Tam tạng Thánh điển PGVN 02 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 02 »
Kinh Trung Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thuỷ/Kinh Tạng Pali/Kinh Trung Bộ
389. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn ở Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm), tại Kalandakanivāpa (chỗ nuôi dưỡng sóc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất), Tôn giả Mahācunda (Đại Chu-na) và Tôn giả Channa (Xiển-đà) cùng trú ở Gijjhakūṭa (núi Linh Thứu). Lúc bấy giờ, Tôn giả Channa bị bệnh, đau khổ bị trọng bệnh. Rồi Tôn giả Sāriputta, vào buổi chiều, từ thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahācunda, sau khi đến, nói với Tôn giả Mahācunda:
– Chúng ta hãy đi, này Hiền giả Cunda, chúng ta hãy đi đến Tôn giả Channa để hỏi thăm bệnh trạng!
– Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Mahācunda vâng đáp Tôn giả Sāriputta. Rồi Tôn giả Sāriputta cùng với Tôn giả Mahācunda đi đến Tôn giả Channa; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Channa những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sāriputta nói với Tôn giả Channa:
– Này Hiền giả Channa, mong rằng Hiền giả có thể kham nhẫn! Mong rằng Hiền giả có thể chịu đựng! Mong rằng khổ thọ được giảm thiểu, không có gia tăng, và sự giảm thiểu được rõ rệt, không có gia tăng!
– Thưa Hiền giả Sāriputta, tôi không thể kham nhẫn, tôi không thể chịu đựng.[2] Sự thống khổ của tôi gia tăng không có giảm thiểu, và sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Hiền giả Sāriputta, ví như một người lực sĩ chém đầu [một người khác] với một thanh kiếm sắc bén; cũng vậy, thưa Hiền giả Sāriputta, những ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu tôi. Thưa Hiền giả Sāriputta, tôi không thể kham nhẫn, tôi không thể chịu đựng. Những thống khổ của tôi gia tăng, không có giảm thiểu, sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Hiền giả Sāriputta, như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi xiết chặt; cũng vậy, thưa Hiền giả Sāriputta, tôi cảm thấy bị đau đầu một cách kinh khủng. Thưa Hiền giả Sāriputta, tôi không thể kham nhẫn, tôi không thể chịu đựng. Những thống khổ của tôi gia tăng, không có giảm thiểu, sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Hiền giả Sāriputta, như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang bụng với một con dao cắt thịt bò sắc bén; cũng vậy, thưa Hiền giả Sāriputta, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng của tôi. Thưa Hiền giả Sāriputta, tôi không thể kham nhẫn, tôi không thể chịu đựng. Những thống khổ của tôi gia tăng, không có giảm thiểu, sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Hiền giả Sāriputta, ví như hai người lực sĩ, sau khi nắm cánh tay của một người yếu hơn, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng; cũng vậy, thưa Hiền giả Sāriputta, một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân tôi. Thưa Hiền giả Sāriputta, tôi không thể kham nhẫn, tôi không thể chịu đựng. Những thống khổ của tôi gia tăng, không có giảm thiểu, sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu.
Thưa Hiền giả Sāriputta, tôi sẽ đem dao [cho tôi].[3] Tôi không còn muốn sống.
390. – Tôn giả Channa, chớ có đem lại con dao! Tôn giả Channa, hãy tiếp tục sống! Chúng tôi muốn Tôn giả Channa tiếp tục sống. Nếu Tôn giả Channa không có các món ăn tốt lành, tôi sẽ đi tìm các món ăn tốt lành cho Tôn giả Channa. Nếu Tôn giả Channa không có các dược phẩm tốt lành, tôi sẽ đi tìm các dược phẩm tốt lành cho Tôn giả Channa. Nếu Tôn giả Channa không có người thị giả thích đáng, tôi sẽ hầu hạ Tôn giả Channa. Tôn giả Channa chớ có đem lại con dao! Tôn giả Channa hãy tiếp tục sống! Chúng tôi muốn Tôn giả Channa tiếp tục sống.
– Thưa Hiền giả Sāriputta, không phải tôi không có các món ăn tốt lành, cũng không phải tôi không có các dược phẩm tốt lành, cũng không phải tôi không có thị giả thích đáng. Thưa Hiền giả Sāriputta, trong một thời gian dài, tôi đã hầu hạ[4] bậc Đạo sư, làm cho [bậc Đạo sư] được đẹp lòng, không phải không được đẹp lòng. Thưa Hiền giả Sāriputta, thật là thích đáng cho người đệ tử hầu hạ bậc Đạo sư, làm cho [bậc Đạo sư] được đẹp lòng, không phải không được đẹp lòng. Tỷ-kheo Channa đem lại con dao không có phạm tội.[5] Thưa Hiền giả Sāriputta, hãy thọ trì như vậy!
– Chúng tôi muốn hỏi Tôn giả Channa về một vấn đề đặc biệt, nếu Tôn giả Channa cho chúng tôi được phép đặt câu hỏi.
– Hãy hỏi đi, Hiền giả Sāriputta, sau khi nghe, tôi sẽ biết [nói như thế nào].
391. – Hiền giả Channa, Hiền giả có xem con mắt, nhãn thức và các pháp do mắt nhận thức là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”? Hiền giả Channa, Hiền giả có xem tai, nhĩ thức... Hiền giả Channa, Hiền giả có xem mũi, tỷ thức... Hiền giả Channa, Hiền giả có xem lưỡi, thiệt thức... Hiền giả Channa, Hiền giả có xem thân, thân thức... Hiền giả Channa, Hiền giả có xem ý, ý thức và các pháp do ý nhận thức là: “Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
– Hiền giả Sāriputta, tôi xem mắt, nhãn thức và các pháp do mắt nhận thức là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.” Hiền giả Sāriputta, tôi xem tai, nhĩ thức... Hiền giả Sāriputta, tôi xem mũi, tỷ thức... Hiền giả Sāriputta, tôi xem lưỡi, thiệt thức... Hiền giả Sāriputta, tôi xem thân, thân thức... Hiền giả Sāriputta, tôi xem ý, ý thức và các pháp do ý nhận thức là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.”
392. – Này Hiền giả Channa, Hiền giả đã thấy cái gì, đã chứng tri cái gì trong mắt, trong nhãn thức, trong các pháp được mắt nhận thức mà Hiền giả xem mắt, nhãn thức và các pháp do mắt nhận thức là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”? Hiền giả Channa, Hiền giả đã thấy cái gì, đã chứng tri cái gì trong tai, trong nhĩ thức... trong mũi, trong tỷ thức... trong lưỡi, trong thiệt thức... trong thân, trong thân thức... trong ý, trong ý thức, trong các pháp do ý nhận thức mà Hiền giả xem ý, ý thức và các pháp do ý nhận thức là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”?
– Thưa Hiền giả Sāriputta, chính vì tôi thấy sự diệt (nirodha),[6] chứng tri sự diệt trong mắt, trong nhãn thức, trong các pháp do mắt nhận thức mà tôi xem mắt, nhãn thức, và các pháp do mắt nhận thức là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.” Thưa Hiền giả Sāriputta, chính vì tôi thấy sự diệt, chứng tri sự diệt trong tai, trong nhĩ thức... trong mũi, trong tỷ thức... trong lưỡi, trong thiệt thức... trong thân, trong thân thức... trong ý, trong ý thức, trong các pháp do ý nhận thức mà tôi xem ý, ý thức và các pháp do ý nhận thức là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.”
393. Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Mahācunda nói với Tôn giả Channa:
– Do vậy, này Hiền giả Channa, lời dạy này của Thế Tôn phải được thường trực tác ý: Ai có chấp trước là có dao động.[7] Ai không chấp trước là không có dao động. Không có dao động, thời có khinh an; có khinh an thời không có hy cầu (nati);[8] không có hy cầu[9] thời không có khứ lai; không có khứ lai thời không có tử sanh; không có tử sanh thời không có đời này, không có đời sau, không có giữa hai đời. Như vậy là sự đoạn tận đau khổ.
Rồi Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Mahācunda sau khi giáo giới cho Tôn giả Channa, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
394. Rồi Tôn giả Channa, sau khi Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Mahācunda ra đi không bao lâu, đem dao lại [cho mình].[10] Rồi Tôn giả Sāriputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sāriputta bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Channa đã đem dao lại [cho mình], sanh xứ của Tôn giả ấy là gì? Đời sống tương lai là gì?
– Này Sāriputta, có phải trước mặt ông, Tỷ-kheo Channa đã tuyên bố sự không phạm tội (anupavajja)?
– Bạch Thế Tôn, có một ngôi làng của dòng họ Vajjī (Bạt-kỳ) tên là Pubbajira. Tại đấy, có những gia đình thân hữu, những gia đình hộ trì (suhajjakulāni) Tôn giả Channa, những gia đình cần được viếng thăm.[11]
– Này Sāriputta, có những gia đình ấy là những gia đình thân hữu, những gia đình hộ trì Tỷ-kheo Channa, những gia đình cần được viếng thăm. Này Sāriputta, cho đến nay, Ta không nói rằng Tỷ-kheo Channa có phạm tội (saupavajja). Này Sāriputta, ai quăng bỏ thân này và chấp thủ thân khác, Ta nói rằng người ấy có phạm tội. Tỷ-kheo Channa không có [chấp thủ] như vậy. Tỷ-kheo Channa đem con dao lại [cho mình], không có phạm tội.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Tôn giả Sāriputta hoan hỷ tín thọ lời của Thế Tôn dạy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.