Tam tạng Thánh điển PGVN 08 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 08»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 4
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
16.1. [Tôn giả Piṅgiya nói rằng:] “Con đã già, yếu sức, không còn vẻ đẹp,
Cặp mắt không còn trong sáng, việc nghe không thoải mái.
Mong rằng con chớ mệnh chung trong lúc còn mê muội.
Xin Ngài hãy chỉ dạy về giáo pháp để con có thể nhận thức
Sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây.”
Con đã già, yếu sức, không còn vẻ đẹp.
Con đã già: Đã già, lớn tuổi, trưởng thượng, đã trải qua cuộc đời, đã đạt đến tuổi thọ, đã được một trăm hai mươi tuổi từ lúc sanh ra.
Yếu sức: Yếu sức là sức lực kém, ít sức lực, ít sức mạnh.
Không còn vẻ đẹp: Có vẻ đẹp đã xa lìa, có vẻ đẹp đã rời khỏi, có vẻ đẹp đã qua rồi, sắc sáng xinh đẹp ở làn da trước đây đã biến mất, sự bất lợi đã xuất hiện.
“Con đã già, yếu sức, không còn vẻ đẹp” là như thế.
Tôn giả Piṅgiya nói rằng.
Rằng: [Từ “icca” này] là sự nối liền các câu văn,… (nt)…
Tôn giả: [Từ “āyasmā” này] là lời nói yêu mến,… (nt)…
Piṅgiya: Là tên của vị Bà-la-môn ấy,… (nt)… từ kêu gọi.
“Tôn giả Piṅgiya nói rằng” là như thế.
Mắt không còn trong sáng, việc nghe không thoải mái: “Cặp mắt không còn trong sáng, không còn tinh anh, không còn tinh tường, không còn tinh khiết. Con không còn thấy các hình dáng với mắt như thế.” “Mắt không còn trong sáng” là như thế.
Việc nghe không thoải mái: “Hai tai không còn trong sáng, không còn tinh anh, không còn tinh tường, không còn tinh khiết. Con không còn nghe âm thanh với tai như thế.”
“Mắt không còn trong sáng, việc nghe không thoải mái” là như thế.
Mong rằng con chớ mệnh chung trong lúc còn mê muội.
Mong rằng con chớ mệnh chung: Mong rằng con chớ mệnh chung, mong rằng con chớ tiêu hoại, mong rằng con chớ suy sụp.
Mê muội: Mê muội là lầm lạc si mê, không có sự hiểu biết, không đạt đến kiến thức, không có trí, không có sự rành rẽ, có tuệ tồi.
Trong lúc còn: Con có thể qua đời ngay trong khi còn chưa hiểu thông, chưa đạt đến, chưa hiểu biết, chưa tiếp nhận, chưa chạm đến, chưa chứng ngộ giáo pháp, quan điểm, đường lối thực hành, đạo lộ của Ngài.
“Mong rằng con chớ mệnh chung trong lúc còn mê muội” là như thế.
Xin Ngài hãy chỉ dạy về giáo pháp để con có thể nhận thức.
Giáo pháp: Xin Ngài hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, [gồm có] bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần, Niết-bàn, và sự thực hành đưa đến Niết-bàn. “Xin Ngài hãy chỉ dạy về giáo pháp” là như thế.
Để con có thể nhận thức: Để con có thể biết, có thể hiểu, có thể nhận thức, có thể thừa nhận, có thể thấu triệt, có thể chứng đắc, có thể chạm đến, có thể chứng ngộ.
“Xin Ngài hãy chỉ dạy về giáo pháp để con có thể nhận thức” là như thế.
Sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây: Sự dứt bỏ đối với sanh-già-chết ngay ở nơi đây, sự vắng lặng, sự buông bỏ, sự tịch tịnh, bất tử, Niết-bàn.
“Sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
[Tôn giả Piṅgiya nói rằng:] “Con đã già, yếu sức, không còn vẻ đẹp,
Cặp mắt không còn trong sáng, việc nghe không thoải mái.
Mong rằng con chớ mệnh chung trong lúc còn mê muội.
Xin Ngài hãy chỉ dạy về giáo pháp để con có thể nhận thức
Sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây.”
16.2. [Đức Thế Tôn nói: “Này Piṅgiya,]
Sau khi nhìn thấy những người bị hãm hại do duyên các sắc,
Những người xao lãng bị khổ sở do duyên các sắc,
Vì thế, ngươi, này Piṅgiya, là người không xao lãng,
Ngươi hãy từ bỏ sắc để không còn sanh ra lần nữa.”
Sau khi nhìn thấy những người bị hãm hại do duyên các sắc.
Sắc: Là bốn yếu tố chính [đất, nước, lửa, gió] và sắc liên quan đến bốn yếu tố chính. Do nhân các sắc, do duyên các sắc, bởi lý do các sắc, các chúng sanh bị hành hạ, bị hãm hại, bị hủy hoại, bị giết hại. Họ cho áp dụng các hình phạt nhiều loại ở sắc đang hiện diện: Họ đánh đập bằng những cây roi, họ đánh đập bằng các dây mây, họ đánh đập bằng các gậy ngắn, họ chặt bàn tay, họ chặt bàn chân, họ chặt bàn tay và bàn chân, họ cắt tai, họ xẻo mũi, họ cắt tai và xẻo mũi, họ [đập vỡ đầu] làm thành như hũ cháo chua, họ lột da đầu, họ đốt lửa ở miệng, họ thiêu sống, họ đốt cháy ở bàn tay, họ lột da thành sợi, họ lột da thành đống để ở chân, họ kéo căng thân người ở trên đất, họ xiên da thịt bằng lưỡi câu, họ khoét thịt thành đồng tiền, họ chà xát với chất kiềm, họ quay tròn ở trên thập tự giá, họ đánh cho nhừ tử, họ rưới bằng dầu sôi, họ cho những con chó gặm, họ đặt trên giáo nhọn lúc còn sống, họ chặt đầu bằng gươm. Do nhân các sắc, do duyên các sắc, bởi lý do các sắc, các chúng sanh bị hành hạ, bị hãm hại, bị hủy hoại, bị giết hại như vậy. Sau khi nhìn thấy họ đang bị hành hạ, đang bị hãm hại, đang bị hủy hoại, đang bị giết hại như vậy, sau khi nhìn xem, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt.
“Sau khi nhìn thấy những người bị hãm hại do duyên các sắc” là như thế.
Đức Thế Tôn nói: Này Piṅgiya.
Piṅgiya: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.
Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”
“Đức Thế Tôn nói: Này Piṅgiya” là như thế.
Những người xao lãng bị khổ sở do duyên các sắc.
Bị khổ sở: Họ bị khổ sở, bị bực bội, bị áp bức, bị đụng chạm; họ bị khiếp sợ, trở nên ưu phiền. Do bệnh ở mắt, họ bị khổ sở, bị bực bội, bị áp bức, bị đụng chạm; họ bị khiếp sợ, trở nên ưu phiền. Do bệnh ở tai… (nt)… Do bệnh ở thân… (nt)… Do xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, nắng và các loài bò sát, họ bị khổ sở, bị bực bội, bị áp bức, bị đụng chạm; họ bị khiếp sợ, trở nên ưu phiền. “Bị khổ sở do duyên các sắc” là như thế. Hoặc là, khi mắt bị hư, bị hoại, bị hỏng, bị mất đi, bị lìa khỏi, bị biến mất, họ bị khổ sở… (nt)… trở nên ưu phiền. Khi tai… Khi mũi… Khi lưỡi… Khi thân… Khi sắc… Khi thinh…. Khi hương… Khi vị… Khi xúc… Khi gia tộc… Khi đồ chúng… Khi chỗ ngụ… Khi lợi lộc… Khi danh vọng… Khi lời khen… Khi hạnh phúc… Khi y phục… Khi đồ ăn khất thực… Khi chỗ nằm ngồi… Khi vật dụng là thuốc men chữa bệnh bị hư, bị hoại, bị hỏng, bị mất đi, bị lìa khỏi, bị biến mất, họ bị khổ sở, bị bực bội, bị áp bức, bị đụng chạm; họ bị khiếp sợ, trở nên ưu phiền. “Bị khổ sở do duyên các sắc” còn là như vậy.
Những người: Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, các thương buôn, các nô lệ, các người tại gia, các vị xuất gia, chư thiên và loài người.
Xao lãng: Sự xao lãng cần được nói đến: Sự buông thả, sự buông xuôi trong việc buông thả của tâm do uế hạnh về thân, hoặc do uế hạnh về khẩu, hoặc do uế hạnh về ý ở năm loại dục, hoặc là trạng thái thực hành không nghiêm trang, trạng thái thực hành không liên tục, trạng thái thực hành không kiên định, có thói quen biếng nhác, trạng thái buông bỏ mong muốn, trạng thái buông bỏ bổn phận, sự không tập luyện, sự không tu tập, sự không làm thường xuyên, sự không quyết tâm, sự không chuyên cần, sự xao lãng trong việc tu tập các thiện pháp; sự xao lãng nào với hình thức như vậy là biểu hiện xao lãng, trạng thái bị xao lãng; việc này gọi là sự xao lãng. Có sự xao lãng này, con người trở nên xao lãng.
“Những người xao lãng bị khổ sở do duyên các sắc” là như thế.
Vì thế, ngươi, này Piṅgiya, là người không xao lãng.
Vì thế: Vì thế là bởi lý do ấy, bởi nhân ấy, bởi duyên ấy, bởi căn nguyên ấy, trong khi nhìn thấy rõ sự bất lợi như vậy ở các sắc. “Vì thế, ngươi, này Piṅgiya” là như thế.
Không xao lãng: Là có sự thực hành nghiêm trang, có sự thực hành liên tục,… (nt)… sự không xao lãng trong các thiện pháp.
“Vì thế, ngươi, này Piṅgiya, là người không xao lãng” là như thế.
Ngươi hãy từ bỏ sắc để không còn sanh ra lần nữa.
Sắc: Là bốn yếu tố chính [đất, nước, lửa, gió] và sắc liên quan đến bốn yếu tố chính.
Ngươi hãy từ bỏ sắc: Ngươi hãy từ bỏ sắc, hãy dứt bỏ sắc, hãy xua đi sắc, hãy làm chấm dứt sắc, hãy làm cho không còn hiện hữu sắc.
Để không còn sanh ra lần nữa: Giống như đối với ngươi, sắc có thể được diệt tận ở ngay tại nơi đây, sự hiện hữu liên quan đến việc tái sanh lại nữa không thể hạ sanh ở dục giới, hoặc ở sắc giới, hoặc ở vô sắc giới, hoặc ở cõi dục, hoặc ở cõi sắc, hoặc ở cõi vô sắc, hoặc ở cõi hữu tưởng, hoặc ở cõi vô tưởng, hoặc ở cõi phi tưởng phi phi tưởng, hoặc ở cõi một uẩn, hoặc ở cõi bốn uẩn, hoặc ở cõi năm uẩn, hoặc ở cảnh giới tái sanh, hoặc ở sự tái sanh, hoặc ở sự tiếp nối tái sanh, hoặc ở kiếp sống, hoặc ở luân hồi, hoặc ở sự luân chuyển, không thể sanh ra, không thể sanh khởi, không thể hạ sanh, không thể phát sanh, có thể được diệt tận ở ngay tại nơi đây, có thể vắng lặng, có thể đi đến sự tiêu hoại, có thể tịch tịnh.
“Ngươi hãy từ bỏ sắc để không còn sanh ra lần nữa” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
[Đức Thế Tôn nói: “Này Piṅgiya]
Sau khi nhìn thấy những người bị hãm hại do duyên các sắc,
Những người xao lãng bị khổ sở do duyên các sắc,
Vì thế, ngươi, này Piṅgiya, là người không xao lãng,
Ngươi hãy từ bỏ sắc để không còn sanh ra lần nữa.”
16.3. Bốn hướng chính, bốn hướng phụ, bên trên, bên dưới, đây là mười phương. Đối với Ngài, không có bất cứ điều gì ở thế gian là không được thấy, không được nghe, không được cảm giác và không được nhận thức [bởi Ngài]. Xin Ngài hãy chỉ dạy về giáo pháp để con có thể nhận thức sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây.
Bốn hướng chính, bốn hướng phụ, bên trên, bên dưới, đây là mười phương: Là mười phương hướng.
Đối với Ngài, không có bất cứ điều gì ở thế gian là không được thấy, không được nghe, không được cảm giác và không được nhận thức [bởi Ngài]: Đối với Ngài, bất cứ điều gì không được thấy, không được nghe, không được cảm giác, không được nhận thức [bởi Ngài], “dầu là lợi ích cho bản thân hay lợi ích cho người khác hoặc lợi ích cho cả hai, lợi ích liên quan đời này hay lợi ích liên quan đời sau, lợi ích hời hợt hay lợi ích thâm sâu, lợi ích được giấu kín hay lợi ích được che đậy, lợi ích tiềm tàng hoặc lợi ích hiển hiện, lợi ích có tội lỗi hay lợi ích không ô nhiễm, lợi ích trong trắng hay lợi ích là lợi ích tối thượng”, là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại.
“Đối với Ngài, không có bất cứ điều gì ở thế gian là không được thấy, không được nghe, không được cảm giác và không được nhận thức” là như thế.
Xin Ngài hãy chỉ dạy về giáo pháp để con có thể nhận thức.
Giáo pháp: Xin Ngài hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ toàn hảo ở đoạn đầu,… (nt)… Niết-bàn, và sự thực hành đưa đến Niết-bàn.
Để con có thể nhận thức: Để con có thể biết, có thể hiểu, có thể nhận thức, có thể thừa nhận, có thể thấu triệt, có thể chứng đắc, có thể nhìn thấy, có thể chứng ngộ.
“Xin Ngài hãy chỉ dạy về giáo pháp để con có thể nhận thức” là như thế.
Sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây: Sự dứt bỏ đối với sanh-già-chết ngay ở nơi đây là sự vắng lặng, sự buông bỏ, sự tịch tịnh, bất tử, Niết-bàn.
“Sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
“Bốn hướng chính, bốn hướng phụ, bên trên, bên dưới, đây là mười phương. Đối với Ngài, không có bất cứ điều gì ở thế gian là không được thấy, không được nghe, không được cảm giác và không được nhận thức [bởi Ngài]. Xin Ngài hãy chỉ dạy về giáo pháp để con có thể nhận thức sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây.”
16.4. [Đức Thế Tôn nói: “Này Piṅgiya]
Trong khi xem xét những con người bị ngự trị bởi tham ái,
Bị sanh khởi bực bội, bị chế ngự bởi già;
Vì thế, ngươi, này Piṅgiya, là người không xao lãng,
Ngươi hãy từ bỏ tham ái để không còn sanh ra lần nữa.”
Trong khi xem xét những con người bị ngự trị bởi tham ái.
Tham ái: Tham ái cảnh sắc,… (nt)… tham ái cảnh pháp.
Bị ngự trị bởi tham ái: [Những người] bị ngự trị bởi tham ái là [những người] đi cùng tham ái, đi theo tham ái, đeo đuổi tham ái, bị chìm đắm trong tham ái, bị xâm chiếm, bị thống trị, có tâm bị khuất phục.
Những người: Là từ nói đến các chúng sanh.
Trong khi xem xét: Trong khi xem xét là trong khi nhận thấy, trong khi quan sát, trong khi suy xét, trong khi khảo sát.
“Trong khi xem xét những con người bị ngự trị bởi tham ái” là như thế.
Đức Thế Tôn nói: Này Piṅgiya.
Piṅgiya: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.
Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”
“Đức Thế Tôn nói: Này Piṅgiya” là như thế.
Bị sanh khởi bực bội, bị chế ngự bởi già.
Bị sanh khởi bực bội: Bị sanh khởi bực bội bởi sanh, bị sanh khởi bực bội bởi già, bị sanh khởi bực bội bởi bệnh, bị sanh khởi bực bội bởi chết, bị sanh khởi bực bội bởi sầu-bi-khổ-ưu-não, bị sanh khởi bực bội bởi khổ ở địa ngục… (nt)… bị sanh khởi bực bội bởi khổ do sự tổn hại về kiến thức, bị sanh khởi tai họa, bị sanh khởi bất hạnh, bị sanh khởi nguy cơ. “Bị sanh khởi bực bội” là như thế.
Bị chế ngự bởi già: Bị xúc chạm, bị chế ngự, bị xâm nhập, bị sở hữu bởi già, bị theo sau bởi sanh, bị đeo đuổi bởi già, bị thống trị bởi bệnh, bị hành hạ bởi chết, không nơi nương tựa, không nơi trú ẩn, không nơi nương nhờ, có trạng thái không nơi nương nhờ.
“Bị sanh khởi bực bội, bị chế ngự bởi già” là như thế.
Vì thế, ngươi, này Piṅgiya, là người không xao lãng.
Vì thế: Vì thế là bởi lý do ấy, bởi nhân ấy, bởi duyên ấy, bởi căn nguyên ấy, trong khi nhìn thấy rõ sự bất lợi như vậy ở tham ái. “Vì thế, ngươi, này Piṅgiya” là như thế.
Không xao lãng: Là có sự thực hành nghiêm trang,… (nt)… sự không xao lãng trong các thiện pháp.
“Vì thế, ngươi, này Piṅgiya, là người không xao lãng” là như thế.
Ngươi hãy từ bỏ tham ái để không còn sanh ra lần nữa.
Tham ái: Tham ái cảnh sắc,… (nt)… tham ái cảnh pháp.
Hãy từ bỏ tham ái: Hãy từ bỏ tham ái, hãy dứt bỏ tham ái, hãy xua đi tham ái, hãy làm chấm dứt tham ái, hãy làm cho không còn hiện hữu tham ái.
Để không còn sanh ra lần nữa: Giống như đối với ngươi,… (nt)… sự hiện hữu liên quan đến việc tái sanh lại nữa không thể hạ sanh; không thể sanh ra, không thể sanh khởi, không thể hạ sanh, không thể phát sanh ở dục giới, hoặc ở sắc giới, hoặc ở vô sắc giới, hoặc ở cõi dục, hoặc ở cõi sắc, hoặc ở cõi vô sắc, hoặc ở cõi hữu tưởng, hoặc ở cõi vô tưởng, hoặc ở cõi phi tưởng phi phi tưởng, hoặc ở cõi một uẩn, hoặc ở cõi bốn uẩn, hoặc ở cõi năm uẩn, hoặc ở cảnh giới tái sanh, hoặc ở sự tái sanh, hoặc ở sự tiếp nối tái sanh, hoặc ở kiếp sống, hoặc ở luân hồi, hoặc ở sự luân chuyển, có thể được diệt tận ở ngay tại nơi đây, có thể vắng lặng, có thể đi đến sự tiêu hoại, có thể tịch tịnh.
“Ngươi hãy từ bỏ tham ái để không còn sanh ra lần nữa” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
[Đức Thế Tôn nói: “Này Piṅgiya]
Trong khi xem xét những con người bị ngự trị bởi tham ái,
Bị sanh khởi bực bội, bị chế ngự bởi già;
Vì thế, ngươi, này Piṅgiya, là người không xao lãng,
Ngươi hãy từ bỏ tham ái để không còn sanh ra lần nữa.”
Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến nhiều ngàn sinh mạng là những người có cùng sự mong muốn, có cùng sự thực hành, có cùng chủ tâm, có cùng sự huân tập thành thói quen [trong quá khứ] với vị Bà-la-môn ấy, rằng: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến vị Bà-la-môn ấy rằng: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Cùng với việc đạt được Pháp nhãn, áo choàng da dê, tóc bện, y phục vỏ cây, gậy chống ba chân, bình nước, tóc và râu đều biến mất. Vị ấy trở thành vị Tỳ-khưu có đầu cạo, mặc y phục vải màu ca-sa, mang y hai lớp, bình bát và y, bằng hành động thuận theo đạo lý, đã ngồi xuống, chắp tay lên, cúi lạy đức Thế Tôn [nói rằng]: “Bạch Ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của con, con là người đệ tử.”
“Diễn giải kinh Piṅgiya” được hoàn tất.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.