Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thuỷ/Kinh Tạng Pali/Kinh Trung Bộ

145. Kinh giáo giới Phú-lâu-na (Puṇṇovāda Sutta)

395. Như vầy tôi nghe.

Một thời,[2] Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tinh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Rồi Tôn giả Puṇṇa[3] (Phú-lâu-na) vào buổi chiều, từ thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Puṇṇa bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, tốt lành thay nếu Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới vắn tắt cho con, để con có thể sau khi nghe Thế Tôn, sống một mình, nhàn tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

– Vậy này Puṇṇa, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Puṇṇa vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Này Puṇṇa, có những sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủ và an trú trong ấy;[4] thời do hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủ và an trú, dục hỷ sanh. Và này Puṇṇa, Ta nói rằng, từ sự tập khởi của dục hỷ là sự tập khởi của khổ. Này Puṇṇa, có những tiếng do tai nhận thức... có những hương do mũi nhận thức... có những vị do lưỡi nhận thức... có những cảm xúc do thân nhận thức... có những pháp do ý nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủ và an trú trong ấy; thời do hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủ và an trú, dục hỷ sanh. Và này Puṇṇa, Ta nói rằng, từ sự tập khởi của dục hỷ là sự tập khởi của khổ.

Này Puṇṇa, có những sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả hỷ, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán thưởng, không chấp thủ và an trú, thời dục hỷ diệt. Này Puṇṇa, Ta nói rằng, từ sự diệt tận dục hỷ là sự diệt tận đau khổ. Này Puṇṇa, có những tiếng do tai nhận thức... có những hương do mũi nhận thức... có những vị do lưỡi nhận thức... có những cảm xúc do thân nhận thức... có những pháp do ý nhận thức, khả ái, khả lạc, khả hỷ, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán thưởng, không chấp thủ và an trú, thời dục hỷ diệt. Này Puṇṇa, Ta nói rằng, từ sự diệt tận dục hỷ là sự diệt tận đau khổ.

Này Puṇṇa, ông sẽ sống ở quốc độ nào, nay ông đã được Ta giáo giới với lời giáo giới vắn tắt?

– Bạch Thế Tôn, nay con đã được Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới vắn tắt, có một quốc độ tên là Sunāparanta[5] (Tây Phương Du-na quốc), con sẽ sống tại đấy.

396. – Này Puṇṇa, người nước Sunāparanta là hung bạo. Này Puṇṇa, người nước Sunāparanta là thô ác. Này Puṇṇa, nếu người nước Sunāparanta mắng nhiếc ông, nhục mạ ông, thời này Puṇṇa, tại đấy ông sẽ như thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu người nước Sunāparanta mắng nhiếc con, nhục mạ con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, người nước Sunāparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunāparanta này! Vì rằng họ không lấy tay đánh đập ta.” Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

– Nhưng này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy tay đánh đập ông, thời này Puṇṇa, tại đấy ông sẽ nghĩ như thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy tay đánh đập con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, người nước Sunāparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunāparanta này! Vì rằng họ không lấy các cục đất ném đánh ta.” Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

– Nhưng này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy các cục đất ném đánh ông, thời này Puṇṇa, tại đấy ông sẽ nghĩ thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy các cục đất ném đánh con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, các người nước Sunāparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunāparanta! Vì rằng họ không lấy gậy đánh đập ta.” Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

– Nhưng này Puṇṇa... lấy gậy đánh đập ông... ông nghĩ thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy gậy đánh đập con... Vì rằng họ không lấy dao đánh đập ta... Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

– Nhưng này Puṇṇa... lấy dao đánh đập ông... ông nghĩ thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy dao đánh đập con... Vì rằng họ không lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ta... Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

– Nhưng này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ông... ông nghĩ thế nào?

– Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunāparanta lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: “Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng, đi tìm con dao [để tự sát].[6] Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy.” Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

– Lành thay, lành thay, này Puṇṇa! Này Puṇṇa, ông có thể sống trong nước Sunāparanta, khi ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này.[7] Này Puṇṇa, ông nay hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời.

397. Rồi Tôn giả Puṇṇa, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, dọn dẹp sàng tọa, lấy y bát, rồi ra đi, đi đến nước Sunāparanta. Tiếp tục du hành, [Tôn giả Puṇṇa] đi đến nước Sunāparanta. Tại đây, Tôn giả Puṇṇa sống trong nước Sunāparanta. Rồi Tôn giả Puṇṇa trong an cư mùa mưa ấy, nhiếp độ được khoảng năm trăm nam cư sĩ; cũng trong an cư mùa mưa ấy, nhiếp độ khoảng năm trăm nữ cư sĩ; cũng trong an cư mùa mưa ấy, chứng được Tam minh. Sau một thời gian, Tôn giả Puṇṇa mệnh chung.

Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, thiện nam tử Puṇṇa ấy, sau khi được Thế Tôn giáo giới với bài giáo giới vắn tắt đã mệnh chung. Sanh thú của vị ấy là gì? Đời sau của vị ấy là thế nào?

– Này các Tỷ-kheo, thiện nam tử Puṇṇa là bậc Hiền trí. Vị ấy thực hành pháp và tùy pháp. Vị ấy không phiền nhiễu Ta với những câu hỏi về pháp. Này các Tỷ-kheo, thiện nam tử Puṇṇa đã nhập Niết-bàn.[8]

Thế Tôn thuyết giảng như vậy, các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

CHÚ THÍCH



[1] Xem S. IV. 60, Puṇṇa Sutta. Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.311. 0089b01); Phật thuyết Mãn Nguyện tử kinh 佛說滿願子經 (T.02. 0108. 0502c05); Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ Tỳ-nại-da dược sự 根本說一切有部毘奈耶藥事 (T.24. 1448.3. 0011c29).
[2] Xem S. IV. 60ff; Divy. 37-39.
[3] Bài kệ của vị Tôn giả này được kết tập trong Thag. v. 70.
[4] Cả đối với mắt và các sắc.
[5] MA. V. 85 viết rằng vị này trú ở Sunāparanta. Nơi này có 4 trú xứ có thể trú ngụ tu học, tuy nhiên, trong số đó, có 2 trú xứ không được thuận lợi, đó là tinh xá ở Samuddagiri, có nhiều tảng đá nam châm nên vị ấy không thể đi kinh hành và ở Mātulagiri, chim chóc quá nhiều, ồn ào suốt ngày đêm.
[6] Satthahāraka hay một kẻ giết người. Xem Vin. III. 73, Pārājika 3; MA. V. 85.
[7] Damūpasama. MA. V. 85 viết trong kinh này, damakhanti (nhẫn nhục), và upasama cũng cùng một nghĩa.
[8] MA. V. 92 viết rằng Tôn giả Puṇṇa chứng Vô dư y Niết-bàn. Dân chúng cúng dường thân thể một tuần và dùng củi thơm trà-tỳ nhục thân, sau đó nhặt lấy Xá-lợi và dựng một ngôi tháp để tôn trí Xá-lợi.


Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.