Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thuỷ/Kinh Tạng Pali/Kinh Trung Bộ

100. Kinh Saṅgārava (Saṅgārava Sutta)

473. Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn du hành trong nước Kosala với đại chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, một nữ Bà-la-môn tên Dhānañjānī (Đa-na-xa-ni) trú ở Caṇḍalakappa (Đan-đạt-la-kiếp-ba)[2] có lòng tín thành Phật, Pháp và Tăng. Rồi nữ Bà-la-môn Dhānañjānī sau khi bị trượt chân,[3] thốt lên ba lần cảm hứng ngữ: “Đảnh lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác! Đảnh lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác! Đảnh lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác!”

Lúc bấy giờ, thanh niên Bà-la-môn tên Saṅgārava trú ở Caṇḍalakappa, tinh thông ba tập Veda với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, chú giải và lịch sử truyền thống là thứ năm; thông hiểu ngữ pháp và văn phạm; biệt tài về thuận thế luận (tự nhiên học) và tướng của vị Đại nhân. Thanh niên Bà-la-môn Saṅgārava nghe nữ Bà-la-môn Dhānañjānī nói như vậy, sau khi nghe, liền nói với nữ Bà-la-môn Dhānañjānī:

– Nữ Bà-la-môn Dhānañjānī này thật là hạ liệt! Nữ Bà-la-môn Dhānañjānī này thật là suy đồi! Vì rằng, trong khi các Bà-la-môn đang còn sống lại nói lời tán thán Sa-môn trọc đầu ấy.

– Này Hiền giả thân mến,[4] có phải Hiền giả chưa biết đến Giới đức và Tuệ đức[5] của Như Lai? Này Hiền giả thân mến, nếu Hiền giả biết đến Giới đức và Tuệ đức của Như Lai, tôi nghĩ rằng, này Hiền giả thân mến, Hiền giả sẽ không nghĩ rằng Thế Tôn đáng bị mạ lỵ, đáng bị mắng nhiếc.

– Vậy thưa bà, khi nào Sa-môn Gotama đến tại Caṇḍalakappa, bà hãy báo tin cho tôi biết.

– Thưa vâng, Hiền giả.

Nữ Bà-la-môn Dhānañjānī vâng đáp thanh niên Bà-la-môn Saṅgārava.

Rồi Thế Tôn tiếp tục du hành trong nước Kosala và đến Caṇḍalakappa. Tại đây, Thế Tôn trú tại Caṇḍalakappa, trong rừng xoài của các Bà-la-môn sống ở Tu-di. Nữ Bà-la-môn Dhānañjānī được nghe: “Thế Tôn đã đến Caṇḍalakappa, trú tại Caṇḍalakappa, trong rừng xoài của các Bà-la-môn sống ở Tu-di.” Rồi nữ Bà-la-môn Dhānañjānī đi đến thanh niên Bà-la-môn Saṅgārava, sau khi đến, nói với thanh niên Bà-la-môn Saṅgārava:

– Này Hiền giả thân mến, bậc Thế Tôn ấy đã đến Caṇḍalakappa, trú tại Caṇḍalakappa, trong rừng xoài của các vị Bà-la-môn sống ở Tu-di. Này Hiền giả thân mến, nay Hiền giả hãy làm những gì mà Hiền giả nghĩ là hợp thời.

– Thưa bà, vâng.

474. Thanh niên Bà-la-môn Saṅgārava vâng đáp nữ Bà-la-môn Dhānañjānī, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Bà-la-môn Saṅgārava bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, có một số Sa-môn, Bà-la-môn tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt được ngay hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí.[6] Tôn giả Gotama là thế nào đối với các vị ấy?

– Này Bhāradvāja, Ta nói rằng có sự sai khác giữa những vị tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt được ngay trong hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí. Này Bhāradvāja, có một số Sa-môn, Bà-la-môn theo tin đồn [hay truyền thống],[7] do tin đồn [hay truyền thống], họ tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt được ngay hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí, như các Bà-la-môn thông hiểu ba tập Veda. Nhưng này Bhāradvāja, có một số Sa-môn, Bà-la-môn hoàn toàn chỉ do lòng tin, tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt ngay trong hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí, như các nhà lý luận [các nhà suy tư].[8] Này Bhāradvāja, có một số Sa-môn, Bà-la-môn đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, tự mình[9] chứng tri hoàn toàn pháp ấy, tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt ngay trong hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí. Ở đây, này Bhāradvāja, các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, tự mình chứng tri hoàn toàn pháp ấy, tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt ngay trong hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí, Ta là một trong những vị ấy. Này Bhāradvāja, ông cần phải hiểu theo nghĩa như vậy. Các vị Sa-môn, Bà-la-môn ấy đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, tự mình chứng tri hoàn toàn pháp ấy, tự nhận rằng về căn bản Phạm hạnh, họ đã chứng đạt ngay trong hiện tại thông trí và cứu cánh bỉ ngạn nhờ thượng trí, Ta là một trong những vị ấy.

475. Ở đây,[10] này Bhāradvāja, thuở xưa, khi Ta chưa chứng đạt Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Đời sống tại gia chật hẹp, nhiễm đầy bụi đời; đời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật không dễ gì sống tại gia, có thể sống đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy Ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.” Này Bhāradvāja, và Ta, sau một thời gian, khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Ta xuất gia như vậy, một người đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đến chỗ Āḷāra Kālāma ở, khi đến xong liền thưa với Āḷāra Kālāma: “Hiền giả Kālāma, tôi muốn sống Phạm hạnh trong Pháp và Luật này.” Này Bhāradvāja, được nghe nói vậy, Āḷāra Kālāma nói với Ta: “Này Tôn giả, hãy sống [và an trú]. Pháp này là như vậy, khiến kẻ có trí, không bao lâu như vị Bổn sư của mình [chỉ dạy], tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú.” Này Bhāradvāja, và không bao lâu Ta đã thông suốt pháp ấy một cách mau chóng. Và này Bhāradvāja, cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí và giáo lý của bậc Trưởng lão (Thượng tọa), và Ta tự cho rằng Ta như kẻ khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy. Này Bhāradvāja, Ta suy nghĩ như sau: “Āḷāra Kālāma tuyên bố pháp này không phải chỉ vì lòng tin: ‘Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, Ta mới an trú.’ Chắc chắn Āḷāra Kālāma biết pháp này, thấy pháp này rồi mới an trú.” Này Bhāradvāja, rồi Ta đi đến chỗ Āḷāra Kālāma ở; sau khi đến, Ta nói với Āḷāra Kālāma: “Hiền giả Kālāma, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này?” Này Bhāradvāja, được nói vậy, Āḷāra Kālāma tuyên bố về Vô sở hữu xứ. Rồi này Bhāradvāja, Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ có Āḷāra Kālāma có lòng tin, Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Āḷāra Kālāma mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Āḷāra Kālāma mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Āḷāra Kālāma mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Āḷāra Kālāma mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy Ta hãy cố gắng chứng cho được pháp mà Āḷāra Kālāma tuyên bố: ‘Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, Ta an trú.’” Rồi này Bhāradvāja, không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi này Bhāradvāja, Ta đi đến chỗ Āḷāra Kālāma ở; sau khi đến, Ta nói với Āḷāra Kālāma: “Này Hiền giả Kālāma, có phải Hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy?”

“Vâng, Hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy.”

“Này Hiền giả, tôi cũng tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy.”

“Thật lợi ích thay cho chúng tôi! Thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng Phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố chính pháp ấy Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; pháp mà Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố; pháp mà tôi biết, chính pháp ấy Hiền giả biết; pháp mà Hiền giả biết, chính pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, Hiền giả là như vậy; Hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, Hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!”

Như vậy này Bhāradvāja, Āḷāra Kālāma là Ðạo sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy, ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này Bhāradvāja, rồi Ta tự suy nghĩ: “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô sở hữu xứ.” Như vậy này Bhāradvāja, Ta không tôn kính pháp này, và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.

476. Rồi này Bhāradvāja, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ. Ta đi đến chỗ Uddaka Rāmaputta, khi đến xong Ta nói với Uddaka Rāmaputta: “Hiền giả, tôi muốn sống Phạm hạnh trong Pháp và Luật này.” Được nghe nói vậy, này Bhāradvāja, Uddaka Rāmaputta nói với Ta: “Này Tôn giả, hãy sống [và an trú]. Pháp này là như vậy, khiến người có trí không bao lâu như vị Bổn sư của mình [chỉ dạy] tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú.” Này Bhāradvāja, Ta đã thông suốt pháp ấy một cách mau chóng. Và này Bhāradvāja, cho đến vấn đề khua môi và vấn đề phát ngôn mà nói, thời Ta nói giáo lý của kẻ trí, và giáo lý của bậc Trưởng lão (Thượng tọa), và Ta tự cho rằng: Ta như người khác cũng vậy, Ta biết và Ta thấy. Này Bhāradvāja, Ta suy nghĩ như sau: “Rāma tuyên bố pháp này không phải vì lòng tin: ‘Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, Ta mới an trú.’ Chắc chắn Rāma thấy pháp này, biết pháp này, rồi mới an trú.” Này Bhāradvāja, rồi Ta đi đến chỗ Uddaka Rāmaputta ở; sau khi đến, Ta nói với Uddaka Rāmaputta: “Hiền giả Rāma, cho đến mức độ nào, Ngài tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này?” Này Bhāradvāja, được nghe nói vậy, Uddaka Rāmaputta tuyên bố về Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Rồi này Bhāradvāja, Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ có Rāma mới có lòng tin. Ta cũng có lòng tin. Không phải chỉ có Rāma mới có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn. Không phải chỉ có Rāma mới có niệm, Ta cũng có niệm. Không phải chỉ có Rāma mới có định, Ta cũng có định. Không phải chỉ có Rāma mới có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy Ta hãy cố gắng chứng cho được pháp mà Rāma tuyên bố: ‘Sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, Ta an trú.’” Rồi này Bhāradvāja, không bao lâu sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Rồi này Bhāradvāja, Ta đi đến chỗ Uddaka Rāmaputta ở; sau khi đến, Ta nói với Uddaka Rāmaputta: “Này Hiền giả Rāma, có phải Hiền giả đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy?”

“Vâng Hiền giả, tôi đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy?”

“Này Hiền giả, tôi cũng đã tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này đến mức độ như vậy.”

“Thật lợi ích thay cho chúng tôi! Thật khéo lợi ích thay cho chúng tôi, khi chúng tôi được thấy một đồng Phạm hạnh như Tôn giả! Pháp mà tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố, chính pháp ấy Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú; pháp mà Hiền giả tự tri, tự chứng, tự đạt và an trú, chính pháp ấy tôi tự tri, tự chứng, tự đạt và tuyên bố; pháp mà tôi biết, chính pháp ấy Hiền giả biết; pháp mà Hiền giả biết, chính pháp ấy tôi biết. Tôi như thế nào, Hiền giả là như vậy; Hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, Hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!” 

Như vậy, này Bhāradvāja, Uddaka Rāmaputta là Đạo sư của Ta, lại đặt Ta, đệ tử của vị ấy, ngang hàng với mình, và tôn sùng Ta với sự tôn sùng tối thượng. Này Bhāradvāja, rồi Ta suy nghĩ: “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ.” Như vậy, này Bhāradvāja, Ta không tôn kính pháp ấy và từ bỏ pháp ấy, Ta bỏ đi.

477. Này Bhāradvāja, Ta, kẻ đi tìm cái gì chí thiện, tìm cầu vô thượng tối thắng an tịnh đạo lộ, tuần tự du hành tại nước Magadha (Ma-kiệt-đà) và đến tại tụ lạc Uruvelā (Ưu-lâu-tần-loa). Tại đây, Ta thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Này Bhāradvāja, rồi Ta tự nghĩ: “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn.” Và này Bhāradvāja, Ta ngồi xuống tại chỗ ấy và nghĩ: “Thật là vừa đủ để tinh tấn.”

Rồi này Bhāradvāja, ba ví dụ khởi lên nơi Ta, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe. Này Bhāradvāja, ví như có một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống và đặt trong nước. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: “Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra.” Này Bhāradvāja, ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống đặt trong nước ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa thì có thể nhen lửa, khiến hơi nóng hiện ra được không?

– Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Này Tôn giả Gotama, vì cành cây ấy đẫm ướt, đầy nhựa sống lại bị ngâm trong nước, nên người ấy chỉ bị mệt nhọc và bực bội.

– Cũng vậy, này Bhāradvāja, những Sa-môn hay những Bà-la-môn sống không xả ly các dục về thân, những gì đối với chúng thuộc các dục như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, về nội tâm chưa được khéo đoạn trừ, chưa được khéo làm cho nhẹ bớt, nếu những Sa-môn hay Bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác nhói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy không có thể chứng được tri kiến Vô thượng Chánh đẳng giác, và nếu những Sa-môn hay Bà-la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác nhói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy cũng không có thể chứng được tri kiến Vô thượng Chánh đẳng giác. Này Bhāradvāja, đó là ví dụ thứ nhất, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta.

478. Này Bhāradvāja, rồi một ví dụ thứ hai, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta. Này Bhāradvāja, ví như có một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: “Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra.” Này Bhāradvāja, ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa, có thể nhen lửa, khiến hơi nóng hiện ra được không?

– Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Này Tôn giả Gotama, vì khúc cây ấy đẫm ướt, đầy nhựa sống, dầu được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô, nên người ấy chỉ bị mệt nhọc và bực bội.

– Cũng vậy, này Bhāradvāja, những Sa-môn hay Bà-la-môn sống không xả ly các dục về thân, những gì đối với các vị ấy thuộc các dục như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, về nội tâm chưa được khéo đoạn trừ, chưa được khéo làm cho nhẹ bớt. Nếu những Sa-môn hay Bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác nhói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy không có thể chứng được tri kiến Vô thượng Chánh đẳng giác. Và nếu những Sa-môn hay Bà-la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác nhói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy cũng không có thể chứng được tri kiến Vô thượng Chánh đẳng giác. Này Bhāradvāja, đó là ví dụ thứ hai, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta.

479. Này Bhāradvāja, rồi một ví dụ thứ ba, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta. Này Bhāradvāja, ví như có một khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô. Có một người đến cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ: “Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra.” Này Bhāradvāja, ông nghĩ thế nào? Người ấy lấy khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa, có thể nhen lửa, khiến hơi nóng hiện ra được không?

– Thưa được, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Này Tôn giả Gotama, vì khúc cây ấy khô, không nhựa, lại được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô.

– Cũng vậy, này Bhāradvāja, những Sa-môn hay Bà-la-môn sống xả ly các dục về thân, những gì đối với các vị ấy thuộc các dục, như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, về nội tâm được khéo đoạn trừ. Nếu những Sa-môn hay Bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác nhói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy có thể chứng được tri kiến Vô thượng Chánh đẳng giác. Và nếu những Sa-môn hay Bà-la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị này cũng có thể chứng được tri kiến Vô thượng Chánh đẳng giác. Này Bhāradvāja, đó là ví dụ thứ ba, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta.

480. Này Bhāradvāja, rồi Ta suy nghĩ: “Ta hãy nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm!” Này Bhāradvāja, rồi Ta nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm. Khi Ta đang nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, mồ hôi thoát ra từ nơi nách của Ta. Này Bhāradvāja, như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu hay nắm lấy vai, có thể chế ngự, nhiếp phục và đánh bại người ấy. Này Bhāradvāja, khi Ta đang nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, mồ hôi thoát ra từ nơi nách của Ta. Này Bhāradvāja, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy.

481. Này Bhāradvāja, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu thiền nín thở.” Và này Bhāradvāja, rồi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi. Này Bhāradvāja, khi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi, thì một tiếng gió động kinh khủng thổi lên, ngang qua lỗ tai. Này Bhāradvāja, ví như tiếng kinh khủng phát ra từ ống thổi bệ đang thổi của người thợ rèn; cũng vậy, này Bhāradvāja, khi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi, thời một tiếng gió động kinh khủng thổi lên, ngang qua lỗ tai. Này Bhāradvāja, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy.

Này Bhāradvāja, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu thiền nín thở.” Và này Bhāradvāja, rồi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai. Này Bhāradvāja, khi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, thì có ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu Ta. Này Bhāradvāja, ví như một người lực sĩ chém đầu [một người khác] với một thanh kiếm sắc, cũng vậy này Bhāradvāja, khi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, thì có ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu Ta. Này Bhāradvāja, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy.

Này Bhāradvāja, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu thiền nín thở.” Và này Bhāradvāja, rồi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, Ta cảm giác đau đầu một cách kinh khủng. Này Bhāradvāja, ví như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi siết mạnh; cũng vậy, này Bhāradvāja, khi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, Ta cảm giác đau đầu một cách kinh khủng. Này Bhāradvāja, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy.

Này Bhāradvāja, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu thiền nín thở.” Và này Bhāradvāja, rồi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai. Này Bhāradvāja, khi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng [của Ta]. Này Bhāradvāja, ví như một người đồ tể thiện xảo hay đệ tử người đồ tể cắt ngang bụng với một con dao cắt thịt bò sắc bén; cũng vậy, này Bhāradvāja, khi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng [của Ta]. Này Bhāradvāja, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dẫu cho niệm được an trú, không dao động nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy.

Này Bhāradvāja, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu thiền nín thở.” Và này Bhāradvāja, rồi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai. Này Bhāradvāja, khi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai, thì có một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân Ta. Này Bhāradvāja, ví như hai người lực sĩ sau khi nắm cánh tay một người yếu hơn, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng; cũng vậy, này Bhāradvāja, khi Ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng, ngang qua mũi và ngang qua tai thì có một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân Ta. Này Bhāradvāja, dầu cho Ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú, không dao động, nhưng thân của Ta vẫn bị khích động, không được khinh an, vì Ta bị chi phối bởi sự tinh tấn do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. 

Lại nữa, này Bhāradvāja, chư thiên thấy vậy nói như sau: “Sa-môn Gotama đã chết rồi.” Một số chư thiên nói như sau: “Sa-môn Gotama chưa chết, nhưng Sa-môn Gotama sắp sửa chết.” Một số chư thiên nói như sau: “Sa-môn Gotama chưa chết. Sa-môn Gotama cũng không phải sắp chết. Sa-môn Gotama là bậc A-la-hán, đời sống của một A-la-hán là như vậy.”

Này Bhāradvāja, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy hoàn toàn tuyệt thực.” Rồi này Bhāradvāja, chư thiên đến Ta và nói như sau: “Này thiện hữu, Hiền giả chớ có hoàn toàn tuyệt thực. Này thiện hữu, nếu Hiền giả có hoàn toàn tuyệt thực, chúng tôi sẽ đổ các món ăn chư thiên ngang qua các lỗ chân lông cho Hiền giả, và nhờ vậy Hiền giả vẫn sống.” Rồi này Bhāradvāja, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu Ta hoàn toàn tuyệt thực và chư thiên này đổ các món ăn chư thiên ngang qua các lỗ chân lông cho Ta và nhờ vậy Ta vẫn sống, thời như vậy Ta tự dối Ta.” Này Bhāradvāja, Ta bác bỏ chư thiên ấy và nói: “Như vậy là đủ.”

Này Bhāradvāja, rồi Ta tự suy nghĩ như sau: “Ta hãy giảm thiểu tối đa ăn uống, ăn ít từng giọt một, như súp đậu xanh, súp đậu đen hay súp đậu hột hay súp đậu nhỏ.” Và này Bhāradvāja, trong khi Ta giảm thiểu tối đa sự ăn uống, ăn từng giọt một, như súp đậu xanh, súp đậu đen hay súp đậu hột hay súp đậu nhỏ, thân của Ta trở thành hết sức gầy yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt dây leo khô héo; vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà; vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh; vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát; vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu; vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nhíu khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhíu khô cằn. Này Bhāradvāja, nếu Ta nghĩ: “Ta hãy rờ da bụng”, thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: “Ta hãy rờ xương sống”, thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Bhāradvāja, da bụng của Ta bám chặt xương sống. Này Bhāradvāja, nếu Ta nghĩ: “Ta đi đại tiện, hay đi tiểu tiện” thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Bhāradvāja, nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Bhāradvāja, trong khi Ta xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục, rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít. Lại nữa, này Bhāradvāja, có người thấy vậy nói như sau: “Sa-môn Gotama có da đen.” Một số người nói như sau: “Sa-môn Gotama da không đen, Sa-môn Gotama có da màu xám.” Một số người nói như sau: “Sa-môn Gotama da không đen, da không xám, Sa-môn Gotama có da màu vàng sẫm.” Cho đến mức độ như vậy, này Bhāradvāja, da của Ta vốn thanh tịnh, trong sáng bị hư hoại vì Ta ăn quá ít.

482. Này Bhāradvāja, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Thuở xưa có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác nhói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa. Về tương lai, có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác nhói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng không thể có gì hơn nữa. Trong hiện tại, có những Sa-môn hay Bà-la-môn thình lình cảm thọ những cảm giác nhói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa. Nhưng Ta, với sự khổ hạnh khốc liệt như thế này, vẫn không chứng được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Hay là có đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ?”

Này Bhāradvāja, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta biết, trong khi phụ thân Ta, thuộc dòng Sakka (Thích-ca), đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây Diêm-phù-đề (Jambu), Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.” Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: “Ðạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?” Và này Bhāradvāja, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: “Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ.” Này Bhāradvāja, rồi Ta suy nghĩ: “Ta có sợ chăng lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly bất thiện pháp?” Này Bhāradvāja, rồi Ta suy nghĩ: “Ta không sợ lạc thọ này, một lạc thọ ly dục, ly bất thiện pháp.”

483. Rồi này Bhāradvāja, Ta suy nghĩ: “Nay thật không dễ gì chứng đạt lạc thọ ấy, với thân thể ốm yếu kinh khủng như thế này. Ta hãy ăn thô thực, ăn cơm chua.” Rồi này Bhāradvāja, Ta ăn thô thực, ăn cơm chua. Này Bhāradvāja, lúc bấy giờ, năm Tỷ-kheo đang hầu hạ Ta suy nghĩ: “Khi nào Sa-môn Gotama chứng pháp, vị ấy sẽ nói cho chúng ta biết.” Này Bhāradvāja, khi thấy Ta ăn thô thực, ăn cơm chua, các vị ấy chán ghét Ta, bỏ đi và nói: “Sa-môn Gotama nay sống đầy đủ vật chất, từ bỏ tinh tấn, trở lui đời sống sung túc.”

Và này Bhāradvāja, sau khi ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này.” Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Bhāradvāja, đó là Minh thứ nhất Ta đã chứng được trong đêm canh một, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

484. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ta với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên thiện thú, cõi trời, cõi đời này. Như vậy, Ta với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Này Bhāradvāja, đó là Minh thứ hai Ta đã chứng được trong đêm canh giữa, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Ta biết như thật: “Đây là khổ”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Đây là sự diệt khổ”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến diệt khổ”, biết như thật: “Đây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc.” Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, Ta khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát.” Ta đã biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa.” Này Bhāradvāja, đó là Minh thứ ba mà Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần.

485. Khi nghe nói vậy, thanh niên Bà-la-môn Saṅgārava bạch Thế Tôn:

– Thật sự, sự tinh cần của Tôn giả Gotama là trung kiên (aṭṭhitavataṃ). Thật sự, sự tinh cần của Tôn giả Gotama là sự tinh cần của các bậc chân nhân (sappurisa), một bậc như là A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Thưa Tôn giả Gotama, có các chư thiên không?[11]

– Này Bhāradvāja, Ta được biết một cách chắc chắn có chư thiên.

– Nhưng vì sao, thưa Tôn giả Gotama, khi được hỏi có các chư thiên không, lại nói: “Này Bhāradvāja, Ta được biết một cách chắc chắn có chư thiên.” Sự việc là như vậy, thưa Tôn giả Gotama, thì có phải là hư ngôn, vọng ngữ không?

– Này Bhāradvāja, nếu khi được hỏi: “Có chư thiên không?”; cần phải đáp: “Có chư thiên”; nhưng lại đáp: “Chắc chắn Ta được biết có chư thiên.” Như vậy, một người có trí đi đến kết luận không có gì nghi ngờ nữa, là có chư thiên.

– Nhưng vì sao Tôn giả Gotama không giải thích như vậy cho con từ khi bắt đầu?

– Này Bhāradvāja, như vậy đã được lớn tiếng chấp nhận ở đời[12] tức là có chư thiên.

486. Khi nghe nói vậy, thanh niên Bà-la-môn Saṅgārava bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Và nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

CHÚ THÍCH



[1] Xem M. I. 16, 118, 160, 237; II. 91, Miln. 235. Tham chiếu: Tăng thượng tâm kinh 增上心經 (T.01. 0026.101. 0588a03). Có 6 Kinh Saṅgārava khác được đề cập trong DPPN, nhưng không chắc tất cả đều chỉ cho Saṅgārava của kinh này.
[2] Đây là một làng nhỏ.
[3] Bản chính viết upakkhalitvā có nghĩa là trượt chân hay vấp phải. S. I. 160 viết upakkamitvā nghĩa là đã đến hoặc đi thẳng đến. MA. III. 451 viết pakkhalitvā có nghĩa là rửa chân.
[4] Bhadramukha. Như M. II. 53.
[5] Sīlapaññāṇa. Như D. I. 124.
[6] Abhiññāvosānapāramippattā. Xem M. II. 11.
[7] Anussavika. Xem M. I. 520.
[8] Takkī vīmaṃsī. Xem M. I. 520; D. I. 16; DA. I. 106.
[9] Nghĩa là không học và không nghe từ người khác. Vin. I. 8 viết: Na me ācariyo atthi, có nghĩa là tôi không có người thầy nào cả.
[10] Như M. I. 240.
[11] Xem M. II. 130.
[12] Ucce. MA. III. 454 giải thích uccena saddena sammataṃ pākaṭaṃ mataṃ lokasmiṃ.


Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.