Viện Nghiên Cứu Phật Học

12. DIỄN GIẢI KINH BHADRĀVUDHA
(BHADRĀVUDHASUTTANIDDESO)

 

12.1. [Tôn giả Bhadrāvudha nói rằng:] “Con khẩn cầu bậc Khôn Ngoan, bậc Từ Bỏ Chỗ Trú Ngụ, bậc Cắt Đứt Tham Ái, bậc Không Còn Dục Vọng, bậc Từ Bỏ Niềm Vui, bậc Đã Vượt Qua Dòng Lũ, bậc Đã Được Giải Thoát, bậc Từ Bỏ Sự Sắp Đặt [do tham ái và tà kiến]. Sau khi lắng nghe bậc Long Tượng, từ đây họ sẽ ra đi.”

Bậc Từ Bỏ Chỗ Trú Ngụ, bậc Cắt Đứt Tham Ái, bậc Không Còn Dục Vọng.

Bậc Từ Bỏ Chỗ Trú Ngụ: Mong muốn nào, luyến ái nào, niềm vui nào, tham ái nào, các sự vướng bận và chấp thủ nào là sự quyết định, sự chấp chặt và sự tiềm ẩn của tâm ở sắc giới, đối với đức Phật Thế Tôn, các việc ấy đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; vì thế, đức Phật được gọi là “bậc từ bỏ chỗ trú ngụ.” Mong muốn nào, luyến ái nào, niềm vui nào, tham ái nào, các sự vướng bận và chấp thủ nào là sự quyết định, sự chấp chặt, và sự tiềm ẩn của tâm ở thọ giới,… ở tưởng giới,… ở hành giới,… ở thức giới, đối với đức Phật Thế Tôn, các việc ấy đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; vì thế, đức Phật được gọi là “bậc Từ Bỏ Chỗ Trú Ngụ.”

Bậc Cắt Đứt Tham Ái.

Tham ái: Tham ái cảnh sắc,… (nt)… tham ái cảnh pháp. Đối với đức Phật Thế Tôn, tham ái ấy đã được cắt đứt, đã được cắt lìa, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ; vì thế, đức Phật là “bậc Cắt Đứt Tham Ái.”

Bậc Không Còn Dục Vọng: Dục vọng nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện. Đối với đức Phật Thế Tôn, dục vọng tham ái ấy đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; vì thế, đức Phật là bậc không còn dục vọng. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với dục vọng mà trở thành không còn dục vọng, đức Thế Tôn không xao động vì lợi lộc, không xao động vì không lợi lộc, không xao động vì danh vọng, không xao động vì không danh vọng, không xao động vì lời khen, không xao động vì lời chê, không xao động vì hạnh phúc, không xao động vì khổ đau, không dao động, không run rẩy, không chấn động, không rúng động; vì thế, đức Phật là “bậc Không Còn Dục Vọng.” 

“Bậc Từ Bỏ Chỗ Trú Ngụ, bậc Cắt Đứt Tham Ái, bậc Không Còn Dục Vọng” là như thế.

Tôn giả Bhadrāvudha nói rằng.

Rằng: [Từ “icca” này] là sự nối liền các câu văn,… (nt)…

Tôn giả: [Từ “āyasmā” này] là lời nói yêu mến,… (nt)…

Bhadrāvudha: Là tên của vị Bà-la-môn ấy,… (nt)… từ kêu gọi.

“Tôn giả Bhadrāvudha nói rằng” là như thế.

Bậc Từ Bỏ Niềm Vui, bậc Đã Vượt Qua Dòng Lũ, bậc Đã Được Giải Thoát: Niềm vui nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện. Đối với đức Phật Thế Tôn, niềm vui ấy, tham ái ấy đã được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; vì thế, đức Phật là “bậc Từ Bỏ Niềm Vui.”

Bậc Đã Vượt Qua Dòng Lũ: Đức Thế Tôn đã vượt qua dòng lũ [ngũ] dục, đã vượt qua dòng lũ của hữu, đã vượt qua dòng lũ tà kiến, đã vượt qua dòng lũ vô minh, đã vượt qua mọi nẻo đường luân hồi, đã vượt lên, đã vượt ra khỏi, đã vượt quá, đã vượt qua hẳn, đã vượt qua khỏi. Ngài đã trải qua cuộc sống [của bậc Thánh], đã hoàn tất việc thực hành,… (nt)… Việc sanh tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với vị ấy.” “Bậc Từ Bỏ Niềm Vui, bậc Đã Vượt Qua Dòng Lũ” là như thế.

Bậc Đã Được Giải Thoát: Đối với đức Thế Tôn, tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi sự luyến ái, tâm được thoát khỏi, được giải thoát, khéo được giải thoát khỏi sự sân hận,… (nt)… khỏi sự si mê,… (nt)… khỏi tất cả các pháp tạo tác bất thiện.

“Bậc Từ Bỏ Niềm Vui, bậc Đã Vượt Qua Dòng Lũ, bậc Đã Được Giải Thoát” là như thế.

Con khẩn cầu bậc Khôn Ngoan, bậc Từ Bỏ Sự Sắp Đặt.

Sự sắp đặt: Có hai sự sắp đặt: Sự sắp đặt do tham ái và sự sắp đặt do tà kiến. … (nt)… điều này là sự sắp đặt do tham ái. … (nt)… điều này là sự sắp đặt do tà kiến. Đối với đức Phật Thế Tôn, sự sắp đặt do tham ái đã được dứt bỏ, sự sắp đặt do tà kiến đã được buông bỏ. Do trạng thái đã được dứt bỏ đối với sự sắp đặt do tham ái, do trạng thái đã được buông bỏ đối với sự sắp đặt do tà kiến, vì thế, đức Phật là “bậc Từ Bỏ Sự Sắp Đặt.”

Con khẩn cầu: Con yêu cầu, con khẩn cầu, con thỉnh cầu, con ưng thuận, con ước nguyện, con mong cầu, con khấn nguyện, con nguyện cầu.

Bậc Khôn Ngoan: Khôn ngoan nói đến tuệ. Tuệ là sự nhận biết,… (nt)… sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến. Đức Thế Tôn đã tiến đến, đã tiến gần, đã tiến vào, đã tiến sát, đã đạt đến, đã đầy đủ, đã thành tựu sự khôn ngoan, tuệ này; vì thế, đức Phật là “bậc Khôn Ngoan.”

“Con khẩn cầu bậc Khôn Ngoan, bậc Từ Bỏ Sự Sắp Đặt” là như thế.

Sau khi lắng nghe bậc Long Tượng, từ đây họ sẽ ra đi.

Bậc Long Tượng: Bậc Long Tượng là [nói đến] đức Thế Tôn. “Vị không làm điều tội lỗi” là bậc Long Tượng, “vị không đi đến” là bậc Long Tượng, “vị không trở về” là bậc Long Tượng,… (nt)… “đức Thế Tôn không trở về” là bậc Long Tượng nghĩa là như vậy.

Sau khi lắng nghe bậc Long Tượng, từ đây họ sẽ ra đi: Sau khi lắng nghe, sau khi nghe được, sau khi tiếp thu, sau khi tiếp nhận, sau khi nhận định lời nói, lời phát biểu, lời chỉ bảo, lời khuyên bảo của Ngài, họ sẽ ra đi, họ sẽ xuất hành, họ sẽ khởi hành, họ sẽ đi theo các hướng khác nhau.

“Sau khi lắng nghe bậc Long Tượng, từ đây họ sẽ ra đi” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

[Tôn giả Bhadrāvudha nói rằng:] “Con khẩn cầu bậc Khôn Ngoan, bậc Từ Bỏ Chỗ Trú Ngụ, bậc Cắt Đứt Tham Ái, bậc Không Còn Dục Vọng, bậc Từ Bỏ Niềm Vui, bậc Đã Vượt Qua Dòng Lũ, bậc Đã Được Giải Thoát, bậc Từ Bỏ Sự Sắp Đặt [do tham ái và tà kiến]. Sau khi lắng nghe bậc Long Tượng, từ đây họ sẽ ra đi.”

12.2.       Trong khi mong mỏi lời nói của Ngài, thưa bậc Anh Hùng,
               Vô số người từ các xứ sở đã tụ hội lại.
               Xin Ngài hãy giảng rõ tường tận cho họ,
               Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể.

Vô số người từ các xứ sở đã tụ hội lại.

Vô số người: Các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn, các thương buôn, các nô lệ, các người tại gia, các vị xuất gia, chư thiên và loài người.

Từ các xứ sở đã tụ hội lại: Từ xứ Aṅga, từ xứ Magadha, từ xứ Kaliṅga, từ xứ Kāsi, từ xứ Kosala, từ xứ Vajjī, từ xứ Malla, từ xứ Cetiya, từ xứ Vaṃsa, từ xứ Kuru, từ xứ Pañcāla, từ xứ Maccha, từ xứ Sūrasena, từ xứ Assaka, từ xứ Avanti, từ xứ Yona và từ xứ Kamboja.

Đã tụ hội lại: Đã tụ hội lại, đã tụ họp lại, đã tập trung lại, đã tập hợp lại.

“Vô số người từ các xứ sở đã tụ hội lại” là như thế.

Trong khi mong mỏi lời nói của Ngài, thưa bậc Anh Hùng.

Bậc Anh Hùng: Bậc Anh Hùng là [nói đến] đức Thế Tôn; “vị ấy có sự tinh tấn” là bậc Anh Hùng, “vị có năng lực” là bậc Anh Hùng, “vị có tiềm năng” là bậc Anh Hùng, “vị có khả năng” là bậc Anh Hùng,… (nt)… có sự rởn lông đã được xa lìa” là bậc Anh Hùng.

“Vị đã lánh xa tất cả các việc ác xấu ở đời này,

Vị có tinh tấn ấy đã vượt qua sự khổ đau ở địa ngục,

Vị ấy, có sự tinh tấn, có sự nỗ lực,

Là bậc Anh Hùng, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc Tự Tại’.”

Trong khi mong mỏi lời nói của Ngài, thưa bậc Anh Hùng: Lời nói, lời phát biểu, lời chỉ bảo, lời khuyên bảo của Ngài.

Trong khi mong mỏi: Trong khi mong mỏi là trong khi ước muốn, trong khi ưng thuận, trong khi ước nguyện, trong khi mong cầu, trong khi nguyện cầu.

“Trong khi mong mỏi lời nói của Ngài, thưa bậc Anh Hùng” là như thế.

Xin Ngài hãy giảng rõ tường tận cho họ.

Cho họ: Cho các Sát-đế-lỵ, cho các Bà-la-môn, cho các thương buôn, cho các nô lệ, cho các người tại gia, cho các vị xuất gia, cho chư thiên và cho loài người ấy.

Ngài: Nói đến đức Thế Tôn.

Xin Ngài hãy giảng rõ tường tận: Xin Ngài hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ một cách tường tận.

“Xin Ngài hãy giảng rõ tường tận cho họ” là như thế.

Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể: Bởi vì pháp này đã được biết, đã được cân nhắc, đã được xác định, đã được rõ rệt, đã được minh định bởi Ngài đúng theo bản thể.

“Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

“Trong khi mong mỏi lời nói của Ngài, thưa bậc Anh Hùng,
Vô số người từ các xứ sở đã tụ hội lại.
Xin Ngài hãy giảng rõ tường tận cho họ,
Bởi vì pháp này đã được Ngài biết đúng theo bản thể.”

12.3.     [Đức Thế Tôn nói: “Này Bhadrāvudha]
             Nên dẹp bỏ mọi sự nắm giữ và tham ái
             Ở bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa.
             Bởi vì, mỗi một điều gì họ chấp thủ ở thế gian,
             Do chính điều ấy Ma vương theo đuổi loài người.”

Nên dẹp bỏ mọi sự nắm giữ và tham ái: Sự nắm giữ và tham ái nói đến tham ái ở sắc… (nt)…

Sự nắm giữ và tham ái: Vì lý do gì mà được gọi là sự nắm giữ và tham ái? Do tham ái ấy, họ nắm giữ, họ chấp thủ, họ nắm lấy, họ bám víu, họ chấp chặt về sắc; họ nắm giữ, họ chấp thủ, họ nắm lấy, họ bám víu, họ chấp chặt về thọ,… tưởng,… các hành,… thức,… cảnh giới tái sanh,… sự tái sanh,… sự nối liền tái sanh,… sự hiện hữu,… sự luân hồi,… sự luân chuyển; vì lý do ấy, được gọi là sự nắm giữ và tham ái.

Nên dẹp bỏ mọi sự: Nên dẹp bỏ, nên dẹp hẳn, nên dứt bỏ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên làm cho không còn hiện hữu mọi sự nắm giữ và tham ái.

“Nên dẹp bỏ mọi sự nắm giữ và tham ái” là như thế.

Đức Thế Tôn nói: Này Bhadrāvudha… (nt)…

Bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa.

Bên trên là nói đến thời tương lai, bên dưới là nói đến thời quá khứ, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là thời hiện tại.

Bên trên là thế giới chư thiên, bên dưới là thế giới địa ngục, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là thế giới loài người.

Bên trên là các pháp thiện, bên dưới là các pháp bất thiện, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là các pháp vô ký.

Bên trên là cảm thọ lạc, bên dưới là cảm thọ khổ, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là cảm thọ không khổ không lạc.

Bên trên là vô sắc giới, bên dưới là dục giới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là sắc giới.

Bên trên là từ lòng bàn chân trở lên, bên dưới là từ đỉnh ngọn tóc trở xuống, luôn cả bề ngang và khoảng giữa là ở chính giữa.

“Bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa” là như thế.

Bởi vì, mỗi một điều gì họ chấp thủ ở thế gian: Họ nắm giữ, họ chấp thủ, họ nắm lấy, họ bám víu, họ chấp chặt mỗi một điều gì liên quan đến sắc, liên quan đến thọ, liên quan đến tưởng, liên quan đến hành, liên quan đến thức.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh… (nt)… ở thế gian của các xứ.

“Bởi vì, mỗi một điều gì họ chấp thủ ở thế gian” là như thế.

Do chính điều ấy Ma vương theo đuổi loài người: Do chính tác động của pháp tạo tác là nghiệp ấy có liên quan đến việc nối liền tái sanh, uẩn Ma vương, giới Ma vương, xứ Ma vương, cảnh giới Ma vương, tái sanh Ma vương, tái tục Ma vương, hữu Ma vương, luân hồi Ma vương, luân chuyển Ma vương theo đuổi [loài người], đi theo, là kẻ theo đuổi.

Loài người: Là chúng sanh, đàn ông, thanh niên, người nam, cá nhân, mạng sống, người còn sanh tử, loài người, người đi theo nghiệp, [sinh vật] nhân loại.

“Do chính điều ấy Ma vương theo đuổi loài người” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Bhadrāvudha]
Nên dẹp bỏ mọi sự nắm giữ và tham ái
Ở bên trên, bên dưới, luôn cả bề ngang và khoảng giữa.
Bởi vì, mỗi một điều gì họ chấp thủ ở thế gian,
Do chính điều ấy Ma vương theo đuổi loài người.”

12.4. Bởi vậy, trong khi nhận biết [điều này], vị Tỳ-khưu có niệm, không nên chấp thủ bất cứ điều gì ở tất cả thế gian. Trong khi xem xét những người bị dính mắc ở sự nắm giữ như vậy, [vị ấy biết] nhân loại này bị vướng mắc ở lãnh địa của thần chết.

Bởi vậy, trong khi nhận biết [điều này],... không nên chấp thủ:

Bởi vậy: Bởi vậy là bởi lý do ấy, bởi nhân ấy, bởi duyên ấy, bởi căn nguyên ấy, trong khi nhìn thấy rõ điều bất lợi ấy ở sự nắm giữ và tham ái. “Bởi vậy” là như thế.

Trong khi nhận biết: Trong khi biết, trong khi nhận biết, trong khi hiểu biết, trong khi nhận thức, trong khi thừa nhận, trong khi thấu triệt; trong khi biết, trong khi nhận biết, trong khi hiểu biết, trong khi nhận thức, trong khi thừa nhận, trong khi thấu triệt rằng: “Tất cả các hành là vô thường”; trong khi biết, trong khi nhận biết, trong khi hiểu biết, trong khi nhận thức, trong khi thừa nhận, trong khi thấu triệt rằng: “Tất cả các hành là khổ”… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Không nên chấp thủ: Không nên nắm giữ, không nên chấp thủ, không nên nắm lấy, không nên bám víu, không nên chấp chặt vào sắc; không nên nắm giữ, không nên chấp thủ, không nên nắm lấy, không nên bám víu, không nên chấp chặt vào thọ;… vào tưởng;… vào các hành;… vào thức;… vào cảnh giới tái sanh;… vào sự tái sanh;… vào sự nối liền tái sanh;… vào sự hiện hữu;… vào sự luân hồi;… vào sự luân chuyển.

“Bởi vậy, trong khi nhận biết [điều này],... không nên chấp thủ” là như thế.

Vị Tỳ-khưu có niệm, [không nên chấp thủ] bất cứ điều gì ở tất cả thế gian.

Vị Tỳ-khưu: Là vị Tỳ-khưu phàm nhân tốt lành hoặc vị Tỳ-khưu là bậc Hữu học.

Có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân,… (nt)… vị ấy được gọi là có niệm. “Vị Tỳ-khưu có niệm” là như thế.

Bất cứ điều gì: Bất cứ điều gì liên quan đến sắc, liên quan đến thọ, liên quan đến tưởng, liên quan đến hành, liên quan đến thức.

Ở tất cả thế gian: Ở tất cả thế gian của khổ cảnh, ở tất cả thế gian của loài người, ở tất cả thế gian của chư thiên, ở tất cả thế gian của các uẩn, ở tất cả thế gian của các giới, ở tất cả thế gian của các xứ.

“Vị Tỳ-khưu, có niệm, [không nên chấp thủ] bất cứ điều gì ở tất cả thế gian” là như thế.

Trong khi xem xét những người bị dính mắc ở sự nắm giữ như vậy: Những người bị dính mắc ở sự nắm giữ nói đến những người nào nắm giữ, chấp thủ, nắm lấy, bám víu, chấp chặt vào sắc; nắm giữ, chấp thủ, nắm lấy, bám víu, chấp chặt vào thọ;…  vào tưởng;… vào các hành;… vào thức;… vào cảnh giới tái sanh;… vào sự tái sanh;… vào sự nối liền tái sanh;… vào sự hiện hữu;… vào sự luân hồi;… vào sự luân chuyển.

Iti: Từ “iti” này là sự nối liền các câu văn,… (nt)… tính chất tuần tự của các câu văn.

Trong khi xem xét: Trong khi nhìn xem, trong khi nhận thấy, trong khi nhìn thấy, trong khi quan sát, trong khi suy xét, trong khi quán xét, trong khi khảo sát.

“Trong khi xem xét những người bị dính mắc ở sự nắm giữ như vậy” là như thế.

Nhân loại này bị vướng mắc ở lãnh địa của thần chết.

Nhân loại: Là từ nói đến chúng sanh.

Các lãnh địa của thần chết: Nói đến các ô nhiễm, các uẩn và các pháp tạo tác. Nhân loại bị dính mắc, bị vướng mắc, bị dính vào, bị máng vào, bị vướng vào, bị giữ lại ở lãnh địa của thần chết, ở lãnh địa của Ma vương, ở lãnh địa của sự chết. Giống như gói đồ bị dính mắc, bị vướng mắc, bị dính vào, bị máng vào, bị vướng vào, bị giữ lại ở cái chốt gắn ở tường, hoặc ở cái móc bằng ngà voi, tương tự như vậy, nhân loại bị dính mắc, bị vướng mắc, bị dính vào, bị máng vào, bị vướng vào, bị giữ lại ở lãnh địa của thần chết, ở lãnh địa của Ma vương, ở lãnh địa của sự chết.

“Nhân loại này bị vướng mắc ở lãnh địa của thần chết” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Bởi vậy, trong khi nhận biết [điều này], vị Tỳ-khưu có niệm, không nên chấp thủ bất cứ điều gì ở tất cả thế gian. Trong khi xem xét những người bị dính mắc ở sự nắm giữ như vậy, [vị ấy biết] nhân loại này bị vướng mắc ở lãnh địa của thần chết.”

Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn,… (nt) … “Bạch Ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của con, con là người đệ tử.”

“Diễn giải kinh Bhadrāvudha” được hoàn tất.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.