Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 05  »  Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN

Mục Lục

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ CHUYỆN NGẠ QUỶ/ II. PHẨM UBBARĪ

 

 

§21. CHUYỆN NGẠ QUỶ AṄKURA

(Aṅkurapetavatthu)9 (Pv. 23; PvA. 111)

Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong lúc trú tại Sāvatthi (Xá-vệ).

Trong trường hợp này, Aṅkura không phải là ngạ quỷ, nhưng vì có liên hệ với ngạ quỷ, nên chuyện được gọi là chuyện ngạ quỷ Aṅkura.

Trong thị trấn Asitañjana, ở vùng Kamsabhoga, tỉnh Uttarāpatha, có vị vương tử của Vua Mahāsāgara chúa tể xứ Uttaramadhurā, tên là Upasāgara cùng Vương phi Devagabbhā công chúa của Vua Mahākaṃsaka, sinh được các con này: Añjanadevi, Vāsudeva, Baladeva, Candadeva, Suriyadeva, Aggideva, Varuṇadeva, Ajjuna, Pajjuna, Ghatapaṇḍita và Aṅkura.

Vāsudeva và các huynh đệ khởi binh từ kinh thành Asitañjana và theo thời gian tận diệt tất cả mọi vua chúa trong sáu mươi ba ngàn kinh thành thuộc toàn quốc Hồng Ðào (Ấn Ðộ) rồi dừng chân ở thành Dvāravatī và định cư tại đó.

Về sau, họ chia vương quốc ra làm mười phần, nhưng họ lại quên phần chị là Công chúa Añjanadevi. Khi họ nhớ đến bà, một vương tử đưa ý kiến:

- Chúng ta hãy chia làm mười một phần. Lập tức Tiểu vương tử Aṅkura nói:

- Hãy đưa phần tiểu đệ cho vương tỷ; tiểu đệ sẽ sống bằng nghề thương mãi, chư vương huynh gửi tiền thuế của tiểu đệ đến vương tỷ, mỗi người từ quốc độ của mình!

Họ chấp thuận và sau khi đã gửi phần trợ cấp của người em cho chị, chín vua kia đều sống tại Dvāravatī. Tuy thế, Aṅkura lại theo nghề thương mãi và thường xuyên bố thí rộng rãi. Bấy giờ, vị ấy có một người nô lệ làm thủ kho vốn rất quan tâm đến phúc lợi của chủ.

Aṅkura cưới cho người này một thiếu nữ có gia thế đàng hoàng về làm vợ. Vì người nô lệ chết sớm, Aṅkura cho con trai người này hưởng tiền lương đã được trả cho cha nó lúc trước. Khi đứa bé này đến tuổi khôn lớn, trong triều vua có lời bàn xì xào rằng kẻ nô lệ ấy không phải là một nô lệ.

Khi Công chúa Añjanadevi nghe chuyện này, bà dùng ví dụ con bò sữa và giải phóng cậu trai ra khỏi tình trạng nô lệ rồi nói:

- Một bà mẹ được tự do không có gì thua kém một đứa con trai được tự do.

Song nỗi hổ thẹn khiến cậu con trai bỏ ra đi đến kinh thành Bheruva; tại đó, cậu cưới con gái của một người thợ may và sinh sống bằng nghề thợ may.

Thời ấy, trong thành Bheruva có một vị chủ nghiệp đoàn đại phú tên là Asayha vẫn cúng dường, bố thí hào phóng cho các Sa-môn, Bà-la-môn, du đãng, lữ hành, cùng đám ăn mày, khất sĩ. Người thợ may hân hoan thích thú về việc này, thường chỉ cho những người không biết chỗ ấy đến tận dinh cơ của gia tộc Asayha với lời dặn:

- Hãy đi đến đó và nhận được nhiều tặng vật xứng đáng!

Hành động của vị này được đề cập trong Kinh tạng Pāli. Khi từ trần, vị ấy tái sanh làm một Địa thần trong vùng sa mạc, ở một cây đa kia; tại đó, tay phải vị thần thường ban phát các đồ vật đem lại lạc thú.

Bấy giờ, cũng trong thành Bheruva ấy, có một người tham dự vào việc bố thí hào phóng của Asayha, nhưng vì kẻ ấy không có lòng tin, không mộ đạo, đầy tà kiến và tỏ ra bất kính đối với các thiện sự công đức, nên khi từ trần, kẻ ấy tái sanh làm ngạ quỷ ở gần nơi cư trú của vị thần kia. Hạnh nghiệp của vị ấy cũng được tìm thấy trong Kinh tạng Pāli.

Lúc ấy, Asayha đã từ trần và cộng trú với Thiên chủ Sakka ở cõi trời Ba Mươi Ba. Một thời gian sau đó, Aṅkura chất đầy hàng hóa lên năm trăm cỗ xe, trong khi một Bà-la-môn khác cũng làm như vậy. Hai người này cùng cả ngàn cỗ xe đi vào một sa mạc hiểm trở và lạc đường.

Trong khi họ lang thang quanh quẩn nơi ấy thì cỏ, nước và thực phẩm cạn dần. Aṅkura phái những người hầu cận đi tìm nước. Lúc ấy, thần dạ-xoa kia đang ban phát các đồ vật đem lại lạc thú, chợt thấy tình cảnh nguy khốn của họ, và nhớ đến công ơn mà Aṅkura đã làm cho mình đời trước, liền chỉ cho vị này cây đa mà thần đang cư trú và suy nghĩ: “Bây giờ đây, ta phải giúp đỡ người này.”

Thời ấy, cây đa này đầy cành lá rậm rạp, rũ bóng che dày đặc và có hàng ngàn chồi non. Cây trải dài, cao và rộng cả một do-tuần. Khi thấy cây đa, Aṅkura rất hân hoan, thích thú bảo cắm lều ngay tại đó. Thần dạ-xoa đưa tay phải ra và lập tức cung cấp nước uống.

Sau khi những người này được cung cấp đủ mọi nhu cầu theo nguyện vọng và đã nghỉ ngơi sau cuộc hành trình, vị Bà-la-môn thương nhân nảy lên ý tưởng ngu si này: “Sau khi đã đi từ đây đến Kamboja để kiếm tài sản thì chúng ta sẽ làm được việc gì? Chi bằng ta hãy tìm cách bắt lấy thần dạ-xoa đưa lên xe. Rồi sau đó cùng thần ấy đi thẳng về kinh thành của ta.”

Với ý tưởng này trong trí, vị Bà-la-môn nói kế hoạch của mình cùng Aṅkura:

257.
Ðích ta tìm ở Kamboja,
Thành tựu khi ta gặp dạ-xoa,
Thần ấy cho ta bao ước muốn,
Bắt thần cùng ở với đoàn ta.
258.
Hãy bắt lấy ngay đại lực thần,
Cho dù cưỡng bách hoặc bằng lòng,
Hãy đưa thần ấy lên xe gấp,
Trở lại Dvāraka vội bước chân.
Khi vị Bà-la-môn đã nói vậy xong, Aṅkura liền đề cập pháp thực hành của các thiện nhân, vừa phản đối vị kia:
259.
Với cây rũ bóng ngẫu nhiên ngồi,
Nằm nghỉ ta không bẻ nhánh chơi,
Vì kẻ nào hay làm phản bạn,
Là người gây ác nghiệp trên đời.
Vị Bà-la-môn đáp lời, theo quan niệm khôn ngoan thông thường chủ trương rằng, căn bản của sự thành công là loại bỏ đạo đức giả:
260.
Với cây cao bóng mát tình cờ,
Ta đến nằm, ngồi thật tự do,
Có thể đốn cây ngay tận gốc,
Nếu điều này có lợi cho ta.
[Aṅkura:]
261.
Với cây rũ bóng ngẫu nhiên ngồi,
Nằm nghỉ ta không hái lá chơi,
Vì kẻ nào hay làm phản bạn,
Là người gây ác nghiệp trên đời.
[Bà-la-môn:]
262.
Với cây cao bóng mát tình cờ,
Ta đến nằm ngồi thật tự do,
Có thể nhổ cây luôn cả rễ,
Nếu điều này có lợi cho ta.
[Aṅkura:]
263.
Tình cờ ta ở lại nhà ai,
Dù chỉ một đêm đến sáng mai,
Ta được người kia mời ẩm thực,
Ta không nghĩ kế hại cho người,
Tri ân là một điều cần thiết,
Ðược các thiện nhân tán thán hoài.
264.
Tình cờ ta trú ngụ nhà ai,
Cho dẫu một đêm chỉ một thôi,
Và được người kia mời ẩm thực,
Không nên nghĩ việc ác cho người,
Kẻ nào tay chẳng gây tai hại,
Cũng chấm dứt mưu phản bạn đời.
265.
Ngày trước nếu ai có thiện hành,
Về sau phạm tội ác vào mình,
Bàn tay trong sạch người kia thiếu,
Sẽ chẳng gặp đâu phận tốt lành.
Lúc ấy, vị Bà-la-môn trở nên yên lặng. Tuy nhiên, thần dạ-xoa đã nghe cả hai người nói chuyện, liền nổi giận với vị Bà-la-môn và nói:
– Hãy cho gã Bà-la-môn độc ác này lãnh phần xứng đáng với gã!
Rồi để chứng tỏ rằng thần không dễ bị bất cứ ai khuất phục, thần bảo:
266.
Thiên thần hay thế nhân, vương quyền
Muốn khuất phục ta, chẳng dễ xong!
Ta chính dạ-xoa, thần đại lực,
Phi nhanh như chớp giữa hư không,
Và ta thọ hưởng hình dung đẹp,
Phúc phận cho ta đủ lực hùng.
[Aṅkura:]
267.
Bàn tay ngài chói sáng vàng ròng,
Năm ngón tuôn ra mật ngọt trong,
Nhiều loại chất ngon đang nhỏ chảy,
Ngài Purindada, ta mong.
[Thần dạ-xoa:]
268.
Ta chẳng là tiên, chẳng thát-bà,
Chẳng Sakka hiệu Purindada,
Aṅkura hỡi, ta là quỷ,
Ðã đến đây từ Bheruva.
[Aṅkura:]
269.
Ở Bheruva giới ra sao,
Ðời trước ngài theo nếp sống nào,
Vì Thánh hạnh gì tay ấy vẫn
Thành tựu phước báu biết là bao?
[Thần dạ-xoa:]
270.
Kiếp trước ta là một thợ may,
Suốt đời cùng khổ sống qua ngày,
Ở Bheruva ta không có
Phương tiện gì ban phát tự tay.
271.
Thuở ấy tiệm ta ở cạnh nhà,
Của người mộ đạo Asayha,
Chuyên gia bố thí đầy hào phóng,
Khiêm tốn làm bao thiện sự mà.
272.
Các đám ăn mày đến chỗ kia,
Cùng đinh, đủ loại người nghèo qua:
Và rồi họ hỏi Ta nơi ấy,
Chỗ ở của ngài Asayha.
273.
Chào ông! Cho hỏi đến nơi đâu?
Đâu chỗ chúng tôi nhận thí trao?
Họ hỏi ta đây bèn nói rõ,
Chỗ ở của ngài Asayha.
274.
Ta đưa tay phải ra và bảo:
“Chào các ông! Xin hãy đến kia,
Nhà của Asayha ở đó,
Tặng vật dồi dào được phát ra.”
275.
Do vậy tay ta nay phát phân,
Những gì chư vị đến cầu mong,
Nhờ nguyên nhân ấy tay ta đó,
Ðang nhỏ mật ngon ngọt cả dòng.
Vì Thánh hạnh xưa ta tiếp tục
Thành tựu phước báu với tay không.
[Aṅkura:]
276.
Như thế xưa ngài chẳng tặng ai,
Vật gì đâu với chính tay ngài,
Nhưng vì thích thú nhìn người khác,
Bố thí nên tay phải trải dài.
277.
Do vậy tay ngài nay biếu không,
Những gì cần thiết với tha nhân,
Nhờ nguyên nhân ấy tay ngài đó,
Ðang nhỏ mật ngon ngọt cả dòng.
Vì Thánh hạnh xưa ngài tiếp tục,
Hoàn thành thiện sự với tay thần.
278.
Ngài hỡi, người kia có tín tâm,
Dùng đôi tay lấy của cho không,
Sau khi đã bỏ thân phàm tục,
Người ấy đi đâu hãy nói cùng.
[Thần dạ-xoa:]
279.
Ta chẳng biết gì thuở đã qua,
Chuyện sanh tử của Aṅgīrasa,
Người thành tựu việc không hề có,
Song đã nghe từ Vessavaṇa,
Người ấy sanh thiên và cộng trú,
Cùng chư thiên hội chúng Sakka.
[Aṅkura:]
280.
Bố thí làm lành đúng khả năng,
Quả nhiên đầy đủ lợi vô ngần,
Khi nhìn kẻ khác ban ân phước,
Ai chẳng muốn làm thiện sự chăng?
281.
Từ đây đến xứ Dvāraka,
Quả thật khi về đất nước xưa,
Ta sẽ phân chia nhiều tặng vật,
Việc này đem hạnh phúc cho ta.
282.
Ta sẽ tặng nhiều thức uống ăn,
Áo quần, sàng tọa, chỗ nương thân,
Lối đi qua các nơi nguy hiểm,
Ðào giếng và ao nước vệ đường.
Vừa lúc ấy, một ngạ quỷ xuất hiện, Aṅkura liền hỏi:
283.
Sao tay ngươi các ngón cong queo,
Và miệng của ngươi lệch một chiều,
Ðôi mắt ngươi tuôn trào nước mãi,
Nhà ngươi đã tạo ác hạnh nào?
[Ngạ quỷ:]
284.
Với người mộ đạo Aṅgīrasa,
Gia chủ làm công đức tại nhà,
Tôi đã liên quan về thiện sự,
Xưa tôi giám sát việc chia quà.
285.
Nơi kia khi thấy bọn xin ăn,
Những kẻ thèm cơm nước phát phân,
Ðã đến tôi liền qua phía khác,
Và tôi làm bộ mặt mày nhăn.
286.
Nên tay tôi các ngón cong queo,
Và miệng của tôi lệch một chiều,
Ðôi mắt tôi tuôn trào nước mãi,
Ngày xưa tôi tạo ác hạnh nhiều.
[Aṅkura:]
287.
Kẻ khốn khổ kia thật đúng là,
Miệng ngươi méo lệch bởi ngày xưa,
Ngươi nhăn mày mặt khi nhìn thấy,
Người khác phân chia các món quà.
288.
Vì sao ta có thể phát phân,
Y phục, tọa sàng, thức uống ăn,
Mà lại mong nhờ tay kẻ khác,
Giúp ta phục vụ các tha nhân?
289.
Từ đây đến xứ Dvāraka,
Quả thật khi về đất nước xưa,
Ta sẽ phân chia nhiều tặng vật,
Việc này đem hạnh phúc cho ta.
290.
Ta sẽ tặng nhiều thức uống ăn,
Áo quần, sàng tọa, chỗ nương thân,
Lối đi qua các nơi nguy hiểm,
Ðào giếng và ao nước vệ đường.
Chư vị kết tập kinh điển tiếp tục câu chuyện qua các vần kệ:
291.
Sau khi trở về Dvāraka,
Vị ấy vừa quay bước đến nhà,
Liền thiết lập công trình bố thí,
Việc này đem hạnh phúc chan hòa.
292.
Với tâm thanh thản vị này ban,
Y phục, thức ăn uống, tọa sàng,
Nơi chốn cho bao người tạm trú,
Ðào ao và giếng nước bên đàng.
293.
Ai muốn áo choàng, thức uống ăn?
Ngựa bò ai mỏi mệt hay chăng?
Từ nơi đây họ đem dây buộc,
Bò, ngựa vào xe để chở hàng,
Ai muốn nước hoa, dù đỡ nắng,
Ai cần giày dép hoặc hoa tràng?
294.
Như vầy bọn chúng cứ kêu la,
Bọn hớt tóc và bán nước hoa,
Ðầu bếp không ngừng từ sáng tối,
Ở ngôi nhà của Aṅkura.
Tiếp theo đó là câu chuyện giữa Aṅkura và Sindhaka, một chàng trai được chỉ định trông coi việc bố thí của vị ấy.
[Aṅkura:]
295.
Các bọn người kia vẫn nghĩ rằng:
“Aṅkura ngủ thật bình an”,
Sindhaka hỡi, ta trằn trọc,
Vì chẳng thấy đâu bọn cái bang.
296.
Chắc các người kia nghĩ đến mình:
“Aṅkura ngủ thật ngon lành.”
Sindhaka hỡi, ta trằn trọc,
Vì chẳng thấy đâu các lữ hành.
[Sindhaka:]
297.
Nếu Sakka, chúa cõi Băm Ba,
Ban tặng cho ngài một ước mơ,
Ngài sẽ chọn gì trong thế giới,
Mong ngài bày tỏ, Aṅkura?
[Aṅkura:]
298.
Nếu Sakka, chúa cõi Băm Ba,
Ðem một điều mong ước tặng ta,
Ta sẽ cầu xin từ buổi sáng,
Khi vừa thức giấc sớm tinh mơ,
Món ăn thiên giới luôn đầy đủ,
Hành khất tín thành cũng hiện ra.
299.
Mong ước khi ta đang phát ban,
Công năng bố thí chẳng tiêu tan,
Sau khi bố thí không ân hận,
Ta ước tâm ta được lạc an,
Trong lúc ta thi ân bố đức,
Ấy điều ta ước tự Thiên hoàng.
Như vậy, Aṅkura đã tuyên bố nguyện vọng của mình. Lúc ấy, tại nơi kia, một người đang ngồi mang tên Sonaka, có phẩm hạnh tốt. Người ấy muốn khuyên can vị này đừng bố thí quá nhiều, liền bảo:
300.
Chớ nên cho tất cả gia tài,
Ngài phải hộ phòng sản nghiệp thôi,
Vì thế bạc vàng là chắc chắn,
Có giá trị hơn bố thí hoài,
Bố thí quá nhiều sinh kết quả,
Gia đình không thể sống lâu dài.
301.
Bậc Hiền không chấp nhận xan tham,
Cũng chẳng tán đồng quá phát ban,
Vì thế ngài nhìn xem của cải,
Tốt hơn là bố thí tràn lan,
Người nào có quyết tâm chơn chánh,
Sẽ chọn đường trung đạo lạc an.
[Aṅkura:]
302.
Ông nói điều này quả thật hay,
Phần ta muốn bố thí từ đây,
Và cầu mong những người lương thiện,
Mộ đạo mau chân đến chốn này,
Như đám mây tràn đầy vực thẳm,
Ta mong bồi dưỡng hạng ăn mày.
303.
Nếu ta tâm trí được bình an,
Khi thấy bọn hành khất hỏi han,
Hoan hỷ vì thi ân bố đức,
Ðấy là hạnh phúc giữa nhân gian.
304.
Nếu trí tâm ta được lặng yên,
Khi nhìn hành khất đến cầu xin,
Hân hoan vì việc ban ân huệ,
Như vậy là thành tựu phước điền.
305.
Trước khi bố thí phải hân hoan,
Tâm trí hân hoan lúc phát ban,
Hoan hỷ sau khi ta bố thí,
Thế là thành đạt phước nhân gian.
Chư vị kết tập Kinh tạng Pāli tiếp tục kể chuyện này:
306.
Sáu mươi ngàn chẵn chuyến xe bò,
Thực phẩm hằng ngày được phát cho,
Các nhóm người trong nhà thí chủ,
Nguyện làm thiện sự Aṅkura.
307.
Ðầu bếp ba ngàn sống tại gia,
Của người thí chủ Aṅkura,
Ðiểm trang vàng ngọc hoa tai đủ,
Tận tụy nhiệt tâm phát tặng quà.
308.
Thanh niên trai tráng sáu mươi ngàn,
Ðeo đủ hoa tai với ngọc vàng,
Ðang bổ củi trong nhà thí chủ,
Cử hành đại bố thí nhân gian.
309.
Nữ nhi một vạn sáu như hoa,
Tô điểm đồ trang sức ngọc ngà,
Nhào bột thành bao hình bánh ngọt,
Cử hành đại bố thí toàn gia.
310.
Mười sáu ngàn kìa các nữ nhân,
Xiêm y đủ mọi vẻ thanh tân,
Tay cầm muỗng tại nhà gia chủ,
Phục vụ đại công đức phát phân.
311.
Phát ban nhiều tới biết bao người,
Người quý cao thay cống hiến hoài,
Bố thí ân cần tay chỉ bảo,
Quan tâm chăm sóc mãi không thôi.
312.
Nhiều tuần trăng, tháng tháng trôi qua,
Chẳng biết bao năm với bốn mùa,
Suốt một thời gian dài đăng đẵng,
Không ngừng bố thí, Aṅkura.
313.
Aṅkura bố thí lâu dài,
Cống hiến phát ban suốt cả đời,
Ðến lúc từ trần lìa bỏ xác,
Ði lên thiên giới, cõi Ba Mươi.
Khi vị ấy đã được tái sanh ở đó và đang hưởng thiên lạc, thì vào thời đức Thế Tôn Gotama, một thanh niên có tên Indaka đầy nhiệt tâm, cúng dường một phần thực phẩm lên Tôn giả Trưởng lão Anuruddha (A-na-luật-đà) trong lúc vị này đang đi khất thực.
Khi Indaka từ trần, và nhờ năng lực công đức đã trở thành phước điền, vị ấy tái sanh lên cõi Ba Mươi Ba. Vì thế chuyện kể tiếp:
314.
Lấy cơm đầy muỗng, Indaka,
Dâng Trưởng lão A-na-luật-đà,
Khi xả báo thân phàm tục ấy,
Chàng lên cộng trú cõi Băm Ba.
315-16.
Trong mười phương diện, Indaka,
Vượt trội Aṅkura thật xa:
Khả ái sắc, thanh, hương, vị, xúc,
Trường tồn thọ mạng, đẹp màu da,
Phước phần danh vọng và quyền lực,
Chàng đều vượt hẳn Aṅkura.
317.
Ở trong thiên giới, cõi Băm Ba,
Bậc Tối Thượng Nhân, đức Phật-đà,
Ðang ngự trên ngai hoàng bảo thạch,
Dưới chân của đại thọ san hô.
318.
Khi chư thiên tụ tập mười phương,
Ðảnh lễ đấng Toàn Giác Thế Tôn,
Vừa đến cõi thiên đang trú ngụ,
Ở trên thượng đỉnh của Cao sơn.
319.
Không một thần tiên ở cõi trời,
Sánh bằng đức Phật vẻ hùng oai,
Vượt lên tất cả chư thiên ấy,
Duy nhất Thế Tôn chiếu rạng ngời.
320.
Ðồng thời có mặt Aṅkura,
Cách đó mười hai dặm phía xa,
Nhưng ở không xa đức Phật mấy,
Indaka vượt Aṅkura.
321.
Khi đức Phật vừa chợt ngó qua,
Aṅkura với Indaka,
Muốn làm hai vị tăng công đức,
Ðức Phật bèn cất tiếng nói ra:
322.
“Lâu dài bố thí, Aṅkura,
Xưa phát phân nhiều để lợi tha,
Nay vẫn đang ngồi xa cách quá,
Ðến nơi này ở phía gần Ta.”
323.
Ðược đấng Toàn Tri Kiến bảo ban,
Aṅkura vội nói lên rằng:
“Lợi gì bố thí thời xưa ấy,
Vì thiếu người tương xứng cúng dường?
324.
Indaka hiện ở nơi đây,
Dù đã cúng dường ít ỏi thay,
Chàng vẫn sáng ngời hơn tất cả,
Như trăng vượt các đám sao dày.”
Ðức Phật liền dạy bảo:
325.
Ví như trong đám ruộng khô cằn,
Hạt giống dù vô số được trồng,
Chúng vẫn không đem nhiều kết quả,
Và không làm đẹp ý nhà nông.
326.
Cũng vậy đem nhiều của phát ban,
Cho người độc ác hoặc tà gian,
Sẽ không tạo quả lành phong phú,
Và chẳng làm vui kẻ cúng dường.
327.
Nhưng khi ít hạt được gieo trồng,
Trong chỗ đất tươi tốt ruộng đồng,
Lại có nhiều mưa hòa gió thuận,
Ðược mùa, làm đẹp ý nhà nông.
328.
Cũng vậy khi tôn kính Chánh nhân,
Những người đạo hạnh giữa nhân quần,
Thiện hành dù chỉ là nho nhỏ,
Cũng tạo công năng đại phước phần.
Chư vị kết tập kinh điển tiếp tục kể chuyện:
329.
Vậy phải biết phân biệt cúng dường,
Ðem về phước báu lớn vô lường,
Cúng dường có chú tâm suy xét,
Thí chủ lên thiên giới trú an.
330.
Ta phải cúng dâng lễ tín thành,
Lên người xứng đáng giữa quần sanh,
Lễ dâng như vậy đem thành quả,
Phong phú như gieo hạt đất lành.
Tham khảo:
9 Xem S. I. 43, Sādhusutta (Kinh Lành thay); A. III. 336, Chaḷaṅgadānasutta (Kinh Bố thí gồm sáu phần); J. IV. 72, Bhūripaññajātaka (Chuyện vấn đề trí tuệ), số §452; J. IV. 239, Akittijātaka (Chuyện Hiền giả Akitti), số §480.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.