Tam tạng Thánh điển PGVN 08 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 08»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 4
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
15.1. [Tôn giả Mogharāja nói rằng:] “Con đã hỏi vị dòng Sakya hai lần. Bậc Hữu Nhãn đã không giải đáp cho con. Và con đã được nghe rằng: ‘[Được hỏi] đến lần thứ ba, bậc Thiên Nhân Ẩn Sĩ [sẽ] giải đáp.’”
Con đã hỏi vị dòng Sakya hai lần: Vị Bà-la-môn ấy đã hỏi đức Phật Thế Tôn câu hỏi đến hai lần. Được hỏi câu hỏi, đức Thế Tôn đã không giải đáp cho vị ấy [nghĩ rằng]: “Trong khoảng thời gian ấy, sẽ có sự chín muồi của các quyền cho vị Bà-la-môn này.”
Vị dòng Sakya: Đức Thế Tôn là vị dòng Sakya, “người đã xuất gia từ gia tộc Sakya” là vị dòng Sakya. Hoặc là, “người sở hữu tài sản, giàu có, có tài sản lớn” là vị dòng Sakya. Vị ấy sở hữu các tài sản này, tức là: Tài sản về đức tin, tài sản về giới, tài sản về hổ thẹn [tội lỗi], tài sản về ghê sợ [tội lỗi], tài sản về kiến thức, tài sản về xả thí, tài sản về trí tuệ, tài sản về thiết lập niệm, tài sản về chánh cần, tài sản về nền tảng của thần thông, tài sản về quyền, tài sản về lực, tài sản về yếu tố đưa đến giác ngộ, tài sản về Đạo, tài sản về Quả, tài sản về Niết-bàn, “người sở hữu tài sản, giàu có, có tài sản lớn với các tài sản và bảo vật nhiều loại này” là vị dòng Sakya. Hoặc là, “vị có năng lực, có tiềm năng, có khả năng, dũng cảm, anh hùng, quả cảm, không nhút nhát, không có sự kinh hãi, không có sự sợ sệt, không có sự trốn chạy, có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ, có sự rởn lông đã được xa lìa” là vị dòng Sakya.
Con đã hỏi vị dòng Sakya hai lần: Con đã hỏi vị dòng Sakya hai lần, con đã yêu cầu, con đã thỉnh cầu, con đã đặt niềm tin.
“Con đã hỏi vị dòng Sakya hai lần” là như thế.
Tôn giả Mogharāja nói rằng.
Rằng: [Từ “icca” này] là sự nối liền các câu văn,… (nt)…
Tôn giả: [Từ “āyasmā” này] là lời nói yêu mến,… (nt)…
Mogharāja: Là tên của vị Bà-la-môn ấy,… (nt)… từ kêu gọi.
“Tôn giả Mogharāja nói rằng” là như thế.
Bậc Hữu Nhãn đã không giải đáp cho con.
Đã không giải đáp cho con: Đã không giải đáp cho con là đã không chỉ dạy, đã không chỉ bảo, đã không thông báo, đã không ấn định, đã không khai mở, đã không chia sẻ, đã không làm rõ, đã không bày tỏ.
Bậc Hữu Nhãn: Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với năm loại nhãn (con mắt): Bậc Hữu Nhãn với nhục nhãn, bậc Hữu Nhãn với thiên nhãn, bậc Hữu Nhãn với tuệ nhãn, bậc Hữu Nhãn với Phật nhãn, bậc Hữu Nhãn với toàn nhãn.
Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với nhục nhãn nghĩa là thế nào? Ở nhục nhãn của đức Thế Tôn hiện hữu năm màu sắc: Màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu đen và màu trắng. Và các lông mi của đức Thế Tôn: Nơi nào các lông mi mọc, màu xanh ở nơi ấy là màu xanh tuyền, duyên dáng, đáng nhìn, như là hoa của cây ummā. Phần bên ngoài xung quanh nơi ấy có màu vàng, là màu vàng tuyền, màu của kim loại vàng, duyên dáng, đáng nhìn, như là hoa của cây kaṇikāra. Hai bên đuôi mắt của đức Thế Tôn có màu đỏ, là màu đỏ tuyền, duyên dáng, đáng nhìn, như là màu của loài mối cánh. Chính giữa [hai con mắt] có màu đen, là màu đen tuyền, không sần sùi, bóng láng, duyên dáng, đáng nhìn, như là màu trái addāriṭṭhaka. Phần bên ngoài xung quanh nơi ấy có màu trắng, là màu trắng tuyền, trắng tinh, trắng sáng, duyên dáng, đáng nhìn, như là ngôi sao osadhī. Nhục nhãn tự nhiên ấy, nương ở kim thân, đã được sanh lên do hạnh nghiệp tốt đẹp trong thời quá khứ; thông qua nó, đức Thế Tôn nhìn thấy xung quanh một do-tuần, ban ngày và luôn cả ban đêm. Ngay cả vào lúc tối tăm hội đủ bốn yếu tố: Mặt trời đã lặn xuống, vào ngày trai giới thuộc hạ huyền (đêm cuối tháng âm lịch), nơi khu rừng già sâu thẳm, và có đám mây đen lớn trỗi dậy; ngay cả vào lúc tối tăm hội đủ bốn yếu tố có hình thức như thế, Ngài cũng vẫn nhìn thấy xung quanh một do-tuần. Ở nơi nào dầu có vách tường, cánh cửa, tường thành, ngọn núi, bụi rậm, hoặc dây leo, cũng không là sự ngăn trở việc nhìn thấy các hình thể. Nếu sau khi làm dấu một hạt mè rồi ném vào cỗ xe chở hạt mè, Ngài vẫn có thể nhặt lên chính hạt mè ấy. Nhục nhãn tự nhiên của đức Thế Tôn là thanh tịnh như vậy. Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với nhục nhãn nghĩa là như vậy.
Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với thiên nhãn nghĩa là thế nào? Đức Thế Tôn, với thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người, nhìn thấy các chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại [trở thành] hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, sung sướng, [hay] đau khổ, vị ấy biết được rằng các chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng: “Quả vậy, những chúng sanh đang hiện hữu này có uế hạnh về thân, có uế hạnh về khẩu, có uế hạnh về ý, vu khống các bậc Thánh, theo tà kiến, tán thành các hành động do tà kiến. Những kẻ ấy, khi tan rã thân xác và chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Trái lại, những chúng sanh đang hiện hữu này có thiện hạnh về thân, có thiện hạnh về khẩu, có thiện hạnh về ý, không vu khống các bậc Thánh, theo chánh kiến, tán thành các hành động do chánh kiến. Những người ấy, khi tan rã thân xác và chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi trời, thế gian [này].” Như thế, bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người, Ngài nhìn thấy các chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại [trở thành] hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, sung sướng, [hay] đau khổ, Ngài biết được rằng các chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng. Và trong khi mong muốn, đức Thế Tôn có thể nhìn thấy một thế giới,[1] có thể nhìn thấy hai thế giới, có thể nhìn thấy ba thế giới, có thể nhìn thấy bốn thế giới, có thể nhìn thấy năm thế giới, có thể nhìn thấy mười thế giới, có thể nhìn thấy hai mươi thế giới, có thể nhìn thấy ba mươi thế giới, có thể nhìn thấy bốn mươi thế giới, có thể nhìn thấy năm mươi thế giới, có thể nhìn thấy nhất thiên tức tiểu thế giới, có thể nhìn thấy nhị thiên tức trung thế giới, có thể nhìn thấy tam thiên tức đại thiên thế giới.[2] Hơn nữa, Ngài mong muốn đến chừng nào thì Ngài có thể nhìn thấy đến chừng ấy. Thiên nhãn của đức Thế Tôn là thanh tịnh như vậy. Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với thiên nhãn nghĩa là như vậy.
Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với tuệ nhãn nghĩa là thế nào? Đức Thế Tôn là bậc có tuệ vĩ đại, có tuệ rộng lớn, có tuệ vi tiếu, có tuệ tốc hành, có tuệ sắc bén, có tuệ thấu suốt, là bậc thiện xảo trong việc chia chẻ bằng tuệ, bậc có trí đã được phát triển, đã đạt đến tuệ phân tích, đã đạt được bốn pháp tự tín, có sự duy trì mười lực, là bậc Nhân Ngưu, bậc Nhân Sư, bậc Nhân Tượng, bậc Nhân Kiệt, bậc Nhân Đạo, bậc có trí vô biên, có oai lực vô biên, có danh vọng vô biên, giàu có [về trí tuệ], có tài sản lớn [về trí tuệ], sở hữu tài sản [về trí tuệ], là bậc Hướng Đạo, bậc Hướng Dẫn, bậc Đoạn Nghi, bậc Truyền Đạt, bậc Truyền Thụ, bậc Khơi Mở, bậc Khởi Tín. Chính đức Thế Tôn ấy là vị làm sanh khởi đạo lộ chưa được sanh khởi, là vị làm sanh ra đạo lộ chưa được sanh ra, là vị tuyên thuyết đạo lộ chưa được tuyên thuyết, là vị biết về đạo lộ, là vị hiểu rõ về đạo lộ, là vị rành rẽ về đạo lộ. Và hơn nữa, những người đi theo đạo lộ là các đệ tử của Ngài hiện nay đang an trú và sau này sẽ thành tựu [đạo lộ ấy].
Chính đức Thế Tôn ấy biết [đúng bản thể] điều cần phải biết, thấy [đúng bản thể] điều cần phải thấy, là bậc có bản thể của mắt, có bản thể của trí, có bản thể của pháp, có bản thể của Phạm thiên, là vị công bố, vị tuyên thuyết, vị chỉ dẫn mục đích, vị ban cho bất tử, bậc Pháp Chủ, đức Như Lai. Đối với đức Thế Tôn ấy, không có việc không biết, không thấy, không hiểu rõ, không chứng ngộ, không chạm đến bằng tuệ. Tất cả các pháp liên quan đến quá khứ, tương lai, hiện tại, với mọi biểu hiện, đều đi đến phạm vi ở trong tầm trí tuệ của đức Phật Thế Tôn. Bất cứ điều gì có thể biết, nghĩa là có pháp cần phải biết, có lợi ích cho mình, hoặc có lợi ích cho người khác, hoặc có lợi ích cho cả hai, hoặc có lợi ích liên quan đời này, hoặc có lợi ích liên quan đời sau, hoặc có lợi ích hời hợt, hoặc có lợi ích sâu sắc, hoặc có lợi ích được giấu kín, hoặc có lợi ích được che đậy, hoặc có lợi ích tiềm tàng, hoặc có lợi ích hiển hiện, hoặc có lợi ích không tội lỗi, hoặc có lợi ích không ô nhiễm, hoặc có lợi ích trong trắng, hoặc có lợi ích là lợi ích tối thượng, tất cả [các] điều ấy đều vận hành ở bên trong trí của đức Phật. Tất cả thân nghiệp của đức Phật Thế Tôn đều vận hành theo trí, tất cả khẩu nghiệp đều vận hành theo trí, tất cả ý nghiệp đều vận hành theo trí. Đức Phật Thế Tôn có trí không bị chướng ngại về quá khứ, có trí không bị chướng ngại về vị lai, có trí không bị chướng ngại về hiện tại. Điều có thể biết là chừng nào thì trí là chừng ấy, trí là chừng nào thì điều có thể biết là chừng ấy. Trí có điều có thể biết là giới hạn, điều có thể biết có trí là giới hạn; vượt qua điều có thể biết thì trí không vận hành, vượt qua trí thì không có hành trình của điều có thể biết; các pháp ấy có sự xác lập giới hạn tương xứng với nhau. Giống như hai nắp đậy của cái hộp được gắn liền đúng đắn, nắp đậy bên dưới không lệch nắp trên, nắp đậy bên trên không lệch nắp dưới, chúng có sự xác lập giới hạn tương xứng với nhau; tương tự như vậy, điều có thể biết và trí của đức Phật Thế Tôn có sự xác lập giới hạn tương xứng với nhau. Điều có thể biết là chừng nào thì trí là chừng ấy, trí là chừng nào thì điều có thể biết là chừng ấy. Trí có điều có thể biết là giới hạn, điều có thể biết có trí là giới hạn; vượt qua điều có thể biết thì trí không vận hành, vượt qua trí thì không có hành trình của điều có thể biết; các pháp ấy có sự xác lập giới hạn tương xứng với nhau.
Trí của đức Phật Thế Tôn vận hành ở tất cả các pháp. Tất cả các pháp được gắn liền với sự hướng tâm, được gắn liền với sự mong muốn, được gắn liền với sự chú tâm, được gắn liền với sự khởi tâm của đức Phật Thế Tôn. Trí của đức Phật Thế Tôn vận hành ở tất cả chúng sanh. Đức Thế Tôn biết tính tình, biết tiềm năng, biết nết hạnh, biết khuynh hướng của tất cả chúng sanh. Ngài nhận biết các chúng sanh có tầm nhìn bị vấy bụi ít và có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, có khả năng và không có khả năng. Thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người, chuyển vận ở bên trong trí của đức Phật. Giống như bất cứ những loài cá và rùa nào, thậm chí luôn cả cá ông và cá voi, chuyển vận ở bên trong đại dương; tương tự như vậy, thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người, chuyển vận ở bên trong trí của đức Phật. Giống như bất cứ những loài có cánh nào, thậm chí luôn cả loài nhân điểu là loài linh thú, chuyển vận ở phạm vi thuộc bầu trời; tương tự như vậy, những vị nào tương đương với vị Sāriputta về tuệ, những vị ấy cũng chuyển vận ở phạm vi thuộc Phật trí; Phật trí thâm nhập, thống trị, và ngự trị tuệ của chư thiên và loài người. Những vị Sát-đế-lỵ sáng suốt, những vị Bà-la-môn sáng suốt, những gia chủ sáng suốt, những vị Sa-môn sáng suốt, tinh tế, quen thuộc với học thuyết của những người khác như người cung thủ có thể bắn trúng cọng tóc, nghĩ rằng họ hành xử với sự thành tựu của tuệ trong khi bẻ đôi các tà kiến. Sau khi chuẩn bị các câu hỏi, họ đi đến gặp đức Như Lai rồi hỏi các điều bí mật và đã được che giấu. Được đức Thế Tôn giảng giải và trả lời, các câu hỏi ấy trở nên rõ ràng. Những người ấy đều quy thuận với đức Thế Tôn. Khi ấy, chính đức Thế Tôn, trong trường hợp ấy, chói sáng rực rỡ; điều ấy là nhờ vào tuệ. Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với tuệ nhãn nghĩa là như vậy.
Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với Phật nhãn nghĩa là thế nào? Đức Thế Tôn, trong khi dùng Phật nhãn quan sát thế gian, đã nhìn thấy các chúng sanh có tầm nhìn bị vấy bụi ít và có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, [đã nhìn thấy] một số chúng sanh đang sống có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi trong tội lỗi và [sự tái sanh vào] những đời sống khác, một số chúng sanh đang sống không có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi trong tội lỗi và [sự tái sanh vào] những đời sống khác. Cũng giống như ở hồ sen xanh, hoặc ở hồ sen hồng, hoặc ở hồ sen trắng; có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được phát triển ở trong nước, không vươn ra khỏi nước, và được nuôi dưỡng chìm ở bên trong [nước]; có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được phát triển ở trong nước, sống ngang bằng mặt nước; và có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được phát triển ở trong nước, vươn lên khỏi nước, và tồn tại không bị vấy bẩn bởi nước; tương tự y như thế, đức Thế Tôn trong khi dùng Phật nhãn quan sát thế gian đã nhìn thấy các chúng sanh có tầm nhìn bị vấy bụi ít và có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, [đã nhìn thấy] một số chúng sanh đang sống có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi trong tội lỗi và [sự tái sanh vào] những đời sống khác, một số chúng sanh đang sống không có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi trong tội lỗi và [sự tái sanh vào] những đời sống khác.
Đức Thế Tôn biết rằng: “Người này có tánh luyến ái, người này có tánh sân, người này có tánh si, người này có tánh tầm, người này có tánh tín, người này có tánh giác.” Đối với người có tánh luyến ái, đức Thế Tôn thuyết bài giảng về đề mục tử thi. Đối với người có tánh sân, đức Thế Tôn chỉ dạy sự tu tập về tâm từ. Đối với người có tánh si, đức Thế Tôn dạy bảo việc đọc tụng, việc vấn hỏi, việc lắng nghe giáo pháp lúc hợp thời, việc bàn luận giáo pháp lúc hợp thời, việc cộng trú với vị thầy. Đối với người có tánh tầm, đức Thế Tôn chỉ dạy về niệm hơi thở vào hơi thở ra. Đối với người có tánh tín, đức Thế Tôn chỉ dạy về biểu hiện đem lại sự thành tín: Sự giác ngộ tốt đẹp của đức Phật, tính chất tốt đẹp của Giáo pháp, sự hành trì tốt đẹp của chúng Tăng, và các giới của bản thân. Đối với người có tánh giác, đức Thế Tôn chỉ dạy về ấn chứng của pháp minh sát: Biểu hiện của vô thường, biểu hiện của khổ, biểu hiện của vô ngã.
1. “Giống như người đứng ở đỉnh đầu của ngọn núi đá, cũng giống như người có thể nhìn thấy dân chúng ở xung quanh, tương tự như thế ấy, bạch đấng Khôn Ngoan, bạch đấng Toàn Nhãn, sau khi bước lên tòa lâu đài làm bằng giáo pháp, xin bậc đã xa lìa sầu muộn hãy quan sát chúng sanh bị rơi vào sầu muộn, bị thống trị bởi sanh và già.”
Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với Phật nhãn nghĩa là như vậy.
Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với toàn nhãn nghĩa là thế nào? Toàn nhãn nói đến trí toàn giác. Đức Thế Tôn đã tiến đến, đã tiến gần, đã đến gần, đã tiến vào, đã đạt đến, đã đầy đủ, đã thành tựu với trí toàn giác.
2. “Đối với Ngài, không có bất cứ điều gì ở nơi đây là không được nhìn thấy, không được nhận thức, hoặc không thể biết được. Điều nào có thể biết được, Ngài đã biết rõ tất cả; vì thế đức Như Lai là bậc Toàn Nhãn.”
Đức Thế Tôn là bậc Hữu Nhãn với toàn nhãn nghĩa là như vậy.
“Bậc Hữu Nhãn đã không giải đáp cho con” là như thế.
Và con đã được nghe rằng: “[Được hỏi] đến lần thứ ba, bậc Thiên Nhân Ẩn Sĩ [sẽ] giải đáp”: “Được hỏi câu hỏi đúng pháp đến lần thứ ba, đức Phật [sẽ] giải đáp, không bỏ qua”, con đã tiếp thu như vậy, con đã tiếp nhận như vậy, con đã nhận định như vậy.
Bậc Thiên Nhân Ẩn Sĩ: Đức Thế Tôn vừa là vị Thiên Nhân vừa là vị Ẩn Sĩ. “Bậc Thiên Nhân Ẩn Sĩ” là như thế. Giống như vị xuất gia từ hàng vua chúa được gọi là vua chúa ẩn sĩ, vị xuất gia từ dòng Bà-la-môn được gọi là Bà-la-môn ẩn sĩ, tương tự y như vậy, đức Thế Tôn vừa là vị Thiên Nhân vừa là vị Ẩn Sĩ. “Bậc Thiên Nhân Ẩn Sĩ” là như thế. Hoặc là, đức Thế Tôn cũng là “vị đã xuất gia” và là vị ẩn sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu giới uẩn lớn lao” là vị ẩn sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu định uẩn lớn lao… (nt)… tuệ uẩn lớn lao… (nt)… giải thoát uẩn lớn lao… (nt)… giải thoát tri kiến uẩn[3] lớn lao” là vị ẩn sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu sự phá tan khối tăm tối lớn lao” là vị ẩn sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu sự phá vỡ điều trái khuấy lớn lao” là vị ẩn sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu sự nhổ lên mũi tên tham ái lớn lao”… (nt)… sự tháo tung mối rối rắm tà kiến lớn lao”… sự xô ngã ngọn cờ ngã mạn lớn lao”… (nt)… sự vắng lặng pháp tạo tác lớn lao”… sự thoát khỏi dòng lũ lớn lao”… sự quăng bỏ gánh nặng lớn lao”… sự cắt đứt vòng quay luân hồi lớn lao”… việc dập tắt sự nóng nảy lớn lao”… việc tịch tịnh sự bực bội lớn lao”… việc nâng lên ngọn cờ giáo pháp lớn lao” là vị ẩn sĩ. “Vị đã tìm kiếm, đã tìm tòi, đã tầm cầu các sự thiết lập niệm lớn lao… các chánh cần lớn lao… các nền tảng của thần thông lớn lao… các quyền lớn lao… các lực lớn lao… các yếu tố đưa đến giác ngộ lớn lao… đạo lộ Thánh thiện tám chi phần lớn lao… lợi ích tối thượng lớn lao, bất tử, Niết-bàn” là vị ẩn sĩ. “Vị được tầm cầu, được tìm tòi, được tìm kiếm bởi các chúng sanh có uy lực lớn lao [hỏi rằng]: Đức Phật ngự ở đâu? Đức Thế Tôn ngự ở đâu? Chúa của chư thiên ngự ở đâu? Đấng Nhân Ngưu ngự ở đâu?” là vị ẩn sĩ.
“Và con đã được nghe rằng: [Được hỏi] đến lần thứ ba, bậc Thiên Nhân Ẩn Sĩ [sẽ] giải đáp” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
[Tôn giả Mogharāja nói rằng:] “Con đã hỏi vị dòng Sakya hai lần. Bậc Hữu Nhãn đã không giải đáp cho con. Và con đã được nghe rằng: ‘[Được hỏi] đến lần thứ ba, bậc Thiên Nhân Ẩn Sĩ [sẽ] giải đáp.’”
15.2. Thế giới này, thế giới khác,
Thế giới Phạm thiên luôn cả chư thiên
Không [thể] biết rõ quan điểm của Ngài,
Của vị Gotama có danh vọng.
Thế giới này, thế giới khác.
Thế giới này: Thế giới loài người.
Thế giới khác: Tất cả các thế giới khác ngoại trừ thế giới loài người.
“Thế giới này, thế giới khác” là như thế.
Thế giới Phạm thiên luôn cả chư thiên: Thế giới có luôn cõi chư thiên, cõi Ma vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người.
“Thế giới Phạm thiên luôn cả chư thiên” là như thế.
Không [thể] biết rõ quan điểm của Ngài: Thế giới không biết quan điểm, sự chấp nhận, sự ưa thích, quan niệm, ý định, chủ tâm của Ngài, không biết, không nhìn thấy, không trông thấy, không đạt đến, không tìm thấy, không tiếp nhận rằng: “Vị này có quan điểm như vậy, có sự chấp nhận như vậy, có sự ưa thích như vậy, có quan niệm như vậy, có ý định như vậy, có chủ tâm như vậy.”
“Không [thể] biết rõ quan điểm của Ngài” là như thế.
Của vị Gotama có danh vọng: “Đức Thế Tôn đạt được danh vọng” là vị có danh vọng. Hoặc là, “đức Thế Tôn được trọng vọng, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi và vật dụng là thuốc men chữa bệnh” là vị có danh vọng.
“Của vị Gotama có danh vọng” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
“Thế giới này, thế giới khác,
Thế giới Phạm thiên luôn cả chư thiên
Không [thể] biết rõ quan điểm của Ngài,
Của vị Gotama có danh vọng.”
15.3. Con đã đi đến bậc có nhãn quan vượt trội như vậy với ý định [hỏi] câu hỏi: Người đang xem xét thế giới như thế nào thì tử thần không nhìn thấy [người ấy]?
Bậc có nhãn quan vượt trội như vậy: Bậc có nhãn quan vượt trội, có nhãn quan cao cả, có nhãn quan hạng nhất, có nhãn quan thù thắng, có nhãn quan dẫn đầu, có nhãn quan tối thượng, có nhãn quan tột đỉnh như vậy.
“Bậc có nhãn quan vượt trội như vậy” là như thế.
Con đã đi đến với ý định [hỏi] câu hỏi: Là người có nhu cầu với câu hỏi, chúng con đã đi đến… (nt)… Ngài hãy di dời gánh nặng này.
“Con đã đi đến với ý định [hỏi] câu hỏi” còn là như vậy.
Người đang xem xét thế giới như thế nào: Người đang xem xét, đang quán xét lại, đang cân nhắc, đang xác định, đang minh định, đang làm rõ rệt thế gian như thế nào.
“Người đang xem xét thế giới như thế nào” là như thế.
Tử thần không nhìn thấy [người ấy]: Tử thần không nhìn thấy, không trông thấy, không đạt đến, không tìm thấy, không tiếp nhận.
“Tử thần không nhìn thấy [người ấy]” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
“Con đã đi đến bậc có nhãn quan vượt trội như vậy với ý định [hỏi] câu hỏi: Người đang xem xét thế giới như thế nào thì tử thần không nhìn thấy [người ấy]?”
15.4. Ngươi hãy xem xét thế giới là trống không,
Này Mogharāja, hãy luôn luôn có niệm.
Sau khi nhổ lên tà kiến về bản ngã,
Như vậy có thể vượt qua tử thần.
Người đang xem xét thế giới như vậy,
Thần chết không nhìn thấy [người ấy].
Ngươi hãy xem xét thế giới là trống không.
Thế giới: Thế giới địa ngục, thế giới loài thú, thế giới ngạ quỷ, thế giới loài người, thế giới chư thiên, thế giới của các uẩn, thế giới của các giới, thế giới của các xứ, thế giới này, thế giới khác, thế giới Phạm thiên luôn cả thế giới chư thiên. Một vị Tỳ-khưu nào đó đã nói đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ‘thế giới, thế giới’ được nói đến. Bạch Ngài, về phương diện nào thì ‘thế giới’ được nói đến?” “Này Tỳ-khưu, ‘bị tan rã’, do điều ấy ‘thế giới’ được nói đến. Và cái gì bị tan rã? Này Tỳ-khưu, mắt bị tan rã, các sắc bị tan rã, nhãn thức bị tan rã, nhãn xúc bị tan rã, cảm thọ nào sanh lên do duyên nhãn xúc, dầu là lạc, hay là khổ, hay là không khổ không lạc, cái ấy cũng bị tan rã; tai bị tan rã, các thinh bị tan rã,… mũi bị tan rã, các hương bị tan rã,… lưỡi bị tan rã, các vị bị tan rã,… thân bị tan rã, các xúc bị tan rã,… ý bị tan rã, các pháp bị tan rã, ý thức bị tan rã, ý xúc bị tan rã, cảm thọ nào sanh lên do duyên ý xúc, dầu là lạc, hay là khổ, hay là không khổ không lạc, cái ấy cũng bị tan rã.” Này Tỳ-khưu, “bị tan rã”, do điều ấy “thế giới” được nói đến.
Ngươi hãy xem xét thế giới là trống không: Xem xét thế giới là trống không theo hai cách: Căn cứ vào việc quan sát sự diễn tiến không thuộc quyền kiểm soát, căn cứ vào việc thấy rõ các pháp tạo tác là rỗng không. Xem xét thế giới là trống không, căn cứ vào việc quan sát sự diễn tiến không thuộc quyền kiểm soát nghĩa là thế nào? Sự kiểm soát ở sắc không đạt được, sự kiểm soát ở thọ không đạt được, sự kiểm soát ở tưởng không đạt được, sự kiểm soát ở các hành không đạt được, sự kiểm soát ở thức không đạt được. Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các Tỳ-khưu, sắc là vô ngã.[4] Này các Tỳ-khưu, bởi vì nếu sắc này là ngã thì sắc này không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể đạt được ở sắc [theo ý muốn] rằng: ‘Sắc của ta hãy là như vầy, sắc của ta đừng trở thành như vầy.’ Này các Tỳ-khưu, chính vì sắc là vô ngã, do đó sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể đạt được ở sắc [theo ý muốn] rằng: ‘Sắc của ta hãy là như vầy, sắc của ta đừng trở thành như vầy.’
Thọ là vô ngã. Này các Tỳ-khưu, bởi vì nếu thọ này là ngã thì thọ này không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể đạt được ở thọ [theo ý muốn] rằng: ‘Thọ của ta hãy là như vầy, thọ của ta đừng trở thành như vầy.’ Này các Tỳ-khưu, chính vì thọ là vô ngã, do đó thọ đi đến bệnh hoạn, và không thể đạt được ở thọ [theo ý muốn] rằng: ‘Thọ của ta hãy là như vầy, thọ của ta đừng trở thành như vầy.’
Tưởng là vô ngã. Này các Tỳ-khưu, bởi vì nếu tưởng này là ngã thì tưởng này không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể đạt được ở tưởng [theo ý muốn] rằng: ‘Tưởng của ta hãy là như vầy, tưởng của ta đừng trở thành như vầy.’ Này các Tỳ-khưu, chính vì tưởng là vô ngã, do đó tưởng đi đến bệnh hoạn, và không thể đạt được ở tưởng [theo ý muốn] rằng: ‘Tưởng của ta hãy là như vầy, tưởng của ta đừng trở thành như vầy.’
Các hành là vô ngã. Này các Tỳ-khưu, bởi vì nếu các hành này là ngã thì các hành này không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể đạt được ở các hành [theo ý muốn] rằng: ‘Các hành của ta hãy là như vầy, các hành của ta đừng trở thành như vầy.’ Này các Tỳ-khưu, chính vì các hành là vô ngã, do đó các hành đi đến bệnh hoạn, và không thể đạt được ở các hành [theo ý muốn] rằng: ‘Các hành của ta hãy là như vầy, các hành của ta đừng trở thành như vầy.’
Thức là vô ngã. Này các Tỳ-khưu, bởi vì nếu thức này là ngã thì thức này không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể đạt được ở thức [theo ý muốn] rằng: ‘Thức của ta hãy là như vầy, thức của ta đừng trở thành như vầy.’ Này các Tỳ-khưu, chính vì thức là vô ngã, do đó thức đi đến bệnh hoạn, và không thể đạt được ở thức [theo ý muốn] rằng: ‘Thức của ta hãy là như vầy, thức của ta đừng trở thành như vầy’”; xem xét thế giới là trống không, căn cứ vào việc quan sát sự diễn tiến không thuộc quyền kiểm soát nghĩa là như vậy.
Xem xét thế giới là trống không, căn cứ vào việc thấy rõ các pháp tạo tác là rỗng không nghĩa là thế nào? Cốt lõi ở sắc không đạt được, cốt lõi ở thọ không đạt được, cốt lõi ở tưởng không đạt được, cốt lõi ở các hành không đạt được, cốt lõi ở thức không đạt được. Sắc là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi so với cốt lõi của thường còn, hoặc so với cốt lõi của an lạc, hoặc so với cốt lõi của tự ngã, hoặc theo nghĩa thường còn, hoặc theo nghĩa vững chãi, hoặc theo nghĩa trường tồn, hoặc so với tình trạng không bị biến đổi. Thọ là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi,… Tưởng là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi,… Các hành là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi,… Thức là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi so với cốt lõi của thường còn, hoặc so với cốt lõi của an lạc, hoặc so với cốt lõi của tự ngã, hoặc theo nghĩa thường còn, hoặc theo nghĩa vững chãi, hoặc theo nghĩa trường tồn, hoặc so với tình trạng không bị biến đổi.
Giống như cây sậy là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi; giống như cây đu đủ là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi; giống như cây sung là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi; giống như cây san hô là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi; giống như cây pāribhaddaka là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi; giống như bọt nước là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi; giống như bong bóng nước là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi; giống như ảo ảnh là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi; giống như thân cây chuối là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi; giống như xảo thuật là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi; tương tự y như vậy, sắc là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi so với cốt lõi của thường còn, hoặc so với cốt lõi của an lạc, hoặc so với cốt lõi của tự ngã, hoặc theo nghĩa thường còn, hoặc theo nghĩa vững chãi, hoặc theo nghĩa trường tồn, hoặc so với tình trạng không bị biến đổi. Thọ là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi,… Tưởng là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi,… Các hành là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi,… Thức là không có cốt lõi, là thiếu mất cốt lõi, là rời xa cốt lõi so với cốt lõi của thường còn, hoặc so với cốt lõi của an lạc, hoặc so với cốt lõi của tự ngã, hoặc theo nghĩa thường còn, hoặc theo nghĩa vững chãi, hoặc theo nghĩa trường tồn, hoặc so với tình trạng không bị biến đổi. Xem xét thế giới là trống không căn cứ vào việc thấy rõ các pháp tạo tác là rỗng không nghĩa là như vậy. Xem xét thế giới là trống không theo hai cách này.
Thêm nữa, xem xét thế giới là trống không theo sáu biểu hiện: Mắt là trống không với tự ngã, hoặc với cái thuộc về tự ngã, hoặc theo nghĩa thường còn, hoặc theo nghĩa vững chãi, hoặc theo nghĩa trường tồn, hay là với tình trạng không bị biến đổi; tai là trống không… mũi là trống không… lưỡi là trống không… thân là trống không… ý là trống không với tự ngã, hoặc với cái thuộc về tự ngã, hoặc theo nghĩa thường còn, hoặc theo nghĩa vững chãi, hoặc theo nghĩa trường tồn, hay là với tình trạng không bị biến đổi. Các sắc là trống không… Các thinh là trống không… Các hương là trống không… Các vị là trống không… Các xúc là trống không… Các pháp là trống không với tự ngã, hoặc với cái thuộc về tự ngã, hoặc theo nghĩa thường còn, hoặc theo nghĩa vững chãi, hoặc theo nghĩa trường tồn, hay là với tình trạng không bị biến đổi. Nhãn thức là trống không… Ý thức là trống không… Nhãn xúc là trống không… Ý xúc là trống không… Thọ sanh lên từ nhãn xúc là trống không… Thọ sanh lên từ ý xúc là trống không… Sắc tưởng là trống không… pháp tưởng là trống không… Sắc tư là trống không… Pháp tư là trống không… Sắc ái là trống không… Sắc tầm là trống không… Sắc tứ là trống không… Pháp tứ là trống không với tự ngã, hoặc với cái thuộc về tự ngã, hoặc theo nghĩa thường còn, hoặc theo nghĩa vững chãi, hoặc theo nghĩa trường tồn, hay là với tình trạng không bị biến đổi. Xem xét thế giới là trống không theo sáu biểu hiện là như vậy.
Thêm nữa, xem xét thế giới là trống không theo mười biểu hiện: [Xem xét] sắc là trống rỗng, là rỗng không, là trống không, là vô ngã, là không có cốt lõi, là kẻ giết hại, là vật hư hỏng, là gốc gác của tai ương, là có sự rò rỉ, là bị tạo tác. [Xem xét] thọ… tưởng… các hành… thức… sự tử vong… sự tái sanh… sự nối liền tái sanh… sự hiện hữu… vòng quay luân hồi là trống rỗng, là rỗng không, là trống không, là vô ngã, là không có cốt lõi, là kẻ giết hại, là vật hư hỏng, là gốc gác của tai ương, là có sự rò rỉ, là bị tạo tác. Xem xét thế giới là trống không theo mười biểu hiện là như vậy.
Thêm nữa, xem xét thế giới là trống không theo mười hai biểu hiện: Sắc không phải là chúng sanh, không phải là mạng sống, không phải là người, không phải là thanh niên, không phải là nữ nhân, không phải là nam nhân, không phải là tự ngã, không phải thuộc về tự ngã, không phải là ta, không phải là của ta, không phải là người nào, không phải là của người nào. Thọ… Tưởng… Các hành… Thức không phải là chúng sanh, không phải là mạng sống, không phải là người, không phải là thanh niên, không phải là nữ nhân, không phải là nam nhân, không phải là tự ngã, không phải thuộc về tự ngã, không phải là ta, không phải là của ta, không phải là người nào, không phải là của người nào. Xem xét thế giới là trống không theo mười hai biểu hiện là như vậy.
Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các Tỳ-khưu, thân này không phải của các ngươi, cũng không phải của những người khác. Này các Tỳ-khưu, thân này nên được xem là nghiệp cũ đã được tạo tác, đã được cố ý, [và] được cảm thọ. Này các Tỳ-khưu, về điều ấy, vị đệ tử của các bậc Thánh, có sự nghe nhiều, khéo léo tác ý đúng đường lối về pháp tùy thuận duyên khởi như vầy: ‘Khi cái này có mặt, cái kia có mặt; do sự sanh khởi của cái này, cái kia sanh khởi. Khi cái này không có mặt, cái kia không có mặt; do sự diệt tận của cái này, cái kia diệt tận. Tức là, do duyên vô minh, các hành [sanh khởi]; do duyên các hành, thức [sanh khởi];… (nt)… Như thế là sự sanh lên của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận hoàn toàn không còn luyến ái đối với vô minh, có sự diệt tận của các hành… (nt)… Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.” Xem xét thế giới là trống không còn là như vậy.
Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các Tỳ-khưu, cái gì không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi. Và này các Tỳ-khưu, cái gì không phải là của các ngươi? Này các Tỳ-khưu, sắc không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi. Này các Tỳ-khưu, thọ không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi. Tưởng không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi. Các hành không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ chúng. Những cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi. Thức không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi. Này các Tỳ-khưu, các ngươi nghĩ gì về điều ấy, là việc người ta có thể mang đi cỏ, củi, cành, lá ở khu rừng Jeta này, hoặc có thể đốt cháy chúng, hoặc có thể sử dụng chúng tùy theo nhu cầu? Thậm chí ý nghĩ như vầy có thể khởi lên ở các ngươi rằng: ‘Có phải người ta mang chúng ta đi, hoặc đốt cháy chúng ta, hoặc sử dụng chúng ta tùy theo nhu cầu không’?” “Bạch Ngài, điều này không đúng.” “Điều ấy có nguyên nhân là gì?” “Bạch Ngài, bởi vì cái ấy [cỏ, củi, cành, lá] không phải là tự ngã của chúng con hoặc thuộc về tự ngã của chúng con.” “Này các Tỳ-khưu, tương tự y như thế, cái gì không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi. Và này các Tỳ-khưu, cái gì không phải là của các ngươi? Sắc, này các Tỳ-khưu, không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi. Thọ… Tưởng… Các hành… Thức, này các Tỳ-khưu, không phải là của các ngươi, các ngươi hãy dứt bỏ nó. Cái ấy, khi được các ngươi dứt bỏ, sẽ đưa đến sự lợi ích, sự hạnh phúc lâu dài cho các ngươi.” Xem xét thế giới là trống không còn là như vậy.
Đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ‘thế giới là trống không, thế giới là trống không’ là điều được nói đến. Bạch Ngài, về phương diện nào thì được gọi là: ‘Thế giới là trống không’?” “Này Ānanda, bởi vì quả thật là trống không với tự ngã hoặc với cái thuộc về tự ngã; vì thế, được gọi là: ‘Thế giới là trống không.’ Và này Ānanda, cái gì là trống không với tự ngã hoặc với cái thuộc về tự ngã? Mắt, này Ānanda, là trống không với tự ngã hoặc với cái thuộc về tự ngã. Các sắc là trống không… Nhãn thức là trống không… Nhãn xúc là trống không… Cảm thọ nào sanh lên do duyên nhãn xúc, dầu là lạc, hay là khổ, hay là không khổ không lạc; cảm thọ ấy cũng là trống không. Tai là trống không… Các thinh là trống không… Mũi là trống không… Các hương là trống không… Lưỡi là trống không… Các vị là trống không… Thân là trống không… Các xúc là trống không… Ý là trống không… Các pháp là trống không… Ý thức là trống không… Ý xúc là trống không… Cảm thọ nào sanh lên do duyên ý xúc, dầu là lạc, hay là khổ, hay là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng là trống không với tự ngã hoặc với cái thuộc về tự ngã. Này Ānanda, bởi vì quả thật là trống không với tự ngã hoặc với cái thuộc về tự ngã; vì thế, được gọi là: ‘Thế giới là trống không.’” Xem xét thế giới là trống không còn là như vậy.
Bởi vì điều này cũng đã được nói đến:
“Này trưởng làng, đối với người đang nhìn thấy đúng theo bản thể sự sanh lên của các pháp một cách rõ rệt, sự liên tục của các hành một cách rõ rệt thì không có sự sợ hãi.
Khi nào bằng trí tuệ nhìn thấy thế gian giống như cỏ và củi, thì không ước nguyện bất cứ điều gì khác, ngoại trừ sự không còn nối liền tái sanh.”
Xem xét thế giới là trống không còn là như vậy.
Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các Tỳ-khưu, tương tự y như thế, vị Tỳ-khưu quán sát sắc đến luôn cả tiến trình của sắc, quán sát thọ đến luôn cả tiến trình của thọ, quán sát tưởng đến luôn cả tiến trình của tưởng, quán sát các hành đến luôn cả tiến trình của các hành, quán sát thức đến luôn cả tiến trình của thức. Trong khi vị ấy đang quán sát sắc đến luôn cả tiến trình của sắc, trong khi đang quán sát thọ đến luôn cả tiến trình của thọ, trong khi đang quán sát tưởng đến luôn cả tiến trình của tưởng, trong khi đang quán sát các hành đến luôn cả tiến trình của các hành, trong khi đang quán sát thức đến luôn cả tiến trình của thức, ý niệm về ‘tôi’ hay ‘của tôi’ hay ‘tôi là’ đều không khởi lên ở vị ấy.” Xem xét thế giới là trống không còn là như vậy.
Ngươi hãy xem xét thế giới là trống không: Ngươi hãy xem xét thế giới là trống không, ngươi hãy quán xét lại, hãy nhìn xem, hãy cân nhắc, hãy xác định, hãy minh định, hãy làm rõ rệt.
“Ngươi hãy xem xét thế giới là trống không” là như thế.
Này Mogharāja, hãy luôn luôn có niệm.
Mogharāja: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy.
Luôn luôn: Là mọi thời,… (nt)… ở chặng cuối của tuổi thọ.
Có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân,… (nt)… vị ấy được gọi là có niệm.
“Này Mogharāja, hãy luôn luôn có niệm” là như thế.
Sau khi nhổ lên tà kiến về bản ngã: Tà kiến về bản ngã nói đến thân kiến với hai mươi nền tảng. “Ở đây, kẻ phàm phu không lắng nghe, không có sự trông thấy các bậc Thánh, không rành rẽ Thánh pháp, không được huấn luyện về Thánh pháp, không có sự trông thấy các bậc chân nhân, không rành rẽ pháp chân nhân, không được huấn luyện về pháp chân nhân, nhận thấy sắc là tự ngã, hoặc tự ngã có sắc, hoặc sắc ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong sắc; nhận thấy thọ… tưởng… các hành… thức là tự ngã, hoặc tự ngã có thức, hoặc thức ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong thức, quan điểm nào có hình thức như vậy là có sự đi đến tà kiến, có sự nắm giữ của tà kiến, có sự hiểm trở của tà kiến, có sự bóp méo của tà kiến, có sự xáo động của tà kiến, có sự ràng buộc của tà kiến, là sự nắm lấy, sự chấp nhận, sự chấp chặt, sự bám víu, con đường xấu, con đường sai trái, bản thể sai trái, ngoại giáo, sự nắm lấy đường lối trái nghịch, sự nắm lấy điều sai lệch, sự nắm lấy điều trái khuấy, sự nắm lấy điều sai trái, sự nắm lấy điều không xác đáng cho là xác đáng, cho đến sáu mươi hai tà kiến”; điều này là tà kiến về bản ngã.
Sau khi nhổ lên tà kiến về bản ngã: Sau khi nhổ lên, sau khi kéo ra, sau khi lấy lên, sau khi lấy ra, sau khi rút lên, sau khi rút ra, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu tà kiến về bản ngã.
“Sau khi nhổ lên tà kiến về bản ngã” là như thế.
Như vậy có thể vượt qua tử thần: Như vậy, ngươi có thể vượt qua tử thần, ngươi có thể vượt qua luôn cả sự già, ngươi có thể vượt qua luôn cả sự chết, ngươi có thể vượt lên, có thể vượt khỏi, có thể vượt qua hẳn, có thể vượt qua khỏi.
“Như vậy có thể vượt qua tử thần” là như thế.
Người đang xem xét thế giới như vậy: Người đang xem xét, đang quán xét lại, đang cân nhắc, đang xác định, đang minh định, đang làm rõ rệt thế giới như vậy.
“Người đang xem xét thế giới như vậy” là như thế.
Thần chết không nhìn thấy [người ấy]: Tử thần cũng là thần chết, Ma vương cũng là thần chết, sự chết cũng là thần chết.
Không nhìn thấy: Thần chết không nhìn thấy, không trông thấy, không đạt đến, không tìm thấy, không tiếp nhận. Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các Tỳ-khưu, cũng giống như con nai sống ở rừng đang đi lại trong khu rừng, trong khu rừng lớn, tự tin nó đi, tự tin nó đứng, tự tin nó ngồi, tự tin nó nằm. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Này các Tỳ-khưu, nó không ở trong phạm vi của gã thợ săn. Này các Tỳ-khưu, tương tự y như vậy, vị Tỳ-khưu ngay sau khi tách ly khỏi các dục, tách ly khỏi các bất thiện pháp, đạt đến và trú Thiền thứ nhất, có tầm có tứ, có hỷ lạc sanh lên do sự tách ly. Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu này được gọi là vị đã làm Ma vương mù quáng, đã thủ tiêu không còn dấu chân, đã đạt đến nơi mắt của Ma vương ác độc không còn nhìn thấy.
Này các Tỳ-khưu, còn có việc khác nữa, vị Tỳ-khưu, do sự vắng lặng của tầm và tứ, đạt đến và trú Thiền thứ nhì, có sự tĩnh lặng ở nội phần, có trạng thái chuyên nhất của tâm, không tầm không tứ, có hỷ lạc sanh lên do định;… (nt)… Thiền thứ ba… (nt)… Thiền thứ tư… (nt)… Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu này được gọi là vị đã làm Ma vương mù quáng, đã thủ tiêu không còn dấu chân, đã đạt đến nơi mắt của Ma vương ác độc không còn nhìn thấy.
Này các Tỳ-khưu, còn có việc khác nữa, vị Tỳ-khưu, do sự vượt qua hẳn toàn bộ các sắc tưởng, do sự biến mất của các tưởng bất bình, do việc không chú ý đến các tưởng khác biệt, [nhận thức rằng:] “Hư không là vô biên” đạt đến và trú Không vô biên xứ. Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu này được gọi là vị đã làm Ma vương mù quáng, đã thủ tiêu không còn dấu chân, đã đạt đến nơi mắt của Ma vương ác độc không còn nhìn thấy.
Này các Tỳ-khưu, còn có việc khác nữa, vị Tỳ-khưu, sau khi vượt qua hẳn toàn bộ Không vô biên xứ, [nhận thức rằng:] “Thức là vô biên” đạt đến và trú Thức vô biên xứ; sau khi vượt qua hẳn toàn bộ Thức vô biên xứ, [nhận thức rằng:] “Không có gì” đạt đến và trú Vô sở hữu xứ; sau khi vượt qua hẳn toàn bộ Vô sở hữu xứ, đạt đến và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ; sau khi vượt qua hẳn toàn bộ Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đạt đến và trú Diệt thọ tưởng; và đối với vị này, sau khi nhìn thấy bằng tuệ, các lậu hoặc được hoàn toàn cạn kiện. Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu này được gọi là vị đã làm Ma vương mù quáng, đã thủ tiêu không còn dấu chân, đã đạt đến nơi mắt của Ma vương ác độc không còn nhìn thấy. Vị đã vượt qua sự vướng mắc ở thế gian, vị ấy tự tin đi, tự tin đứng, tự tin ngồi, tự tin nằm. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Vị Tỳ-khưu không ở trong phạm vi của [Ma vương] ác độc.
“Thần chết không nhìn thấy [người ấy]” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Ngươi hãy xem xét thế giới là trống không,
Này Mogharāja, hãy luôn luôn có niệm.
Sau khi nhổ lên tà kiến về bản ngã,
Như vậy có thể vượt qua tử thần.
Người đang xem xét thế giới như vậy,
Thần chết không nhìn thấy [người ấy].”
Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn,… (nt)… “Bạch Ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của con, con là người đệ tử.”
“Diễn giải kinh Mogharāja” được hoàn tất.
[1] Xem chú thích về “Lokadhātu” (Thế giới) ở trang 223. (ND)
[2] Xem chú thích về “Nhất thiên (Tiểu thế giới), Nhị thiên (Trung thế giới), Tam thiên (Đại thiên thế giới)” ở trang 294. (ND)
[3] Xem chú thích 6 ở trang 23. (ND)
[4] Tốt hơn nên dịch là: “Sắc không phải là ngã” hoặc “sắc không phải là ta”. (ND)
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.