Tam tạng Thánh điển PGVN 08 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 08»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 4
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
13.1. [Tôn giả Udaya nói rằng:]
“Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến
Bậc có thiền chứng, không còn bụi bặm, đang ngồi,
Bậc đã làm xong phận sự, không còn lậu hoặc,
Đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp,
Xin Ngài hãy nói về sự giải thoát do trí giác ngộ,
Về sự phá vỡ vô minh.”
Bậc có thiền chứng, không còn bụi bặm, đang ngồi.
Bậc có thiền chứng: Bậc có thiền chứng là [nói đến] đức Thế Tôn. Ngài có thiền chứng với sơ thiền, có thiền chứng với nhị thiền, có thiền chứng với tam thiền, có thiền chứng với tứ thiền, có thiền chứng với thiền có tầm có tứ, có thiền chứng với thiền không có tầm chỉ có tứ, có thiền chứng với thiền không có tầm không có tứ, có thiền chứng với thiền có hỷ, có thiền chứng với thiền không có hỷ, có thiền chứng với thiền đồng hành với hỷ, có thiền chứng với thiền đồng hành với khoan khoái, có thiền chứng với thiền đồng hành với xả, có thiền chứng với thiền không tánh, có thiền chứng với thiền vô tướng, có thiền chứng với thiền vô nguyện, có thiền chứng với thiền hợp thế, có thiền chứng với thiền xuất thế, thích thú với thiền, gắn bó với trạng thái đơn độc, chú trọng mục đích của mình. “Bậc có thiền chứng” là như thế.
Không còn bụi bặm: Luyến ái là bụi bặm, sân hận là bụi bặm, si mê là bụi bặm, giận dữ là bụi bặm, thù hằn là bụi bặm,… (nt)… tất cả các pháp tạo tác bất thiện là bụi bặm. Đối với đức Phật Thế Tôn, các bụi bặm ấy là đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn điều kiện sanh khởi trong tương lai. Vì thế, đức Phật là bậc không có bụi bặm, không còn bụi bặm, lìa khỏi bụi bặm, đã rời xa bụi bặm, đã dứt bỏ hẳn bụi bặm, đã được thoát khỏi bụi bặm, đã vượt qua khỏi tất cả bụi bặm.
1. Luyến ái là bụi bặm, nhưng không phải nói đến bụi đất,
Từ “bụi bặm” này là tên gọi của luyến ái.
Bậc Hữu Nhãn, sau khi dứt bỏ hẳn bụi bặm này,
Vì thế, đấng Chiến Thắng được gọi là “bậc Đã Tách Lìa Bụi Bặm.”
2. Sân hận là bụi bặm, nhưng không phải nói đến bụi đất,
Từ “bụi bặm” này là tên gọi của sân hận.
Bậc Hữu Nhãn, sau khi dứt bỏ hẳn bụi bặm này,
Vì thế, đấng Chiến Thắng được gọi là “bậc Đã Tách Lìa Bụi Bặm.”
3. Si mê là bụi bặm, nhưng không phải nói đến bụi đất,
Từ “bụi bặm” này là tên gọi của si mê.
Bậc Hữu Nhãn, sau khi dứt bỏ hẳn bụi bặm này,
Vì thế, đấng Chiến Thắng được gọi là “bậc Đã Tách Lìa Bụi Bặm.”
“Không còn bụi bặm” là như thế.
Đang ngồi: Đức Thế Tôn đang ngồi ở bảo tháp Pāsāṇaka. “Đang ngồi” là như thế.
4. “Các vị Thinh văn, có ba minh, có sự chiến thắng thần chết, hầu cận bậc Hiền trí, vị đã đi đến bờ kia của khổ, đang ngồi ở sườn của ngọn núi.”
Đức Thế Tôn đang ngồi còn là như vậy.
Hoặc là, đức Thế Tôn có trạng thái đã được tịch tịnh mọi sự năng động [của ô nhiễm], đang ngồi, đã trải qua cuộc sống [của bậc Thánh], đã hoàn tất việc thực hành,… (nt)… việc sanh tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với vị ấy.” Đức Thế Tôn đang ngồi còn là như vậy.
“Bậc có thiền chứng, không còn bụi bặm, đang ngồi” là như thế.
Tôn giả Udaya nói rằng.
Rằng: [Từ “icca” này] là sự nối liền các câu văn,… (nt)...
Tôn giả: [Từ “āyasmā” này] là lời nói yêu mến,… (nt)...
Udaya: Là tên của vị Bà-la-môn ấy,… (nt)… từ kêu gọi.
“Tôn giả Udaya nói rằng” là như thế.
Bậc đã làm xong phận sự, không còn lậu hoặc: Đối với đức Phật Thế Tôn, phận sự và không phải phận sự, việc nên làm và không nên làm đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn điều kiện sanh khởi trong tương lai; vì thế, đức Phật là bậc đã làm xong phận sự.
5. “Đối với vị Tỳ-khưu nào không có tham ái, có dòng chảy đã được cắt đứt, có phận sự và không phải phận sự đã được dứt bỏ, sự bực bội [của vị ấy] không tìm thấy.”
Bậc đã làm xong phận sự, không còn lậu hoặc.
Lậu hoặc: Có bốn lậu hoặc: Dục lậu, hữu lậu, kiến lậu, vô minh lậu. Đối với đức Phật Thế Tôn, các lậu hoặc ấy là đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; vì thế, đức Phật là bậc không còn lậu hoặc.
“Bậc đã làm xong phận sự, không còn lậu hoặc” là như thế.
Đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp: Đức Thế Tôn là pāragū (người đi đến bờ kia) do việc biết rõ, pāragū do việc biết toàn diện, pāragū do việc dứt bỏ, pāragū do việc tu tập, pāragū do việc chứng ngộ, pāragū do việc chứng đạt [các thiền]; là pāragū do việc biết rõ tất cả các pháp, pāragū do việc biết toàn diện tất cả khổ, pāragū do việc dứt bỏ tất cả ô nhiễm, pāragū do việc phát triển bốn Thánh đạo, pāragū do việc chứng ngộ sự tịch diệt, pāragū do việc chứng đạt đối với mọi chứng đạt [về thiền định]. Ngài đã đạt được năng lực, đã đạt được sự toàn hảo ở Thánh giới; đã đạt được năng lực, đã đạt được sự toàn hảo ở Thánh định; đã đạt được năng lực, đã đạt được sự toàn hảo ở Thánh tuệ; đã đạt được năng lực, đã đạt được sự toàn hảo ở Thánh giải thoát. Ngài đã đi đến bờ kia, đã đạt đến sự toàn hảo; đã đi đến điểm cuối, đã đạt đến điểm cuối; đã đi đến đỉnh, đã đạt đến đỉnh; đã đi đến tận cùng, đã đạt đến tận cùng; đã đi đến sự hoàn tất, đã đạt đến sự hoàn tất; đã đi đến nơi nương tựa, đã đạt đến nơi nương tựa; đã đi đến nơi trú ẩn, đã đạt đến nơi trú ẩn; đã đi đến nơi nương nhờ, đã đạt đến nơi nương nhờ; đã đi đến nơi không sợ hãi, đã đạt đến nơi không sợ hãi; đã đi đến bất hoại, đã đạt đến bất hoại; đã đi đến bất tử, đã đạt đến bất tử; đã đi đến Niết-bàn, đã đạt đến Niết-bàn. Ngài đã trải qua cuộc sống [của bậc Thánh], đã hoàn tất việc thực hành,… (nt)… việc sanh tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với vị ấy.”
“Đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp” là như thế.
Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến: Là những người có nhu cầu với câu hỏi, chúng con đã đi đến; có ý muốn hỏi câu hỏi, chúng con đã đi đến; có ý muốn nghe câu hỏi, chúng con đã đi đến. “Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến” là như vậy. Hoặc là, có sự đi đến, sự tiến đến, sự đến gần, sự ngồi gần của những người có ý định về câu hỏi, của những người có ý muốn hỏi câu hỏi, của những người có ý muốn nghe câu hỏi. “Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến” còn là như vậy. Hoặc là, có sự truyền thừa về câu hỏi đối với Ngài, Ngài cũng có năng lực, Ngài có khả năng để thuyết giảng, để giải thích điều được hỏi bởi con, Ngài hãy di dời gánh nặng này.
“Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến” còn là như vậy.
Xin Ngài hãy nói về sự giải thoát do trí giác ngộ: Sự giải thoát do trí giác ngộ nói đến sự giải thoát do phẩm vị A-la-hán. Xin Ngài hãy nói về, hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ về sự giải thoát do phẩm vị A-la-hán.
“Xin Ngài hãy nói về sự giải thoát do trí giác ngộ” là như thế.
Về sự phá vỡ vô minh: Về sự làm vỡ, sự phá vỡ, sự dứt bỏ, sự vắng lặng, sự buông bỏ, sự tịch tịnh đối với vô minh, bất tử, Niết-bàn.
“Về sự phá vỡ vô minh” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
[Tôn giả Udaya nói rằng:]
“Với ý định [hỏi] câu hỏi, con đã đi đến
Bậc có thiền chứng, không còn bụi bặm, đang ngồi,
Bậc đã làm xong phận sự, không còn lậu hoặc,
Đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp,
Xin Ngài hãy nói về sự giải thoát do trí giác ngộ,
Về sự phá vỡ vô minh.”
13.2. [Đức Thế Tôn nói: “Này Udaya]
Sự dứt bỏ đối với những mong muốn về dục
Và những nỗi ưu phiền, cả hai loại,
Và việc xua đi sự dã dượi,
Việc ngăn cản các trạng thái hối hận.”
Sự dứt bỏ đối với những mong muốn về dục.
Mong muốn: Là sự mong muốn về dục, sự luyến ái về dục, niềm vui về dục, sự tham ái về dục, sự yêu mến về dục, sự nồng nhiệt về dục, sự thèm khát về dục, sự mê mẩn về dục, sự bám chặt vào dục, sự lôi cuốn của dục, sự gắn bó với dục, sự chấp thủ ở dục, sự che lấp do mong muốn về dục liên quan đến ngũ dục.
Sự dứt bỏ đối với những mong muốn về dục: Sự dứt bỏ, sự vắng lặng, sự buông bỏ, sự tịch tịnh đối với những sự mong muốn về dục là bất tử, Niết-bàn.
“Sự dứt bỏ đối với những mong muốn về dục” là như thế.
Đức Thế Tôn nói: “Này Udaya… (nt)...
Và những nỗi ưu phiền, cả hai loại.
Nỗi ưu phiền: Là sự không khoan khoái thuộc về tâm, nỗi khổ sở thuộc về tâm, là sự không khoan khoái, khổ sở sanh lên do ý xúc đã được nhận biết, là cảm thọ không khoan khoái, khổ sở sanh lên do ý xúc.
Và những nỗi ưu phiền, cả hai loại: Sự dứt bỏ, sự vắng lặng, sự buông bỏ, sự tịch tịnh đối với những mong muốn về dục và những nỗi ưu phiền, cả hai loại, là bất tử, Niết-bàn.
“Và những nỗi ưu phiền, cả hai loại” là như thế.
Và việc xua đi sự dã dượi.
Sự dã dượi: Là trạng thái không sẵn sàng của tâm, trạng thái không thích ứng, sự chây lười, sự biếng nhác, sự lười biếng, biểu hiện lười biếng, trạng thái lười biếng, sự dã dượi, biểu hiện dã dượi, trạng thái dã dượi của tâm.
Và việc xua đi sự dã dượi: Và sự xua đi, sự dứt bỏ, sự vắng lặng, sự buông bỏ, sự tịch tịnh đối với sự dã dượi là bất tử, Niết-bàn.
“Và việc xua đi sự dã dượi” là như thế.
Việc ngăn cản các trạng thái hối hận.
Hối hận: Vẻ bối rối ở bàn tay cũng là hối hận, vẻ bối rối ở bàn chân cũng là hối hận, vẻ bối rối ở bàn tay và bàn chân cũng là hối hận, lầm tưởng là được phép trong việc không được phép, lầm tưởng là không được phép trong việc được phép, lầm tưởng là có tội ở việc vô tội, lầm tưởng là vô tội ở việc có tội. Sự hối hận nào có hình thức như vậy là biểu hiện hối hận, trạng thái hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý; việc này gọi là hối hận.
Thêm nữa, sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên do hai nguyên nhân: Do trạng thái đã làm và do trạng thái đã không làm. Thế nào là sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên do trạng thái đã làm và do trạng thái không làm? Sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên rằng: “Ta đã làm uế hạnh về thân, ta đã không làm thiện hạnh về thân.” Sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên rằng: “Ta đã làm uế hạnh về khẩu, ta đã không làm thiện hạnh về khẩu.”… (nt)… “Ta đã làm uế hạnh về ý, ta đã không làm thiện hạnh về ý.”… (nt)… “Ta đã giết hại sinh mạng, ta đã không tránh xa sự giết hại sinh mạng.”… (nt)… “Ta đã trộm cắp, ta đã không tránh xa sự trộm cắp.”… (nt)… “Ta đã tà hạnh trong các dục, ta đã không tránh xa sự tà hạnh trong các dục.”… (nt)… “Ta đã nói dối, ta đã không tránh xa việc nói dối.”… (nt)… “Ta đã nói đâm thọc, ta đã không tránh xa việc nói đâm thọc.”… (nt)… “Ta đã nói thô lỗ, ta đã không tránh xa việc nói thô lỗ.”… (nt)… “Ta đã nói nhảm nhí, ta đã không tránh xa việc nói nhảm nhí.”… (nt)… “Ta đã hành động tham đắm, ta đã không hành động không tham đắm.”… (nt)… “Ta đã hành động sân hận, ta đã không hành động không sân hận.”… (nt)… “Ta đã hành động tà kiến, ta đã không hành động chánh kiến.” Sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên do trạng thái đã làm và do trạng thái đã không làm là như vậy.
Hoặc là, sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên rằng: “Ta không phải là người thực hành đầy đủ các giới.” Sự hối hận, sự ăn năn của tâm, sự bối rối của ý sanh lên rằng: “Ta là người có các giác quan không được gìn giữ.”… “Ta là người không biết chừng mực về vật thực.”… “Ta chưa luyện tập về tỉnh thức.”… “Ta chưa đầy đủ niệm và sự nhận biết rõ.”… “Bốn sự thiết lập niệm chưa được ta tu tập.”… “Bốn chánh cần chưa được ta tu tập.”… “Bốn nền tảng của thần thông chưa được ta tu tập.”… “Năm quyền chưa được ta tu tập.”… “Năm lực chưa được ta tu tập.”… “Bảy yếu tố đưa đến giác ngộ chưa được ta tu tập.”… “Đạo lộ Thánh thiện tám chi phần chưa được ta tu tập.”… “Khổ chưa được ta biết toàn diện.”… “Tập chưa được ta dứt bỏ.”… “Đạo chưa được ta tu tập.”… “Diệt chưa được ta chứng ngộ.”
Việc ngăn cản các trạng thái hối hận: Việc ngăn trở, việc ngăn cản, sự dứt bỏ, sự vắng lặng, sự buông bỏ, sự tịch tịnh đối với các trạng thái hối hận là bất tử, Niết-bàn.
“Việc ngăn cản các trạng thái hối hận” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
[Đức Thế Tôn nói: “Này Udaya]
Sự dứt bỏ đối với những mong muốn về dục
Và những nỗi ưu phiền, cả hai loại,
Và việc xua đi sự dã dượi,
Việc ngăn cản các trạng thái hối hận.”
13.3. Ta nói về sự giải thoát do trí giác ngộ,
Về sự phá vỡ vô minh,
Có xả và niệm hoàn toàn trong sạch,
Có sự suy tầm đúng pháp đi trước.
Có xả và niệm hoàn toàn trong sạch.
Xả: Là sự hành xả, biểu hiện của hành xả, biểu hiện của hành xả vượt trội, trạng thái vắng lặng của tâm, trạng thái an tịnh của tâm, trạng thái trung dung của tâm ở tứ thiền.
Niệm: Niệm, sự tùy niệm,… (nt)… chánh niệm liên quan đến xả ở tứ thiền.
Có xả và niệm hoàn toàn trong sạch: Ở tứ thiền, xả và niệm là trong sạch, thanh tịnh, hoàn toàn trong sạch, thuần tịnh, tinh khiết, không bợn nhơ, lìa khỏi phiền não, nhu thuận, có thể sử dụng, ổn định, đã đạt đến trạng thái vững chắc.
“Có xả và niệm hoàn toàn trong sạch” là như thế.
Có sự suy tầm đúng pháp đi trước: Sự suy tầm đúng pháp nói đến chánh tư duy. Nó là đầu tiên, là trước hết, là yếu tố đi đầu của sự giải thoát do trí giác ngộ. “Có sự suy tầm đúng pháp đi trước” là như vậy. Hoặc là, sự suy tầm đúng pháp nói đến chánh kiến. Nó là đầu tiên, là trước hết, là yếu tố đi đầu của sự giải thoát do trí giác ngộ. “Có sự suy tầm đúng pháp đi trước” còn là như vậy. Hoặc là, sự suy tầm đúng pháp nói đến minh sát là phần đầu của bốn đạo. Nó là đầu tiên, là trước hết, là yếu tố đi đầu của sự giải thoát do trí giác ngộ.
“Có sự suy tầm đúng pháp đi trước” còn là như vậy.
Ta nói về sự giải thoát do trí giác ngộ: Sự giải thoát do trí giác ngộ nói đến sự giải thoát do phẩm vị A-la-hán. Ta nói về, Ta chỉ dạy, Ta chỉ bảo, Ta thông báo, Ta ấn định, Ta khai mở, Ta chia sẻ, Ta làm rõ, Ta bày tỏ về sự giải thoát do phẩm vị A-la-hán.
“Ta nói về sự giải thoát do trí giác ngộ” là như thế.
Về sự phá vỡ vô minh.
Vô minh: Sự không biết về khổ… (nt)… vô minh, si mê là gốc rễ của bất thiện.
Về sự phá vỡ vô minh: Sự phá vỡ, sự dứt bỏ, sự vắng lặng, sự buông bỏ, sự tịch tịnh đối với vô minh là bất tử, Niết-bàn.
“Về sự phá vỡ vô minh” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Ta nói về sự giải thoát do trí giác ngộ,
Về sự phá vỡ vô minh,
Có xả và niệm hoàn toàn trong sạch,
Có sự suy tầm đúng pháp đi trước.”
13.4. Thế gian có cái gì là sự ràng buộc?
Cái gì, đối với nó, là phương tiện xem xét?
Do lìa bỏ cái gì
Được gọi là “Niết-bàn”?
Thế gian có cái gì là sự ràng buộc? Cái gì là sự ràng buộc, sự dính mắc, sự cột trói, vật làm ô nhiễm của thế gian? Bởi cái gì thế gian bị gắn bó, bị gắn vào, bị gắn chặt, bị gắn liền, bị máng vào, bị vướng vào, bị giữ lại?
“Thế gian có cái gì là sự ràng buộc?” là như thế.
Cái gì, đối với nó, là phương tiện xem xét? Cái gì, đối với nó, là sự du hành, sự xem xét, sự xét đoán? Nhờ vào cái gì thế gian du hành, xem xét, xét đoán?
“Cái gì, đối với nó, là phương tiện xem xét?” là như thế.
Do lìa bỏ cái gì được gọi là “Niết-bàn”? Do sự lìa bỏ, do sự vắng lặng, do sự buông bỏ, do sự tịch tịnh của cái gì được gọi là, được nói là, được thuyết giảng, được phát ngôn, được giảng giải, được diễn tả là “Niết-bàn”?
“Do lìa bỏ cái gì được gọi là ‘Niết-bàn’?” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
“Thế gian có cái gì là sự ràng buộc?
Cái gì, đối với nó, là phương tiện xem xét?
Do lìa bỏ cái gì
Được gọi là ‘Niết-bàn’?”
13.5. Thế gian có vui thích là sự ràng buộc.
Suy tầm, đối với nó, là phương tiện xem xét.
Do lìa bỏ tham ái
Được gọi là “Niết-bàn.”
Thế gian có vui thích là sự ràng buộc: Vui thích nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện; cái này được gọi là vui thích. Vui thích nào đối với thế gian là sự ràng buộc, sự dính mắc, sự cột trói, vật làm ô nhiễm, thế gian bị gắn bó, bị gắn vào, bị gắn chặt, bị gắn liền, bị máng vào, bị vướng vào, bị giữ lại bởi sự vui thích này.
“Thế gian có vui thích là sự ràng buộc” là như thế.
Suy tầm, đối với nó, là phương tiện xem xét.
Suy tầm: Có chín sự suy tầm: Suy tầm về dục, suy tầm về sân hận, suy tầm về hãm hại, suy tầm về thân quyến, suy tầm về xứ sở, suy tầm về chư thiên, suy tầm liên quan đến sự trắc ẩn đối với người khác, suy tầm liên quan đến lợi lộc, sự trọng vọng, sự nổi tiếng, suy tầm liên quan đến việc không bị khi dễ; các việc này gọi là chín sự suy tầm. Chín sự suy tầm này, đối với thế gian, là sự du hành, sự xem xét, sự xét đoán. Nhờ vào chín sự suy tầm này, thế gian du hành, xem xét, xét đoán.
“Suy tầm, đối với nó, là phương tiện xem xét” là như thế.
Do lìa bỏ tham ái được gọi là “Niết-bàn.”
Tham ái: Tham ái cảnh sắc,… (nt)… tham ái cảnh pháp.
Do lìa bỏ tham ái được gọi là “Niết-bàn”: Do sự lìa bỏ, do sự vắng lặng, do sự buông bỏ, do sự tịch tịnh của tham ái được gọi là, được nói là, được thuyết giảng, được phát ngôn, được giảng giải, được diễn tả là “Niết-bàn.”
“Do lìa bỏ tham ái được gọi là ‘Niết-bàn’” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Thế gian có vui thích là sự ràng buộc.
Suy tầm, đối với nó, là phương tiện xem xét.
Do lìa bỏ tham ái
Được gọi là ‘Niết-bàn’.”
13.6. Đối với vị có niệm như thế nào trong lúc thực hành,
Thì thức [của vị ấy] được đình chỉ?
Chúng con đã đi đến để hỏi đức Thế Tôn,
Hãy cho chúng con lắng nghe lời nói ấy của Ngài.
Đối với vị có niệm như thế nào trong lúc thực hành: Đối với vị có niệm, có sự nhận biết rõ rệt như thế nào trong lúc thực hành, trong lúc cư xử, trong lúc sinh hoạt, trong lúc vận hành, trong lúc bảo hộ, trong lúc nuôi dưỡng, trong lúc bảo dưỡng.
“Đối với vị có niệm như thế nào trong lúc thực hành” là như thế.
Thì thức [của vị ấy] được đình chỉ: Thức được đình chỉ, được vắng lặng, đi đến sự tiêu hoại, được tịch tịnh.
“Thì thức [của vị ấy] được đình chỉ” là như thế.
Chúng con đã đi đến để hỏi đức Thế Tôn: Để hỏi đức Phật Thế Tôn, để vấn, để yêu cầu, để thỉnh cầu, để đặt niềm tin, chúng con đã đi lại, đã đi đến, đã đi đến gần, đã đạt đến, đã đi đến gặp Ngài.
“Chúng con đã đi đến để hỏi đức Thế Tôn” là như thế.
Hãy cho chúng con lắng nghe lời nói ấy của Ngài.
Điều ấy: Là lời nói, lời phát biểu, lời chỉ bảo, lời khuyên bảo của Ngài, hãy cho chúng con lắng nghe, hãy cho chúng con tiếp thu, hãy cho chúng con tiếp nhận, hãy cho chúng con nhận định.
“Hãy cho chúng con lắng nghe lời nói ấy của Ngài” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
“Đối với vị có niệm như thế nào trong lúc thực hành,
Thì thức [của vị ấy] được đình chỉ?
Chúng con đã đi đến để hỏi đức Thế Tôn,
Hãy cho chúng con lắng nghe lời nói ấy của Ngài.”
13.7. Đối với vị không thích thú cảm thọ
Thuộc nội phần và ngoại phần,
Đối với vị có niệm như vậy trong lúc thực hành,
Thì thức [của vị ấy] được đình chỉ.
Đối với vị không thích thú cảm thọ thuộc nội phần và ngoại phần: Vị có sự quan sát thọ trên các thọ thuộc nội phần, trong khi đang an trú, [vị ấy] không thích thú cảm thọ, không tán thưởng, không dừng lại ở sự bám chặt, [vị ấy] dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu sự thích thú, sự tán thưởng, sự bám chặt, sự nắm lấy, sự bám víu, sự chấp chặt. Vị có sự quan sát thọ trên các thọ thuộc ngoại phần, trong khi đang an trú, [vị ấy] không thích thú cảm thọ, không tán thưởng, không dừng lại ở sự bám chặt, [vị ấy] dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu sự thích thú, sự tán thưởng, sự bám chặt, sự nắm lấy, sự bám víu, sự chấp chặt. Vị có sự quan sát thọ trên các thọ thuộc nội phần và ngoại phần, trong khi đang an trú, [vị ấy] không thích thú cảm thọ, không tán thưởng, không dừng lại ở sự bám chặt, [vị ấy] dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu sự thích thú, sự tán thưởng, sự bám chặt, sự nắm lấy, sự bám víu, sự chấp chặt.
Vị có sự quan sát hiện tượng sanh, có sự quan sát thọ trên các thọ thuộc nội phần, trong khi đang an trú, [vị ấy] không thích thú cảm thọ, không tán thưởng, không dừng lại ở sự bám chặt, [vị ấy] dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu sự thích thú, sự tán thưởng, sự bám chặt, sự nắm lấy, sự bám víu, sự chấp chặt. Vị có sự quan sát hiện tượng diệt, có sự quan sát thọ trên các thọ thuộc nội phần, trong khi đang an trú,… (nt)... Vị có sự quan sát hiện tượng sanh và diệt, có sự quan sát thọ trên các thọ thuộc nội phần, trong khi đang an trú,… (nt)...
Vị có sự quan sát hiện tượng sanh, có sự quan sát thọ trên các thọ thuộc ngoại phần, trong khi đang an trú, [vị ấy] không thích thú cảm thọ, không tán thưởng, không dừng lại ở sự bám chặt, [vị ấy] dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu sự thích thú, sự tán thưởng, sự bám chặt, sự nắm lấy, sự bám víu, sự chấp chặt. Vị có sự quan sát hiện tượng diệt, có sự quan sát thọ trên các thọ thuộc ngoại phần, trong khi đang an trú,… (nt)... Vị có sự quan sát hiện tượng sanh và diệt, có sự quan sát thọ trên các thọ thuộc ngoại phần, trong khi đang an trú,… (nt)...
Vị có sự quan sát hiện tượng sanh, có sự quan sát thọ trên các thọ thuộc nội phần và ngoại phần, trong khi đang an trú,… (nt)... Vị có sự quan sát hiện tượng diệt, có sự quan sát thọ trên các thọ thuộc nội phần và ngoại phần, trong khi đang an trú,… (nt)... Vị có sự quan sát hiện tượng sanh và diệt, có sự quan sát thọ trên các thọ thuộc nội phần và ngoại phần, trong khi đang an trú, [vị ấy] không thích thú cảm thọ, không tán thưởng, không dừng lại ở sự bám chặt, [vị ấy] dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu sự thích thú, sự tán thưởng, sự bám chặt, sự nắm lấy, sự bám víu, sự chấp chặt. Với mười hai biểu hiện này, vị có sự quan sát thọ trên các thọ, trong khi đang an trú,… (nt)… làm cho không còn hiện hữu [sự thích thú, sự tán thưởng, sự bám chặt, sự nắm lấy, sự bám víu, sự chấp chặt].
Hoặc là, trong khi nhìn thấy cảm thọ là vô thường, [vị ấy] không thích thú cảm thọ, không tán thưởng, không dừng lại ở sự bám chặt, [vị ấy] dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu sự thích thú, sự tán thưởng, sự bám chặt, sự nắm lấy, sự bám víu, sự chấp chặt. Trong khi nhìn thấy cảm thọ là khổ,… là cơn bệnh,… là mụt ghẻ,… là mũi tên,… là tai ương,… là tật nguyền,… là sự thoát ra, [vị ấy] không thích thú cảm thọ, không tán thưởng, không dừng lại ở sự bám chặt, [vị ấy] dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu sự thích thú, sự tán thưởng, sự bám chặt, sự nắm lấy, sự bám víu, sự chấp chặt. Với bốn mươi bốn biểu hiện này, vị có sự quan sát thọ trên các thọ, trong khi đang an trú, [vị ấy] không thích thú cảm thọ, không tán thưởng, không dừng lại ở sự bám chặt, [vị ấy] dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, làm cho không còn hiện hữu sự thích thú, sự tán thưởng, sự bám chặt, sự nắm lấy, sự bám víu, sự chấp chặt.
“Đối với vị không thích thú cảm thọ thuộc nội phần và ngoại phần” là như thế.
Đối với vị có niệm như vậy trong lúc thực hành: Đối với vị có niệm, có sự nhận biết rõ rệt như vậy, trong lúc thực hành, trong lúc cư xử, trong lúc sinh hoạt, trong lúc vận hành, trong lúc bảo hộ, trong lúc nuôi dưỡng, trong lúc bảo dưỡng.
“Đối với vị có niệm như vậy trong lúc thực hành” là như thế.
Thì thức [của vị ấy] được đình chỉ: Thức đồng sanh với phúc hành, thức đồng sanh với phi phúc hành, thức đồng sanh với bất động hành được đình chỉ, được vắng lặng, đi đến sự tiêu hoại, được tịch tịnh.
“Thì thức [của vị ấy] được đình chỉ” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Đối với vị không thích thú cảm thọ
Thuộc nội phần và ngoại phần,
Đối với vị có niệm như vậy trong lúc thực hành,
Thì thức [của vị ấy] được đình chỉ.”
Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn,… (nt)… “Bạch Ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của con, con là người đệ tử.”
“Diễn giải kinh Udaya” được hoàn tất.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.