sự bỏn xẻn… khỏi sự xảo trá… khỏi sự lừa gạt… khỏi sự bướng bỉnh… khỏi sự hung hăng… khỏi sự ngã mạn… khỏi sự cao ngạo… khỏi sự đam mê… khỏi sự xao lãng… khỏi tất cả ô nhiễm… khỏi tất cả uế hạnh… khỏi mọi sự lo lắng… khỏi mọi sự bực bội… khỏi mọi sự nóng nảy… khỏi tất cả các pháp tạo tác bất thiện; đức Thế Tôn tự tại với ý nghĩa “đã giải thoát” nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn tự tại với việc diễn giải điều ấy nghĩa là thế nào? Đức Thế Tôn khi giới hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có giới”; khi tín hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có tín”; khi tấn hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có tấn”; khi niệm hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có niệm”; khi định hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta định tĩnh”; khi tuệ hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có tuệ”; khi minh hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có ba minh”; khi thắng trí hiện diện, tự tại với việc diễn giải điều ấy rằng: “Ta có sáu thắng trí”, đức Thế Tôn tự tại với việc diễn giải điều ấy nghĩa là như vậy.

“Ngài, đức Phật, bậc Không Nương Nhờ, đấng Tự Tại” là như thế.

Vị Không Gạt Gẫm, bậc Có Đồ Chúng đã đi đến.

Không gạt gẫm: Có ba kiểu cách gạt gẫm: Kiểu cách gạt gẫm liên quan đến việc sử dụng [bốn món] vật dụng, kiểu cách gạt gẫm liên quan đến các oai nghi, kiểu cách gạt gẫm liên quan đến việc nói gần nói xa.

Kiểu cách gạt gẫm liên quan đến việc sử dụng [bốn món] vật dụng là kiểu cách nào? Ở đây, các gia chủ thỉnh mời vị Tỳ-khưu về y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, và vật dụng là thuốc men chữa bệnh. Vị ấy có ước muốn xấu xa, bị thúc đẩy bởi ước muốn, có sự tầm cầu, do sự mong muốn được nhiều hơn về y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, và vật dụng là thuốc men chữa bệnh, rồi từ chối y phục, từ chối đồ ăn khất thực, từ chối chỗ nằm ngồi, từ chối vật dụng là thuốc men chữa bệnh. Vị ấy đã nói như sau: “Lợi ích gì cho vị Sa-môn với y phục đắt giá? Điều đúng đắn là vị Sa-môn nên nhặt các mảnh vải từ bãi tha ma, hoặc từ đống rác, hoặc từ vải bỏ của tiệm vải, rồi làm y hai lớp và mặc vào. Lợi ích gì cho vị Sa-môn với đồ ăn khất thực đắt giá? Điều đúng đắn là vị Sa-môn nên duy trì mạng sống bằng vắt thức ăn do việc đi khất thực. Lợi ích gì cho vị Sa-môn với chỗ nằm ngồi đắt giá? Điều đúng đắn là vị Sa-môn nên ngụ ở gốc cây, hoặc là ngụ ở mộ địa, hoặc là ngụ ở ngoài trời. Lợi ích gì cho vị Sa-môn với vật dụng là thuốc men chữa bệnh đắt giá? Điều đúng đắn là vị Sa-môn nên chế tạo thuốc men với nước tiểu bò hoặc với mẩu cây harītakī.” Từ đó trở đi, vị ấy mặc y thô tệ, ăn đồ ăn khất thực thô tệ, sử dụng chỗ nằm ngồi thô tệ, sử dụng vật dụng là thuốc men chữa bệnh thô tệ. Các gia chủ biết về vị ấy như vầy:

“Vị Sa-môn này ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách biệt, không giao du, có sự ra sức tinh tấn, thuyết về hạnh từ khước”, rồi thỉnh mời [vị ấy] về y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, và vật dụng là thuốc men chữa bệnh nhiều hơn nữa. Vị ấy đã nói như sau: “Do sự hiện diện của ba pháp, người thiện tín tạo ra nhiều phước báu; do sự hiện diện của đức tin, người thiện tín tạo ra nhiều phước báu; do sự hiện diện của vật thí, người thiện tín tạo ra nhiều phước báu; do sự hiện diện của các bậc xứng đáng được cúng dường, người thiện tín tạo ra nhiều phước báu. Và các người là có đức tin, có vật thí, còn tôi là người thọ nhận. Nếu tôi không thọ nhận, như vậy các người sẽ mất phần phước báu. Không có lợi ích gì cho tôi với việc này, nhưng vì lòng thương tưởng đến các người mà tôi thọ nhận.” Từ đó trở đi, vị ấy thọ nhận nhiều y phục, thọ nhận nhiều đồ ăn khất thực, thọ nhận nhiều chỗ nằm ngồi, thọ nhận nhiều vật dụng là thuốc men chữa bệnh. Những sự nhíu mày có hình thức như vậy là trạng thái nhíu mày, sự gạt gẫm, thái độ gạt gẫm, trạng thái gạt gẫm; đây là kiểu cách gạt gẫm liên quan đến việc sử dụng [bốn món] vật dụng.

Kiểu cách gạt gẫm liên quan đến các oai nghi là kiểu cách nào? Ở đây, một vị [Tỳ-khưu] nào đó có ước muốn xấu xa, bị thúc đẩy bởi ước muốn, mong muốn sự tôn kính, [nghĩ rằng:] “Như vầy mọi người sẽ tôn kính ta”, rồi tạo dáng đi, tạo dáng đứng, tạo dáng ngồi, tạo dáng nằm, lập nguyện rồi mới đi, lập nguyện rồi mới đứng, lập nguyện rồi mới ngồi, lập nguyện rồi mới nằm, đi như là đã đắc định, đứng như là đã đắc định, ngồi như là đã đắc định, nằm như là đã đắc định, là người tham thiền giữa công chúng. Những việc tạo dáng ra vẻ nghiêm trang của các oai nghi có hình thức như vậy là biểu hiện tạo dáng, việc tạo dáng, sự nhíu mày, trạng thái nhíu mày, sự gạt gẫm, thái độ gạt gẫm, trạng thái gạt gẫm; đây là kiểu cách gạt gẫm liên quan đến các oai nghi.

Kiểu cách gạt gẫm liên quan đến việc nói gần nói xa là kiểu cách nào? Ở đây, một vị [Tỳ-khưu] nào đó có ước muốn xấu xa, bị thúc đẩy bởi ước muốn, mong muốn sự tôn kính, [nghĩ rằng:] “Như vầy mọi người sẽ tôn kính ta”, rồi nói lời liên quan đến Thánh pháp. Nói rằng: “Vị nào mặc y như vầy, vị ấy là Sa-môn có uy lực lớn.” Nói rằng: “Vị nào mang bình bát, mang bát nhỏ bằng đồng, mang bình nước, mang đồ lọc nước, mang chìa khóa, mang dép, mang dây thắt lưng, mang dây buộc, vị ấy là Sa-môn có uy lực lớn.” Nói rằng: “Vị nào có thầy tế độ như vầy, vị ấy là Sa-môn có uy lực lớn.” Nói rằng: “Vị nào có thầy dạy học… có các vị đồng thầy tế độ… có các vị đồng thầy dạy học… có các bạn bè… có các vị đồng quan điểm… có các vị thân thiết… có các vị thân hữu như vầy, vị ấy là Sa-môn có uy lực lớn.” Nói rằng: “Vị nào ngụ ở trú xá như vầy, vị ấy là Sa-môn có uy lực lớn.” Nói rằng: “Vị nào ngụ ở nhà một mái… ngụ ở tòa lâu đài… ngụ ở tòa nhà dài… ngụ ở hang động… ngụ ở thạch thất… ngụ ở cốc liêu… ngụ ở nhà mái nhọn… ngụ ở chòi canh… ngụ ở ngôi nhà tròn… ngụ ở căn lều… ngụ ở hội trường… ngụ ở mái che… ngụ ở gốc cây như vầy, vị ấy là Sa-môn có uy lực lớn.”

Hoặc là, vị giả nhân giả nghĩa, vị nhíu mặt nhăn mày, vị gạt gẫm lừa dối, vị tỉ tê nài nỉ, thể hiện ở khuôn mặt [để người khác hiểu lầm rằng]: “Vị Sa-môn này đã đạt được các sự thể nhập an tịnh có hình thức như thế này”, rồi thuyết bài giảng thâm sâu, bí hiểm, vi tế, ẩn tàng, vô thượng ở thế gian, gắn liền với không tánh, tương đương với pháp ấy. Những sự nhíu mày có hình thức như vậy là trạng thái nhíu mày, sự gạt gẫm, thái độ gạt gẫm, trạng thái gạt gẫm; đây là kiểu cách gạt gẫm liên quan đến việc nói gần nói xa.

Đối với đức Phật Thế Tôn, ba kiểu cách gạt gẫm này đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ, vì thế đức Phật là vị không gạt gẫm. “Vị không gạt gẫm” là như thế.

Bậc Có Đồ Chúng đã đi đến.

Bậc Có Đồ Chúng: Đức Thế Tôn là bậc Có Đồ Chúng; “vị thầy của đồ chúng” là bậc có đồ chúng; “bậc Đạo Sư của đồ chúng” là bậc có đồ chúng; “vị chăm nom đồ chúng” là bậc có đồ chúng; “vị giáo huấn đồ chúng” là bậc có đồ chúng; “vị chỉ dạy đồ chúng” là bậc có đồ chúng; “vị tự tin tiếp cận đồ chúng” là bậc có đồ chúng; “đối với Ngài, đồ chúng lắng nghe, lóng tai nghe, thiết lập tâm mong muốn hiểu biết” là bậc có đồ chúng; “vị đưa đồ chúng ra khỏi bất thiện pháp và sách tấn thiện pháp” là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng Tỳ-khưu là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng Tỳ-khưu-ni là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng nam cư sĩ là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng nữ cư sĩ là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng vua chúa là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng Sát-đế-lỵ là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng Bà-la-môn là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng thương buôn là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng nô lệ là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng chư thiên là bậc có đồ chúng; vị có đồ chúng Phạm thiên là bậc có đồ chúng; vị có hội chúng là bậc có đồ chúng, là vị thầy của đồ chúng.

Đã đi đến: Đã đi đến, đã đi đến gần, đã tiến đến gần, đã đạt đến thành Saṅkassa.

“Vị Không Gạt Gẫm, bậc Có Đồ Chúng đã đi đến” là như thế.

Cho số đông đã được gắn bó ở nơi này.

Cho số đông: Là cho số đông các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, các thương buôn, các nô lệ, các người tại gia, các bậc xuất gia, chư thiên và loài người.

Đã được gắn bó: Những người tùy tùng, những người hầu cận, những người học trò đã được gắn bó.

“Cho số đông đã được gắn bó ở nơi này” là như thế.

Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến: Là người có nhu cầu với câu hỏi, con đã đi đến; có ý muốn hỏi câu hỏi, con đã đi đến; có ý muốn nghe câu hỏi, con đã đi đến. “Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến” là như vậy. Hoặc là, có sự đi đến, sự tiến đến, sự đến gần, sự ngồi gần của những người có nhu cầu về câu hỏi, của những người có ý muốn hỏi câu hỏi, của những người có ý muốn nghe câu hỏi. “Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến” còn là như vậy. Hoặc là, Ngài có sự hiểu biết về câu hỏi, Ngài cũng có năng lực, Ngài có khả năng để thuyết giảng, để giải thích điều được hỏi bởi con, Ngài hãy dời di gánh nặng này.

“Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến” còn là như vậy.

Vì thế, Trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Với ý định [hỏi] câu hỏi cho số đông đã được gắn bó ở nơi này, con đã đi đến gặp Ngài, đức Phật, bậc Không Nương Nhờ, đấng Tự Tại, vị Không Gạt Gẫm, bậc Có Đồ Chúng đã đi đến.”

16.4. Đối với vị Tỳ-khưu đang nhờm gớm [sanh, già, bệnh, chết, v.v...] đang thân cận chỗ ngồi trống vắng, gốc cây, hoặc mộ địa, hoặc ở các hang động của những ngọn núi.

Đối với vị Tỳ-khưu đang nhờm gớm.

Đối với vị Tỳ-khưu: Đối với vị Tỳ-khưu phàm nhân tốt lành hoặc đối với vị Tỳ-khưu là bậc Hữu học.

Đang nhờm gớm: Đang nhờm gớm với sanh, đang nhờm gớm với già,… với bệnh,… với chết,… với các nỗi sầu-bi-khổ-ưu-não; đang nhờm gớm với khổ ở địa ngục, với khổ ở loài thú, với khổ ở thân phận ngạ quỷ, với khổ của loài người, với khổ bắt nguồn từ việc nhập thai, với khổ bắt nguồn từ việc trụ thai, với khổ bắt nguồn từ việc ra khỏi thai, với khổ gắn liền sau khi sanh ra, với khổ do kẻ khác áp đặt sau khi sanh ra, với khổ do sự ra sức của bản thân, với khổ do sự ra sức của kẻ khác, với khổ do [thọ] khổ, với khổ do pháp tạo tác, với khổ do sự biến đổi; với khổ do bệnh ở mắt, với khổ do bệnh ở tai trong, với khổ do bệnh ở mũi, với khổ do bệnh ở lưỡi, với khổ do bệnh ở thân, với khổ do bệnh ở đầu, với khổ do bệnh ở lỗ tai, với khổ do bệnh ở miệng, với khổ do bệnh ở răng, với ho, với suyễn, với sổ mũi, với nhiệt, với cảm sốt, với đau bụng, với xây xẩm, với kiết lỵ, với đau bụng bão, với dịch tả, với phong cùi, với khối u, với bệnh chàm, với lao phổi, với động kinh, với mụt, với nhọt, với ghẻ ngứa, với sảy, với loét tay chân, với máu và mật, với bệnh tiểu đường, với bệnh trĩ, với ghẻ lở, với loét hậu môn, với bệnh phát khởi từ mật, với bệnh phát khởi từ đàm, với bệnh phát khởi từ gió, với bệnh tổng hợp [do mật-đàm-gió], với bệnh sanh lên vì thay đổi thời tiết, với bệnh sanh lên vì bốn oai nghi không đồng đều, với bệnh thuộc dạng cấp tính, với bệnh sanh lên vì quả của nghiệp, với lạnh, với nóng, với đói, với khát, với đại tiện, với tiểu tiện; với khổ bởi các xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, nắng và các loài bò sát; với khổ do cái chết của mẹ, với khổ do cái chết của cha, với khổ do cái chết của anh [em] trai… do cái chết của chị [em] gái… do cái chết của con trai… do cái chết của con gái… do cái chết của thân quyến… do sự tổn hại về của cải… do sự tổn hại vì bệnh tật… do sự tổn hại về giới… đang nhờm gớm với khổ do sự tổn hại về kiến thức, đang bị phiền phức, đang chán nản, đang chán ghét.

“Đối với vị Tỳ-khưu đang nhờm gớm” là như thế.

Đang thân cận chỗ ngồi trống vắng.

Chỗ ngồi: Nói đến nơi nào vị ấy ngồi xuống, là cái giường, cái ghế, nệm, thảm đan, tấm da thú, thảm cỏ, thảm lá, thảm rơm. Chỗ ngồi ấy là trống vắng, tách biệt, tách rời với việc thấy các cảnh sắc không thích hợp; là trống vắng, tách biệt, tách rời với việc nghe các âm thanh không thích hợp; là trống vắng, tách biệt, tách rời với năm loại dục không thích hợp. Trong khi thân cận, trong khi gần gũi, trong khi phục vụ, trong khi phục dịch, trong khi kề cận, trong khi sử dụng chỗ ngồi tách biệt ấy.

“Đang thân cận chỗ ngồi trống vắng” là như thế.

Gốc cây, hoặc mộ địa: Gốc cây chỉ là gốc cây; mộ địa chỉ là mộ địa.

“Gốc cây, hoặc mộ địa” là như thế.

Hoặc ở các hang động của những ngọn núi: Ngọn núi chỉ là ngọn núi; hốc núi chỉ là hốc núi; hang núi chỉ là hang núi; những chỗ bên trong ngọn núi được gọi là các vùng bụng của ngọn núi.

“Hoặc ở các hang động của những ngọn núi” là như thế.

Vì thế, Trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Đối với vị Tỳ-khưu đang nhờm gớm [sanh, già, bệnh, chết, v.v...] đang thân cận chỗ ngồi trống vắng, gốc cây, hoặc mộ địa, hoặc ở các hang động của những ngọn núi.”

16.5. Ở những chỗ trú ngụ cao thấp, có bao nhiêu sự khiếp đảm ở nơi ấy mà vị Tỳ-khưu không nên run rẩy bởi chúng ở chỗ nằm ngồi không tiếng động?

Ở những chỗ trú ngụ cao thấp.

Ở những chỗ cao thấp: Ở những chỗ cao thấp là ở những chỗ thấp kém hoặc cao sang, ở những chỗ tốt đẹp hoặc xấu xa.

Chỗ trú ngụ: Nói đến trú xá, nhà một mái, tòa lâu đài, tòa nhà dài, hang động.

“Ở những chỗ trú ngụ cao thấp” là như thế.

Có bao nhiêu sự khiếp đảm ở nơi ấy.

Kuvanto: Là đang la lớn, đang kêu la, đang thét lên, đang tạo ra âm thanh. Hoặc là, kīvanto: Là có bao nhiêu, ước lượng bao nhiêu, xác định bao nhiêu, nhiều đến bao nhiêu các sự khiếp đảm ấy? Là các con sư tử, hổ, báo, gấu, chó rừng, chó sói, trâu rừng, voi, rắn, bò cạp, rết, hoặc có thể là các kẻ cướp hay những kẻ tàn bạo có hành động gây sự hoặc chưa có hành động gây sự.

“Có bao nhiêu sự khiếp đảm ở nơi ấy” là như thế.

Mà vị Tỳ-khưu không nên run rẩy bởi chúng.

Bởi chúng: Bởi những sự khiếp đảm ấy; sau khi nhìn thấy hoặc sau khi nghe được các sự khiếp đảm thì không nên run rẩy, không nên chấn động, không nên rúng động, không nên run sợ, không nên khiếp sợ, không nên hoảng sợ, không nên sợ hãi, không nên rơi vào sự kinh sợ; nên có tánh không nhút nhát, không kinh hãi, không sợ sệt, không trốn chạy, [vị Tỳ-khưu] nên sống có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ, có sự rởn lông đã được xa lìa.

“Mà vị Tỳ-khưu không nên run rẩy bởi chúng” là như thế.

Ở chỗ nằm ngồi không tiếng động: Là ở trú xứ có ít âm thanh, ít tiếng ồn, có bầu không gian vắng vẻ, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh.

“Ở chỗ nằm ngồi không tiếng động” là như thế.

Vì thế, Trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Ở những chỗ trú ngụ cao thấp, có bao nhiêu sự khiếp đảm ở nơi ấy mà vị Tỳ-khưu không nên run rẩy bởi chúng ở chỗ nằm ngồi không tiếng động?”

16.6. Đối với vị đang đi đến khu vực chưa từng đi đến,

Có bao nhiêu hiểm họa ở thế gian

Mà vị Tỳ-khưu cần khắc phục chúng

Ở các chỗ nằm ngồi xa vắng?

Có bao nhiêu hiểm họa ở thế gian.

Có bao nhiêu: Có bao nhiêu là ước lượng bao nhiêu, xác định bao nhiêu, nhiều đến bao nhiêu các hiểm họa ấy? Có hai loại hiểm họa: Hiểm họa hiển hiện và hiểm họa khuất lấp.

Các điều nào là hiểm họa hiển hiện? Các con sư tử, hổ, báo, gấu, chó rừng, chó sói, trâu rừng, voi, rắn, bò cạp, rết, hoặc có thể là các kẻ cướp hay những kẻ tàn bạo có hành động gây sự hoặc chưa có hành động gây sự; bệnh ở mắt, bệnh ở tai trong, bệnh ở mũi, bệnh ở lưỡi, bệnh ở thân, bệnh ở đầu, bệnh ở lỗ tai, bệnh ở miệng, bệnh ở răng, ho, suyễn, sổ mũi, nhiệt, cảm sốt, đau bụng, xây xẩm, kiết lỵ, đau bụng bão, dịch tả, phong cùi, khối u, bệnh chàm, lao phổi, động kinh, mụt, nhọt, ghẻ ngứa, sảy, loét tay chân, máu và mật, bệnh tiểu đường, bệnh trĩ, ghẻ lở, loét hậu môn, bệnh phát khởi từ mật, bệnh phát khởi từ đàm… (nt)… lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, các xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, nắng và các loài bò sát. Các điều này được gọi là hiểm họa hiển hiện.

Các điều nào là hiểm họa khuất lấp? Uế hạnh về thân, uế hạnh về khẩu, uế hạnh về ý, pháp che lấp “mong muốn về dục”, pháp che lấp “sân hận”, pháp che lấp “dã dượi buồn ngủ”, pháp che lấp “phóng dật và hối hận”, pháp che lấp “hoài nghi”, sự luyến ái, sân, si mê, giận dữ, thù hằn, gièm pha, ác ý, ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá, lừa gạt, bướng bỉnh, hung hăng, ngã mạn, cao ngạo, đam mê, xao lãng, tất cả ô nhiễm, tất cả uế hạnh, mọi sự lo lắng, mọi sự bực bội, mọi sự nóng nảy, tất cả các pháp tạo tác bất thiện. Các điều này được gọi là hiểm họa khuất lấp.

Các hiểm họa: Các hiểm họa với ý nghĩa gì? Các hiểm họa bởi vì “chúng áp chế”, các hiểm họa bởi vì “chúng đưa đến sự suy giảm”, các hiểm họa bởi vì “nơi ấy là chỗ trú.”

Các hiểm họa bởi vì “chúng áp chế” nghĩa là thế nào? Các hiểm họa ấy khống chế, áp chế, ngự trị, đè bẹp, trấn áp, chà đạp cá nhân ấy. Các hiểm họa bởi vì “chúng áp chế” nghĩa là như vậy.

Các hiểm họa bởi vì “chúng đưa đến sự suy giảm” nghĩa là thế nào? Các hiểm họa ấy đưa đến sự nguy hiểm, đến sự suy giảm đối với các thiện pháp. Đối với các thiện pháp nào? Đối với sự thực hành đúng đắn, đối với sự thực hành phù hợp, đối với sự thực hành không trái ngược, đối với sự thực hành không đối chọi, đối với sự thực hành đưa đến lợi ích, đối với sự thực hành đúng pháp và thuận pháp, đối với việc làm đầy đủ các giới, đối với việc phòng vệ các giác quan, đối với việc biết chừng mực về vật thực, đối với sự luyện tập về tỉnh thức, đối với niệm và sự nhận biết rõ, đối với sự chuyên cần tu tập bốn sự thiết lập niệm, đối với sự chuyên cần tu tập bốn chánh cần,… bốn nền tảng của thần thông,… năm quyền,… năm lực,… bảy yếu tố đưa đến giác ngộ,… đạo lộ Thánh thiện tám chi phần; chúng đưa đến sự nguy hiểm, đến sự suy giảm đối với các thiện pháp này. Các hiểm họa bởi vì “chúng đưa đến sự suy giảm” nghĩa là như vậy.

Các hiểm họa bởi vì “nơi ấy là chỗ trú” nghĩa là thế nào? Các ác bất thiện pháp này sanh lên ở nơi ấy thì có bản ngã [của người ấy] là nơi nương tựa. Giống như các sinh vật “có hang là chỗ trú” thì ngụ ở hang, các sinh vật có “nước là chỗ trú” thì ngụ ở nước, các sinh vật “có rừng là chỗ trú” thì ngụ ở rừng, các sinh vật “có cây cối là chỗ trú” thì ngụ ở cây cối; tương tự như vậy, các ác bất thiện pháp này sanh lên ở nơi ấy thì có bản ngã [của người ấy] là nơi nương tựa. Các hiểm họa bởi vì “nơi ấy là chỗ trú” còn là như vậy.

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu có học trò, có thầy dạy học, sống khổ sở không thoải mái. Và này các Tỳ-khưu, thế nào là vị Tỳ-khưu có học trò, có thầy dạy học, sống khổ sở không thoải mái?

Này các Tỳ-khưu, ở đây, đối với vị Tỳ-khưu, sau khi nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, các ác bất thiện pháp nào có sự di chuyển [ở các đối tượng] và có sự tư duy đưa đến sự ràng buộc sanh khởi đến vị ấy, các ác bất thiện pháp ấy trú ngụ, chiếm ngự bên trong vị ấy; vì thế được gọi là “có học trò.” Chúng chi phối vị ấy, “các ác bất thiện pháp chi phối vị ấy”; vì thế được gọi là “có thầy dạy học.” Và thêm nữa, này các Tỳ-khưu, đối với vị Tỳ-khưu, sau khi nghe âm thanh bằng tai,… (nt)… sau khi ngửi hương bằng mũi,… (nt)… sau khi nếm vị bằng lưỡi,… (nt)… sau khi xúc chạm bằng thân,… (nt)… sau khi nhận thức pháp bằng ý, các ác bất thiện pháp nào có sự di chuyển [ở các đối tượng] và có sự tư duy đưa đến sự ràng buộc sanh khởi đến vị ấy, các ác bất thiện pháp ấy trú ngụ, chiếm ngự bên trong vị ấy; vì thế được gọi là “có học trò.” Chúng chi phối vị ấy, “các ác bất thiện pháp chi phối vị ấy”; vì thế được gọi là “có thầy dạy học.” Này các Tỳ-khưu, quả là như vậy, vị Tỳ-khưu có học trò, có thầy dạy học, sống khổ sở không thoải mái. Các hiểm họa bởi vì “nơi ấy là chỗ trú” còn là như vậy.

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Này các Tỳ-khưu, có ba pháp này là các vết nhơ bên trong, các kẻ thù bên trong, các đối thủ bên trong, các kẻ giết chóc bên trong, các kẻ đối nghịch bên trong. Ba pháp nào? Này các Tỳ-khưu, tham là vết nhơ bên trong, kẻ thù bên trong, đối thủ bên trong, kẻ giết chóc bên trong, kẻ đối nghịch bên trong. Này các Tỳ-khưu, sân… (nt)… Này các Tỳ-khưu, si là vết nhơ bên trong, kẻ thù bên trong, đối thủ bên trong, kẻ giết chóc bên trong, kẻ đối nghịch bên trong. Thật vậy, này các Tỳ-khưu, ba pháp này là các vết nhơ bên trong, các kẻ thù bên trong, các đối thủ bên trong, các kẻ giết chóc bên trong, các kẻ đối nghịch bên trong.”

1. “Tham là sự sanh ra điều không lợi ích, tham là sự rối loạn của tâm. Người đời không thấu hiểu sự nguy hiểm ấy đã được sanh ra từ bên trong.

2. Người bị khởi tham không biết được điều lợi ích, người bị khởi tham không nhìn thấy lý lẽ. Tham khống chế người nào, lúc ấy có sự mù quáng tối tăm hiện diện.

3. Sân là sự sanh ra điều không lợi ích, sân là sự rối loạn của tâm. Người đời không thấu hiểu sự nguy hiểm ấy đã được sanh ra từ bên trong.

4. Người bị nóng giận không biết được điều lợi ích, người bị nóng giận không nhìn thấy lý lẽ. Sự nóng giận khống chế người nào, lúc ấy có sự mù quáng tối tăm hiện diện.

5. Si là sự sanh ra điều không lợi ích, si là sự rối loạn của tâm. Người đời không thấu hiểu sự nguy hiểm ấy đã được sanh ra từ bên trong.

6. Người bị si mê không biết được điều lợi ích, người bị si mê không nhìn thấy lý lẽ. Si khống chế người nào, lúc ấy có sự mù quáng tối tăm hiện diện.”

Các hiểm họa bởi vì “nơi ấy là chỗ trú” còn là như vậy.

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Tâu Đại vương, quả thật có ba pháp được sanh lên thuộc nội phần; chúng sanh lên đem đến sự bất lợi, sự khổ đau, sự sống không thoải mái cho con người. Ba pháp nào? Tham, tâu Đại vương, quả thật là pháp được sanh lên thuộc nội phần; nó sanh lên đem đến sự bất lợi, sự khổ đau, sự sống không thoải mái cho con người. Sân, tâu Đại vương, quả thật… (nt)... Si, tâu Đại vương, quả thật là pháp được sanh lên thuộc nội phần; nó sanh lên đem đến sự bất lợi, sự khổ đau, sự sống không thoải mái cho con người. Tâu Đại vương, quả thật ba pháp này được sanh lên thuộc nội phần, chúng sanh lên đem đến sự bất lợi, sự khổ đau, sự sống không thoải mái cho con người.”

7. “Tham, sân và si, hiện hữu ở bản thân, hãm hại người có tâm ý xấu xa, tựa như việc kết trái hãm hại cây tre.”

Các hiểm họa bởi vì “nơi ấy là chỗ trú” còn là như vậy.

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

8. “Luyến ái, sân hận và si mê có căn nguyên từ nơi [bản ngã] này.

    Ghét, thương, sự rởn lông sanh lên từ nơi [bản ngã] này.

    Sự suy tư của tâm có nguồn sanh khởi từ nơi [bản ngã] này,

    Tựa như những bé trai buông lơi con quạ [bị cột chân bởi sợi chỉ dài].”

Các hiểm họa bởi vì “nơi ấy là chỗ trú” còn là như vậy.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh,… (nt)… ở thế gian của các xứ.

“Có bao nhiêu hiểm họa ở thế gian” là như thế.

Đối với vị đang đi đến khu vực chưa từng đi đến.

Khu vực chưa từng đi đến: Nói đến bất tử, Niết-bàn, là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn. Khu vực ấy trước đây chưa đi đến, khu vực ấy đã không được đi đến trước đây trong thời gian dài này.

9. “Giống như người mang cái bát dầu được chứa đầy ngang tới miệng đi vòng quanh, người đang ước nguyện khu vực trước đây chưa đi đến [Niết-bàn] nên hộ trì tâm của mình như vậy.”[6]

Đối với vị đang tiến đến, đang đi đến, đang tiến về khu vực trước đây chưa đi đến.

“Đối với vị đang đi đến khu vực chưa từng đi đến” là như thế.

Mà vị Tỳ-khưu cần khắc phục chúng.

Chúng: Những hiểm họa mà vị [Tỳ-khưu] cần khắc phục, cần ngự trị, cần đè bẹp, cần trấn áp, cần chà đạp.

“Mà vị Tỳ-khưu cần khắc phục chúng” là như thế.

Ở các chỗ nằm ngồi xa vắng: Ở nơi cuối cùng, ở nơi xa vắng, ở vùng ranh giới, hoặc ở rìa của núi đá, hoặc ở mép rừng, hoặc ở cuối sông, hoặc ở bờ nước, nơi không được cày bừa, không được gieo hạt, ở trú xứ vượt qua khỏi mép rừng không người lai vãng.

“Ở các chỗ nằm ngồi xa vắng” là như thế.

Vì thế, Trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Đối với vị đang đi đến khu vực chưa từng đi đến,

Có bao nhiêu hiểm họa ở thế gian

Mà vị Tỳ-khưu cần khắc phục chúng

Ở các chỗ nằm ngồi xa vắng?”

16.7. Đối với vị này, cách thức nói năng nên là như thế nào?

Đối với vị này, hành xứ ở đây nên là như thế nào?

Đối với vị Tỳ-khưu có bản tánh cương quyết,

Giới và phận sự [của vị này] nên là như thế nào?

Đối với vị này, cách thức nói năng nên là như thế nào? Là hỏi về sự thanh tịnh của khẩu rằng: “Nên có cách thức nói năng như thế nào, được tồn tại thế nào, có kiểu cách gì, có biểu hiện gì?” Sự thanh tịnh của khẩu là thế nào? Ở đây, vị Tỳ-khưu sau khi dứt bỏ việc nói dối, là người tránh xa việc nói dối, có lời nói chân thật, liên quan đến sự thật, chắc chắn, đáng tin, không dối gạt thế gian; sau khi dứt bỏ lời nói đâm thọc, là người tránh xa lời nói đâm thọc; sau khi nghe ở chỗ này, không là người nói lại ở chỗ kia nhằm chia rẽ những người này, hoặc là sau khi nghe ở chỗ kia, không là người nói lại cho những người này nhằm chia rẽ những người kia; như vậy là người kết hợp những kẻ đã bị chia rẽ, là người khuyến khích những kẻ hòa hợp, là người thỏa thích việc hợp nhất, thích thú việc hợp nhất, hân hoan việc hợp nhất, là người nói lời tạo ra sự hợp nhất; sau khi dứt bỏ lời nói thô lỗ, là người tránh xa lời nói thô lỗ; lời nói nào là dịu ngọt, êm tai, đáng yêu, đi vào tim, tao nhã, làm đẹp lòng nhiều người, làm hợp ý nhiều người, là người nói lời có hình thức như thế. Sau khi dứt bỏ việc nói nhảm nhí, là người tránh xa việc nói nhảm nhí, là người nói đúng thời, nói về sự thật, nói về mục đích, nói về Pháp, nói về Luật, là người nói lời có giá trị, hợp thời, có lý lẽ, có chủ đề, liên quan đến mục đích. Là người được thành tựu bốn thiện hạnh về khẩu, [vị ấy] nói lời nói tránh xa bốn sự sai trái, là vị đã tránh khỏi ba mươi hai việc nói phù phiếm, đã xa lánh, đã tránh xa, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn. Là người nói về mười đề tài nói chuyện, như là nói về ít ham muốn, nói về sự tự biết đủ, nói về viễn ly, nói về không giao du, nói về sự ra sức tinh tấn, nói về giới, nói về định, nói về tuệ, nói về giải thoát, nói về sự biết và thấy về giải thoát, nói về sự thiết lập niệm, nói về chánh cần, nói về nền tảng của thần thông, nói về quyền, nói về lực, nói về yếu tố đưa đến giác ngộ, nói về Đạo, nói về Quả, nói về Niết-bàn; là người đã kiềm chế ở lời nói, đã cố sức, đã kiềm giữ, đã bảo vệ, đã gìn giữ, đã hộ trì, đã thu thúc.

“Đối với vị này, cách thức nói năng nên là như thế nào?” là như thế.

Đối với vị này, hành xứ ở đây nên là như thế nào? Là hỏi về hành xứ rằng: “Nên có hành xứ như thế nào, được tồn tại thế nào, có kiểu cách gì, có biểu hiện gì?” Có nơi là hành xứ, có nơi là không phải hành xứ.

Nơi không phải hành xứ là nơi nào? Ở đây, một vị [Tỳ-khưu] nào đó có kỹ nữ là hành xứ, hoặc có góa phụ là hành xứ, hoặc có gái lỡ thời là hành xứ, hoặc có người vô căn là hành xứ, hoặc có Tỳ-khưu-ni là hành xứ, hoặc có quán rượu là hành xứ, sống gắn bó với các vị vua, với các quan đại thần của vua, với các ngoại đạo, với các đệ tử của ngoại đạo bằng sự kết giao không thích hợp. Hoặc hơn nữa, những gia đình nào là không có đức tin, không tịnh tín, không như là giếng nước, là những kẻ sỉ vả, là những kẻ chê bai, là những kẻ không mong muốn điều tốt đẹp, không mong muốn điều lợi ích, không mong muốn sự thoải mái, không mong muốn sự an toàn trong mối ràng buộc đối với các vị Tỳ-khưu, đối với các vị Tỳ-khưu-ni, đối với các cận sự nam, đối với các cận sự nữ; vị ấy phục vụ, thân cận, gần gũi các gia đình có hình thức như thế. Điều này được gọi là không phải hành xứ.

Hoặc là, khi đã vào đến xóm nhà, lúc đi theo con đường, vị [Tỳ-khưu] đi không thu thúc: Vị ấy vừa đi vừa nhìn voi, nhìn ngựa, nhìn xe, nhìn người đi bộ, nhìn các phụ nữ, nhìn các nam nhân, nhìn các cô gái, nhìn các cậu trai, nhìn các cửa tiệm, nhìn mặt tiền của các căn nhà, nhìn lên, nhìn xuống, nhìn xem hướng chính hướng phụ. Điều này được gọi là không phải hành xứ.

Hoặc là, sau khi nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, vị ấy có sự nắm giữ hình tướng, có sự nắm giữ chi tiết. Do nguyên nhân nào mà vị ấy… (nt)… có ý quyền không được thu thúc trong khi sống, khiến các sự tham đắm, ưu phiền, các ác bất thiện pháp có thể xâm nhập; vị ấy không thực hành sự thu thúc đối với nguyên nhân ấy, không hộ trì nhãn quyền, không tiến hành sự thu thúc ở ý quyền. Điều này được gọi là không phải hành xứ.

Hoặc hơn nữa, một số Tôn giả Sa-môn và Bà-la-môn, sau khi thọ thực các bữa ăn được bố thí do đức tin, các vị ấy lại sống, đeo đuổi việc xem trình diễn có hình thức như vầy: Tức là múa, hát, đờn, vũ hội, nghe kể chuyện, vỗ tay theo nhịp, đánh chiêng, đánh trống, biểu diễn thời trang, trò chơi với banh sắt, trò tung hứng tre, lễ bốc mộ, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò mộng, đấu bò đực, đấu dê, đấu cừu, đấu gà, đấu chim cút, đấu gậy, đánh bốc, đấu vật, tập trận, dàn quân, đóng quân, xem sự điều quân, hoặc là như thế. Vị ấy đeo đuổi việc xem trình diễn có hình thức như thế ấy. Điều này được gọi là không phải hành xứ. Năm loại dục cũng là không phải hành xứ.

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Này các Tỳ-khưu, các ngươi chớ du hành ở nơi không phải hành xứ, ở lãnh vực của kẻ thù. Này các Tỳ-khưu, đối với kẻ đang du hành ở nơi không phải hành xứ, ở lãnh vực của kẻ thù, Ma vương sẽ có được cơ hội, Ma vương sẽ có được đối tượng. Và này các Tỳ-khưu, đối với vị Tỳ-khưu, cái gì là không phải hành xứ, là lãnh vực của kẻ thù? Tức là năm loại dục. Năm loại nào? Các sắc được nhận thức bởi mắt là đáng mong, đáng muốn, đáng mến, đáng yêu, liên hệ đến dục, gợi tình; các thinh được nhận thức bởi tai… (nt)… các hương được nhận thức bởi mũi… (nt)… các vị được nhận thức bởi lưỡi… (nt)… các xúc được nhận thức bởi thân là đáng mong, đáng muốn, đáng mến, đáng yêu, liên hệ đến dục, gợi tình. Này các Tỳ-khưu, đối với vị Tỳ-khưu, nơi này là không phải hành xứ, là lãnh vực của kẻ thù.” Điều này cũng được gọi là không phải hành xứ.

Hành xứ là nơi nào? Ở đây, một vị [Tỳ-khưu] nào đó không có kỹ nữ là hành xứ, không có góa phụ là hành xứ, không có gái lỡ thời là hành xứ, không có người vô căn là hành xứ, không có Tỳ-khưu-ni là hành xứ, không có quán rượu là hành xứ, sống không gắn bó với các vị vua, với các quan đại thần của vua, với các ngoại đạo, với các đệ tử của ngoại đạo bằng sự kết giao không thích hợp. Hoặc hơn nữa, những gia đình nào là có đức tin, tịnh tín, như là giếng nước, có sự chói sáng bởi y ca-sa, có sự qua lại của các vị ẩn sĩ, là những người mong muốn điều tốt đẹp, mong muốn điều lợi ích, mong muốn sự thoải mái, mong muốn sự an toàn trong mối ràng buộc đối với các vị Tỳ-khưu, đối với các vị Tỳ-khưu-ni, đối với các cận sự nam, đối với các cận sự nữ, vị ấy phục vụ, thân cận, gần gũi các gia đình có hình thức như thế. Điều này được gọi là hành xứ.

Hoặc là, khi đã vào đến xóm nhà, lúc đi theo con đường, vị Tỳ-khưu thu thúc khi đi: Vị ấy không nhìn voi, không nhìn ngựa, không nhìn xe, không nhìn người đi bộ,… (nt)… không nhìn xem hướng chính hướng phụ lúc đi. Điều này được gọi là hành xứ. Hoặc là, sau khi nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, vị Tỳ-khưu không có sự nắm giữ hình tướng,… (nt)… tiến hành sự thu thúc ở ý quyền. Điều này được gọi là hành xứ. Hoặc hơn nữa, một số Tôn giả Sa-môn và Bà-la-môn, sau khi thọ thực các bữa ăn được bố thí do đức tin, rồi sống không đeo đuổi việc xem trình diễn có hình thức như vầy; tức là múa, hát, đờn,… (nt)… xem sự điều quân, hoặc là như thế. Vị ấy tránh xa việc xem trình diễn có hình thức như thế ấy. Điều này được gọi là hành xứ. Bốn sự thiết lập niệm cũng là hành xứ.

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Này các Tỳ-khưu, các ngươi hãy du hành ở hành xứ, ở lãnh vực thuộc về người cha của mình. Này các Tỳ-khưu, đối với người đang du hành ở hành xứ, ở lãnh vực thuộc về người cha của mình, Ma vương sẽ không có được cơ hội, Ma vương sẽ không có được đối tượng. Và này các Tỳ-khưu, đối với vị Tỳ-khưu, cái gì là hành xứ, là lãnh vực thuộc về người cha của mình? Tức là bốn sự thiết lập niệm. Bốn là gì? Này các Tỳ-khưu, ở đây vị Tỳ-khưu sống có sự quan sát thân trên thân,… (nt)… trên các thọ,… (nt)… trên tâm, sống có sự quan sát pháp trên các pháp, có nhiệt tâm, có sự nhận biết rõ rệt, có niệm, sau khi đã loại trừ tham đắm và ưu phiền ở thế gian. Này các Tỳ-khưu, đối với vị Tỳ-khưu, nơi này là hành xứ, là lãnh vực thuộc về người cha của mình. Điều này cũng được gọi là hành xứ. Nên là vị thành tựu hành xứ tương tự như thế này.”

“Đối với vị này, hành xứ ở đây nên là như thế nào?” là như thế.

Giới và phận sự nên là như thế nào? Nên là vị có giới và phận sự như thế nào? Là hỏi về sự thanh tịnh của giới và phận sự được tồn tại thế nào, có kiểu cách gì, có biểu hiện gì? Sự thanh tịnh của giới và phận sự là việc gì? Có việc là giới và còn là phận sự, có việc là phận sự mà không phải là giới. Việc nào là giới và còn là phận sự? Ở đây, vị Tỳ-khưu là người có giới, sống thu thúc với sự thu thúc trong Giới bổn (Pātimokkha), thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, thọ trì và thực hành trong các điều học. Việc nào, trong trường hợp ấy, là sự tự chế ngự, sự thu thúc, sự không vi phạm, việc này là giới. Cái nào là sự thọ trì, cái ấy là phận sự. Giới với ý nghĩa thu thúc, phận sự với ý nghĩa thọ trì. Việc này được gọi là giới và còn là phận sự. Việc nào là phận sự mà không phải là giới? Tám pháp từ khước: Pháp của vị ngụ ở rừng, pháp của vị chuyên đi khất thực, pháp của vị chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, pháp của vị chỉ sử dụng ba y, pháp của vị đi khất thực tuần tự theo từng nhà, pháp của vị không ăn vật thực dâng sau, pháp của vị chuyên về oai nghi ngồi (không nằm), pháp của vị ngụ ở chỗ đã được chỉ định; việc này được gọi là phận sự mà không phải là giới. Việc thọ trì sự tinh tấn được gọi là phận sự mà không phải là giới. Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Hãy sẵn lòng để cho còn lại chỉ da, gân, xương, hãy để cho thịt và máu ở thân xác khô cạn. Việc nào có thể đạt được với sức mạnh của người nam, với sức lực của người nam, với tinh tấn của người nam, với nỗ lực của người nam, khi còn chưa đạt được việc ấy thì sẽ không có ngừng lại sự tinh tấn.” Việc thọ trì sự tinh tấn có hình thức như vậy được gọi là phận sự mà không phải là giới.

Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Khi mũi tên tham ái chưa được nhổ lên, ta sẽ không ăn, ta sẽ không uống, ta không đi ra khỏi trú xá, ta cũng sẽ không nằm xuống một bên hông”; việc thọ trì sự tinh tấn có hình thức như vậy cũng được gọi là phận sự mà không phải là giới. Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Ta sẽ không lìa khỏi tư thế kiết-già này cho đến khi nào tâm của ta còn chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ”; việc thọ trì sự tinh tấn có hình thức như vậy được gọi là phận sự mà không phải là giới. Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Ta sẽ không đứng dậy khỏi chỗ ngồi, ta sẽ không bước khỏi đường kinh hành, ta sẽ không rời khỏi trú xá, ta sẽ không rời khỏi nhà một mái, ta sẽ không rời khỏi tòa lâu đài, ta sẽ không rời khỏi tòa nhà dài, ta sẽ không rời khỏi hang động, ta sẽ không rời khỏi thạch thất, ta sẽ không rời khỏi cốc liêu, ta sẽ không rời khỏi nhà mái nhọn, ta sẽ không rời khỏi chòi canh, ta sẽ không rời khỏi ngôi nhà tròn, ta sẽ không rời khỏi căn lều, ta sẽ không rời khỏi hội trường, ta sẽ không rời khỏi mái che, ta sẽ không rời khỏi gốc cây này cho đến khi nào tâm của ta còn chưa giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ”; việc thọ trì sự tinh tấn có hình thức như vậy được gọi là phận sự mà không phải là giới. Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Ta sẽ đem lại, ta sẽ hoàn tất, ta sẽ chứng đắc, ta sẽ chạm đến, ta sẽ chứng ngộ Thánh pháp ngay trong buổi sáng này”; việc thọ trì sự tinh tấn có hình thức như vậy được gọi là phận sự mà không phải là giới. Vị ra sức và xác định tâm rằng: “Ta sẽ đem lại, ta sẽ hoàn tất, ta sẽ chứng đắc, ta sẽ chạm đến, ta sẽ chứng ngộ Thánh pháp ngay trong buổi trưa… trong buổi chiều… trước bữa ăn… sau bữa ăn… vào canh đầu… vào canh giữa… vào canh cuối… vào hậu bán nguyệt… vào tiền bán nguyệt… vào mùa mưa… vào mùa lạnh… vào mùa nóng… ở chặng đầu của tuổi thọ… ở chặng giữa của tuổi thọ… ở chặng cuối của tuổi thọ này”; việc thọ trì sự tinh tấn có hình thức như vậy cũng được gọi là phận sự mà không phải là giới.

Điều này là sự thanh tịnh của giới và phận sự. Nên là vị thành tựu sự thanh tịnh của giới và phận sự như thế này.

“Giới và phận sự nên là như thế nào?” là như thế.

Đối với vị Tỳ-khưu có bản tánh cương quyết.

Đối với vị có bản tánh cương quyết: Đối với vị có sự ra sức tinh tấn, có sự dõng mãnh, có sự nỗ lực vững chãi, không buông bỏ mong muốn, không buông bỏ bổn phận trong các thiện pháp. Hoặc là, đối với vị tự mình đã dấn thân, vì mục đích của việc ấy mà vị [Tỳ-khưu] đã dấn thân [nhằm thấu triệt] về mục đích của bản thân [A-la-hán quả], về cách thức [Thánh đạo], về tướng trạng, về nguyên nhân, về tính chất hợp lý hay không hợp lý; đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Tất cả các hành là vô thường”; đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Tất cả các hành là khổ”; đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Tất cả các pháp là vô ngã”; đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Vô minh duyên cho các hành”;… (nt)… đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Sanh duyên cho lão, tử”; đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Do sự diệt tận của vô minh [đưa đến] sự diệt tận của các hành”;… (nt)… đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Do sự diệt tận của sanh [đưa đến] sự diệt tận của lão, tử”; đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Đây là khổ”;… (nt)… đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận khổ”; đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Đây là các lậu hoặc”;… (nt)… đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận các lậu hoặc”; đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Các pháp này cần được biết rõ”;… (nt)… đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Các pháp này cần được chứng ngộ”; đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt] nhân sanh khởi, sự tiêu hoại, sự hứng thú, sự bất lợi, sự thoát ra đối với sáu xúc xứ; đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt] nhân sanh khởi, sự tiêu hoại, sự hứng thú, sự bất lợi, sự thoát ra đối với năm thủ uẩn;… (nt)… đối với bốn yếu tố chính [đất, nước, lửa, gió]; đối với vị tự mình đã dấn thân [nhằm thấu triệt]: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Đối với vị Tỳ-khưu: Đối với vị Tỳ-khưu phàm nhân tốt lành, hoặc đối với vị Tỳ-khưu là bậc Hữu học.

“Đối với vị Tỳ-khưu có bản tánh cương quyết” là như thế.

Vì thế, Trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Đối với vị này, cách thức nói năng nên là như thế nào? Đối với vị này, hành xứ ở đây nên là như thế nào? Đối với vị Tỳ-khưu có bản tánh cương quyết, giới và phận sự [của vị này] nên là như thế nào?”

16.8. Vị ấy sau khi thọ trì việc học tập gì,

Mới có sự chuyên nhất [của tâm], chín chắn, có niệm,

Có thể loại bỏ bụi bặm [ô nhiễm] của bản thân,

Ví như người thợ kim hoàn có thể loại bỏ cáu bẩn của bạc?

Vị ấy sau khi thọ trì việc học tập gì: Vị ấy sau khi nhận lấy, sau khi thọ trì, sau khi nhận lấy cho mình, sau khi thọ trì cho mình, sau khi nắm lấy, sau khi bám víu, sau khi chấp chặt việc học tập gì. “Vị ấy sau khi thọ trì việc học tập gì” là như thế.

Mới có sự chuyên nhất [của tâm], chín chắn, có niệm.

Có sự chuyên nhất: Có tâm được nhất điểm, có tâm không bị tản mạn, có tâm ý không bị phân tán, có sự vắng lặng, có định quyền, có định lực,… (nt)… có chánh định.

Chín chắn: Chín chắn là sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.

Có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân,… (nt)… trên các thọ,… (nt)… trên tâm, có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm trên việc quan sát pháp ở các pháp; vị ấy được gọi là có niệm. “Có niệm” là như thế.

Vị ấy sau khi thọ trì việc học tập gì: Là hỏi đến việc học tập về thắng giới.

Có sự chuyên nhất: Là hỏi đến việc học tập về thắng tâm.

Chín chắn: Là hỏi đến việc học tập về thắng tuệ.

Có niệm: Là hỏi về sự thanh tịnh.

“Vị ấy sau khi thọ trì việc học tập gì, mới có sự chuyên nhất [của tâm], chín chắn, có niệm” là như thế.

Có thể loại bỏ bụi bặm [ô nhiễm] của bản thân, ví như người thợ kim hoàn có thể loại bỏ cáu bẩn của bạc: Người thợ kim hoàn nói đến người thợ vàng; bạc nói đến vàng. Giống như người thợ vàng loại ra, loại trừ, loại bỏ cáu bẩn thô thiển của vàng; loại ra, loại trừ, loại bỏ cáu bẩn hạng trung của vàng; loại ra, loại trừ, loại bỏ cáu bẩn vi tế của vàng; tương tự như vậy, vị Tỳ-khưu loại ra, loại trừ, loại bỏ, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu các ô nhiễm thô thiển của bản thân; … các ô nhiễm trung bình của bản thân; loại ra, loại trừ, loại bỏ, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu các ô nhiễm vi tế của bản thân.

Hoặc là, vị Tỳ-khưu loại ra, loại trừ, loại bỏ, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu bụi bặm luyến ái, bụi bặm sân hận, bụi bặm si mê, bụi bặm ngã mạn, bụi bặm tà kiến, bụi bặm do ô nhiễm, bụi bặm do uế hạnh, sự tạo ra tăm tối, sự làm cho mù mắt, sự tạo ra vô trí, sự diệt tận tuệ, đem đến sự buồn phiền, không vận hành đến Niết-bàn.

Hoặc là, vị ấy loại ra, loại trừ, loại bỏ, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu tà kiến nhờ vào chánh kiến… tà tư duy nhờ vào chánh tư duy… tà ngữ nhờ vào chánh ngữ… tà nghiệp nhờ vào chánh nghiệp… tà mạng nhờ vào chánh mạng… tà tinh tấn nhờ vào chánh tinh tấn… tà niệm nhờ vào chánh niệm… tà định nhờ vào chánh định… tà trí nhờ vào chánh trí… loại ra, loại trừ, loại bỏ, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu tà giải thoát nhờ vào chánh giải thoát.

Hoặc là, vị ấy loại ra, loại trừ, loại bỏ, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu tất cả ô nhiễm, tất cả uế hạnh, mọi sự lo lắng, mọi sự bực bội, mọi sự nóng nảy, tất cả các pháp tạo tác bất thiện nhờ vào đạo lộ Thánh thiện tám chi phần.

“Có thể loại bỏ bụi bặm [ô nhiễm] của bản thân, ví như người thợ kim hoàn có thể loại bỏ cáu bẩn của bạc” là như thế.

Vì thế, Trưởng lão Sāriputta đã nói rằng:

“Vị ấy sau khi thọ trì việc học tập gì,

Mới có sự chuyên nhất [của tâm], chín chắn, có niệm,

Có thể loại bỏ bụi bặm [ô nhiễm] của bản thân,

Ví như người thợ kim hoàn có thể loại bỏ cáu bẩn của bạc?”

16.9. [Đức Phật nói: “Này Sāriputta]

Ta sẽ tuyên thuyết cho ngươi về điều ấy theo như Ta nhận biết,

Tức là sự thoải mái [an trú] dành cho vị nhờm gớm [sanh, già, v.v...],

Cho vị thật sự đang thân cận chỗ ngồi nằm trống vắng,

Có sự mong muốn quả vị giác ngộ thuận theo giáo pháp.”

Tức là sự thoải mái [an trú] dành cho vị nhờm gớm.

Dành cho vị nhờm gớm: Dành cho vị đang nhờm gớm với sanh,… với già,… với bệnh,… với chết,… với các sự sầu-bi-khổ-ưu-não; dành cho vị đang nhờm gớm với khổ do sự tổn hại về kiến thức, dành cho vị đang bị phiền phức, dành cho vị đang chán nản. “Dành cho vị nhờm gớm” là như thế.

Tức là sự thoải mái: Điều gì là sự thoải mái, là sự an trú thoải mái, Ta sẽ thuyết về điều ấy. Sự an trú thoải mái là điều nào? Sự thực hành đúng đắn, sự thực hành phù hợp, sự thực hành không trái ngược, sự thực hành đưa đến lợi ích, sự thực hành đúng pháp và thuận pháp, việc làm đầy đủ các giới, việc phòng vệ các giác quan, việc biết chừng mực về vật thực, sự luyện tập về tỉnh thức, niệm và sự nhận biết rõ, bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần, Niết-bàn và sự thực hành đưa đến Niết-bàn; điều này là sự an trú thoải mái.

“Tức là sự thoải mái [an trú] dành cho vị nhờm gớm” là như thế.

Sāriputta: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Trưởng lão ấy bằng tên.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính. Thêm nữa, “vị có luyến ái đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có sân hận đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có si mê đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có ngã mạn đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có tà kiến đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có cây gai đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có ô nhiễm đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị đã phân phát, đã phân chia, đã phân phối Pháp bảo” là đức Thế Tôn; “vị thực hiện sự chấm dứt các hữu” là đức Thế Tôn; “vị có thân đã được tu tập, có giới đã được tu tập, có tâm đã được tu tập, có tuệ đã được tu tập” là đức Thế Tôn; “vị đã thân cận các khu rừng, các nơi heo hút, các chỗ trú ngụ xa vắng có ít âm thanh, ít tiếng ồn, có bầu không gian vắng vẻ, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, và vật dụng là thuốc men chữa bệnh” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về vị của mục đích, về vị của pháp, về vị của giải thoát, về thắng giới, về thắng tâm, về thắng tuệ” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về bốn thiền, về bốn vô lượng [tâm], về bốn sự thể nhập vô sắc” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về tám giải thoát, về tám thắng xứ [của thiền], về chín sự thể nhập và an trú theo tuần tự” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về mười sự tu tập về tưởng, về mười sự thể nhập các đề mục kasiṇa, về định niệm hơi thở vào hơi thở ra, về sự thể nhập các đề mục tử thi” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về mười Như Lai lực, về bốn pháp tự tin, về bốn tuệ phân tích, về sáu thắng trí, về sáu pháp của đức Phật” là đức Thế Tôn. Tên gọi “Thế Tôn” này không do mẹ tạo ra, không do cha tạo ra, không do anh [em] trai tạo ra, không do chị [em] gái tạo ra, không do bạn bè hoặc thân hữu tạo ra, không do các thân quyến và những người cùng huyết thống tạo ra, không do các Sa-môn hoặc Bà-la-môn tạo ra, không do chư thiên tạo ra, sự tận cùng của giải thoát này là sự quy định thuộc về chư Phật Thế Tôn do sự đạt được, do sự chứng ngộ trí Toàn tri ở cội cây Bồ-đề, tức là “đức Thế Tôn.”

“Đức Thế Tôn đã nói rằng: Này Sāriputta” là như thế.

Cho vị thật sự đang thân cận chỗ ngồi nằm trống vắng: Chỗ ngồi nói đến nơi nào vị ấy ngồi xuống, là cái giường, cái ghế, nệm, thảm đan, tấm da thú, thảm cỏ, thảm lá, thảm rơm. Chỗ nằm nói đến chỗ ngụ: Trú xá, nhà một mái, tòa lâu đài, tòa nhà dài, hang động. Chỗ nằm ngồi ấy là trống vắng, tách biệt, tách rời với việc thấy các cảnh sắc không thích hợp, với việc nghe các âm thanh không thích hợp,… (nt)… là trống vắng, tách biệt, tách rời với năm loại dục không thích hợp; đối với vị đang phục vụ, đang phục dịch, đang kề cận, đang sử dụng chỗ ngồi nằm tách biệt ấy.

“Cho vị thật sự đang thân cận chỗ ngồi nằm trống vắng” là như thế.

[Cho vị] có sự mong muốn quả vị giác ngộ thuận theo giáo pháp.

Quả vị giác ngộ: Nói đến trí [ở bốn đạo], tuệ, tuệ quyền, tuệ lực,… (nt)… trạch pháp giác chi, sự thẩm xét, sự thấy rõ, chánh kiến ở bốn đạo. Dành cho vị đang giác ngộ [Sơ đạo], đang giác ngộ [Nhị đạo], đang giác ngộ [Tam đạo], đang giác ngộ [Tứ đạo], đang chứng đắc, đang chạm đến, đang chứng ngộ quả vị giác ngộ ấy. “[Cho vị] có sự mong muốn quả vị giác ngộ” là như thế.

Thuận theo giáo pháp: Những thuận pháp đưa đến giác ngộ là những pháp nào? Sự thực hành đúng đắn, sự thực hành phù hợp, sự thực hành không trái ngược, sự thực hành đưa đến lợi ích, sự thực hành đúng pháp và thuận pháp, việc làm đầy đủ các giới, việc phòng vệ các giác quan, việc biết chừng mực về vật thực, sự luyện tập về tỉnh thức, niệm và sự nhận biết rõ; các pháp này là những thuận pháp đưa đến giác ngộ. Hoặc là, sự thấy rõ các phần trước đó đối với bốn đạo; các pháp này gọi là những thuận pháp đưa đến giác ngộ.

“Có sự mong muốn quả vị giác ngộ thuận theo giáo pháp” là như thế.

Ta sẽ tuyên thuyết cho ngươi về điều ấy theo như Ta nhận biết.

Điều ấy: Là thuận pháp đưa đến giác ngộ.

Ta sẽ tuyên thuyết: Ta sẽ tuyên thuyết, Ta sẽ nêu ra, Ta sẽ chỉ bảo, Ta sẽ thông báo, Ta sẽ ấn định, Ta sẽ khai mở, Ta sẽ chia sẻ, Ta sẽ làm rõ, Ta sẽ bày tỏ.

Theo như Ta nhận biết: Theo như Ta nhận biết là theo như Ta đang nhận biết, đang hiểu biết, đang nhận thức, đang thừa nhận, đang thấu triệt, không do nghe lời đồn đãi, không do nghe nói như thế, không do sự truyền thừa, không do sự thành tựu của việc thu thập kiến thức, không do nhân suy nghĩ, không do nhân suy luận, không do suy đoán theo biểu hiện, không do sự suy xét và chấp nhận về quan điểm, Ta sẽ thuyết giảng cho ngươi pháp đã được chính bản thân biết rõ, đã được tự thân quán xét.

“Ta sẽ tuyên thuyết cho ngươi về điều ấy theo như Ta nhận biết” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Phật nói: “Này Sāriputta]

Ta sẽ tuyên thuyết cho ngươi về điều ấy theo như Ta nhận biết,

Tức là sự thoải mái [an trú] dành cho vị nhờm gớm [sanh, già, v.v...],

Cho vị thật sự đang thân cận chỗ ngồi nằm trống vắng,

Có sự mong muốn quả vị giác ngộ thuận theo giáo pháp.”

16.10. Vị Tỳ-khưu, sáng trí, có niệm, sống trong khuôn khổ, không nên sợ hãi đối với năm điều sợ hãi: Đối với các loài nhặng và loài mòng, đối với các loài bò trườn, đối với các sự va chạm với con người, đối với các loài bốn chân.

Vị sáng trí không nên sợ hãi đối với năm điều sợ hãi.

Vị sáng trí: Vị sáng trí, sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh, anh hùng thì không nên sợ hãi, không nên run sợ, không nên kinh sợ, không nên khiếp sợ, không nên hoảng sợ, không nên rơi vào sự kinh sợ đối với năm điều sợ hãi; nên có tánh không nhút nhát, không kinh hãi, không sợ sệt, không trốn chạy, nên sống có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ, có sự rởn lông đã được xa lìa.

“Vị sáng trí không nên sợ hãi đối với năm điều sợ hãi” là như thế.

Vị Tỳ-khưu có niệm, sống trong khuôn khổ.

Vị Tỳ-khưu: Là vị Tỳ-khưu phàm nhân tốt lành hoặc vị Tỳ-khưu là bậc Hữu học.

Có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân,… (nt)… trên các thọ,… (nt)… trên tâm, có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát pháp trên các pháp; vị ấy được gọi là có niệm.

Sống trong khuôn khổ: Có bốn khuôn khổ: Khuôn khổ của sự thu thúc về giới, khuôn khổ của sự thu thúc các giác quan, khuôn khổ của việc biết chừng mực về vật thực, khuôn khổ của sự luyện tập về tỉnh thức.

Khuôn khổ của sự thu thúc về giới là điều gì? Ở đây, vị Tỳ-khưu là vị có giới, sống thu thúc với sự thu thúc của Giới bổn (Pātimokkha), thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, thọ trì và thực hành trong các điều học. Trong khi quán xét trạng thái ghê tởm ở nội tâm, vị ấy sống trong khuôn khổ của sự thu thúc về giới ở nội tâm, không phá vỡ ranh giới; điều này là khuôn khổ của sự thu thúc về giới.

Khuôn khổ của sự thu thúc các giác quan là điều gì? Ở đây, vị Tỳ-khưu, sau khi nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, vị ấy không có sự nắm giữ hình tướng, không có sự nắm giữ chi tiết. Do nguyên nhân nào mà vị ấy… (nt)… tiến hành sự thu thúc ở nhãn quyền. Sau khi nghe âm thanh bằng tai,… (nt)… Sau khi ngửi hương bằng mũi,… (nt)… Sau khi nếm vị bằng lưỡi,… (nt)… Sau khi xúc chạm bằng thân,… (nt)… Sau khi nhận thức pháp bằng ý, vị ấy không có sự nắm giữ hình tướng, không có sự nắm giữ chi tiết. Do nguyên nhân nào mà vị ấy, trong khi sống, có nhãn quyền không được thu thúc, khiến các sự tham đắm, ưu phiền, các ác bất thiện pháp có thể xâm nhập; vị ấy thực hành sự thu thúc đối với nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn quyền, tiến hành sự thu thúc ở ý quyền. Trong khi quán xét bài giảng về “Bị cháy rực”,[7] vị ấy sống trong khuôn khổ của sự thu thúc các giác quan thuộc nội phần, không phá vỡ ranh giới; điều này là khuôn khổ của sự thu thúc các giác quan.

Khuôn khổ của việc biết chừng mực về vật thực là điều gì? Ở đây, vị Tỳ-khưu suy xét đúng đắn rồi mới thọ dụng vật thực: “Không vì vui đùa, không vì đam mê, không vì việc trang sức, không vì việc điểm tô, mà chỉ để duy trì thân này, để nuôi sống, để ngăn sự hư hoại, để nâng đỡ Phạm hạnh, như thế ta diệt trừ cảm thọ cũ và không làm sanh khởi cảm thọ mới. Ta sẽ có được sự tồn tại, sự không lầm lỗi và sự sống được thoải mái.” Trong khi quán xét ví dụ về việc nhỏ dầu ở trục xe, việc bôi thuốc ở vết thương và thịt của đứa con trai; vị ấy sống trong khuôn khổ của việc biết chừng mực về vật thực, không phá vỡ ranh giới; điều này là khuôn khổ của việc biết chừng mực về vật thực.

Khuôn khổ của sự luyện tập về tỉnh thức là điều gì? Ở đây, vị Tỳ-khưu vào ban ngày làm trong sạch tâm khỏi các pháp ngăn trở bằng việc kinh hành, bằng việc ngồi; vào ban đêm trong canh đầu làm trong sạch tâm khỏi các pháp ngăn trở bằng việc kinh hành, bằng việc ngồi; vào ban đêm trong canh giữa áp dụng thế nằm của sư tử bằng sườn bên phải, đặt bàn chân chồng lên bàn chân, có niệm, có sự nhận biết rõ, chú tâm đến ý tưởng của việc thức dậy; vào ban đêm trong canh cuối sau khi thức dậy, làm trong sạch tâm khỏi các pháp ngăn trở bằng việc kinh hành, bằng việc ngồi. Trong khi quán xét việc an trú một đêm làm người hiền, vị ấy sống trong khuôn khổ của sự luyện tập về tỉnh thức, không phá vỡ ranh giới; điều này là khuôn khổ của sự luyện tập về tỉnh thức.

“Vị Tỳ-khưu có niệm, sống trong khuôn khổ” là như thế.

Đối với các loài nhặng và loài mòng, đối với các loài bò trườn.

Loài nhặng: Nói đến các con ruồi nâu.

Loài mòng: Nói đến tất cả các loài ruồi. Vì lý do gì mà loài mòng là nói đến tất cả các loài ruồi? Chúng bay lên đáp xuống rồi cắn; vì lý do ấy, loài mòng là nói đến tất cả các loài ruồi.

Các loài bò trườn: Nói đến loài rắn.

“Đối với các loài nhặng và loài mòng, đối với các loài bò trườn” là như thế.

Đối với các sự va chạm với con người, đối với các loài bốn chân: Các sự va chạm với con người nói đến có thể là các kẻ cướp, hoặc là những kẻ tàn bạo có hành động gây sự hoặc chưa có hành động gây sự. Chúng có thể hỏi vị Tỳ-khưu câu hỏi, hoặc có thể lên án học thuyết, có thể sỉ vả, có thể chê bai, có thể gây khó chịu, có thể gây bực mình, có thể gây tổn hại, có thể hãm hại, có thể quấy rối, có thể ức hiếp, có thể hủy hoại, có thể phá hại, hoặc có thể gây nên sự phá hại. Bất cứ sự phá hại nào từ con người là sự va chạm với con người.

Đối với các loài bốn chân: Là các con sư tử, hổ, báo, gấu, chó rừng, chó sói, trâu rừng, voi. Chúng có thể chà đạp vị Tỳ-khưu, có thể nhai nghiến, có thể gây tổn hại, có thể hãm hại, có thể quấy rối, có thể ức hiếp, có thể hủy hoại, có thể phá hại, hoặc có thể gây nên sự phá hại. Sự phá hại từ loài bốn chân là bất cứ sự sợ hãi nào do loài bốn chân [tạo ra].

“Đối với các sự va chạm với con người, đối với các loài bốn chân” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Vị Tỳ-khưu, sáng trí, có niệm, sống trong khuôn khổ, không nên sợ hãi đối với năm điều sợ hãi: Đối với các loài nhặng và loài mòng, đối với các loài bò trườn, đối với các sự va chạm với con người, đối với các loài bốn chân.”

16.11. Cũng không nên kinh sợ đối với những kẻ theo các giáo phái khác, ngay cả sau khi nhìn thấy nhiều điều khiếp đảm của họ. Và vị tầm cầu điều tốt đẹp còn phải khắc phục những hiểm họa khác nữa.

Cũng không nên kinh sợ đối với những kẻ theo các giáo phái khác, ngay cả sau khi nhìn thấy nhiều điều khiếp đảm của họ: Những kẻ theo các giáo phái khác nói đến những người nào không tịnh tín với đức Phật, Giáo pháp và Tăng chúng, trừ ra bảy hạng người đồng đạo. Họ có thể hỏi vị Tỳ-khưu câu hỏi, hoặc có thể lên án học thuyết, có thể sỉ vả, có thể chê bai, có thể gây khó chịu, có thể gây bực mình, có thể gây tổn hại, có thể hãm hại, có thể quấy rối, có thể ức hiếp, có thể hủy hoại, có thể phá hại, hoặc có thể gây nên sự phá hại. Sau khi nhìn thấy, hoặc sau khi nghe nhiều điều khiếp đảm của họ thì không nên run rẩy, không nên chấn động, không nên rúng động, không nên run sợ, không nên kinh sợ, không nên khiếp sợ, không nên hoảng sợ, không nên sợ hãi, không nên rơi vào sự kinh sợ, nên có tánh không nhút nhát, không kinh hãi, không sợ sệt, không trốn chạy; [vị Tỳ-khưu] nên sống có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ, có sự rởn lông đã được xa lìa.

“Cũng không nên kinh sợ đối với những kẻ theo các giáo phái khác, ngay cả sau khi nhìn thấy nhiều điều khiếp đảm của họ” là như thế.

vị tầm cầu điều tốt đẹp còn phải khắc phục những hiểm họa khác nữa: Và còn có những việc khác nữa cần phải được kiềm chế, cần phải được ngự trị, cần phải được đè bẹp, cần phải được trấn áp, cần phải được chà đạp.

Những hiểm họa: Có hai loại hiểm họa: Hiểm họa hiển hiện và hiểm họa khuất lấp. ... (nt)… Các hiểm họa bởi vì “nơi ấy là chỗ trú” còn là như vậy.

Vị tầm cầu điều tốt đẹp: Có những hiểm họa cần phải được kiềm chế, cần phải được ngự trị, cần phải được đè bẹp, cần phải được trấn áp, cần phải được chà đạp bởi vị đang tầm cầu, bởi vị đang tìm tòi, bởi vị đang tìm kiếm sự thực hành đúng đắn, sự thực hành phù hợp, sự thực hành không trái ngược, sự thực hành đưa đến lợi ích,… (nt)… đạo lộ Thánh thiện tám chi phần, Niết-bàn và sự thực hành đưa đến Niết-bàn.

“Và vị tầm cầu điều tốt đẹp còn phải khắc phục những hiểm họa khác nữa” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Cũng không nên kinh sợ đối với những kẻ theo các giáo phái khác, ngay cả sau khi nhìn thấy nhiều điều khiếp đảm của họ. Và vị tầm cầu điều tốt đẹp còn phải khắc phục những hiểm họa khác nữa.”

16.12. Bị tác động bởi sự xúc chạm của bệnh tật, của cơn đói,

Nên chịu đựng sự lạnh, rồi sự nóng.

Bị tác động bởi những việc ấy theo nhiều cách, vị ấy, bậc không trú xứ,

Nên thể hiện sự nỗ lực tinh tấn một cách vững chãi.

Bị tác động bởi sự xúc chạm của bệnh tật, của cơn đói: Sự xúc chạm của bệnh tật nói đến sự xúc chạm của cơn bệnh. Có thể là bị xúc chạm, bị chế ngự, bị xâm nhập, bị sở hữu bởi sự xúc chạm của cơn bệnh; có thể là bị xúc chạm, bị chế ngự, bị xâm nhập, bị sở hữu bởi cơn bệnh ở mắt; có thể là bị xúc chạm, bị chế ngự, bị xâm nhập, bị sở hữu bởi cơn bệnh ở tai;… bởi cơn bệnh ở mũi;… bởi cơn bệnh ở lưỡi;… bởi cơn bệnh ở thân;… bởi các sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, nắng và các loài bò sát.

Cơn đói: Nói đến sự thiếu ăn. Có thể là bị xúc chạm, bị chế ngự, bị xâm nhập, bị sở hữu bởi sự thiếu ăn.

“Bị tác động bởi sự xúc chạm của bệnh tật, của cơn đói” là như thế.

Nên chịu đựng sự lạnh, rồi sự nóng.

Sự lạnh: Bị lạnh là bởi hai lý do: Bị lạnh do tác động của sự rối loạn của thủy đại ở bên trong [cơ thể], hoặc bị lạnh do tác động của thời tiết ở bên ngoài.

Sự nóng: Bị nóng bởi hai lý do: Bị nóng do tác động của sự rối loạn của hỏa đại ở bên trong [cơ thể], hoặc bị nóng do tác động của thời tiết ở bên ngoài. “Sự nóng, rồi sự lạnh” là như thế.

Nên chịu đựng: Nên kham nhẫn đối với sự lạnh, sự nóng, sự đói, sự khát, các sự xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng và các loài bò sát; nên là người có bản tánh chịu đựng đối với các lối nói lăng mạ công kích, đối với các cảm thọ khổ đau, sắc bén, khốc liệt, nhức nhối, không thích thú, không hợp ý, chết người, thuộc về cơ thể đã sanh khởi.

“Nên chịu đựng sự lạnh, rồi sự nóng” là như thế.

Bị tác động bởi những việc ấy theo nhiều cách, vị ấy, bậc không trú xứ.

Vị ấy, bởi những việc ấy: Là bị xúc chạm, bị chế ngự, bị xâm nhập, bị sở hữu bởi sự xúc chạm của cơn bệnh, bởi cơn đói, bởi sự lạnh và bởi sự nóng. “Vị ấy, bị tác động bởi những việc ấy” là như thế.

Theo nhiều cách: Là bị xúc chạm, bị chế ngự, bị xâm nhập, bị sở hữu bởi những biểu hiện theo nhiều cách thức. “Vị ấy, bị tác động bởi những việc ấy theo nhiều cách” là như thế.

Bậc không trú xứ: Là vị không tạo ra cơ hội cho tâm thức đồng sanh với các sự tạo tác. “Bậc không trú xứ” là như thế. Hoặc là, vị không tạo ra cơ hội cho uế hạnh về thân, uế hạnh về khẩu, uế hạnh về ý. “Bậc không trú xứ” còn là như thế.

“Bị tác động bởi những việc ấy theo nhiều cách, vị ấy, bậc không trú xứ” là như thế.

Nên thể hiện sự nỗ lực tinh tấn một cách vững chãi: Sự nỗ lực tinh tấn nói đến: “Pháp thuộc về tâm, sự ra sức tinh tấn, sự cố gắng, sự ra sức, sự siêng năng, sự tinh tấn, sự gắng sức, sự ráng sức, sự không thối chí, sự dõng mãnh, nghị lực, trạng thái không lơi lỏng sự nỗ lực, trạng thái không buông bỏ sự mong muốn, trạng thái không buông bỏ trách nhiệm, sự duy trì trách nhiệm, sự tinh tấn, tấn quyền, tấn lực, chánh tinh tấn.”

Nên thể hiện sự nỗ lực tinh tấn một cách vững chãi: Nên thể hiện sự nỗ lực tinh tấn một cách vững chãi là nên thể hiện một cách chắc chắn, nên có sự thọ trì vững chãi, nên có sự thọ trì đứng vững.

“Nên thể hiện sự nỗ lực tinh tấn một cách vững chãi” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Bị tác động bởi sự xúc chạm của bệnh tật, của cơn đói,

Nên chịu đựng sự lạnh, rồi sự nóng.

Bị tác động bởi những việc ấy theo nhiều cách, vị ấy, bậc không trú xứ,

Nên thể hiện sự nỗ lực tinh tấn một cách vững chãi.”

16.13. Không nên thực hiện việc trộm cắp, không nên nói lời dối trá,

Nên tiếp xúc với các loài yếu đuối hay mạnh bạo bằng từ tâm,

Khi nào nhận biết được trạng thái bị khuấy động của tâm,

Nên xua đi [nghĩ rằng]: “Nó là phe cánh của Hắc ám.”

Không nên thực hiện việc trộm cắp, không nên nói lời dối trá.

Không nên thực hiện việc trộm cắp: Ở đây, vị Tỳ-khưu sau khi dứt bỏ việc lấy vật không được cho, nên tránh xa việc lấy vật không được cho, là người nhận lấy vật đã được cho, là người có sự mong đợi vật được cho, nên sống với bản thân có trạng thái trong sạch, không trộm cắp. “Không nên thực hiện việc trộm cắp” là như thế.

Không nên nói lời dối trá: Ở đây, vị Tỳ-khưu sau khi dứt bỏ việc nói lời dối trá, nên tránh xa việc nói lời dối trá, là người có lời nói chân thật, liên quan đến sự thật, chắc chắn, đáng tin, không lường gạt thế gian.

“Không nên thực hiện việc trộm cắp, không nên nói lời dối trá” là như thế.

Nên tiếp xúc với các loài yếu đuối hay mạnh bạo bằng từ tâm.

Từ tâm: Là sự thân thiện đối với chúng sanh, biểu hiện thân thiện, trạng thái thân thiện, sự trắc ẩn, biểu hiện trắc ẩn, trạng thái trắc ẩn, sự tìm kiếm lợi ích, lòng thương tưởng, sự không tức giận, không độc ác, không sân, cội nguồn của thiện.

Các loài yếu đuối: Những hạng nào có khát vọng, có tham ái chưa được dứt bỏ, và những hạng nào có sự sợ hãi và khiếp đảm chưa được dứt bỏ. Vì lý do gì được gọi là yếu đuối? Chúng run sợ, khiếp sợ, hoảng sợ, sợ hãi, rơi vào sự kinh sợ; vì lý do ấy được gọi là yếu đuối.

Mạnh bạo: Những hạng nào có khát vọng, có tham ái đã được dứt bỏ, và những hạng nào có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ. Vì lý do gì được gọi là mạnh bạo? Chúng không run sợ, không khiếp sợ, không hoảng sợ, không sợ hãi, không rơi vào sự kinh sợ; vì lý do ấy được gọi là mạnh bạo.

Nên tiếp xúc với các loài yếu đuối hay mạnh bạo bằng từ tâm: Nên tiếp xúc, nên lan tỏa đến các loài yếu đuối hay mạnh bạo bằng từ tâm, nên lan tỏa với tâm ý bao la, vĩ đại, không đo lường được, không thù oán, không độc ác, đồng hành với từ ái, rồi an trú.

“Nên tiếp xúc với các loài yếu đuối hay mạnh bạo bằng từ tâm” là như thế.

Khi nào nhận biết được trạng thái bị khuấy động của tâm.

Khi nào: Là vào lúc.

Của tâm: Tức là tâm, ý, ý thức, trái tim, chất xám; ý, ý xứ, ý quyền, thức, thức uẩn, từ đó ý thức giới sanh lên. Do uế hạnh về thân, tâm bị khuấy động, bị khuấy rối, bị di động, bị đụng chạm, bị dao động, bị chao đảo, không được vắng lặng; do uế hạnh về khẩu… do uế hạnh về ý… do luyến ái… do sân hận… do si mê… do giận dữ… do thù hằn… do gièm pha… do ác ý… do ganh tỵ… do bỏn xẻn… do xảo trá… do lừa gạt… do bướng bỉnh… do hung hăng… do ngã mạn… do cao ngạo… do đam mê… do xao lãng… do tất cả ô nhiễm… do tất cả uế hạnh… do mọi sự lo lắng… do mọi sự bực bội… do mọi sự nóng nảy… do tất cả các pháp tạo tác bất thiện; tâm bị khuấy động, bị khuấy rối, bị di động, bị đụng chạm, bị dao động, bị chao đảo, không được vắng lặng.

Khi nào nhận biết được trạng thái bị khuấy động của tâm: Nên biết, nên hiểu biết, nên nhận thức, nên thừa nhận, nên thấu triệt tình trạng bị khuấy động của tâm.

“Khi nào nhận biết được trạng thái bị khuấy động của tâm” là như thế.

Nên xua đi [nghĩ rằng]: “Nó là phe cánh của Hắc ám.”

Hắc ám: Tức là Ma vương, kẻ có nghiệp đen, chúa tể [về dục], kẻ làm cho chấm dứt, không cho giải thoát, thân quyến của xao lãng.

Nó là phe cánh của Hắc ám, [nghĩ rằng:] “Nó là phe cánh của Ma vương, cạm bẫy của Ma vương, lưỡi câu của Ma vương, miếng mồi của Ma vương, lãnh địa của Ma vương, mồi nhử của Ma vương, hành xứ của Ma vương, sự trói buộc của Ma vương”, rồi nên dứt bỏ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên làm cho không còn hiện hữu. “Nên xua đi [nghĩ rằng]: Nó là phe cánh của Hắc ám” là như vậy. Hoặc là, nó là phe cánh của Hắc ám, [nghĩ rằng:] “Nó là phe cánh của Ma vương, phần bất thiện, nguyên do của khổ, có kết quả khổ, dẫn đến địa ngục, dẫn đến loài thú, dẫn đến thân phận ngạ quỷ”, rồi nên dứt bỏ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên làm cho không còn hiện hữu.

“Nên xua đi [nghĩ rằng]: Nó là phe cánh của Hắc ám” còn là như vậy.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Không nên thực hiện việc trộm cắp, không nên nói lời dối trá,

Nên tiếp xúc với các loài yếu đuối hay mạnh bạo bằng từ tâm,

Khi nào nhận biết được trạng thái bị khuấy động của tâm,

Nên xua đi [nghĩ rằng]: ‘Nó là phe cánh của Hắc ám.’”

16.14. Không nên rơi vào quyền lực của sự giận dữ và cao ngạo. Sau khi đào lên gốc rễ của chúng rồi, nên đứng vững. Và trong khi khắc phục vật được yêu mến hoặc không được yêu mến, nên chế ngự chúng một cách chắc chắn.

Không nên rơi vào quyền lực của sự giận dữ và cao ngạo.

Sự giận dữ: “Là sự tức tối, sự tức giận của tâm,… (nt)… sự tàn nhẫn, sự lỗ mãng, trạng thái không hoan hỷ của tâm.”

Cao ngạo: “Ở đây, một vị [Tỳ-khưu] nào đó khinh khi người khác dựa vào sự xuất thân, dựa vào dòng dõi,… (nt)… hoặc dựa vào sự việc này khác.”

Không nên rơi vào quyền lực của sự giận dữ và cao ngạo: Không nên rơi vào quyền lực của sự giận dữ và của sự cao ngạo; nên dứt bỏ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên làm cho không còn hiện hữu sự giận dữ và sự cao ngạo.

“Không nên rơi vào quyền lực của sự giận dữ và cao ngạo” là như thế.

Sau khi đào lên gốc rễ của chúng rồi, nên đứng vững: Gốc rễ của giận dữ là điều nào? Vô minh là gốc rễ, tác ý không đúng đường lối là gốc rễ, ngã mạn về bản thân là gốc rễ, không hổ thẹn [tội lỗi] là gốc rễ, không ghê sợ [tội lỗi] là gốc rễ, phóng dật là gốc rễ; điều này là gốc rễ của giận dữ. Gốc rễ của cao ngạo là điều nào? Vô minh là gốc rễ, tác ý không đúng đường lối là gốc rễ, ngã mạn về bản thân là gốc rễ, không hổ thẹn [tội lỗi] là gốc rễ, không ghê sợ [tội lỗi] là gốc rễ, phóng dật là gốc rễ; điều này là gốc rễ của cao ngạo.

Sau khi đào lên gốc rễ của chúng rồi, nên đứng vững: Sau khi đào lên, sau khi nâng lên, sau khi nâng bổng, sau khi bứng lên, sau khi bứng lên hẳn, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu gốc rễ của sự giận dữ và của sự cao ngạo, nên đứng vững, nên trụ vững.

“Sau khi đào lên gốc rễ của chúng rồi, nên đứng vững” là như thế.

Và trong khi khắc phục vật được yêu mến hoặc không được yêu mến, nên chế ngự chúng một cách chắc chắn.

Và: Từ “atha” này là sự nối liền các câu văn, sự kết hợp các câu văn, sự làm đầy đủ các câu văn, sự gặp gỡ của các âm, trạng thái trau chuốt từ ngữ, tính chất tuần tự của các câu văn.

Được yêu mến: Có hai đối tượng được yêu mến: Các chúng sanh hoặc các pháp tạo tác. Những người nào là các chúng sanh được yêu mến? Ở đây là những người nào có lòng mong muốn điều tốt đẹp, có lòng mong muốn điều lợi ích, có lòng mong muốn sự thoải mái, có lòng mong muốn sự an toàn trong mối ràng buộc đối với kẻ ấy: Là người mẹ, hoặc người cha, hoặc anh [em] trai, hoặc chị [em] gái, hoặc con trai, hoặc con gái, hoặc các bạn bè, hoặc các thân hữu, hoặc các thân quyến, hoặc những người cùng huyết thống; những người này là các chúng sanh được yêu mến. Các pháp nào là các pháp tạo tác được yêu mến? Các sắc hợp ý, các thinh… các hương… các vị… các xúc hợp ý; các pháp này là các pháp tạo tác được yêu mến.

Không được yêu mến: Có hai đối tượng không được yêu mến: Các chúng sanh hoặc các pháp tạo tác. Những người nào là các chúng sanh không được yêu mến? Ở đây là những người nào không có lòng mong muốn sự tấn hóa, không có lòng mong muốn điều lợi ích, không có lòng mong muốn sự thoải mái, không có lòng mong muốn sự an toàn trong mối ràng buộc đối với kẻ ấy, có lòng mong muốn đoạt lấy mạng sống [của kẻ ấy]; những người này là các chúng sanh không được yêu mến. Các pháp nào là các pháp tạo tác không được yêu mến? Các sắc không hợp ý, các thinh… các hương… các vị… các xúc không hợp ý; các pháp này là các pháp tạo tác không được yêu mến.

Một cách chắc chắn: Cụm từ “addhā” này là lời nói nhất định, lời nói không ngờ vực, lời nói không nghi ngờ, lời nói không hai nghĩa, lời nói không gây ra sự lưỡng lự, lời nói bảo đảm, lời nói không sai trái, lời nói khẳng định.

Và trong khi khắc phục vật được yêu mến hoặc không được yêu mến, nên ngự trị chúng một cách chắc chắn: Đối với vật được yêu mến hoặc không được yêu mến, có khoái lạc hoặc không khoái lạc, có hạnh phúc hoặc khổ đau, có hỷ tâm hoặc ưu tâm, được ước muốn hoặc không được ước muốn, trong khi khắc phục thì nên ngự trị; hoặc trong khi ngự trị thì nên khắc phục.

“Và trong khi khắc phục vật được yêu mến hoặc không được yêu mến, nên ngự trị chúng một cách chắc chắn” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Không nên rơi vào quyền lực của sự giận dữ và cao ngạo, sau khi đào lên gốc rễ của chúng rồi, nên đứng vững. Và trong khi khắc phục vật được yêu mến hoặc không được yêu mến, nên ngự trị chúng một cách chắc chắn.”

16.15. Sau khi chú trọng về tuệ, với sự hoan hỷ về thiện pháp,

Nên đè nén các hiểm họa ấy,

Nên khống chế sự không ưa thích ở chỗ trú ngụ xa vắng,

Nên khống chế bốn pháp tạo nên sự than vãn.

Sau khi chú trọng về tuệ, với sự hoan hỷ về thiện pháp.

Tuệ: Tuệ là sự nhận biết, sự chọn lựa, sự khám phá, sự chọn lựa pháp,… (nt)… sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến. Sau khi chú trọng về tuệ: Ở đây, một vị [Tỳ-khưu] nào đó, sau khi chú trọng về tuệ, sống có tuệ là ngọn cờ, có tuệ là biểu hiện, có tuệ là chủ đạo, có nhiều sự chọn lựa, có nhiều sự khám phá, có nhiều sự xem xét, có nhiều sự tìm tòi, trú vào điều đã được làm rõ rệt, rồi đi theo nó, phát triển theo nó, xem trọng nó, nghiêng theo nó, chiều theo nó, xuôi theo nó, hướng đến nó, xem nó là chủ đạo. “Sau khi chú trọng về tuệ” là như vậy.

Hoặc là, trong khi đi, vị ấy nhận biết: “Tôi đi”; hoặc khi đứng, vị ấy nhận biết: “Tôi đứng”; hoặc khi ngồi xuống, vị ấy nhận biết: “Tôi ngồi xuống”; hoặc trong khi nằm, vị ấy nhận biết: “Tôi đang nằm”; hoặc thân của vị ấy được sử dụng như thế nào thì nhận biết nó như thế ấy. “Sau khi chú trọng về tuệ” còn là như vậy. Hoặc là, vị ấy có sự thực hành việc nhận biết rõ trong khi đi tới đi lui, có sự thực hành việc nhận biết rõ khi nhìn qua nhìn lại, có sự thực hành việc nhận biết rõ khi co tay duỗi tay, có sự thực hành việc nhận biết rõ trong việc mang y hai lớp, bình bát, y phục, có sự thực hành việc nhận biết rõ khi ăn uống nhai nếm, có sự thực hành việc nhận biết rõ ở hành động đại tiện tiểu tiện, có sự thực hành việc nhận biết rõ khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi ngủ, khi thức, khi nói, khi im lặng. “Sau khi chú trọng về tuệ” còn là như vậy.

Với sự hoan hỷ về thiện pháp: Hỷ và hân hoan sanh lên do năng lực tùy niệm Phật là “sự hoan hỷ về thiện pháp”, hỷ và hân hoan sanh lên do năng lực tùy niệm Pháp… do năng lực tùy niệm Tăng… do năng lực tùy niệm giới… do năng lực tùy niệm xả thí… do năng lực tùy niệm thiên… do năng lực niệm hơi thở vào hơi thở ra… do năng lực niệm sự chết… do năng lực niệm đặt ở thân… do năng lực tùy niệm Niết-bàn là “sự hoan hỷ về thiện pháp.”

“Sau khi chú trọng về tuệ, với sự hoan hỷ về thiện pháp” là như thế.

Nên đè nén các hiểm họa ấy.

Các hiểm họa: Có hai loại hiểm họa: Hiểm họa hiển hiện và hiểm họa khuất lấp. ... (nt)… các điều này được gọi là hiểm họa hiển hiện. ... (nt)… các điều này được gọi là hiểm họa khuất lấp. ... (nt)… Các hiểm họa bởi vì “nơi ấy là chỗ trú” là như vậy.

Nên đè nén các hiểm họa ấy: Nên đè nén, nên ngự trị, nên đè bẹp, nên trấn áp, nên chà đạp các hiểm họa ấy.

“Nên đè nén các hiểm họa ấy” là như vậy.

Nên khống chế sự không ưa thích ở chỗ trú ngụ xa vắng.

Sự không ưa thích: Sự không ưa thích, biểu hiện không ưa thích, sự không thích thú, biểu hiện không thích thú, sự không hài lòng, sự chán ngấy.

Ở chỗ trú ngụ xa vắng: Hoặc ở những chỗ nằm ngồi xa vắng, thì nên khống chế, nên ngự trị, nên đè bẹp, nên trấn áp, nên chà đạp sự không ưa thích những pháp này pháp khác.

“Nên khống chế sự không ưa thích ở chỗ trú ngụ xa vắng” là như thế.

Nên khống chế bốn pháp tạo nên sự than vãn: Nên khống chế, nên áp chế, nên ngự trị, nên đè bẹp, nên trấn áp, nên chà đạp bốn pháp sẽ tạo ra sự than vãn.

“Nên khống chế bốn pháp tạo nên sự than vãn” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Sau khi chú trọng về tuệ, với sự hoan hỷ về thiện pháp,

Nên đè nén các hiểm họa ấy,

Nên khống chế sự không ưa thích ở chỗ trú ngụ xa vắng,

Nên khống chế bốn pháp tạo nên sự than vãn.”

16.16. “Vậy ta sẽ ăn gì? Hoặc ta sẽ ăn ở đâu?

Có thật chăng ta đã ngủ khổ sở? Hôm nay, ta sẽ ngủ ở đâu?”

Vị Hữu học, không có sự vương vấn nhà ở,

Nên loại bỏ những suy tư có tính chất than vãn này.

Vậy ta sẽ ăn gì? Hoặc ta sẽ ăn ở đâu?

Vậy ta sẽ ăn gì? [Nghĩ rằng:] “Tôi sẽ thọ vật thực gì, cơm, hay cháo chua, hay bánh bột, hay cá, hay thịt?” “Vậy ta sẽ ăn gì?” là như thế.

Hoặc ta sẽ ăn ở đâu? [Nghĩ rằng:] “Tôi sẽ thọ thực ở đâu, ở gia đình Sát-đế-lỵ, hoặc ở gia đình Bà-la-môn, hoặc ở gia đình thương buôn, hoặc ở gia đình nô lệ?”

“Vậy ta sẽ ăn gì? Hoặc ta sẽ ăn ở đâu?” là như thế.

Có thật chăng ta đã ngủ khổ sở?

Hôm nay, ta sẽ ngủ ở đâu? [Nghĩ rằng:] “Đêm nay, tôi đã ngủ một cách khổ sở trên tấm ván, hoặc ở chiếc chiếu ngắn, hoặc ở mảnh da thú, hoặc ở thảm cỏ, hoặc ở thảm lá, hoặc ở thảm rơm. Đêm tới, tôi sẽ ngủ một cách sung sướng ở giường, hay ở ghế, hay ở nệm, hay ở cái gối, hay ở trú xá, hay ở nhà một mái, hay ở tòa lâu đài, hay ở tòa nhà dài, hay ở hang động?”

“Có thật chăng ta đã ngủ khổ sở? Hôm nay, ta sẽ ngủ ở đâu?” là như thế.

Những suy tư có tính chất than vãn này.

Những suy tư này: Hai suy tư liên quan đến đồ ăn khất thực, hai suy tư liên quan đến chỗ nằm ngồi.

Có tính chất than vãn: Có tính chất kể lể, có tính chất than vãn.

“Những suy tư có tính chất than vãn này” là như vậy.

Vị Hữu học, không có sự vương vấn nhà ở, nên loại bỏ.

Vị Hữu học: Vì lý do gì được gọi là Hữu học? “Vị học tập” là Hữu học. Và học tập gì? Học tập về thắng giới, học tập về thắng tâm, học tập về thắng tuệ. Học tập về thắng giới là việc nào?… (nt)… việc này là sự học tập về thắng tuệ. Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này, vị ấy học tập; trong khi biết… (nt)…; trong khi thấy… (nt)…; trong khi quán xét lại… (nt)…; trong khi quyết định tâm, vị ấy học tập; trong khi hướng đến đức tin, vị ấy học tập; trong khi ra sức tinh tấn… (nt)…; trong khi thiết lập niệm… (nt)…; trong khi tập trung tâm… (nt)…; trong khi nhận biết bằng tuệ, vị ấy học tập; trong khi biết rõ pháp cần được biết rõ, vị ấy học tập; trong khi biết toàn diện pháp cần được biết toàn diện… (nt)…; trong khi dứt bỏ pháp cần được dứt bỏ… (nt)…; trong khi tu tập pháp cần được tu tập… (nt)…; trong khi chứng ngộ pháp cần được chứng ngộ, vị ấy học tập, hành xử, hành theo, thọ trì và học tập. Vì lý do ấy, vị ấy được gọi là Hữu học. Vị Hữu học nên học tập về thắng giới, nên học tập về thắng tâm, nên học tập về thắng tuệ nhằm loại bỏ, nhằm bài trừ, nhằm dứt bỏ, nhằm làm vắng lặng, nhằm buông bỏ, nhằm tịch tịnh. Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này thì nên học tập; trong khi biết,… (nt)… trong khi chứng ngộ pháp cần được chứng ngộ thì nên học tập, nên hành xử, nên hành theo, nên thọ trì và vận dụng. “Vị Hữu học nên loại bỏ” là như thế.

Không có sự vương vấn nhà ở: Thế nào là có sự vương vấn nhà ở? Ở đây, một vị nào đó có sự vướng bận về gia tộc,… (nt)… vướng bận về đồ chúng,… (nt)… vướng bận về chỗ ngụ,… (nt)… vướng bận về y phục,… (nt)… vướng bận về đồ ăn khất thực,… (nt)… vướng bận về chỗ nằm ngồi, có sự vướng bận về vật dụng là thuốc men chữa bệnh. Có sự vương vấn nhà ở là như vậy. Thế nào là có sự không vương vấn nhà ở? Ở đây, vị Tỳ-khưu không có sự vướng bận về gia tộc,… (nt)… không vướng bận về đồ chúng,… (nt)… không vướng bận về chỗ ngụ,… (nt)… không vướng bận về y phục,… (nt)… không vướng bận về đồ ăn khất thực,… (nt)… không vướng bận về chỗ nằm ngồi,… (nt)… có sự không vướng bận về vật dụng là thuốc men chữa bệnh. Có sự không vương vấn nhà ở là như vậy.

1. “Các vị đã đi đến Magadha, đã đi đến Kosala,

    Còn một số vị ở lãnh địa xứ Vajjī,

    Tựa như những con nai di chuyển không có sự quyến luyến,

    Các vị Tỳ-khưu sống không có sự vương vấn.

2. Lành thay, người có tánh hạnh, lành thay việc đã khéo thực hành,

    Cuộc sống không nhà luôn luôn là tốt đẹp,

    Việc học hỏi về ý nghĩa, hành động cung kính,

    Điều ấy là đời sống Sa-môn của vị không sở hữu vật gì”;

“Vị Hữu học, không có sự vương vấn nhà ở, nên loại bỏ” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“‘Vậy ta sẽ ăn gì? Hoặc ta sẽ ăn ở đâu?

Có thật chăng ta đã ngủ khổ sở? Hôm nay, ta sẽ ngủ ở đâu?’

Vị Hữu học, không có sự vương vấn nhà ở, nên loại bỏ

Những suy tư có tính chất than vãn này.”

16.17. Sau khi đạt được vật thực và y phục lúc đúng thời,

Vị ấy nên biết chừng mực ở đây, với mục đích vừa lòng.

Vị ấy được bảo vệ về các điều ấy, có đời sống kiềm chế ở trong làng,

Dầu cho bị xúc phạm, không nên nói lời nói thô lỗ.

Sau khi đạt được vật thực và y phục lúc đúng thời.

Vật thực: Cơm, cháo chua, bánh bột, cá, thịt.

Y phục: Có sáu loại y: Loại bằng sợi lanh, loại bằng bông vải, loại bằng tơ lụa, loại bằng sợi len, loại bằng gai thô và loại bằng chỉ bố.

Sau khi đạt được vật thực và y phục lúc đúng thời: Sau khi nhận được y, sau khi nhận được đồ ăn khất thực không do gạt gẫm, không do tán phét, không do gợi ý, không do lừa bịp, không do việc thèm muốn lợi lộc bằng lợi lộc, không do việc cho củi [gỗ], không do việc cho tre, không do việc cho lá, không do việc cho bông hoa, không do việc cho trái cây, không do việc cho cây cọ rửa, không do việc cho bột tắm, không do việc cho đất sét, không do việc cho gỗ chà răng, không do việc cho nước súc miệng, không do việc nịnh hót, không do việc tâng bốc, không do việc chiều chuộng, không do việc nói lén sau lưng, không nhờ vào khoa địa lý, không nhờ vào kiến thức thế tục, không nhờ vào khoa bói tướng, không nhờ vào khoa chiêm tinh, không do việc đi làm sứ giả, không do việc đi theo sự sai bảo, không do việc chuyển tin bằng đôi chân, không do công việc thầy thuốc, không do thức ăn đổi thức ăn, không do phát sanh bởi quà cáp, sau khi đạt được, sau khi nhận được, sau khi đạt đến, sau khi tìm thấy, sau khi tiếp nhận đúng theo pháp, một cách ngay thẳng.

“Sau khi đạt được vật thực và y phục lúc đúng thời” là như thế.

Vị ấy nên biết chừng mực ở đây, với mục đích vừa lòng.

Vị ấy nên biết chừng mực: Nên biết chừng mực bởi hai lý do: Trong lúc thọ nhận hoặc trong lúc thọ dụng. Thế nào là biết chừng mực trong lúc thọ nhận? Trong khi được bố thí chỉ chút ít, vị [Tỳ-khưu] thọ nhận vì lòng trắc ẩn đến hàng tại gia, vì sự hộ trì đến hàng tại gia, vì lòng thương tưởng đến hàng tại gia. Trong khi được bố thí nhiều, vị [Tỳ-khưu] thọ nhận y để bảo dưỡng thân thể, thọ nhận vật thực để bảo dưỡng cái bụng. Như vậy là biết chừng mực trong lúc thọ nhận.

Thế nào là biết chừng mực trong lúc thọ dụng? Vị [Tỳ-khưu] sử dụng y phục sau khi đã suy xét đúng đắn rằng: Chỉ nhằm để diệt trừ sự lạnh, để diệt trừ sự nóng, để diệt trừ các sự xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng và các loài bò sát, chỉ nhằm mục đích che đậy sự hổ thẹn vì lõa lồ. Vị [Tỳ-khưu] sử dụng đồ ăn khất thực sau khi đã suy xét đúng đắn rằng: Không phải để chơi giỡn, không phải vì đam mê, không phải để tô điểm, không phải để trang sức, mà chỉ nhằm để duy trì, để nuôi dưỡng thân thể này, để ngăn ngừa sự tổn hại, để hỗ trợ sự thực hành Phạm hạnh, [nghĩ rằng:] “Như vầy ta tiêu diệt cảm thọ cũ, sẽ không làm sanh lên cảm thọ mới và sự sống còn, sự không bị chê trách, và sự cư trú thoải mái sẽ có đến ta.” Vị [Tỳ-khưu] sử dụng chỗ nằm ngồi sau khi đã suy xét đúng đắn rằng: Chỉ nhằm để diệt trừ sự lạnh, để diệt trừ sự nóng, để diệt trừ các sự xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng và các loài bò sát, chỉ nhằm mục đích xua đi các hiểm họa của thời tiết, nhằm mục đích vui thích trong việc thiền tịnh. Vị [Tỳ-khưu] sử dụng vật dụng là thuốc men chữa bệnh sau khi đã suy xét đúng đắn rằng: Chỉ nhằm để diệt trừ cảm thọ [khổ] do các căn bệnh đã phát khởi, để hoàn toàn không còn đau đớn. Như vậy là biết chừng mực trong lúc thọ dụng.

Vị ấy nên biết chừng mực: Bởi hai lý do này, nên nhận biết, nên hiểu biết, nên thừa nhận, nên thấu triệt sự chừng mực. “Vị ấy nên biết chừng mực” là như thế.

Ở đây, với mục đích vừa lòng: Vị Tỳ-khưu trong giáo pháp này tự biết đủ với bất luận y nào dầu tốt hay xấu, có lời ca ngợi về sự tự biết đủ với bất luận y nào dầu tốt hay xấu, và không vì nguyên nhân về y mà đạt đến sự tầm cầu sai trái, không phù hợp; khi không nhận được y thì không băn khoăn, và khi đã nhận được y thì thọ dụng, không bị vướng mắc, không bị mê mẩn, không bị phạm tội, có sự nhìn thấy điều bất lợi, có tuệ về sự buông xả. Và hơn nữa, do sự tự biết đủ với bất luận y nào dầu tốt hay xấu ấy, cũng không tâng bốc bản thân, không khinh bỉ vị khác. Bởi vì, vị khôn khéo, không biếng nhác, có sự nhận biết rõ, có niệm trong trường hợp ấy nói đến vị Tỳ-khưu đã đứng vào dòng dõi của các bậc Thánh được biết tiếng là cao thượng từ thời xa xưa.

Và thêm nữa, vị Tỳ-khưu tự biết đủ với bất luận đồ ăn khất thực nào dầu tốt hay xấu, có lời ca ngợi về sự tự biết đủ với bất luận đồ ăn khất thực nào dầu tốt hay xấu, và không vì nguyên nhân về đồ ăn khất thực mà đạt đến sự tầm cầu sai trái, không phù hợp; khi không nhận được đồ ăn khất thực thì không băn khoăn, và khi đã nhận được đồ ăn khất thực thì thọ dụng, không bị vướng mắc, không bị mê mẩn, không bị phạm tội, có sự nhìn thấy điều bất lợi, có tuệ về sự buông xả. Và hơn nữa, do sự tự biết đủ với bất luận đồ ăn khất thực nào dầu tốt hay xấu ấy, cũng không tâng bốc bản thân, không khinh bỉ vị khác. Bởi vì, vị khôn khéo, không biếng nhác, có sự nhận biết rõ, có niệm trong trường hợp ấy nói đến vị Tỳ-khưu đã đứng vào dòng dõi của các bậc Thánh được biết tiếng là cao thượng từ thời xa xưa.

Và thêm nữa, vị Tỳ-khưu tự biết đủ với bất luận chỗ nằm ngồi nào dầu tốt hay xấu, có lời ca ngợi về sự tự biết đủ với bất luận chỗ nằm ngồi nào dầu tốt hay xấu, và không vì nguyên nhân về chỗ nằm ngồi mà đạt đến sự tầm cầu sai trái, không phù hợp; khi không nhận được chỗ nằm ngồi thì không băn khoăn, và khi đã nhận được chỗ nằm ngồi thì thọ dụng, không bị vướng mắc, không bị mê mẩn, không bị phạm tội, có sự nhìn thấy điều bất lợi, có tuệ về sự buông xả. Và hơn nữa, do sự tự biết đủ với bất luận chỗ nằm ngồi nào dầu tốt hay xấu ấy, cũng không tâng bốc bản thân, không khinh bỉ vị khác. Bởi vì, vị khôn khéo, không biếng nhác, có sự nhận biết rõ, có niệm trong trường hợp ấy nói đến vị Tỳ-khưu đã đứng vào dòng dõi của các bậc Thánh được biết tiếng là cao thượng từ thời xa xưa.

Và thêm nữa, vị Tỳ-khưu tự biết đủ với bất luận vật dụng là thuốc men chữa bệnh nào dầu tốt hay xấu, có lời ca ngợi về sự tự biết đủ với bất luận vật dụng là thuốc men chữa bệnh nào dầu tốt hay xấu, và không vì nguyên nhân về vật dụng là thuốc men chữa bệnh mà đạt đến sự tầm cầu sai trái, không phù hợp; khi không nhận được vật dụng là thuốc men chữa bệnh thì không băn khoăn, và khi đã nhận được vật dụng là thuốc men chữa bệnh thì thọ dụng, không bị vướng mắc, không bị mê mẩn, không bị phạm tội, có sự nhìn thấy điều bất lợi, có tuệ về sự buông xả. Và hơn nữa, do sự tự biết đủ với bất luận vật dụng là thuốc men chữa bệnh nào dầu tốt hay xấu ấy, cũng không tâng bốc bản thân, không khinh bỉ vị khác. Bởi vì, vị khôn khéo, không biếng nhác, có sự nhận biết rõ, có niệm trong trường hợp ấy nói đến vị Tỳ-khưu đã đứng vào dòng dõi của các bậc Thánh được biết tiếng là cao thượng từ thời xa xưa.

“Vị ấy nên biết chừng mực ở đây, với mục đích vừa lòng” là như thế.

Vị ấy được bảo vệ về các điều ấy, có đời sống kiềm chế ở trong làng.

Vị ấy được bảo vệ về các điều ấy: Đã được bảo vệ, đã được gìn giữ, đã được hộ trì, đã được thu thúc về y phục, về đồ ăn khất thực, về chỗ nằm ngồi, về vật dụng là thuốc men chữa bệnh. “Vị ấy được bảo vệ về các điều ấy” là như vậy. Hoặc là, đã được bảo vệ, đã được gìn giữ, đã được hộ trì, đã được thu thúc về các xứ. “Vị ấy được bảo vệ về các điều ấy” còn là như vậy.

Sống kiềm chế ở trong làng: Đã kiềm chế, có bản thân đã được kiềm chế, có bản thân đã được kiềm giữ, đã được bảo vệ, đã được gìn giữ, đã được hộ trì, đã được thu thúc ở trong làng.

“Vị ấy được bảo vệ về các điều ấy, có đời sống kiềm chế ở trong làng” là như thế.

Dầu cho bị xúc phạm, không nên nói lời nói thô lỗ: Bị xúc phạm, bị mắng nhiếc, bị khinh bỉ, bị đụng chạm, bị chê trách, bị gièm pha, không nên nói lại, không nên đáp lại một cách thô lỗ, một cách thô bạo, không nên sỉ vả lại người đang sỉ vả, không nên chọc giận lại người đang chọc giận, không nên cãi lộn với người đang cãi lộn, không nên tạo ra sự cãi cọ, không nên tạo ra sự cãi lộn, không nên tạo ra sự cãi vã, không nên tạo ra sự tranh cãi, không nên tạo ra sự gây gổ; nên dứt bỏ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên làm cho không còn hiện hữu sự cãi cọ, sự cãi lộn, sự cãi vã, sự tranh cãi, sự gây gổ. Nên tránh khỏi, xa lánh, tránh xa, đi ra ngoài, rời ra, thoát khỏi, không bị ràng buộc với sự cãi cọ, cãi lộn, tranh luận, tranh cãi, gây gổ, nên sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.

“Dầu cho bị xúc phạm, không nên nói lời nói thô lỗ” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Sau khi đạt được vật thực và y phục lúc đúng thời,

Vị ấy nên biết chừng mực ở đây, với mục đích vừa lòng.

Vị ấy được bảo vệ về các điều ấy, có đời sống kiềm chế ở trong làng,

Dầu cho bị xúc phạm, không nên nói lời nói thô lỗ.”

16.18. Có mắt nhìn xuống và không buông thả bàn chân [đi đó đây],

Nên gắn bó với việc tham thiền, nên có nhiều tỉnh thức,

Sau khi nỗ lực về hành xả, có bản thân định tĩnh,

Nên cắt đứt chỗ trú của sự suy nghĩ và [nên cắt đứt] sự hối hận.

Có mắt nhìn xuống và không buông thả bàn chân [đi đó đây]: Có mắt buông lung là thế nào? Ở đây, một vị Tỳ-khưu nào đó buông thả con mắt, có trạng thái buông thả ở mắt [nghĩ rằng]: “Nên thấy điều chưa thấy, nên bỏ qua điều đã thấy”; rồi từ tu viện này đến tu viện khác, từ vườn hoa này đến vườn hoa khác, từ ngôi làng này đến ngôi làng khác, từ thị trấn này đến thị trấn khác, từ thành phố này đến thành phố khác, từ quốc độ này đến quốc độ khác, từ xứ sở này đến xứ sở khác, đeo đuổi cuộc du hành lâu dài, cuộc du hành bất định để nhìn ngắm cảnh sắc; có mắt buông lung là như vậy.

Hoặc là, vị Tỳ-khưu, khi đã vào đến xóm nhà, khi đi dọc theo con đường thì đi không thu thúc: Vị ấy vừa đi vừa nhìn voi, nhìn ngựa, nhìn xe, nhìn người đi bộ, nhìn các phụ nữ, nhìn các nam nhân, nhìn các cậu trai, nhìn các cô gái, nhìn các cửa tiệm, nhìn mặt tiền của các căn nhà, nhìn lên, nhìn xuống, nhìn xem hướng chính hướng phụ; có mắt buông lung còn là như vậy.

Hoặc là, vị Tỳ-khưu, sau khi nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, có sự nắm giữ hình tướng, có sự nắm giữ chi tiết. Do nguyên nhân nào mà vị ấy, trong khi sống, có nhãn quyền không được thu thúc, khiến các sự tham đắm, ưu phiền, các ác bất thiện pháp có thể xâm nhập, vị ấy không thực hành sự thu thúc đối với nguyên nhân ấy, không hộ trì nhãn quyền, không tiến hành sự thu thúc ở nhãn quyền; có mắt buông lung còn là như vậy.

Hoặc hơn nữa, giống như một số Tôn giả Sa-môn và Bà-la-môn, sau khi thọ thực các bữa ăn được bố thí do đức tin, các vị ấy lại sống, đeo đuổi việc xem trình diễn có hình thức như vầy: Tức là múa, hát, đờn, vũ hội, nghe kể chuyện, vỗ tay theo nhịp, đánh chiêng, đánh trống, biểu diễn thời trang, trò chơi với banh sắt, trò tung hứng tre, lễ bốc mộ, đấu voi, đấu ngựa, đấu trâu, đấu bò mộng, đấu bò đực, đấu dê, đấu cừu, đấu gà, đấu chim cút, đấu gậy, đánh bốc, đấu vật, tập trận, dàn quân, đóng quân, xem sự điều quân, hoặc là như thế; có mắt buông lung còn là như vậy.

Không có mắt buông lung là thế nào? Ở đây, một vị Tỳ-khưu nào đó không buông thả con mắt, không có trạng thái buông thả ở mắt [không nghĩ rằng]: “Nên thấy điều chưa thấy, nên bỏ qua điều đã thấy”; rồi không từ tu viện này đến tu viện khác, không từ vườn hoa này đến vườn hoa khác, không từ ngôi làng này đến ngôi làng khác, không từ thị trấn này đến thị trấn khác, không từ thành phố này đến thành phố khác, không từ quốc độ này đến quốc độ khác, không từ xứ sở này đến xứ sở khác, không đeo đuổi cuộc du hành lâu dài, cuộc du hành bất định để nhìn ngắm cảnh sắc; không có mắt buông lung là như vậy.

Hoặc là, vị Tỳ-khưu, khi đã vào đến xóm nhà, khi đi dọc theo con đường thì đi thu thúc: Vị ấy đi mà không nhìn voi,… (nt)… không nhìn xem hướng chính hướng phụ; không có mắt buông lung còn là như vậy.

Hoặc là, vị Tỳ-khưu, sau khi nhìn thấy cảnh sắc bằng mắt, không có sự nắm giữ hình tướng,… (nt)… không tiến hành sự thu thúc ở nhãn quyền; không có mắt buông lung còn là như vậy.

Hoặc hơn nữa, giống như một số Tôn giả Sa-môn và Bà-la-môn, sau khi thọ thực các bữa ăn được bố thí do đức tin,… (nt)… xem sự điều quân, hoặc là như thế. Vị ấy tránh xa việc đeo đuổi để xem trình diễn có hình thức như thế ấy; không có mắt buông lung còn là như vậy. “Có mắt nhìn xuống” là như thế.

Và không buông thả bàn chân: Buông thả bàn chân là thế nào? Ở đây, một vị Tỳ-khưu nào đó buông thả bàn chân, có trạng thái buông thả ở bàn chân, từ tu viện này đến tu viện khác,… (nt)… đeo đuổi cuộc du hành lâu dài, cuộc du hành bất định để nhìn ngắm cảnh sắc; buông thả bàn chân là như vậy. Hoặc là, vị Tỳ-khưu, thậm chí ở bên trong tu viện của hội chúng, cũng buông thả bàn chân, có trạng thái buông thả ở bàn chân, không phải vì sự lợi ích là nguyên nhân, không phải vì công việc là nguyên nhân, bị phóng túng, có tâm không được vắng lặng, rồi từ gian phòng này đi đến gian phòng khác, từ trú xá này… (nt)… chuyện về sự hiện hữu và không hiện hữu là như vầy, hoặc là như thế; buông thả bàn chân còn là như vậy.

Và không buông thả bàn chân: Nên dứt bỏ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên làm cho không còn hiện hữu trạng thái buông thả ở bàn chân; nên tránh khỏi, xa lánh, tránh xa, đi ra ngoài, rời ra, thoát khỏi, không bị ràng buộc với việc buông thả bàn chân, nên sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn; nên có sự thích thú trong việc thiền tịnh, được thích thú trong việc thiền tịnh, gắn bó với sự vắng lặng của tâm thuộc nội phần, có thiền không bị xa rời, thành tựu minh sát, là người gia tăng việc ngụ ở các ngôi nhà trống vắng, chứng thiền, thích thú với thiền, gắn bó với trạng thái đơn độc, chú trọng mục đích của mình.

“Có mắt nhìn xuống và không buông thả bàn chân [đi đó đây]” là như thế.

Nên gắn bó với việc tham thiền, nên có nhiều tỉnh thức.

Nên gắn bó với việc tham thiền: Gắn bó với việc tham thiền vì hai lý do: Gắn bó, gắn vào, gắn chặt, gắn liền với việc làm sanh khởi sơ thiền chưa được sanh khởi; gắn bó, gắn vào, gắn chặt, gắn liền với việc làm sanh khởi nhị thiền, tam thiền, tứ thiền chưa được sanh khởi; gắn bó với việc tham thiền là như vậy. Hoặc là, luyện tập, tu tập, thực hành thường xuyên sơ thiền đã được sanh khởi; luyện tập, tu tập, thực hành thường xuyên nhị thiền, tam thiền, tứ thiền đã được sanh khởi; gắn bó với việc tham thiền còn là như vậy.

Nên có nhiều tỉnh thức: Ở đây, vị Tỳ-khưu, vào ban ngày làm trong sạch tâm khỏi các pháp ngăn trở bằng việc kinh hành, bằng việc ngồi; vào ban đêm trong canh đầu làm trong sạch tâm khỏi các pháp ngăn trở bằng việc kinh hành, bằng việc ngồi; vào ban đêm trong canh giữa áp dụng thế nằm của sư tử bằng sườn bên phải, đặt bàn chân chồng lên bàn chân, có niệm, có sự nhận biết rõ, chú tâm đến ý tưởng của việc thức dậy; vào ban đêm trong canh cuối sau khi thức dậy, làm trong sạch tâm khỏi các pháp ngăn trở bằng việc kinh hành, bằng việc ngồi.

“Nên gắn bó với việc tham thiền, nên có nhiều tỉnh thức” là như thế.

Sau khi nỗ lực về hành xả, có bản thân định tĩnh.

Hành xả: Là sự hành xả, biểu hiện của hành xả, biểu hiện của hành xả vượt trội, trạng thái bình đẳng của tâm, trạng thái an tịnh của tâm, trạng thái trung dung của tâm ở tứ thiền.

Có bản thân định tĩnh: Là sự ổn định, sự đứng vững, sự kiên định, sự không rối loạn, sự không tán loạn, trạng thái tâm ý không bị phân tán, sự vắng lặng, định quyền, định lực, chánh định của tâm.

Sau khi nỗ lực về hành xả, có bản thân định tĩnh: Có tâm được nhất điểm, có tâm không bị tán loạn, có tâm ý không bị phân tán dựa trên nền tảng của sự hành xả ở tứ thiền.

“Sau khi nỗ lực về hành xả, có bản thân định tĩnh” là như thế.

Nên cắt đứt chỗ trú của sự suy nghĩ và [nên cắt đứt] sự hối hận.

Sự suy nghĩ: Có chín sự suy tư: Suy tư về dục; suy tư về sân hận; suy tư về hãm hại; suy tư về thân quyến; suy tư về xứ sở; suy tư về chư thiên; suy tư liên quan đến sự trắc ẩn đối với người khác; suy tư liên quan đến lợi lộc, sự trọng vọng và sự nổi tiếng; suy tư liên quan đến việc không bị khi dễ. Các việc này gọi là chín sự suy tư. Sự nghĩ tưởng về dục là chỗ trú của các suy tư về dục, sự nghĩ tưởng về sân hận là chỗ trú của các suy tư về sân hận, sự nghĩ tưởng về hãm hại là chỗ trú của các suy tư về hãm hại. Hoặc là, vô minh là chỗ trú, tác ý không đúng đường lối là chỗ trú, ngã mạn về bản thân là chỗ trú, không hổ thẹn [tội lỗi] là chỗ trú, không ghê sợ [tội lỗi] là chỗ trú, phóng dật là chỗ trú của các suy nghĩ, của các suy tư, của các tư duy.

Sự hối hận: Vẻ bối rối ở bàn tay cũng là hối hận, vẻ bối rối ở bàn chân cũng là hối hận, vẻ bối rối ở bàn tay và bàn chân cũng là hối hận, lầm tưởng là được phép trong việc không được phép, lầm tưởng là không được phép trong việc được phép, lầm tưởng là có tội ở việc vô tội, lầm tưởng là vô tội ở việc có tội. Sự hối hận nào có hình thức như vậy là biểu hiện hối hận, trạng thái hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý, việc này gọi là hối hận.

Thêm nữa, sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên do hai nguyên nhân: Do trạng thái đã làm và do trạng thái đã không làm. Thế nào là sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên do trạng thái đã làm và do trạng thái không làm? Sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên rằng: “Ta đã làm uế hạnh về thân, ta đã không làm thiện hạnh về thân.” Sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên rằng: “Ta đã làm uế hạnh về khẩu,… “Ta đã làm uế hạnh về ý,… “Ta đã giết hại sinh mạng, ta đã không tránh xa sự giết hại sinh mạng.” Sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên rằng: “Ta đã trộm cắp,… “Ta đã tà hạnh trong các dục,… “Ta đã nói dối,… “Ta đã nói đâm thọc,… “Ta đã nói thô lỗ, ta đã không tránh xa việc nói thô lỗ,… “Ta đã nói nhảm nhí,… “Ta đã hành động tham đắm,… “Ta đã hành động sân hận,… “Ta đã thực hành tà kiến, ta đã không thực hành chánh kiến.” Như vậy là sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên do trạng thái đã làm và do trạng thái đã không làm.

Hoặc là, sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên rằng: “Ta không phải là người thực hành đầy đủ các giới.” Sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên rằng: “Ta là người có các giác quan không được gìn giữ.” … “Ta là người không biết chừng mực về vật thực.” … “Ta chưa luyện tập về tỉnh thức.” … “Ta chưa đầy đủ niệm và sự nhận biết rõ.” … “Bốn sự thiết lập niệm chưa được ta tu tập.” … “Bốn chánh cần chưa được ta tu tập.” … “Bốn nền tảng của thần thông chưa được ta tu tập.” … “Năm quyền chưa được ta tu tập.” … “Năm lực chưa được ta tu tập.” … “Bảy yếu tố đưa đến giác ngộ chưa được ta tu tập.” … “Đạo lộ Thánh thiện tám chi phần chưa được ta tu tập.” … “Khổ chưa được ta biết toàn diện.” … “Tập chưa được ta dứt bỏ.” … “Đạo chưa được ta tu tập.” … “Diệt chưa được ta chứng ngộ.”

Nên cắt đứt chỗ trú của sự suy nghĩ và [nên cắt đứt] sự hối hận: Nên cắt đứt, nên cắt, nên cắt rời, nên cắt lìa, nên dứt bỏ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên làm cho không còn hiện hữu sự suy nghĩ, chỗ trú của sự suy nghĩ và sự hối hận.

“Nên cắt đứt chỗ trú của sự suy nghĩ và [nên cắt đứt] sự hối hận” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Có mắt nhìn xuống và không buông thả bàn chân [đi đó đây],

Nên gắn bó với việc tham thiền, nên có nhiều tỉnh thức,

Sau khi nỗ lực về hành xả, có bản thân định tĩnh,

Nên cắt đứt chỗ trú của sự suy nghĩ và [nên cắt đứt] sự hối hận.”

16.19. Bị quở trách bởi những lời nói, vị [Tỳ-khưu] có niệm nên hoan hỷ.

Nên phá vỡ sự cứng cỏi đối với các vị đồng Phạm hạnh.

Nên thốt lên lời nói tốt lành, [lời nói] không vượt quá giới hạn.

Không nên suy nghĩ về chuyện phiếm luận của những người [khác].

Bị quở trách bởi những lời nói, vị [Tỳ-khưu] có niệm nên hoan hỷ.

Bị quở trách: Các vị thầy tế độ, hoặc các vị thầy dạy học, hoặc các vị đồng thầy tế độ, hoặc các vị đồng thầy dạy học, hoặc các bạn bè, hoặc các vị đồng quan điểm, hoặc các vị thân thiết, hoặc các vị thân hữu quở trách rằng: “Này Đại đức, đối với ông điều này là không phù hợp, đối với ông điều này là không được đạt đến, đối với ông điều này là không thích hợp, đối với ông điều này là không hợp với bản tánh.” [Vị ấy] nên thiết lập niệm, rồi nên vui thích, nên thích thú, nên vui mừng, nên tùy hỷ, nên ước muốn, nên ưng thuận, nên ước nguyện, nên mong cầu, nên nguyện cầu sự quở trách ấy. Cũng giống như người nữ hoặc người nam còn trẻ, ở tuổi thanh niên, ưa thích trang điểm, vừa mới gội đầu, sau khi nhận được tràng hoa sen, hoặc tràng hoa nhài, hoặc tràng hoa đủ loại, nên thọ lãnh bằng hai tay và đặt lên ở đỉnh đầu, rồi nên vui thích, nên thích thú, nên vui mừng, nên tùy hỷ, nên ước muốn, nên ưng thuận, nên ước nguyện, nên mong cầu, nên nguyện cầu. Tương tự như vậy, [vị ấy] nên thiết lập niệm, rồi nên vui thích, nên thích thú, nên vui mừng, nên tùy hỷ, nên ước muốn, nên ưng thuận, nên ước nguyện, nên mong cầu, nên nguyện cầu sự quở trách ấy.

1. “Nên nhận biết người thông minh, có sự nhìn thấy được lỗi lầm, có lời nói khiển trách, như là người chỉ ra những của cải chôn giấu [cho mình]; nên giao thiệp với người sáng suốt như thế ấy. Đối với người giao thiệp với vị như thế ấy, thì trở nên tốt hơn, không có xấu hơn.”

2. “Người [nào] có thể giáo giới, có thể chỉ dạy, có thể ngăn cản điều không tốt lành, thật vậy đối với những người tốt thì người ấy được yêu mến, đối với những người xấu thì không được yêu mến.”

“Bị quở trách bởi những lời nói, vị [Tỳ-khưu] có niệm nên hoan hỷ” là như thế.

Nên phá vỡ sự cứng cỏi đối với các vị đồng Phạm hạnh.

Các vị đồng Phạm hạnh: Là những vị có chung hành sự, có chung việc đọc tụng [Giới bổn (Pātimokkha)], có sự học tập giống nhau.

Nên phá vỡ sự cứng cỏi đối với các vị đồng Phạm hạnh: Nên phá vỡ trạng thái tâm hằn học, bản tánh cứng cỏi đối với các vị đồng Phạm hạnh; nên phá vỡ năm sự cứng cỏi của tâm;[8] nên phá vỡ ba sự cứng cỏi của tâm;[9] nên đập vỡ, nên phá vỡ, nên đập tan sự cứng cỏi do tham ái, sự cứng cỏi do sân hận, sự cứng cỏi do si mê.

“Nên phá vỡ sự cứng cỏi đối với các vị đồng Phạm hạnh” là như thế.

Nên thốt lên lời nói tốt lành, [lời nói] không vượt quá giới hạn: Nên thốt ra lời nói được khởi lên từ trí tuệ. Nên thốt ra, nên thốt lên lời nói liên hệ đến mục đích, liên hệ đến giáo pháp, hợp thời, có lý lẽ, có cơ sở. “Nên thốt lên lời nói tốt lành” là như thế.

[Lời nói] không vượt quá giới hạn.

Giới hạn: Có hai giới hạn: Giới hạn về thời điểm và giới hạn về luân lý. Giới hạn về thời điểm là gì? Không nên nói lời nói không phải thời, không nên nói lời nói không phải lúc, không nên nói lời nói không phải thời không phải lúc, không nên nói lời nói không hợp thời, không nên nói lời nói không hợp lúc, không nên nói lời nói không hợp thời không hợp lúc.

3. “Thật vậy, kẻ nào khi thời điểm chưa đến mà thốt lên [lời nói] không phải lúc, kẻ ấy bị giết chết nằm dài, tựa như chim cu con.”[10]

Điều này là giới hạn về thời điểm.

Giới hạn về luân lý là gì? Khi bị luyến ái không nên nói lời nói, khi bị sân hận không nên nói lời nói, khi bị si mê không nên nói lời nói, không nên nói lời nói dối, không nên nói lời nói đâm thọc, không nên nói lời nói thô lỗ, không nên nói lời nói nhảm nhí, không nên nói, không nên thuyết, không nên phát ngôn, không nên giảng giải, không nên diễn tả; điều này là giới hạn về luân lý.

“Nên thốt lên lời nói tốt lành, [lời nói] không vượt quá giới hạn” là như thế.

Không nên suy nghĩ về chuyện phiếm luận của những người [khác].

Những người [khác]: Là các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, các thương buôn, các nô lệ, các người tại gia, các vị xuất gia, chư thiên và loài người. Không nên suy nghĩ, không nên làm sanh khởi sự suy nghĩ, không nên làm sanh khởi tâm, không nên làm sanh khởi sự suy tầm, không nên làm sanh khởi sự chú tâm về lời buộc tội, về lời gièm pha, về sự chê bai, về sự chê trách, về sự không nổi tiếng, về sự không ca tụng, về sự hư hỏng về giới, hoặc về sự hư hỏng về hạnh kiểm, hoặc về sự hư hỏng về quan điểm, hoặc về sự hư hỏng về nuôi mạng.

“Không nên suy nghĩ về chuyện phiếm luận của những người [khác]” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Bị quở trách bởi những lời nói, vị [Tỳ-khưu] có niệm nên hoan hỷ.

Nên phá vỡ sự cứng cỏi đối với các vị đồng Phạm hạnh.

Nên thốt lên lời nói tốt lành, [lời nói] không vượt quá giới hạn.

Không nên suy nghĩ về chuyện phiếm luận của những người [khác].”

16.20. Và hơn thế nữa, có năm loại bụi bặm ở thế gian; đối với chúng, vị có niệm nên học tập để dẹp bỏ. Nên khống chế sự luyến ái ở các sắc, ở các thinh, rồi ở các vị, ở các hương, ở các xúc.

Và hơn thế nữa, có năm loại bụi bặm ở thế gian.

Và: Từ “atha” này là sự nối liền các câu văn, sự kết hợp các câu văn, sự làm đầy đủ các câu văn, sự gặp gỡ của các âm, trạng thái trau chuốt từ ngữ, tính chất tuần tự của các câu văn.

Có năm loại bụi bặm: [Luyến ái ở] sắc là bụi bặm, [luyến ái ở] thinh là bụi bặm, [luyến ái ở] hương là bụi bặm, [luyến ái ở] vị là bụi bặm, [luyến ái ở] xúc là bụi bặm.

1. Luyến ái là bụi bặm, nhưng không phải nói đến bụi đất,

    Từ “bụi bặm” này là tên gọi của luyến ái.

    Các vị sáng suốt, sau khi dứt bỏ hẳn bụi bặm này,

    Các vị ấy sống trong giáo pháp của bậc đã tách lìa bụi bặm.

2. Sân hận là bụi bặm, nhưng không phải nói đến bụi đất,

    Từ “bụi bặm” này là tên gọi của sân hận.

    Các vị sáng suốt, sau khi dứt bỏ hẳn bụi bặm này,

    Các vị ấy sống trong giáo pháp của bậc đã tách lìa bụi bặm.

3. Si mê là bụi bặm, nhưng không phải nói đến bụi đất,

    Từ “bụi bặm” này là tên gọi của si mê.

    Các vị sáng suốt, sau khi dứt bỏ hẳn bụi bặm này,

    Các vị ấy sống trong giáo pháp của bậc đã tách lìa bụi bặm.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh, ở thế gian của loài người, ở thế gian của chư thiên, ở thế gian của các uẩn, ở thế gian của các giới, ở thế gian của các xứ.

“Và hơn thế nữa, có năm loại bụi bặm ở thế gian” là như thế.

Đối với chúng, vị có niệm nên học tập để dẹp bỏ.

Đối với chúng: Là đối với sự luyến ái ở sắc, đối với sự luyến ái ở thinh, đối với sự luyến ái ở hương, đối với sự luyến ái ở vị, đối với sự luyến ái ở xúc.

Vị có niệm: Niệm là sự tùy niệm, niệm hiện tiền; niệm là trạng thái ghi nhớ, trạng thái ghi nhận, trạng thái không lơ là, trạng thái không quên lãng; niệm là niệm quyền, niệm lực, chánh niệm, niệm giác chi, con đường độc đạo; điều này được gọi là niệm. Người đã tiến đến, đã tiến gần, đã đến gần, đã tiến vào, đã đạt đến, đã đầy đủ, đã thành tựu niệm này, người ấy được gọi là có niệm.

Nên học tập: Có ba sự học tập: Học tập về thắng giới, học tập về thắng tâm, học tập về thắng tuệ. Việc nào là sự học tập về thắng giới? … (nt)… Việc này là sự học tập về thắng tuệ.

Đối với chúng, vị có niệm nên học tập để dẹp bỏ: Người có niệm nên học tập về thắng giới, nên học tập về thắng tâm, nên học tập về thắng tuệ nhằm loại bỏ, nhằm bài trừ, nhằm dứt bỏ, nhằm làm vắng lặng, nhằm buông bỏ, nhằm tịch tịnh đối với chúng: Đối với sự luyến ái ở sắc, đối với sự luyến ái ở thinh, đối với sự luyến ái ở hương, đối với sự luyến ái ở vị, đối với sự luyến ái ở xúc. Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này thì nên học tập; trong khi biết thì nên học tập;… (nt)… trong khi chứng ngộ pháp cần được chứng ngộ thì nên học tập, nên hành xử, nên hành theo, nên thọ trì và vận dụng.

“Đối với chúng, vị có niệm nên học tập để dẹp bỏ” là như thế.

Nên khống chế sự luyến ái ở các sắc, ở các thinh, rồi ở các vị, ở các hương, ở các xúc: Nên khống chế, nên áp chế, nên ngự trị, nên đè bẹp, nên trấn áp, nên chà đạp sự luyến ái ở các sắc, ở các thinh, ở các vị, ở các hương, ở các xúc.

“Nên khống chế sự luyến ái ở các sắc, ở các thinh, rồi ở các vị, ở các hương, ở các xúc” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Và hơn thế nữa, có năm loại bụi bặm ở thế gian; đối với chúng, vị có niệm nên học tập để dẹp bỏ. Nên khống chế sự luyến ái ở các sắc, ở các thinh, rồi ở các vị, ở các hương, ở các xúc.”

16.21. “Vị Tỳ-khưu có niệm, có tâm khéo được giải thoát, nên loại bỏ sự mong muốn ở các pháp ấy. Vị ấy, đúng thời điểm, trong khi suy xét toàn diện một cách đúng đắn về giáo pháp, có trạng thái chuyên nhất [của tâm], vị ấy có thể diệt trừ sự tăm tối”, [đức Thế Tôn nói vậy].

Nên loại bỏ sự mong muốn ở các pháp ấy.

Ở các [pháp] ấy: Ở các sắc, ở các thinh, ở các vị, ở các hương, ở các xúc.

Sự mong muốn: Là sự mong muốn về dục, sự luyến ái về dục, niềm vui về dục, sự tham ái về dục, sự yêu mến về dục, sự nồng nhiệt về dục, sự mê mẩn về dục, sự bám chặt vào dục, sự lôi cuốn của dục, sự gắn bó với dục, sự chấp thủ ở dục,… (nt)… sự che lấp do mong muốn ở các dục.

Nên loại bỏ sự mong muốn ở các pháp ấy: Nên loại bỏ, nên dẹp hẳn, nên dứt bỏ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên làm cho không còn hiện hữu sự mong muốn ở các pháp ấy.

“Nên loại bỏ sự mong muốn ở các pháp ấy” là như thế.

Vị Tỳ-khưu có niệm, có tâm khéo được giải thoát.

Vị Tỳ-khưu: Là vị Tỳ-khưu phàm nhân tốt lành hoặc vị Tỳ-khưu là bậc Hữu học.

Có niệm: Niệm là sự tùy niệm,… (nt)… chánh niệm, niệm giác chi, con đường độc đạo; điều này được gọi là niệm. Người đã tiến đến niệm này,… (nt)… người ấy được gọi là có niệm.

Vị Tỳ-khưu có niệm, có tâm khéo được giải thoát: Đối với vị thể nhập Sơ thiền, tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi các pháp che lấp. Đối với vị thể nhập Nhị thiền, tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi tầm và tứ. Đối với vị thể nhập Tam thiền, tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi hỷ. Đối với vị thể nhập Tứ thiền, tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi lạc và khổ. Đối với vị thể nhập Không vô biên xứ, tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi sắc tưởng, bất bình tưởng, dị biệt tưởng. Đối với vị thể nhập Thức vô biên xứ, tâm… (nt)… khỏi Không vô biên xứ tưởng. Đối với vị thể nhập Vô sở hữu xứ, tâm… (nt)… khỏi Thức vô biên xứ tưởng. Đối với vị thể nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi Vô sở hữu xứ tưởng. Đối với vị Nhập lưu, tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi sự nhận thức sai trái về thân, sự hoài nghi, sự bám víu vào giới và phận sự, tà kiến tiềm ẩn, hoài nghi tiềm ẩn, và các phiền não cộng trú với mỗi pháp ấy. Đối với vị Nhất lai, tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi ái dục tiềm ẩn và bất bình tiềm ẩn có tính chất thô thiển, và các phiền não cộng trú với mỗi pháp ấy. Đối với vị Bất lai, tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, ái dục tiềm ẩn và bất bình tiềm ẩn có tính chất vi tế, và các phiền não cộng trú với mỗi pháp ấy. Đối với vị A-la-hán, tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, ngã mạn tiềm ẩn, hữu ái tiềm ẩn, vô minh tiềm ẩn, các phiền não cộng trú với mỗi pháp ấy, và mọi hiện tướng ở bên ngoài.

“Vị Tỳ-khưu có niệm, có tâm khéo được giải thoát” là như thế.

Vị ấy, đúng thời điểm, trong khi suy xét toàn diện một cách đúng đắn về giáo pháp.

Đúng thời điểm: Khi tâm bị phóng túng là thời điểm của [tu tập] định, khi tâm đã được định tĩnh là thời điểm của minh sát.

1. Vị nỗ lực tâm vào thời điểm [này] và kiềm chế tâm vào thời điểm khác, khích lệ tâm đúng thời điểm, tập trung tâm vào thời điểm [thích hợp], hành xả đúng thời điểm, vị hành giả ấy là người rành rẽ về thời điểm.

2. Việc nỗ lực là vào thời điểm nào? Việc kiềm chế là vào thời điểm nào? Thời điểm cần khích lệ là vào thời điểm nào? Và thời điểm của vắng lặng là thời điểm như thế nào? Làm thế nào giúp cho các hành giả nhìn thấy thời điểm hành xả của tâm?

3. Khi tâm bị lui sụt là [thời điểm của] việc nỗ lực, nhưng khi tâm bị phóng túng là [thời điểm của] việc kiềm chế, khi tâm đi đến sự không hứng thú, vào khi ấy nên khích lệ tâm.

4. Vào lúc tâm đã được khích lệ, không bị lui sụt, không bị phóng túng, thời điểm ấy là của sự vắng lặng và của ấn chứng, tâm thích thú ở bên trong [của đề mục].

5. Theo đúng phương thức này, vào lúc [tâm] được định tĩnh, sau khi nhận biết tâm đã được định tĩnh, nên hành xả tâm vào khi ấy.

6. Vị sáng trí, hiểu rõ về thời điểm, biết về thời điểm, rành rẽ về thời điểm nên suy xét ấn chứng của tâm đúng thời điểm, thuận theo thời điểm.

Vị ấy, đúng thời điểm, trong khi suy xét toàn diện một cách đúng đắn về giáo pháp: Trong khi suy xét toàn diện một cách đúng đắn về giáo pháp rằng: “Tất cả các hành là vô thường”; trong khi suy xét toàn diện một cách đúng đắn về giáo pháp rằng: “Tất cả các hành là khổ”; trong khi suy xét toàn diện một cách đúng đắn về giáo pháp rằng: “Tất cả các pháp là vô ngã”;… (nt)… trong khi suy xét toàn diện một cách đúng đắn về giáo pháp rằng: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

“Vị ấy, đúng thời điểm, trong khi suy xét toàn diện một cách đúng đắn về giáo pháp” là như thế.

Có trạng thái chuyên nhất [của tâm], vị ấy có thể diệt trừ sự tăm tối, [đức Thế Tôn nói vậy].

Có trạng thái chuyên nhất [của tâm]: Có tâm được nhất điểm, có tâm không bị tản mạn, có tâm ý không bị phân tán, có sự vắng lặng, có tuệ quyền, có tuệ lực, có chánh định. “Có trạng thái chuyên nhất [của tâm]” là như thế.

Vị ấy có thể diệt trừ sự tăm tối: Là có thể tiêu diệt, có thể diệt trừ, có thể dứt bỏ, có thể xua đi, có thể làm chấm dứt, có thể làm cho không còn hiện hữu tất cả sự tăm tối bởi luyến ái, sự tăm tối bởi sân hận, sự tăm tối bởi si mê, sự tăm tối bởi tà kiến, sự tăm tối bởi ngã mạn, sự tăm tối bởi ô nhiễm, sự tăm tối bởi uế hạnh, sự tạo ra tăm tối, sự làm cho mù mắt, sự tạo ra vô trí, sự diệt tận tuệ, đem đến sự buồn phiền, không vận hành đến Niết-bàn.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính. Thêm nữa, “vị có luyến ái đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có sân hận đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có si mê đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có ngã mạn đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có tà kiến đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có cây gai đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có ô nhiễm đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị đã phân phát, đã phân chia, đã phân phối Pháp bảo” là đức Thế Tôn; “vị thực hiện sự chấm dứt các hữu” là đức Thế Tôn; “vị có thân đã được tu tập, có giới đã được tu tập, có tâm đã được tu tập, có tuệ đã được tu tập” là đức Thế Tôn; “vị đã thân cận các khu rừng, các nơi heo hút, các chỗ trú ngụ xa vắng có ít âm thanh, ít tiếng ồn, có bầu không gian vắng vẻ, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, và vật dụng là thuốc men chữa bệnh” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về vị của mục đích, về vị của Pháp, về vị của giải thoát, về thắng giới, về thắng tâm, về thắng tuệ” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về bốn thiền, về bốn vô lượng [tâm], về bốn sự thể nhập vô sắc” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về tám giải thoát, về tám thắng xứ [của thiền], về chín sự thể nhập và an trú theo tuần tự” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về mười sự tu tập về tưởng, về mười sự thể nhập các đề mục kasiṇa, về định niệm hơi thở vào hơi thở ra, về sự thể nhập các đề mục tử thi” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về mười Như Lai lực, về bốn pháp tự tin, về bốn tuệ phân tích, về sáu thắng trí, về sáu pháp của đức Phật” là đức Thế Tôn. Tên gọi “Thế Tôn” này không do mẹ tạo ra, không do cha tạo ra, không do anh [em] trai tạo ra, không do chị [em] gái tạo ra, không do bạn bè hoặc thân hữu tạo ra, không do các thân quyến và những người cùng huyết thống tạo ra, không do các Sa-môn hoặc Bà-la-môn tạo ra, không do chư thiên tạo ra, sự tận cùng của giải thoát này là sự quy định thuộc về chư Phật Thế Tôn do sự đạt được, do sự chứng ngộ trí Toàn tri ở cội cây Bồ-đề, tức là “đức Thế Tôn.”

“Có trạng thái chuyên nhất [của tâm], vị ấy có thể diệt trừ sự tăm tối, [đức Thế Tôn nói vậy]” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Vị Tỳ-khưu có niệm, có tâm khéo được giải thoát, nên loại bỏ sự mong muốn ở các pháp ấy. Vị ấy, đúng thời điểm, trong khi suy xét toàn diện một cách đúng đắn về giáo pháp, có trạng thái chuyên nhất [của tâm], vị ấy có thể diệt trừ sự tăm tối”, [đức Thế Tôn nói vậy].

“Diễn giải kinh về Sāriputta” được đầy đủ - Phần thứ mười sáu.

ĐẠI DIỄN GIẢI ĐƯỢC CHẤM DỨT.

 

Chú thích:

[1] Paṇḍukambalasilāyaṃ: Dịch sát nghĩa là “ở tảng đá phủ tấm mền màu cam”. (ND)

[2] Xem chú thích về “Lokadhātu” (Thế giới) ở trang 223. (ND)

[3] Xem chú thích về Nhất thiên (Tiểu thế giới), Nhị thiên (Trung thế giới), Tam thiên (Đại thiên thế giới) ở trang 294. (ND)

[4] Đoạn này được thêm vào theo các tạng Miến Điện, Thái Lan và PTS; tạng Tích Lan không có. (ND)

[5] Bốn động từ bujjhati, anubujjhati, paṭibujjhati và sambujjhati có cùng một gốc động từ là √budh, có nghĩa là “giác ngộ”, được thêm vào các tiếp đầu ngữ anu, paṭi, sam để tạo thành ba động từ khác với ý nghĩa đã được thay đổi ít nhiều. Ý nghĩa của bốn động từ trên đã được viết theo sự giải thích của Chú giải (NidA. II. 440). (ND)

[6] Bổn sanh “Cái bát dầu” (Telapattajātakaṃ), số 96, TTPV, tập 32, trang 41, câu kệ 96. (ND)

[7] Xem Tạng Luật, Đại phẩm 1, TTPV, tập 4, trang 73. (ND)

[8] Xem chú thích về “Năm sự cứng cỏi của tâm” ở trang 55. (ND)

[9] Ba sự cứng cỏi của tâm: Sự cứng cỏi của luyến ái, sự cứng cỏi của sân hận, sự cứng cỏi của si mê (xem trang 55). (ND)

[10] Bổn sanh “Kokālika” (Kokālikajātakaṃ), số 331, TTPV, tập 32, trang 189, câu kệ 628. (ND)

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.