Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thuỷ/Kinh Tạng Pali/Kinh Trung Bộ

80. Kinh Vekhanassa (Vekhanassa Sutta)

278. Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở tại Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tinh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Rồi du sĩ Vekhanassa[2] đi đến chỗ Thế Tôn ở; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền đứng một bên. Đứng một bên, du sĩ Vekhanassa thốt lên lời cảm hứng sau đây trước mặt Thế Tôn:

– Sắc này là tối thượng, sắc này là tối thượng.

– Nhưng này Kaccāna, sao ông lại nói như sau: “Sắc này là tối thượng, sắc này là tối thượng, thời sắc tối thượng ấy là sắc gì?”

– Tôn giả Gotama, khi một sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn, sắc ấy là tối thượng.

– Nhưng này Kaccāna, sắc ấy là sắc gì mà không có sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn?

– Tôn giả Gotama, khi một sắc nào không có sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn, sắc ấy là tối thượng.

– Này Kaccāna, [lời giải thích] của ông chỉ dài như vậy, ông phải [giải thích] rộng rãi thêm. Nếu ông nói: “Tôn giả Gotama, khi một sắc nào không có sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn, sắc ấy là tối thượng”, và ông không chỉ rõ sắc ấy. Này Kaccāna, ví như có người nói: “Tôi yêu và luyến ái một cô gái đẹp trong nước này.”[3] Có người hỏi: “Này bạn, cô gái đẹp mà bạn yêu và luyến ái ấy, bạn có biết là người giai cấp nào, là Sát-đế-lỵ, hay Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà?” Khi được hỏi, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: “Này bạn, cô gái đẹp bạn yêu và luyến ái ấy, bạn có biết tên gì, họ gì, lớn người, thấp người hay bậc trung? Da đen sẫm, da ngăm ngăm đen hay da hồng hào? Ở tại làng nào, thị trấn nào hay thành phố nào?” Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: “Này bạn, như vậy có phải bạn yêu và luyến ái một người bạn không biết, không thấy?” Được hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Này Kaccāna, ông nghĩ thế nào? Sự tình là như vậy, thời lời nói của người ấy có phải là không có hiệu năng không?

– Bạch Tôn giả Gotama, sự tình là như vậy, thời lời nói của người ấy thật sự là không có hiệu năng.

– Cũng vậy, này Kaccāna, khi ông nói: “Tôn giả Gotama, khi một sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn, sắc ấy là tối thượng”, và ông không chỉ rõ sắc ấy.

– Ví như, thưa Tôn giả Gotama, một hòn lưu ly bảo châu đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo giũa, khéo mài được đặt trên một tấm màn màu nhạt, tự nó sáng lên, chói lên, bừng sáng lên; với sắc như vậy, tự ngã là không có bệnh, sau khi chết.

279. – Này Kaccāna, ông nghĩ thế nào? Một hòn lưu ly bảo châu đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo giũa, khéo mài được đặt trên một tấm màn màu nhạt, tự nó sáng lên, chói lên, bừng sáng lên, hay con sâu đom đóm trong đêm đen tối mù, giữa hai [quang sắc] này, [quang] sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

– Thưa Tôn giả Gotama, con sâu đom đóm trong đêm đen tối mù này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai [quang] sắc.

– Này Kaccāna, ông nghĩ thế nào? Con sâu đom đóm trong đêm đen tối mù hay ngọn đèn dầu trong đêm đen tối mù, giữa hai [quang] sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

– Thưa Tôn giả Gotama, ngọn đèn dầu trong đêm đen tối mù, [quang sắc ngọn đèn dầu] này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

– Này Kaccāna, ông nghĩ thế nào? Ngọn đèn dầu trong đêm đen tối mù, hay là đống lửa lớn trong đêm đen tối mù, giữa hai [quang] sắc này, [quang] sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

– Thưa Tôn giả Gotama, đống lửa lớn trong đêm đen tối mù, [quang] sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

– Này Kaccāna, ông nghĩ thế nào? Đống lửa lớn trong đêm đen tối mù hay ngôi sao Mai trong sáng không mây, vào lúc bình minh, giữa hai [quang] sắc này, [quang] sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

– Thưa Tôn giả Gotama, ngôi sao Mai trong sáng không mây vào lúc bình minh, [quang] sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

– Này Kaccāna, ông nghĩ thế nào? Ngôi [sao Thái Bạch] sao Mai trong bầu trời trong sáng không mây trong lúc bình minh, hay là mặt trăng trong khi đứng bóng trong một bầu trời trong sáng không mây, vào lúc nửa đêm trong ngày Bố-tát (Uposatha) vào ngày rằm, giữa hai [quang] sắc này, [quang] sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

– Thưa Tôn giả Gotama, mặt trăng trong khi đứng bóng trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc nửa đêm trong ngày Uposatha, vào ngày rằm, [quang] sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

– Này Kaccāna, ông nghĩ thế nào? Mặt trăng trong khi đứng bóng trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc nửa đêm trong ngày Uposatha vào ngày rằm, hay là mặt trời trong lúc đứng bóng trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc giữa trưa trong tháng cuối mùa mưa về mùa thu, giữa hai [quang] sắc này, [quang] sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

– Thưa Tôn giả Gotama, mặt trời trong lúc đứng bóng trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc giữa trưa trong tháng cuối mùa mưa về mùa thu, [quang] sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn.

– Này Kaccāna, hơn tất cả quang sắc ấy, có rất nhiều, rất nhiều chư thiên mà ánh sáng của những mặt trăng, mặt trời này không thể chiếu sáng. Ta biết những chư thiên ấy và Ta không nói: “Không có một quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn quang sắc ấy.” Còn ông, này Kaccāna, ông lại nói: “Quang sắc này thấp kém hơn, yếu đuối hơn quang sắc con sâu đom đóm, quang sắc ấy là tối thắng”, và ông không chỉ rõ quang sắc ấy.

280. Này Kaccāna, có năm dục trưởng dưỡng này.[4] Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ đến dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức...; các hương do mũi nhận thức...; các vị do lưỡi nhận thức...; các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này Kaccāna, những pháp này là năm dục trưởng dưỡng. Này Kaccāna, lạc và hỷ nào khởi lên, duyên với năm dục trưởng dưỡng này, được gọi là dục lạc. Như vậy, bởi vì có dục, nên có dục lạc; từ nơi dục lạc, dục tối thượng lạc[5] được gọi ở đây là tối thượng.

Được nghe nói vậy, du sĩ Vekhanassa bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Tôn giả Gotama đã khéo nói như sau: “Bởi vì có dục, nên có dục lạc; từ nơi dục lạc, dục tối thượng lạc được gọi ở đây là tối thượng.”

– Cái này thật khó cho ông có thể hiểu được, này Kaccāna, về dục, hay dục lạc, hay dục tối thượng lạc. Ông là người thuộc chấp kiến khác, thuộc kham nhẫn khác, thuộc mục đích khác, thuộc tu tập khác, thuộc Đạo sư khác.[6] Này Kaccāna, nhưng đối với các Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, đã làm những việc cần làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, đã đoạn trừ hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ chánh trí, những vị ấy biết: “Dục, dục lạc, hay dục tối thượng lạc.”

281. Khi được nghe nói vậy, du sĩ Vekhanassa phẫn nộ và bất mãn, mắng nhiếc cả Thế Tôn, miệt thị cả Thế Tôn và nói:[7]

– Sa-môn Gotama sẽ bị đọa lạc.

Và du sĩ Vekhanassa thưa Thế Tôn:

– Nhưng như vậy, ở đây, có một số Sa-môn, Bà-la-môn không biết về quá khứ, không thấy về tương lai, nhưng các vị ấy tự cho: “Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, từ nay không trở lại đời sống này nữa.” Lời nói như vậy của họ tự chứng tỏ là đáng cười, tự chứng tỏ là nói suông, tự chứng tỏ là trống không, tự chứng tỏ là hư vọng.[8]

– Này Kaccāna, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không biết về quá khứ, không thấy được tương lai, nhưng tự cho là họ biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”, lời phủ nhận chỉ trích như vậy về họ là hợp pháp. Nhưng này Kaccāna, hãy bỏ qua quá khứ, hãy bỏ qua tương lai,[9] hãy đến đây, người có trí, người không gian trá, không xảo quyệt, chơn trực, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp.[10] Nếu thực hành theo điều đã dạy, thời không bao lâu người ấy tự biết mình, tự thấy mình: “Như vậy thật sự là đã giải thoát khỏi sự ràng buộc chánh, tức là sự ràng buộc của vô minh.” Ví như, này Kaccāna, một đứa trẻ bé nhỏ, yếu ớt, nằm ngửa, bị trói buộc nơi cổ với năm trói buộc, rất có thể làm bằng dây. Sau khi nó lớn lên, sau khi các căn nó thuần thục, nó được giải thoát khỏi các trói buộc ấy, khi không còn trói buộc nữa, nó biết: “Ta được giải thoát.” Cũng vậy, này Kaccāna, hãy đến đây, người có trí, người không gian trá, không xảo quyệt, chơn trực, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Nếu thực hành theo điều đã dạy, thời không bao lâu người ấy tự biết mình, tự thấy mình: “Như vậy thật sự là đã giải thoát khỏi sự ràng buộc chánh, tức là sự ràng buộc của vô minh.”

Khi được nghe nói vậy, du sĩ Vekhanassa bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Và nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Xin Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

CHÚ THÍCH



[1] Xem CNid. 23:235, 23:247. Kinh tương đương trong bộ Trung A-hàm kinhBệ-ma-na-tu kinh 鞞摩那修經 (T.01. 0026.209. 0786b12). Tham chiếu: Bệ-ma-túc kinh 鞞摩肅經 (T.01. 0090. 0913c04).

[2] MA. III. 277 viết rằng Vekhanassa là Đạo sư của Sakuludāyī. Xem M. 77. Mahāsakuludāyi Sutta (Đại kinh Sakuludāyi); M. 79, Cūḷasakuludāyi Sutta (Tiểu kinh Sakuludāyi). Vì muốn hiểu vì sao đệ tử của mình bị Sa-môn Gotama luận bại và muốn tự mình luận bại Sa-môn Gotama về vấn đề quang sắc tối thượng, Vekhanassa đi bộ từ Rājagaha đến Sāvatthi, hơn 45 yojana (do-tuần).

[3] Xem M. 79, Cūḷasakuludāyi Sutta (Tiểu kinh Sakuludāyi).

[4] Xem M. I. 85.

[5] MA. III. 277 gọi là Nibbāna.

[6] Xem M. I. 487.

[7] Vadamāna. Đoạn này tương tự như đoạn M. II. 200; D. I. 90 viết upavadamāna, mắng nhiếc.

[8] Xem D. I. 240.

[9] M. II. 32; MA. III. 278 viết rằng Sa-môn Gotama nói như vậy vì du sĩ Vekhanassa không có Túc mạng trí nên không bàn được việc quá khứ, cũng không có Thiên nhãn trí nên không bàn được việc tương lai.

[10] Vin. I. 9, câu này được xem là chính Sa-môn Gotama tự nói.


Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.