Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thuỷ/Kinh Tạng Pali/Kinh Trung Bộ

79. Tiểu kinh Sakuludāyi (Cūḷasakuludāyi Sutta)

269. Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm), ở Kalandakanivāpa (chỗ nuôi dưỡng sóc). Lúc bấy giờ, du sĩ Sakuludāyi ở tại Moranivāpa (Khổng Tước Lâm), một tinh xá du sĩ, cùng với đại chúng du sĩ. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát vào Vương Xá để khất thực.[2] Thế Tôn khởi lên ý nghĩ: “Nay còn quá sớm để đi khất thực ở Vương Xá, Ta hãy đi đến tinh xá du sĩ Khổng Tước Lâm, đến du sĩ Sakuludāyi.” Rồi Thế Tôn đi đến tinh xá du sĩ Khổng Tước Lâm. Lúc bấy giờ, du sĩ Sakuludāyi đang ngồi với đại chúng du sĩ, đang lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng bàn luận nhiều vấn đề phù phiếm như bàn về vua, bàn về ăn trộm, bàn về đại thần, bàn về binh, bàn về sợ hãi, bàn về chiến đấu, bàn về đồ ăn, bàn về đồ uống, bàn về y phục, bàn về giường nằm, bàn về vòng hoa, bàn về hương liệu, bàn về bà con, bàn về xe cộ, bàn về làng, bàn về thị trấn, bàn về đô thị, bàn về quốc độ, bàn về phụ nữ, bàn về anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã chết, bàn việc tạp nhạp, bàn về thế giới, bàn về biển cả, bàn về hiện hữu và không hiện hữu. Du sĩ Sakuludāyi thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy liền khuyến cáo chúng của mình:

– Các Tôn giả hãy nhỏ tiếng! Các Tôn giả hãy lặng tiếng! Nay Sa-môn Gotama này đang đến. Sa-môn Gotama ấy ưa mến an tịnh, tán thán an tịnh. Nếu biết chúng này an tịnh, có thể ghé tại đây.

Rồi các du sĩ ấy đều im lặng.

270. Thế Tôn đến chỗ du sĩ Sakuludāyi. Du sĩ Sakuludāyi bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đến! Bạch Thế Tôn, thiện lai Thế Tôn! Đã lâu Thế Tôn mới tạo cơ hội này, nghĩa là đến đây. Thế Tôn hãy ngồi! Đây là chỗ đã soạn sẵn.

Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Du sĩ Sakuludāyi lấy một ghế thấp khác rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với du sĩ Sakuludāyi đang ngồi một bên:

– Này Udāyi, nay các vị hội họp nhau ở đây, đang bàn vấn đề gì? Và câu chuyện gì giữa các vị bị gián đoạn?

– Bạch Thế Tôn, hãy gác một bên vấn đề chúng con đang hội họp bàn luận. Về sau Thế Tôn nghe lại cũng không khó khăn gì. Bạch Thế Tôn, khi con không ở gần chúng này, thời chúng này ngồi nói nhiều câu chuyện phù phiếm. Và bạch Thế Tôn, khi con ở gần chúng này, thời chúng này ngồi nhìn thẳng mặt con và nghĩ: “Sa-môn Udāyi thuyết pháp gì, chúng ta sẽ nghe.” Bạch Thế Tôn, khi nào Thế Tôn đến với chúng này thời con và chúng này ngồi nhìn thẳng mặt Thế Tôn và nghĩ: “Thế Tôn thuyết pháp gì, chúng ta sẽ nghe.”

– Vậy này Udāyi, hãy nói lên ở đây vấn đề gì, để Ta có thể nói chuyện.

271. – Thuở xưa, bạch Thế Tôn, rất xa xưa, bậc Biết Tất Cả, Thấy Tất Cả, tự nhận mình có tri kiến không dư thừa:[3] “Khi ta đi, khi ta đứng, khi ta ngủ và khi ta thức, tri kiến được tồn tại liên tục thường hằng.” Vị ấy khi được con hỏi câu hỏi về quá khứ, liền tránh né với một câu hỏi khác, trả lời ra ngoài vấn đề và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận và bất mãn.[4] Do vậy, bạch Thế Tôn, con khởi lên niệm hoan hỷ đối với Thế Tôn: “Thật sự Thế Tôn, thật sự bậc Thiện Thệ là bậc thiện xảo về những pháp này.”

– Này Udāyi, vị nào là bậc Biết Tất Cả, Thấy Tất Cả và tự nhận mình có tri kiến không dư thừa: “Khi ta đi, khi ta đứng, khi ta ngủ, khi ta thức, tri kiến được tồn tại liên tục thường hằng”? Vị ấy là ai mà khi được ông hỏi câu hỏi về quá khứ liền tránh né với một câu hỏi khác, trả lời ra ngoài vấn đề và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận và bất mãn?

– Bạch Thế Tôn, vị ấy là Nigaṇṭha Nāṭaputta.

– Này Udāyi, vị nào nhớ đến các đời sống quá khứ sai biệt như một đời, hai đời... nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Hoặc là vị ấy hỏi Ta câu hỏi về quá khứ, hay là Ta hỏi vị ấy câu hỏi về quá khứ. Hoặc là vị ấy làm tâm Ta thỏa mãn với câu trả lời cho câu hỏi về quá khứ, hay là Ta làm tâm vị ấy thỏa mãn với câu trả lời cho câu hỏi về quá khứ. Này Udāyi, vị nào với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh, vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Hoặc là vị ấy hỏi Ta câu hỏi về tương lai, hay là Ta hỏi vị ấy câu hỏi về tương lai. Hoặc là vị ấy làm tâm Ta thỏa mãn với câu trả lời cho câu hỏi về tương lai, hay là Ta làm tâm vị ấy thỏa mãn với câu trả lời cho câu hỏi về tương lai. Và thôi, này Udāyi, hãy dừng lại ở quá khứ, hãy dừng lại ở tương lai! Ta sẽ thuyết pháp cho ông: “Cái này có mặt thì cái đây có mặt, do cái này sanh thì cái đây sanh. Cái này không có mặt thì cái đây không có mặt, do cái này diệt thì cái đây diệt.”

– Bạch Thế Tôn, cho đến trong phạm vi kinh nghiệm với tự ngã này (attabhāva), con còn không thể nhớ đến các nét đại cương và các chi tiết, từ đâu con có thể nhớ đến nhiều đời sống quá khứ như một đời, hai đời... con có thể nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, với các nét đại cương và các chi tiết như Thế Tôn? Bạch Thế Tôn, nay con còn không thấy được con quỷ Phiêu Phong (Paṃsupisācaka) từ đâu, với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, con có thể tuệ tri rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh; con có thể biết rõ các chúng sanh đều do hạnh nghiệp của họ như Thế Tôn? Do vậy, bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn nói với con như sau: “Này Udāyi, hãy dừng lại ở quá khứ, hãy dừng lại ở tương lai! Ta sẽ thuyết pháp cho ông: ‘Cái này có mặt thì cái đây có mặt, do cái này sanh thì cái đây sanh. Cái này không có mặt thì cái đây không có mặt, do cái này diệt thì cái đây diệt’”, thời con lại càng không nhận rõ bội phần. Tuy vậy, bạch Thế Tôn, con có thể làm tâm Thế Tôn thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi về bậc Đạo sư của mình.

272. – Này Udāyi, bậc Đạo sư của ông dạy những gì?

– Bạch Thế Tôn, bậc Đạo sư của chúng con dạy chúng con rằng: “Sắc này là tối thượng,[5] sắc này là tối thượng.”

– Này Udāyi, khi bậc Đạo sư của ông dạy ông rằng: “Sắc này là tối thượng, sắc này là tối thượng”, thời sắc tối thượng ấy là sắc gì?

– Bạch Thế Tôn, khi một sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn, thời sắc ấy là sắc tối thượng.

– Này Udāyi, sắc ấy là sắc gì, khi sắc ấy không có một sắc nào khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn?

– Bạch Thế Tôn, khi một sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn, thời sắc ấy là sắc tối thượng.

– Này Udāyi, [lời giải thích] của ông chỉ dài như vậy, ông phải [giải thích] rộng rãi thêm. Nếu ông nói: “Bạch Thế Tôn, khi một sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn, sắc ấy là sắc tối thượng”, thời ông không chỉ rõ sắc ấy. Này Udāyi, như có người nói:[6] “Tôi yêu và luyến ái một cô gái đẹp trong nước này.” Có người hỏi: “Này bạn, cô gái đẹp mà bạn yêu và luyến ái ấy, bạn có biết là người giai cấp nào, là Sát-đế-lỵ, hay Bà-la-môn, hay Phệ-xá, hay Thủ-đà?” Khi được hỏi, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: “Này bạn, cô gái đẹp bạn yêu và luyến ái ấy, bạn có biết tên gì, họ gì, lớn người, thấp người, hay người bậc trung? Da đen sẫm, da ngăm ngăm đen hay da hồng hào? Ở tại làng nào, thị trấn nào, hay thành phố nào?” Khi được hỏi vậy, người ấy trả lời không biết. Có người hỏi: “Này bạn, như vậy có phải bạn đã yêu và đã luyến ái một người bạn không biết, không thấy?” Được hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Này Udāyi, ông nghĩ thế nào? Sự tình là như vậy, thời lời nói của người ấy có phải là không hiệu năng không?[7]

– Bạch Thế Tôn, sự tình là như vậy, thời lời nói của người ấy thật sự là không hiệu năng.

– Cũng vậy, này Udāyi, khi ông nói: “Bạch Thế Tôn, khi một sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn hay thù thắng hơn, thời sắc ấy là sắc tối thượng”, thời ông không chỉ rõ sắc ấy.

– Bạch Thế Tôn, ví như một hòn lưu ly bảo châu,[8] đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo giũa, khéo mài, được đặt trên một tấm màn màu nhạt, tự nó sáng lên, chói lên, bừng sáng lên; với sắc như vậy, tự ngã là không bệnh, sau khi chết.[9]

273. – Này Udāyi, ông nghĩ thế nào? Một hòn lưu ly bảo châu nào, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo giũa, khéo mài, được đặt trên một tấm màn màu nhạt, tự nó sáng lên, chói lên, bừng sáng lên; hay con sâu đom đóm trong đêm đen tối mù, giữa hai [quang] sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

– Bạch Thế Tôn, con sâu đom đóm trong đêm đen tối mù, [quang] sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

– Này Udāyi, ông nghĩ thế nào? Con sâu đom đóm trong đêm đen tối mù hay là ngọn đèn dầu trong đêm đen tối mù, giữa hai [quang] sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

– Bạch Thế Tôn, ngọn đèn dầu trong đêm đen tối mù, quang sắc [ngọn đèn dầu] này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

– Này Udāyi, ông nghĩ thế nào? Ngọn đèn dầu trong đêm đen tối mù, hay là một đống lửa lớn trong đêm đen tối mù, giữa hai [quang] sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

– Bạch Thế Tôn, đống lửa lớn trong đêm đen tối mù, [quang] sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

– Này Udāyi, ông nghĩ thế nào? Đống lửa lớn trong đêm đen tối mù, hay ngôi sao Mai trong một bầu trời trong sáng không mây vào lúc bình minh, giữa hai [quang] sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

– Bạch Thế Tôn, ngôi sao Mai trong một bầu trời trong sáng không mây vào lúc bình minh, [quang] sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

– Này Udāyi, ông nghĩ thế nào? Ngôi [sao Thái Bạch] sao Mai trong bầu trời trong sáng không mây trong lúc bình minh, hay là mặt trăng trong khi đứng bóng[10] trong một bầu trời trong sáng không mây, vào lúc nửa đêm trong ngày Bố-tát (Uposatha) vào ngày rằm, giữa hai [quang] sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

– Bạch Thế Tôn, mặt trăng trong khi đứng bóng trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc nửa đêm trong ngày Uposatha vào ngày rằm, quang sắc này vi diệu hơn và thù thắng hơn giữa hai quang sắc.

– Này Udāyi, ông nghĩ thế nào? Mặt trăng trong khi đứng bóng trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc nửa đêm trong ngày Uposatha vào ngày rằm, hay là mặt trời trong lúc đứng bóng trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc giữa trưa trong tháng cuối mùa mưa về mùa thu, giữa hai [quang] sắc này, quang sắc nào vi diệu hơn và thù thắng hơn?

– Bạch Thế Tôn, mặt trời trong lúc đứng bóng trong một bầu trời quang đãng không mây, vào lúc giữa trưa trong tháng cuối mùa mưa về mùa thu, [quang sắc] này vi diệu hơn và thù thắng hơn.

– Này Udāyi, hơn tất cả những quang sắc ấy, có nhiều, rất nhiều chư thiên, mà ánh sáng của những mặt trăng, mặt trời này không thể chiếu sáng (nānubhonti). Ta biết những chư thiên ấy, và Ta không nói: “Không có một quang sắc nào khác vi diệu hơn và thù thắng hơn quang sắc ấy.” Còn ông, này Udāyi, ông lại nói: “Quang sắc này thấp kém hơn, yếu đuối hơn quang sắc con sâu đom đóm, quang sắc ấy là tối thắng.” Và ông không chỉ rõ quang sắc ấy.

– Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện. Thiện Thệ đã cắt đứt câu chuyện.

– Này Udāyi, sao ông lại nói: “Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện. Thiện Thệ đã cắt đứt câu chuyện”?

– Bạch Thế Tôn, các vị Đạo sư của chúng con dạy như sau: “Quang sắc này là tối thượng, quang sắc này là tối thượng.” Nhưng bạch Thế Tôn, các bậc Đạo sư của chúng con khi bị Thế Tôn đối nạn, cật nạn, vấn nạn, [tự tỏ là] trống không, hư vọng, thất bại.

274. – Nhưng này Udāyi, có một Thế giới nhứt hướng lạc không? Có đạo lộ hợp lý nào đưa đến chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc?

– Bạch Thế Tôn, các bậc Đạo sư của chúng con có dạy như sau: “Có một Thế giới nhứt hướng lạc. Có đạo lộ hợp lý[11] đưa đến chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc.”

– Này Udāyi, đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc là gì?

– Ở đây, bạch Thế Tôn, có người đoạn trừ sát sanh, từ bỏ sát sanh; đoạn trừ lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho; đoạn trừ tà dâm, từ bỏ tà dâm; đoạn trừ nói láo, từ bỏ nói láo; hay sống sau khi thọ trì một loại khổ hạnh (tapoguṇa). Bạch Thế Tôn, đó là đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc.

– Này Udāyi, ông nghĩ thế nào? Trong khi đoạn trừ sát sanh, từ bỏ sát sanh, trong khi ấy tự ngã là nhứt hướng lạc hay cả lạc cả khổ?

– Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.

– Này Udāyi, ông nghĩ thế nào? Trong khi đoạn trừ lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, trong khi ấy tự ngã là nhứt hướng lạc hay cả lạc cả khổ?

– Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.

– Này Udāyi, ông nghĩ thế nào? Trong khi đoạn trừ tà dâm, từ bỏ tà dâm, trong khi ấy tự ngã là nhứt hướng lạc hay cả lạc cả khổ?

– Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.

– Này Udāyi, ông nghĩ thế nào? Trong khi đoạn trừ nói láo, từ bỏ nói láo, trong khi ấy tự ngã là nhứt hướng lạc hay cả lạc cả khổ?

– Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.

– Này Udāyi, ông nghĩ thế nào? Trong khi sống thọ trì một loại khổ hạnh, trong khi ấy tự ngã là nhứt hướng lạc hay cả lạc cả khổ?

– Bạch Thế Tôn, cả lạc cả khổ.

– Này Udāyi, ông nghĩ thế nào? Như vậy đạo lộ để chứng đắc một Thế giới nhứt hướng lạc, đạo lộ ấy cả lạc cả khổ xen lẫn?

– Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện, Thiện Thệ đã cắt đứt câu chuyện.

– Này Udāyi, sao ông lại nói như vậy: “Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện, Thiện Thệ đã cắt đứt câu chuyện”?

– Bạch Thế Tôn, các bậc Đạo sư của chúng con có dạy như sau: “Có một Thế giới nhứt hướng lạc, có một đạo lộ hợp lý để chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc.” Nhưng các bậc Đạo sư của chúng con khi bị Thế Tôn đối nạn, cật nạn, vấn nạn, [tự tỏ là] trống không, hư vọng, thất bại. Nhưng bạch Thế Tôn, có một Thế giới nhứt hướng lạc không? Có một đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc một Thế giới nhứt hướng lạc không?

– Này Udāyi, có một Thế giới nhứt hướng lạc, có một đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc.

275. – Bạch Thế Tôn, thế nào là đạo lộ hợp lý ấy đưa đến chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc?

– Ở đây, này Udāyi, vị Tỷ-kheo ly dục... chứng đắc và trú Thiền thứ nhất; sau khi diệt tầm và tứ... chứng đắc và trú Thiền thứ hai;... chứng đắc và trú Thiền thứ ba. Như vậy, này Udāyi là đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc.

– Bạch Thế Tôn, đạo lộ ấy không phải là đạo lộ đưa đến chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc. Chứng đắc như vậy, bạch Thế Tôn, [phải chăng] là Thế giới nhứt hướng lạc?

– Này Udāyi, chứng đắc như vậy chưa phải là Thế giới nhứt hướng lạc. Đạo lộ ấy chỉ là đạo lộ hợp lý đưa đến chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc.

Khi được nghe nói vậy, hội chúng của du sĩ Sakuludāyi lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng như sau:

– Ở đây, chúng tôi đã được nghe từ các vị Đạo sư. Ở đây, chúng tôi đã được nghe từ các vị Đạo sư. Chúng tôi không được biết gì hơn như vậy nữa.

Rồi du sĩ Sakuludāyi, sau khi làm cho các vị du sĩ ấy lặng tiếng xuống, liền bạch Thế Tôn:

– Phải đến mức như thế nào, mới là chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc?

– Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo đoạn trừ lạc... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Có bao nhiêu chư thiên được sanh vào Thế giới nhứt hướng lạc, Tỷ-kheo cùng đứng với các chư thiên ấy, cùng nói chuyện, cùng đàm luận. Cho đến mức độ như vậy, này Udāyi, mới là chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc.

276. – Bạch Thế Tôn, có phải chỉ vì nhân duyên chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc mà các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự [chỉ dẫn] của Thế Tôn?

– Này Udāyi, không phải chỉ vì nhân duyên chứng đắc Thế giới nhứt hướng lạc mà các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự [chỉ dẫn] của Ta. Này Udāyi, có những pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn; vì nhơn duyên chứng đắc các pháp ấy, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

– Bạch Thế Tôn, thế nào là những pháp cao thượng hơn, thù thắng hơn; vì nhơn duyên chứng đắc các pháp ấy, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn?

– Ở đây, này Udāyi, Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn[12]... (như trên)... sau khi đoạn trừ năm triền cái này, những pháp làm ô uế tâm, làm muội lược trí tuệ, ly dục, ly bất thiện pháp... (như trên)... chứng và trú Thiền thứ nhất. Đây là pháp, này Udāyi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này mà Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta. Lại nữa này Udāyi, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ... (như trên)... Thiền thứ hai; ... Thiền thứ ba;... (như trên)... chứng và an trú Thiền thứ tư. Đây là pháp, này Udāyi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này, mà các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, với các phiền não được đoạn trừ, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến Túc mạng trí.[13] Vị ấy nhớ nhiều đời ở quá khứ như một đời, hai đời... (như trên)... nhớ đến nhiều đời sống ở quá khứ, với các nét đại cương và các chi tiết. Đây là pháp, này Udāyi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp ấy, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, với các phiền não được đoạn trừ, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến Sanh tử trí của chúng sanh. Vị ấy với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy rõ sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Đây là pháp, này Udāyi, cao thượng hơn và thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu uế, với các phiền não được đoạn trừ, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị Tỷ-kheo ấy hướng tâm đến Lậu tận trí. Vị ấy như thật biết: “Đây là khổ”... “Đây là khổ tập”... “Đây là khổ diệt”... “Đây là con đường đưa đến khổ diệt.” Vị ấy như thật biết: “Đây là những lậu hoặc”... “Đây là nguyên nhân của lậu hoặc”... “Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc.” Vị ấy như thật biết: “Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc.” Nhờ hiểu biết như vậy, thấy như vậy, tâm vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, vị ấy khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát.” Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa.” Đây là pháp, này Udāyi, cao thượng hơn, thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc pháp này, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta. Đây là những pháp, này Udāyi, cao thượng hơn, thù thắng hơn, do nhân duyên chứng đắc những pháp này, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Ta.

Khi nghe nói vậy, du sĩ Sakuludāyi bạch Thế Tôn:

277. – Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con xuất gia, dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con thọ Đại giới.

Khi được nghe nói vậy, chúng du sĩ của Sakuludāyi nói với du sĩ Sakuludāyi:

– Tôn giả Udāyi, chớ có sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Sa-môn Gotama! Tôn giả Udāyi đã là bậc Đạo sư, nay chớ có sống làm đệ tử! Như một ghè nước tốt, nay bị thủng lỗ bị chảy nước; hành động của Tôn giả Udāyi cũng sẽ như vậy. Tôn giả Udāyi, chớ có sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Sa-môn Gotama! Tôn giả Udāyi đã là bậc Đạo sư, nay chớ có sống làm đệ tử!

Như vậy, chính chúng du sĩ của Sakuludāyi đã làm một chướng ngại pháp cho du sĩ Sakuludāyi sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn.

CHÚ THÍCH



[1] Xem D. I. 1, 47, 87, 111, 127, 150, 159, 161, 178, 204, 211, 224, 235; M. I. 29, 175, 220, 256, 271, 339, 353, 400, 513; II. 157, 214; III. 1, 29; S. IV. 103, 110, 177; A. I. 113; II. 16, 39, 153, 205; III. 93, 161; V. 201, 347. Kinh tương đương trong bộ Trung A-hàm kinhTiễn mao kinh 箭毛經 (T.01. 0026.208. 0783c03).
[2] Xem M. 76, Sandaka Sutta (Kinh Sandaka); M. 77. Mahāsakuludāyi Sutta (Đại kinh Sakuludāyi); M. 78, Samaṇamuṇḍika Sutta (Kinh Samaṇamuṇḍika).
[3] Xem M. I. 519.
[4] Xem M. I. 250.
[5] M. II. 40. Vaṇṇa có nhiều nghĩa: Màu sắc, giai cấp, sắc đẹp, dáng vẻ, tán thán.
[6] Xem D. I. 241.
[7] Appāṭihīrakataṃ bhāsitaṃ, như M. II. 41; D. I. 193, 239, 242, 244. MA. III. 273 giải thích là Aniyyānikaṃ amūlakaṃ niraṭṭhakaṃ, không có hướng tiến, không có căn bản, không có mục đích. Tương tự như Appāṭihāriya. Xem M. II. 9.
[8] Xem M. II. 17.
[9] M. II. 228. MA. III. 273 viết khi lâm chung, tự ngã chói sáng như chư thiên ở cõi trời Subhakiṇha.
[10] MA. III. 274 giải thích lúc nửa đêm, vầng trăng như đứng giữa bầu trời (abhinne aḍḍharattasamaye. Iminā gaganamajjhe ṭhitacandaṃ dasseti).
[11] Ākāravatī paṭipadā. Xem Akāravati saddhā, một niềm tin hợp lý, như M. I. 320.
[12] Xem M. 27, Cūḷahatthipadopama Sutta (Tiểu kinh Dụ dấu chân voi); M. 51, Kandaraka Sutta (Kinh Kandaraka).
[13] Xem MLS. I. 28.


Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.