Tam tạng Thánh điển PGVN 02 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 02 »
Kinh Trung Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thuỷ/Kinh Tạng Pali/Kinh Trung Bộ
261. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tinh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo!
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Ví như, này các Tỷ-kheo, có hai nhà có cửa;[2] ở đây, một người có mắt đứng chính giữa có thể thấy những người đi vào nhà, đi ra khỏi nhà, đi qua, đi lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy các chúng hữu tình chết đi sanh lại, hạ liệt, cao sang, đẹp trai, xấu hình, thiện thú, ác thú, tùy theo hạnh nghiệp của họ, [và Ta nghĩ]: “Các vị hữu tình này, do thành tựu thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, không công kích các bậc Thánh, có chánh kiến, thọ trì nghiệp phù hợp chánh kiến; các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Hay các vị hữu tình này, do thành tựu thân thiện hành, khẩu thiện hành, ý thiện hành, không công kích các bậc Thánh, có chánh kiến, thọ trì nghiệp phù hợp chánh kiến; các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh ra giữa loài người. Còn các vị hữu tình do thành tựu thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, công kích các bậc Thánh, có tà kiến, thọ trì nghiệp phù hợp với tà kiến; các vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi ngạ quỷ (pettivisaya). Hay các vị hữu tình này, do thành tựu thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, công kích các bậc Thánh, có tà kiến, thọ trì nghiệp phù hợp tà kiến; các hữu tình ấy sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào các loại bàng sanh. Hay các vị hữu tình này, do thành tựu thân ác hành... (như trên)... sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.”
262. Này các Tỷ-kheo,[3] các người coi giữ địa ngục, sau khi bắt giữ người ấy với nhiều cánh tay, dẫn người ấy đến trước Vua Yama [và thưa]:
– Tâu Đại vương, người này không có từ tâm, không xứng là Sa-môn, không xứng là Bà-la-môn,[4] không kính trọng các vị lớn tuổi trong gia đình. Đại vương hãy trừng phạt nó!
Này các Tỷ-kheo, Vua Yama, chất vấn người ấy, cật vấn, thẩm vấn người ấy về Thiên sứ thứ nhất: “Này người kia, ngươi có thấy Thiên sứ thứ nhất đã hiện ra giữa loài người không?” Người ấy nói: “Thưa ngài, không thấy.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, ngươi có thấy giữa loài người có đứa con nít nhỏ, yếu ớt, nằm ngửa, nằm rơi vào giữa phân và nước tiểu của nó hay không?” Người ấy đáp: “Thưa ngài, có thấy.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, tuy ngươi là người có ý thức và lớn tuổi, nhưng ngươi không có nghĩ: ‘Ta bị sanh chi phối, ta không thoát khỏi sanh; ta hãy làm điều thiện về thân, khẩu và ý.’” Người ấy đáp: “Thưa ngài, tôi không có thể làm, vì tôi phóng dật, thưa ngài.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, nếu vì phóng dật nên ngươi không làm điều thiện về thân, khẩu, ý; chắc chắn chúng sẽ làm cho ngươi, này người kia, tùy theo sự phóng dật ấy của ngươi; vì rằng đây là một ác nghiệp của ngươi, không phải do mẹ làm, không phải do cha làm, không phải do anh làm, không phải do chị làm, không phải do bạn và thân hữu làm, không phải do bà con huyết thống làm, không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm, không phải do chư thiên làm. Ác nghiệp ấy chính do ngươi làm, chính ngươi phải cảm thọ quả báo việc làm ấy.”
263. Này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn và thẩm vấn người kia về Thiên sứ thứ nhất, Vua Yama mới chất vấn, cật vấn, thẩm vấn về Thiên sứ thứ hai: “Này người kia, ngươi có thấy giữa loài người, Thiên sứ thứ hai hiện ra không?” Người ấy đáp: “Thưa ngài, không thấy.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người kia: “Này người kia, ngươi có thấy người đàn bà hay người đàn ông tám mươi tuổi, hay chín mươi tuổi, hay một trăm tuổi, già yếu, cong như nóc nhà, lưng còm, chống gậy, vừa đi vừa run, bệnh hoạn, tuổi trẻ đã qua mất, răng rụng, tóc sói, da nhăn, run rẩy, với tay chân bạc màu?” Người ấy đáp: “Thưa ngài, có thấy.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, tuy ngươi là người có ý thức và lớn tuổi, nhưng ngươi không có nghĩ: ‘Ta bị già chi phối, ta không thoát khỏi già; ta hãy làm điều thiện về thân, khẩu và ý.’” Người ấy đáp: “Thưa ngài, tôi không có thể làm, vì tôi phóng dật, thưa ngài.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, nếu vì phóng dật nên ngươi không làm điều thiện về thân, khẩu, ý; chắc chắn chúng sẽ làm cho ngươi, này người kia, tùy theo sự phóng dật của ngươi; vì rằng đây là một ác nghiệp của ngươi, không phải do mẹ làm, không phải do cha làm, không phải do anh làm, không phải do chị làm, không phải do bạn và thân hữu làm, không phải do bà con huyết thống làm, không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm, không phải do chư thiên làm. Ác nghiệp ấy chính do ngươi làm, chính ngươi phải cảm thọ quả báo việc làm ấy.”
264. Này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, thẩm vấn người kia về Thiên sứ thứ hai, Vua Yama mới chất vấn, cật vấn, thẩm vấn về Thiên sứ thứ ba: “Này người kia, ngươi có thấy giữa loài người, Thiên sứ thứ ba hiện ra không?” Người ấy đáp: “Thưa ngài, không thấy.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người kia: “Này người kia, người có thấy người đàn bà hay người đàn ông bị bệnh hoạn, khổ não, bị bệnh trầm trọng nằm rơi vào trong nước tiểu và phân của mình, cần người khác nâng dậy, cần người khác dìu nằm xuống?” Người ấy đáp: “Thưa ngài, có thấy.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, tuy ngươi là người có ý thức và lớn tuổi, nhưng ngươi không có nghĩ: ‘Ta bị bệnh chi phối, ta không thoát khỏi bệnh; ta hãy làm điều thiện về thân, khẩu và ý.’” Người ấy đáp: “Thưa ngài, tôi không có thể làm, vì tôi phóng dật, thưa ngài.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, nếu vì phóng dật nên ngươi không làm điều thiện về thân, khẩu, ý; chắc chắn chúng sẽ làm cho ngươi, này người kia, tùy theo sự phóng dật của ngươi; vì rằng đây là một ác nghiệp của ngươi, không phải do mẹ làm, không phải do cha làm, không phải do anh làm, không phải do chị làm, không phải do bạn bè thân hữu làm, không phải do bà con huyết thống làm, không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm, không phải do chư thiên làm. Ác nghiệp ấy chính do ngươi làm, chính ngươi phải cảm thọ quả báo việc làm ấy.”
265. Này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, thẩm vấn người kia về Thiên sứ thứ ba, Vua Yama mới chất vấn, cật vấn, thẩm vấn về Thiên sứ thứ tư: “Này người kia, ngươi có thấy giữa loài người, Thiên sứ thứ tư hiện ra không?” Người ấy đáp: “Thưa ngài, không thấy.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người kia: “Này người kia, ngươi có thấy giữa loài người, các vua chúa sau khi bắt được tên trộm cướp có phạm tội, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi, họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đầu hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình, hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt), bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình (hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu.” Người ấy nói: “Thưa ngài, có thấy.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, tuy ngươi là người có ý thức và lớn tuổi, nhưng ngươi không có nghĩ: ‘Thật sự những ai làm các ác nghiệp, họ phải chịu những hình phạt sai khác ngay trong hiện tại như vậy, huống nữa là về đời sau! Ta hãy làm điều thiện về thân, khẩu, ý.’” Người ấy đáp: “Thưa ngài, tôi không có thể làm, vì tôi phóng dật, thưa ngài.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, nếu vì phóng dật nên ngươi không làm điều thiện về thân, khẩu, ý; chắc chắn chúng sẽ làm cho ngươi, này người kia, tùy theo sự phóng dật của ngươi; vì rằng đây là một ác nghiệp của ngươi, không phải do mẹ làm, không phải do cha làm, không phải do anh làm, không phải do chị làm, không phải do bạn bè thân hữu làm, không phải do bà con huyết thống làm, không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm, không phải do chư thiên làm. Ác nghiệp ấy chính do ngươi làm, chính ngươi phải cảm thọ quả báo việc làm ấy.”
266. Này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, thẩm vấn người kia về Thiên sứ thứ tư, Vua Yama mới chất vấn, cật vấn, thẩm vấn về Thiên sứ thứ năm: “Này người kia, ngươi có thấy giữa loài người, Thiên sứ thứ năm hiện ra không?” Người ấy đáp: “Thưa ngài, không thấy.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, ngươi có thấy giữa loài người, người đàn bà hay người đàn ông chết đã được một ngày, hai ngày hay ba ngày, sưng phồng lên, xanh xám lại, rữa nát ra?” Người ấy nói: “Thưa ngài, có thấy.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, tuy ngươi là người có ý thức và lớn tuổi, nhưng ngươi không có nghĩ: ‘Ta bị chết chi phối, ta không thoát khỏi chết; ta hãy làm điều thiện về thân, khẩu và ý.’” Người ấy đáp: “Thưa ngài, tôi không có thể làm, vì tôi phóng dật, thưa ngài.” Rồi này các Tỷ-kheo, Vua Yama nói với người ấy: “Này người kia, nếu vì phóng dật nên ngươi không làm điều thiện về thân, khẩu, ý; chắc chắn chúng sẽ làm cho ngươi, này người kia, tùy theo sự phóng dật của ngươi; vì rằng đây là một ác nghiệp của ngươi, không phải do mẹ làm, không phải do cha làm, không phải do anh làm, không phải do chị làm, không phải do bạn bè thân hữu làm, không phải do bà con huyết thống làm, không phải do Sa-môn, Bà-la-môn làm, không phải do chư thiên làm. Ác nghiệp ấy chính do ngươi làm, chính ngươi phải cảm thọ quả báo việc làm ấy.”
267. Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi chất vấn, cật vấn, thẩm vấn, người ấy về Thiên sứ thứ năm, Vua Yama giữ im lặng.
Rồi này các Tỷ-kheo, các người coi giữ địa ngục bắt người ấy chịu hình phạt gọi là năm cọc (pañcavidhabandhanaṃ), họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn tay, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn tay thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào giữa ngực. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, các người coi giữ địa ngục bắt người ấy nằm xuống và lấy búa chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, các người coi giữ địa ngục dựng ngược người ấy chân phía trên, đầu phía dưới và lấy búa chặt người ấy. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ. Này các Tỷ-kheo, các người coi giữ địa ngục cột người ấy vào một chiếc xe, kéo người ấy chạy tới chạy lui trên đất được đốt cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, các người coi giữ địa ngục đẩy người ấy lên, kéo người ấy xuống trên một sườn núi đầy than hừng, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, các người coi giữ địa ngục dựng ngược người ấy chân phía trên, đầu phía dưới và quăng người ấy vào một vạc dầu bằng đồng nung đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây bị nấu với bọt nước sôi sùng sục, ở đây bị nấu với vạt nước sôi sùng sục; khi thì trôi nổi lên trên, khi thì chìm xuống đáy, khi thì trôi dạt ngang. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, những người coi giữ địa ngục quăng người ấy vào đại địa ngục.[5] Này các Tỷ-kheo, đại địa ngục ấy: “Có bốn góc, bốn cửa, chia thành phần bằng nhau, xung quanh có tường sắt, mái sắt lợp lên trên, nền địa ngục bằng sắt nung đỏ, cháy đỏ rực, đứng thẳng, luôn có mặt, rộng một trăm do-tuần.”
Này các Tỷ-kheo, từ tường phía Đông của đại địa ngục ấy, những ngọn lửa bừng cháy lên được thổi tạt đến tường phía Tây. Những ngọn lửa bừng cháy lên từ tường phía Tây được thổi tạt đến tường phía Đông. Những ngọn lửa bừng cháy lên từ tường phía Bắc được thổi tạt đến tường phía Nam. Những ngọn lửa bừng cháy lên từ tường phía Nam được thổi tạt đến tường phía Bắc. Những ngọn lửa bừng cháy lên từ phía dưới được thổi tạt lên phía trên. Những ngọn lửa bừng cháy lên từ phía trên được thổi tạt xuống phía dưới. Người ấy ở đây cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
268. Này các Tỷ-kheo, rồi có một thời rất lâu dài, khi cửa phía Đông của đại địa ngục được mở ra. Người ấy chạy vào đấy rất nhanh và mau lẹ. Khi người ấy chạy rất nhanh và mau lẹ, da ngoài bị cháy, da trong bị cháy, thịt bị cháy, dây gân bị cháy, xương bị khói xông đen.[6] Sự trốn thoát[7] của người ấy là như vậy. Này các Tỷ-kheo, dù cho người ấy có cố gắng rất nhiều,[8] cửa vẫn đóng chống lại người ấy. Tại đấy người ấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Rồi này các Tỷ-kheo, có một thời rất lâu dài, khi cửa phía Tây được mở ra... (như trên)... cửa phía Bắc được mở ra... (như trên)... cửa phía Nam được mở ra. Người ấy liền chạy vào đấy rất nhanh và mau lẹ. Khi người ấy chạy rất nhanh và mau lẹ, da ngoài bị cháy, da trong bị cháy, thịt bị cháy, dây gân bị cháy, xương bị khói xông đen. Sự trốn thoát của người ấy là như vậy. Này các Tỷ-kheo, dầu cho người ấy có cố gắng rất nhiều, cửa vẫn đóng chống lại người ấy. Tại đấy người ấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi các ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ. Rồi này các Tỷ-kheo, có một thời rất lâu dài, khi cửa phía Đông được mở ra, người ấy liền chạy vào đấy rất nhanh và mau lẹ... (như trên)... sự trốn thoát của người ấy là như vậy.
Người ấy đi ra khỏi cửa ấy.
269. Nhưng này các Tỷ-kheo, cận sát đại địa ngục là đại địa ngục Phấn Nị (Gūthaniraya).[9] Người ấy rơi vào địa ngục này. Này các Tỷ-kheo, tại Phấn Nị địa ngục ấy, các chúng sanh với miệng như mũi kim cắt đứt da ngoài; sau khi cắt đứt da ngoài, chúng cắt đứt da trong; sau khi cắt đứt da trong, chúng cắt đứt thịt; sau khi cắt đứt thịt, chúng cắt đứt dây gân; sau khi cắt đứt dây gân, chúng cắt đứt xương; sau khi cắt đứt xương, chúng cắt đứt xương tủy. Ở đấy người ấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Nhưng này các Tỷ-kheo, cận sát đại địa ngục Phấn Nị ấy là đại địa ngục Nhiệt Khôi (Than hừng - Kukkulaniraya). Người ấy rơi vào ở đấy. Ở đấy, người ấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Nhưng này các Tỷ-kheo, cận sát đại địa ngục Nhiệt Khôi là Đại Châm Thọ Lâm (Simbalivana) cao một do-tuần, với những gai nhọn dài mười sáu ngón tay, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Họ bắt người ấy leo lên, leo xuống. Ở đấy người ấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Nhưng này các Tỷ-kheo, cận sát Đại Châm Thọ Lâm là Đại Kiếm Diệp Lâm (Rừng lá gươm - Asipattavana). Người ấy rơi vào trong ấy. Ở đấy, các lá cây, do gió lay động, cắt đứt tay của người ấy, cắt đứt chân, cắt đứt tay chân, cắt đứt tai, cắt đứt mũi, cắt đứt tai mũi. Ở đấy, người ấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mạng chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Nhưng này các Tỷ-kheo, cận sát Đại Kiếm Diệp Lâm là Đại Khôi Hà (Sông vôi - Khārodakānadī). Người ấy rơi vào trong ấy. Tại đấy, người ấy bị trôi thuận theo dòng nước, người ấy bị trôi ngược lại dòng nước, người ấy trôi thuận theo, ngược lại dòng nước. Ở đấy, người ấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
270. Rồi này các Tỷ-kheo, những người coi giữ địa ngục, câu người ấy lên[10] với móc câu, đặt người ấy trên đất và nói với người ấy: “Này người kia, ngươi muốn gì?” Người ấy nói: “Thưa các ngài, tôi đói bụng.” Rồi này các Tỷ-kheo, các người coi giữ địa ngục lấy cọc sắt nung đỏ, cạy miệng người ấy và nhét vào miệng người ấy những cục đồng nung đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Môi người ấy bị cháy, miệng bị cháy, cổ họng bị cháy, ngực bị cháy. Và kéo theo ruột lớn, ruột nhỏ, các cục đồng ấy rơi ra ngoài từ phía dưới. Ở đấy, người ấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mạng chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Rồi này các Tỷ-kheo, các người coi giữ địa ngục nói với người ấy: “Này người kia, ngươi muốn gì?” Người ấy nói: “Thưa các ngài, tôi khát nước.” Rồi này các Tỷ-kheo, các người coi giữ địa ngục lấy cọc sắt nung đỏ cạy miệng người ấy ra, và đổ vào miệng người ấy nước đồng nấu sôi, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Môi người ấy bị cháy, miệng bị cháy, cổ họng bị cháy, ngực bị cháy. Và kéo theo ruột lớn, ruột nhỏ, [nước đồng sôi ấy] chảy ra ngoài từ phía dưới. Ở đấy, người ấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mạng chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Rồi này các Tỷ-kheo, các người coi giữ địa ngục lại quăng người ấy vào đại địa ngục.
Một thời xưa lắm, này các Tỷ-kheo, Vua Yama suy nghĩ như sau: “Những ai làm ác nghiệp ở đời, phải thọ lãnh những hình phạt sai khác như vậy. Mong rằng ta được làm người, và Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời, ta có thể hầu hạ Thế Tôn, Thế Tôn thuyết pháp cho ta, và ta có thể thông hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng.”
Này các Tỷ-kheo, điều Ta đang nói không phải Ta nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác; nhưng điều Ta đang nói chỉ được Ta biết mà thôi, chỉ được Ta thấy mà thôi, chỉ được Ta hiểu mà thôi.
271. Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Sau khi Thiện Thệ nói như vậy, bậc Đạo Sư lại nói thêm như sau:
Dầu thiên sứ báo động,
Thanh niên vẫn phóng dật,
Họ ưu buồn lâu dài,
Sanh làm người hạ liệt.
Ở đây bậc chân nhân,
Được thiên sứ báo động,
Không bao giờ phóng dật,
Trong Diệu pháp bậc Thánh.
Thấy sợ trong chấp thủ,
Trong hiện hữu sanh tử.
Được giải thoát chấp thủ,
Sanh tử được đoạn trừ.
Được yên ổn an lạc,
Ngay hiện tại tịch tịnh,[11]
Mọi oán hận sợ hãi,
Các vị ấy vượt qua,
Mọi đau đớn sầu khổ,
Họ đều được siêu thoát.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.