Tam tạng Thánh điển PGVN 02 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 02 »
Kinh Trung Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thuỷ/Kinh Tạng Pali/Kinh Trung Bộ
134. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú tại Sāvatthi, Jetavana, tinh xá ông Anāthapiṇḍika. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo!
– Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Này các Tỷ-kheo, Ta ăn chỉ ngồi một lần (ekāsanabhojana).[2] Này các Tỷ-kheo, do Ta ăn chỉ ngồi một lần, Ta cảm thấy ít bệnh, ít não, nhẹ nhàng, có sức và lạc trú. Này các Tỷ-kheo, hãy ăn chỉ ngồi một lần. Này các Tỷ-kheo, hãy ăn chỉ ngồi một lần, và các ông sẽ cảm thấy ít bệnh, ít não, nhẹ nhàng, có sức và lạc trú.
Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Bhaddāli bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con không có thể ăn chỉ ngồi một lần. Bạch Thế Tôn, nếu con ăn chỉ ngồi một lần, thời con cảm thấy như là hối tiếc, như là hối hận.
– Vậy này Bhaddāli, khi nào ông được mời, hãy ăn tại chỗ một phần ăn, rồi đem về một phần ăn để ăn sau. Như vậy, này Bhaddāli, ông có thể ăn như vậy và sống qua ngày không?
– Như vậy, bạch Thế Tôn, con cũng không có thể ăn được. Bạch Thế Tôn, nếu con ăn như vậy, con vẫn cảm thấy như là hối tiếc, như là hối hận.
Rồi Tôn giả Bhaddāli, trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Thế Tôn chế định, tuyên bố sự bất lực [của mình]. Rồi Tôn giả Bhaddāli, trong ba tháng tròn, không diện kiến Thế Tôn vì không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư.
135. Sau một thời gian, một số đông Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn (cīvarakamma) và nói rằng: “Sau khi làm y xong,[3] sau ba tháng này, Thế Tôn sẽ du hành.” Rồi Tôn giả Bhaddāli đến tại chỗ các vị Tỷ-kheo ấy; sau khi đến, nói lên với các Tỷ-kheo ấy những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Những Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Bhaddāli đang ngồi một bên:
– Này Hiền giả Bhaddāli, tấm y này đang được làm cho Thế Tôn. Sau khi làm y xong, sau ba tháng này, Thế Tôn sẽ du hành. Này Hiền giả Bhaddāli, hãy khéo tư niệm đến trường hợp đặc biệt này (desaka),[4] chớ để về sau, lại càng khó khăn hơn cho Hiền giả.
– Thưa vâng, chư Hiền.
Tôn giả Bhaddāli vâng đáp các Tỷ-kheo ấy, đi đến chỗ Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Bhaddāli bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, một lỗi lầm đã chiếm đoạt con, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Thế Tôn chế định, con đã tuyên bố sự bất lực của con. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con lỗi lầm này là một lỗi lầm, để có thể phòng hộ trong tương lai.
– Này Bhaddāli, thật sự một lỗi lầm đã chiếm đoạt ông, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Như Lai chế định, ông đã tuyên bố sự bất lực của ông.
Này Bhaddāli, trong thời ấy, ông không ý thức được điều này: “Thế Tôn trú tại Sāvatthi, Thế Tôn sẽ biết ta như sau: ‘Tỷ-kheo tên Bhaddāli không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư.’” Này Bhaddāli, trong thời ấy, ông không ý thức được như vậy.
Này Bhaddāli, trong thời ấy, ông không ý thức được điều này: “Một số đông Tỷ-kheo đến an cư vào mùa mưa ở Sāvatthi, các vị ấy sẽ biết ta như sau: ‘Tỷ-kheo tên Bhaddāli không có thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư.’” Này Bhaddāli, trong thời ấy, ông không ý thức được như vậy.
Này Bhaddāli, trong thời ấy, ông không ý thức được điều này: “Một số đông Tỷ-kheo-ni đến an cư vào mùa mưa ở Sāvatthi, các vị ấy sẽ biết ta như sau: ‘... (như trên).’ Một số đông nam cư sĩ trú ở Sāvatthi, các vị ấy sẽ biết ta như sau: ‘... (như trên).’ Một số đông nữ cư sĩ trú ở Sāvatthi, các vị ấy sẽ biết ta như sau: ‘Tỷ-kheo tên Bhaddāli không có thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư.’” Này Bhaddāli, trong thời ấy, ông không ý thức được như vậy.
Này Bhaddāli, trong thời ấy, ông không ý thức được điều này: “Một số đông Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo đến an cư vào mùa mưa ở Sāvatthi, các vị ấy sẽ biết ta như sau: ‘Tỷ-kheo tên Bhaddāli là đệ tử của Sa-môn Gotama, một bậc Thượng tọa, không có thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư.’” Này Bhaddāli, trong thời ấy, ông không ý thức được như vậy.
– Bạch Thế Tôn, một lỗi lầm đã chiếm đoạt con, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Thế Tôn chế định, con đã tuyên bố sự bất lực của con. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con lỗi lầm này là một lỗi lầm, để có thể phòng hộ trong tương lai.
– Này Bhaddāli, thật sự một lỗi lầm đã chiếm đoạt ông, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Ta chế định, ông đã tuyên bố sự bất lực của ông.
136. Này Bhaddāli, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có Tỷ-kheo Câu phần giải thoát.[5] Ta nói với vị ấy như sau: “Này Tỷ-kheo, hãy đến và tự làm cầu (saṅkameyya) cho Ta qua khỏi đám bùn.” Vị ấy tự đến làm cầu, hay tránh né thân chỗ khác, hay nói: “Không”?
– Không phải vậy, bạch Thế Tôn.
– Này Bhaddāli, ông nghĩ thế nào? Ở đây, có vị Tỷ-kheo Tuệ giải thoát... Thân chứng (Kāyasakkhi)... Kiến chí... Tín giải thoát... Tùy pháp hành... Tùy tín hành.[6] Ta nói với vị ấy như sau: “Này Tỷ-kheo, hãy đến và tự làm cầu cho Ta qua khỏi đám bùn.” Vị ấy tự đến làm cầu, hay tránh né thân chỗ khác, hay nói: “Không”?
– Không phải vậy, bạch Thế Tôn.
– Này Bhaddāli, ông nghĩ thế nào? Này Bhaddāli, trong thời gian ấy ông có phải là bậc Câu phần giải thoát, hay Tuệ giải thoát, hay Thân chứng, hay Kiến chí, hay Tín giải thoát, hay Tùy pháp hành, hay Tùy tín hành?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
– Này Bhaddāli, có phải trong thời gian ấy, ông trống không, rỗng không,[7] phạm lỗi?
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, một lỗi lầm đã chiếm đoạt con, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Thế Tôn chế định, con đã tuyên bố sự bất lực của con. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con lỗi lầm này là một lỗi lầm, để có thể phòng hộ trong tương lai.
– Này Bhaddāli, thật sự một lỗi lầm đã chiếm đoạt ông, thật là ngu ngốc, thật là si mê, thật là bất thiện. Trong khi chúng Tỷ-kheo chấp hành học giới đã được Ta chế định, ông đã tuyên bố sự bất lực của ông. Này Bhaddāli, nếu ông sau khi thấy một lỗi lầm là một lỗi lầm và như pháp phát lộ, chúng ta sẽ chấp nhận cho ông. Vì rằng này Bhaddāli, như vậy là sự lớn mạnh trong giới luật của bậc Thánh, nghĩa là bất cứ ai, sau khi thấy một lỗi lầm là một lỗi lầm, phải như pháp phát lộ và phòng hộ trong tương lai.
137. Ở đây, này Bhaddāli, có Tỷ-kheo không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp của bậc Đạo sư. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta hãy sống tại một trú xứ xa vắng, khu rừng, gốc cây, sườn núi, chỗ hoang dã, hang núi, nghĩa địa, tùng lâm, ngoài trời, đống rơm. Và ta có thể chứng được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh.” Vị ấy sống tại một trú xứ xa vắng, khu rừng, gốc cây, sườn núi, chỗ hoang dã, hang núi, nghĩa địa, tùng lâm, ngoài trời, đống rơm. Khi vị ấy sống viễn ly như vậy, bậc Đạo sư quở trách, các vị đồng Phạm hạnh có trí sau khi quán sát quở trách, chư thiên quở trách, tự mình quở trách mình. Vị này bị bậc Đạo sư quở trách, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí sau khi quán sát quở trách, bị chư thiên quở trách, tự mình quở trách mình, nên không chứng được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Tại sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddāli, là vì vị ấy không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư.
138. Nhưng ở đây, này Bhaddāli, có Tỷ-kheo thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư. Vị ấy suy nghĩ như sau: “Ta hãy sống tại một trú xứ xa vắng, khu rừng, gốc cây, sườn núi, chỗ hoang dã, hang núi, nghĩa địa, tùng lâm, ngoài trời, đống rơm. Và ta có thể chứng được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh.” Vị ấy sống tại một trú xứ xa vắng, khu rừng, gốc cây, sườn núi, chỗ hoang dã, hang núi, nghĩa địa, tùng lâm, ngoài trời, đống rơm. Khi vị ấy sống viễn ly như vậy, bậc Đạo sư không quở trách, các vị đồng Phạm hạnh có trí sau khi quán sát không quở trách, chư thiên không quở trách, tự mình không quở trách mình. Vị này không bị bậc Đạo sư quở trách, không bị các vị đồng Phạm hạnh sau khi quán sát quở trách, không bị chư thiên quở trách, không tự mình quở trách mình, nên chứng được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Tại sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddāli, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư.
Vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddāli, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư.
139. Và lại nữa, này Bhaddāli, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddāli, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư. Và lại nữa, này Bhaddāli, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddāli, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư. Và lại nữa, này Bhaddāli, Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddāli, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm hướng tâm đến Túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây.” Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddāli, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư.
Vị ấy với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddāli, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp của bậc Đạo sư.
Vị ấy với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: “Đây là khổ”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Đây là sự diệt khổ”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến diệt khổ”, biết như thật: “Đây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của các lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là sự đoạn trừ các lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc.” Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, vị ấy khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát.” Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa.” Vì sao vậy? Sở dĩ như vậy, này Bhaddāli, là vì vị ấy thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư.
140. Được nghe nói vậy, Tôn giả Bhaddāli bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây [chúng Tăng] luôn luôn[8] kết tội[9] Tỷ-kheo? Bạch Thế Tôn, lại do nhân gì, do duyên gì ở đây, [chúng Tăng] không luôn luôn kết tội Tỷ-kheo như vậy?
– Này Bhaddāli, ở đây, có Tỷ-kheo thường hay phạm giới tội, phạm nhiều giới tội,[10] khi bị các Tỷ-kheo nói, tránh né câu hỏi bằng một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn,[11] không xử sự chơn chánh, không có tự lắng dịu, không có chấm dứt giới tội,[12] không có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Ở đây, này Bhaddāli, các Tỷ-kheo nghĩ như sau: “Này chư Hiền, Tỷ-kheo này thường hay phạm giới tội, phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, tránh né câu hỏi bằng một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, không xử sự chơn chánh, không có tự lắng dịu, không có chấm dứt giới tội, không có nói: ‘Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?’ Tốt lành thay, nếu chư Tôn giả, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo này, chớ có giải tội ấy một cách mau chóng.” Như vậy, này Bhaddāli, các Tỷ-kheo, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo ấy, không giải tội ấy một cách mau chóng.
141. Nhưng ở đây, này Bhaddāli, lại có Tỷ-kheo, thường hay phạm giới tội, phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, không tránh né câu hỏi bằng một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, không hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, xử sự chơn chánh, có tự lắng dịu, có chấm dứt giới tội, có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Ở đây, này Bhaddāli, các Tỷ-kheo nghĩ như sau: “Này chư Hiền, Tỷ-kheo này thường hay phạm giới tội, phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, không tránh né câu hỏi bằng một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, không hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, xử sự chơn chánh, có tự lắng dịu, có chấm dứt giới tội, có nói: ‘Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?’ Tốt lành thay, nếu chư Tôn giả, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo này, hãy giải tội ấy một cách mau chóng.” Như vậy, này Bhaddāli, các Tỷ-kheo sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo ấy, giải tội ấy một cách mau chóng.
142. Ở đây, này Bhaddāli, có Tỷ-kheo không thường phạm giới tội (adhiccāpattika), không phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, tránh né câu hỏi này bằng một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, không xử sự chơn chánh, không có tự lắng dịu, không có chấm dứt giới tội, không có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Ở đây, này Bhaddāli, các Tỷ-kheo nghĩ như sau: “Này chư Hiền, Tỷ-kheo này không thường phạm giới tội, không phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, tránh né câu hỏi này bằng một câu hỏi khác, hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, không xử sự chơn chánh, không có tự lắng dịu, không có chấm dứt giới tội, không có nói: ‘Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?’ Tốt lành thay, nếu chư Tôn giả, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo này, chớ có giải tội một cách mau chóng.” Như vậy, này Bhaddāli, các Tỷ-kheo, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo ấy, không giải tội ấy một cách mau chóng.
143. Nhưng ở đây, này Bhaddāli, lại có Tỷ-kheo không thường phạm giới tội, không phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, không tránh né câu hỏi này bằng một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, không hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, xử sự chơn chánh, có tự lắng dịu, có chấm dứt giới tội, có nói: “Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?” Ở đây, này Bhaddāli, các Tỷ-kheo nghĩ như sau: “Chư Hiền, Tỷ-kheo này không thường phạm giới tội, không phạm nhiều giới tội, khi bị các Tỷ-kheo nói, không tránh né câu hỏi này bằng một câu hỏi khác, không hướng câu chuyện ra ngoài vấn đề, không hiện khởi phẫn nộ, sân hận và bất mãn, xử sự chơn chánh, có tự lắng dịu, có chấm dứt giới tội, có nói: ‘Tôi phải làm gì để chúng Tăng hoan hỷ?’ Tốt lành thay, nếu chư Tôn giả, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo này, hãy giải tội này một cách mau chóng.” Như vậy, này Bhaddāli, các Tỷ-kheo, sau khi điều tra nhiều lần Tỷ-kheo ấy, giải tội ấy một cách mau chóng.
144. Ở đây, này Bhaddāli, có Tỷ-kheo còn sống [trong Tăng chúng] với một ít lòng tin, với một ít lòng thương (pema). Ở đây, này Bhaddāli, các Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Chư Hiền, Tỷ-kheo này còn sống [trong Tăng chúng] với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Nếu chúng ta thường hay kết tội Tỷ-kheo này, chúng ta hãy đừng để cho chút ít lòng tin, chút ít lòng thương của vị ấy đoạn diệt.” Ví như, này Bhaddāli, một người chỉ có một mắt, các thân hữu bà con huyết thống bảo vệ con mắt còn lại ấy và suy nghĩ như sau: “Chớ để cho con mắt còn lại này bị đoạn diệt.” Cũng vậy, này Bhaddāli, ở đây Tỷ-kheo còn sống [trong Tăng chúng] với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Ở đây, này Bhaddāli, các Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Chư Hiền, Tỷ-kheo này còn sống trong Tăng chúng với một ít lòng tin, với một ít lòng thương. Nếu chúng ta thường hay kết tội Tỷ-kheo này, chúng ta hãy đừng để cho chút ít lòng tin, chút ít lòng thương của vị ấy bị đoạn diệt.”
Này Bhaddāli, do nhân này, do duyên này, ở đây chúng Tăng luôn luôn kết tội Tỷ-kheo. Do nhân này, do duyên này, ở đây, chúng Tăng không luôn luôn kết tội vị Tỷ-kheo.
145. – Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, lúc xưa các học giới tuy ít hơn, nhưng các Tỷ-kheo đã ngộ nhập chánh trí nhiều hơn. Bạch Thế Tôn, lại do nhân gì, do duyên gì, ngày nay các học giới nhiều hơn, nhưng các Tỷ-kheo ngộ nhập chánh trí ít hơn?
– Này Bhaddāli, khi các loài hữu tình bị thối thất, khi Diệu pháp bị diệt mất, thời các học giới có nhiều hơn và các vị Tỷ-kheo ngộ nhập chánh trí ít hơn. Này Bhaddāli, khi nào một số hữu lậu pháp (āsavaṭṭhāniyadhammā) chưa hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc Đạo sư vẫn không chế định học giới cho các đệ tử. Và này Bhaddāli, ở đây, chỉ khi nào một số hữu lậu pháp hiện khởi trong Tăng chúng, chỉ khi ấy bậc Đạo sư mới chế định học giới cho các đệ tử để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy. Này Bhaddāli, ở đây, khi nào Tăng chúng chưa lớn mạnh (mahatta), khi ấy một số hữu lậu pháp chưa hiện khởi trong Tăng chúng. Và này Bhaddāli, chỉ khi nào Tăng chúng đã được lớn mạnh, thời ở đây một số hữu lậu pháp hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc Đạo sư mới chế định học giới cho các đệ tử để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy. Này Bhaddāli, ở đây, khi nào Tăng chúng chưa đạt được quyền lợi tối thượng (lābhagga)... chưa đạt được danh xưng tối thượng (yasagga)... chưa đạt được đa văn (bāhusacca)... chưa đạt được địa vị kỳ cựu (rattaññuta), khi ấy một số hữu lậu pháp chưa hiện khởi trong Tăng chúng. Và này Bhaddāli, ở đây, chỉ khi nào Tăng chúng đã đạt được địa vị kỳ cựu, thời ở đây một số hữu lậu pháp hiện khởi trong Tăng chúng, khi ấy bậc Đạo sư mới chế định học giới cho các đệ tử để đối trị lại các pháp hữu lậu ấy.
146. Này Bhaddāli, các ông còn số ít (appakā), khi Ta giảng cho các ông pháp môn “Ví dụ lương chủng mã”. Này Bhaddāli, ông có nhớ không?
– Bạch Thế Tôn, không.
– Ở đây, này Bhaddāli, do nhân gì, ông xem sự việc xảy ra như vậy?
– Bạch Thế Tôn, vì con trong một thời gian dài đã không thực hành trọn vẹn học giới trong giáo pháp bậc Đạo sư.
– Này Bhaddāli, không phải chỉ có nhân như vậy, chỉ có duyên như vậy. Vì rằng, trong một thời gian khá dài, này Bhaddāli, Ta biết tâm ông với tâm của Ta [Ta biết rằng]: Khi Ta thuyết pháp, kẻ ngu si này không có để tâm, không có tác ý, không dùng nhứt thiết tâm[13] để tư niệm, không có nghe pháp với [hai] tai sẵn sàng. Và này Bhaddāli, Ta sẽ giảng cho ông pháp môn “Ví dụ lương chủng mã”. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Bhaddāli vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:
147. – Này Bhaddāli, ví như một người điều mã sư thiện xảo,[14] có nhận được một con lương mã hiền thiện, trước hết phải huấn luyện con ngựa ấy cho quen với dây cương. Trong khi huấn luyện nó cho quen với dây cương, nếu nó có vùng vẫy, nhảy chồm, nhảy ngược, chống cự,[15] vì chưa quen sự huấn luyện trước kia chưa làm. Con ngựa ấy do sự huấn luyện thường tiếp tục, được thuần thục[16] về phương diện ấy.
Này Bhaddāli, khi con lương mã hiền thiện do huấn luyện thường xuyên, do sự huấn luyện tiếp tục, đã được thuần thục về phương diện ấy, thời người điều mã sư lại huấn luyện thêm con ngựa ấy cho quen với yên ngựa. Trong khi huấn luyện nó cho quen với yên ngựa, nếu nó có vùng vẫy, nhảy chồm, nhảy ngược, chống cự vì chưa quen sự huấn luyện trước đây chưa làm. Con ngựa ấy do sự huấn luyện thường xuyên, do sự huấn luyện tiếp tục, được thuần thục về phương diện ấy. Này Bhaddāli, khi con lương mã hiền thiện do huấn luyện thường xuyên, do huấn luyện tiếp tục, đã được thuần thục (parinibbuta) về phương diện ấy, thời người điều mã sư lại huấn luyện thêm con ngựa ấy cho quen với sự diễn hành (anukkama), đi vòng quanh (maṇḍale), đi đầu móng chân, chạy phi, hí, các trò chơi vương giả (rāgavaṃsa), vương lực (rājaguṇa), tối thượng tốc lực, tối thượng nhanh nhẹn, tối thượng thiện hành. Trong khi huấn luyện cho nó quen với tối thượng tốc lực, tối thượng nhanh nhẹn, tối thượng thiện hành, nếu nó có vùng vẫy, nhảy chồm, nhảy ngược, chống cự vì chưa quen sự huấn luyện trước đây chưa làm. Con ngựa ấy do sự huấn luyện thường xuyên, do sự huấn luyện tiếp tục, được thuần thục về phương diện ấy.
Này Bhaddāli, khi con lương mã hiền thiện, do huấn luyện thường xuyên, do huấn luyện tiếp tục, đã được thuần phục về phương diện ấy, thời người điều mã sư lại giúp thêm con ngựa ấy về phần sắc đẹp và trang sức.[17] Này Bhaddāli, con lương mã hiền thiện được thành tựu mười đặc tánh này trở thành xứng đáng cho bậc vua chúa, trở thành báu vật của vua, được liệt vào một ấn tướng của vua.
Cũng vậy, này Bhaddāli, một Tỷ-kheo thành tựu được mười pháp trở thành đáng được kính trọng, đáng được tôn kính, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là mười? Ở đây, này Bhaddāli, Tỷ-kheo thành tựu Vô học chánh tri kiến, thành tựu Vô học chánh tư duy, thành tựu Vô học chánh ngữ, thành tựu Vô học chánh nghiệp, thành tựu Vô học chánh mạng, thành tựu Vô học chánh tinh tấn, thành tựu Vô học chánh niệm, thành tựu Vô học chánh định, thành tựu Vô học chánh trí, thành tựu Vô học chánh giải thoát. Này Bhaddāli, Tỷ-kheo thành tựu mười pháp này trở thành đáng được kính trọng, đáng được tôn kính, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Tôn giả Bhaddāli hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
CHÚ THÍCH
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.