Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thuỷ/Kinh Tạng Pali/Kinh Trung Bộ

69. Kinh Goliyāni (Goliyāni Sutta)

173. Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm), tại Kalandakanivāpa (chỗ nuôi dưỡng sóc). Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo Goliyāni là vị sống tại rừng núi, có hành động thô tháo, đã đến giữa Tăng chúng do một vài công vụ. Ở đây, Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) nhân vì Tỷ-kheo Goliyāni, bảo các Tỷ-kheo:

– Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng phải biết tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng không biết tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả ấy lại không tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng phải biết tôn trọng, cung kính các đồng Phạm hạnh.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng phải biết khéo xử về chỗ ngồi, nghĩ rằng: “Ta sẽ ngồi, không có chiếm lấy[2] [chỗ ngồi] các Thượng tọa Tỷ-kheo, không có trục xuất[3] chỗ ngồi của các niên thiếu Tỷ-kheo.” Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng, không biết khéo xử về chỗ ngồi, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này lại không biết hành động như pháp.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng phải biết khéo xử về chỗ ngồi.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng, không nên vào làng quá sớm và trở về[4] ban ngày. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng, nếu vào làng quá sớm và trở về ban ngày, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này lại vào làng quá sớm và trở về ban ngày.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng, không nên vào làng quá sớm và trở về ban ngày.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng không nên đi đến các gia đình trước buổi ăn hay sau buổi ăn.[5] Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng đi đến các gia đình trước buổi ăn hay sau buổi ăn, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Có phải Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, lại đi phi thời quá nhiều và xử sự như vậy (samudācarati) đối với chúng Tăng?” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng không nên đi đến các gia đình trước buổi ăn hay sau buổi ăn.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng không nên trạo cử, dao động.[6] Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng mà trạo cử, dao động, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Có phải Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, lại trạo cử, dao động quá nhiều và xử sự như vậy đối với chúng Tăng?” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng không nên trạo cử, dao động.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng không nên nói nhiều lời và nói tạp nhạp.6 Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng nói nhiều lời và nói tạp nhạp, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này lại nói nhiều lời và nói tạp nhạp.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng không nên nói nhiều lời và nói tạp nhạp.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng phải là người dễ nói và là người thiện hữu.[7] Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng là người khó nói[8] và là người ác hữu, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này lại khó nói và là người ác hữu.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi đến trú giữa chúng Tăng phải là người dễ nói và là người thiện hữu.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thủ hộ các căn. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi không thủ hộ các căn, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này lại không thủ hộ các căn.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thủ hộ các căn.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải tiết độ trong sự ăn uống. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi không có tiết độ trong sự ăn uống, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này lại không có tiết độ trong sự ăn uống.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có tiết độ trong sự ăn uống.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải chú tâm cảnh giác. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi không chú tâm cảnh giác, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này lại không chú tâm cảnh giác.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải chú tâm cảnh giác.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải tinh cần, tinh tấn. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi mà biếng nhác, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này lại biếng nhác.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải tinh cần, tinh tấn.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải chánh niệm tỉnh giác. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi mà thất niệm, thời sẽ có người nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này lại thất niệm.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải chánh niệm tỉnh giác.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có thiền định. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi không có thiền định, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này lại không có thiền định.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có thiền định.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có trí tuệ. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi chỉ có liệt tuệ, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này lại chỉ có liệt tuệ.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có trí tuệ.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập Thắng pháp (Abhidhamma), Thắng luật (Abhivinaya).[9] Này chư Hiền, sẽ có người hỏi Tỷ-kheo sống ở rừng núi về Thắng pháp, Thắng luật. Nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi được hỏi về Thắng pháp, Thắng luật mà không thể trả lời được, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này được hỏi về Thắng pháp, Thắng luật lại không có thể trả lời được.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải có thực tập Thắng pháp, Thắng luật.

– Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập các pháp Tịch tịnh giải thoát (santā vimokkhā),[10] vượt khỏi các sắc pháp và các vô sắc pháp. Này chư Hiền, sẽ có người hỏi Tỷ-kheo sống ở rừng núi về các pháp Tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp, các vô sắc pháp. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi được hỏi về các pháp Tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp mà không thể trả lời được, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này được hỏi về các pháp Tịch tịnh giải thoát lại không có thể trả lời được.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy. Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập các pháp Tịch tịnh giải thoát, vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp.

Này chư Hiền, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập các pháp Thượng nhân. Này chư Hiền, sẽ có người hỏi Tỷ-kheo về những pháp Thượng nhân. Này chư Hiền, nếu Tỷ-kheo sống ở rừng núi được hỏi về các pháp Thượng nhân mà không thể trả lời được, thời có người sẽ nói về vị ấy như sau: “Nào có tốt gì nếu Tôn giả này là vị sống ở rừng núi, sống một mình trong rừng, hành động theo sở thích, nay Tôn giả này được hỏi về những pháp Thượng nhân lại không có thể trả lời được.” Sẽ có người nói về vị ấy như vậy . Do vậy, Tỷ-kheo sống ở rừng núi cần phải thực tập các pháp Thượng nhân.

Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Mahāmoggallāna nói với Tôn giả Sāriputta như sau:

– Hiền giả Sāriputta, các pháp này cần phải được chấp trì và thực tập chỉ bởi Tỷ-kheo sống ở rừng núi hay bởi Tỷ-kheo sống ở gần thôn làng?

– Hiền giả Moggallāna, các pháp này cần phải được chấp trì và thực tập bởi Tỷ-kheo sống ở rừng núi, còn nói gì (pageva) Tỷ-kheo sống gần thôn làng.

CHÚ THÍCH



[1] Trong Chú giải, kinh này còn được viết là Gulissāni Sutta. Kinh tương đương trong bộ Trung A-hàm kinhCù-ni-sư kinh 瞿尼師經 (T.01. 0026.26. 0454c24).
[2] Xem Vin. II. 88; IV. 43.
[3] Xem Vin. I. 47.
[4] Nghĩa là trở về chùa. Xem Vin. IV. 164, Pācittiya 85.
[5] Xem Vin. IV. 99, Pācittiya 46.
[6] Xem M. I. 32.
[7] Xem M. I. 43.
[8] Dubbaca. Cũng có nghĩa là người khó nói, khó dạy. Xem M. I. 43.
[9] MA. III. 185 viết Abhidhamma, Abhivinaya là các tạng Piṭaka.
[10] Tám Vimokkhā. Xem D. II. 70-71.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.