Tam tạng Thánh điển PGVN 08 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 08»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 4
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
12. DIỄN GIẢI KINH SỰ DÀN TRẬN NHỎ
(CŪḶAVIYŪHASUTTANIDDESO)
Giờ phần “Diễn giải kinh sự dàn trận nhỏ” được nói đến:
12.1. Trong khi sống theo quan điểm riêng của từng cá nhân, nhiều vị [tự xưng là] thiện xảo, giữ khư khư [quan điểm của mình], rồi nói khác nhau [rằng]: Người nào nhận biết như vầy, người ấy đã hiểu biết pháp. Kẻ khinh miệt điều này, kẻ ấy là không toàn hảo.
Trong khi sống theo quan điểm riêng của từng cá nhân: Có một số Sa-môn và Bà-la-môn là những người theo tà kiến. Họ chấp nhận, tiếp thu, nắm lấy, bám víu, chấp chặt tà kiến này khác trong số sáu mươi hai tà kiến, rồi trú, cộng trú, cư trú, lưu trú theo tà kiến của riêng mình. Giống như những người tại gia trú trong các ngôi nhà, những người có tội lỗi trú trong các tội lỗi, những người có ô nhiễm trú trong các ô nhiễm; tương tự như vậy, có một số Sa-môn và Bà-la-môn là những người theo tà kiến. Họ chấp nhận, tiếp thu, nắm lấy, bám víu, chấp chặt tà kiến này khác trong số sáu mươi hai tà kiến, rồi trú, cộng trú, cư trú, lưu trú theo tà kiến của riêng mình.
“Trong khi sống theo quan điểm riêng của từng cá nhân” là như thế.
Nhiều vị [tự xưng là] thiện xảo, giữ khư khư [quan điểm của mình], rồi nói khác nhau.
Giữ khư khư [quan điểm của mình]: Sau khi chấp nhận, sau khi tiếp thu, sau khi nắm lấy, sau khi bám víu, sau khi chấp chặt [quan điểm của mình], rồi nói khác nhau, nói khác biệt, nói cách này cách khác, nói một cách riêng biệt, nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả không đồng nhất.
Thiện xảo: Là có học thuyết thiện xảo, có học thuyết sáng suốt, có học thuyết vững chắc, có học thuyết đúng đắn, có học thuyết thực tiễn, có học thuyết rõ rệt, có học thuyết gương mẫu, có học thuyết giá trị dựa theo quan niệm của mình.
“Nhiều vị [tự xưng là] thiện xảo, giữ khư khư [quan điểm của mình], rồi nói khác nhau” là như thế.
Người nào nhận biết như vầy, người ấy đã hiểu biết pháp: Người nào nhận biết pháp, quan điểm, cách thực hành, đạo lộ này, người ấy đã hiểu biết, đã thông hiểu, đã nhìn thấy, đã thấu triệt pháp.
“Người nào nhận biết như vầy, người ấy đã hiểu biết pháp” là như thế.
Kẻ khinh miệt điều này, kẻ ấy là không toàn hảo: Kẻ nào khinh miệt pháp, quan điểm, cách thực hành, đạo lộ này, kẻ ấy là không toàn hảo, không đầy đủ, không tròn đủ, là thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi.
“Kẻ khinh miệt điều này, kẻ ấy là không toàn hảo” là như thế.
Vì thế, vị [Phật] do thần thông biến hóa ra đã hỏi rằng:
“Trong khi sống theo quan điểm riêng của từng cá nhân, nhiều vị [tự xưng là] thiện xảo, giữ khư khư [quan điểm của mình], rồi nói khác nhau [rằng]: Người nào nhận biết như vầy, người ấy đã hiểu biết pháp. Kẻ khinh miệt điều này, kẻ ấy là không toàn hảo.”
12.2. Sau khi giữ khư khư [quan điểm của mình] như vậy, chúng tranh cãi, và đã nói rằng: “Người khác là ngu si, không thiện xảo.” Vậy thì lời nói nào trong số này là chân lý, bởi vì tất cả những người này đều tuyên bố [họ] là hiện xảo?
Sau khi giữ khư khư [quan điểm của mình] như vậy, chúng tranh cãi: Sau khi chấp nhận, sau khi tiếp thu, sau khi nắm lấy, sau khi bám víu, sau khi chấp chặt [quan điểm của mình] như vậy, chúng tranh cãi, chúng gây ra sự cãi cọ, gây ra sự cãi lộn, gây ra sự cãi vã, gây ra sự tranh cãi, gây ra sự gây gổ rằng: “Ngươi không biết Pháp và Luật này… (nt)… hoặc ngươi hãy gỡ rối nếu ngươi có khả năng.”
“Sau khi giữ khư khư [quan điểm của mình] như vậy, chúng tranh cãi” là như thế.
Và đã nói rằng: “Người khác là ngu si, không thiện xảo.” “Người khác là ngu si, thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi, không thiện xảo, không có sự hiểu biết, không đạt đến kiến thức, không có trí, không có sự rành rẽ, có tuệ tồi”, chúng đã nói như vậy, thuyết giảng như vậy, phát ngôn như vậy, giảng giải như vậy, diễn tả như vậy.
“Và đã nói rằng: Người khác là ngu si, không thiện xảo” là như thế.
Vậy thì lời nói nào trong số này là chân lý: Lời nói nào trong số các Sa-môn và Bà-la-môn này là chân lý, là đúng đắn, là thực thể, là đang xảy ra, là xác đáng, là không bị sai lệch.
“Vậy thì lời nói nào trong số này là chân lý” là như thế.
Bởi vì tất cả những người này đều tuyên bố [họ] là thiện xảo: Tất cả những Sa-môn và Bà-la-môn này đều là có học thuyết thiện xảo, có học thuyết sáng suốt, có học thuyết vững chắc, có học thuyết đúng đắn, có học thuyết thực tiễn, có học thuyết rõ rệt, có học thuyết gương mẫu, có học thuyết giá trị dựa theo quan niệm của mình.
“Bởi vì tất cả những người này đều tuyên bố [họ] là thiện xảo” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Sau khi giữ khư khư [quan điểm của mình] như vậy, chúng tranh cãi, và đã nói rằng: ‘Người khác là ngu si, không thiện xảo.’ Vậy thì lời nói nào trong số này là chân lý, bởi vì tất cả những người này đều tuyên bố [họ] là thiện xảo?”
12.3. Nếu kẻ không thừa nhận pháp của người khác,
[Cho rằng người khác] là ngu si, là loài thú, là có tuệ thấp kém,
Thì tất cả quả là những kẻ ngu si, có tuệ vô cùng thấp kém,
Tất cả những người này quả đang sống theo quan điểm [của mình].
Nếu kẻ không thừa nhận pháp của người khác: Trong khi không chấp thuận, trong khi không nhìn nhận, trong khi không tùy thuận, trong khi không thừa nhận, trong khi không tùy hỷ pháp, quan điểm, cách thực hành, đạo lộ của người khác.
“Nếu kẻ không thừa nhận pháp của người khác” là như thế.
[Cho rằng người khác] là ngu si, là loài thú, là có tuệ thấp kém: Người khác là ngu si,[1] thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi, có tuệ thấp hèn, có tuệ hèn kém, có tuệ thấp kém, có tuệ thấp thỏi, có tuệ tồi tệ, có tuệ nhỏ nhoi.
“[Cho rằng người khác] là ngu si, là loài thú, là có tuệ thấp kém” là như thế.
Thì tất cả quả là những kẻ ngu si, có tuệ vô cùng thấp kém: Tất cả những Sa-môn và Bà-la-môn này quả là ngu si, thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi, tất cả quả là có tuệ thấp hèn, có tuệ hèn kém, có tuệ thấp kém, có tuệ thấp thỏi, có tuệ tồi tệ, có tuệ nhỏ nhoi.
“Thì tất cả quả là những kẻ ngu si, có tuệ vô cùng thấp kém” là như thế.
Tất cả những người này quả đang sống theo quan điểm [của mình]: Tất cả những Sa-môn và Bà-la-môn này quả là những người theo tà kiến. Chúng chấp nhận, tiếp thu, nắm lấy, bám víu, chấp chặt tà kiến này khác trong số sáu mươi hai tà kiến, rồi trú, cộng trú, cư trú, lưu trú theo tà kiến của riêng mình. Giống như những người tại gia trú trong các ngôi nhà, những người có tội lỗi trú trong các tội lỗi, những người có ô nhiễm trú trong các ô nhiễm, tương tự như vậy, tất cả những Sa-môn và Bà-la-môn này quả là những người theo tà kiến. … (nt)… rồi trú, cộng trú, cư trú, lưu trú theo tà kiến của riêng mình.
“Tất cả những người này quả đang sống theo quan điểm [của mình]” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Nếu kẻ không thừa nhận pháp của người khác,
[Cho rằng người khác] là ngu si, là loài thú, là có tuệ thấp kém,
Thì tất cả quả là những kẻ ngu si, có tuệ vô cùng thấp kém,
Tất cả những người này quả đang sống theo quan điểm [của mình].”
12.4. Và nếu do quan điểm của mình, những kẻ không trong trắng
Trở nên có tuệ thanh khiết, thiện xảo, có sự nhận thức,
Thì không ai trong số họ là có tuệ hoàn toàn thấp kém,
Bởi vì quan điểm của họ đã được thâu nhận cũng là như thế ấy.
Và nếu do quan điểm của mình, những kẻ không trong trắng: Do quan điểm của mình, do sự chấp nhận của mình, do sự ưa thích của mình, do quan niệm của mình, những kẻ không là người trong trắng, là người không trong trắng, không thuần khiết, có ô nhiễm.
“Và nếu do quan điểm của mình, những kẻ không trong trắng” là như thế.
Trở nên có tuệ thanh khiết, thiện xảo, có sự nhận thức.
Có tuệ thanh khiết: Là có tuệ trong sạch, có tuệ hoàn toàn trong sạch, có tuệ trong trắng, có tuệ thuần khiết. Hoặc là, có sự thấy trong sạch, có sự thấy thanh tịnh, có sự thấy hoàn toàn trong sạch, có sự thấy trong trắng, có sự thấy thuần khiết. “Có tuệ thanh khiết” là như thế.
Thiện xảo: Thiện xảo là sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh. “Trở nên có tuệ thanh khiết, thiện xảo” là như thế.
Có sự nhận thức: Có sự nhận thức là sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.
“Trở nên có tuệ thanh khiết, thiện xảo, có sự nhận thức” là như thế.
Thì không ai trong số họ là có tuệ hoàn toàn thấp kém: Không có ai trong số các Sa-môn và Bà-la-môn ấy là có tuệ thấp hèn, có tuệ hèn kém, có tuệ thấp kém, có tuệ thấp thỏi, có tuệ tồi tệ, có tuệ nhỏ nhoi; toàn bộ tất cả [các vị ấy] đều có tuệ nhất hạng, có tuệ thù thắng, có tuệ dẫn đầu, có tuệ tối thượng, có tuệ cao quý.
“Thì không ai trong số họ là có tuệ hoàn toàn thấp kém” là như thế.
Bởi vì quan điểm của họ đã được thâu nhận cũng là như thế ấy: Quan điểm của các Sa-môn và Bà-la-môn ấy là được thâu nhận, được thọ trì, được nắm lấy, được bám víu, được chấp chặt, được bám chặt, được hướng đến là như thế ấy.
“Bởi vì quan điểm của họ đã được thâu nhận cũng là như thế ấy” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Và nếu do quan điểm của mình, những kẻ không trong trắng
Trở nên có tuệ thanh khiết, thiện xảo, có sự nhận thức,
Thì không ai trong số họ là có tuệ hoàn toàn thấp kém,
Bởi vì quan điểm của họ đã được thâu nhận cũng là như thế ấy.”
12.5. Nhưng Ta không nói rằng: “Điều ấy là bản thể thật”,
Là điều mà các kẻ ngu đã nói đối chọi lẫn nhau.
Chúng đã tạo lập quan điểm riêng của từng cá nhân là chân lý;
Chính vì điều ấy, chúng xem người khác là “kẻ ngu si.”
Nhưng Ta không nói rằng: “Điều ấy là bản thể thật.”
Không: Là sự phủ định.
Điều ấy: Là sáu mươi hai tà kiến. Không có việc Ta nói, Ta nêu ra, Ta chỉ bảo, Ta thông báo, Ta ấn định, Ta khai mở, Ta chia sẻ, Ta làm rõ, Ta bày tỏ rằng: “Điều ấy là đúng đắn, là thực thể, là đang xảy ra, là xác đáng, là không bị sai lệch.”
“Nhưng Ta không nói rằng: Điều ấy là bản thể thật” là như thế.
Là điều mà các kẻ ngu đã nói đối chọi lẫn nhau.
Đối chọi: Là hai người, hai người gây nên sự cãi cọ, hai người gây nên sự cãi lộn, hai người gây nên cuộc nói chuyện nhảm nhí, hai người gây nên sự tranh cãi, hai người gây nên sự tranh tụng, hai người tranh luận, hai người chuyện trò. Chúng đã nói như vậy, thuyết như vậy, phát ngôn như vậy, giảng giải như vậy, diễn tả như vậy [đối chọi] lẫn nhau là ngu si, là thấp hèn, là hèn kém, là thấp kém, là thấp thỏi, là tồi tệ, là nhỏ nhoi.
“Là điều mà các kẻ ngu đã nói đối chọi lẫn nhau” là như thế.
Chúng đã tạo lập quan điểm riêng của từng cá nhân là chân lý: Chúng đã tạo lập quan điểm riêng của từng cá nhân là chân lý rằng: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại”;… (nt)… “Thế giới là không thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại”;… (nt)… “Chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.”
“Chúng đã tạo lập quan điểm riêng của từng cá nhân là chân lý” là như thế.
Chính vì điều ấy, chúng xem người khác là “kẻ ngu si.”
Vì điều ấy: Vì điều ấy là bởi lý do ấy, bởi nhân ấy, bởi duyên ấy, bởi căn nguyên ấy, chúng đánh giá, nhìn thấy, nhận thấy, quan sát, suy xét, khảo sát người khác là ngu si, là thấp hèn, là hèn kém, là thấp kém, là thấp thỏi, là tồi tệ, là nhỏ nhoi.
“Chính vì điều ấy, chúng xem người khác là ‘kẻ ngu si’” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Nhưng Ta không nói rằng: ‘Điều ấy là bản thể thật’,
Là điều mà các kẻ ngu đã nói đối chọi lẫn nhau.
Chúng đã tạo lập quan điểm riêng của từng cá nhân là chân lý;
Chính vì điều ấy, chúng xem người khác là ‘kẻ ngu si’.”
12.6. Điều mà một số kẻ đã nói: “Là chân lý, là bản thể thật”,
Những kẻ khác đã nói điều ấy: “Là rỗng không, là sai trái.”
Sau khi giữ khư khư [quan điểm của mình] như vậy, họ tranh cãi.
Vì sao các vị Sa-môn nói không đồng nhất?
Điều mà một số kẻ đã nói: “Là chân lý, là bản thể thật”: Giáo pháp, quan điểm, cách thực hành, đạo lộ nào mà một số Sa-môn và Bà-la-môn đã nói như vậy, thuyết như vậy, phát ngôn như vậy, giảng giải như vậy, diễn tả như vậy [rằng]: “Điều này là đúng đắn, là thực thể, là đang xảy ra, là xác đáng, là không bị sai lệch.”
“Điều mà một số kẻ đã nói: ‘Là chân lý, là bản thể thật’” là như thế.
Những kẻ khác đã nói điều ấy: “Là rỗng không, là sai trái”: Một số Sa-môn và Bà-la-môn đã nói như vậy, thuyết như vậy, phát ngôn như vậy, giảng giải như vậy, diễn tả như vậy về giáo pháp, quan điểm, cách thực hành, đạo lộ ấy rằng: “Điều ấy là rỗng không, điều ấy là sai trái, điều ấy là không xảy ra, điều ấy là không thật, điều ấy là không xác đáng.”
“Những kẻ khác đã nói điều ấy: ‘Là rỗng không, là sai trái’” là như thế.
Sau khi giữ khư khư [quan điểm của mình] như vậy, họ tranh cãi: Sau khi chấp nhận, sau khi tiếp thu, sau khi nắm lấy, sau khi bám víu, sau khi chấp chặt [quan điểm của mình] như vậy, họ tranh cãi, họ gây ra sự cãi cọ, gây ra sự cãi lộn, gây ra sự cãi vã, gây ra sự tranh cãi, gây ra sự gây gổ rằng: “Ngươi không biết Pháp và Luật này… (nt)… hoặc ngươi hãy gỡ rối nếu ngươi có khả năng.”
“Sau khi giữ khư khư [quan điểm của mình] như vậy, họ tranh cãi” là như thế.
Vì sao các vị Sa-môn nói không đồng nhất?
Vì sao: Là vì điều gì, bởi lý do gì, bởi nhân gì, bởi duyên gì, bởi căn nguyên gì, bởi nhân sanh khởi gì, bởi mầm sanh khởi gì, bởi nguồn sanh khởi gì, họ nói không đồng nhất, nói khác nhau, nói khác biệt, nói cách này cách khác, họ nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả một cách riêng biệt.
“Vì sao các vị Sa-môn nói không đồng nhất?” là như thế.
Vì thế, vị [Phật] do thần thông biến hóa ra đã hỏi rằng:
“Điều mà một số kẻ đã nói: ‘Là chân lý, là bản thể thật’,
Những kẻ khác đã nói điều ấy: ‘Là rỗng không, là sai trái.’
Sau khi giữ khư khư [quan điểm của mình] như vậy, họ tranh cãi.
Vì sao các vị Sa-môn nói không đồng nhất?”
12.7. Bởi vì chân lý chỉ có một, không có cái thứ hai,
Trong khi nhận biết về điều ấy, loài người sẽ không tranh cãi.
Chúng tự mình kể lể về các sự thật khác nhau;
Vì thế, các vị Sa-môn nói không đồng nhất.
Bởi vì chân lý chỉ có một, không có cái thứ hai: Một chân lý nói đến sự diệt khổ, Niết-bàn, tức là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn. Hoặc là, một chân lý nói đến chân lý về đạo lộ, chân lý về lối dẫn dắt ra khỏi, sự thực hành đưa đến sự diệt tận khổ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần tức là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
“Bởi vì chân lý chỉ có một, không có cái thứ hai” là như thế.
Trong khi nhận biết về điều ấy, loài người sẽ không tranh cãi.
Về điều ấy: Về chân lý ấy.
Loài người: Là tên gọi cho chúng sanh.
Trong khi nhận biết: Trong khi nhận biết, trong khi nhận thức, trong khi thừa nhận, trong khi thấu triệt chân lý ấy, chúng sẽ không gây ra sự cãi cọ, sẽ không gây ra sự cãi lộn, sẽ không gây ra sự cãi vã, sẽ không gây ra sự tranh cãi, sẽ không gây ra sự gây gổ, chúng sẽ dứt bỏ, sẽ xua đi, sẽ làm chấm dứt, sẽ làm cho không còn hiện hữu sự cãi cọ, sự cãi lộn, sự cãi vã, sự tranh cãi, sự gây gổ.
“Trong khi nhận biết về điều ấy, loài người sẽ không tranh cãi” là như thế.
Chúng tự mình kể lể về các chân lý khác nhau: Chúng tự mình kể lể, nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả về các chân lý khác nhau. Chúng tự mình kể lể, nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả về các chân lý khác nhau rằng: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.” Chúng tự mình kể lể, nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả về các chân lý khác nhau rằng: “Thế giới là không thường còn,… (nt)… chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.”
“Chúng tự mình kể lể về các chân lý khác nhau” là như thế.
Vì thế, các vị Sa-môn nói không đồng nhất.
Vì thế: Là do điều ấy, bởi lý do ấy, bởi nhân ấy, bởi duyên ấy, bởi căn nguyên ấy, chúng nói không đồng nhất, nói khác nhau, nói khác biệt, nói cách này cách khác, chúng nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả một cách riêng biệt.
“Vì thế, các vị Sa-môn nói không đồng nhất” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Bởi vì chân lý chỉ có một, không có cái thứ nhì,
Trong khi nhận biết về điều ấy, loài người sẽ không tranh cãi.
Chúng tự mình kể lể về các chân lý khác nhau;
Vì thế, các vị Sa-môn nói không đồng nhất.”
12.8. Nhưng vì sao họ, những nhà biện luận tuyên bố [mình] là thiện xảo, lại nói về các chân lý khác nhau? Phải chăng các chân lý đã được nghe là có nhiều và khác nhau? Hay là các vị ấy theo đuổi sự suy tư [của riêng mình]?
Nhưng vì sao họ lại nói về các chân lý khác nhau?
Vì sao: Là vì điều gì, bởi lý do gì, bởi nhân gì, bởi duyên gì, bởi căn nguyên gì, họ nói khác nhau về các chân lý, họ nói về các loại khác biệt, họ nói cách này cách khác, họ nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả nhiều cách riêng biệt.
“Nhưng vì sao họ lại nói về các chân lý khác nhau?” là như thế.
Những nhà biện luận tuyên bố [mình] là thiện xảo.
Tuyên bố: “Họ phát biểu dứt khoát” cũng là tuyên bố. Hoặc là, họ phát biểu, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả quan điểm riêng của từng cá nhân. Họ phát biểu, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả rằng: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.” Họ phát biểu, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả rằng: “Thế giới là không thường còn,… (nt)… chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.”
Những nhà biện luận thiện xảo: Là những người có học thuyết thiện xảo, có học thuyết sáng suốt, có học thuyết vững chắc, có học thuyết đúng đắn, có học thuyết thực tiễn, có học thuyết rõ rệt, có học thuyết gương mẫu, có học thuyết giá trị dựa theo quan niệm của mình.
“Những nhà biện luận tuyên bố [mình] là thiện xảo” là như thế.
Phải chăng các chân lý đã được nghe là có nhiều và khác nhau? Phải chăng các chân lý đã được nghe là có nhiều, khác nhau, nhiều loại khác biệt, các loại này loại khác, nhiều loại riêng biệt?
“Phải chăng các chân lý đã được nghe là có nhiều và khác nhau?” là như thế.
Hay là các vị ấy theo đuổi sự suy tư [của riêng mình]? Hay là họ bị đưa đi, bị dẫn đi, bị lôi đi, bị mang đi bởi sự suy tư, bởi sự suy tầm, bởi sự tư duy. “Hay là các vị ấy theo đuổi sự suy tư [của riêng mình]?” là như vậy. Hoặc là, họ nói, họ thuyết giảng, họ phát ngôn, họ giảng giải, họ diễn tả về điều đã thu thập được do sự suy tư, về điều đã đeo đuổi với sự thẩm xét, về điều phát hiện của bản thân.
“Hay là các vị ấy theo đuổi sự suy tư [của riêng mình]?” còn là như vậy.
Vì thế, vị [Phật] do thần thông biến hóa ra đã hỏi rằng:
“Nhưng vì sao họ, những nhà biện luận tuyên bố [mình] là thiện xảo, lại nói về các chân lý khác nhau? Phải chăng các chân lý đã được nghe là có nhiều và khác nhau? Hay là các vị ấy theo đuổi sự suy tư [của riêng mình]?”
12.9. Đương nhiên là không có nhiều chân lý khác nhau và thường còn ở thế gian, ngoại trừ [các chân lý] do tưởng [tạo ra]. Và sau khi xếp đặt sự suy tư về các quan điểm [do chúng tạo ra], chúng đã nói về hai pháp là: Đúng và sai.
Đương nhiên là không có nhiều chân lý khác nhau: Đương nhiên là không có các chân lý nhiều loại, khác nhau, nhiều loại khác biệt, các loại này loại khác, nhiều loại riêng biệt.
“Đương nhiên là không có nhiều chân lý khác nhau” là như thế.
Và thường còn ở thế gian, ngoại trừ [các chân lý] do tưởng [tạo ra]: Ngoại trừ việc nắm bắt thường xuyên do tưởng, chỉ có một chân lý ở thế gian được thuyết giảng, được phát ngôn, được giảng giải, được diễn tả là sự diệt khổ, Niết-bàn, tức là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn. Hoặc là, một chân lý nói đến chân lý về đạo lộ, chân lý về lối dẫn dắt ra khỏi, sự thực hành đưa đến sự diệt tận khổ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần tức là: Chánh kiến,… (nt)… chánh định.
“Và thường còn ở thế gian, ngoại trừ [các chân lý] do tưởng [tạo ra]” là như thế.
Và sau khi xếp đặt sự suy tư về các quan điểm [do chúng tạo ra], chúng đã nói về hai pháp là: Đúng và sai: Sau khi suy tư, sau khi suy tầm, sau khi tư duy về sự suy tư, về sự suy tầm, về sự tư duy, chúng làm sanh ra, làm sanh khởi, làm hạ sanh, làm phát sanh các quan điểm; sau khi làm sanh ra, sau khi làm sanh khởi, sau khi làm hạ sanh, sau khi làm phát sanh các quan điểm, [rồi cho rằng:] “Của tôi là đúng, của anh là sai”, chúng đã nói như vậy, thuyết giảng như vậy, phát ngôn như vậy, giảng giải như vậy, diễn tả như vậy.
“Và sau khi xếp đặt sự suy tư về các quan điểm [do chúng tạo ra], chúng đã nói về hai pháp là: Đúng và sai” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Đương nhiên là không có nhiều chân lý khác nhau và thường còn ở thế gian, ngoại trừ [các chân lý] do tưởng [tạo ra]. Và sau khi xếp đặt sự suy tư về các quan điểm [do chúng tạo ra], chúng đã nói về hai pháp là: Đúng và sai.”
12.10. Liên quan đến điều đã được thấy, đến điều đã được nghe, đến giới và phận sự, hoặc đến điều đã được cảm giác, sau khi nương tựa vào những điều này, rồi có sự coi khinh [người khác], sau khi ỷ vào các sự phán đoán, trong lúc hớn hở, [kẻ ấy] đã nói rằng: “Người khác là ngu si, là không thiện xảo.”
Liên quan đến điều đã được thấy, đến điều đã được nghe, đến giới và phận sự, hoặc đến điều đã được cảm giác, sau khi nương tựa vào những điều này, rồi có sự coi khinh [người khác]: Sau khi nương tựa, sau khi dựa vào, sau khi nắm lấy, sau khi bám víu, sau khi chấp chặt vào điều đã được thấy hoặc sự trong sạch do điều đã được thấy, vào điều đã được nghe hoặc sự trong sạch do điều đã được nghe, vào giới hoặc sự trong sạch do giới, vào phận sự hoặc sự trong sạch do phận sự, vào điều đã được cảm giác hoặc sự trong sạch do điều đã được cảm giác. “Liên quan đến điều đã được thấy, đến điều đã được nghe, đến giới và phận sự, hoặc đến điều đã được cảm giác” là như thế.
Sau khi nương tựa vào những điều này, rồi có sự coi khinh [người khác]: “Kẻ không kính nể” là có sự coi khinh. Hoặc là, “kẻ làm sanh ra sự ưu phiền” cũng có sự coi khinh.
“Liên quan đến điều đã được thấy, đến điều đã được nghe, đến giới và phận sự, hoặc đến điều đã được cảm giác, sau khi nương tựa vào những điều này, rồi có sự coi khinh [người khác]” là như thế.
Sau khi ỷ vào các sự phán đoán, trong lúc hớn hở: Các sự phán đoán nói đến sáu mươi hai quan điểm sai trái. Sau khi ỷ vào, sau khi thiết lập, sau khi nắm lấy, sau khi bám víu, sau khi chấp chặt vào sự phán đoán theo quan điểm sai trái, vào quan điểm sai trái của sự phán đoán. “Sau khi ỷ vào các sự phán đoán” là như thế.
Trong lúc hớn hở: Là trở nên vui sướng, vui vẻ, thích thú, hoan hỷ, có tâm tư được trọn vẹn. Hoặc là, nhe răng trong lúc [cười] hớn hở.
“Sau khi ỷ vào các sự phán đoán, trong lúc hớn hở” là như thế.
[Kẻ ấy] đã nói rằng: “Người khác là ngu si, là không thiện xảo”: “Người khác là ngu si, thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi, không thiện xảo, không có sự hiểu biết, không đạt đến kiến thức, không có trí, không có sự rành rẽ, không có sự thông minh, có tuệ tồi”, [kẻ ấy] đã nói như vậy, thuyết giảng như vậy, phát ngôn như vậy, giảng giải như vậy, diễn tả như vậy.
“[Kẻ ấy] đã nói rằng: ‘Người khác là ngu si, là không thiện xảo’” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Liên quan đến điều đã được thấy, đến điều đã được nghe, đến giới và phận sự, hoặc đến điều đã được cảm giác, sau khi nương tựa vào những điều này, rồi có sự coi khinh [người khác], sau khi ỷ vào các sự phán đoán, trong lúc hớn hở, [kẻ ấy] đã nói rằng: ‘Người khác là ngu si, là không thiện xảo.’”
12.11. Bởi chính lý do nào mà kẻ ấy đánh giá người khác là “ngu si”,
Thì bởi lý do ấy kẻ ấy đã nói về bản thân là “thiện xảo.”
Kẻ ấy, trong khi tự mình tuyên bố chính mình là thiện xảo,
Rồi khinh thường người khác và phát biểu chính điều ấy.
Bởi chính lý do nào mà kẻ ấy đánh giá người khác là “ngu si”: Bởi chính nhân nào, duyên nào, lý do nào, nguồn sanh khởi nào mà kẻ ấy đánh giá, nhìn thấy, nhận thấy, quan sát, suy xét, khảo sát người khác là ngu si, là thấp hèn, là hèn kém, là thấp kém, là thấp thỏi, là tồi tệ, là nhỏ nhoi.
“Bởi chính lý do nào mà kẻ ấy đánh giá người khác là ‘ngu si’” là như thế.
Thì bởi lý do ấy kẻ ấy đã nói về bản thân là “thiện xảo.”
Bản thân: Đề cập đến mình. Kẻ ấy bởi chính nhân nào, duyên nào, lý do nào, nguồn sanh khởi nào đã nói về mình rằng: “Ta là thiện xảo, sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.”
“Thì bởi lý do ấy kẻ ấy đã nói về bản thân là ‘thiện xảo’” là như thế.
Kẻ ấy, trong khi tự mình tuyên bố chính mình là thiện xảo: Tự chính mình [tuyên bố] về mình là có học thuyết thiện xảo, có học thuyết sáng suốt, có học thuyết vững chắc, có học thuyết đúng đắn, có học thuyết thực tiễn, có học thuyết rõ rệt, có học thuyết gương mẫu, có học thuyết giá trị dựa theo quan niệm của mình.
“Kẻ ấy, trong khi tự mình tuyên bố chính mình là thiện xảo” là như thế.
Rồi khinh thường người khác và phát biểu chính điều ấy: “Kẻ không kính nể” là khinh thường người khác. Hoặc là, “kẻ làm sanh ra sự ưu phiền” cũng là khinh thường người khác.
Phát biểu chính điều ấy: Phát biểu về chính tà kiến ấy rằng: “Như vậy thì người này là người có tà kiến, có cái nhìn sai lệch.”
“Rồi khinh thường người khác và phát biểu chính điều ấy” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Bởi chính lý do nào mà kẻ ấy đánh giá người khác là ‘ngu si’,
Thì bởi lý do ấy kẻ ấy đã nói về bản thân là ‘thiện xảo’.
Kẻ ấy, trong khi tự mình tuyên bố chính mình là thiện xảo,
Rồi khinh thường người khác và phát biểu chính điều ấy.”
12.12. Với quan điểm vượt quá giới hạn, kẻ ấy được thỏa mãn,
Bị say đắm vì ngã mạn, có sự tự cao là toàn vẹn,
Rồi tự chính mình đăng quang cho mình bằng tâm ý;
Chính quan điểm ấy của kẻ ấy đã được thâu nhận như thế.
Với quan điểm vượt quá giới hạn, kẻ ấy được thỏa mãn: Các quan điểm vượt quá giới hạn nói đến sáu mươi hai tà kiến. Vì lý do gì mà các quan điểm vượt quá giới hạn là nói đến sáu mươi hai tà kiến? Tất cả các quan điểm ấy là vượt quá lý lẽ, vượt quá đặc tính, vượt quá nền tảng; vì lý do ấy mà các quan điểm vượt quá giới hạn là nói đến sáu mươi hai tà kiến; tất cả các ngoại đạo[2] đều có quan điểm vượt quá giới hạn. Vì lý do gì mà tất cả các ngoại đạo đều được gọi là có quan điểm vượt quá giới hạn? Chúng sau khi vượt quá, sau khi vượt qua hẳn, sau khi vượt qua khỏi lẫn nhau, thì làm sanh ra, làm sanh khởi, làm hạ sanh, làm phát sanh ra các tà kiến; vì lý do ấy mà các ngoại đạo đều được gọi là có quan điểm vượt quá giới hạn.
Với quan điểm vượt quá giới hạn, kẻ ấy được thỏa mãn: Nhờ vào quan điểm vượt quá giới hạn, [kẻ ấy] được thỏa mãn, được toàn vẹn, không thiếu sót.
“Với quan điểm vượt quá giới hạn, kẻ ấy được thỏa mãn” là như thế.
Bị say đắm vì ngã mạn, có sự tự cao là toàn vẹn: Bị say đắm, bị xao lãng, bị điên cuồng, bị say đắm thái quá bởi tà kiến, bởi sự ngã mạn do tà kiến của mình. “Bị say đắm vì ngã mạn” là như thế.
Có sự tự cao là toàn vẹn: Có sự tự cao là toàn vẹn, có sự tự cao là đầy đủ, có sự tự cao là không thiếu sót.
“Bị say đắm vì ngã mạn, có sự tự cao là toàn vẹn” là như thế.
Rồi tự chính mình đăng quang cho mình bằng tâm ý: Tự chính mình đăng quang cho bản thân bằng tâm rằng: “Ta là thiện xảo, sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.”
“Rồi tự chính mình đăng quang cho mình bằng tâm ý” là như thế.
Chính quan điểm ấy của kẻ ấy đã được thâu nhận như thế: Quan điểm ấy của kẻ ấy là đã được thâu nhận, đã được thọ trì, đã được nắm lấy, đã được bám víu, đã được chấp chặt, đã được bám chặt, đã được hướng đến như thế.
“Chính quan điểm ấy của kẻ ấy đã được thâu nhận như thế” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Với quan điểm vượt quá giới hạn, kẻ ấy được thỏa mãn,
Bị say đắm vì ngã mạn, có sự tự cao là toàn vẹn,
Rồi tự chính mình đăng quang cho mình bằng tâm ý;
Chính quan điểm ấy của kẻ ấy đã được thâu nhận như thế.”
12.13. Bởi vì, nếu do lời nói của kẻ khác mà trở thành thấp kém,
Thì bản thân [kẻ nói], do điều ấy[3] [cũng] trở thành có tuệ thấp kém.
Còn nếu do tự mình mà trở thành người thông hiểu, sáng trí,
Thì không có bất cứ người nào là kẻ ngu trong số các vị Sa-môn.
Bởi vì, nếu do lời nói của kẻ khác mà trở thành thấp kém: Nếu do lời nói, do việc nói, bởi lý do bị chê bai, bởi lý do bị chê trách, bởi lý do bị gièm pha của kẻ khác, mà người khác trở thành ngu si, thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi.
“Bởi vì, nếu do lời nói của kẻ khác mà trở thành thấp kém” là như thế.
Thì bản thân [kẻ nói], do điều ấy [cũng] trở thành có tuệ thấp kém: Kẻ ấy, cũng do chính điều ấy, trở thành có tuệ ngu si, có tuệ thấp hèn, có tuệ hèn kém, có tuệ thấp kém, có tuệ thấp thỏi, có tuệ tồi tệ, có tuệ nhỏ nhoi.
“Thì bản thân [kẻ nói], do điều ấy [cũng] trở thành có tuệ thấp kém” là như thế.
Còn nếu do tự mình mà trở thành người thông hiểu, sáng trí: Còn nếu do tự mình mà trở thành người thông hiểu, sáng trí, sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.
“Còn nếu do tự mình mà trở thành người thông hiểu, sáng trí” là như thế.
Thì không có bất cứ người nào là kẻ ngu trong số các vị Sa-môn: Thì trong số các vị Sa-môn, không có người nào là ngu si, thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi, toàn bộ tất cả [các vị ấy] đều có tuệ nhất hạng, có tuệ thù thắng, có tuệ dẫn đầu, có tuệ tối thượng, có tuệ cao quý.
“Thì không có bất cứ người nào là kẻ ngu trong số các vị Sa-môn” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Bởi vì, nếu do lời nói của kẻ khác mà trở thành thấp kém,
Thì bản thân [kẻ nói], do điều ấy [cũng] trở thành có tuệ thấp kém.
Còn nếu do tự mình mà trở thành người thông hiểu, sáng trí,
Thì không có bất cứ người nào là kẻ ngu trong số các vị Sa-môn.”
12.14. Những kẻ nào thuyết về pháp khác so với điều này,
Những kẻ ấy bị thất bại về [đạo lộ] trong sạch; chúng không toàn hảo.
Những kẻ ngoại đạo cũng nói như vậy theo nhiều cách khác nhau,
Bởi vì chúng bị nhiễm nặng do sự luyến ái với quan điểm của mình.
Những kẻ nào thuyết về pháp khác so với điều này, những kẻ ấy bị thất bại về [đạo lộ] trong sạch; chúng không toàn hảo: Những kẻ nào thuyết về pháp, quan điểm, cách thực hành, đạo lộ khác so với điều này, những kẻ ấy bị mất mát, bị thất bại, bị lầm lỡ, bị rơi khỏi đạo lộ trong sạch, đạo lộ thanh tịnh, đạo lộ hoàn toàn trong sạch, đạo lộ trong trắng, đạo lộ thuần khiết, bị thất bại do không hiểu biết. Chúng không toàn hảo: Chúng không được đầy đủ, chúng không được toàn vẹn, chúng là thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi.
“Những kẻ nào thuyết về pháp khác so với điều này, những kẻ ấy bị thất bại về [đạo lộ] trong sạch; chúng không toàn hảo” là như thế.
Những kẻ ngoại đạo cũng nói như vậy theo nhiều cách khác nhau: Ngoại đạo nói đến tà kiến.
Những kẻ ngoại đạo: Nói đến những kẻ theo tà kiến. Vô số kẻ ngoại đạo nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả vô số tà kiến.
“Những kẻ ngoại đạo cũng nói như vậy theo nhiều cách khác nhau” là như thế.
Bởi vì chúng bị nhiễm nặng do sự luyến ái với quan điểm của mình: Chúng bị luyến ái, bị luyến ái nặng bởi quan điểm, bởi sự luyến ái với quan điểm của mình.
“Bởi vì chúng bị nhiễm nặng do sự luyến ái với quan điểm của mình” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Những kẻ nào thuyết về pháp khác so với điều này,
Những kẻ ấy bị thất bại về [đạo lộ] trong sạch; chúng không toàn hảo.
Những kẻ ngoại đạo cũng nói như vậy theo nhiều cách khác nhau,
Bởi vì chúng bị nhiễm nặng do sự luyến ái với quan điểm của mình.”
12.15. “Chỉ nơi đây có sự trong sạch”, chúng nói như thế ấy;
Chúng đã nói sự thanh tịnh không có ở các giáo pháp khác.
Những kẻ ngoại đạo cũng đã gầy dựng như vậy theo kiểu cách riêng
Về đường lối của mình, trong khi nói một cách chắc chắn về điều ấy.
“Chỉ nơi đây có sự trong sạch”, chúng nói như thế ấy: Chúng nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả về sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi ở nơi đây. Chúng nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả về sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi ở nơi đây rằng: “Thế giới là thường còn; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.” Chúng nói, thuyết giảng, phát ngôn, giảng giải, diễn tả về sự trong sạch, sự thanh tịnh, sự hoàn toàn trong sạch, sự thoát khỏi, sự giải thoát, sự hoàn toàn thoát khỏi ở nơi đây rằng: “Thế giới là không thường còn,… (nt)… chúng sanh không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là chân lý, điều khác là rồ dại.”
“‘Chỉ nơi đây có sự trong sạch’, chúng nói như thế ấy” là như thế.
Chúng đã nói sự thanh tịnh không có ở các giáo pháp khác: Chúng quăng bỏ, ném bỏ, vất bỏ tất cả các học thuyết khác ngoại trừ bậc Đạo sư, giáo lý, tập thể, quan điểm, lối thực hành, đạo lộ của bản thân, rồi đã nói như vầy: “Bậc Đạo sư ấy không là đấng Toàn tri, pháp không khéo được thuyết giảng, tập thể không thực hành tốt đẹp, quan điểm không tốt lành, lối thực hành không khéo được quy định, đạo lộ không dẫn dắt ra khỏi; ở đây không có sự trong sạch, hay sự thanh tịnh, hay sự hoàn toàn trong sạch, hay sự thoát khỏi, hay sự giải thoát, hay sự hoàn toàn thoát khỏi; ở đây không có những người được trong sạch, hay được thanh tịnh, hay được hoàn toàn trong sạch, hay được thoát khỏi, hay được giải thoát, hay được hoàn toàn thoát khỏi; họ thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi”; chúng thuyết giảng như vậy, phát ngôn như vậy, giảng giải như vậy, diễn tả như vậy.
“Chúng đã nói sự thanh tịnh không có ở các giáo pháp khác” là như thế.
Những kẻ ngoại đạo cũng đã gầy dựng như vậy theo kiểu cách riêng: Ngoại đạo nói đến tà kiến. Những kẻ ngoại đạo nói đến những kẻ theo tà kiến. Những kẻ ngoại đạo khác biệt đã gầy dựng, đã thiết lập, đã bám vào, đã đến gần, đã bám chặt, đã hướng đến những tà kiến khác biệt nhau.
“Những kẻ ngoại đạo cũng đã gầy dựng như vậy theo kiểu cách riêng” là như thế.
Về đường lối của mình, trong khi nói một cách chắc chắn về điều ấy: Pháp là đường lối của mình, quan điểm là đường lối của mình, lối thực hành là đường lối của mình, đạo lộ là đường lối của mình; chúng có lời nói chắc chắn, có lời nói vững chắc, có lời nói vững mạnh, có lời nói kiên định về đường lối của mình.
“Về đường lối của mình, trong khi nói một cách chắc chắn về điều ấy” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“‘Chỉ nơi đây có sự trong sạch’, chúng nói như thế ấy;
Chúng đã nói sự thanh tịnh không có ở các giáo pháp khác.
Những kẻ ngoại đạo cũng đã gầy dựng như vậy theo kiểu cách riêng
Về đường lối của mình, trong khi nói một cách chắc chắn về điều ấy.”
12.16. Và trong khi nói một cách chắc chắn về đường lối của mình,
Người nào khác ở đó mà kẻ ấy có thể đánh giá là “ngu si”?
Kẻ ấy tự chính mình đem lại sự gây gổ,
Trong khi nói người khác là ngu si, là có pháp không trong sạch.
Và trong khi nói một cách chắc chắn về đường lối của mình: Pháp là đường lối của mình, quan điểm là đường lối của mình, lối thực hành là đường lối của mình, đạo lộ là đường lối của mình; chúng có lời nói chắc chắn, có lời nói vững chắc, có lời nói vững mạnh, có lời nói kiên định về đường lối của mình.
“Và trong khi nói một cách chắc chắn về đường lối của mình” là như thế.
Người nào khác ở đó mà kẻ ấy có thể đánh giá là “ngu si”?
Ở đó: Ở quan điểm của mình, ở sự chấp nhận của mình, ở sự ưa thích của mình, ở quan niệm của mình, [kẻ ấy] có thể đánh giá người nào, có thể nhìn thấy người nào, có thể nhận thấy người nào, có thể quan sát người nào, có thể suy xét người nào, có thể khảo sát người nào khác là thấp hèn, là hèn kém, là thấp kém, là thấp thỏi, là tồi tệ, là nhỏ nhoi.
“Người nào khác ở đó mà kẻ ấy có thể đánh giá là ‘ngu si’?” là như thế.
Kẻ ấy tự chính mình đem lại sự gây gổ, trong khi nói người khác là ngu si, là có pháp không trong sạch: “Người khác là ngu si, thấp hèn, hèn kém, thấp kém, thấp thỏi, tồi tệ, nhỏ nhoi, có pháp không trong sạch, có pháp không thanh tịnh, có pháp không hoàn toàn trong sạch, có pháp không trong trắng”, trong khi nói như vậy, trong khi thuyết giảng như vậy, trong khi phát ngôn như vậy, trong khi giảng giải như vậy, trong khi diễn tả như vậy, tự chính mình có thể đem lại, có thể đem lại trọn vẹn, có thể mang đến, có thể mang đến trọn vẹn, có thể kéo đến, có thể kéo đến trọn vẹn, có thể nắm lấy, có thể bám víu, có thể chấp chặt vào sự cãi cọ, sự cãi lộn, sự cãi vã, sự tranh cãi, sự gây gổ.
“Kẻ ấy tự chính mình đem lại sự gây gổ, trong khi nói người khác là ngu si, là có pháp không trong sạch” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Và trong khi nói một cách chắc chắn về đường lối của mình,
Người nào khác ở đó mà kẻ ấy có thể đánh giá là ‘ngu si’?
Kẻ ấy tự chính mình đem lại sự gây gổ,
Trong khi nói người khác là ngu si, là có pháp không trong sạch.”
12.17. Sau khi đứng vững ở sự phán đoán, sau khi tự mình ước lượng,
Kẻ ấy đi đến sự tranh cãi còn ở phía trước ở thế gian.
Sau khi từ bỏ tất cả các sự phán đoán,
Con người không tạo ra sự gây gổ ở thế gian.
Sau khi đứng vững ở sự phán đoán, sau khi tự mình ước lượng: Các sự phán đoán nói đến sáu mươi hai tà kiến. Sau khi đứng vững ở quan điểm của sự phán đoán, sau khi thiết lập, sau khi nắm lấy, sau khi bám víu, sau khi chấp chặt. “Sau khi đứng vững ở sự phán đoán” là như thế.
Sau khi tự mình ước lượng: Sau khi tự mình ước lượng, sau khi xác định. Sau khi tự mình ước lượng, sau khi xác định rằng: “Bậc Đạo sư này là đấng Toàn tri”; sau khi tự mình ước lượng, sau khi xác định rằng: “Giáo pháp này khéo được thuyết giảng, tập thể này đã thực hành tốt đẹp, quan điểm này là tốt lành, lối thực hành này đã khéo được quy định, đạo lộ này dẫn dắt ra khỏi.”
“Sau khi đứng vững ở sự phán đoán, sau khi tự mình ước lượng” là như thế.
Kẻ ấy đi đến sự tranh cãi còn ở phía trước ở thế gian.
Còn ở phía trước: Nói đến thời vị lai. Trừ ra sự tranh luận còn ở phía trước của bản thân, kẻ ấy tự chính mình tiếp cận, đi đến gần, nắm lấy, bám víu, chấp chặt sự cãi cọ, sự cãi lộn, sự cãi vã, sự tranh cãi, sự gây gổ. “Kẻ ấy đi đến sự tranh cãi còn ở phía trước ở thế gian” là như vậy. Hoặc là, với sự tranh luận khác còn ở phía trước, kẻ ấy gây ra sự cãi cọ, gây ra sự cãi lộn, gây ra sự cãi vã, gây ra sự tranh cãi, gây ra sự gây gổ rằng: “Ngươi không biết Pháp và Luật này… (nt)… hoặc ngươi hãy gỡ rối nếu ngươi có khả năng.”
“Kẻ ấy đi đến sự tranh cãi còn ở phía trước ở thế gian” còn là như vậy.
Sau khi từ bỏ tất cả các sự phán đoán: Các sự phán đoán nói đến sáu mươi hai tà kiến; sau khi từ bỏ, sau khi phế bỏ, sau khi buông bỏ, sau khi dứt bỏ, sau khi dứt trừ, sau khi xua đi, sau khi làm chấm dứt, sau khi làm cho không còn hiện hữu tất cả các sự phán đoán từ sự phán đoán về quan điểm.
“Sau khi từ bỏ tất cả các sự phán đoán” là như thế.
Con người không tạo ra sự gây gổ ở thế gian: Không gây ra sự cãi cọ, không gây ra sự cãi lộn, không gây ra sự cãi vã, không gây ra sự tranh cãi, không gây ra sự gây gổ. Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến: “Này Aggivessana, với tâm đã được giải thoát như vậy, vị Tỳ-khưu không nói hùa theo bất cứ ai, không tranh cãi với bất cứ ai, sử dụng ngôn từ được thông dụng ở thế gian và không bám víu [vào ngôn từ ấy].”
Con người: Là chúng sanh, đàn ông, thanh niên, người nam, cá nhân, mạng sống, người còn sanh tử, con người, người đi theo nghiệp, nhân loại.
Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh,… (nt)… ở thế gian của các xứ.
“Con người không tạo ra sự gây gổ ở thế gian” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Sau khi đứng vững ở sự phán đoán, sau khi tự mình ước lượng,
Kẻ ấy đi đến sự tranh cãi còn ở phía trước ở thế gian.
Sau khi từ bỏ tất cả các sự phán đoán,
Con người không tạo ra sự gây gổ ở thế gian.”
“Diễn giải kinh sự dàn trận nhỏ” được đầy đủ - Phần thứ mười hai.
[1] Theo cấu trúc văn phạm của 2 dòng kệ đầu: “Kẻ không thừa nhận pháp của người khác” và các từ “ngu si”, “loài thú”, “có tuệ thấp kém” đều là chủ cách, số ít, nên “kẻ không thừa nhận pháp của người khác” quả “là kẻ ngu, là loài thú, là có tuệ thấp kém.” Tuy nhiên, lời giải thích ở trên có phần khác biệt; vì để phù hợp với lời giải thích ấy mà cụm từ ở trong ngoặc vuông [cho rằng người khác] đã được thêm vào. (ND)
[2] Dịch theo sự hiệu đính của Tam tạng Thái Lan và PTS. (ND)
[3] Do việc kẻ khác cũng khinh chê lại người này như vậy (SnA. II. 256).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.