Tam tạng Thánh điển PGVN 02 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 02 »
Kinh Trung Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thuỷ/Kinh Tạng Pali/Kinh Trung Bộ
276. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tinh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Ānanda tại hội trường thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. [Tôn giả] giảng Nhất dạ Hiền giả, tổng thuyết và biệt thuyết. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, ai tại hội trường đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Ai đã giảng Nhất dạ Hiền giả, tổng thuyết và biệt thuyết?
– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ānanda tại hội trường đã thuyết thị, khích lệ, làm cho thích thú, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. [Tôn giả] đã giảng Nhất dạ Hiền giả, tổng thuyết và biệt thuyết.
Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ānanda:
– Nhưng như thế nào, này Ānanda, ông đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp? Ông có phải đã giảng Nhất dạ Hiền giả, tổng thuyết và biệt thuyết?
– Đúng vậy, bạch Thế Tôn, con đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Con đã giảng Nhất dạ Hiền giả, tổng thuyết và biệt thuyết:
Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến.
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây,
Không động, không rung chuyển,
Biết vậy, nên tu tập.
Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết.
Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhất dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.
277. Này các Hiền giả, thế nào là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là hành của tôi trong quá khứ”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Hiền giả, là truy tìm quá khứ.
Và này các Hiền giả, thế nào là không truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là hành của tôi trong quá khứ”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Hiền giả, là không truy tìm quá khứ.
Và này các Hiền giả, thế nào ước vọng tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là tưởng của tôi trong tương lai”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là hành của tôi trong tương lai”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là thức của tôi trong tương lai”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Hiền giả, là ước vọng trong tương lai.
Và này các Hiền giả, thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là tưởng của tôi trong tương lai”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là hành của tôi trong tương lai”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là thức của tôi trong tương lai”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này các Hiền giả, là không ước vọng trong tương lai.
Và này các Hiền giả, như thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Hiền giả, có kẻ vô văn phàm phu, không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc; hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ, hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ; hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong tưởng; hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này các Hiền giả, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.
Và này các Hiền giả, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này các Hiền giả, có vị đa văn Thánh đệ tử, đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị này không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ...; không quán tưởng...; không quán hành...; không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức là trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy, này các Hiền giả, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.
Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
... (như trên)...
Xứng gọi Nhất dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.
Như vậy, bạch Thế Tôn, con đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo. Con đã giảng Nhất dạ Hiền giả, tổng thuyết và biệt thuyết.
278. – Lành thay, lành thay, này Ānanda! Lành thay, này Ānanda! Ông đã thuyết thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ các Tỷ-kheo với bài thuyết pháp. Ông đã giảng Nhất dạ Hiền giả, tổng thuyết và biệt thuyết.
Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
... (như trên) ...
Xứng gọi Nhất dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.
Và thế nào, này Ānanda, là truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là hành của tôi trong quá khứ”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Ānanda, là truy tìm quá khứ.
Và này Ānanda, thế nào là không truy tìm quá khứ? Vị ấy nghĩ: “Như vậy là sắc của tôi trong quá khứ”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là thọ của tôi trong quá khứ”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là tưởng của tôi trong quá khứ”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là hành của tôi trong quá khứ”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Như vậy là thức của tôi trong quá khứ”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Ānanda, là không truy tìm quá khứ.
Và này Ānanda, thế nào là ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là tưởng của tôi trong tương lai”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là hành của tôi trong tương lai”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là thức của tôi trong tương lai”, và vị ấy truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Ānanda, là ước vọng trong tương lai.
Và này Ānanda, thế nào là không ước vọng trong tương lai? Vị ấy nghĩ: “Mong rằng như vậy sẽ là sắc của tôi trong tương lai”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là thọ của tôi trong tương lai”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là tưởng của tôi trong tương lai”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là hành của tôi trong tương lai”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. “Mong rằng như vậy sẽ là thức của tôi trong tương lai”, và vị ấy không truy tìm sự hân hoan trong ấy. Như vậy, này Ānanda, là không ước vọng trong tương lai.
Và này Ānanda, thế nào là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này Ānanda, có kẻ vô văn phàm phu, không đi đến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không đi đến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; quán sắc là tự ngã, hay quán tự ngã là có sắc, hay quán sắc là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong sắc; hay vị ấy quán thọ là tự ngã, hay quán tự ngã là có thọ, hay quán thọ là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thọ; hay vị ấy quán tưởng là tự ngã, hay quán tự ngã là có tưởng, hay quán tưởng là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong tưởng; hay vị ấy quán hành là tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là có hành, hay vị ấy quán hành là trong tự ngã, hay vị ấy quán tự ngã là trong hành; hay vị ấy quán thức là tự ngã, hay quán tự ngã là có thức, hay quán thức là trong tự ngã, hay quán tự ngã là trong thức. Như vậy, này Ānanda, là bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.
Và này Ānanda, thế nào là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại? Ở đây, này Ānanda, có vị đa văn Thánh đệ tử, đi đến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; đi đến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân. Vị ấy không quán sắc là tự ngã, không quán tự ngã là có sắc, không quán sắc là trong tự ngã, không quán tự ngã trong sắc; không quán thọ...; không quán tưởng...; không quán hành...; không quán thức là tự ngã, không quán tự ngã là có thức, không quán thức là trong tự ngã, không quán tự ngã trong thức. Như vậy này Ānanda, là không bị lôi cuốn trong các pháp hiện tại.
Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng,
... (như trên)...
Xứng gọi Nhất dạ Hiền,
Bậc an tịnh, trầm lặng.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Tôn giả Ānanda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.