Tam tạng Thánh điển PGVN 08 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 08»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 4
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
11. DIỄN GIẢI KINH JATUKAṆṆĪ
(JATUKAṆṆĪSUTTANIDDESO)
11.1. [Tôn giả Jatukaṇṇī nói rằng:] “Thưa bậc Anh Hùng, sau khi con nghe về vị không có ham muốn các dục, con đã đi đến để hỏi vị đã vượt qua dòng lũ, vị không có ham muốn. Thưa bậc có nhãn quan đã được đồng sanh [với trí toàn giác,] xin Ngài hãy nói về vị thế an tịnh. Thưa đức Thế Tôn, xin Ngài hãy nói cho con về điều này đúng theo sự thật.”
Thưa bậc Anh Hùng, sau khi con nghe về vị không có ham muốn các dục.
Sau khi nghe: Sau khi nghe, sau khi lắng nghe, sau khi tiếp thu, sau khi tiếp nhận, sau khi nhận định. Sau khi con nghe rằng: “Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán,… (nt)… Phật, Thế Tôn.”
Bậc Anh Hùng: Bậc Anh Hùng là [nói đến] đức Thế Tôn; “vị có sự tinh tấn” là bậc Anh Hùng, “vị có năng lực” là bậc Anh Hùng, “vị có tiềm năng” là bậc Anh Hùng, “vị có khả năng” là bậc Anh Hùng, “vị dũng cảm” là bậc Anh Hùng, “vị quả cảm, không nhút nhát, không có sự kinh hãi, không có sự sợ sệt, không có sự trốn chạy, có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ, có sự rởn lông đã được xa lìa” là bậc Anh Hùng.
Vị đã lánh xa tất cả các việc ác xấu ở đời này,
Vị có tinh tấn ấy đã vượt qua sự khổ đau ở địa ngục,
Vị ấy có sự tinh tấn, có sự nỗ lực,
Là bậc Anh Hùng, có bản thể như thế, được gọi là “bậc Tự Tại.” “Thưa bậc Anh Hùng, sau khi con nghe” là như thế.
Về vị không có ham muốn các dục.
Các dục: Theo sự phân loại thì có hai loại dục: Vật dục và ô nhiễm dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là vật dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là ô nhiễm dục. Đối với đức Phật Thế Tôn, các vật dục đã được biết toàn diện, các ô nhiễm dục đã được dứt bỏ. Do trạng thái đã được biết toàn diện đối với các vật dục, do trạng thái đã được dứt bỏ đối với các ô nhiễm dục, đức Thế Tôn không ham muốn các dục, không ước nguyện các dục, không mong cầu các dục, không nguyện cầu các dục. Những người nào ham muốn các dục, ước nguyện các dục, mong cầu các dục, nguyện cầu các dục, những người ấy có sự ham muốn các dục, có sự luyến ái với ái dục, có sự suy tưởng đến tưởng [về dục]. Đức Thế Tôn không ham muốn các dục, không ước nguyện các dục, không mong cầu các dục, không nguyện cầu các dục; vì thế, đức Phật không có dục,[1] không còn dục, có dục đã được từ bỏ, có dục đã được tẩy trừ, có dục đã được giải thoát, có dục đã được dứt bỏ, có dục đã được buông bỏ, có luyến ái đã được xa lìa, có luyến ái đã được tách lìa, có luyến ái đã được từ bỏ, có luyến ái đã được tẩy trừ, có luyến ái đã được giải thoát, có luyến ái đã được dứt bỏ, có luyến ái đã được buông bỏ, đã không còn khao khát, đã được tịch diệt, có trạng thái mát mẻ, có sự cảm thọ lạc, sống với trạng thái cao thượng tự thân.
“Thưa bậc Anh Hùng, sau khi con nghe về vị không có ham muốn các dục” là như thế.
Tôn giả Jatukaṇṇī nói rằng.
Rằng: Từ “icca” này là sự nối liền các câu văn,… (nt)… tính chất tuần tự của các câu văn.
Tôn giả: Từ “āyasmā” này là lời nói yêu mến,… (nt)… lời nói có sự tôn kính và có sự phục tùng.
Jatukaṇṇī: Là họ của vị Bà-la-môn ấy, là sự ấn định, sự chỉ định, sự quy định, sự diễn tả.
“Tôn giả Jatukaṇṇī nói rằng” là như thế.
Con đã đi đến để hỏi vị đã vượt qua dòng lũ, vị không có ham muốn.
Vị đã vượt qua dòng lũ: Vị đã vượt qua dòng lũ là vị đã vượt quá, đã vượt qua hẳn, đã vượt qua khỏi dòng lũ. “Vị đã vượt qua dòng lũ” là như thế.
Để hỏi: Để hỏi, để vấn, để yêu cầu, để thỉnh cầu, để đặt niềm tin.
Con đã đi đến [để hỏi] vị không có ham muốn: Để hỏi vị không có ham muốn, không còn ham muốn, có ham muốn đã được từ bỏ, có ham muốn đã được tẩy trừ, có ham muốn đã được giải thoát, có ham muốn đã được dứt bỏ, có ham muốn đã được buông bỏ, có luyến ái đã được xa lìa, có luyến ái đã được tách lìa, có luyến ái đã được từ bỏ, có luyến ái đã được tẩy trừ, có luyến ái đã được giải thoát, có luyến ái đã được dứt bỏ, có luyến ái đã được buông bỏ, con đã đi lại, đã đi đến, đã đi đến gần, đã đạt đến, đã đi đến gặp Ngài.
“Con đã đi đến để hỏi vị đã vượt qua dòng lũ, vị không có ham muốn” là như thế.
Thưa bậc có nhãn quan đã được đồng sanh [với trí toàn giác], xin Ngài hãy nói về vị thế an tịnh.
An tịnh: Theo một khía cạnh, sự an tịnh cũng như vị thế an tịnh, chính cái ấy là bất tử, Niết-bàn, tức là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn.
Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:
“Vị thế này là an tịnh, vị thế này là hảo hạng, tức là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn.” Hoặc là, theo một khía cạnh khác, các pháp nào vận hành đưa đến việc chứng đắc sự an tịnh, đưa đến việc chạm đến sự an tịnh, đưa đến việc chứng ngộ sự an tịnh, như là: Bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần. Các pháp này gọi là các vị thế an tịnh. Xin Ngài hãy nói, hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ về vị thế an tịnh, vị thế nương tựa, vị thế trú ẩn, vị thế nương nhờ, vị thế không sợ hãi, vị thế bất hoại, vị thế bất tử, vị thế Niết-bàn.
Bậc có nhãn quan đã được đồng sanh [với trí toàn giác]: Nhãn quan nói đến trí toàn giác. Nhãn quan và bản thể chiến thắng của đức Phật Thế Tôn đã được sanh lên tại gốc cây Bồ-đề vào cùng một thời điểm không trước không sau; vì thế đức Phật là bậc có nhãn quan đã được đồng sanh [với trí toàn giác].
“Thưa bậc có nhãn quan đã được đồng sanh [với trí toàn giác], xin Ngài hãy nói về vị thế an tịnh” là như thế.
Thưa đức Thế Tôn, xin Ngài hãy nói cho con về điều này đúng theo sự thật: Đúng theo sự thật nói đến bất tử, Niết-bàn… (nt)… sự diệt tận, Niết-bàn.
Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”
Xin Ngài hãy nói cho con về điều này: Xin Ngài hãy nói, hãy chỉ dạy,… (nt)… hãy bày tỏ.
“Thưa đức Thế Tôn, xin Ngài hãy nói cho con về điều này đúng theo sự thật” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
[Tôn giả Jatukaṇṇī nói rằng:] “Thưa bậc Anh Hùng, sau khi con nghe về vị không có ham muốn các dục, con đã đi đến để hỏi vị đã vượt qua dòng lũ, vị không có ham muốn. Thưa bậc có nhãn quan đã được đồng sanh [với trí toàn giác], xin Ngài hãy nói về vị thế an tịnh. Thưa đức Thế Tôn, xin Ngài hãy nói cho con về điều này đúng theo sự thật.”
11.2. Thật vậy, đức Thế Tôn sinh hoạt [cư xử] sau khi ngự trị các dục,
Tựa như thái dương, có sức nóng, ngự trị trái đất bằng sức nóng.
Thưa bậc có tuệ bao la, đối với con là người có tuệ nhỏ nhoi,
Xin Ngài hãy chỉ dạy về giáo pháp để con có thể nhận thức
Sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây.
Thật vậy, đức Thế Tôn sinh hoạt [cư xử] sau khi ngự trị các dục.
Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”
Các dục: Theo sự phân loại thì có hai loại dục: Vật dục và ô nhiễm dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là vật dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là ô nhiễm dục. Sau khi biết toàn diện các vật dục, sau khi dứt bỏ, sau khi khắc phục, sau khi thống trị, sau khi đè bẹp, sau khi trấn áp, sau khi nghiền nát các ô nhiễm dục, đức Thế Tôn sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, nuôi dưỡng, bảo dưỡng.
“Thật vậy, đức Thế Tôn sinh hoạt [cư xử] sau khi ngự trị các dục” là như thế.
Ví như thái dương, có sức nóng, ngự trị trái đất bằng sức nóng: Thái dương nói đến mặt trời, trái đất nói đến địa cầu. Giống như mặt trời có sức nóng, thành tựu sức nóng, sau khi ngự trị, sau khi thống trị, sau khi đè bẹp, sau khi trấn áp, sau khi thiêu đốt trái đất, sau khi xua đi bóng tối đã che phủ toàn bộ bầu trời, sau khi xua tan bóng đêm, sau khi phô bày ánh sáng, nó di chuyển ở không trung, trên bầu trời, một cách mau lẹ theo quỹ đạo ở không gian; tương tự y như vậy, đức Thế Tôn có hào quang trí tuệ, thành tựu hào quang trí tuệ, sau khi xua tan tất cả nhân sanh khởi của các pháp tạo tác… (nt)… bóng đêm ô nhiễm, bóng tối vô minh, sau khi phô bày ánh sáng trí tuệ, sau khi biết toàn diện các vật dục, sau khi dứt bỏ, sau khi ngự trị, sau khi thống trị, sau khi đè bẹp, sau khi trấn áp, sau khi nghiền nát các ô nhiễm dục, đức Thế Tôn sống, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, nuôi dưỡng, bảo dưỡng.
“Ví như thái dương, có sức nóng, ngự trị trái đất bằng sức nóng” là như thế.
Thưa bậc có tuệ bao la, đối với con là người có tuệ nhỏ nhoi: Con thì có tuệ nhỏ nhoi, có tuệ thấp kém, có tuệ thấp thỏi, có tuệ tồi tệ, còn Ngài có tuệ vĩ đại, có tuệ rộng lớn, có tuệ vi tiếu, có tuệ tốc hành, có tuệ sắc bén, có tuệ thấu suốt. Bao la nói đến trái đất. Đức Thế Tôn đã thành tựu tuệ ấy, [là tuệ] bao la, trải rộng sánh bằng trái đất.
“Thưa bậc có tuệ bao la, đối với con là người có tuệ nhỏ nhoi” là như thế.
Xin Ngài hãy chỉ dạy về giáo pháp để con có thể nhận thức.
Giáo pháp: Xin Ngài hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ, [gồm có] bốn sự thiết lập niệm,… (nt)… Niết-bàn, và sự thực hành đưa đến Niết-bàn.
Để con có thể nhận thức: Để con có thể biết, có thể hiểu, có thể nhận thức, có thể thừa nhận, có thể thấu triệt, có thể chứng đắc, có thể nhìn thấy, có thể chứng ngộ.
“Xin Ngài hãy chỉ dạy về giáo pháp để con có thể nhận thức” là như thế.
Sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây: Sự dứt bỏ đối với sanh, già, và chết ngay ở nơi đây, sự vắng lặng, sự buông bỏ, sự tịch tịnh, bất tử, Niết-bàn.
“Sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
“Thật vậy, đức Thế Tôn sinh hoạt [cư xử] sau khi ngự trị các dục,
Tựa như thái dương, có sức nóng, ngự trị trái đất bằng sức nóng.
Thưa bậc có tuệ bao la, đối với con là người có tuệ nhỏ nhoi,
Xin Ngài hãy chỉ dạy về giáo pháp để con có thể nhận thức
Sự lìa bỏ đối với sanh và già ở nơi đây.”
11.3. [Đức Thế Tôn nói: “Này Jatukaṇṇī]
Ngươi hãy dẹp bỏ sự thèm khát ở các dục
Để nhìn thấy sự xuất ly là an toàn.
Dầu đã được nắm bắt hay đã được vứt bỏ,
Sự vướng bận chớ có hiện diện đối với ngươi.”
Ngươi hãy dẹp bỏ sự thèm khát ở các dục.
Các dục: Theo sự phân loại thì có hai loại dục: Vật dục và ô nhiễm dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là vật dục. ... (nt)… Các điều này được gọi là ô nhiễm dục.
Thèm khát: Nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.
Ngươi hãy dẹp bỏ sự thèm khát ở các dục: Ngươi hãy dẹp bỏ, hãy dẹp hẳn, hãy dứt bỏ, hãy xua đi, hãy làm chấm dứt, hãy làm cho không còn hiện hữu sự thèm khát ở các dục.
“Ngươi hãy dẹp bỏ sự thèm khát ở các dục” là như thế.
Jatukaṇṇī: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng họ.
Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính… (nt)… sự quy định do việc chứng ngộ, tức là “đức Thế Tôn.”
“Đức Thế Tôn nói: Này Jatukaṇṇī” là như thế.
Để nhìn thấy sự xuất ly là an toàn.
Sự xuất ly: Sau khi nhìn xem, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt để nhìn thấy sự thực hành đúng đắn, sự thực hành phù hợp, sự thực hành không trái ngược, sự thực hành đưa đến lợi ích, sự thực hành đúng pháp và thuận pháp, việc làm đầy đủ các giới, việc phòng vệ các giác quan, việc biết chừng mực về vật thực, sự luyện tập về tỉnh thức, niệm và sự nhận biết rõ, bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần, Niết-bàn và đường lối thực hành đưa đến Niết-bàn là an toàn, là nơi nương tựa, là nơi trú ẩn, là nơi nương nhờ, là nơi không sợ hãi, là bất hoại, là bất tử, là Niết-bàn.
“Để nhìn thấy sự xuất ly là an toàn” là như thế.
Dầu đã được nắm bắt hay đã được vứt bỏ.
Đã được nắm bắt: Đã được nắm lấy, đã được bám víu, đã được chấp chặt, đã được bám chặt, đã được hướng đến do tác động của tham ái, do tác động của tà kiến.
Hay đã được vứt bỏ: Nên được quăng bỏ, nên được buông ra, nên được dứt bỏ, nên được xua đi, nên được làm chấm dứt, nên được làm cho không còn hiện hữu.
“Dầu đã được nắm bắt hay đã được vứt bỏ” là như thế.
Sự vướng bận chớ có hiện diện đối với ngươi: Luyến ái là vướng bận, sân hận là vướng bận, si mê là vướng bận, ngã mạn là vướng bận, tà kiến là vướng bận, ô nhiễm là vướng bận, uế hạnh là vướng bận. Sự vướng bận này chớ có hiện diện, chớ có tồn tại đối với ngươi, ngươi hãy dứt bỏ, hãy xua đi, hãy làm chấm dứt, hãy làm cho không còn hiện hữu.
“Sự vướng bận chớ có hiện diện đối với ngươi” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
[Đức Thế Tôn nói: “Này Jatukaṇṇī]
Ngươi hãy dẹp bỏ sự thèm khát ở các dục
Để nhìn thấy sự xuất ly là an toàn.
Dầu đã được nắm bắt hay đã được vứt bỏ,
Sự vướng bận chớ có hiện diện đối với ngươi.”
11.4. Điều nào trước đây (quá khứ), ngươi hãy làm khô héo điều ấy.
Chớ có điều vướng bận sanh khởi đến ngươi sau này (vị lai).
Nếu ngươi không nắm lấy [điều gì] ở khoảng giữa (hiện tại),
Ngươi sẽ sống, được yên tịnh.
Điều nào trước đây (quá khứ), ngươi hãy làm khô héo điều ấy: Những ô nhiễm nào sanh lên liên quan đến các pháp tạo tác thuộc quá khứ, ngươi hãy làm khô cạn, hãy làm khô héo, hãy làm khô ráo, hãy làm khô queo, hãy làm không còn mầm giống, hãy dứt bỏ, hãy xua đi, hãy làm chấm dứt, hãy làm cho không còn hiện hữu các ô nhiễm ấy. “Điều nào trước đây (quá khứ), ngươi hãy làm khô héo điều ấy” là như vậy. Hoặc là, các pháp tạo tác là các nghiệp thuộc quá khứ chưa chín muồi hoặc đã trổ quả, ngươi hãy làm khô cạn, hãy làm khô héo, hãy làm khô ráo, hãy làm khô queo, hãy làm không còn mầm giống, hãy dứt bỏ, hãy xua đi, hãy làm chấm dứt, hãy làm cho không còn hiện hữu các pháp tạo tác là các nghiệp ấy.
“Điều nào trước đây (quá khứ), ngươi hãy làm khô héo điều ấy” còn là như vậy.
Chớ có điều vướng bận sanh khởi đến ngươi sau này (vị lai): Sau này nói đến thời vị lai. Những điều [vướng bận] nào sanh lên liên quan đến các pháp tạo tác thuộc vị lai: Luyến ái là vướng bận, sân hận là vướng bận, si mê là vướng bận, ngã mạn là vướng bận, tà kiến là vướng bận, ô nhiễm là vướng bận, uế hạnh là vướng bận, mong rằng những điều vướng bận này chớ sanh khởi cho ngươi; ngươi chớ tạo ra, chớ làm cho sanh ra, chớ làm cho sanh khởi, chớ làm cho hạ sanh, chớ làm cho phát sanh, ngươi hãy dứt bỏ, hãy xua đi, hãy làm chấm dứt, hãy làm cho không còn hiện hữu những điều vướng bận này.
“Chớ có điều vướng bận sanh khởi đến ngươi sau này (vị lai)” là như thế.
Nếu ngươi không nắm lấy [điều gì] ở khoảng giữa (hiện tại): Khoảng giữa nói đến các sắc, thọ, tưởng, hành, thức thuộc hiện tại. Ngươi sẽ không chấp nhận, sẽ không nắm lấy, sẽ không bám víu, sẽ không vui mừng, sẽ không thích thú, sẽ không bám chặt các pháp tạo tác thuộc hiện tại do tác động của tham ái, do tác động của tà kiến. Ngươi sẽ dứt bỏ, sẽ xua đi, sẽ làm chấm dứt, sẽ làm cho không còn hiện hữu sự thích thú, sự tán thưởng, sự bám chặt, sự nắm lấy, sự bám víu, sự chấp chặt.
“Nếu ngươi sẽ không nắm lấy [điều gì] ở khoảng giữa (hiện tại)” là như thế.
Ngươi sẽ sống, được yên tịnh: Do trạng thái đã được an tịnh, do trạng thái đã được yên lặng, do trạng thái đã được yên tịnh đối với luyến ái, do trạng thái đã được an tịnh, do trạng thái đã được yên lặng, do trạng thái đã được yên tịnh, do trạng thái đã được vắng lặng, do trạng thái đã được thiêu hủy, do trạng thái đã được tịch diệt, do trạng thái đã được tách lìa, do trạng thái đã được tịch tịnh đối với sân hận,… (nt)… đối với tất cả các pháp tạo tác bất thiện, được an tịnh, được yên tịnh, được vắng lặng, được tịch diệt, được tịch tịnh, ngươi sẽ sống, sẽ trú ngụ, sẽ sinh hoạt, sẽ vận hành, sẽ bảo hộ, sẽ hộ trì, sẽ bảo dưỡng.
“Ngươi sẽ sống, được yên tịnh” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Điều nào trước đây (quá khứ), ngươi hãy làm khô héo điều ấy.
Chớ có điều vướng bận sanh khởi đến ngươi sau này (vị lai).
Nếu ngươi không nắm lấy [điều gì] ở khoảng giữa (hiện tại),
Ngươi sẽ sống, được yên tịnh.”
11.5. Này Bà-la-môn, đối với vị đã xa lìa sự thèm khát
Ở danh và sắc về mọi phương diện,
Đối với vị này các lậu hoặc không hiện hữu,
Bởi vì chúng, con người rơi vào sự cai quản của tử thần.
Này Bà-la-môn, đối với vị đã xa lìa sự thèm khát ở danh và sắc về mọi phương diện.
Về mọi phương diện: Là tất cả theo tổng thể, tất cả trong mọi trường hợp, một cách trọn vẹn, không còn dư sót, từ “sabbaso” này là lối nói của sự bao gồm.
Danh: Bốn nhóm không có sắc.[2]
Sắc: Là bốn yếu tố chính [đất, nước, lửa, gió] và sắc liên quan đến bốn yếu tố chính.
Sự thèm khát: Nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.
Này Bà-la-môn, đối với vị đã xa lìa sự thèm khát ở danh và sắc về mọi phương diện: Đối với vị đã xa lìa sự thèm khát, đã tách lìa sự thèm khát, đã từ bỏ sự thèm khát, đã tẩy trừ sự thèm khát, đã giải thoát sự thèm khát, đã dứt bỏ sự thèm khát, đã buông bỏ sự thèm khát, đã xa lìa sự luyến ái, đã tách lìa sự luyến ái, đã từ bỏ sự luyến ái, đã tẩy trừ sự luyến ái, đã giải thoát sự luyến ái, đã dứt bỏ sự luyến ái, đã buông bỏ sự luyến ái ở danh và sắc về mọi phương diện.
“Này Bà-la-môn, đối với vị đã xa lìa sự thèm khát ở danh và sắc về mọi phương diện” là như thế.
Đối với vị này các lậu hoặc không hiện hữu.
Các lậu hoặc: Có bốn lậu hoặc: Dục lậu, hữu lậu, kiến lậu, vô minh lậu.
Đối với vị này: Đối với vị A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt.
Không hiện hữu: Đối với vị ấy, các lậu hoặc này là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.
“Đối với vị này các lậu hoặc không hiện hữu” là như thế.
Bởi vì chúng, con người rơi vào sự cai quản của tử thần: Bởi vì các lậu hoặc nào, con người đi vào sự cai quản của tử thần, hoặc đi vào sự cai quản của sự chết, hoặc đi vào sự cai quản của phe nhóm thuộc Ma vương; đối với vị ấy, các lậu hoặc ấy là không có, không hiện hữu, không tìm thấy, không tồn tại, đã được dứt bỏ, đã được trừ tuyệt, đã được vắng lặng, đã được tịch tịnh, không thể sanh khởi nữa, đã được thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ.
“Bởi vì chúng, con người rơi vào sự cai quản của tử thần” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Này Bà-la-môn, đối với vị đã xa lìa sự thèm khát
Ở danh và sắc về mọi phương diện,
Đối với vị này các lậu hoặc không hiện hữu,
Bởi vì chúng, con người rơi vào sự cai quản của tử thần.”
Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn,… (nt)… “Bạch Ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của con, con là người đệ tử.”
“Diễn giải kinh Jatukaṇṇī” được hoàn tất.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.