Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thuỷ/Kinh Tạng Pali/Kinh Trung Bộ

105. Kinh thiện tinh (Sunakkhatta Sutta)

55. Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú tại Vesāli (Tỳ-xá-ly), ở Đại Lâm, tại Trùng Các giảng đường (Kūṭāgārasālā). Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo trước mặt Thế Tôn tuyên bố đã chứng Trí giác: “Chúng tôi biết rằng sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa.” Sunakkhatta Licchaviputta[1] (Thiện Tinh Ly-xa tử) được nghe: “Nhiều Tỷ-kheo... (như trên)... này nữa.” Rồi Sunakkhatta Licchaviputta đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Sunakkhatta Licchaviputta bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con có được nghe như sau: “Nhiều Tỷ-kheo... (như trên)... này nữa.” Bạch Thế Tôn, những Tỷ-kheo ấy trước mặt Thế Tôn tuyên bố đã chứng Trí giác: “Chúng tôi biết rằng sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa.” Bạch Thế Tôn, không biết các Tỷ-kheo ấy đã tuyên bố một cách chơn chánh chứng Trí giác, hay ở đây có một số Tỷ-kheo vì tăng thượng mạn[2] đã tuyên bố chứng Trí giác?

56. – Này Sunakkhatta, những vị Tỷ-kheo trước mặt Ta đã tuyên bố chứng Trí giác: “Chúng tôi biết rằng sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa.” Ở đây, có một số Tỷ-kheo đã chơn chánh tuyên bố chứng Trí giác; nhưng ở đây, cũng có một số Tỷ-kheo chính vì tăng thượng mạn, đã tuyên bố chứng Trí giác. Ở đây, này Sunakkhatta, những vị Tỷ-kheo nào đã chơn chánh tuyên bố chứng Trí giác, thời đối với các vị ấy, thật là đúng như vậy. Nhưng đối với các vị Tỷ-kheo nào vì tăng thượng mạn đã tuyên bố chứng Trí giác, ở đây, này Sunakkhatta, Như Lai nghĩ như sau: “Ta hãy thuyết pháp cho những vị ấy.” Và như vậy, ở đây, này Sunakkhatta, Như Lai suy nghĩ: “Ta hãy thuyết pháp cho những vị ấy.” Nhưng ở đây, nếu có một số người ngu si, sắp đặt câu hỏi, đến hỏi Như Lai; ở đây, này Sunakkhatta, Như Lai suy nghĩ như sau: “Ta hãy thuyết pháp cho những người ấy.” Như Lai suy nghĩ như vậy, không có làm khác.

– Nay đã đúng thời để thuyết pháp, bạch Thế Tôn! Nay đã đúng thời để thuyết pháp, bạch Thiện Thệ! Thế Tôn thuyết pháp như thế nào, sau khi nghe xong, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

– Vậy này Sunakkhatta, hãy nghe và khéo tác ý kỹ, Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Sunakkhatta Licchaviputta vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

57. – Này Sunakkhatta, có năm dục trưởng dưỡng[3] này. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này Sunakkhatta, những pháp này là năm dục trưởng dưỡng.

58. Nhưng này Sunakkhatta, sự tình này xảy ra khi ở đây có số người thiên nặng về vật chất thế gian.[4] Đối với người thiên nặng về vật chất thế gian, này Sunakkhatta, câu chuyện [thích hợp với người ấy] phải tùy thuộc như thế nào để phù hợp với điều người ấy suy tầm và suy tư, và người ấy chỉ giao thiệp với người nào mà người ấy thích thú. Nhưng nếu câu chuyện chỉ nói[5] liên hệ đến bất động thời người ấy không nghe, không lóng tai, tâm không an trú vào trí giác[6] và người ấy không giao thiệp với người mà người ấy không thích thú. Ví như, này Sunakkhatta, có người đã lâu không trú ở trong làng hay thị trấn của mình, và có thể thấy một người vừa mới từ làng ấy hay thị trấn ấy lại. Người này sẽ hỏi người ấy về sự an ninh của làng hay thị trấn ấy, về đồ ăn uống sung túc và về ít bệnh tật, và người ấy sẽ nói cho người này biết về sự an ổn của làng hay thị trấn ấy, về đồ ăn uống sung túc và về ít bệnh tật. Này Sunakkhatta, ông nghĩ thế nào? Có phải người này sẽ nghe người kia, lóng tai, tâm an trú vào trí giác và người này sẽ giao thiệp với người nào mà người này thích thú?

– Thưa phải vậy, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này Sunakkhatta, sự tình này xảy ra khi ở đây có số người thiên nặng về vật chất thế gian. Đối với người thiên nặng về vật chất thế gian, này Sunakkhatta, câu chuyện thích hợp với người ấy phải tùy thuộc như thế nào để phù hợp với điều người ấy suy tầm và suy tư, và người ấy chỉ giao thiệp với người mà người ấy thích thú. Nhưng nếu câu chuyện chỉ nói liên hệ đến bất động, thời người ấy không nghe, không lóng tai, tâm không an trú vào trí giác và người ấy không giao thiệp với người mà người ấy không thích thú, người ấy cần được hiểu như vầy: “Là hạng người thiên nặng về vật chất thế gian.”

59. Này Sunakkhatta, sự tình này xảy ra khi một số người thiên nặng về bất động. Đối với người thiên nặng về bất động, này Sunakkhatta, câu chuyện thích hợp [với người ấy] phải tùy thuộc như thế nào để phù hợp với điều người ấy suy tầm và suy tư, và người ấy chỉ giao thiệp với người mà người ấy thích thú. Nhưng nếu câu chuyện chỉ nói liên hệ đến vật chất thế gian, thời người ấy không nghe, không lóng tai, tâm không an trú vào trí giác và người ấy không giao thiệp với người mà người ấy không thích thú. Ví như, này Sunakkhatta, một lá vàng khô đã rời khỏi cành, không còn xanh trở lại;[7] cũng vậy, này Sunakkhatta, đối với hạng người thiên nặng về bất động, đã rời khỏi kiết sử vật chất thế gian, người ấy cần được hiểu như sau: “Đây là hạng người không liên hệ với kiết sử vật chất thế gian, thiên nặng về bất động.”

60. Này Sunakkhatta, sự tình này xảy ra. Ở đây, có một số người thiên nặng về vô sở hữu. Đối với người thiên nặng về vô sở hữu, này Sunakkhatta, câu chuyện thích hợp với người ấy phải tùy thuộc như thế nào để phù hợp với điều người ấy suy tầm và suy tư, và người ấy chỉ giao thiệp với người mà người ấy thích thú. Nhưng nếu câu chuyện chỉ nói liên hệ đến bất động, thời người ấy không nghe, không lóng tai, tâm không an trú vào trí giác và người ấy không giao thiệp với người mà người ấy không thích thú. Ví như, này Sunakkhatta, một hòn đá bị vỡ làm đôi không thể nối liền lại được;[8] cũng vậy, này Sunakkhatta, đối với hạng người thiên nặng về vô sở hữu, đã bị chặt đứt khỏi kiết sử bất động, người ấy cần được hiểu như sau: “Đây là hạng người không liên hệ với kiết sử bất động, thiên nặng về vô sở hữu.”

61. Nhưng này Sunakkhatta, sự tình này xảy ra. Ở đây, có một số người thiên nặng về Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đối với người thiên nặng về Phi tưởng phi phi tưởng xứ, này Sunakkhatta, câu chuyện thích hợp với người ấy phải tùy thuộc như thế nào để phù hợp với điều người ấy suy tầm và suy tư, và người ấy chỉ giao thiệp với người mà người ấy thích thú. Nhưng nếu câu chuyện chỉ nói liên hệ đến Vô sở hữu xứ, thời người ấy không nghe, không lóng tai, tâm không an trú vào trí giác và người ấy không giao thiệp với người mà người ấy không thích thú. Ví như, này Sunakkhatta, một người đã ăn các món ăn mỹ vị và đã quăng bỏ. Này Sunakkhatta, ông nghĩ thế nào, người ấy có ưa ăn lại món ăn ấy không?

– Bạch Thế Tôn, không. Vì sao vậy? Vì rằng, bạch Thế Tôn, món ăn ấy được xem là ghê tởm rồi.

– Cũng vậy, này Sunakkhatta, đối với hạng người thiên nặng về Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đã để một bên kiết sử Vô sở hữu xứ, người ấy cần được hiểu như sau: “Người ấy là hạng người không liên hệ với kiết sử Vô sở hữu xứ, thiên nặng về Phi tưởng phi phi tưởng xứ.”

62. Nhưng này Sunakkhatta, sự tình này xảy ra khi ở đây có số người thiên nặng về chánh Niết-bàn.[9] Đối với hạng người thiên nặng về chánh Niết-bàn, này Sunakkhatta, câu chuyện thích hợp với người ấy phải tùy thuộc như thế nào để phù hợp với điều người ấy suy tầm và suy tư, và người ấy chỉ giao thiệp với người mà người ấy thích thú. Nhưng nếu câu chuyện chỉ nói liên hệ đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thời người ấy không nghe, không lóng tai, tâm không an trú vào trí giác và người ấy không giao thiệp với người mà người ấy không thích. Ví như, này Sunakkhatta, cây Sa-la, ngọn cây đã bị chặt đứt không thể lớn được nữa; cũng vậy, này Sunakkhatta, đối với hạng người thiên nặng về chánh Niết-bàn, đã cắt đứt kiết sử Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đã cắt đứt từ rễ, làm cho như cây Sa-la không thể tái sanh, không thể khởi lên lại trong tương lai, người ấy cần phải được hiểu như sau: “Người ấy là hạng người không liên hệ với kiết sử Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thiên nặng về chánh Niết-bàn.”

63. Nhưng này Sunakkhatta, sự tình này xảy ra khi ở đây có một số người suy nghĩ như sau: “Tham ái được vị Sa-môn[10] gọi là mũi tên.[11] Thuốc độc vô minh làm não hại [con người] với dục, tham, sân. Mũi tên tham ái đã được ta đoạn diệt, thuốc độc vô minh đã được trừ khử, ta thiên nặng về chánh Niết-bàn.” Vị ấy có thể tự hào với mục đích hiện tại. Vị ấy có thể truy cầu những gì không thích hợp với khuynh hướng chánh Niết-bàn, như mắt vị ấy có thể truy cầu sắc không thích hợp, tai có thể truy cầu tiếng không thích hợp, mũi có thể truy cầu hương không thích hợp, lưỡi có thể truy cầu vị không thích hợp, thân có thể truy cầu xúc không thích hợp, ý có thể truy cầu pháp không thích hợp. Khi mắt truy cầu sắc không thích hợp, tai truy cầu tiếng không thích hợp, mũi truy cầu hương không thích hợp, lưỡi truy cầu vị không thích hợp, thân truy cầu xúc không thích hợp, ý truy cầu pháp không thích hợp, thời tham dục nhiễu loạn tâm vị ấy. Vị ấy do tâm bị tham dục nhiễu loạn đi đến chết hay đi đến khổ gần như chết.

Ví như, này Sunakkhatta, một người bị mũi tên[12] bắn, tên ấy có tẩm thuốc độc rất dày. Bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy cho mời một y sĩ giải phẫu. Vị y sĩ giải phẫu ấy có thể cắt xung quanh miệng vết thương với con dao; sau khi cắt xung quanh miệng vết thương với con dao, vị y sĩ giải phẫu có thể dò tìm mũi tên với một vật dụng dò tìm. Sau khi dò tìm mũi tên với một vật dụng dò tìm, vị y sĩ có thể rút mũi tên ra. Vị y sĩ có thể trừ khử hết thuốc độc, còn để lại một ít nhưng nghĩ không có thuốc độc nào còn lại, vị y sĩ nói như sau: “Này Hiền giả, mũi tên của bạn đã được rút ra, thuốc độc đã được trừ khử, không còn dư tàn, và không còn gì nguy hiểm nữa cho bạn,[13] nhưng bạn phải chỉ ăn các đồ ăn thích hợp, và hãy gìn giữ; nếu ăn đồ ăn không thích hợp, vết thương của bạn sẽ làm mủ lại, và thường thường phải rửa vết thương, thường thường phải xức thuốc miệng vết thương. Trong khi thường thường rửa vết thương, thường thường xức thuốc cho miệng vết thương, chớ có để máu cũ đóng khô trên miệng vết thương. Và hãy cẩn thận khi đi ra giữa gió và nắng; hãy cẩn thận khi đi ra giữa gió và nắng, nếu không, bụi và nhớp[14] có thể nhiễu hại miệng vết thương. Và này bạn, nếu bạn chăm sóc vết thương, thời vết thương sẽ được lành lặn.” Người ấy suy nghĩ như sau: “Mũi tên đã được rút khỏi [thân] ta, nọc độc đã được trừ khử, không còn dư tàn, và ta đã thoát khỏi nguy hiểm”, và người ấy ăn những đồ ăn không thích hợp. Vì người ấy ăn những đồ ăn không thích hợp nên vết thương làm mủ lại, và thường thường người ấy không rửa vết thương, thường thường không xức thuốc miệng vết thương. Vì người ấy thường thường không rửa vết thương, vì người ấy thường thường không xức thuốc miệng vết thương, nên máu cũ đóng khô trên miệng vết thương, và người ấy thường hay đi giữa gió và nắng. Do người ấy thường hay đi giữa gió và nắng, bụi và nhớp nhiễu hại miệng vết thương, và vì người ấy không chăm sóc vết thương nên vết thương không được lành. Vì người ấy làm những việc không thích hợp, và do thuốc độc được trừ khử nhưng còn dư tàn, do cả hai điều ấy nên miệng vết thương có thể lở to[15] hơn trước. Do vết thương lở to, người ấy có thể đi đến chết hay đau khổ gần như chết.

64. Cũng vậy, này Sunakkhatta, sự kiện này xảy ra, khi ở đây một số Tỷ-kheo nghĩ như sau: “Tham ái được bậc Sa-môn gọi là mũi tên, thuốc độc vô minh làm não hại [con người] với dục, tham, sân. Mũi tên tham ái đã được ta đoạn diệt, thuốc độc vô minh đã được trừ khử, ta thiên nặng về chánh Niết-bàn.” Vị ấy có thể tự hào với mục đích hiện tại. Vị ấy có thể truy cầu những gì không thích hợp với khuynh hướng chánh Niết-bàn, như mắt có thể truy cầu sắc không thích hợp, tai có thể truy cầu tiếng không thích hợp, mũi có thể truy cầu hương không thích hợp, lưỡi có thể truy cầu vị không thích hợp, thân có thể truy cầu xúc không thích hợp, ý có thể truy cầu pháp không thích hợp. Khi mắt truy cầu sắc không thích hợp, tai truy cầu tiếng không thích hợp, mũi truy cầu hương không thích hợp, lưỡi truy cầu vị không thích hợp, thân truy cầu xúc không thích hợp, ý truy cầu pháp không thích hợp, thời tham dục nhiễu loạn tâm vị ấy. Vị ấy do tham dục nhiễu loạn tâm, đi đến chết hay đi đến khổ gần như chết. Như vậy, này Sunakkhatta, là chết trong giới luật của bậc Thánh, khi vị ấy từ bỏ tu tập, trở về hoàn tục, và như vậy, này Sunakkhatta, là khổ gần như chết, khi vị ấy phạm một ô uế tội nào.

Nhưng này Sunakkhatta, sự tình này xảy ra, khi ở đây một số Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Tham ái được bậc Sa-môn gọi là mũi tên, thuốc độc vô minh làm não hại [con người] với dục, tham, sân. Mũi tên tham ái đã được ta đoạn diệt, thuốc độc vô minh đã được trừ khử, ta thiên nặng về chánh Niết-bàn.” Chính vì thiên nặng về chánh Niết-bàn, vị ấy không truy cầu những gì không thích hợp với [khuynh hướng] thiên nặng về Niết-bàn, như mắt không truy cầu sắc không thích hợp, tai không truy cầu tiếng không thích hợp, mũi không truy cầu hương không thích hợp, lưỡi không truy cầu vị không thích hợp, thân không truy cầu xúc không thích hợp, ý không truy cầu pháp không thích hợp. Vì mắt vị ấy không truy cầu sắc không thích hợp, vì tai không truy cầu tiếng không thích hợp, vì mũi không truy cầu hương không thích hợp, vì lưỡi không truy cầu vị không thích hợp, vì thân không truy cầu xúc không thích hợp, vì ý không truy cầu pháp không thích hợp, nên tham dục không nhiễu loạn tâm; vì tham dục không nhiễu loạn tâm nên vị ấy không đi đến chết hay đi đến khổ gần như chết. Ví như, này Sunakkhatta, một người bị tên bắn và mũi tên bị tẩm thuốc độc rất dày. Bạn bè thân hữu, bà con huyết thống của người ấy cho mời một y sĩ giải phẫu. Vị y sĩ giải phẫu ấy có thể cắt xung quanh miệng vết thương với con dao; sau khi cắt xung quanh miệng vết thương với con dao, vị y sĩ giải phẫu có thể dò tìm mũi tên với một vật dụng dò tìm. Sau khi dò tìm mũi tên với một vật dụng dò tìm, vị y sĩ có thể rút mũi tên ra... Vị y sĩ có thể trừ khử hết thuốc độc, không còn để dư lại và biết rằng không còn để dư lại. Vị ấy nói như sau: “Này bạn, mũi tên của bạn đã được rút ra, thuốc độc đã được trừ khử, không có dư tàn, nhưng vẫn còn nguy hiểm cho bạn, và bạn hãy ăn những đồ ăn thích hợp, chớ ăn những đồ ăn không thích hợp khiến vết thương có thể làm mủ; và thường thường hãy rửa vết thương, thường thường hãy xức thuốc miệng vết thương. Trong khi thường thường rửa vết thương, thường thường xức thuốc miệng vết thương, chớ để máu cũ đóng khô lại trên miệng vết thương và chớ có đi ra giữa gió và nắng. Khi đi ra giữa gió và nắng, chớ để bụi và nhớp làm nhiễu hại miệng vết thương, hãy sống gìn giữ vết thương, này bạn, và vết thương sẽ lành lặn.” Người ấy suy nghĩ như sau: “Mũi tên đã được rút ra khỏi ta, thuốc độc đã được trừ khử, không có dư tàn, nhưng ta chưa thoát khỏi nguy hiểm”, và vị ấy có thể chỉ ăn các đồ ăn thích hợp. Do chỉ ăn các đồ ăn thích hợp, vết thương có thể không làm mủ, và thường thường vị ấy có thể rửa vết thương, thường thường có thể xức thuốc miệng vết thương. Do thường thường rửa vết thương, do thường thường xức thuốc miệng vết thương, máu cũ không thể đóng khô lại trên miệng vết thương, và người ấy không sốt sắng đi giữa gió và nắng. Do người ấy không sốt sắng đi giữa gió và nắng, bụi và nhớp không thể nhiễu hại miệng vết thương, và người ấy sống gìn giữ vết thương nên vết thương được lành lặn. Vì người ấy chỉ làm những điều thích hợp và vì thuốc độc được trừ khử không còn dư tàn, do hai [nhân duyên ấy] vết thương được khép kín lại. Khi vết thương được da che kín lại, người ấy không đi đến chết hay không đi đến khổ gần như chết.

Cũng vậy, này Sunakkhatta, sự kiện này xảy ra, khi ở đây một số Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Tham ái được bậc Sa-môn gọi là mũi tên, thuốc độc vô minh làm não hại [con người] với dục, tham, sân. Mũi tên tham ái đã được ta đoạn diệt... (như trên)... không có truy cầu những gì không thích hợp, như mắt không truy cầu sắc không thích hợp, tai không truy cầu tiếng không thích hợp, mũi không truy cầu hương không thích hợp, lưỡi không truy cầu vị không thích hợp, thân không truy cầu xúc không thích hợp, ý không truy cầu pháp không thích hợp. Do mắt người ấy không truy cầu sắc không thích hợp, do tai không truy cầu tiếng không thích hợp, do mũi không truy cầu hương không thích hợp, do lưỡi không truy cầu vị không thích hợp, do thân không truy cầu xúc không thích hợp, do ý không truy cầu pháp không thích hợp, tham dục có thể không nhiễu hại tâm. Do tâm không bị tham dục nhiễu hại nên người ấy không đi đến chết hay không đi đến khổ gần như chết.

65. Này Sunakkhatta, Ta nói ví dụ này với mục đích làm sáng tỏ ý nghĩa. Nghĩa ở đây như sau: Vết thương, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với sáu xúc xứ (phassāyatana); thuốc độc, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với vô minh; mũi tên, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với ái; vật dụng dò tìm, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với niệm; con dao, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với Thánh trí tuệ; vị y sĩ giải phẫu, này Sunakkhatta, là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Thật vậy, này Sunakkhatta, Tỷ-kheo tự mình phòng hộ đối với sáu xúc xứ, nghĩ rằng: “Sanh y (upadhi) là căn bản của khổ”, sau khi biết như vậy, vị ấy trở thành vô sanh y, giải thoát nhờ đoạn diệt sanh y.[16] Rằng vị ấy còn chú thân của mình trên sanh y hay để tâm đến sanh y, sự tình như vậy không xảy ra. Ví như, này Sunakkhatta, một chén uống nước bằng đồng, đẹp đẽ, có hương thơm và chén ấy lại tẩm thuốc độc; rồi một người đến, muốn sống, muốn không chết, muốn lạc, yểm ly khổ. Này Sunakkhatta, ông nghĩ thế nào, người ấy có uống chén bằng đồng này không, nếu người ấy biết: “Sau khi tôi uống từ đây, tôi sẽ đi đến chết hoặc đi đến gần như chết”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này Sunakkhatta, Tỷ-kheo ấy chắc chắn phòng hộ đối với sáu xúc xứ. “Sanh y là căn bản của đau khổ”, sau khi biết vậy, vị ấy trở thành vô sanh y, giải thoát nhờ đoạn diệt sanh y. Còn chú thân của vị ấy trên sanh y hay để tâm đến sanh y, sự tình như vậy không xảy ra. Ví như, này Sunakkhatta, một con rắn độc hết sức độc hại, và có một người đến, muốn sống,[17] muốn không chết, muốn lạc, yểm ly khổ. Này Sunakkhatta, ông nghĩ thế nào, người ấy có đưa tay (dajjā) hay ngón tay[18] cho con rắn độc hại này không, nếu người ấy biết: “Nếu ta bị con rắn này cắn, ta sẽ đi đến chết hay khổ gần như chết”?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này Sunakkhatta, Tỷ-kheo ấy chắc chắn phòng hộ sáu xúc xứ. “Sanh y là căn bản đau khổ”, sau khi biết vậy, vị ấy trở thành vô sanh y, giải thoát nhờ đoạn diệt sanh y. Còn chú thân của vị ấy trên sanh y hay để tâm đến sanh y, sự tình như vậy không xảy ra.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Sunakkhatta Licchaviputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

CHÚ THÍCH



[1] Xem M. 12, Mahāsīhanāda Sutta (Đại kinh Sư tử hống).
[2] Xem A. V. 162ff.
[3] Như M. I. 85.
[4] Lokāmisa. Xem M. I. 12, 155f.
[5] Kathāya kacchamānāya: Khi câu chuyện được nói đến.
[6] Xem D. I. 230-31; Vin. I. 10.
[7] Xem Vin. I. 96; III. 47.
[8] Xem Vin. I. 97.
[9] Sammā nibbāna. MA. IV không có giải thích. Điều đó không có nghĩa là hành giả mong thành tựu quả vị Niết-bàn thì sẽ đạt được như đoạn sau nêu rõ. Có thể so sánh với giai đoạn thiền định cuối cùng, khi thọ và tưởng được dừng lại.
[10] MA. IV. 55 viết là Buddhasamaṇa.
[11] Xem S. I. 140.
[12] Xem M. II. 216.
[13] Analañca. Xem MA. IV. 55.
[14] Rajosūka. MA. IV. 55 viết rajo ca vīhisukādi ca sūkaṃ.
[15] Puthuttaṃ. MA. IV. 55 viết là mahantabhāvaṃ, to lớn.
[16] Xem M. I. 454; A. II. 24.
[17] Xem M. I. 315.
[18] Aṅguṭṭha: Chính xác là chỉ cho ngón tay cái, nhưng đã dùng chữ hattha.


Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.