Viện Nghiên Cứu Phật Học

1. DIỄN GIẢI KINH AJITA (AJITASUTTANIDDESO)

1.1. [Tôn giả Ajita nói rằng:]
“Thế giới bị bao trùm bởi cái gì?
Không chói sáng bởi điều gì?
Ngài hãy nói cái gì là vật làm uế nhiễm đối với [thế giới] này?
Cái gì là sự nguy hiểm lớn lao đối với nó [thế giới]?”
Thế giới bị bao trùm bởi cái gì?
Thế giới: Thế giới địa ngục, thế giới loài thú, thế giới ngạ quỷ, thế giới loài người, thế giới chư thiên, thế giới của các uẩn, thế giới của các giới, thế giới của các xứ, thế giới này, thế giới khác, thế giới Phạm thiên, thế giới chư thiên; đây gọi là thế giới. Thế giới này bị bao bọc, bị bao trùm, bị bao kín, bị che lại, bị che kín, bị đậy kín bởi cái gì?
“Thế giới bị bao trùm bởi cái gì” là như thế.
Tôn giả Ajita nói rằng.
Rằng: Từ “icca” này là sự nối liền các câu văn, sự kết hợp các câu văn, sự làm đầy đủ các câu văn, sự gặp gỡ của các âm, trạng thái trau chuốt từ ngữ, tính chất tuần tự của các câu văn.
Tôn giả: Từ “āyasmā” này là lời nói yêu mến, lời nói kính trọng, lời nói có sự tôn kính và có sự phục tùng.
Ajita: Là tên của vị Bà-la-môn ấy, là sự ấn định, sự chỉ định, sự quy định, sự diễn tả, tên gọi, sự đặt tên, sự định danh, từ mô tả, tên hiệu, từ kêu gọi.
“Tôn giả Ajita nói rằng” là như thế.
Không chói sáng bởi điều gì? Bởi điều gì mà thế giới không chói sáng, không tỏa sáng, không cháy sáng, không chiếu sáng, không được biết đến, không được nhận biết?
“Không chói sáng bởi điều gì” là như thế.
Ngài hãy nói cái gì là vật làm uế nhiễm đối với [thế giới] này? Đối với thế giới, cái gì là vật làm lấm nhơ, là sự dính mắc, là sự cột trói, là vật làm ô nhiễm? Do cái gì, thế giới bị lấm nhơ, bị nhiễm bẩn, bị vấy bẩn, bị ô uế, bị ô nhiễm, bị lấm lem, bị gắn bó, bị máng vào, bị vướng vào, bị giữ lại.
Ngài hãy nói: Ngài hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ.
“Ngài hãy nói cái gì là vật làm uế nhiễm đối với [thế giới] này” là như thế.
Cái gì là sự nguy hiểm lớn lao đối với nó? Đối với thế giới, cái gì là sự sợ hãi, là sự nguy hiểm lớn lao, là sự hành hạ, là sự đụng chạm, là sự bất hạnh, là sự nguy cơ?
“Cái gì là sự nguy hiểm lớn lao đối với nó” là như thế.
Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:
[Tôn giả Ajita nói rằng:]
“Thế giới bị bao trùm bởi cái gì?
Không chói sáng bởi điều gì?
Ngài hãy nói cái gì là vật làm uế nhiễm đối với [thế giới] này?
Cái gì là sự nguy hiểm lớn lao đối với nó [thế giới]?”

1.2. [Đức Thế Tôn nói: “Này Ajita]
Thế giới bị bao trùm bởi vô minh,
Không chói sáng bởi keo kiệt, bởi xao lãng.
Ta nói tham muốn là vật làm uế nhiễm,
Khổ là sự nguy hiểm lớn lao đối với nó [thế giới].”
Thế giới bị bao trùm bởi vô minh.
Vô minh: Là sự không biết về khổ, sự không biết về nhân sanh khổ, sự không biết về sự diệt tận khổ, sự không biết về sự thực hành đưa đến sự diệt tận khổ, sự không biết về điểm khởi đầu, sự không biết về điểm kết thúc, sự không biết về điểm khởi đầu và điểm kết thúc, sự không biết về các pháp tùy thuận duyên khởi này; sự không biết nào với hình thức như vậy là sự không nhìn thấy, không chứng ngộ, không thấu hiểu, không giác ngộ, không thấu triệt, không thu thập, không thâm nhập, không xem xét, không quán xét lại, không làm cho thấy rõ, không trong sáng, trạng thái ngu si, sự không nhận biết rõ, sự si mê, sự mê ám, sự mê muội, vô minh, sự lôi cuốn vào vô minh, sự gắn bó với vô minh, sự tiềm ẩn của vô minh, sự ngự trị của vô minh, sự ngăn trở của vô minh, si mê là gốc rễ của bất thiện; điều này được gọi là vô minh.
Thế giới: Thế giới địa ngục, thế giới loài thú, thế giới ngạ quỷ, thế giới loài người, thế giới chư thiên, thế giới của các uẩn, thế giới của các giới, thế giới của các xứ, thế giới này, thế giới khác, thế giới Phạm thiên, thế giới chư thiên; đây gọi là thế giới. Thế giới này bị bao bọc, bị bao trùm, bị bao kín, bị che lại, bị che kín, bị đậy kín bởi bởi vô minh này.
“Thế giới bị bao trùm bởi vô minh” là như thế.
Ajita: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên 

Đức Thế Tôn: Là từ xưng hô với sự tôn kính. Thêm nữa, “vị có luyến ái đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có sân hận đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có si mê đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có ngã mạn đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có tà kiến đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có cây gai đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị có ô nhiễm đã được phá vỡ” là đức Thế Tôn; “vị đã phân phát, đã phân chia, đã phân phối Pháp bảo” là đức Thế Tôn; “vị thực hiện sự chấm dứt các hữu” là đức Thế Tôn; “vị có thân đã được tu tập, có giới đã được tu tập, có tâm đã được tu tập, có tuệ đã được tu tập” là đức Thế Tôn; “vị đã thân cận các khu rừng, các nơi heo hút, các chỗ trú ngụ xa vắng có ít âm thanh, ít tiếng ồn, có bầu không gian vắng vẻ, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về y phục, đồ ăn khất thực, chỗ nằm ngồi, và vật dụng là thuốc men chữa bệnh” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về vị của mục đích, về vị của Pháp, về vị của giải thoát, về thắng giới, về thắng tâm, về thắng tuệ” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về bốn thiền, về bốn vô lượng [tâm], về bốn sự thể nhập vô sắc” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về tám giải thoát, về tám thắng xứ [của thiền], về chín sự thể nhập và an trú theo tuần tự” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về mười sự tu tập về tưởng, về mười sự thể nhập các đề mục kasiṇa, về định niệm hơi thở vào hơi thở ra, về sự thể nhập các đề mục tử thi” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy yếu tố đưa đến giác ngộ, đạo lộ Thánh thiện tám chi phần” là đức Thế Tôn; “vị có dự phần hoặc sở hữu về mười Như Lai lực, về bốn pháp tự tin, về bốn tuệ phân tích, về sáu thắng trí, về sáu pháp của đức Phật” là đức Thế Tôn. Tên gọi “Thế Tôn” này không do mẹ tạo ra, không do cha tạo ra, không do anh [em] trai tạo ra, không do chị [em] gái tạo ra, không do bạn bè hoặc thân hữu tạo ra, không do các thân quyến và những người cùng huyết thống tạo ra, không do các Sa-môn hoặc Bà-la-môn tạo ra, không do chư thiên tạo ra, sự tận cùng của giải thoát này là sự quy định thuộc về chư Phật Thế Tôn do sự đạt được, do sự chứng ngộ trí Toàn tri ở cội cây Bồ-đề, tức là “đức Thế Tôn.”
“Đức Thế Tôn nói: Này Ajita” là như thế.
Không chói sáng bởi keo kiệt, bởi xao lãng.
Keo kiệt: Nói đến năm loại bỏn xẻn: Bỏn xẻn về chỗ ở, bỏn xẻn về gia tộc, bỏn xẻn về lợi lộc, bỏn xẻn về danh tiếng, bỏn xẻn về pháp; bỏn xẻn nào có hình thức như vậy là biểu hiện của bỏn xẻn, trạng thái của bỏn xẻn, sự hám lợi, keo kiệt, tính chất bủn xỉn, trạng thái bị nắm giữ của tâm; điều này được gọi là bỏn xẻn. Còn nữa, bỏn xẻn về uẩn cũng là bỏn xẻn, bỏn xẻn về giới cũng là bỏn xẻn, bỏn xẻn về xứ cũng là bỏn xẻn, sự nắm lấy được gọi là bỏn xẻn.

Xao lãng: Cần được nói đến: Sự buông thả hoặc sự buông xuôi trong việc buông thả của tâm ở uế hạnh về thân, ở uế hạnh về khẩu, ở uế hạnh về ý, hoặc ở năm loại dục, là trạng thái thực hành không nghiêm trang, trạng thái thực hành không liên tục, trạng thái thực hành không ổn định, có thói quen biếng nhác, trạng thái buông bỏ mong muốn, trạng thái buông bỏ bổn phận, sự không tập luyện, sự không tu tập, sự không làm thường xuyên, sự không quyết tâm, sự không chuyên cần, sự xao lãng trong việc tu tập các thiện pháp; sự xao lãng nào với hình thức như vậy là biểu hiện xao lãng, trạng thái xao lãng; việc này gọi là sự xao lãng.
Không chói sáng bởi keo kiệt, bởi xao lãng: Bởi sự keo kiệt này và bởi sự xao lãng này mà thế giới không chói sáng, không tỏa sáng, không cháy sáng, không chiếu sáng, không được biết đến, không được nhận biết. “Không chói sáng bởi keo kiệt, bởi xao lãng” là như thế.
Ta nói tham muốn là vật làm uế nhiễm.
Tham muốn: Nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt, sự say đắm, sự chiều chuộng, niềm vui, niềm vui và luyến ái, sự luyến ái mãnh liệt của tâm, ước muốn, mê mẩn, bám chặt, thèm khát, thèm thuồng, quyến luyến, đắm nhiễm, dục vọng, xảo trá, liên quan tái sanh, sự tạo ra khổ, người thợ may, cái lưới bẫy, sự cuốn trôi, sự vướng mắc, sợi chỉ trói, sự lan rộng, có sự ra sức, bạn đời, nguyện vọng, lối dẫn đến hữu, rừng cây, bụi rậm, sự thân thiết, sự thương yêu, sự trông mong, sự thân mật, sự mong mỏi, sự mong ước, trạng thái mong ước, sự mong mỏi về sắc, mong mỏi về thinh, mong mỏi về hương, mong mỏi về vị, mong mỏi về xúc, mong mỏi về lợi lộc, mong mỏi về tài sản, mong mỏi về con trai, mong mỏi về mạng sống, tham muốn, khởi tham muốn, tham đắm, biểu hiện tham muốn, trạng thái tham muốn, tham lam, biểu hiện tham lam, trạng thái tham lam, xao xuyến, ham muốn vật vừa ý, luyến ái sai pháp, tham sai trái, đeo đuổi, khao khát, ước nguyện, mong cầu, ước nguyện tốt đẹp, dục ái, hữu ái, phi hữu ái, ái cõi sắc, ái cõi vô sắc, ái Niết-bàn, ái cảnh sắc, ái cảnh thinh, ái cảnh khí, ái cảnh vị, ái cảnh xúc, ái cảnh pháp, dòng nước lũ, sự ràng buộc, trói buộc, chấp thủ, ngăn trở, ngăn che, che đậy, cột trói, làm ô nhiễm, tiềm ẩn, thâm nhập, quấn lấy, sự keo kiệt, cội nguồn của khổ, căn nguyên của khổ, nguồn sanh khổ, cạm bẫy của Ma vương, lưỡi câu của Ma vương, miếng mồi của Ma vương, lãnh địa của Ma vương, mồi nhử của Ma vương, hành xứ của Ma vương, sự trói buộc của Ma vương, ái ví như dòng sông, ái ví như tấm lưới, ái ví như dây xích, ái ví như biển, tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện; điều này được gọi là tham muốn, là vật làm lấm nhơ, là sự dính mắc, là sự cột trói, là vật làm ô nhiễm đối với thế giới. Ta nói, Ta chỉ dạy, Ta chỉ bảo, Ta thông báo, Ta ấn định, Ta khai mở, Ta chia sẻ, Ta làm rõ, Ta bày tỏ rằng: “Do tham muốn này, thế giới bị lấm nhơ, bị nhiễm bẩn, bị vấy bẩn, bị ô uế, bị ô nhiễm, bị lấm lem, bị gắn bó, bị máng vào, bị vướng vào, bị giữ lại.”
“Ta nói tham muốn là vật làm uế nhiễm” là như thế.
Khổ là sự nguy hiểm lớn lao đối với nó [thế giới].
Khổ: Là khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ do sầu bi, khổ do ưu não, khổ ở địa ngục, khổ ở loài thú, khổ ở thân phận ngạ quỷ, khổ của loài người, khổ bắt nguồn từ việc nhập thai, khổ bắt nguồn từ việc trụ thai, khổ bắt nguồn từ việc ra khỏi thai, khổ gắn liền sau khi sanh ra, khổ do kẻ khác áp đặt sau khi sanh ra, khổ do sự ra sức của bản thân, khổ do sự ra sức của kẻ khác, khổ do pháp tạo tác, khổ do sự biến đổi, bệnh ở mắt, bệnh ở tai trong, bệnh ở mũi, bệnh ở lưỡi, bệnh ở thân, bệnh ở đầu, bệnh ở lỗ tai, bệnh ở miệng, bệnh ở răng, ho, suyễn, sổ mũi, nhiệt, cảm sốt, đau bụng, xây xẩm, kiết lỵ, đau bụng bão, dịch tả, phong cùi, khối u, bệnh chàm, lao phổi, động kinh, mụt, nhọt, ghẻ ngứa, sảy, loét tay chân, máu và mật, bệnh tiểu đường, bệnh trĩ, ghẻ lở, loét hậu môn, bệnh phát khởi từ mật, bệnh phát khởi từ đàm, bệnh phát khởi từ gió, bệnh tổng hợp do mật-đàm-gió, bệnh sanh lên vì thay đổi thời tiết, bệnh sanh lên vì bốn oai nghi không đồng đều, bệnh thuộc dạng cấp tính, bệnh sanh lên vì quả của nghiệp, lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, các xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, nắng và các loài bò sát là khổ, cái chết của mẹ là khổ, cái chết của cha là khổ, cái chết của anh [em] trai là khổ, cái chết của chị [em] gái là khổ, cái chết của con trai là khổ, cái chết của con gái là khổ, sự tổn hại về thân quyến là khổ, sự tổn hại về của cải là khổ, sự tổn hại vì bệnh tật là khổ, sự tổn hại về giới là khổ, sự tổn hại về kiến thức là khổ, đối với những pháp nào có sự khởi lên ban đầu được nhận biết, có sự diệt tận lúc biến mất được nhận biết, có quả thành tựu nương vào hành động, có hành động nương vào quả thành tựu, có sắc nương vào danh, có danh nương vào sắc, bị theo sau bởi sanh, bị đeo đuổi bởi già, bị thống trị bởi bệnh, bị hành hạ bởi chết, được thiết lập ở khổ, là không nơi nương tựa, là không nơi trú ẩn, là không nơi nương nhờ, có trạng thái không nơi nương nhờ; điều này được gọi là khổ. Khổ này là sự sợ hãi, sự nguy hiểm lớn lao, sự hành hạ, sự đụng chạm, sự bất hạnh, sự nguy cơ đối với thế giới.
“Khổ là sự nguy hiểm lớn lao đối với nó [thế giới]” là như thế.
Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:
[Đức Thế Tôn nói: “Này Ajita]
Thế giới bị bao trùm bởi vô minh,
Không chói sáng bởi keo kiệt, bởi xao lãng.
Ta nói tham muốn là vật làm uế nhiễm,
Khổ là sự nguy hiểm lớn lao đối với nó [thế giới].”
1.3. [Tôn giả Ajita nói rằng:]
“Các dòng chảy tuôn tràn khắp mọi nơi,
Cái gì là sự ngăn cản các dòng chảy?
Ngài hãy nói về sự ngăn chặn các dòng chảy,
Các dòng chảy được chặn đứng bởi cái gì?”
Các dòng chảy tuôn tràn khắp mọi nơi.
Các dòng chảy: Dòng chảy tham ái, dòng chảy tà kiến, dòng chảy ô nhiễm, dòng chảy uế hạnh, dòng chảy vô minh.
Khắp mọi nơi: Ở tất cả các xứ.
Tuôn tràn: Chúng tuôn tràn, chảy xuống, tuôn chảy, chảy liên tục; từ con mắt chúng tuôn tràn, chảy xuống, tuôn chảy, chảy liên tục ở sắc; từ lỗ tai chúng tuôn tràn… (nt)… ở thinh; từ lỗ mũi chúng tuôn tràn… (nt)… ở hương; từ lưỡi chúng tuôn tràn… (nt)… ở vị; từ thân chúng tuôn tràn… (nt)… ở xúc; từ ý chúng tuôn tràn… (nt)… ở pháp; tham ái ở sắc từ con mắt tuôn tràn, chảy xuống, tuôn chảy, chảy liên tục; tham ái ở thinh từ lỗ tai tuôn tràn, chảy xuống, tuôn chảy, chảy liên tục; tham ái ở hương từ lỗ mũi… (nt)…; tham ái ở vị từ lưỡi… (nt)…; tham ái ở xúc từ thân… (nt)…; tham ái ở pháp từ ý tuôn tràn, chảy xuống, tuôn chảy, chảy liên tục.
“Các dòng chảy tuôn tràn khắp mọi nơi” là như thế. 

Tôn giả Ajita nói rằng.

Rằng: Từ “icca” này là sự nối liền các câu văn,… (nt)… tính chất tuần tự của các câu văn.

Tôn giả: [Từ “āyasmā” này] là lời nói yêu mến,… (nt)...

Ajita: Là tên của vị Bà-la-môn ấy,… (nt)… từ kêu gọi.

“Tôn giả Ajita nói rằng” là như thế.

Cái gì là sự ngăn cản các dòng chảy? Cái gì là sự ngăn trở, sự ngăn cản, sự ngăn chặn, sự bảo vệ, sự gìn giữ đối với các dòng chảy?

“Cái gì là sự ngăn cản các dòng chảy” là như thế.

Ngài hãy nói về sự ngăn chặn các dòng chảy. Ngài hãy nói, hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ về sự ngăn trở, sự ngăn cản, sự ngăn chặn, về sự bảo vệ, về sự gìn giữ đối với các dòng chảy.

“Ngài hãy nói về sự ngăn chặn các dòng chảy” là như thế.

Các dòng chảy được chặn đứng bởi cái gì? Bởi cái gì mà các dòng chảy bị chặn đứng, bị cắt đứt, không tuôn tràn, không chảy xuống, không tuôn chảy, không chảy liên tục.

“Các dòng chảy được chặn đứng bởi cái gì” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

[Tôn giả Ajita nói rằng:]

“Các dòng chảy tuôn tràn khắp mọi nơi,

Cái gì là sự ngăn cản các dòng chảy?

Ngài hãy nói về sự ngăn chặn các dòng chảy,

Các dòng chảy được chặn đứng bởi cái gì?”

1.4.           [Đức Thế Tôn nói: “Này Ajita]

Những dòng chảy nào hiện diện ở thế gian,

Niệm là sự ngăn cản chúng.

Ta nói về sự ngăn chặn các dòng chảy,

Chúng được chặn đứng bởi tuệ.”

Những dòng chảy nào hiện diện ở thế gian: Là những dòng chảy đã được giải thích, đã được kể rõ, đã được chỉ dạy, đã được chỉ bảo, đã được thông báo, đã được ấn định, đã được khai mở, đã được chia sẻ, đã được làm rõ, đã được bày tỏ bởi Ta, tức là: Dòng chảy tham ái, dòng chảy tà kiến, dòng chảy ô nhiễm, dòng chảy uế hạnh, dòng chảy vô minh.

Ở thế gian: Ở thế gian của khổ cảnh, ở thế gian của loài người, ở thế gian của chư thiên, ở thế gian của các uẩn, ở thế gian của các giới, ở thế gian của các xứ.

Ajita: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Niệm là sự ngăn cản chúng.

Niệm: Niệm là sự tùy niệm, là niệm hiện tiền; niệm là trạng thái ghi nhớ, trạng thái ghi nhận, trạng thái không lơ là, trạng thái không quên lãng; niệm là niệm quyền, niệm lực, chánh niệm, niệm giác chi, con đường độc đạo; việc này được gọi là niệm.

Sự ngăn cản: Là sự ngăn trở, sự ngăn cản, sự ngăn chặn, sự bảo vệ, sự gìn giữ.

“Niệm là sự ngăn cản chúng” là như thế.

Ta nói về sự ngăn chặn các dòng chảy: Ta nói về, Ta chỉ dạy,… (nt)… Ta làm rõ, Ta bày tỏ về sự ngăn trở, sự ngăn cản, sự ngăn chặn, sự bảo vệ, sự gìn giữ đối với các dòng chảy.

“Ta nói về sự ngăn chặn các dòng chảy” là như thế.

Chúng được chặn đứng bởi tuệ.

Tuệ: Tuệ là sự nhận biết,… (nt)… sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến.

Chúng được chặn đứng bởi tuệ: Nhờ vào tuệ mà các dòng chảy ấy bị chặn đứng, bị cắt đứt, không tuôn tràn, không chảy xuống, không tuôn chảy, không chảy liên tục.

Đối với người biết, đối với người thấy bằng tuệ rằng: “Tất cả các hành là vô thường”, các dòng chảy ấy bị chặn đứng, bị cắt đứt, không tuôn tràn, không chảy xuống, không tuôn chảy, không chảy liên tục. Đối với người biết, đối với người thấy bằng tuệ rằng: “Tất cả các hành là khổ”, các dòng chảy ấy bị chặn đứng, bị cắt đứt, không tuôn tràn, không chảy xuống, không tuôn chảy, không chảy liên tục. Đối với người biết, đối với người thấy bằng tuệ rằng: “Tất cả các hành là vô ngã”,[1] các dòng chảy ấy bị chặn đứng, bị cắt đứt, không tuôn tràn, không chảy xuống, không tuôn chảy, không chảy liên tục.

Đối với người biết, đối với người thấy bằng tuệ rằng: “Vô minh duyên cho các hành”, các dòng chảy ấy bị chặn đứng, bị cắt đứt, không tuôn tràn, không chảy xuống, không tuôn chảy, không chảy liên tục. Đối với người biết, đối với người thấy bằng tuệ rằng: “Các hành duyên cho thức”,… (nt)… “Thức duyên cho danh sắc”,… (nt)… “Danh sắc duyên cho sáu xứ”,… (nt)… “Sáu xứ duyên cho xúc”,… (nt)… “Xúc duyên cho thọ”,… (nt)… “Thọ duyên cho ái”,… (nt)… “Ái duyên cho thủ”,… (nt)… “Thủ duyên cho hữu”,… (nt)… “Hữu duyên cho sanh”,… (nt)… “Sanh duyên cho lão tử”, các dòng chảy ấy bị chặn đứng, bị cắt đứt, không tuôn tràn, không chảy xuống, không tuôn chảy, không chảy liên tục. Đối với người
biết, đối với người thấy bằng tuệ rằng: “Do sự diệt tận của vô minh [đưa đến] sự diệt tận của các hành”,… (nt)… “Do sự diệt tận của các hành [đưa đến] sự diệt tận của thức”,… (nt)… “Do sự diệt tận của thức [đưa đến] sự diệt tận của danh sắc”,… (nt)… “Do sự diệt tận của danh sắc [đưa đến] sự diệt tận của sáu xứ”,… (nt)… “Do sự diệt tận của sáu xứ [đưa đến] sự diệt tận của xúc”,… (nt)… “Do sự diệt tận của xúc [đưa đến] sự diệt tận của thọ”,… (nt)… “Do sự diệt tận của thọ [đưa đến] sự diệt tận của ái”,… (nt)… “Do sự diệt tận của ái [đưa đến] sự diệt tận của thủ”,… (nt)… “Do sự diệt tận của thủ [đưa đến] sự diệt tận của hữu”,… (nt)… “Do sự diệt tận của hữu [đưa đến] sự diệt tận của sanh”,… (nt)… “Do sự diệt tận của sanh [đưa đến] sự diệt tận của lão, tử”, các dòng chảy ấy bị chặn đứng, bị cắt đứt, không tuôn tràn, không chảy xuống, không tuôn chảy, không chảy liên tục.

Đối với người biết, đối với người thấy bằng tuệ rằng: “Đây là khổ”,… (nt)… “Đây là nhân sanh khổ”,… (nt)… “Đây là sự diệt tận khổ”,… (nt)… “Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận khổ”, các dòng chảy ấy bị chặn đứng, bị cắt đứt, không tuôn tràn, không chảy xuống, không tuôn chảy, không chảy liên tục.

Đối với người biết, đối với người thấy bằng tuệ rằng: “Đây là các lậu hoặc”,… (nt)… “Đây là nhân sanh các lậu hoặc”,… (nt)… “Đây là sự diệt tận các lậu hoặc”,… (nt)… “Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận các lậu hoặc”, các dòng chảy ấy bị chặn đứng, bị cắt đứt, không tuôn tràn, không chảy xuống, không tuôn chảy, không chảy liên tục.

Đối với người biết, đối với người thấy bằng tuệ rằng: “Các pháp này cần được biết rõ”,… (nt)… “Các pháp này cần được biết toàn diện”,… (nt)… “Các pháp này cần được dứt bỏ”,… (nt)… “Các pháp này cần được tu tập”,… (nt)… “Các pháp này cần được chứng ngộ”, các dòng chảy ấy bị chặn đứng, bị cắt đứt, không tuôn tràn, không chảy xuống, không tuôn chảy, không chảy liên tục.

Đối với người biết, đối với người thấy bằng tuệ về nhân sanh khởi, về sự tiêu hoại, về sự hứng thú, về sự bất lợi, về sự thoát ra của sáu xúc xứ, các dòng chảy ấy bị chặn đứng, bị cắt đứt, không tuôn tràn, không chảy xuống, không tuôn chảy, không chảy liên tục.

Đối với người biết, đối với người thấy bằng tuệ về nhân sanh khởi, về sự tiêu hoại, về sự hứng thú, về sự bất lợi, về sự thoát ra của năm thủ uẩn,… (nt)… Đối với người biết, đối với người thấy bằng tuệ về nhân sanh khởi, về sự tiêu hoại, về sự hứng thú, về sự bất lợi, về sự thoát ra của bốn yếu tố chính [đất, nước, lửa, gió],… (nt)… Đối với người biết, đối với người thấy bằng tuệ rằng: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh diệt tận”, các dòng chảy ấy bị chặn đứng, bị cắt đứt, không tuôn tràn, không chảy xuống, không tuôn chảy, không chảy liên tục.

“Chúng được chặn đứng bởi tuệ” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

[Đức Thế Tôn nói: “Này Ajita]

Những dòng chảy nào hiện diện ở thế gian,

Niệm là sự ngăn cản chúng.

Ta nói về sự ngăn chặn các dòng chảy,

Chúng được chặn đứng bởi tuệ.”

1.5.           [Tôn giả Ajita nói rằng:]

“Tuệ và luôn cả niệm,

Danh và sắc, thưa Ngài,

Được tôi hỏi điều này, xin Ngài hãy nói lên,

Ở đâu điều này được hoại diệt?”

Tuệ và luôn cả niệm.

Tuệ: Tuệ là sự nhận biết, sự chọn lựa, sự khám phá, sự chọn lựa pháp, sự quan sát, sự nhận định, sự phân biệt, sự thông thái, sự thông thạo, sự khôn khéo, sự thông suốt, sự cân nhắc, sự khảo sát, sự hiểu biết rộng rãi, sự thông minh, pháp dẫn đầu, sự thấy rõ, sự nhận biết rõ, vật xuyên thủng, tuệ là tuệ quyền, tuệ lực, tuệ là vũ khí, tuệ là lâu đài, tuệ là ánh sáng, tuệ là hào quang, tuệ là cây đèn, tuệ là báu vật, sự không si mê, sự chọn lựa pháp, chánh kiến.

Niệm: Niệm là sự tùy niệm,… (nt)… chánh niệm.

“Tuệ và luôn cả niệm” là như thế.

Tôn giả Ajita nói rằng:… (nt)… từ kêu gọi.

“Tôn giả Ajita nói rằng” là như thế.

Danh và sắc, thưa Ngài.

Danh: Bốn nhóm không có sắc.[1]

Sắc: Là bốn yếu tố chính [đất, nước, lửa, gió] và sắc liên quan đến bốn yếu tố chính.

Thưa Ngài: Từ “mārisa” này là lời nói yêu mến, lời nói kính trọng, lời nói có sự tôn kính và có sự phục tùng.

“Danh và sắc, thưa Ngài” là như thế.

Được tôi hỏi điều này, xin Ngài hãy nói lên.

Điều này được tôi [hỏi]: Là điều mà tôi hỏi, điều mà tôi yêu cầu, điều mà tôi thỉnh cầu, điều mà tôi đặt niềm tin.

Được hỏi: Được vấn, được yêu cầu, được thỉnh cầu, được đặt niềm tin.

Xin Ngài hãy nói lên: Xin Ngài hãy nói, hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ.

“Được tôi hỏi điều này, xin Ngài hãy nói lên” là như thế.

Ở đâu điều này được hoại diệt? Ở đâu điều này được diệt tận, được vắng lặng, đi đến sự tiêu hoại, được tịch tịnh?

“Ở đâu điều này được hoại diệt?” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

[Tôn giả Ajita nói rằng:]

“Tuệ và luôn cả niệm,

Danh và sắc, thưa Ngài,

Được tôi hỏi điều này, xin Ngài hãy nói lên,

Ở đâu điều này được hoại diệt?”

1.6. Ngươi đã hỏi câu hỏi về điều nào, này Ajita, Ta trả lời cho ngươi về điều ấy, về việc danh và sắc được hoại diệt không dư sót. Do sự diệt tận của thức, ở đây, điều này [danh và sắc] được hoại diệt.

Ngươi đã hỏi câu hỏi về điều nào.

Về điều nào: Là về tuệ, về niệm, về danh và sắc.

Ngươi đã hỏi: Ngươi đã vấn, ngươi đã yêu cầu, ngươi đã thỉnh cầu, ngươi đã đặt niềm tin.

“Ngươi đã hỏi câu hỏi về điều nào” là như thế.

Này Ajita, Ta trả lời cho ngươi về điều ấy.

 

Ajita: Đức Thế Tôn xưng hô với vị Bà-la-môn ấy bằng tên.

Về điều ấy: Là về tuệ, về niệm, về danh và sắc.

Ta trả lời: Ta nói, Ta chỉ dạy, Ta chỉ bảo, Ta thông báo, Ta ấn định, Ta khai mở, Ta chia sẻ, Ta làm rõ, Ta bày tỏ.

“Này Ajita, Ta trả lời cho ngươi về điều ấy” là như thế.

Về việc danh và sắc được hoại diệt không dư sót.

Danh: Bốn nhóm không có sắc.

Sắc: Là bốn yếu tố chính [đất, nước, lửa, gió] và sắc liên quan đến bốn yếu tố chính.

Không dư sót: Tất cả theo tổng thể, tất cả trong mọi trường hợp, một cách trọn vẹn, không còn dư sót, từ “asesaṃ” này là lối nói của sự bao gồm.

Được hoại diệt: Được diệt tận, được vắng lặng, đi đến sự tiêu hoại, được tịch tịnh.

“Về việc danh và sắc được hoại diệt không dư sót” là như thế.

Do sự diệt tận của thức, ở đây, điều này [danh và sắc] được hoại diệt: Nhờ vào trí của đạo Nhập lưu với sự diệt tận của thức liên quan đến sự tạo tác, các pháp nào (danh và sắc) có thể sanh khởi ở sự luân hồi không biết được điểm khởi đầu tối đa là bảy kiếp sống, ở đây, các pháp này được diệt tận, được vắng lặng, đi đến sự tiêu hoại, được tịch tịnh. Nhờ vào trí của đạo Nhất lai với sự diệt tận của thức liên quan đến sự tạo tác, các pháp nào (danh và sắc) có thể sanh khởi ở năm cõi hữu tối đa là hai kiếp sống; ở đây, các pháp này được diệt tận, được vắng lặng, đi đến sự tiêu hoại, được tịch tịnh. Nhờ vào trí của đạo Bất lai với sự diệt tận của thức liên quan đến sự tạo tác, các pháp nào (danh và sắc) có thể sanh khởi ở sắc giới và vô sắc giới tối đa là một kiếp sống; ở đây, các pháp này được diệt tận, được vắng lặng, đi đến sự tiêu hoại, được tịch tịnh. Nhờ vào trí của đạo A-la-hán với sự diệt tận của thức liên quan đến sự tạo tác, các pháp nào (danh và sắc) có thể sanh khởi; ở đây, các pháp này được diệt tận, được vắng lặng, đi đến sự tiêu hoại, được tịch tịnh. Đối với vị A-la-hán đang viên tịch Niết-bàn ở cảnh giới Niết-bàn không còn dư sót, với sự diệt tận của thức cuối cùng, [các pháp] tuệ, niệm, danh và sắc; ở đây, các pháp này được diệt tận, được vắng lặng, đi đến sự tiêu hoại, được tịch tịnh.

“Do sự diệt tận của thức, ở đây, điều này [danh và sắc] được hoại diệt” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Ngươi đã hỏi câu hỏi về điều nào, này Ajita, Ta trả lời cho ngươi về điều ấy, về việc danh và sắc được hoại diệt không dư sót. Do sự diệt tận của thức, ở đây, điều này [danh và sắc] được hoại diệt.”

1.7. Những vị nào đã hiểu rõ giáo pháp [là các bậc A-la-hán] và những vị nào là các bậc Hữu học đông đảo ở nơi này, tôi hỏi bậc Chín Chắn về oai nghi của những vị ấy, thưa Ngài, xin Ngài hãy nói lên.

Những vị nào đã hiểu rõ giáo pháp.

Đã hiểu rõ giáo pháp: Nói đến các bậc A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt. Vì lý do gì mà những vị đã hiểu rõ giáo pháp được gọi là các bậc A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt? Các vị ấy đã hiểu rõ giáo pháp, đã biết giáo pháp, đã cân nhắc giáo pháp, đã xác định giáo pháp, đã rõ rệt giáo pháp, đã minh định giáo pháp; đã hiểu rõ giáo pháp, đã biết giáo pháp, đã cân nhắc giáo pháp, đã xác định giáo pháp, 

đã rõ rệt giáo pháp, đã minh định giáo pháp rằng: “Tất cả các hành là vô thường”; đã hiểu rõ giáo pháp,… (nt)… rằng: “Tất cả các hành là khổ”; đã hiểu rõ giáo pháp,… (nt)… rằng: “Tất cả các pháp là vô ngã”; đã hiểu rõ giáo pháp,… (nt)… rằng: “Vô minh duyên cho các hành”; đã hiểu rõ giáo pháp, đã biết giáo pháp, đã cân nhắc giáo pháp, đã xác định giáo pháp, đã rõ rệt giáo pháp, đã minh định giáo pháp rằng: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Hoặc là, đối với các vị ấy, các uẩn đã được hiểu rõ, các giới đã được hiểu rõ, các xứ đã được hiểu rõ, các cảnh giới tái sanh đã được hiểu rõ, các sự tái sanh đã được hiểu rõ, sự nối liền tái sanh đã được hiểu rõ, các hữu đã được hiểu rõ, sự luân hồi đã được hiểu rõ, sự luân chuyển đã được hiểu rõ.

Hoặc là, các vị ấy tồn tại trong giai đoạn cuối của các uẩn, tồn tại trong giai đoạn cuối của các giới, tồn tại trong giai đoạn cuối của các xứ, tồn tại trong giai đoạn cuối của cảnh giới tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự nối liền tái sanh, tồn tại trong giai đoạn cuối của kiếp sống, tồn tại trong giai đoạn cuối của luân hồi, tồn tại trong giai đoạn cuối của sự luân chuyển, tồn tại trong kiếp sống cuối cùng, tồn tại trong thân xác cuối cùng, với việc duy trì thân xác cuối cùng là các vị A-la-hán.

“Đối với các vị ấy, đây là lần cuối cùng, thân xác này là sau chót, việc sanh tử luân hồi, việc sanh ra lần nữa không có đối với các vị ấy.”

Vì lý do ấy mà những vị đã hiểu rõ giáo pháp được gọi là các bậc A-la-hán có lậu hoặc đã được cạn kiệt.

“Những vị nào đã hiểu rõ giáo pháp” là như thế.

Và những vị nào là các bậc Hữu học đông đảo ở nơi này.

Các bậc Hữu học: Vì lý do gì mà được gọi là các bậc Hữu học? “Các vị học tập” là các bậc Hữu học. Và các vị học tập gì? Các vị học tập thắng giới, học tập thắng tâm, và học tập thắng tuệ. Việc nào là sự học tập về thắng giới? Ở đây, vị Tỳ-khưu là vị có giới, sống thu thúc với sự thu thúc của Giới bổn (Pātimokkha), thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, thọ trì và thực hành trong các điều học. Nhóm giới nhỏ, nhóm giới lớn, giới là nền tảng, phần khởi đầu, sự thực hành, sự ngăn giữ, sự thu thúc, sự mở đầu, sự dẫn đầu nhằm chứng đạt các thiện pháp; việc này là sự học tập về thắng giới.

Việc nào là sự học tập về thắng tâm? Ở đây, vị Tỳ-khưu ngay sau khi tách ly khỏi các dục,… (nt)… đạt đến và trú thiền thứ nhất… (nt)… thiền thứ nhì… (nt)… thiền thứ ba… (nt)… thiền thứ tư; việc này là sự học tập về thắng tâm.

Việc nào là sự học tập về thắng tuệ? Ở đây, vị Tỳ-khưu là vị có tuệ, thành tựu về tuệ hướng đến sự sanh diệt, góp phần vào sự thấu triệt cao thượng, dẫn đến việc cạn kiệt hoàn toàn của khổ. Vị ấy nhận biết đúng theo thực thể rằng: “Đây là khổ”, nhận biết đúng theo thực thể rằng: “Đây là nhân sanh khổ”,… (nt)… “Đây là sự diệt tận khổ”,… (nt)… “Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận khổ”, nhận biết đúng theo thực thể rằng: “Đây là các lậu hoặc”,… (nt)… “Đây là nguyên nhân của các lậu hoặc”,… (nt)… “Đây là sự diệt tận các lậu hoặc”,… (nt)… “Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận các lậu hoặc”; việc này là sự học tập về thắng tuệ.

Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này, các vị học tập; trong khi biết, các vị học tập; trong khi thấy, các vị học tập; trong khi quán xét lại, các vị học tập; trong khi quyết định tâm, các vị học tập; trong 

khi hướng đến đức tin, các vị học tập; trong khi ra sức tinh tấn, các vị học tập; trong khi thiết lập niệm, các vị học tập; trong khi tập trung tâm, các vị học tập; trong khi nhận biết bằng tuệ, các vị học tập; trong khi biết rõ pháp cần được biết rõ, các vị học tập; trong khi biết toàn diện pháp cần được biết toàn diện, các vị học tập; trong khi dứt bỏ pháp cần được dứt bỏ, các vị học tập; trong khi tu tập pháp cần được tu tập, các vị học tập; trong khi chứng ngộ pháp cần được chứng ngộ, các vị học tập, hành xử, hành theo, thọ trì và vận dụng; vì lý do ấy mà được gọi là các bậc Hữu học.

Đông đảo: Là có nhiều. Các bậc Hữu học này là các bậc Nhập lưu, các bậc đang đạt đến [quả vị Nhập lưu], các bậc Nhất lai, các bậc đang đạt đến [quả vị Nhất lai], các bậc Bất lai, các bậc đang đạt đến [quả vị Bất lai], các bậc A-la-hán[1] và các bậc đang đạt đến [quả vị A-la-hán].

Ở nơi này: Ở quan điểm này, ở sự chấp nhận này, ở sự ưa thích này, ở sự nắm giữ này, ở Pháp này, ở Luật này, ở Pháp và Luật này, ở giáo lý này, ở Phạm hạnh này, ở lời dạy này của bậc Đạo sư, ở bản thân này, ở thế giới loài người này.

“Và những vị nào là các bậc Hữu học đông đảo ở nơi này” là như thế.

Tôi hỏi bậc Chín Chắn về oai nghi của những vị ấy, thưa Ngài, xin Ngài hãy nói lên: Bởi vì Ngài là người chín chắn, sáng suốt, có tuệ, có sự giác ngộ, có trí, có sự rành rẽ, có sự thông minh.

Của những vị ấy: Của những vị đã hiểu rõ giáo pháp [A-la-hán] và của những vị Hữu học.

Về oai nghi: Về hành động, về hành vi, về lối ứng xử, về cách hành xử, về hành xứ, về sự trú ngụ, về lối thực hành.

[Được] hỏi: Được vấn, được yêu cầu, được thỉnh cầu, được đặt niềm tin.

Xin Ngài hãy nói lên: Xin Ngài hãy nói, hãy chỉ dạy, hãy chỉ bảo, hãy thông báo, hãy ấn định, hãy khai mở, hãy chia sẻ, hãy làm rõ, hãy bày tỏ.

Thưa Ngài: Từ “mārisa” này là lời nói yêu mến, lời nói kính trọng, lời nói có sự tôn kính và có sự phục tùng.

“Tôi hỏi bậc Chín Chắn về oai nghi của những vị ấy, thưa Ngài, xin Ngài hãy nói lên” là như thế.

Vì thế, vị Bà-la-môn ấy đã nói rằng:

“Những vị nào đã hiểu rõ giáo pháp [là các bậc A-la-hán] và những vị nào là các bậc Hữu học đông đảo ở nơi này, tôi hỏi bậc Chín Chắn về oai nghi của những vị ấy, thưa Ngài, xin Ngài hãy nói lên.”

1.8. Không nên khát khao ở các dục, không nên bị khuấy động bởi tâm, thiện xảo đối với tất cả các pháp, có niệm, vị Tỳ-khưu ra đi du phương.

Không nên khát khao ở các dục.

Các dục: Theo sự phân loại thì có hai loại dục: Vật dục và ô nhiễm dục. Các loại nào là vật dục? Các sắc hợp ý, các thinh hợp ý, các hương hợp ý, các vị hợp ý, các xúc hợp ý, các vật trải lót, các vật đắp, các tôi trai và tớ gái, dê, cừu, gà, heo, voi, bò, ngựa, lừa, ruộng, đất, vàng, bạc, làng mạc, thị trấn, kinh thành, quốc độ, xứ sở, khu trại, nhà kho, và bất cứ vật gì đưa đến sự luyến ái là vật dục. 

Thêm nữa là các dục quá khứ, các dục vị lai, các dục hiện tại, các dục nội phần, các dục ngoại phần, các dục nội và ngoại phần, các dục hạ liệt, các dục trung bình, các dục cao quý, các dục thuộc địa ngục, các dục thuộc loài người, các dục thuộc cõi trời, các dục hiện tiền, các dục được tạo ra, các dục được người khác tạo ra, các dục không được tạo ra, các dục thuộc sở hữu, các dục không thuộc sở hữu, các dục được chấp là của ta, các dục không được chấp là của ta, tính luôn tất cả các pháp dục giới, tất cả các pháp sắc giới, tất cả các pháp vô sắc giới, các dục có nền tảng là tham ái, có cảnh giới là tham ái, với ý nghĩa đưa đến sự ham muốn, với ý nghĩa đưa đến sự luyến ái, với ý nghĩa đưa đến sự say đắm. Các điều này được gọi là vật dục.

Các loại nào là ô nhiễm dục? Mong muốn là dục, luyến ái là dục, mong muốn và luyến ái là dục, tư duy là dục, luyến ái là dục, tư duy và luyến ái là dục, [ô nhiễm dục] là sự mong muốn về dục, sự luyến ái về dục, niềm vui về dục, sự tham ái về dục, sự yêu mến về dục, sự nồng nhiệt về dục, sự thèm khát về dục, sự mê mẩn về dục, sự bám chặt vào dục, sự lôi cuốn của dục, sự gắn bó với dục, sự chấp thủ ở dục, sự che lấp do mong muốn về dục liên quan đến ngũ dục.

“Này dục, ta đã nhìn thấy gốc rễ của ngươi. Này dục, ngươi sanh lên từ sự tư duy. Ta sẽ không tư duy về ngươi nữa. Này dục, như vậy ngươi sẽ không hình thành.”[1] Các điều này được gọi là ô nhiễm dục.

Thèm khát: Nói đến tham ái, tức là sự luyến ái, luyến ái mãnh liệt,… (nt)… tham đắm, tham, cội nguồn của bất thiện.

Không nên khát khao ở các dục: Không nên khát khao, không nên bị giữ lại ở các vật dục do ô nhiễm dục; nên là người không bị thèm khát, không bị buộc trói, không bị mê mẩn, không bị gần gũi, có sự thèm khát đã được xa lìa, có sự thèm khát đã được tách lìa, có sự thèm khát đã được từ bỏ, có sự thèm khát đã được tẩy trừ, có sự thèm khát đã được giải thoát, có sự thèm khát đã được dứt bỏ, có sự thèm khát đã được buông bỏ, có sự luyến ái đã được xa lìa, có sự luyến ái đã được tách lìa, có sự luyến ái đã được từ bỏ, có sự luyến ái đã được tẩy trừ, có sự luyến ái đã được giải thoát, có sự luyến ái đã được dứt bỏ, có sự luyến ái đã được buông bỏ, không còn khao khát, được tịch diệt, có trạng thái mát mẻ, có sự cảm thọ lạc, nên sống với trạng thái cao thượng tự thân.

“Không nên khát khao ở các dục” là như thế.

Không nên bị khuấy động bởi tâm.

Tâm: Tức là tâm, ý, ý thức, trái tim, chất xám, ý, ý xứ, ý quyền, thức, thức uẩn, từ đó ý thức giới sanh lên. Do uế hạnh về thân, tâm bị khuấy động, bị khuấy rối, bị di động, bị đụng chạm, bị dao động, bị chao đảo, không được vắng lặng; do uế hạnh về khẩu… (nt)… do uế hạnh về ý… (nt)… do luyến ái… (nt)… do sân hận… (nt)… do si mê… (nt)… do giận dữ… (nt)… do thù hằn… (nt)… do gièm pha… (nt)… do ác ý… (nt)… do ganh tỵ… (nt)… do bỏn xẻn… (nt)… do xảo trá… (nt)… do lừa gạt… (nt)… do bướng bỉnh… (nt)… do hung hăng… (nt)… do ngã mạn… (nt)… do cao ngạo… (nt)… do đam mê… (nt)… do xao lãng… (nt)… do tất cả ô nhiễm… (nt)… do tất cả uế hạnh… (nt)… do mọi sự lo lắng… (nt)… do mọi sự bực bội… (nt)… do mọi sự nóng nảy… (nt)… do tất cả các pháp tạo tác bất thiện, tâm bị khuấy động, bị khuấy rối, bị di động, bị đụng chạm, bị dao động, bị chao đảo, không được vắng lặng.

Không nên bị khuấy động bởi tâm: Nên là người có tâm không bị khuấy động, không bị khuấy rối, không bị di động, không bị đụng chạm, không bị dao động, không bị chao đảo, được vắng lặng; nên dứt bỏ, nên dứt trừ, nên xua đi, nên làm chấm dứt, nên khiến cho không còn hiện hữu các ô nhiễm tạo ra trạng thái khuấy động; nên là người đã xa lánh, đã tránh khỏi, đã tránh xa, đã đi ra ngoài, đã được rời ra, đã được thoát khỏi, không bị ràng buộc với các ô nhiễm tạo ra trạng thái khuấy động, nên sống với tâm đã được làm trở thành không còn giới hạn.

“Không nên bị khuấy động bởi tâm” là như thế.

Thiện xảo đối với tất cả các pháp: Là thiện xảo đối với tất cả các pháp rằng: “Tất cả các hành là vô thường”, thiện xảo đối với tất cả các pháp rằng: “Tất cả các hành là khổ”, thiện xảo đối với tất cả các pháp rằng: “Tất cả các pháp là vô ngã”, thiện xảo đối với tất cả các pháp rằng: “Vô minh duyên cho các hành”,… (nt)… thiện xảo đối với tất cả các pháp rằng: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt”; như vậy là “thiện xảo đối với tất cả các pháp.”

Hoặc là, thiện xảo đối với tất cả các pháp là vô thường, thiện xảo đối với tất cả các pháp là khổ… là cơn bệnh… là mụt ghẻ… là mũi tên… là tai ương… là tật nguyền… là không sai khiến được… là tiêu hoại… là tai họa… là bất hạnh… [là không thú vị]… là sợ hãi… là nguy cơ… là thay đổi… là mảnh mai… là không bền… là không nơi nương náu… là không nơi trú ẩn… là không nơi nương nhờ… là trạng thái không nơi nương nhờ… là trống rỗng… là rỗng không… là trống không… là vô ngã… là bất lợi… là có bản chất biến đổi… là không có cốt lõi… là gốc gác của tai ương… là kẻ giết hại… là vật hư hỏng… là có sự rò rỉ… là bị tạo tác… là mồi nhử của Ma vương… là có bản chất sanh ra… là có bản chất già… là có bản chất bệnh… là có bản chất chết… là có bản chất sầu-bi-khổ-ưu-não… là có bản chất ô nhiễm… là nhân sanh khởi… là sự biến hoại… là sự hứng thú… là sự bất lợi… là sự thoát ra; như vậy cũng là “thiện xảo đối với tất cả các pháp.”

Hoặc là, thiện xảo về uẩn, thiện xảo về giới, thiện xảo về xứ, thiện xảo về tùy thuận duyên khởi, thiện xảo về việc thiết lập niệm, thiện xảo về chánh cần, thiện xảo về nền tảng của thần thông, thiện xảo về quyền, thiện xảo về lực, thiện xảo về yếu tố đưa đến giác ngộ, thiện xảo về Đạo, thiện xảo về Quả, thiện xảo về Niết-bàn; như vậy cũng là “thiện xảo đối với tất cả các pháp.”

Hoặc là, tất cả các pháp nói đến mười hai xứ: Mắt và các sắc, tai và các thinh, mũi và các hương, lưỡi và các vị, thân và các xúc, ý và các pháp. Và thật vậy, khi nào sự mong muốn và luyến ái ở các xứ thuộc nội phần và ngoại phần được dứt bỏ, có rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị cụt ngọn, đã bị làm cho không còn hiện hữu, không còn điều kiện sanh khởi trong tương lai; cho đến như thế cũng là thiện xảo đối với tất cả các pháp.

“Thiện xảo đối với tất cả các pháp” là như thế.

Có niệm, vị Tỳ-khưu ra đi du phương.

Có niệm: Có niệm bởi bốn lý do: Có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thân trên thân, có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát thọ trên các thọ, có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát tâm trên tâm, có niệm trong khi tu tập sự thiết lập niệm ở việc quan sát pháp trên các pháp.

Có niệm còn bởi bốn lý do khác: Có niệm do lánh xa thất niệm, có niệm do trạng thái đã thực hành các pháp cần phải thực hành đối với niệm, có niệm do trạng thái đã tiêu diệt các pháp đối nghịch với niệm, có niệm do trạng thái không lơ là đối với các pháp ấn chứng của niệm. 

Có niệm còn bởi bốn lý do khác: Có niệm do trạng thái đã thành tựu về niệm, có niệm do trạng thái đã trú ở niệm, có niệm do trạng thái quen thuộc với niệm, có niệm do trạng thái không thối thất đối với niệm.

Có niệm còn bởi bốn lý do khác: Có niệm do trạng thái tự tại, có niệm do trạng thái được an tịnh, có niệm do trạng thái được yên lặng, có niệm do trạng thái đã thành tựu pháp của bậc chân nhân. Có niệm do tùy niệm Phật, có niệm do tùy niệm Pháp, có niệm do tùy niệm Tăng, có niệm do tùy niệm giới, có niệm do tùy niệm xả thí, có niệm do tùy niệm thiên, có niệm do niệm hơi thở vào hơi thở ra, có niệm do niệm sự chết, có niệm do niệm đặt ở thân, có niệm do tùy niệm Niết-bàn. Niệm là sự tùy niệm,… (nt)… chánh niệm, niệm giác chi, con đường độc đạo;[1] điều này được gọi là niệm. Vị đã tiến đến, đã tiến gần, đã tiến vào, đã tiến sát, đã đạt đến, đã tròn đủ, đã thành tựu niệm này, vị này được gọi là có niệm.

Vị Tỳ-khưu: Tỳ-khưu do trạng thái đã phá vỡ bảy pháp: Thân kiến được phá vỡ, hoài nghi được phá vỡ, sự bám víu vào giới và phận sự được phá vỡ, luyến ái được phá vỡ, sân hận được phá vỡ, si mê được phá vỡ, ngã mạn được phá vỡ, các ác bất thiện pháp, các điều ô nhiễm đưa đến tái sanh, có sự phiền muộn, có kết quả khổ, đưa đến sanh-già-chết ở vị lai được phá vỡ.

[Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya] vị đã tự mình thực hành theo đường lối, đã đi đến sự tịch diệt hoàn toàn [ô nhiễm], đã vượt qua sự nghi ngờ, đã lìa bỏ [hai thái cực] phi hữu và hữu, đã được hoàn mãn, có sự tái sanh đã được cạn kiệt; vị ấy là Tỳ-khưu.” “Vị Tỳ-khưu có niệm” là như thế.

Có niệm, vị Tỳ-khưu ra đi du phương: Có niệm, vị Tỳ-khưu ra đi du phương là vị có niệm khi đi, vị có niệm khi đứng, vị có niệm khi ngồi, vị có niệm khi nằm, vị có niệm khi đi tới, vị có niệm khi đi lui, vị có niệm khi nhìn qua, vị có niệm khi nhìn lại, vị có niệm khi co tay, vị có niệm khi duỗi tay, vị có niệm khi mang y hai lớp, bình bát, y phục, vị có niệm khi thực hành, khi trú ngụ, khi sinh hoạt, khi vận hành, khi bảo hộ, khi nuôi dưỡng, khi bảo dưỡng.

“Có niệm, vị Tỳ-khưu ra đi du phương” là như thế.

Vì thế, đức Thế Tôn đã nói rằng:

“Không nên khát khao ở các dục, không nên bị khuấy động bởi tâm, thiện xảo đối với tất cả các pháp, có niệm, vị Tỳ-khưu ra đi du phương.”

Cùng với lúc kết thúc câu kệ ngôn, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến nhiều ngàn sinh mạng là những người có cùng sự mong muốn, có cùng sự thực hành, có cùng chủ tâm, có cùng sự huân tập thành thói quen [trong quá khứ] với vị Bà-la-môn ấy, rằng: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Và hơn nữa, tâm của vị Bà-la-môn ấy đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Ngay khi đạt đến phẩm vị A-la-hán, áo choàng da dê, tóc bện, y phục vỏ cây, gậy chống ba chân, bình nước, tóc và râu đều biến mất. Ajita trở thành [vị Tỳ-khưu] có đầu cạo, mặc y phục vải màu ca-sa, mang y hai lớp, bình bát và y, bằng hành động thuận theo đạo lý, đã ngồi xuống, chắp tay lên, cúi lạy đức Thế Tôn [nói rằng]: “Bạch Ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo sư của con, con là người đệ tử.”

“Diễn giải kinh Ajita” được hoàn tất.

Chú thích

1  Có sự không thống nhất ở điểm này: Văn bản Thái Lan và PTS ghi là Dhammā (các pháp), văn bản Miến Điện và Tích Lan ghi là Saṅkhārā (các hành). 

2  Xem chú thích 6 ở trang 359. (ND)

3 Các bậc A-la-hán: Có lẽ có sự nhầm lẫn ở đây khi các bậc A-la-hán cũng được xếp vào danh sách các bậc Sekha - Hữu học. (ND)

4  Bổn sanh “Thợ cạo Gaṅgamāla” (Gaṅgamālajātakaṃ), số 421, TTPV, tập 32, trang 311, câu kệ 1185. (ND)

5 “Con đường độc đạo” hiểu theo nghĩa “con đường chỉ có một lối đi duy nhất, không rẽ thành hai nhánh”, không hiểu theo nghĩa “con đường duy nhất, con đường độc nhất.” Ekāyanamaggo ti ekamaggo; ayaṃ maggo na dvedhāpathabhūto ti evam attho daṭṭhabbo (NidA. I. 52).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.