Tam tạng Thánh điển PGVN 08 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 08»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 4
(Khuddaka Nikāya)
Dịch giả: Tỳ-khưu Indacanda
10.1. [Tôn giả Kappa nói rằng:]
“Thưa Ngài, xin Ngài hãy nói về hòn đảo
Dành cho những người đang đứng giữa hồ nước,
Ở dòng lũ có sự nguy hiểm lớn đã được sanh ra,
Dành cho những người đang bị chế ngự bởi lão và tử.
Và xin Ngài hãy nói ra cho con về hòn đảo
Để cho cái [khổ] khác giống như cái [khổ] này không thể xảy ra.”
Dành cho những người đang đứng giữa hồ nước: Hồ nước nói đến luân hồi, là việc đi đến [thế giới này], việc ra đi [đến thế giới khác], việc đi và đến, thời điểm [từ trần], cảnh giới tái sanh, kiếp sống khác từ kiếp sống này, sự tử vong, sự tái sanh, sự hạ sanh, sự tan rã, sự sanh, sự già và sự chết. Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến, điểm cuối cùng cũng không được biết đến, các chúng sanh tồn tại, thiết lập, bám vào, đến gần, bám chặt, hướng đến ở dòng luân hồi, ngay chính giữa.
“Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” là thế nào?
“Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy kiếp sống, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy trăm kiếp sống, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế; “điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy ngàn kiếp sống, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy trăm ngàn kiếp sống, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy koṭi[1] kiếp sống, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy trăm koṭi kiếp sống, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy ngàn koṭi kiếp sống, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy trăm ngàn koṭi kiếp sống, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy.
“Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy năm, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy trăm năm, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy ngàn năm, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy trăm ngàn năm, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy koṭi năm, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy trăm koṭi năm, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy ngàn koṭi năm, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy trăm ngàn koṭi năm, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy.
“Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy kiếp trái đất, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy trăm kiếp trái đất, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy ngàn kiếp trái đất, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy trăm ngàn kiếp trái đất, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy koṭi kiếp trái đất, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy trăm koṭi kiếp trái đất, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy ngàn koṭi kiếp trái đất, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Sự luân chuyển đã xoay vần chỉ chừng ấy trăm ngàn koṭi kiếp trái đất, trước đó đã không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy.
Bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến:
“Này các Tỳ-khưu, luân hồi này là không biết được điểm khởi đầu. Điểm đầu tiên không được biết đến đối với các chúng sanh có sự che lấp bởi vô minh,… có sự ràng buộc bởi tham ái,… đang chạy quanh, đang chuyển dịch. Một thời gian dài lâu như vậy, quả thật, này các Tỳ-khưu, khổ đau được trải nghiệm, khổ não được trải nghiệm, sự tổn hại được trải nghiệm, các nghĩa trang được tăng thêm. Cho đến chừng ấy, này các Tỳ-khưu, thật quá đủ để nhàm chán về các pháp tạo tác, quá đủ để xa lìa luyến ái, quá đủ để giải thoát.” “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy.
“Điểm cuối cùng của luân hồi không được biết đến” là thế nào?
“Sự luân chuyển sẽ xoay vần chừng ấy kiếp sống, sau đó sẽ không xoay vần”, chắc chắn không có như thế; điểm cuối cùng của luân hồi không được biết đến là như vậy. “Sự luân chuyển sẽ xoay vần chừng ấy trăm kiếp sống,… (nt)… chừng ấy ngàn kiếp sống,… (nt)… chừng ấy trăm ngàn kiếp sống,… (nt)… chừng ấy koṭi kiếp sống,… (nt)… chừng ấy trăm koṭi kiếp sống,… (nt)… chừng ấy ngàn koṭi kiếp sống,… (nt)… chừng ấy trăm ngàn koṭi kiếp sống,… (nt)… chừng ấy năm,… (nt)… chừng ấy trăm năm,… (nt)… chừng ấy ngàn năm,… (nt)… chừng ấy trăm ngàn năm,… (nt)… chừng ấy koṭi năm,… (nt)… chừng ấy trăm koṭi năm,… (nt)… chừng ấy ngàn koṭi năm,… (nt)… chừng ấy trăm ngàn koṭi năm,… (nt)… chừng ấy kiếp trái đất,… (nt)… chừng ấy trăm kiếp trái đất,… (nt)… chừng ấy ngàn kiếp trái đất,… (nt)… chừng ấy trăm ngàn kiếp trái đất,… (nt)… chừng ấy koṭi kiếp trái đất,… (nt)… chừng ấy trăm koṭi kiếp trái đất,… (nt)… chừng ấy ngàn koṭi kiếp trái đất,… (nt)… chừng ấy trăm ngàn koṭi kiếp trái đất, sau đó sẽ không xoay vần”, chắc chắn không có như thế. “Điểm cuối cùng của luân hồi không được biết đến” còn là như vậy. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến, điểm cuối cùng cũng không được biết đến, các chúng sanh tồn tại, thiết lập, bám vào, đến gần, bám chặt, hướng đến ở dòng luân hồi, ngay chính giữa” là như vậy.
“Dành cho những người đang đứng giữa hồ nước” là như thế.
Tôn giả Kappa nói rằng.
Rằng: [Từ “icca” này] là sự nối liền các câu văn… (nt)…
Tôn giả: [Từ “āyasmā” này] là lời nói yêu mến,… (nt)…
Kappa: Là tên của vị Bà-la-môn ấy,… (nt)… từ kêu gọi.
“Tôn giả Kappa nói rằng” là như thế.
Ở dòng lũ có sự nguy hiểm lớn đã được sanh ra: Ở dòng lũ [ngũ] dục, ở dòng lũ của hữu, ở dòng lũ tà kiến, ở dòng lũ vô minh đã được sanh ra, đã được sanh khởi, đã được hạ sanh, đã được phát sanh, đã được xuất hiện.
Sự nguy hiểm lớn: Nguy hiểm về sanh, nguy hiểm về già, nguy hiểm về bệnh, nguy hiểm về chết.
“Ở dòng lũ có sự nguy hiểm lớn đã được sanh ra” là như thế.
Dành cho những người đang bị chế ngự bởi lão và tử: Đối với những người bị xúc chạm, bị chế ngự, bị xâm nhập, bị sở hữu bởi già, bị xúc chạm, bị chế ngự, bị xâm nhập, bị sở hữu bởi chết, bị theo sau bởi sanh, bị đeo đuổi bởi già, bị thống trị bởi bệnh, bị hành hạ bởi chết, không nơi nương tựa, không nơi trú ẩn, không nơi nương nhờ, có trạng thái không nơi nương nhờ.
“Dành cho những người đang bị chế ngự bởi lão và tử” là như thế.
Thưa Ngài, xin Ngài hãy nói về hòn đảo: Xin Ngài hãy nói, hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ về hòn đảo, nơi nương tựa, nơi trú ẩn, nơi nương nhờ, cảnh giới tái sanh, sự nâng đỡ.
Thưa Ngài: Từ “mārisa” này là lời nói yêu mến, lời nói kính trọng, lời nói có sự tôn kính và có sự phục tùng.
“Thưa Ngài, xin Ngài hãy nói về hòn đảo” là như thế.
Và xin Ngài hãy nói ra cho con về hòn đảo.
Ngài: Nói đến đức Thế Tôn.
Xin Ngài hãy nói ra về hòn đảo: Xin Ngài hãy nói ra, hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ về hòn đảo, nơi nương tựa, nơi trú ẩn, nơi nương nhờ, cảnh giới tái sanh, sự nâng đỡ.
“Và xin Ngài hãy nói ra cho con về hòn đảo” là như thế.
Để cho cái [khổ] khác giống như cái [khổ] này không thể xảy ra: Để cho khổ đau giống như khổ đau này, ở ngay tại nơi đây, có thể được diệt tận, có thể vắng lặng, có thể đi đến sự tiêu hoại, có thể tịch tịnh, [để cho] khổ đau liên quan đến tái sanh lại nữa không thể hạ sanh, không thể sanh ra; không thể sanh khởi, không thể hạ sanh, không thể phát sanh ở dục giới, hoặc ở sắc giới, hoặc ở vô sắc giới, hoặc ở cõi dục, hoặc ở cõi sắc, hoặc ở cõi vô sắc, hoặc ở cõi hữu tưởng, hoặc ở cõi vô tưởng, hoặc ở cõi phi tưởng phi phi tưởng, hoặc ở cõi một uẩn, hoặc ở cõi bốn uẩn, hoặc ở cõi năm uẩn, hoặc ở cảnh giới tái sanh, hoặc ở sự tái sanh, hoặc ở sự tiếp nối tái sanh, hoặc ở sự hiện hữu, hoặc ở sự luân hồi, hoặc ở sự luân chuyển, [và] có thể được diệt tận, có thể vắng lặng, có thể đi đến sự tiêu hoại, có thể tịch tịnh ở ngay tại nơi đây.
“Để cho cái [khổ] khác giống như cái [khổ] này không thể xảy ra” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
[Tôn giả Kappa nói rằng:]
“Thưa Ngài, xin Ngài hãy nói về hòn đảo
Dành cho những người đang đứng giữa hồ nước,
Ở dòng lũ có sự nguy hiểm lớn đã được sanh ra,
Dành cho những người đang bị chế ngự bởi lão và tử.
Và xin Ngài hãy nói ra cho con về hòn đảo
Để cho cái [khổ] khác giống như cái [khổ] này không thể xảy ra.”
10.2. [Đức Thế Tôn nói: “Này Kappa]
Ta [sẽ] nói với ngươi về hòn đảo, này Kappa,
Dành cho những người đang đứng giữa hồ nước,
Ở dòng lũ có sự nguy hiểm lớn đã được sanh ra,
Dành cho những người đang bị chế ngự bởi lão và tử.”
Dành cho những người đang đứng giữa hồ nước: Hồ nước nói đến luân hồi, là việc đi đến [thế giới này], việc ra đi [đến thế giới khác], việc đi và đến, thời điểm [từ trần], cảnh giới tái sanh, kiếp sống khác từ kiếp sống này, sự tử vong, sự tái sanh, sự hạ sanh, sự tan rã, sự sanh, sự già, và sự chết. Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến, điểm cuối cùng cũng không được biết đến, các chúng sanh tồn tại, thiết lập, bám vào, đến gần, bám chặt, hướng đến ở dòng luân hồi, ngay chính giữa.
“Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” là thế nào? … (nt)… “điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến” là như vậy. “Điểm cuối cùng của luân hồi không được biết đến” là thế nào? … (nt)… “điểm cuối cùng của luân hồi không được biết đến” là như vậy. “Điểm đầu tiên của luân hồi không được biết đến, điểm cuối cùng cũng không được biết đến, các chúng sanh tồn tại, thiết lập, bám vào, đến gần, bám chặt, hướng đến ở dòng luân hồi, ngay chính giữa” là như vậy. “Đối với những người đang đứng giữa hồ nước” là như thế.
Đức Thế Tôn nói: Này Kappa:… (nt)…
Ở dòng lũ có sự nguy hiểm lớn đã được sanh ra: Ở dòng lũ [ngũ] dục, ở dòng lũ của hữu, ở dòng lũ tà kiến, ở dòng lũ vô minh đã được sanh ra, đã được sanh khởi, đã được hạ sanh, đã được phát sanh, đã được xuất hiện.
Sự nguy hiểm lớn: Nguy hiểm về sanh, nguy hiểm về già, nguy hiểm về bệnh, nguy hiểm về chết.
“Ở dòng lũ có sự nguy hiểm lớn đã được sanh ra” là như thế.
Dành cho những người đang bị chế ngự bởi lão và tử: Đối với những người bị xúc chạm, bị chế ngự, bị xâm nhập, bị sở hữu bởi già, bị xúc chạm, bị chế ngự, bị xâm nhập, bị sở hữu bởi chết, bị theo sau bởi sanh, bị đeo đuổi bởi già, bị thống trị bởi bệnh, bị hành hạ bởi chết, không nơi nương tựa, không nơi trú ẩn, không nơi nương nhờ, có trạng thái không nơi nương nhờ.
“Dành cho những người đang bị chế ngự bởi lão và tử” là như thế.
Ta [sẽ] nói với ngươi về hòn đảo, này Kappa: Ta nói, Ta chỉ dạy, Ta chỉ bảo, Ta thông báo, Ta ấn định, Ta khai mở, Ta chia sẻ, Ta làm rõ, Ta bày tỏ về hòn đảo, nơi nương tựa, nơi trú ẩn, nơi nương nhờ, cảnh giới tái sanh, sự nâng đỡ.
“Ta [sẽ] nói với ngươi về hòn đảo, này Kappa” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
[Đức Thế Tôn nói: “Này Kappa]
Ta [sẽ] nói với ngươi về hòn đảo, này Kappa,
Dành cho những người đang đứng giữa hồ nước,
Ở dòng lũ có sự nguy hiểm lớn đã được sanh ra,
Dành cho những người đang bị chế ngự bởi lão và tử.”
10.3. Hòn đảo ấy là không vướng bận, không nắm giữ, không có cái nào khác, Ta gọi cái ấy là “Niết-bàn”, sự diệt trừ hoàn toàn lão và tử.
Không vướng bận, không nắm giữ.
Vướng bận: Luyến ái là vướng bận, sân hận là vướng bận, si mê là vướng bận, ngã mạn là vướng bận, tà kiến là vướng bận, ô nhiễm là vướng bận, uế hạnh là vướng bận. Sự dứt bỏ điều vướng bận, sự vắng lặng điều vướng bận, sự buông bỏ điều vướng bận, sự tịch tịnh điều vướng bận là bất tử, Niết-bàn. “Không vướng bận” là như thế.
Không nắm giữ: Nắm giữ nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện. Sự dứt bỏ việc nắm giữ, sự vắng lặng việc nắm giữ, sự buông bỏ việc nắm giữ, sự tịch tịnh việc nắm giữ là bất tử, Niết-bàn.
“Không vướng bận, không nắm giữ” là như thế.
Hòn đảo ấy là không có cái nào khác: Hòn đảo ấy là nơi nương tựa, nơi trú ẩn, nơi nương nhờ, cảnh giới tái sanh, sự nâng đỡ.
Không có cái nào khác: Không có hòn đảo nào khác so với cái ấy. Và chính hòn đảo ấy là cao cả, nhất hạng, thù thắng, dẫn đầu, tối thượng, cao quý.
“Hòn đảo ấy là không có cái nào khác” là như thế.
Ta gọi cái ấy là Niết-bàn: Thêu dệt (vānaṃ) nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện. Sự dứt bỏ thêu dệt, sự vắng lặng thêu dệt, sự buông bỏ thêu dệt, sự tịch tịnh thêu dệt là bất tử, Niết-bàn.
Iti: Từ “iti” này là sự nối liền các câu văn, sự kết hợp các câu văn, sự làm đầy đủ các câu văn, sự gặp gỡ của các âm, trạng thái trau chuốt từ ngữ, tính chất tuần tự của các câu văn.
Ta gọi: Ta nói, Ta chỉ dạy, Ta chỉ bảo, Ta thông báo, Ta ấn định, Ta khai mở, Ta chia sẻ, Ta làm rõ, Ta bày tỏ.
“Ta gọi cái ấy là Niết-bàn” là như thế.
Sự diệt trừ hoàn toàn lão và tử: Sự dứt bỏ, sự vắng lặng, sự buông bỏ, sự tịch tịnh đối với già và chết, là bất tử, Niết-bàn.
“Sự diệt trừ hoàn toàn lão và tử” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Hòn đảo ấy là không vướng bận, không nắm giữ, không có cái nào khác, Ta gọi cái ấy là ‘Niết-bàn’, sự diệt trừ hoàn toàn lão và tử.”
10.4. Sau khi hiểu thông điều này, những người nào có niệm, đã nhận thức được giáo pháp, đã được diệt tắt, những người ấy không đi theo quyền lực của Ma vương, những người ấy không là nô bộc của Ma vương.
Sau khi hiểu thông điều này, những người nào có niệm.
Điều này: Là bất tử, Niết-bàn, tức là sự yên lặng của tất cả các pháp tạo tác, sự buông bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự diệt trừ tham ái, sự lìa khỏi luyến ái, sự diệt tận, Niết-bàn.
Sau khi hiểu thông: Sau khi hiểu thông, sau khi hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt. Sau khi hiểu thông, sau khi hiểu rõ, sau khi cân nhắc, sau khi xác định, sau khi minh định, sau khi làm rõ rệt rằng: “Tất cả các hành là vô thường”;… (nt)… “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Những người nào: Là các bậc A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt.
Có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Bản thân đã phát triển sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân là có niệm… (nt)… các vị ấy được gọi là có niệm.
“Sau khi hiểu thông điều này, những người nào có niệm” là như thế.
Đã nhận thức được giáo pháp, đã được diệt tắt. Đã nhận thức được giáo pháp: Đã nhận thức được giáo pháp là đã biết giáo pháp, đã cân nhắc giáo pháp, đã xác định giáo pháp, đã rõ rệt giáo pháp, đã minh định giáo pháp.
Đã được diệt tắt: Do trạng thái đã được tịch diệt đối với luyến ái là đã được tịch diệt; do trạng thái đã được an tịnh, do trạng thái đã được yên lặng, do trạng thái đã được vắng lặng, do trạng thái đã được thiêu hủy, do trạng thái đã được tịch diệt, do trạng thái đã được tách lìa, do trạng thái đã được tịch tịnh đối với sân hận… (nt)… đối với tất cả các pháp tạo tác bất thiện, là được an tịnh, được yên tịnh, được vắng lặng, được tịch diệt, được tịch tịnh.
“Đã nhận thức được giáo pháp, đã được diệt tắt” là như thế.
Những người ấy không đi theo quyền lực của Ma vương.
Ma vương: Ma vương ấy là Kaṇha (Hắc ám), Adhipati (Chúa tể của sáu cõi trời dục giới), Antagū (Đi đến tận cùng của các bất thiện pháp), Namuci (Không thả ra những kẻ ác), Pamattabandhu (Thân quyến của những kẻ bị xao lãng).
Những người ấy không đi theo quyền lực của Ma vương: Các vị ấy không vận hành theo quyền lực của Ma vương, thậm chí Ma vương cũng không vận hành được quyền lực ở các vị ấy. Sau khi khắc phục, sau khi thống trị, sau khi đè bẹp, sau khi trấn áp, sau khi nghiền nát Ma vương, phe nhóm của Ma vương, cạm bẫy của Ma vương, lưỡi câu của Ma vương, thức ăn của Ma vương, lãnh địa của Ma vương, mồi nhử của Ma vương, hành xứ của Ma vương và sự trói buộc của Ma vương; các vị ấy thực hành, trú ngụ, sinh hoạt, vận hành, bảo hộ, nuôi dưỡng, bảo dưỡng.
“Những người ấy không đi theo quyền lực của Ma vương” là như thế.
Những người ấy không là nô bộc của Ma vương: Các vị ấy không phải là người hầu hạ, người theo hầu, người hầu cận, học trò của Ma vương; các vị ấy là người hầu hạ, người theo hầu, người hầu cận, học trò của đức Phật, của đức Thế Tôn.
“Những người ấy không là nô bộc của Ma vương” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
“Sau khi hiểu thông điều này, những người nào có niệm, đã nhận thức được giáo pháp, đã được diệt tắt, những người ấy không đi theo quyền lực của Ma vương, những người ấy không là nô bộc của Ma vương.”
Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn,… (nt)… “Bạch Ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của con, con là người đệ tử.”
“Diễn giải kinh Kappa” được hoàn tất.
[1] 1 koṭi = 10.000.000 (mười triệu).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.