Viện Nghiên Cứu Phật Học

14. DIỄN GIẢI KINH POSĀLA
(POSĀLASUTTANIDDESO)

 

14.1.       [Tôn giả Posāla nói rằng:] “Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến
               Gặp bậc đã ngự đến bờ kia của tất cả các pháp,
               Vị chỉ ra thời quá khứ,
               Không còn dục vọng, đã cắt đứt sự nghi ngờ.”

Vị chỉ ra thời quá khứ.

Vị: Vị ấy là đức Thế Tôn, đấng Tự Chủ, vị không có thầy, đã tự mình giác ngộ hoàn toàn các sự thật về các pháp chưa từng được nghe trước đây. Ngài đã đạt được trạng thái toàn tri về các pháp ấy và đã đạt được bản thể năng lực về các lực.

Chỉ ra thời quá khứ: Đức Thế Tôn chỉ ra thời quá khứ, chỉ ra thời vị lai, và chỉ ra thời hiện tại của bản thân và của những người khác.

Đức Thế Tôn chỉ ra thời quá khứ của bản thân thế nào? Đức Thế Tôn chỉ ra một lần sanh, chỉ ra hai lần sanh, chỉ ra ba lần sanh, chỉ ra bốn lần sanh, chỉ ra năm lần sanh, chỉ ra mười lần sanh, chỉ ra hai mươi lần sanh, chỉ ra ba mươi lần sanh, chỉ ra bốn mươi lần sanh, chỉ ra năm mươi lần sanh,… một trăm lần sanh,… một ngàn lần sanh,… nhiều thành kiếp,… nhiều hoại kiếp,… nhiều thành và hoại kiếp trong thời quá khứ của bản thân rằng: “Ở nơi ấy, Ta đã có tên như vầy, dòng họ như vầy, giai cấp như vầy, thức ăn như vầy, có sự nhận biết lạc và khổ như vầy, có giới hạn tuổi thọ như vầy. Từ chỗ ấy, Ta đây đã chết đi rồi đã sanh lên tại chỗ kia. Ở nơi kia, Ta đã có tên như vầy, dòng họ như vầy, giai cấp như vầy, thức ăn như vầy, có sự nhận biết lạc và khổ như vầy, có giới hạn tuổi thọ như vầy. Từ nơi kia, Ta đây đã chết đi rồi đã sanh lên tại nơi này.” Như thế, Ngài chỉ ra nhiều kiếp sống trước với nét đại cương và cá biệt. Đức Thế Tôn chỉ ra thời quá khứ của bản thân như vậy.

Đức Thế Tôn chỉ ra thời quá khứ của những người khác thế nào? Đức Thế Tôn chỉ ra một lần sanh, chỉ ra hai lần sanh,… chỉ ra nhiều thành và hoại kiếp trong thời quá khứ của những người khác rằng: “Ở nơi ấy, vị ấy đã có tên như vầy, dòng họ như vầy, giai cấp như vầy, thức ăn như vầy, có sự nhận biết lạc và khổ như vầy, có giới hạn tuổi thọ như vầy. Từ chỗ ấy, vị ấy đã chết đi rồi đã sanh lên tại chỗ kia. Ở nơi kia, vị ấy đã có tên như vầy, dòng họ như vầy, giai cấp như vầy, thức ăn như vầy, có sự nhận biết lạc và khổ như vầy, có giới hạn tuổi thọ như vầy. Từ nơi kia, vị ấy đã chết đi rồi đã sanh lên tại nơi này.” Như thế, Ngài chỉ ra nhiều kiếp sống trước với nét đại cương và cá biệt. Đức Thế Tôn chỉ ra thời quá khứ của những người khác như vậy.

Đức Thế Tôn chỉ ra thời quá khứ của bản thân và của những người khác trong khi nói về năm trăm Bổn sanh, chỉ ra thời quá khứ của bản thân và của những người khác trong khi thuyết Kinh Mahāpadāniya, chỉ ra thời quá khứ của bản thân và của những người khác trong khi thuyết Kinh Mahāsudassaniya, chỉ ra thời quá khứ của bản thân và của những người khác trong khi thuyết Kinh Mahāgovindiya, chỉ ra thời quá khứ của bản thân và của những người khác trong khi thuyết Kinh Māghadeviya.[1]

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

“Này Cunda, liên quan đến thời kỳ quá khứ, đức Như Lai có trí nhớ lại các đời sống trước. Ta đây muốn [nhớ lại] chừng nào thì nhớ lại chừng ấy. Và này Cunda, liên quan đến thời kỳ vị lai… (nt)... Và này Cunda, liên quan đến thời kỳ hiện tại, trí do giác ngộ sanh của đức Như Lai khởi lên rằng: ‘Đây là kiếp sống cuối cùng, giờ đây không còn tái sanh nữa.’”[2]

Trí biết được khả năng của người khác về các quyền là Như Lai lực của đức Như Lai, trí về thiên kiến và xu hướng ngủ ngầm của chúng sanh là Như Lai lực của đức Như Lai, trí về song thông là Như Lai lực của đức Như Lai, trí về sự thể nhập đại bi là Như Lai lực của đức Như Lai, trí toàn giác là Như Lai lực của đức Như Lai, trí không bị ngăn trở là Như Lai lực của đức Như Lai, trí không quyến luyến, không bị trở ngại, không bị ngăn trở trong mọi trường hợp là Như Lai lực của đức Như Lai. Đức Thế Tôn chỉ ra thời quá khứ, chỉ ra thời vị lai, chỉ ra thời hiện tại của bản thân và của những người khác như vậy, Ngài chỉ dạy, chỉ bảo, thông báo, ấn định, khai mở, chia sẻ, làm rõ, bày tỏ.

 “Vị chỉ ra thời quá khứ” là như thế.

Tôn giả Posāla nói rằng: … (nt)...

Không còn dục vọng, đã cắt đứt sự nghi ngờ: Dục vọng nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)... tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện. Đối với đức Phật Thế Tôn, dục vọng tham ái ấy đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; vì thế, đức Phật là bậc không còn dục vọng. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với dục vọng mà trở thành không dục vọng, đức Thế Tôn không xao động vì lợi lộc,… (nt)... không xao động vì khổ đau, không dao động, không run rẩy, không chấn động, không rúng động. “Không dục vọng” là như thế.

Đã cắt đứt sự nghi ngờ: Nghi ngờ nói đến hoài nghi, sự nghi ngờ về khổ,… (nt)... trạng thái sửng sốt, sự bối rối của tâm. Đối với đức Phật Thế Tôn, nghi ngờ ấy đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; vì thế, đức Phật là bậc đã cắt đứt sự nghi ngờ.

“Không còn dục vọng, đã cắt đứt sự nghi ngờ” là như thế.

Bậc đã ngự đến bờ kia của tất cả các pháp: Đức Thế Tôn là pāragū (người đi đến bờ kia) do việc biết rõ, pāragū do việc biết toàn diện, pāragū do việc dứt bỏ, pāragū do việc tu tập, pāragū do việc chứng ngộ, pāragū do việc chứng đạt [các thiền]; là pāragū do việc biết rõ tất cả các pháp,… (nt)... việc sanh tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với vị ấy.”

“Bậc đã ngự đến bờ kia của tất cả các pháp” là như thế.

Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến: Là những người có nhu cầu với câu hỏi, chúng con đã đi đến;… (nt)... Ngài hãy di dời gánh nặng này.

“Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến” còn là như vậy.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

[Tôn giả Posāla nói rằng:] “Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến
Gặp bậc đã ngự đến bờ kia của tất cả các pháp,
Vị chỉ ra thời quá khứ,
Không còn dục vọng, đã cắt đứt sự nghi ngờ.”

14.2.     Đối với vị có sắc tưởng đã không còn,
             Có sự dứt bỏ toàn bộ về thân,
             Đang nhìn thấy “không có gì”
             Thuộc nội phần và ngoại phần,
             Thưa vị dòng Sakya, con hỏi thêm về trí [của vị ấy];
             Vị thuộc hạng như thế ấy nên được hướng dẫn thế nào?

Đối với vị có sắc tưởng đã không còn: Thế nào là sắc tưởng? Là sự nhận biết, sự tự nhận biết, trạng thái tự nhận biết của vị đã đạt đến sự chứng đạt về sắc giới, hoặc đối với vị đã sanh lên [sắc giới], hoặc đối với vị có sự trú lạc ở ngay chính bản thân này; điều này là sắc tưởng.

Đối với vị có sắc tưởng đã không còn: Đối với vị đã đạt được bốn sự chứng đạt vô sắc, sắc tưởng là không còn, đã được lìa khỏi, đã được vượt quá, đã được vượt qua hẳn, đã được vượt qua khỏi.

“Đối với vị có sắc tưởng đã không còn” là như thế.

Có sự dứt bỏ toàn bộ về thân: Tất cả sắc thân liên quan đến tái sanh của vị ấy đã được dứt bỏ do việc vượt qua khỏi có tính chất tạm thời, sắc thân của vị ấy được dứt bỏ bằng sự dứt bỏ với việc đè nén [do việc chứng đắc thiền vô sắc].

“Có sự dứt bỏ toàn bộ về thân” là như thế.

Đang nhìn thấy “không có gì” thuộc nội phần và ngoại phần.

Không có gì: Là sự chứng đạt Vô sở hữu xứ. Vì lý do gì mà “không có gì” là sự chứng đạt về Vô sở hữu xứ? Là vì, vị có niệm, sau khi thể nhập sự chứng đạt về Thức vô biên xứ, sau khi xuất ra từ nơi ấy, rồi làm cho không hiện hữu, làm cho hoàn toàn không còn hiện hữu, làm cho biến mất chính cái thức ấy, và nhìn thấy “không có gì.” Vì lý do ấy mà “không có gì” là sự chứng đạt về Vô sở hữu xứ.

“Đang nhìn thấy ‘không có gì’ thuộc nội phần và ngoại phần” là như thế.

Thưa vị dòng Sakya, con hỏi thêm về trí [của vị ấy].

Vị dòng Sakya: Đức Thế Tôn là vị dòng Sakya, “người đã xuất gia từ gia tộc Sakya” là vị dòng Sakya. … (nt)… “có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ, có sự rởn lông đã được xa lìa” là vị dòng Sakya.

Con hỏi thêm về trí [của vị ấy]: Con hỏi trí của vị ấy là như thế nào, được tồn tại thế nào, có kiểu cách gì, có biểu hiện gì, có nên được ước muốn?

“Thưa vị dòng Sakya, con hỏi thêm về trí [của vị ấy]” là như thế.

Vị thuộc hạng như thế ấy nên được hướng dẫn thế nào? Vị ấy nên được hướng dẫn, nên được huấn luyện, nên được dẫn dắt, nên được truyền đạt, nên được truyền thụ, nên được khơi mở, nên được tạo niềm tin thế nào? Vị ấy nên được làm cho sanh khởi thượng trí thế nào?

Vị thuộc hạng như thế ấy: Vị thuộc hạng như thế ấy là vị giống như thế ấy, được tồn tại thế ấy, có kiểu cách ấy, có biểu hiện ấy, là vị có được sự chứng đạt về Vô sở hữu xứ.

“Vị thuộc hạng như thế ấy nên được hướng dẫn thế nào?” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

“Đối với vị có sắc tưởng đã không còn,
Có sự dứt bỏ toàn bộ về thân,
Đang nhìn thấy ‘không có gì’
Thuộc nội phần và ngoại phần,
Thưa vị dòng Sakya, con hỏi thêm về trí [của vị ấy];
Vị thuộc hạng như thế ấy nên được hướng dẫn thế nào?”

14.3. [Đức Thế Tôn nói: “Này Posāla,] trong khi biết rõ tất cả các chỗ trú của thức, đức Như Lai biết vị ấy đang trú [ở đâu], đã thiên về [điều nào], có điều ấy là đích đến.”

Tất cả các chỗ trú của thức: Đức Thế Tôn biết bốn chỗ trú của thức căn cứ vào pháp tạo tác, biết bảy chỗ trú của thức căn cứ vào sự tái sanh.

Đức Thế Tôn biết bốn chỗ trú của thức căn cứ vào pháp tạo tác nghĩa là thế nào? Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các Tỳ-khưu, có sự vướng bận với sắc, thì thức, trong khi tồn tại, [sẽ] tồn tại có đối tượng là sắc, có chỗ nâng đỡ là sắc, có sự rải rắc niềm vui, và [sẽ] đạt đến sự phát triển, sự tăng trưởng, sự lớn mạnh. Này các Tỳ-khưu, hoặc là có sự vướng bận với thọ,… (nt)... Này các Tỳ-khưu, hoặc là có sự vướng bận với tưởng,… (nt)... Này các Tỳ-khưu, hoặc là có sự vướng bận với các hành, thì thức, trong khi tồn tại, [sẽ] tồn tại có đối tượng là các hành, có chỗ nâng đỡ là các hành, có sự rải rắc niềm vui, và [sẽ] đạt đến sự phát triển, sự tăng trưởng, sự lớn mạnh”; đức Thế Tôn biết bốn chỗ trú của thức căn cứ vào pháp tạo tác nghĩa là như vậy.

Đức Thế Tôn biết bảy chỗ trú của thức căn cứ vào sự tái sanh nghĩa là thế nào? Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này các Tỳ-khưu, có những chúng sanh có thân khác biệt, có tưởng khác biệt, như là loài người, một số thiên nhân và một số hạng ở chốn bị trừng phạt; đây là chỗ trú của thức loại thứ nhất. Này các Tỳ-khưu, có những chúng sanh có thân khác biệt, có tưởng tương đồng, như là chư thiên thuộc Phạm Chúng thiên đã được sanh lên nhờ vào Sơ thiền; đây là chỗ trú của thức loại thứ nhì. Này các Tỳ-khưu, có những chúng sanh có thân tương đồng, có tưởng khác biệt, như là chư thiên cõi Quang Âm thiên; đây là chỗ trú của thức loại thứ ba. Này các Tỳ-khưu, có những chúng sanh có thân tương đồng, có tưởng tương đồng, như là chư thiên cõi Biến Tịnh thiên; đây là chỗ trú của thức loại thứ tư. Này các Tỳ-khưu, có những chúng sanh, do sự vượt qua hẳn toàn bộ các sắc tưởng, do sự biến mất của các tưởng bất bình, do việc không chú ý đến các tưởng khác biệt [nhận thức rằng]: ‘Hư không là vô biên’ rồi tiến vào Không Vô Biên Xứ; đây là chỗ trú của thức loại thứ năm. Này các Tỳ-khưu, có những chúng sanh sau khi vượt qua hẳn toàn bộ Không Vô Biên Xứ [nhận thức rằng]: ‘Thức là vô biên’ rồi tiến vào Thức Vô Biên Xứ; đây là chỗ trú của thức loại thứ sáu. Này các Tỳ-khưu, có những chúng sanh sau khi vượt qua hẳn toàn bộ Thức Vô Biên Xứ [nhận thức rằng]: ‘Không có gì’ rồi tiến vào Vô Sở Hữu Xứ; đây là chỗ trú của thức loại thứ bảy. Đức Thế Tôn biết bảy chỗ trú của thức căn cứ vào sự tái sanh nghĩa là như vậy.”

“Tất cả các chỗ trú của thức” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Posāla.

Posāla: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)... sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”

“Đức Thế Tôn nói: Này Posāla” là như thế.

Trong khi biết rõ..., đức Như Lai.

Trong khi biết rõ: Trong khi biết rõ là trong khi hiểu, trong khi nhận thức, trong khi thừa nhận, trong khi thấu triệt.

Đức Như Lai: Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này Cunda, nếu việc quá khứ là không thực, không đúng, không có lợi ích, đức Như Lai không giải đáp điều ấy. Này Cunda, nếu việc quá khứ là thực, là đúng, không có lợi ích, đức Như Lai cũng không giải đáp điều ấy. Này Cunda, nếu việc quá khứ là thực, là đúng, có lợi ích, trong trường hợp ấy, đức Như Lai là người biết thời điểm để giải đáp cho chính câu hỏi ấy. Này Cunda, nếu việc vị lai… (nt)... Này Cunda, nếu việc hiện tại là không thực, không đúng, không có lợi ích, đức Như Lai không giải đáp điều ấy. Này Cunda, nếu việc hiện tại là thực, là đúng, không có lợi ích, đức Như Lai cũng không giải đáp điều ấy. Này Cunda, nếu việc hiện tại là thực, là đúng, có lợi ích, trong trường hợp ấy, đức Như Lai là người biết thời điểm để giải đáp cho câu hỏi ấy. Như thế, này Cunda, về các pháp quá khứ, vị lai, và hiện tại, đức Như Lai là vị nói đúng thời, vị nói về sự thật, vị nói về mục đích, vị nói về Pháp, vị nói về Luật; vì thế, được gọi là ‘đức Như Lai’.

Này Cunda, điều gì thuộc về thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức, đã được đạt đến, đã được tìm kiếm, đã được cân nhắc bởi ý, mọi điều ấy đều đã được biết rõ toàn diện bởi đức Như Lai; vì thế, được gọi là ‘đức Như Lai’. Này Cunda, vào đêm đức Như Lai giác ngộ quả vị Chánh đẳng giác vô thượng, và vào đêm [đức Như Lai] viên tịch Niết-bàn ở cảnh giới Niết-bàn không còn dư sót, điều nào đức Như Lai thuyết giảng, nói ra, chỉ dạy trong khoảng thời gian này, mọi điều ấy đều là y như thế, không sai khác; vì thế, được gọi là ‘đức Như Lai’. Này Cunda, đức Như Lai nói như thế nào làm như thế ấy, làm như thế nào nói như thế ấy. Như vậy, nói như thế nào làm như thế ấy, làm như thế nào nói như thế ấy; vì thế, được gọi là ‘đức Như Lai’. Này Cunda, ở thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, đức Như Lai là đấng Chiến Thắng, bậc Không Bị Thống Trị, bậc Nhìn Thấy Tất Cả, bậc Vận Hành Quyền Lực; vì thế, được gọi là ‘đức Như Lai’.”

“Trong khi biết rõ..., đức Như Lai” là như thế.

Biết vị ấy đang trú [ở đâu]: Đức Thế Tôn biết về người hiện đang ở thế gian này căn cứ vào pháp tạo tác là nghiệp rằng: “Người này, khi tan rã thân xác và chết đi, sẽ sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục.” Đức Thế Tôn biết về người hiện đang ở thế gian này căn cứ vào pháp tạo tác là nghiệp rằng: “Người này, khi tan rã thân xác và chết đi, sẽ sanh vào loài thú.” Đức Thế Tôn biết về người hiện đang ở thế gian này căn cứ vào pháp tạo tác là nghiệp rằng: “Người này, khi tan rã thân xác và chết đi, sẽ sanh vào thân phận ngạ quỷ.” Đức Thế Tôn biết về người hiện đang ở thế gian này căn cứ vào pháp tạo tác là nghiệp rằng: “Người này, khi tan rã thân xác và chết đi, sẽ sanh vào ở loài người.” Đức Thế Tôn biết về người hiện đang ở thế gian này căn cứ vào pháp tạo tác là nghiệp rằng: “Người này đã thực hành tốt đẹp, khi tan rã thân xác và chết đi, sẽ sanh vào chốn an vui, cõi trời, thế gian [này].”

Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:

 “Ở đây, này Sāriputta, sau khi biết được tâm bằng tâm, Ta nhận biết về một người nào đó rằng: ‘Người này thực hành thế này, cư xử thế này, và đi vào đạo lộ ấy, như thế thì khi tan rã thân xác và chết đi, sẽ sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục.’ Ở đây, này Sāriputta, sau khi biết được tâm bằng tâm, Ta nhận biết về một người nào đó rằng: ‘Người này thực hành thế này, cư xử thế này, và đi vào đạo lộ ấy, như thế thì khi tan rã thân xác và chết đi, sẽ sanh vào loài thú.’ Ở đây, này Sāriputta, sau khi biết được tâm bằng tâm, Ta nhận biết về một người nào đó rằng: ‘Người này thực hành thế này, cư xử thế này, và đi vào đạo lộ ấy, như thế thì khi tan rã thân xác và chết đi, sẽ sanh vào thân phận ngạ quỷ.’ Ở đây, này Sāriputta, sau khi biết được tâm bằng tâm, Ta nhận biết về một người nào đó rằng: ‘Người này thực hành thế này, cư xử thế này, và đi vào đạo lộ ấy, như thế thì khi tan rã thân xác và chết đi, sẽ sanh vào giữa loài người.’ Ở đây, này Sāriputta, sau khi biết được tâm bằng tâm, Ta nhận biết về một người nào đó rằng: ‘Người này thực hành thế này, cư xử thế này, và đi vào đạo lộ ấy, như thế thì khi tan rã thân xác và chết đi, sẽ sanh vào chốn an vui, cõi trời, thế gian [này].’ Ở đây, này Sāriputta, sau khi biết được tâm bằng tâm, Ta nhận biết về một người nào đó rằng: ‘Người này thực hành thế này, cư xử thế này, và đi vào đạo lộ ấy, như thế thì do sự cạn kiệt của các lậu hoặc, nhờ vào thắng trí của mình sẽ chứng ngộ, sẽ đạt đến, và an trú vào sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ ngay ở đời hiện tại.’”

“Biết vị ấy đang trú [ở đâu]” là như thế.

Đã thiên về [điều nào], có điều ấy là đích đến.

Đã thiên về [điều nào]: Là đã thiên về khuynh hướng giải thoát ở Vô sở hữu xứ, đã thiên về nơi ấy, đã thiên về nó, đã xem nó là chủ đạo. Hoặc là, đức Thế Tôn biết rằng: “Người này thiên về sắc, thiên về thinh, thiên về hương, thiên về vị, thiên về xúc, thiên về gia tộc, thiên về đồ chúng, thiên về chỗ ngụ, thiên về lợi lộc, thiên về danh vọng, thiên về lời khen, thiên về hạnh phúc, thiên về y phục, thiên về đồ ăn khất thực, thiên về chỗ nằm ngồi, thiên về vật dụng là thuốc men chữa bệnh, là vị thiên về Kinh, thiên về Luật, thiên về Thắng pháp, thiên về pháp của vị ngụ ở rừng, thiên về pháp của vị chuyên đi khất thực, thiên về pháp của vị chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, thiên về pháp của vị chỉ sử dụng ba y, thiên về pháp của vị đi khất thực tuần tự theo từng nhà, thiên về pháp của vị không ăn vật thực dâng sau, thiên về pháp của vị chuyên về oai nghi ngồi (không nằm), thiên về pháp của vị ngụ ở chỗ đã được chỉ định, thiên về Sơ thiền, thiên về Nhị thiền, thiên về Tam thiền, thiên về Tứ thiền, thiên về sự chứng đạt Không vô biên xứ, thiên về sự chứng đạt Thức vô biên xứ, thiên về sự chứng đạt Vô sở hữu xứ, thiên về sự chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ.” “Đã thiên về [điều nào]” là như thế.

Có điều ấy là đích đến: Yếu tố Vô sở hữu xứ có điều ấy là đích đến, có nghiệp là đích đến, có quả thành tựu là đích đến, có sự chú trọng về nghiệp, có sự chú trọng về việc nối liền tái sanh. Hoặc là, đức Thế Tôn biết rằng: “Người này có sắc là đích đến,… (nt)... có sự chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ là đích đến.”

“Đã thiên về [điều nào], có điều ấy là đích đến” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Posāla] trong khi biết rõ tất cả các chỗ trú của thức, đức Như Lai biết vị ấy đang trú [ở đâu], đã thiên về [điều nào], có điều ấy là đích đến.”

14.4. Sau khi biết được nguồn xuất phát của Vô sở hữu, [biết được] rằng: “Vui thích là sự ràng buộc”, sau khi biết rõ điều ấy như vậy, từ đó nhìn thấy rõ nơi ấy; đây là trí như thật của vị ấy, của vị Bà-la-môn đã sống hoàn hảo.

Sau khi biết được nguồn xuất phát của Vô sở hữu: Nguồn xuất phát của Vô sở hữu xứ nói đến pháp tạo tác là nghiệp đưa đến Vô sở hữu xứ. Sau khi biết được “pháp tạo tác là nghiệp đưa đến Vô sở hữu xứ là nguồn xuất phát của Vô sở hữu”, sau khi biết được “sự dính mắc”, sau khi biết được “sự cột trói”, sau khi biết được “sự vướng bận”, sau khi biết, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt.

“Sau khi biết được nguồn xuất phát của Vô sở hữu” là như thế.

[Biết được] rằng: “Vui thích là sự ràng buộc”: Sự ràng buộc bởi vui thích nói đến sự luyến ái ở vô sắc. Do sự luyến ái ở vô sắc, nghiệp ấy bị máng vào, bị vướng vào, bị giữ lại. Sau khi biết được “sự luyến ái ở vô sắc là sự ràng buộc bởi vui thích”, sau khi biết được “sự dính mắc”, sau khi biết được “sự cột trói”, sau khi biết được “sự vướng bận”, sau khi biết, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt.

Rằng: Từ “iti” này là sự nối liền các câu văn, sự kết hợp các câu văn, sự làm đầy đủ các câu văn, sự gặp gỡ của các âm, trạng thái trau chuốt từ ngữ, tính chất tuần tự của các câu văn.

“[Biết được] rằng: Vui thích là sự ràng buộc” là như thế.

Sau khi biết rõ điều ấy như vậy: Sau khi biết rõ, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt điều ấy như vậy.

“Sau khi biết rõ điều ấy như vậy” là như thế.

Từ đó nhìn thấy rõ nơi ấy.

Nơi ấy: Sau khi chứng đạt Vô sở hữu xứ, sau khi xuất ra từ nơi ấy, tại chỗ đó nhìn thấy rõ các pháp về tâm và sở hữu tâm được sanh lên là vô thường, nhìn thấy rõ là khổ, nhìn thấy rõ là cơn bệnh… (nt)... là sự thoát ra, nhận thấy, quan sát, suy xét, khảo sát.

“Từ đó nhìn thấy rõ nơi ấy” là như thế.

Đây là trí như thật của vị ấy: Trí này là đúng đắn, thực thể, chính xác, không bị sai lệch, thuộc về vị ấy.

“Đây là trí như thật của vị ấy” là như thế.

Của vị Bà-la-môn đã sống hoàn hảo.

Vị Bà-la-môn: Bà-la-môn do trạng thái đã loại trừ bảy pháp:… Không nương nhờ, tự tại, vị ấy được gọi là Bà-la-môn.

Của vị Bà-la-môn đã sống hoàn hảo: Bảy hạng Thánh Hữu học, tính luôn phàm nhân tốt lành, sống, cộng trú, cư trú, lưu trú nhằm đạt đến pháp chưa đạt đến, nhằm chứng đắc pháp chưa chứng đắc, nhằm chứng ngộ pháp chưa chứng ngộ; còn bậc A-la-hán, đã được hoàn mãn, có việc cần làm đã làm, có gánh nặng đã được đặt xuống, có mục đích của mình đã được đạt đến, có sự trói buộc ở hữu đã được đoạn tận, đã hiểu biết đúng đắn, đã được giải thoát. Vị ấy đã trải qua cuộc sống [của bậc Thánh], đã hoàn tất việc thực hành,… (nt)... việc sanh tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với vị ấy.”

“Của vị Bà-la-môn đã sống hoàn hảo” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Sau khi biết được nguồn xuất phát của Vô sở hữu, [biết được] rằng: ‘Vui thích là sự ràng buộc’, sau khi biết rõ điều ấy như vậy, từ đó nhìn thấy rõ nơi ấy; đây là trí như thật của vị ấy, của vị Bà-la-môn đã sống hoàn hảo.”

Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn,… (nt)... “Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của con, con là người đệ tử.”

“Diễn giải kinh Posāla” được hoàn tất.

 

 

[1] Ba bài kinh đầu thuộc Trường bộ, tức là  D. 14, Kinh Đại bổn (Mahāpadāniyasuttaṃ); D. 17, Kinh Đại Thiện Kiến Vương (Mahāsudassaniyasuttaṃ); D. 19, Kinh Đại Điển Tôn (Mahāgovindiyasuttaṃ). Bài kinh còn lại thuộc Trung bộ, số 83, Kinh Māghadevi (Māghadeviyasuttaṃ).

[2] D. 29, Kinh Thanh tịnh (Pāsādikasuttaṃ).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.