Tam tạng Thánh điển PGVN 02 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 02 »
Kinh Trung Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thuỷ/Kinh Tạng Pali/Kinh Trung Bộ
501. Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anāthapiṇḍika. Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo!
– Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Một thời, này các Tỷ-kheo, Ta ở tại Ukkaṭṭhā trong rừng Subhaga, dưới gốc cây Sa-la vương. Lúc bấy giờ, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Baka khởi lên ác tà kiến[2] như sau: “Cái này[3] là thường, cái này là thường hằng, cái này là thường tại, cái này là toàn diện, cái này không bị biến hoại, cái này không sanh, không già, không chết, không diệt; không khởi, ngoài cái này, không có một giải thoát nào khác hơn.”[4] Này các Tỷ-kheo, sau khi với tự tâm biết được tâm của Phạm thiên Baka, như người lực sĩ duỗi ra cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra, như vậy Ta biến mất tại Ukkaṭṭhā, rừng Subhaga, dưới gốc cây Sa-la vương và hiện ra tại cõi Phạm thiên ấy. Này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Baka thấy Ta từ xa đi đến, sau khi thấy, liền nói với Ta:
– Hãy đến, Tôn giả; hãy đến, Tôn giả, đã lâu, nay Tôn giả mới có dịp đến đây.[5] Này Tôn giả, cái này là thường, cái này là thường hằng, cái này là thường tại, cái này là toàn diện, cái này không bị biến hoại, cái này không sanh, không già, không chết, không diệt; không khởi, ngoài cái này, không có một giải thoát nào khác hơn.
Khi nghe nói vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói với Phạm thiên Baka:
– Thật sự Phạm thiên Baka bị chìm đắm trong vô minh, thật sự Phạm thiên Baka bị chìm đắm trong vô minh, khi cái vô thường lại nói là thường, cái không thường hằng lại nói là thường hằng, cái không thường tại lại nói là thường tại, cái không toàn diện lại nói là toàn diện, cái bị biến hoại lại nói là không biến hoại và tại chỗ có sanh, có già, có chết, có diệt, có khởi, lại nói không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi; có một giải thoát khác hơn lại nói là không có một giải thoát nào khác hơn.
502. Này các Tỷ-kheo, rồi Ác ma nhập vào một Phạm thiên quyến thuộc[6] và nói với Ta như sau:
– Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, chớ có can thiệp vào đây! Chớ có can thiệp vào đây! Này Tỷ-kheo, Phạm thiên này là Ðại Phạm thiên,[7] Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Này Tỷ-kheo, thuở xưa có những Sa-môn, Bà-la-môn, ở đời phỉ báng địa đại, ghê tởm địa đại, phỉ báng thủy đại, ghê tởm thủy đại, phỉ báng hỏa đại, ghê tởm hỏa đại, phỉ báng phong đại, ghê tởm phong đại, phỉ báng chúng sanh, ghê tởm chúng sanh, phỉ báng chư thiên, ghê tởm chư thiên, phỉ báng Sanh chủ, ghê tởm Sanh chủ, phỉ báng Phạm thiên,[8] ghê tởm Phạm thiên, sau khi thân hoại, mạng sống bị cắt đứt, phải an trú vào thân ti tiện.[9] Này Tỷ-kheo, còn những Sa-môn, Bà-la-môn ở đời xưa kia, tán thán địa đại, hoan hỷ địa đại, tán thán thủy đại, hoan hỷ thủy đại, tán thán hỏa đại, hoan hỷ hỏa đại, tán thán phong đại, hoan hỷ phong đại, tán thán chúng sanh, hoan hỷ chúng sanh, tán thán chư thiên, hoan hỷ chư thiên, tán thán Sanh chủ, hoan hỷ Sanh chủ, tán thán Phạm thiên, hoan hỷ Phạm thiên, sau khi thân hoại, mạng sống bị cắt đứt, những vị này được an trú vào các thân vi diệu.[10] Này Tỷ-kheo, vì vấn đề này, Ta nói như sau: “Phàm Phạm thiên nói với ông những gì, ông hãy làm như vậy, ông chớ có đi quá xa lời Phạm thiên nói. Này Tỷ-kheo, nếu ông đi quá xa lời Phạm thiên nói, thì giống như người dùng gậy đánh đập thần tài (siri)[11] đang đi đến; giống như một người đang rơi vào vực thẳm, tay chân lại không bám[12] vào đất. Này Tỷ-kheo, sự việc sẽ xảy ra cho ông như vậy. Này Tỷ-kheo, phàm Phạm thiên nói với ông những gì, ông hãy làm như vậy, ông chớ có đi quá xa lời Phạm thiên nói. Này Tỷ-kheo, ông có thấy chúng Phạm thiên đang ngồi chăng?”
Rồi này các Tỷ-kheo, Ác ma dắt Ta đến chúng Phạm thiên. Này các Tỷ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với Ác ma như sau:
– Này Ác ma, Ta biết ông. Chớ có nghĩ rằng: “Vị ấy không biết ta.” Ông là Ác ma. Này Ác ma, phàm là Phạm thiên, phàm là Phạm thiên chúng, phàm là Phạm thiên quyến thuộc, tất cả đều nằm trong tay của ông, tất cả đều nằm trong quyền lực của ông. Này Ác ma, nếu ông nghĩ rằng: “Mong vị này nằm trong tay ta, mong vị này nằm trong quyền lực của ta!”, này Ác ma, Ta không nằm trong tay của ông, Ta không nằm trong quyền lực của ông.
503. Này các Tỷ-kheo, khi được nghe nói vậy, Phạm thiên Baka nói với Ta như sau:
– Này Tôn giả, cái gì thường còn, ta nói là thường còn; cái gì thường hằng, ta nói là thường hằng; cái gì thường tại, ta nói là thường tại; cái gì toàn diện, ta nói là toàn diện; cái gì không biến hoại, ta nói là không biến hoại; ở đây, cái gì không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi, ta nói rằng cái ấy không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi; và vì không có một sự giải thoát nào khác hơn, ta nói là không có một sự giải thoát nào khác hơn. Này Tỷ-kheo, xưa kia có Sa-môn, Bà-la-môn ở trong những đời trước ông, những vị này đã tu hành khổ hạnh lâu dài cho đến trọn tuổi thọ của ông, những vị này phải biết: “Hoặc có một sự giải thoát khác hơn, thì biết rằng có một sự giải thoát khác hơn; hoặc không có một sự giải thoát khác hơn, thì biết rằng không có một sự giải thoát nào khác hơn.” Này Tỷ-kheo, ta nói như sau với ông: “Ông sẽ không thấy một giải thoát nào khác hơn, dầu ông có phải chịu đựng mệt nhọc và khổ cực. Này Tỷ-kheo, nếu ông y trước (ajjhosati) địa đại, ông sẽ gần ta,[13] trú tại lãnh địa (vatthusāyika) của ta, làm theo ý ta muốn, bị đứng ngoài lề;[14] nếu ông y trước thủy đại... hỏa đại... phong đại... chúng sanh... chư thiên... Sanh chủ... Nếu ông y trước Phạm thiên, ông sẽ gần ta, trú tại lãnh địa của ta, làm theo ý ta muốn, bị đứng ra ngoài lề.”
– Này Phạm thiên, Ta biết việc này. Nếu Ta y trước địa đại... thủy đại... hỏa đại... phong đại... chúng sanh... chư thiên... Sanh chủ... Nếu Ta y trước Phạm thiên, Ta sẽ gần ông, trú tại lãnh địa của ông, làm theo ý ông muốn, bị đứng ra ngoài lề. Lại nữa, này Phạm thiên, Ta biết sanh thú (gati) của ông và Ta biết sự quang vinh[15] của ông: “Phạm thiên Baka có thần lực như vậy, Phạm thiên Baka có quyền lực như vậy, Phạm thiên Baka có uy lực như vậy.”
– Này Tỷ-kheo, như ông biết sanh thú, ông biết sự quang vinh của ta: “Phạm thiên Baka có thần lực như vậy, Phạm thiên Baka có quyền lực như vậy, Phạm thiên Baka có uy lực như vậy.”
Như nhật nguyệt lưu chuyển,
Sáng chói khắp mười phương,
Như vậy mười thiên giới,
Dưới uy lực của ông.
Ông biết chỗ cao thấp,[16]
Có dục và không dục,
Hữu này và hữu kia,
Chỗ đến đi hữu tình.
– Như vậy, này Phạm thiên, Ta biết chỗ sanh thú và sự quang vinh của ông: “Phạm thiên Baka có thần lực như vậy, Phạm thiên Baka có quyền lực như vậy, Phạm thiên Baka có uy lực như vậy.”
504. Này Phạm thiên, có loại thân khác mà ông không biết, không thấy; nhưng Ta biết, Ta thấy. Này Phạm thiên, có loại chư thiên tên là Ābhassara (Quang Âm thiên), từ chư thiên này, ông mạng chung và sanh ở nơi đây. Nhưng vì ông an trú (nivāsa) ở đấy quá lâu nên ông không nhớ được. Do đó, ông không biết, không thấy; còn Ta biết, Ta thấy. Như vậy, này Phạm thiên, Ta còn không chịu ngang hàng ông về thượng trí, huống nữa là thấp hơn. Do vậy, Ta thù thắng hơn ông. Này Phạm thiên, lại có một loại chư thiên tên là Subhakiṇha (Biến Tịnh thiên)... lại có một loại chư thiên tên là Vehapphala (Quảng Quả thiên) mà ông không biết, không thấy; nhưng Ta biết, Ta thấy. Như vậy, này Phạm thiên, Ta còn không chịu ngang hàng ông về thượng trí, huống nữa là thấp hơn. Do vậy, Ta thù thắng hơn ông. Này Phạm thiên, Ta biết địa đại từ địa đại, cho biết giới vức địa đại, Ta không lãnh thọ[17] địa tánh; do biết địa đại, Ta không nghĩ: “Ta là địa đại,[18] Ta ở trong địa đại, Ta từ địa đại, địa đại là của Ta và Ta không tôn trọng địa đại.” Như vậy, này Phạm thiên, Ta còn không chịu ngang hàng ông về thượng trí, huống nữa là thấp hơn. Do vậy, Ta thù thắng hơn ông. Này Phạm thiên, Ta biết thủy đại... Này Phạm thiên, Ta biết hỏa đại... Này Phạm thiên, Ta biết phong đại... Này Phạm thiên, Ta biết chúng sanh... Này Phạm thiên, Ta biết chư thiên... Này Phạm thiên, Ta biết Sanh chủ... Này Phạm thiên, Ta biết Phạm thiên... Này Phạm thiên, Ta biết Ābhassara... Này Phạm thiên, Ta biết Subhakiṇha... Này Phạm thiên, Ta biết Vehapphala... Này Phạm thiên, Ta biết Abhibhū (Thắng giả)... Này Phạm thiên, Ta biết tất cả (sabba)[19] từ tất cả, cho đến giới vức tất cả, Ta không lãnh thọ nhứt thiết tánh, Ta không nghĩ: “Ta là tất cả, Ta ở trong tất cả, Ta từ tất cả, tất cả là của Ta và Ta không tôn trọng tất cả.” Như vậy, này Phạm thiên, Ta còn không chịu ngang hàng ông về thượng trí, huống nữa là thấp hơn. Do vậy, Ta thù thắng hơn ông.
– Này Tôn giả, đối với tất cả, nếu Tôn giả không lãnh thọ nhứt thiết tánh, thì đối với Tôn giả, trở thành trống không, trống rỗng. Thức là phi sở kiến,[20] không biên tế, chói sáng tất cả,[21] nếu không thể lãnh thọ địa đại ngang qua địa tánh, không thể lãnh thọ thủy đại ngang qua thủy tánh, không thể lãnh thọ hỏa đại ngang qua hỏa tánh, không thể lãnh thọ phong đại ngang qua phong tánh, không thể lãnh thọ chúng sanh ngang qua chúng sanh tánh, không thể lãnh thọ chư thiên ngang qua chư thiên tánh, không thể lãnh thọ Sanh chủ ngang qua Sanh chủ tánh, không thể lãnh thọ Phạm thiên ngang qua Phạm thiên tánh, không thể lãnh thọ Ābhassara ngang qua Quang Âm thiên tánh, không thể lãnh thọ Subhakiṇha ngang qua Biến Tịnh thiên tánh, không thể lãnh thọ Vehapphala ngang qua Quảng Quả thiên tánh, không thể lãnh thọ Abhibhū ngang qua Thắng giả tánh, không thể lãnh thọ nhứt thiết ngang qua nhứt thiết tánh. Này Tôn giả, nay ta sẽ biến mất trước mặt Tôn giả.
– Này Phạm thiên, hãy biến đi trước mặt Ta, nếu ông có thể biến được.
Rồi này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Baka nói:
– Ta sẽ biến mất trước mặt Sa-môn Gotama. Ta sẽ biến mất trước Sa-môn Gotama.
Nhưng Phạm thiên Baka không thể biến mất trước mặt Ta. Này các Tỷ-kheo, khi thấy vậy, Ta nói với Phạm thiên Baka:
– Này Phạm thiên, Ta sẽ biến mất trước mặt ông.
– Này Tôn giả, Tôn giả hãy biến đi trước mặt ta, nếu Tôn giả có thể biến được.
Rồi này các Tỷ-kheo, Ta thực hiện thần thông[22] như sau: “Hãy để cho Phạm thiên, Phạm thiên chúng và Phạm thiên quyến thuộc nghe tiếng Ta chớ không thấy Ta”, Ta biến mất và nói lên bài kệ như sau:
Thấy nguy hiểm trong hữu,
Từ hữu, tìm phi hữu (vibhava),
Ta không tôn trọng hữu,
Không hỷ, không chấp trước.
Rồi này các Tỷ-kheo, Phạm thiên, Phạm thiên chúng và Phạm thiên quyến thuộc, tâm sanh vi diệu hy hữu, nói lên như sau:
− Thật vi diệu thay, chư Tôn giả! Thật hy hữu thay, chư Tôn giả! Đại thần lực, đại uy lực của Sa-môn Gotama. Thật sự từ trước đến nay chưa từng thấy, chưa từng nghe một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác có được đại thần lực, đại uy lực như Sa-môn Gotama, là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Sākya. Ðối với quần chúng ái trước hữu, lạc nhiễm, hoan hỷ đối với hữu, Sa-môn Gotama đã nhổ hữu lên tận cả gốc rễ.
505. Rồi này các Tỷ-kheo, Ác ma sau khi nhập vào một trong Phạm thiên quyến thuộc đã nói với Ta như sau:
– Này Tôn giả, nếu ông biết như vậy, giác ngộ như vậy, chớ có hướng dẫn đệ tử, chớ có hướng dẫn các vị xuất gia, chớ có thuyết pháp cho các đệ tử, chớ có thuyết pháp cho các vị xuất gia, chớ có ái luyến đệ tử, chớ có ái luyến các vị xuất gia. Này Tỷ-kheo, trước ông đã có những vị Sa-môn, Bà-la-môn ở đời tự xưng là bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác. Những vị này hướng dẫn đệ tử, hướng dẫn các vị xuất gia, thuyết pháp cho các đệ tử, thuyết pháp cho các vị xuất gia, ái luyến các đệ tử, ái luyến các vị xuất gia. Sau khi hướng dẫn các đệ tử, các vị xuất gia, sau khi thuyết pháp cho các đệ tử, các vị xuất gia, sau khi ái luyến các đệ tử, các vị xuất gia, khi thân hoại, mạng sống bị cắt đứt, những vị này bị an trú trong các thân hạ liệt.[23] Này Tỷ-kheo, trước ông đã có những vị Sa-môn, Bà-la-môn ở đời, tự xưng là bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác. Những vị này không hướng dẫn đệ tử, không hướng dẫn các vị xuất gia, không thuyết pháp cho các đệ tử, không thuyết pháp cho các vị xuất gia, không ái luyến các đệ tử, không ái luyến các vị xuất gia. Sau khi không hướng dẫn các đệ tử, không hướng dẫn các vị xuất gia, không thuyết pháp cho các đệ tử, không thuyết pháp cho các vị xuất gia, không ái luyến các đệ tử, không ái luyến các vị xuất gia, khi thân hoại, mạng sống bị cắt đứt, các vị này được an trú trong thân vi diệu.[24] Này Tỷ-kheo, ta nói với ông như sau: “Này Tôn giả, chớ có phiền lao cực nhọc, hãy sống lạc trú hiện tại. Này Tôn giả, chớ có nêu rõ việc thiện.[25] Này Tôn giả, chớ có giảng dạy cho người khác.”
Này các Tỷ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với Ác ma như sau:
– Này Ác ma, Ta biết ông! Ông chớ có nghĩ rằng: “Vị ấy không biết ta.” Này Ác ma, ông là Ác ma! Ông là Ác ma! Này Ác ma, ông nói như vậy không phải vì lòng thương tưởng đối với Ta. Này Ác ma, ông nói như vậy vì không có lòng thương tưởng đối với Ta. Này Ác ma, ông nghĩ như sau: “Những ai được Sa-môn Gotama thuyết pháp, những người ấy sẽ thoát ra ngoài tầm ảnh hưởng của ta.” Này Ác ma, những Sa-môn, Bà-la-môn ấy không phải Chánh Ðẳng Giác, nhưng tự xưng là: “Chúng ta là Chánh Ðẳng Giác.” Này Ác ma, Ta là Chánh Ðẳng Giác và Ta tự xưng Ta là Chánh Ðẳng Giác. Này Ác ma, Như Lai có thuyết pháp cho các đệ tử, Như Lai cũng vẫn là Như Lai. Này Ác ma, Như Lai không thuyết pháp cho các đệ tử, Như Lai cũng vẫn là Như Lai. Này Ác ma, Như Lai có hướng dẫn cho các đệ tử, Như Lai cũng vẫn là Như Lai. Này Ác ma, Như Lai không hướng dẫn cho các đệ tử, Như Lai cũng vẫn là Như Lai. Vì sao vậy? Này Ác ma, đối với Như Lai, các lậu hoặc tương ứng với phiền não, đưa đến tái sanh, gây nên phiền lụy, đem đến quả khổ dị thục, đưa đến sanh-già-chết trong tương lai, các lậu hoặc ấy đã được diệt trừ, được cắt đứt tận gốc, được làm như thân cây Sa-la, khiến không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.[26] Này Ác ma, ví như cây Sa-la, đầu thân cây này bị chặt dứt, khiến không thể lớn lên được; cũng vậy, này Ác ma, đối với Như Lai, các lậu hoặc tương ứng với phiền não, đưa đến tái sanh, gây nên phiền lụy, đem đến quả khổ dị thục, đưa đến sanh-già-chết trong tương lai; các lậu hoặc ấy đã được diệt trừ, được cắt đứt tận gốc, được làm như thân cây Sa-la, khiến không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai.
Như vậy, vì Ác ma đã thất bại, không thể thuyết phục Ta, vì có lời mời Phạm thiên, nên bài trả lời này cũng được gọi là Kinh Phạm thiên cầu thỉnh.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.