Tam tạng Thánh điển PGVN 08 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 08»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 4
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
Giờ phần “Diễn giải kinh sự dàn trận lớn” được nói đến:
13.1. Bất cứ những người nào, trong khi sống theo quan điểm [riêng của cá nhân], tranh cãi rằng: “Chỉ điều này là chân lý”, phải chăng tất cả những người ấy đều mang lại sự chê bai, hay họ cũng đạt được sự khen ngợi về việc ấy?
Bất cứ những người nào, trong khi sống theo quan điểm [riêng của cá nhân].
Bất cứ những người nào: Tất cả theo tổng thể, tất cả trong mọi trường hợp, một cách trọn vẹn, không còn dư sót, cụm từ “ye kecī” này là lối nói của sự bao gồm.
Trong khi sống theo quan điểm [riêng của cá nhân]: Có một số Sa-môn và Bà-la-môn là những người theo tà kiến. Các vị ấy chấp nhận, tiếp thu, nắm lấy, bám víu, chấp chặt tà kiến này khác trong số sáu mươi hai tà kiến, rồi trú, cộng trú, cư trú, lưu trú theo tà kiến của riêng mình. Giống như những người tại gia trú trong các ngôi nhà, những người có tội lỗi trú trong các tội lỗi, những người có ô nhiễm trú trong các ô nhiễm, tương tự như vậy, có một số… (nt)… lưu trú theo tà kiến của riêng mình.
“Bất cứ những người nào, trong khi sống theo quan điểm [riêng của cá nhân]” là như thế.
Tranh cãi rằng: “Chỉ điều này là chân lý”: Họ nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả rằng: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.” Họ nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả rằng: “Thế giới là không thường còn,… (nt)… chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.”
“Tranh cãi rằng: ‘Chỉ điều này là chân lý’” là như thế.
Phải chăng tất cả những người ấy đều mang lại sự chê bai: Có phải tất cả các Sa-môn và Bà-la-môn ấy đều đi đến sự chê bai, đều đi đến sự chê trách, đều đi đến sự không nổi tiếng; có phải tất cả đều bị chê bai, tất cả đều bị chê trách, tất cả đều không được nổi tiếng?
“Phải chăng tất cả những người ấy đều mang lại sự chê bai” là như thế.
Hay họ cũng đạt được sự khen ngợi về việc ấy? Về việc ấy, do quan điểm của mình, do sự chấp nhận của mình, do sự ưa thích của mình, do quan niệm của mình, họ đạt được, họ tiếp nhận, họ đạt đến, họ tìm thấy sự ca ngợi, sự khen ngợi, sự nổi tiếng, sự ca tụng.
“Hay họ cũng đạt được sự khen ngợi về việc ấy?” là như thế.
Vì thế, vị [Phật] do thần thông biến hóa ra đã hỏi rằng:
“Bất cứ những người nào, trong khi sống theo quan điểm [riêng của cá nhân], tranh cãi rằng: ‘Chỉ điều này là chân lý’, phải chăng tất cả những người ấy đều mang lại sự chê bai, hay họ cũng đạt được sự khen ngợi về việc ấy?”
13.2. Bởi vì việc [ca ngợi] này là ít ỏi, không đủ để đưa đến sự yên lặng. Ta nói đến hai kết quả của sự tranh cãi. Và sau khi nhìn thấy như vậy thì không nên tạo ra sự tranh cãi, trong khi nhận thấy vùng đất không tranh cãi là an toàn [Niết-bàn].
Bởi vì việc [ca ngợi] này là ít ỏi, không đủ để đưa đến sự yên lặng.
Bởi vì việc [ca ngợi] này là ít ỏi: Việc này là ít ỏi, việc này là thấp kém, việc này là chút ít, việc này là thấp thỏi, việc này là tồi tệ, việc này là nhỏ nhoi. “Bởi vì việc [ca ngợi] này là ít ỏi” là như thế.
Không đủ để đưa đến sự yên lặng: Là không đủ để đưa đến sự yên lặng của luyến ái, để đưa đến sự yên lặng của sân hận, để đưa đến sự yên lặng của si mê, để đưa đến sự yên lặng, sự an tịnh, sự vắng lặng, sự tịch diệt, sự buông bỏ, sự tịch tịnh của giận dữ, của thù hằn, của gièm pha, của ác ý, của ganh tỵ, của bỏn xẻn, của xảo trá, của lừa gạt, của bướng bỉnh, của hung hăng, của ngã mạn, của cao ngạo, của đam mê, của xao lãng, của tất cả ô nhiễm, của tất cả uế hạnh, của mọi sự lo lắng, của mọi sự bực bội, của mọi sự nóng nảy, của tất cả các pháp tạo tác bất thiện.
“Bởi vì việc [ca ngợi] này là ít ỏi, không đủ để đưa đến sự yên lặng” là như thế.
Ta nói đến hai kết quả của sự tranh cãi: Ta nói, Ta nêu ra, Ta chỉ bảo, Ta thông báo, Ta ấn định, Ta khai mở, Ta chia sẻ, Ta làm rõ, Ta bày tỏ rằng: “Đối với sự cãi cọ về quan điểm, đối với sự cãi lộn về quan điểm, đối với sự cãi vã về quan điểm, đối với sự tranh cãi về quan điểm, đối với sự gây gổ về quan điểm, có hai kết quả: Là chiến thắng và thất bại, là lợi lộc và không lợi lộc, là danh vọng và không danh vọng, là chê bai và ca ngợi, là hạnh phúc và khổ đau, là hỷ tâm và ưu tâm, là ưa thích và không ưa thích, là ưa chuộng và bất bình, là hưng phấn và chán nản, là chiều chuộng và chống đối. Hoặc là, việc làm ấy dẫn đến địa ngục, dẫn đến loài thú, dẫn đến thân phận ngạ quỷ.”
“Ta nói đến hai kết quả của sự tranh cãi” là như thế.
Và sau khi nhìn thấy như vậy thì không nên tạo ra sự tranh cãi.
Và sau khi nhìn thấy như vậy: Sau khi nhìn thấy, sau khi nhìn xem, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt sự bất lợi này ở các sự cãi cọ về quan điểm, ở các sự cãi lộn về quan điểm, ở các sự cãi vã về quan điểm, ở các sự tranh cãi về quan điểm, ở các sự gây gổ về quan điểm. “Và sau khi nhìn thấy như vậy” là như thế.
Thì không nên tạo ra sự tranh cãi: Là không nên tạo ra sự cãi cọ, không nên tạo ra sự cãi lộn, không nên tạo ra sự cãi vã, không nên tạo ra sự tranh cãi, không nên tạo ra sự gây gổ; nên dứt bỏ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên làm cho không còn hiện hữu sự cãi cọ, sự cãi lộn, sự cãi vã, sự tranh cãi, sự gây gổ; nên tránh khỏi, xa lánh, tránh xa, đi ra ngoài, rời ra, thoát khỏi, không bị ràng buộc với sự cãi cọ, với sự cãi lộn, với sự cãi vã, với sự tranh cãi, với sự gây gổ; nên sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.
“Và sau khi nhìn thấy như vậy thì không nên tạo ra sự tranh cãi” là như thế.
Trong khi nhận thấy vùng đất không tranh cãi là an toàn [Niết-bàn]: Vùng đất không tranh cãi nói đến bất tử, Niết-bàn, tức là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn. Trong khi nhìn thấy, trong khi nhận thấy, trong khi quan sát, trong khi suy xét, trong khi khảo sát vùng đất không tranh cãi này là an toàn, là nơi nương tựa, là nơi trú ẩn, là nơi nương nhờ, là nơi không sợ hãi, là bất hoại, là bất tử, là Niết-bàn.
“Trong khi nhận thấy vùng đất không tranh cãi là an toàn [Niết-bàn]” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Bởi vì việc [ca ngợi] này là ít ỏi, không đủ để đưa đến sự yên lặng. Ta nói đến hai kết quả của sự tranh cãi. Và sau khi nhìn thấy như vậy thì không nên tạo ra sự tranh cãi, trong khi nhận thấy vùng đất không tranh cãi là an toàn [Niết-bàn].”
13.3. Bất cứ những quy ước nào được sanh ra từ số đông, bậc đã hiểu biết không tiếp cận tất cả những điều ấy. Trong khi không thể hiện sự chấp nhận ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe, vị ấy không có sự vướng bận, tại sao lại đi đến với sự vướng bận?
Bất cứ những quy ước nào được sanh ra từ số đông.
Bất cứ những [quy ước] nào: Là tất cả theo tổng thể, tất cả trong mọi trường hợp, một cách trọn vẹn, không còn dư sót, cụm từ “yā kācī” này là lối nói của sự bao gồm.
Những quy ước: Những quy ước nói đến sáu mươi hai tà kiến là những quy ước về quan điểm.
Được sanh ra từ số đông: “Các quy ước được tạo ra bởi các phàm nhân.” “Được sanh ra bởi số đông” là như thế, hoặc “các quy ước được tạo ra bởi số đông gồm nhiều người khác nhau.” “Được sanh ra bởi số đông” là như thế.
“Bất cứ những quy ước nào được sanh ra từ số đông” là như thế.
Bậc đã hiểu biết không tiếp cận tất cả những điều ấy: Bậc đã hiểu biết, người đã đạt đến kiến thức, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh không đi đến, không tiếp cận, không đi đến gần, không nắm lấy, không bám víu, không chấp chặt toàn bộ tất cả những quy ước về quan điểm ấy.
“Bậc đã hiểu biết không tiếp cận tất cả những điều ấy” là như thế.
Vị ấy không có sự vướng bận, tại sao lại đi đến với sự vướng bận?
Sự vướng bận: Có hai sự vướng bận: Sự vướng bận do tham ái và sự vướng bận do tà kiến. ... (nt)… điều này là sự vướng bận do tham ái. ... (nt)… điều này là sự vướng bận do tà kiến. Đối với vị ấy, sự vướng bận do tham ái đã được dứt bỏ, sự vướng bận do tà kiến đã được buông bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với sự vướng bận do tham ái, do trạng thái đã được buông bỏ đối với sự vướng bận do tà kiến, là người không có sự vướng bận; vị ấy có thể tiếp cận, đi đến gần, nắm lấy, bám víu, chấp chặt vào sắc gì, [nghĩ rằng]: “Tự ngã của ta” có thể tiếp cận, đi đến gần, nắm lấy, bám víu, chấp chặt vào thọ gì, … tưởng gì, … các hành gì, … thức gì, … cảnh giới tái sanh gì, … sự tái sanh gì, … sự nối liền tái sanh gì, … sự hiện hữu gì, … sự luân hồi gì, … sự luân chuyển gì?
“Vị ấy, không có sự vướng bận, tại sao lại đi đến với sự vướng bận?” là như thế.
Trong khi không thể hiện sự chấp nhận ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe: Trong khi không tạo nên sự chấp nhận, trong khi không tạo nên sự mong muốn, trong khi không tạo nên sự yêu thương, trong khi không tạo nên sự luyến ái ở điều đã được thấy hoặc ở sự trong sạch do điều đã được thấy, ở điều đã được nghe hoặc ở sự trong sạch do điều đã được nghe, trong khi không làm sanh ra, trong khi không làm sanh khởi, trong khi không làm hạ sanh, trong khi không làm phát sanh.
“Trong khi không thể hiện sự chấp nhận ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Bất cứ những quy ước nào được sanh ra từ số đông, bậc đã hiểu biết không tiếp cận tất cả những điều ấy. Trong khi không thể hiện sự chấp nhận ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe, vị ấy không có sự vướng bận, tại sao lại đi đến với sự vướng bận?”
13.4. Những kẻ chủ trương giới là tối thượng đã nói sự trong sạch là do sự tự chế ngự. Sau khi thọ trì phận sự, họ duy trì [nghĩ rằng]: “Chúng ta hãy học tập ở lãnh vực này thôi, rồi sẽ có sự trong sạch”; họ bị dẫn dắt đến hữu trong khi tuyên bố [mình] là thiện xảo.
Những kẻ chủ trương giới là tối thượng đã nói sự trong sạch là do sự tự chế ngự: Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết cho rằng giới là tối thượng. Các vị ấy đã nói, phát biểu, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi là chỉ do giới, chỉ do sự thu thúc, chỉ do sự phòng hộ, chỉ do sự không vi phạm. Người con trai của Samaṇamuṇḍikā đã nói như vầy: “Này ông thợ mộc, ta tuyên bố rằng một người nam được thành tựu bốn pháp là người có thiện pháp đầy đủ, có thiện pháp tối thắng, là vị Sa-môn đã đạt được sự chứng đạt tối thượng, không bị đánh bại. Với bốn pháp nào?
Này ông thợ mộc, ở đây là không làm việc ác bằng thân, không nói lời nói ác, không tư duy ý nghĩ ác, không nuôi mạng theo lối nuôi mạng ác xấu. Này ông thợ mộc, ta tuyên bố rằng một người nam được thành tựu bốn pháp này là người có thiện pháp đầy đủ, có thiện pháp tối thắng, là vị Sa-môn đã đạt được sự chứng đạt tối thượng, không bị đánh bại.” Tương tự như vậy, có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết cho rằng giới là tối thượng. Các vị ấy đã nói, phát biểu, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi là chỉ do giới, chỉ do sự thu thúc, chỉ do sự phòng hộ, chỉ do sự không vi phạm.
“Những kẻ chủ trương giới là tối thượng đã nói sự trong sạch là do sự tự chế ngự” là như thế.
Sau khi thọ trì phận sự, họ duy trì.
Phận sự: Sau khi nhận lấy, sau khi thọ trì, sau khi nhận lấy cho mình, sau khi thọ trì cho mình, sau khi nắm lấy, sau khi bám víu, sau khi chấp chặt hạnh loài voi, hoặc hạnh loài ngựa, hoặc hạnh loài bò, hoặc hạnh loài chó, hoặc hạnh loài quạ, hoặc hạnh thần tài, hoặc hạnh thần sức mạnh, hoặc hạnh thần Puṇṇabhaddā, hoặc hạnh thần Maṇibhaddā, hoặc hạnh của lửa, hoặc hạnh loài rồng, hoặc hạnh linh điểu, hoặc hạnh dạ-xoa, hoặc hạnh a-tu-la, hoặc hạnh càn-thát-bà, hoặc hạnh đại vương, hoặc hạnh mặt trăng, hoặc hạnh mặt trời, hoặc hạnh Thiên vương, hoặc hạnh Phạm thiên, hoặc hạnh thiên nhân, hoặc hạnh [lễ bái theo] phương hướng, họ đã duy trì, đã thiết lập, đã bám vào, đã đến gần, đã bám chặt, đã hướng đến.
“Sau khi thọ trì phận sự, họ duy trì” là như thế.
Chúng ta hãy học tập ở lãnh vực này thôi, rồi sẽ có sự trong sạch.
Ở lãnh vực này: Ở quan điểm của mình, ở sự chấp nhận của mình, ở sự ưa thích của mình, ở quan niệm của mình.
Chúng ta hãy học tập: Chúng ta hãy học tập, hãy hành xử, hãy hành theo, hãy thọ trì và vận dụng. “Chúng ta hãy học tập ở lãnh vực này thôi” là như thế.
Rồi sẽ có sự trong sạch: Rồi sẽ có sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi.
“Chúng ta hãy học tập ở lãnh vực này thôi, rồi sẽ có sự trong sạch” là như thế.
Họ bị dẫn dắt đến hữu trong khi tuyên bố [mình] là thiện xảo.
Họ bị dẫn dắt đến hữu: Họ bị dẫn dắt đến hữu là họ đến gần hữu, bám chặt hữu, hướng đến hữu. “Họ bị dẫn dắt đến hữu” là như thế.
Trong khi tuyên bố [mình] là thiện xảo: Là có học thuyết thiện xảo, có học thuyết sáng suốt, có học thuyết vững chắc, có học thuyết đúng đắn, có học thuyết thực tiễn, có học thuyết rõ rệt, có học thuyết gương mẫu, có học thuyết giá trị dựa theo quan niệm của mình.
“Họ bị dẫn dắt đến hữu trong khi tuyên bố [mình] là thiện xảo” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Những kẻ chủ trương giới là tối thượng đã nói sự trong sạch là do sự tự chế ngự. Sau khi thọ trì phận sự, họ duy trì [nghĩ rằng]: ‘Chúng ta hãy học tập ở lãnh vực này thôi, rồi sẽ có sự trong sạch’; họ bị dẫn dắt đến hữu trong khi tuyên bố [mình] là thiện xảo.”
13.5. Nếu đã lìa khỏi giới và phận sự, kẻ ấy run rẩy sau khi thất bại về hành động; kẻ ấy tham muốn và ước nguyện sự trong sạch, ví như người bị thất lạc với đoàn lữ hành trong khi sống xa nhà.
Nếu đã lìa khỏi giới và phận sự: Lìa khỏi giới và phận sự bởi hai lý do: Lìa khỏi do sự can ngăn của người khác, hoặc là trong khi không thành tựu rồi lìa khỏi. Lìa khỏi do sự can ngăn của người khác là thế nào? Người khác can ngăn rằng: “Vị Đạo sư ấy không là đấng Toàn tri, pháp không khéo được thuyết giảng, tập thể không thực hành tốt đẹp, quan điểm không tốt lành, lối thực hành không khéo được quy định, đạo lộ không dẫn dắt ra khỏi; ở đây không có sự trong sạch, hay sự thanh tịnh, hay sự hoàn toàn trong sạch, hay sự thoát khỏi, hay sự giải thoát, hay sự hoàn toàn thoát khỏi; ở đây không có những người được trong sạch, hay được thanh tịnh, hay được hoàn toàn trong sạch, hay được thoát khỏi, hay được giải thoát, hay được hoàn toàn thoát khỏi; họ là thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi.” “Người khác can ngăn” là như vậy. Trong khi bị can ngăn như vậy rồi lìa khỏi vị Đạo sư, lìa khỏi giáo lý, lìa khỏi tập thể, lìa khỏi quan điểm, lìa khỏi lối thực hành, lìa khỏi đạo lộ. “Lìa khỏi do sự can ngăn của người khác” là như vậy. Trong khi không thành tựu rồi lìa khỏi là thế nào? Trong khi không thành tựu giới rồi lìa khỏi giới, trong khi không thành tựu phận sự rồi lìa khỏi phận sự, trong khi không thành tựu giới và phận sự rồi lìa khỏi giới và phận sự. “Trong khi không thành tựu rồi lìa khỏi” là như vậy.
“Nếu đã lìa khỏi giới và phận sự” là như thế.
Kẻ ấy run rẩy sau khi thất bại về hành động.
Kẻ ấy run rẩy: “Ta bị mất mát, ta bị thất bại, ta bị lầm lỡ, ta bị rơi khỏi giới, hoặc phận sự, hay giới và phận sự; ta bị thất bại do không hiểu biết”, [nghĩ vậy] kẻ ấy run rẩy, chấn động, rúng động. “Kẻ ấy run rẩy” là như thế.
Sau khi thất bại về hành động: “Ta bị mất mát, ta bị thất bại, ta bị lầm lỡ, ta bị rơi khỏi phúc hành, hoặc phi phúc hành, hoặc bất động hành;[1] ta bị thất bại do không hiểu biết”, [nghĩ vậy] kẻ ấy run rẩy, chấn động, rúng động.
“Kẻ ấy run rẩy sau khi thất bại về hành động” là như thế.
Kẻ ấy tham muốn và ước nguyện sự trong sạch.
Kẻ ấy tham muốn: Là tham muốn giới, hoặc tham muốn phận sự, hoặc tham muốn giới và phận sự, khởi tham muốn, nguyện cầu. “Kẻ ấy tham muốn” là như thế.
Và ước nguyện sự trong sạch: Là ước nguyện sự trong sạch về giới, hoặc ước nguyện sự trong sạch về phận sự, hoặc ước nguyện sự trong sạch về giới và phận sự, mong cầu, nguyện cầu.
“Kẻ ấy tham muốn và ước nguyện sự trong sạch” là như thế.
Ví như người bị thất lạc với đoàn lữ hành trong khi sống xa nhà: Giống như người nam, trong lúc rời khỏi nhà sống cùng đoàn lữ hành và bị rớt lại phía sau đoàn lữ hành, thì: Hoặc là đuổi theo đoàn lữ hành ấy, hoặc là trở về lại nhà của mình; tương tự y như thế, kẻ theo tà kiến ấy nắm lấy vị Đạo sư ấy hoặc là nắm lấy vị Đạo sư khác, nắm lấy giáo lý ấy hoặc là nắm lấy giáo lý khác, nắm lấy tập thể ấy hoặc là nắm lấy tập thể khác, nắm lấy quan điểm ấy hoặc là nắm lấy quan điểm khác, nắm lấy lối thực hành ấy, hoặc là nắm lấy lối thực hành khác, nắm lấy đạo lộ ấy hoặc là nắm lấy đạo lộ khác, bám víu, chấp chặt.
“Ví như người bị thất lạc với đoàn lữ hành trong khi sống xa nhà” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Nếu đã lìa khỏi giới và phận sự, kẻ ấy run rẩy sau khi thất bại về hành động; kẻ ấy tham muốn và ước nguyện sự trong sạch, ví như người bị thất lạc với đoàn lữ hành trong khi sống xa nhà.”
13.6. Và sau khi đã dứt bỏ tất cả giới và phận sự,
Cùng hành động có tội hoặc không có tội ấy,
Trong khi không ước nguyện “sự trong sạch hay không trong sạch”,
Đã xa lánh, vị ấy sống, không nắm bắt sự an tịnh [do tà kiến].
Và sau khi đã dứt bỏ tất cả giới và phận sự: Sau khi dứt bỏ, sau khi dứt trừ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu tất cả các sự trong sạch do giới; sau khi dứt bỏ, sau khi dứt trừ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu tất cả các sự trong sạch do phận sự; sau khi dứt bỏ, sau khi dứt trừ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu tất cả các sự trong sạch do giới và phận sự.
“Và sau khi đã dứt bỏ tất cả giới và phận sự” là như thế.
Cùng hành động có tội hoặc không có tội ấy: Hành động có tội nói đến pháp đen với quả thành tựu đen; hành động không có tội nói đến pháp trắng với quả thành tựu trắng. Sau khi dứt bỏ, sau khi dứt trừ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu hành động có tội và hành động không có tội.
“Cùng hành động có tội hoặc không có tội ấy” là như thế.
Trong khi không ước nguyện “sự trong sạch hay không trong sạch.”
Sự không trong sạch: Ước nguyện sự không trong sạch là ước nguyện các pháp bất thiện. Sự trong sạch: Ước nguyện sự trong sạch là ước nguyện năm loại dục. Ước nguyện sự không trong sạch là ước nguyện các pháp bất thiện, ước nguyện năm loại dục; ước nguyện sự trong sạch là ước nguyện sáu mươi hai tà kiến; ước nguyện sự không trong sạch là ước nguyện các pháp bất thiện, ước nguyện năm loại dục, ước nguyện sáu mươi hai tà kiến; ước nguyện sự trong sạch là ước nguyện các pháp thiện liên quan đến Tam giới; ước nguyện sự không trong sạch là ước nguyện các pháp bất thiện, ước nguyện năm loại dục, ước nguyện sáu mươi hai tà kiến, ước nguyện các pháp thiện liên quan đến Tam giới; ước nguyện sự trong sạch là các phàm phu tốt lành ước nguyện sự nhập vào dòng Thánh, các bậc Hữu học ước nguyện pháp tột đỉnh là phẩm vị A-la-hán; khi đã đạt được phẩm vị A-la-hán, bậc A-la-hán không còn ước nguyện các pháp bất thiện, cũng không ước nguyện năm loại dục, cũng không ước nguyện sáu mươi hai tà kiến, cũng không ước nguyện các pháp thiện liên quan đến Tam giới, cũng không ước nguyện sự nhập vào dòng Thánh, cũng không ước nguyện pháp tột đỉnh là phẩm vị A-la-hán. Trong khi vượt qua hẳn sự ước nguyện, bậc A-la-hán đã vượt qua khỏi sự tiến tu và thối thất, vị ấy đã trải qua cuộc sống [của bậc Thánh], đã hoàn tất việc thực hành, đã vượt khỏi việc sanh-lão-tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với vị ấy.
“Trong khi không ước nguyện ‘sự trong sạch hay không trong sạch’” là như thế.
Đã xa lánh, vị ấy sống, không nắm bắt sự an tịnh [do tà kiến].
Đã xa lánh: Đã xa lánh, đã tránh khỏi, đã tránh xa, đã đi ra ngoài, đã rời ra, đã thoát khỏi, không bị ràng buộc với sự trong sạch và không trong sạch, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.
Vị ấy sống: Vị ấy sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, hộ trì, bảo dưỡng. “Đã xa lánh, vị ấy sống” là như thế.
Không nắm bắt sự an tịnh [do tà kiến]: Các sự an tịnh nói đến sáu mươi hai tà kiến; trong khi không nắm lấy, trong khi không bám víu, trong khi không chấp chặt các sự an tịnh do tà kiến.
“Đã xa lánh, vị ấy sống, không nắm bắt sự an tịnh [do tà kiến]” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Và sau khi đã dứt bỏ tất cả giới và phận sự,
Cùng hành động có tội hoặc không có tội ấy,
Trong khi không ước nguyện ‘sự trong sạch hay không trong sạch’,
Đã xa lánh, vị ấy sống, không nắm bắt sự an tịnh [do tà kiến].”
13.7. Sau khi nương tựa vào điều đã bị chán ghét ấy [khổ hạnh], hoặc vào điều đã được thấy, vào điều đã được nghe, hoặc vào điều đã được cảm giác, những kẻ chủ trương luân hồi hướng thượng kể lể về sự trong sạch, họ chưa xa lìa tham ái ở hữu và phi hữu.
Sau khi nương tựa vào điều đã bị chán ghét ấy [khổ hạnh]: Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết chán ghét khổ hạnh, có chủ trương chán ghét khổ hạnh, đã nương tựa, đã nương nhờ, đã bám vào, đã đến gần, đã bám chặt, đã hướng đến sự chán ghét khổ hạnh.
“Sau khi nương tựa vào điều đã bị chán ghét ấy [khổ hạnh]” là như thế.
Hoặc vào điều đã được thấy, vào điều đã được nghe, hoặc vào điều đã được cảm giác: Sau khi nương tựa, sau khi dựa vào, sau khi nắm lấy, sau khi bám víu, sau khi chấp chặt vào điều đã được thấy hoặc sự trong sạch do điều đã được thấy, vào điều đã được nghe hoặc sự trong sạch do điều đã được nghe, vào điều đã được cảm giác hoặc sự trong sạch do điều đã được cảm giác.
“Hoặc vào điều đã được thấy, vào điều đã được nghe, hoặc vào điều đã được cảm giác” là như thế.
Những kẻ chủ trương luân hồi hướng thượng kể lể về sự trong sạch: Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết luân hồi hướng thượng. Các Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết luân hồi hướng thượng ấy là các vị nào? Các Sa-môn và Bà-la-môn nào là các vị tin vào sự trong sạch tột cùng, các vị tin rằng sự trong sạch do luân hồi, các vị theo quan điểm không hành động, các vị có học thuyết thường còn, các vị này là các Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết luân hồi hướng thượng. Các vị ấy kể lể, nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi là thông qua sự tái sanh luân hồi.
“Những kẻ chủ trương luân hồi hướng thượng kể lể về sự trong sạch” là như thế.
Chúng chưa xa lìa tham ái ở hữu và phi hữu.
Tham ái: Ái cảnh sắc, ái cảnh thinh, ái cảnh khí, ái cảnh vị, ái cảnh xúc, ái cảnh pháp.
Ở hữu và phi hữu: Ở dục giới, sắc giới, vô sắc giới, ở sự hiện hữu của nghiệp, ở sự hiện hữu lần nữa; ở sự hiện hữu của nghiệp là dục giới, ở sự hiện hữu lần nữa là dục giới, ở sự hiện hữu của nghiệp là sắc giới, ở sự hiện hữu lần nữa là sắc giới, ở sự hiện hữu của nghiệp là vô sắc giới, ở sự hiện hữu lần nữa là vô sắc giới; ở sự hiện hữu được lặp đi lặp lại, ở cảnh giới tái sanh được lặp đi lặp lại, ở sự tiếp nối tái sanh được lặp đi lặp lại, ở sự sanh ra của bản ngã được lặp đi lặp lại, [các vị ấy] có tham ái chưa được xa lìa, có tham ái chưa được tách lìa, có tham ái chưa được từ bỏ, có tham ái chưa được tẩy trừ, có tham ái chưa được giải thoát, có tham ái chưa được dứt bỏ, có tham ái chưa được buông bỏ.
“Chúng chưa xa lìa tham ái ở hữu và phi hữu” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Sau khi nương tựa vào điều đã bị chán ghét ấy [khổ hạnh], hoặc vào điều đã được thấy, vào điều đã được nghe, hoặc vào điều đã được cảm giác, những kẻ chủ trương luân hồi hướng thượng kể lể về sự trong sạch, chúng chưa xa lìa tham ái ở hữu và phi hữu.”
13.8. Bởi vì, người trong khi ước nguyện thì có các sự tham muốn,
Thậm chí còn có sự run sợ về các điều đã được xếp đặt.
Ở đây, đối với vị nào tử và sanh là không có,
Vị ấy có thể run rẩy vì cái gì, có thể tham muốn về cái gì?
Bởi vì, người trong khi ước nguyện thì có các sự tham muốn: Ước nguyện nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.
Người trong khi ước nguyện: Đối với người đang ước nguyện, đối với người đang ước muốn, đối với người đang ưng thuận, đối với người đang mong cầu, đối với người đang nguyện cầu. “Bởi vì, người trong khi ước nguyện” là như thế.
Các sự tham muốn: Tham muốn nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.
“Bởi vì, người trong khi ước nguyện thì có các sự tham muốn” là như thế.
Thậm chí còn có sự run sợ về các điều đã được xếp đặt.
Sự xếp đặt: Có hai sự xếp đặt: Xếp đặt do tham ái và xếp đặt do tà kiến. ... (nt)… điều này là xếp đặt do tham ái. ... (nt)… điều này là xếp đặt do tà kiến.
Thậm chí còn có sự run sợ về các điều đã được xếp đặt: Có sự lo âu về việc chiếm đoạt vật đã được xếp đặt nên chúng run rẩy, trong khi đang bị chiếm đoạt chúng run rẩy, khi đã bị chiếm đoạt chúng run rẩy; có sự lo âu về việc biến đổi của vật đã được xếp đặt nên chúng run rẩy, trong khi vật đang bị biến đổi chúng run rẩy, khi vật đã bị biến đổi chúng run rẩy, chúng run sợ, chúng rúng động.
“Thậm chí còn có sự run sợ về các điều đã được xếp đặt” là như thế.
Ở đây, đối với vị nào tử và sanh là không có.
Đối với vị nào: Đối với vị A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt; đối với vị ấy sự ra đi, sự đi đến, sự ra đi và đi đến, thời điểm [từ trần], cảnh giới tái sanh, hữu và phi hữu, sự tử vong, sự tái sanh, sự hạ sanh, sự tan rã, sự sanh-già-chết là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.
“Ở đây, đối với vị nào tử và sanh là không có” là như thế.
Vị ấy có thể run rẩy vì cái gì, có thể tham muốn về cái gì? Vị ấy có thể run rẩy bởi sự luyến ái gì, có thể run rẩy bởi sự sân hận gì, có thể run rẩy bởi sự si mê gì, có thể run rẩy bởi sự ngã mạn gì, có thể run rẩy bởi tà kiến gì, có thể run rẩy bởi sự phóng dật gì, có thể run rẩy bởi hoài nghi gì, có thể run rẩy bởi các pháp tiềm ẩn gì, [nghĩ rằng]: “Có phải ta là ‘kẻ bị luyến ái’, hoặc là ‘kẻ bị sân hận’, hoặc là ‘kẻ bị si mê’, hoặc là ‘kẻ bị trói buộc’, hoặc là ‘kẻ bị bám víu’, hoặc là ‘kẻ bị tán loạn’, hoặc là ‘kẻ không dứt khoát’, hoặc là ‘kẻ cứng cỏi’?” Các pháp tạo tác ấy là đã được dứt bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với các pháp tạo tác, thì do điều gì vị ấy có thể run rẩy về cảnh giới tái sanh, [nghĩ rằng]: “Ta sẽ trở thành ‘người địa ngục’, hoặc là ‘loài thú’, hoặc là ‘thân phận ngạ quỷ’, hoặc là ‘loài người’, hoặc là ‘thiên nhân’, hoặc là ‘người hữu sắc’, hoặc là ‘người vô sắc’, hoặc là ‘người hữu tưởng’, hoặc là ‘người vô tưởng’, hoặc là ‘người phi tưởng phi phi tưởng’?” Không có nhân, không có duyên, không có lý do, mà bởi điều ấy vị ấy có thể run rẩy, run sợ, rúng động. “Vị ấy có thể run rẩy vì cái gì?” là như thế.
Có thể tham muốn về cái gì: Hoặc là có thể tham muốn về chỗ nào, có thể tham muốn về điều gì, có thể tham muốn, có thể khởi tham muốn, có thể nguyện cầu về nơi nào.
“Vị ấy có thể run rẩy vì cái gì, có thể tham muốn về cái gì?” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Bởi vì, người trong khi ước nguyện thì có các sự tham muốn,
Thậm chí còn có sự run sợ về các điều đã được xếp đặt.
Ở đây, đối với vị nào tử và sanh là không có,
Vị ấy có thể run rẩy vì cái gì, có thể tham muốn về cái gì?”
13.9. Pháp nào mà một số vị đã nói là “tối thắng”,
Trái lại, những vị khác đã nói về pháp ấy là “thấp hèn”;
Vậy trong số những vị này, lời nói nào là sự thật,
Bởi vì tất cả các vị này đều tuyên bố [mình] là thiện xảo?
Pháp nào mà một số vị đã nói là “tối thắng”: Giáo pháp, quan điểm, cách thực hành, đạo lộ nào mà một số Sa-môn và Bà-la-môn đã nói như vầy, thuyết như vầy, phát ngôn như vầy, giảng giải như vầy, diễn tả như vầy: “Điều này là tối thắng, cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý.”
“Pháp nào mà một số vị đã nói là ‘tối thắng’” là như thế.
Trái lại, những vị khác đã nói về pháp ấy là thấp hèn: Một số Sa-môn và Bà-la-môn đã nói như vầy, thuyết như vầy, phát ngôn như vầy, giảng giải như vầy, diễn tả như vầy về giáo pháp, về quan điểm, về cách thực hành, về đạo lộ ấy rằng: “Điều ấy là thấp hèn, điều ấy là hèn kém, điều ấy là thấp kém, điều ấy là thấp thỏi, điều ấy là tồi tệ, điều ấy là nhỏ nhoi.”
“Trái lại, những vị khác đã nói về pháp ấy là ‘thấp hèn’” là như thế.
Vậy trong số những vị này, lời nói nào là sự thật: Trong số các Sa-môn và Bà-la-môn này, lời nói nào là sự thật, là đúng đắn, là thực thể, là đang xảy ra, là chính xác, là không bị sai lệch.
“Vậy trong số những vị này, lời nói nào là sự thật” là như thế.
Bởi vì tất cả các vị này đều tuyên bố [mình] là thiện xảo: Toàn bộ tất cả các Sa-môn và Bà-la-môn này đều có học thuyết thiện xảo, có học thuyết sáng suốt, có học thuyết vững chắc, có học thuyết đúng đắn, có học thuyết thực tiễn, có học thuyết rõ rệt, có học thuyết gương mẫu, có học thuyết giá trị dựa theo quan niệm của mình.
“Bởi vì tất cả các vị này đều tuyên bố [mình] là thiện xảo” là như thế.
Vì thế, vị [Phật] do thần thông biến hóa ra đã hỏi rằng:
“Pháp nào mà một số vị đã nói là ‘tối thắng’,
Trái lại, những vị khác đã nói về pháp ấy là ‘thấp hèn’;
Vậy trong số những vị này, lời nói nào là sự thật,
Bởi vì tất cả các vị này đều tuyên bố [mình] là thiện xảo?”
13.10. Chúng đã tuyên bố pháp của chính mình là hoàn hảo,
Hơn nữa, chúng đã tuyên bố pháp của người khác là thấp hèn.
Sau khi giữ khư khư [quan điểm của mình] như vậy, chúng tranh cãi,
Và đã tuyên bố quan điểm riêng của từng cá nhân là chân lý.
Chúng đã tuyên bố pháp của chính mình là hoàn hảo: Một số Sa-môn và Bà-la-môn đã nói như vầy, thuyết như vầy, phát ngôn như vầy, giảng giải như vầy, diễn tả như vầy về giáo pháp, về quan điểm, về cách thực hành, về đạo lộ của chính mình rằng: “Điều này là đầy đủ, hoàn hảo, không thiếu sót.”
“Chúng đã tuyên bố pháp của chính mình là hoàn hảo” là như vậy.
Hơn nữa, chúng đã tuyên bố pháp của người khác là thấp hèn: Một số Sa-môn và Bà-la-môn đã nói như vầy, thuyết như vầy, phát ngôn như vầy, giảng giải như vầy, diễn tả như vầy về giáo pháp, về quan điểm, về cách thực hành, về đạo lộ của người khác rằng: “Điều ấy là thấp hèn, điều ấy là hèn kém, điều ấy là thấp kém, điều ấy là thấp thỏi, điều ấy là tồi tệ, điều ấy là nhỏ nhoi.”
“Hơn nữa, chúng đã tuyên bố pháp của người khác là thấp hèn” là như thế.
Sau khi giữ khư khư [quan điểm của mình] như vậy, chúng tranh cãi: Sau khi chấp nhận, sau khi tiếp thu, sau khi nắm lấy, sau khi bám víu, sau khi chấp chặt như vậy, chúng tranh cãi, thực hiện sự cãi cọ, thực hiện sự cãi lộn, thực hiện sự cãi vã, thực hiện sự tranh cãi, thực hiện sự gây gổ rằng: “Ngươi không biết Pháp và Luật này… (nt)… hoặc ngươi hãy gỡ rối nếu ngươi có khả năng.”
“Sau khi giữ khư khư [quan điểm của mình] như vậy, chúng tranh cãi” là như thế.
Và đã tuyên bố quan điểm riêng của từng cá nhân là chân lý: Chúng đã tuyên bố quan điểm riêng của từng cá nhân là chân lý rằng: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại”; chúng đã tuyên bố quan điểm riêng của từng cá nhân là chân lý rằng: “Thế giới là không thường còn,… (nt)… chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.”
“Và đã tuyên bố quan điểm riêng của từng cá nhân là chân lý” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Chúng đã tuyên bố pháp của chính mình là hoàn hảo,
Hơn nữa, chúng đã tuyên bố pháp của người khác là thấp hèn.
Sau khi giữ khư khư [quan điểm của mình] như vậy, chúng tranh cãi,
Và đã tuyên bố quan điểm riêng của từng cá nhân là chân lý.”
13.11. Nếu là thấp hèn do việc bị khinh miệt của người khác,
Thì không có pháp nào là đặc biệt trong số các pháp,
Bởi vì số đông tuyên bố pháp của người khác là thấp hèn,
Trong khi nói một cách chắc chắn về [pháp] của chính mình.
Nếu là thấp hèn do việc bị khinh miệt của người khác: Nếu bởi lý do bị khinh miệt, bởi lý do bị chê bai, bởi lý do bị chê trách, bởi lý do bị gièm pha của người khác, mà kẻ khác trở thành ngu si, thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi.
“Nếu là thấp hèn do việc bị khinh miệt của người khác” là như thế.
Thì không có pháp nào là đặc biệt trong số các pháp: Thì trong số các pháp, không có pháp nào là cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý.
“Thì không có pháp nào là đặc biệt trong số các pháp” là như thế.
Bởi vì số đông tuyên bố pháp của người khác là thấp hèn: Nhiều người tuyên bố, gièm pha, chê bai, chê trách pháp của nhiều người là thấp hèn, là hèn kém, là thấp kém, là thấp thỏi, là tồi tệ, là nhỏ nhoi; nhiều người tuyên bố, gièm pha, chê bai, chê trách pháp của một người là thấp hèn, là hèn kém, là thấp kém, là thấp thỏi, là tồi tệ, là nhỏ nhoi; một người tuyên bố, gièm pha, chê bai, chê trách pháp của nhiều người là thấp hèn, là hèn kém, là thấp kém, là thấp thỏi, là tồi tệ, là nhỏ nhoi; một người tuyên bố, gièm pha, chê bai, chê trách pháp của một người là thấp hèn, là hèn kém, là thấp kém, là thấp thỏi, là tồi tệ, là nhỏ nhoi.
“Bởi vì số đông tuyên bố pháp của người khác là thấp hèn” là như thế.
Trong khi nói một cách chắc chắn về [pháp] của chính mình: Pháp là đường lối của mình, quan điểm là đường lối của mình, lối thực hành là đường lối của mình, đạo lộ là đường lối của mình; chúng có lời nói chắc chắn, có lời nói vững chắc, có lời nói vững mạnh, có lời nói kiên định về đường lối của mình.
“Trong khi nói một cách chắc chắn về [pháp] của chính mình” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Nếu là thấp hèn do việc bị khinh miệt của người khác,
Thì không có pháp nào là đặc biệt trong số các pháp,
Bởi vì số đông tuyên bố pháp của người khác là thấp hèn,
Trong khi nói một cách chắc chắn về [pháp] của chính mình.”
13.12. Hơn nữa, việc tôn vinh pháp của chính mình sẽ là như thế ấy,
Giống như cách chúng ngợi khen đường lối của mình.
Toàn bộ tất cả các học thuyết có thể là đúng đắn,
Bởi vì sự trong sạch của chúng chỉ liên quan đến cá nhân.
Hơn nữa, việc tôn vinh pháp của chính mình sẽ là như thế ấy: Việc tôn vinh pháp của chính mình là việc nào? Họ trọng vọng, cung kính, sùng bái, tôn vinh bậc Đạo sư của mình rằng: “Bậc Đạo sư này là đấng Toàn tri”; việc này là việc tôn vinh pháp của chính mình. Họ trọng vọng, cung kính, sùng bái, tôn vinh giáo lý của mình,… tập thể của mình,… quan điểm của mình,… lối thực hành của mình,… đạo lộ của mình rằng: “Đạo lộ này dẫn dắt ra khỏi”; việc này là việc tôn vinh pháp của chính mình.
Hơn nữa, việc tôn vinh pháp của chính mình sẽ là như thế ấy: Việc tôn vinh pháp của chính mình là như thế, là đúng đắn, là đang xảy ra, là chính xác, là không bị sai lệch.
“Hơn nữa, việc tôn vinh pháp của chính mình sẽ là như thế ấy” là như thế.
Giống như cách chúng ngợi khen đường lối của mình: Pháp là đường lối của mình, quan điểm là đường lối của mình, lối thực hành là đường lối của mình, đạo lộ là đường lối của mình; chúng ca ngợi, khen ngợi, tán dương, ca tụng đường lối của mình.
“Giống như cách chúng ngợi khen đường lối của mình” là như thế.
Toàn bộ tất cả các học thuyết có thể là đúng đắn: Toàn bộ tất cả các học thuyết có thể là như thế, là đúng đắn, là đang xảy ra, là chính xác, là không bị sai lệch.
“Toàn bộ tất cả các học thuyết có thể là đúng đắn” là như thế.
Bởi vì sự trong sạch của chúng chỉ liên quan đến cá nhân: Sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi của các Sa-môn và Bà-la-môn ấy chỉ liên quan đến cá nhân.
“Bởi vì sự trong sạch của chúng chỉ liên quan đến cá nhân” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Hơn nữa, việc tôn vinh pháp của chính mình sẽ là như thế ấy,
Giống như cách chúng ngợi khen đường lối của mình.
Toàn bộ tất cả các học thuyết có thể là đúng đắn,
Bởi vì sự trong sạch của chúng chỉ liên quan đến cá nhân.”
13.13. Đối với vị Bà-la-môn, không có việc bị dẫn dắt bởi người khác sau khi suy xét điều đã được nắm bắt trong số các pháp [tà kiến]. Do điều ấy, vị Bà-la-môn vượt lên trên các sự tranh cãi, bởi vì vị Bà-la-môn không nhìn thấy học thuyết khác là tối thắng.
Đối với vị Bà-la-môn, không có việc bị dẫn dắt bởi người khác.
Không: Là sự phủ định.
Vị Bà-la-môn: Bà-la-môn do trạng thái đã loại trừ bảy pháp:… (nt)… Không nương nhờ, tự tại, vị ấy được gọi là Bà-la-môn.
Đối với vị Bà-la-môn, không có việc bị dẫn dắt bởi người khác: Đối với vị Bà-la-môn, không có trạng thái bị dẫn dắt bởi người khác; vị Bà-la-môn không bị dẫn dắt bởi người khác, không phụ thuộc người khác, không trông cậy người khác, không đi đến sự bị trói buộc với người khác, vị biết, vị thấy, không bị mê muội, có sự nhận biết rõ, có niệm. Đối với vị Bà-la-môn, không có trạng thái bị dẫn dắt bởi người khác [để hiểu] rằng: “Tất cả các hành là vô thường”; vị Bà-la-môn không bị dẫn dắt bởi người khác, không phụ thuộc người khác, không trông cậy người khác, không đi đến sự bị trói buộc với người khác, vị biết, vị thấy, không bị mê muội, có sự nhận biết rõ, có niệm. Đối với vị Bà-la-môn, không có trạng thái bị dẫn dắt bởi người khác [để hiểu] rằng: “Tất cả các hành là khổ”;… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt”; vị Bà-la-môn không bị dẫn dắt bởi người khác, không phụ thuộc người khác, không trông cậy người khác, không đi đến sự bị trói buộc với người khác, vị biết, vị thấy, không bị mê muội, có sự nhận biết rõ, có niệm.
“Đối với vị Bà-la-môn, không có việc bị dẫn dắt bởi người khác” là như thế.
Sau khi suy xét điều đã được nắm bắt trong số các pháp.
Trong số các pháp: Là trong số sáu mươi hai tà kiến.
Sau khi suy xét: Sau khi đã suy xét, sau khi đã suy cứu, sau khi đã suy gẫm, sau khi đã suy nghiệm, sau khi đã cân nhắc, sau khi đã xác định, sau khi đã minh định, sau khi đã làm rõ rệt, sự nắm lấy có giới hạn, sự nắm lấy từng phần, sự nắm lấy phần quan trọng nhất, sự nắm lấy một khối, sự nắm lấy theo số lượng, sự nắm lấy tổng thể rằng: “Điều này là sự thật, là đúng đắn, là thực thể, là đang xảy ra, là xác đáng, là không bị sai lệch”; điều đã được nắm lấy, đã được bám víu, đã được chấp chặt, đã được bám chặt, đã được hướng đến như thế là không có, không hiện diện, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.
“Sau khi suy xét điều đã được nắm bắt trong số các pháp [tà kiến]” là như thế.
Do điều ấy, vị Bà-la-môn vượt lên trên các sự tranh cãi.
Do điều ấy: Do điều ấy là bởi lý do ấy, bởi nhân ấy, bởi duyên ấy, bởi căn nguyên ấy, vị Bà-la-môn vượt lên trên, vượt quá, vượt qua hẳn, vượt qua khỏi các sự cãi cọ về quan điểm, các sự cãi lộn về quan điểm, các sự cãi vã về quan điểm, các sự tranh cãi về quan điểm, các sự gây gổ về quan điểm.
“Do điều ấy, vị Bà-la-môn vượt lên trên các sự tranh cãi” là như thế.
Bởi vì vị Bà-la-môn không nhìn thấy học thuyết khác là tối thắng: Vị Bà-la-môn không nhìn thấy, không nhận thấy, không quan sát, không suy xét, không khảo sát bậc Đạo sư khác, giáo lý khác, tập thể khác, quan điểm khác, lối thực hành khác, đạo lộ khác là pháp cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý; ngoại trừ các sự thiết lập niệm, ngoại trừ các chánh cần, ngoại trừ các nền tảng của thần thông, ngoại trừ các quyền, ngoại trừ các lực, ngoại trừ các yếu tố đưa đến giác ngộ, ngoại trừ đạo lộ Thánh thiện tám chi phần.
“Bởi vì vị Bà-la-môn không nhìn thấy học thuyết khác là tối thắng” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Đối với vị Bà-la-môn, không có việc bị dẫn dắt bởi người khác sau khi suy xét điều đã được nắm bắt trong số các pháp [tà kiến]. Do điều ấy, vị Bà-la-môn vượt lên trên các sự tranh cãi, bởi vì vị Bà-la-môn không nhìn thấy học thuyết khác là tối thắng.”
13.14. [Nói rằng:] “Tôi biết, tôi thấy điều ấy chắc chắn là như thế”,
Một số tin rằng sự trong sạch là do việc thấy.
Nếu đã nhìn thấy, điều gì có được cho bản thân với việc [thấy] ấy?
Sau khi bỏ qua, chúng nói về sự trong sạch theo cách khác.
Tôi biết, tôi thấy điều ấy chắc chắn là như thế.
Tôi biết: Tôi biết bằng trí nhận biết tâm của người khác, hoặc tôi biết bằng trí nhớ lại các kiếp sống quá khứ.
Tôi thấy: Tôi thấy bằng nhục nhãn, hoặc tôi thấy bằng thiên nhãn.
Điều ấy chắc chắn là như thế: Điều ấy là đúng đắn, là đang xảy ra, là xác đáng, là không bị sai lệch.
“Tôi biết, tôi thấy điều ấy chắc chắn là như thế” là như thế.
Một số tin rằng sự trong sạch là do việc thấy: Một số Sa-môn và Bà-la-môn tin rằng sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi là do việc thấy. Một số Sa-môn và Bà-la-môn tin rằng sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi là do việc thấy rằng: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.” Một số Sa-môn và Bà-la-môn tin rằng sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi là do việc thấy rằng: “Thế giới là không thường còn,… (nt)… chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.”
“Một số tin rằng sự trong sạch là do việc thấy” là như thế.
Nếu đã nhìn thấy, điều gì có được cho bản thân với việc [thấy] ấy?
Đã nhìn thấy: Đã nhìn thấy bằng trí nhận biết tâm của người khác, hoặc đã nhìn thấy bằng trí nhớ lại các kiếp sống quá khứ, hoặc đã nhìn thấy bằng nhục nhãn, hoặc đã nhìn thấy bằng thiên nhãn. “Nếu đã nhìn thấy” là như thế.
Điều gì có được cho bản thân với việc [thấy] ấy? Với việc nhìn thấy ấy của vị ấy thì đã làm được gì? Không có sự biết toàn diện về khổ, không có sự dứt bỏ tập, không có sự tu tập đạo, không có sự dứt bỏ do đoạn trừ luyến ái, không có sự dứt bỏ do đoạn trừ sân hận, không có sự dứt bỏ do đoạn trừ si mê, không có sự dứt bỏ do đoạn trừ các ô nhiễm, không có sự bẻ gãy vòng quay luân hồi.
“Nếu đã nhìn thấy, điều gì có được cho bản thân với việc [thấy] ấy?” là như thế.
Sau khi bỏ qua, chúng nói về sự trong sạch theo cách khác: Những kẻ ngoại đạo ấy, sau khi đã vượt quá, sau khi đã vượt qua hẳn, sau khi đã vượt qua khỏi đạo lộ trong sạch, đạo lộ thanh tịnh, đạo lộ hoàn toàn trong sạch, đạo lộ trong trắng, đạo lộ thuần khiết, chúng nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả về sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi, ngoại trừ các sự thiết lập niệm, ngoại trừ các chánh cần, ngoại trừ các nền tảng của thần thông, ngoại trừ các quyền, ngoại trừ các lực, ngoại trừ các yếu tố đưa đến giác ngộ, ngoại trừ đạo lộ Thánh thiện tám chi phần. “Sau khi bỏ qua, chúng nói về sự trong sạch theo cách khác” là như vậy.
Hoặc là, chư Phật, chư Thinh văn của đức Phật và chư Phật Độc Giác, sau khi đã vượt quá, sau khi đã vượt qua hẳn, sau khi đã vượt qua khỏi đạo lộ không trong sạch, đạo lộ không thanh tịnh, đạo lộ không hoàn toàn trong sạch, đạo lộ không trong trắng, đạo lộ không thuần khiết của những kẻ ngoại đạo ấy, các Ngài nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả về sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi do bốn sự thiết lập niệm, do bốn chánh cần, do bốn nền tảng của thần thông, do năm quyền, do năm lực, do bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, do đạo lộ Thánh thiện tám chi phần.
“Sau khi bỏ qua, chúng nói về sự trong sạch theo cách khác” còn là như vậy.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“[Nói rằng:] ‘Tôi biết, tôi thấy điều ấy chắc chắn là như thế’,
Một số tin rằng sự trong sạch là do việc thấy.
Nếu đã nhìn thấy, điều gì có được cho bản thân với việc [thấy] ấy?
Sau khi bỏ qua, chúng nói về sự trong sạch theo cách khác.”
13.15. Một người, trong khi nhìn, sẽ nhìn thấy danh và sắc,
Hoặc sau khi nhìn thấy thì sẽ biết chỉ mỗi chúng mà thôi.
Hãy để người ấy nhìn nhiều hay ít theo ý thích,
Các bậc thiện xảo hẳn nhiên không nói sự trong sạch là do điều ấy.
Một người, trong khi nhìn, sẽ nhìn thấy danh và sắc: Một người trong khi nhìn bằng trí nhận biết tâm của người khác, hoặc trong khi nhìn bằng trí nhớ lại các kiếp sống quá khứ, hoặc trong khi nhìn bằng nhục nhãn, hoặc trong khi nhìn bằng thiên nhãn thì nhìn thấy danh và sắc là thường còn, là hạnh phúc, là tự ngã, không nhìn thấy nhân sanh khởi, hoặc sự biến hoại, hoặc sự hứng thú, hoặc sự bất lợi, hoặc sự thoát ra đối với các pháp ấy.
“Một người, trong khi nhìn, sẽ nhìn thấy danh và sắc” là như thế.
Hoặc sau khi nhìn thấy thì sẽ biết chỉ mỗi chúng mà thôi.
Sau khi nhìn thấy: Sau khi nhìn bằng trí nhận biết tâm của người khác, hoặc sau khi nhìn bằng trí nhớ lại các kiếp sống quá khứ, hoặc sau khi nhìn bằng nhục nhãn, hoặc sau khi nhìn bằng thiên nhãn, sau khi nhìn thấy danh và sắc thì sẽ được biết chúng là thường còn, là hạnh phúc, là tự ngã, sẽ không được biết nhân sanh khởi, sự tiêu hoại, sự hứng thú, sự bất lợi, hoặc sự thoát ra đối với các pháp ấy.
“Hoặc sau khi nhìn thấy thì sẽ biết chỉ mỗi chúng mà thôi” là như thế.
Hãy để người ấy nhìn nhiều hay ít theo ý thích: Trong khi nhìn thấy danh và sắc nhiều hay ít tùy theo ý thích là thường còn, là hạnh phúc, là tự ngã.
“Hãy để người ấy nhìn nhiều hay ít theo ý thích” là như thế.
Các bậc thiện xảo hẳn nhiên không nói sự trong sạch là do điều ấy.
Các bậc thiện xảo: Là các bậc thiện xảo về uẩn, thiện xảo về giới, thiện xảo về xứ, thiện xảo về pháp tùy thuận sanh khởi, thiện xảo về sự thiết lập niệm, thiện xảo về chánh cần, thiện xảo về nền tảng của thần thông, thiện xảo về quyền, thiện xảo về lực, thiện xảo về giác chi, thiện xảo về Đạo, thiện xảo về Quả, thiện xảo về Niết-bàn; các bậc thiện xảo ấy không nói, không thuyết giảng, không phát ngôn, không giảng giải, không diễn tả về sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi là do việc thấy danh và sắc bằng trí nhận biết tâm của người khác, hoặc bằng trí nhớ lại các kiếp sống quá khứ, hoặc bằng nhục nhãn, hoặc bằng thiên nhãn.
“Các bậc thiện xảo hẳn nhiên không nói sự trong sạch là do điều ấy” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Một người, trong khi nhìn, sẽ nhìn thấy danh và sắc,
Hoặc sau khi nhìn thấy thì sẽ biết chỉ mỗi chúng mà thôi.
Hãy để người ấy nhìn nhiều hay ít theo ý thích,
Các bậc thiện xảo hẳn nhiên không nói sự trong sạch là do điều ấy.”
13.16. Kẻ chấp chặt vào học thuyết quả thật không dễ hướng dẫn,
Kẻ đang chú trọng quan điểm đã được xếp đặt.
Nương tựa vào cái gì thì nói điều tốt đẹp về cái ấy,
Với lời tuyên bố về sự trong sạch, kẻ ấy đã nhìn thấy thực thể ở nơi ấy.
Kẻ chấp chặt vào học thuyết quả thật không dễ hướng dẫn: Kẻ chấp chặt vào học thuyết rằng: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.” Kẻ chấp chặt vào học thuyết rằng: “Thế giới là không thường còn,… (nt)… chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.”
Quả thật không dễ hướng dẫn: Kẻ chấp chặt vào học thuyết là khó hướng dẫn, khó làm cho hiểu được, khó làm cho lưu tâm, khó giúp cho thấy, khó tạo được niềm tin.
“Kẻ chấp chặt vào học thuyết quả thật không dễ hướng dẫn” là như thế.
Kẻ đang chú trọng quan điểm đã được xếp đặt: Kẻ ấy sống, chú trọng quan điểm đã được sắp đặt, đã được xếp đặt, đã được tạo tác, đã được thành lập, có quan điểm là ngọn cờ, có quan điểm là biểu hiện, có quan điểm là chủ đạo, kẻ ấy sống, được vây quanh bởi quan điểm.
“Kẻ đang chú trọng quan điểm đã được xếp đặt” là như thế.
Nương tựa vào cái gì thì nói điều tốt đẹp về cái ấy.
Nương tựa vào cái gì: Nương tựa, nương nhờ, bám vào, đến gần, bám chặt, hướng đến bậc Đạo sư nào, giáo lý nào, tập thể nào, quan điểm nào, lối thực hành nào, đạo lộ nào. “Nương tựa vào cái gì” là như thế.
Về cái ấy: Về quan điểm của mình, về sự chấp nhận của mình, về sự ưa thích của mình, về quan niệm của mình.
Nói điều tốt đẹp: Nói lời tốt đẹp, nói lời lịch sự, nói lời sáng suốt, nói lời vững chắc, nói lời đúng đắn, nói lời thực tiễn, nói lời rõ rệt, nói lời gương mẫu, nói lời giá trị dựa theo quan niệm của mình.
“Nương tựa vào cái gì thì nói điều tốt đẹp về cái ấy” là như thế.
Với lời tuyên bố về sự trong sạch, kẻ ấy đã nhìn thấy thực thể ở nơi ấy: Với lời tuyên bố về sự trong sạch, với lời tuyên bố về sự thanh tịnh, với lời tuyên bố về sự hoàn toàn trong sạch, với lời tuyên bố về sự thuần khiết; hoặc là với sự thấy trong sạch, với sự thấy thanh tịnh, với sự thấy hoàn toàn trong sạch, với sự thấy trong trắng, với sự thấy thuần khiết. “Với lời tuyên bố về sự trong sạch” là như thế.
Ở nơi ấy: Ở quan điểm của mình, ở sự chấp nhận của mình, ở sự ưa thích của mình, ở quan niệm của mình, kẻ ấy đã nhìn thấy, đã nhận thấy, đã nhìn xem, đã thấu triệt thực thể, sự đúng đắn, việc đang xảy ra, sự xác đáng, sự không bị sai lệch.
“Với lời tuyên bố về sự trong sạch, kẻ ấy đã nhìn thấy thực thể ở nơi ấy” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Kẻ chấp chặt vào học thuyết quả thật không dễ hướng dẫn,
Kẻ đang chú trọng quan điểm đã được xếp đặt.
Nương tựa vào cái gì thì nói điều tốt đẹp về cái ấy,
Với lời tuyên bố về sự trong sạch, kẻ ấy đã nhìn thấy thực thể ở nơi ấy.”
13.17. Sau khi cân nhắc, vị Bà-la-môn không tiếp cận sự sắp đặt [do tham ái hoặc tà kiến], không có sự hùa theo tà kiến, cũng không có sự trói buộc [sanh ra] do các loại trí. Và vị ấy, sau khi biết các quy ước được sanh ra từ số đông, thì hành xả, còn những kẻ khác tiếp thu.
Sau khi cân nhắc, vị Bà-la-môn không tiếp cận sự sắp đặt [do tham ái hoặc tà kiến].
Không: Là sự phủ định.
Vị Bà-la-môn: Bà-la-môn do trạng thái đã loại trừ bảy pháp:… (nt)… Không nương nhờ, tự tại, vị ấy được gọi là Bà-la-môn.
Sắp đặt: Có hai sự sắp đặt: Sự sắp đặt do tham ái và sự sắp đặt do tà kiến. ... (nt)… điều này là sự sắp đặt do tham ái. ... (nt)… điều này là sự sắp đặt do tà kiến.
Sự cân nhắc: Nói đến trí, tức là tuệ, là sự nhận biết,… (nt)… sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến.
Sau khi cân nhắc, vị Bà-la-môn không tiếp cận sự sắp đặt [do tham ái hoặc tà kiến]: Vị Bà-la-môn, sau khi cân nhắc, sau khi biết được, sau khi suy xét, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là vô thường”, “Tất cả các hành là khổ”,… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt”, sau khi cân nhắc, sau khi biết được, sau khi suy xét, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt, [vị ấy] không đi đến, không tiếp cận, không đi đến gần, không nắm lấy, không bám víu, không chấp chặt sự sắp đặt do tham ái hoặc sự sắp đặt do tà kiến.
“Sau khi cân nhắc, vị Bà-la-môn không tiếp cận sự sắp đặt [do tham ái hoặc tà kiến]” là như thế.
Không có sự hùa theo tà kiến, cũng không có sự trói buộc [sanh ra] do các loại trí: Đối với vị ấy, sáu mươi hai tà kiến là đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ. Vị ấy không bị đưa đi, không bị dẫn đi, không bị lôi đi, không bị mang đi bởi tà kiến, cũng không xem tà kiến ấy là có cốt lõi, và cũng không quay về lại. “Không có sự hùa theo tà kiến” là như thế.
Cũng không có sự trói buộc [sanh ra] do các loại trí: Là không tạo lập, không làm sanh ra, không làm sanh khởi, không làm hạ sanh, không làm phát sanh ra sự trói buộc vào tham ái hoặc sự trói buộc vào tà kiến do trí của tám sự chứng đạt [về thiền], hoặc do trí của năm thắng trí, hoặc do trí sái quấy.
“Không có sự hùa theo tà kiến, cũng không có sự trói buộc [sanh ra] do các loại trí” là như thế.
Và vị ấy, sau khi biết các quy ước được sanh ra từ số đông.
Sau khi biết: Sau khi nhận biết, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt. Sau khi nhận biết, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là vô thường.” Sau khi nhận biết, sau khi biết được, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là khổ”,… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” “Và vị ấy, sau khi biết” là như thế.
Các quy ước: Nói đến các quy ước về quan điểm là sáu mươi hai tà kiến.
Được sanh ra từ số đông: “Các quy ước ấy được tạo ra bởi các phàm nhân”, “được sanh ra bởi số đông” là như thế; hoặc là “các quy ước ấy được tạo ra bởi số đông gồm nhiều người khác nhau.” “Được sanh ra từ số đông” là như thế.
“Và vị ấy, sau khi biết các quy ước được sanh ra từ số đông” là như thế.
Thì hành xả, còn những kẻ khác tiếp thu: Những kẻ khác nắm lấy, bám víu, chấp chặt do tác động của tham ái, do tác động của tà kiến; bậc A-la-hán hành xả, không nắm lấy, không bám víu, không chấp chặt.
“Thì hành xả, còn những kẻ khác tiếp thu” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Sau khi cân nhắc, vị Bà-la-môn không tiếp cận sự sắp đặt [do tham ái hoặc tà kiến], không có sự hùa theo tà kiến, cũng không có sự trói buộc [sanh ra] do các loại trí. Và vị ấy, sau khi biết các quy ước được sanh ra từ số đông, thì hành xả, còn những kẻ khác tiếp thu.”
13.18. Sau khi tháo gỡ các sự trói buộc ở nơi thế gian này, bậc Hiền trí
Không hùa theo phe nhóm ở các cuộc tranh cãi đã được sanh lên.
An tịnh giữa những người không an tịnh, vị ấy hành xả,
Không tiếp thu, còn những kẻ khác tiếp thu.
Sau khi tháo gỡ các sự trói buộc ở nơi thế gian này, bậc Hiền trí.
Các sự trói buộc: Có bốn sự trói buộc: Tham đắm là sự trói buộc về thân, tức giận là sự trói buộc về thân, sự bám víu vào giới và phận sự là sự trói buộc về thân, sự chấp chặt “chỉ điều này là chân lý” là sự trói buộc về thân. Sự luyến ái, tham đắm vào quan điểm của mình là sự trói buộc về thân. Sự tức tối, không bằng lòng, tức giận đối với các học thuyết của kẻ khác là sự trói buộc về thân. Có kẻ bám víu vào giới, hoặc phận sự, hoặc giới và phận sự của bản thân; sự bám víu vào giới và phận sự là sự trói buộc về thân. Quan điểm của bản thân có sự chấp chặt “chỉ điều này là chân lý” là sự trói buộc về thân.
Sau khi tháo gỡ: Sau khi cởi bỏ hoặc sau khi tháo gỡ các sự trói buộc; hoặc là sau khi tháo rời hay sau khi tháo gỡ các sự trói buộc, các vật bị buộc trói, các vật bị buộc ràng, các vật bị cột chặt, các vật bị cột kỹ, các vật bị cột chằng chịt, các vật bị máng vào, các vật bị vướng vào, các vật bị giữ lại, các sự trói chặt. Giống như những người thực hiện sự tháo gỡ, phá vỡ cái kiệu khiêng, hoặc cỗ xe, hoặc xe tải, hoặc cỗ xe kéo liền lặn; tương tự như vậy, sau khi cởi bỏ hoặc sau khi tháo gỡ các sự trói buộc, hoặc là sau khi tháo rời, hay sau khi tháo gỡ các sự trói buộc, các vật bị buộc trói, các vật bị buộc ràng, các vật bị cột chặt, các vật bị cột kỹ, các vật bị cột chằng chịt, các vật bị máng vào, các vật bị vướng vào, các vật bị giữ lại, các sự trói chặt.
Bậc Hiền trí: Bản thể hiền trí nói đến trí,… (nt)… đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới [tham ái và tà kiến], vị ấy là bậc Hiền trí.
Ở nơi này: Ở quan điểm này,… (nt)… ở thế giới loài người này.
“Sau khi tháo gỡ các sự trói buộc ở nơi thế gian này, bậc Hiền trí” là như thế.
Không hùa theo phe nhóm ở các cuộc tranh cãi đã được sanh lên: Khi cuộc tranh cãi đã sanh lên, đã sanh khởi, đã hạ sanh, đã phát sanh, đã xuất hiện giữa những người thiên vị vì mong muốn, giữa những người thiên vị vì sân hận, giữa những người thiên vị vì sợ hãi, giữa những người thiên vị vì si mê, vị ấy không đi đến sự thiên vị vì ưa thích, không đi đến sự thiên vị vì sân hận, không đi đến sự thiên vị vì sợ hãi, không đi đến sự thiên vị vì si mê, không đi đến do tác động của luyến ái, không đi đến do tác động của sân hận, không đi đến do tác động của si mê, không đi đến do tác động của ngã mạn, không đi đến do tác động của tà kiến, không đi đến do tác động của phóng dật, không đi đến do tác động của hoài nghi, không đi đến do tác động của pháp tiềm ẩn, không bị đưa đi, không bị dẫn đi, không bị lôi đi, không bị mang đi bởi các pháp có tính chất phe nhóm.
“Không hùa theo phe nhóm ở các cuộc tranh cãi đã được sanh lên” là như thế.
An tịnh giữa những người không an tịnh, vị ấy hành xả.
An tịnh: Trạng thái được an tịnh của luyến ái là an tịnh, trạng thái được an tịnh của sân hận là an tịnh, trạng thái được an tịnh của si mê là an tịnh,… (nt)… trạng thái được an tịnh, trạng thái được yên lặng, trạng thái được vắng lặng, trạng thái được thiêu hủy, trạng thái được tịch diệt, trạng thái được tách lìa, trạng thái được tịch tịnh của tất cả các pháp tạo tác bất thiện là an tịnh, yên tịnh, vắng lặng, tịch diệt, tịch tịnh. “An tịnh” là như thế.
Giữa những người không an tịnh: Giữa những người không an tịnh, giữa những người không yên tịnh, giữa những người không vắng lặng, giữa những người không tịch diệt, giữa những người không tịch tịnh. “An tịnh giữa những người không an tịnh” là như thế.
Vị ấy hành xả: Bậc A-la-hán có pháp hành xả ở sáu tình huống: Sau khi thấy cảnh sắc bằng mắt, không có ý ưa thích, không có ý ghét bỏ, hành xả, vị ấy sống, có niệm, có sự nhận biết rõ; sau khi nghe âm thanh bằng tai,… (nt)… vị có bản thân đã được tu tập, đã được huấn luyện chờ đợi thời điểm.
“An tịnh giữa những người không an tịnh, vị ấy hành xả” là như thế.
Không tiếp thu, còn những kẻ khác tiếp thu: Những kẻ khác nắm lấy, bám víu, chấp chặt do tác động của tham ái, do tác động của tà kiến; bậc A-la-hán hành xả, không nắm lấy, không bám víu, không chấp chặt.
“Không tiếp thu, còn những kẻ khác tiếp thu” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Sau khi tháo gỡ các sự trói buộc ở nơi thế gian này, bậc Hiền trí không hùa theo phe nhóm ở các cuộc tranh cãi đã được sanh lên. Vị ấy hành xả, an tịnh giữa những người không an tịnh, không tiếp thu, còn những kẻ khác tiếp thu.”
13.19. Sau khi từ bỏ các lậu hoặc trước đây, không tạo ra những lậu hoặc mới, không là người đi theo sự [tác động của] mong muốn, cũng không phải là kẻ chấp chặt vào học thuyết; vị ấy đã được giải thoát khỏi các tà kiến, là bậc sáng trí, không bị lấm nhơ ở thế gian, không có sự chê trách bản thân.
Sau khi từ bỏ các lậu hoặc trước đây, không tạo ra những lậu hoặc mới: Các lậu hoặc trước đây nói đến sắc-thọ-tưởng-hành-thức thuộc quá khứ. Những ô nhiễm nào sanh lên liên quan đến các hành thuộc quá khứ, sau khi từ bỏ, sau khi phế bỏ, sau khi buông bỏ, sau khi dứt bỏ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu các ô nhiễm ấy. “Sau khi từ bỏ các lậu hoặc trước đây” là như thế.
Không tạo ra những lậu hoặc mới: Những lậu hoặc mới nói đến sắc-thọ-tưởng-hành-thức thuộc vị lai. Trong khi không tạo nên sự mong muốn, trong khi không tạo nên sự yêu thương, trong khi không tạo nên, trong khi không làm sanh ra, trong khi không làm sanh khởi, trong khi không làm hạ sanh, trong khi không làm phát sanh ra sự luyến ái liên quan đến các hành thuộc vị lai.
“Sau khi từ bỏ các lậu hoặc trước đây, không tạo ra những lậu hoặc mới” là như thế.
Không là người đi theo sự [tác động của] mong muốn, cũng không phải là kẻ chấp chặt vào học thuyết: Vị ấy không đi đến sự thiên vị vì ưa thích, không đi đến sự thiên vị vì sân hận, không đi đến sự thiên vị vì sợ hãi, không đi đến sự thiên vị vì si mê, không đi đến do tác động của luyến ái, không đi đến do tác động của sân hận, không đi đến do tác động của si mê, không đi đến do tác động của ngã mạn, không đi đến do tác động của tà kiến, không đi đến do tác động của phóng dật, không đi đến do tác động của hoài nghi, không đi đến do tác động của pháp tiềm ẩn, không bị đưa đi, không bị dẫn đi, không bị lôi đi, không bị mang đi bởi các pháp có tính chất phe nhóm. “Không là người đi theo sự [tác động của] mong muốn” là như thế.
Cũng không phải là kẻ chấp chặt vào học thuyết: Kẻ chấp chặt vào học thuyết rằng: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.”… (nt)… Kẻ chấp chặt vào học thuyết rằng: “Chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.”
“Không là người đi theo sự [tác động của] mong muốn, cũng không phải là kẻ chấp chặt vào học thuyết” là như thế.
Vị ấy đã được giải thoát khỏi các tà kiến, là bậc sáng trí: Đối với vị ấy, sáu mươi hai tà kiến là đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ; vị ấy đã được thoát khỏi các tà kiến, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.
Bậc sáng trí: Bậc sáng trí là người sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.
“Vị ấy đã được giải thoát khỏi các tà kiến, là bậc sáng trí” là như thế.
Không bị lấm nhơ ở thế gian, không có sự chê trách bản thân.
Lấm nhơ: Có hai sự lấm nhơ: Lấm nhơ do tham ái và lấm nhơ do tà kiến. ... (nt)… điều này là lấm nhơ do tham ái. ... (nt)… điều này là lấm nhơ do tà kiến. Đối với vị ấy, sự lấm nhơ do tham ái đã được dứt bỏ, sự lấm nhơ do tà kiến đã được buông bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với sự lấm nhơ do tham ái, do trạng thái đã được buông bỏ đối với sự lấm nhơ do tà kiến, vị không bị vấy bẩn không bị lấm nhơ ở thế gian của khổ cảnh, không bị lấm nhơ ở thế gian của loài người, không bị lấm nhơ ở thế gian của chư thiên, không bị lấm nhơ ở thế gian của các uẩn, không bị lấm nhơ ở thế gian của các giới, không bị lấm nhơ ở thế gian của các xứ, không bị nhiễm bẩn, không vấy bẩn, [là người] đã không bị lấm nhơ, đã không bị nhiễm bẩn, đã không bị vấy bẩn, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn. “Không bị lấm nhơ ở thế gian” là như thế.
Không có sự chê trách bản thân: Chê trách bản thân bởi hai lý do: Do trạng thái đã làm và do trạng thái đã không làm. Thế nào là chê trách bản thân do trạng thái đã làm và do trạng thái đã không làm? Chê trách bản thân rằng: “Ta đã làm uế hạnh về thân, ta đã không làm thiện hạnh về thân.” Chê trách bản thân rằng: “Ta đã làm uế hạnh về khẩu… “Ta đã làm uế hạnh về ý… “Ta đã giết hại sinh mạng… “Ta đã thực hành tà kiến, ta đã không thực hành chánh kiến”; như vậy là chê trách bản thân do trạng thái đã làm và do trạng thái đã không làm. Hoặc là, chê trách bản thân rằng: “Ta không phải là người thực hành đầy đủ các giới.” Chê trách bản thân rằng: “Ta là người có các giác quan không được gìn giữ.” … “Ta là người không biết chừng mực về vật thực.” … “Ta không luyện tập về tỉnh thức.” … “Ta không có niệm và sự nhận biết rõ.” … “Bốn sự thiết lập niệm chưa được ta tu tập.” … “Bốn chánh cần chưa được ta tu tập.” … “Bốn nền tảng của thần thông chưa được ta tu tập.” … “Năm quyền chưa được ta tu tập.” … “Năm lực chưa được ta tu tập.” … “Bảy yếu tố đưa đến giác ngộ chưa được ta tu tập.” … “Đạo lộ Thánh thiện tám chi phần chưa được ta tu tập.” … “Khổ chưa được ta biết toàn diện.” … “Tập chưa được ta dứt bỏ.” … “Đạo chưa được ta tu tập.” … “Diệt chưa được ta chứng ngộ”; như vậy là chê trách bản thân do trạng thái đã làm và do trạng thái đã không làm. Trong khi không tạo nên, trong khi không làm sanh ra, trong khi không làm sanh khởi, trong khi không làm hạ sanh, trong khi không làm phát sanh ra nghiệp đã làm có sự chê trách bản thân như vậy, thì không có sự chê trách bản thân.
“Không bị lấm nhơ ở thế gian, không có sự chê trách bản thân” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Sau khi từ bỏ các lậu hoặc trước đây, không tạo ra những lậu hoặc mới, không là người đi theo sự [tác động của] mong muốn, cũng không phải là kẻ chấp chặt vào học thuyết; vị ấy đã được giải thoát khỏi các tà kiến, là bậc sáng trí, không bị lấm nhơ ở thế gian, không có sự chê trách bản thân.”
13.20. Vị ấy là người diệt đạo binh ở tất cả các pháp, ở bất cứ điều gì đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác. Vị ấy, có gánh nặng đã được đặt xuống, là bậc Hiền trí đã được thoát ra khỏi, không chịu sự sắp đặt, không phải kiêng chừa, không có ước nguyện, [đức Thế Tôn nói vậy].
Vị ấy là người diệt đạo binh ở tất cả các pháp, ở bất cứ điều gì đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác: Đạo binh nói đến đạo binh của Ma vương; uế hạnh về thân là đạo binh của Ma vương, uế hạnh về khẩu là đạo binh của Ma vương, uế hạnh về ý là đạo binh của Ma vương; sự luyến ái, sân hận, si mê, giận dữ, thù hằn, gièm pha, ác ý, ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá, lừa gạt, bướng bỉnh, hung hăng, ngã mạn, cao ngạo, đam mê, xao lãng, tất cả ô nhiễm, tất cả uế hạnh, mọi sự lo lắng, mọi sự bực bội, mọi sự nóng nảy, tất cả các pháp tạo tác bất thiện là đạo binh của Ma vương.
Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:
1. “Các dục là đạo binh thứ nhất của ngươi, thứ nhì nói đến sự không thích thú, thứ ba của ngươi là đói và khát, thứ tư gọi là tham ái.
2. Thứ năm của ngươi là dã dượi và buồn ngủ, thứ sáu gọi là sự khiếp đảm, thứ bảy của ngươi là hoài nghi, thứ tám của ngươi là gièm pha, bướng bỉnh.
3. Lợi lộc, sự nổi tiếng, sự trọng vọng, và danh vọng nào đã đạt được một cách sai trái, kẻ nào đề cao bản thân và khi dễ những người khác.
4. – Này Namuci, chúng là đạo binh của ngươi, là quân xung kích của Hắc ám. Kẻ khiếp nhược không chiến thắng nó, và vị đã chiến thắng thì đạt được sự an lạc.”
Khi nào tất cả các đạo binh của Ma vương và tất cả các ô nhiễm có hành động đối kháng đã bị đánh bại và đã bị khuất phục, đã bị đổ vỡ, đã bị tan rã, không còn hiện diện, nhờ vào bốn Thánh đạo, vị ấy được gọi là người diệt đạo binh. Vị ấy là người diệt đạo binh ở điều đã được thấy, người diệt đạo binh ở điều đã được nghe, ở điều đã được cảm giác, ở điều đã được nhận thức.
“Vị ấy là người diệt đạo binh [ô nhiễm] ở tất cả các pháp, ở bất cứ điều gì đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác” là như thế.
Vị ấy, có gánh nặng đã được đặt xuống, là bậc Hiền trí đã được thoát ra khỏi.
Gánh nặng: Có ba gánh nặng: Gánh nặng các uẩn, gánh nặng ô nhiễm, gánh nặng các hành. Gánh nặng các uẩn là cái nào? Sắc, thọ, tưởng, các hành, thức ở sự nối liền tái sanh; cái này là gánh nặng các uẩn. Gánh nặng ô nhiễm là cái nào? Luyến ái, sân hận, si mê,… (nt)… tất cả các pháp tạo tác bất thiện; cái này là gánh nặng ô nhiễm. Gánh nặng các hành là cái nào? Phúc hành, phi phúc hành, bất động hành;[2] cái này là gánh nặng các hành. Khi nào gánh nặng các uẩn, gánh nặng ô nhiễm và gánh nặng các hành được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn điều kiện sanh khởi trong tương lai; vị ấy được gọi là có gánh nặng đã được đặt xuống, có gánh nặng đã được bỏ xuống, có gánh nặng đã được để xuống, có gánh nặng đã được buông xuống, có gánh nặng đã được quăng xuống, có gánh nặng đã được tịch tịnh.
Bậc Hiền trí: Bản thể hiền trí nói đến trí, tức là tuệ, là sự nhận biết, sự chọn lựa, sự khám phá, sự chọn lựa pháp, sự quan sát, sự suy xét, sự phân biệt, sự thông thái, sự thông thạo, sự khôn khéo, sự thông suốt, sự cân nhắc, sự khảo sát, sự hiểu biết rộng rãi, sự thông minh, pháp dẫn đầu, sự thấy rõ, sự nhận biết rõ, vật xuyên thủng, tuệ, tuệ quyền, tuệ lực, tuệ là vũ khí, tuệ là lâu đài, tuệ là ánh sáng, tuệ là hào quang, tuệ là cây đèn, tuệ là báu vật, sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến; được thành tựu với trí ấy, bậc Hiền trí đạt đến bản thể hiền trí.
Ba hiền trí hạnh: Hiền trí hạnh về thân, hiền trí hạnh về khẩu, hiền trí hạnh về ý.
Hiền trí hạnh về thân là điều nào? Sự dứt bỏ ba loại uế hạnh về thân là hiền trí hạnh về thân, ba loại thiện hạnh về thân là hiền trí hạnh về thân, trí ở đối tượng thân là hiền trí hạnh về thân, sự biết toàn diện về thân là hiền trí hạnh về thân, đạo đồng hành với sự biết toàn diện là hiền trí hạnh về thân, sự dứt bỏ mong muốn và luyến ái ở thân là hiền trí hạnh về thân, sự chứng đạt tứ thiền có sự diệt của thân hành là hiền trí hạnh về thân; điều này là hiền trí hạnh về thân.
Hiền trí hạnh về khẩu là điều nào? Sự dứt bỏ bốn loại uế hạnh về khẩu là hiền trí hạnh về khẩu, bốn loại thiện hạnh về khẩu là hiền trí hạnh về khẩu, trí ở đối tượng khẩu là hiền trí hạnh về khẩu, sự biết toàn diện về khẩu là hiền trí hạnh về khẩu, đạo đồng hành với sự biết toàn diện là hiền trí hạnh về khẩu, sự dứt bỏ mong muốn và luyến ái ở khẩu là hiền trí hạnh về khẩu, sự chứng đạt nhị thiền có sự diệt của khẩu hành là hiền trí hạnh về khẩu; điều này là hiền trí hạnh về khẩu.
Hiền trí hạnh về ý là điều nào? Sự dứt bỏ ba loại uế hạnh về ý là hiền trí hạnh về ý, ba loại thiện hạnh về ý là hiền trí hạnh về ý, trí ở đối tượng tâm là hiền trí hạnh về ý, sự biết toàn diện về tâm là hiền trí hạnh về ý, đạo đồng hành với sự biết toàn diện là hiền trí hạnh về ý, sự dứt bỏ mong muốn và luyến ái ở tâm là hiền trí hạnh về ý, sự chứng đạt Diệt thọ tưởng có sự diệt của tâm hành là hiền trí hạnh về ý; điều này là hiền trí hạnh về ý.
5. [Chư Phật] đã nói về bậc Hiền trí về thân, bậc Hiền trí về khẩu, bậc Hiền trí về ý, bậc không còn lậu hoặc, bậc Hiền trí thành tựu hiền trí hạnh là bậc có sự dứt bỏ tất cả.
6. [Chư Phật] đã nói về bậc Hiền trí về thân, bậc Hiền trí về khẩu, bậc Hiền trí về ý, bậc không còn lậu hoặc, bậc Hiền trí thành tựu hiền trí hạnh là bậc có điều ác đã được rửa sạch.
Được thành tựu ba pháp hiền trí hạnh này là sáu hạng hiền trí: Các bậc Hiền trí tại gia, các bậc Hiền trí xuất gia, các bậc Hiền trí Hữu học, các bậc Hiền trí Vô học, các bậc Hiền trí Độc Giác, các bậc Hiền trí của các bậc Hiền trí.
Các bậc Hiền trí tại gia là các hạng nào? Những người tại gia đã thấy Niết-bàn, đã nhận thức giáo pháp, là các bậc Hiền trí tại gia. Các bậc Hiền trí xuất gia là các hạng nào? Những người xuất gia đã thấy Niết-bàn, đã nhận thức giáo pháp, là các bậc Hiền trí xuất gia. Bảy hạng Hữu học là các bậc Hiền trí Hữu học. Các vị A-la-hán là các bậc Hiền trí Vô học. Các vị Phật Độc Giác là các bậc Hiền trí Độc Giác. Các đức Như Lai, A-la-hán Chánh Đẳng Giác là các bậc Hiền trí của các bậc Hiền trí.
7. Không phải do trạng thái im lặng mà kẻ có bộ dạng khờ khạo, ngu dốt trở thành bậc Hiền trí. Nhưng người nào, tựa như người cầm lấy cái cân rồi chọn lấy vật quý giá, là người sáng suốt.
8. Người lánh xa hẳn các điều ác, người ấy là bậc Hiền trí; do việc ấy người ấy trở thành bậc Hiền trí. Người nào hiểu rõ cả hai thế giới (nội tâm và ngoại cảnh), do việc ấy được gọi là bậc Hiền trí.
9. Vị biết được bản chất của những kẻ xấu và của những người tốt, nội phần và ngoại phần, ở tất cả thế gian, vị được tôn vinh bởi chư thiên và nhân loại, vị đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới [tham ái và tà kiến]; vị ấy là bậc Hiền trí.
Đã được thoát khỏi: Bậc Hiền trí có tâm đã được thoát khỏi, đã được giải thoát, đã khéo được giải thoát khỏi sự luyến ái, có tâm khỏi sự sân hận, có tâm đã được thoát khỏi, đã được giải thoát, đã khéo được giải thoát khỏi sự si mê,… (nt)… có tâm đã được thoát khỏi, đã được giải thoát, đã khéo được giải thoát khỏi tất cả các pháp tạo tác bất thiện.
“Vị ấy, có gánh nặng đã được đặt xuống, là bậc Hiền trí đã được thoát ra khỏi” là như thế.
Không chịu sự sắp đặt, không phải kiêng chừa, không có ước nguyện, [đức Thế Tôn nói vậy].
Sắp đặt: Có hai sự sắp đặt: Sự sắp đặt do tham ái và sự sắp đặt do tà kiến. ... (nt)… điều này là sự sắp đặt do tham ái. ... (nt)… điều này là sự sắp đặt do tà kiến. Đối với vị ấy, sự sắp đặt do tham ái đã được dứt bỏ, sự sắp đặt do tà kiến đã được buông bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với sự sắp đặt do tham ái, do trạng thái đã được buông bỏ đối với sự sắp đặt do tà kiến, vị ấy không sắp đặt, không làm sanh ra, không làm sanh khởi, không làm hạ sanh, không làm phát sanh ra sự sắp đặt do tham ái hoặc sự sắp đặt do tà kiến. “Không chịu sự sắp đặt” là như thế.
Không phải kiêng chừa: Tất cả phàm nhân ngu si bị luyến ái; tất cả các bậc Hữu học, tính luôn phàm nhân tốt lành thì tránh khỏi, xa lánh, tránh xa [luyến ái] nhằm đạt đến pháp chưa đạt đến, nhằm chứng đắc pháp chưa chứng đắc, nhằm chứng ngộ pháp chưa chứng ngộ; vị A-la-hán là đã tránh khỏi, đã xa lánh, đã tránh xa, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc, sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn. “Không chịu sự sắp đặt, không phải kiêng chừa” là như thế.
Không có ước nguyện.
Ước nguyện: Nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện. Đối với vị nào, sự ước nguyện tham ái ấy là đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ; vị ấy được gọi là không có ước nguyện.
Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính. Thêm nữa, “vị có luyến ái đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có sân hận đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có si mê đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có ngã mạn đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có tà kiến đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có cây gai đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có ô nhiễm đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị đã phân phát, đã phân chia, đã phân phối Pháp bảo” là đức Thế Tôn; “vị thực hiện sự chấm dứt các hữu” là đức Thế Tôn; “vị có thân đã được tu tập, có giới đã được tu tập, có tâm đã được tu tập, có tuệ đã được tu tập” là đức Thế Tôn; “vị đã thân cận các khu rừng, các nơi heo hút, các chỗ trú ngụ xa vắng có ít âm thanh, ít tiếng ồn, có bầu không gian vắng vẻ, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, và vật dụng là thuốc men chữa bệnh” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về vị của mục đích, về vị của pháp, về vị của giải thoát, về thắng giới, về thắng tâm, về thắng tuệ” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về bốn thiền, về bốn vô lượng [tâm], về bốn sự thể nhập vô sắc” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về tám giải thoát, về tám thắng xứ [của thiền], về chín sự thể nhập và an trú theo tuần tự” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về mười sự tu tập về tưởng, về mười sự thể nhập các đề mục kasiṇa, về định niệm hơi thở vào hơi thở ra, về sự thể nhập các đề mục tử thi” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về mười Như Lai lực, về bốn pháp tự tin, về bốn tuệ phân tích, về sáu thắng trí, về sáu pháp của đức Phật” là đức Thế Tôn. Tên gọi “Thế Tôn” này không do mẹ tạo ra, không do cha tạo ra, không do anh [em] trai tạo ra, không do chị [em] gái tạo ra, không do bạn bè hoặc thân hữu tạo ra, không do các thân quyến và những người cùng huyết thống tạo ra, không do các Sa-môn hoặc Bà-la-môn tạo ra, không do chư thiên tạo ra, sự tận cùng của giải thoát này là sự quy định thuộc về chư Phật Thế Tôn do sự đạt được, do sự chứng ngộ trí Toàn tri ở cội cây Bồ-đề, tức là “đức Thế Tôn.”
“Không chịu sự sắp đặt, không phải kiêng chừa, không có ước nguyện, [đức Thế Tôn nói vậy]” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Vị ấy là người diệt đạo binh ở tất cả các pháp, ở bất cứ điều gì đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác. Vị ấy, có gánh nặng đã được đặt xuống, là bậc Hiền trí đã được thoát ra khỏi, không chịu sự sắp đặt, không phải kiêng chừa, không có ước nguyện”, [đức Thế Tôn nói vậy].
“Diễn giải kinh sự dàn trận lớn” được đầy đủ - Phần thứ mười ba.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.