Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thuỷ/Kinh Tạng Pali/Kinh Trung Bộ

1. Kinh pháp môn căn bản (Mūlapariyāya Sutta)

1. Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú tại [tụ lạc] Ukkaṭṭhā, trong rừng Subhaga (Hạnh Phúc), dưới gốc cây Sa-la vương. Tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo!   

– Bạch Thế Tôn.

Những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói:

– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các ngươi: “Pháp môn căn bản tất cả pháp.” Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

 – Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

2. – Này các Tỷ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh,[2] không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không được thấy các bậc Chân nhân,[3] không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân; tưởng tri địa đại là địa đại. Vì tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với địa đại, nghĩ đến [tự ngã] như là địa đại, người ấy nghĩ: “Địa đại là của ta”, dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri địa đại.

Người ấy tưởng tri thủy đại là thủy đại. Vì tưởng tri thủy đại là thủy đại, người ấy nghĩ đến thủy đại, nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với thủy đại, nghĩ đến [tự ngã] như là thủy đại, người ấy nghĩ: “Thủy đại là của ta”, dục hỷ thủy đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri thủy đại. Người ấy tưởng tri hỏa đại là hỏa đại. Vì tưởng tri hỏa đại là hỏa đại, người ấy nghĩ đến hỏa đại, nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với hỏa đại, nghĩ đến [tự ngã] như là hỏa đại, người ấy nghĩ: “Hỏa đại là của ta”, dục hỷ hỏa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri hỏa đại. Người ấy tưởng tri phong đại là phong đại. Vì tưởng tri phong đại là phong đại, người ấy nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với phong đại, nghĩ đến [tự ngã] như là phong đại, người ấy nghĩ: “Phong đại là của ta”, dục hỷ phong đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri phong đại. 

3. Người ấy tưởng tri sanh vật là sanh vật... Người ấy tưởng tri chư Thiên[4] là chư Thiên... Người ấy tưởng tri Sanh chủ[5] là Sanh chủ... Người ấy tưởng tri Phạm thiên là Phạm thiên... Người ấy tưởng tri Quang Âm thiên là Quang Âm thiên... Người ấy tưởng tri Biến Tịnh thiên là Biến Tịnh thiên... Người ấy tưởng tri Quảng Quả thiên là Quảng Quả thiên... Người ấy tưởng tri Abhibhū (Thắng giả)[6] là Abhibhū... 

4. Người ấy tưởng tri Không vô biên xứ là Không vô biên xứ... Người ấy tưởng tri Thức vô biên xứ là Thức vô biên xứ... Người ấy tưởng tri Vô sở hữu xứ là Vô sở hữu xứ... Người ấy tưởng tri Phi tưởng phi phi tưởng xứ là Phi tưởng phi phi tưởng xứ... 

5. Người ấy tưởng tri sở kiến là sở kiến... Người ấy tưởng tri sở văn là sở văn... Người ấy tưởng tri sở tư niệm là sở tư niệm... Người ấy tưởng tri sở tri là sở tri... 

6. Người ấy tưởng tri đồng nhất là đồng nhất... Người ấy tưởng tri sai biệt là sai biệt... Người ấy tưởng tri tất cả là tất cả... Người ấy tưởng tri Niết-bàn[7] là Niết-bàn. Vì tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn, người ấy nghĩ đến Niết-bàn, nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với Niết-bàn, nghĩ đến [tự ngã] như là Niết-bàn, người ấy nghĩ: “Niết-bàn là của ta”, dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri Niết-bàn.

7. Này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo Hữu học[8] tâm chưa thành tựu,[9] đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Vị ấy thắng tri[10] địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy đã không nghĩ đến địa đại, đã không nghĩ [tự ngã] đối chiếu với địa đại, đã không nghĩ đến [tự ngã] như là địa đại, đã không nghĩ: “Địa đại là của ta”, không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri địa đại... thủy đại... hỏa đại... phong đại... sanh vật... chư Thiên... Sanh chủ... Phạm thiên... Quang Âm thiên... Biến Tịnh thiên... Quảng Quả thiên... Abhibhū... Không vô biên xứ... Thức vô biên xứ... Vô sở hữu xứ... Phi tưởng phi phi tưởng xứ... sở kiến... sở văn... sở tư niệm... sở tri... đồng nhất... sai biệt... tất cả... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy đã không nghĩ đến Niết-bàn, đã không nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với Niết-bàn, đã không nghĩ đến [tự ngã] như là Niết-bàn, đã không nghĩ: “Niết-bàn là của ta”, không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri Niết-bàn.

8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm,[11] đã đặt gánh nặng xuống,[12] đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử,[13] chánh trí giải thoát.[14] Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ [tự ngã] đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến [tự ngã] như là địa đại, không nghĩ: “Địa đại là của ta”, không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy đã liễu tri địa đại... thủy đại... hỏa đại... phong đại... sanh vật... chư Thiên... Sanh chủ... Phạm thiên... Quang Âm thiên... Biến Tịnh thiên... Quảng Quả thiên... Abhibhū... Không vô biên xứ... Thức vô biên xứ... Vô sở hữu xứ... Phi tưởng phi phi tưởng xứ... sở kiến... sở văn... sở tư niệm... sở tri... đồng nhất... sai biệt... tất cả... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến [tự ngã] như là Niết-bàn, không nghĩ: “Niết-bàn là của ta”, không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy đã liễu tri Niết-bàn.

9. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến [tự ngã] như là địa đại, không nghĩ: “Địa đại là của ta”, không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có tham dục, nhờ tham dục đã được đoạn trừ... thủy đại... hỏa đại... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến [tự ngã] như là Niết-bàn, không nghĩ: “Niết-bàn là của ta”, không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có tham dục, nhờ tham dục đã được đoạn trừ.

10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến [tự ngã] như là địa đại, không nghĩ: “Địa đại là của ta”, không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có sân hận, nhờ sân hận đã được đoạn trừ... thủy đại... hỏa đại... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến [tự ngã] như là Niết-bàn, không nghĩ: “Niết-bàn là của ta”, không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có sân hận, nhờ sân hận đã được đoạn trừ.

11. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến [tự ngã] như là địa đại, không nghĩ: “Địa đại là của ta”, không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có si mê, nhờ si mê đã được đoạn trừ… thủy đại... hỏa đại... Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến [tự ngã] như là Niết-bàn, không nghĩ: “Niết-bàn là của ta”, không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có si mê, nhờ si mê đã được đoạn trừ.

12. Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác,[15] thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, Ngài không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến [tự ngã] như là địa đại, không nghĩ: “Địa đại là của ta”, không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vì Như Lai đã liễu tri địa đại... thủy đại... hỏa đại... Như Lai thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, Như Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến [tự ngã] như là Niết-bàn, không nghĩ: “Niết-bàn là của ta”, không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vì Như Lai đã liễu tri Niết-bàn.

13. Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác, thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, Như Lai không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến [tự ngã] như là địa đại, không nghĩ: “Địa đại là của ta”, không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: “Dục hỷ là căn bản của đau khổ,[16] từ hữu[17] sanh khởi lên và già chết đến với loài sinh vật.”[18] Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói Như Lai với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự từ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác... thủy đại... hỏa đại... Như Lai thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, Như Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến [tự ngã] đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến [tự ngã] như là Niết-bàn, không nghĩ: “Niết-bàn là của ta”, không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: “Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu sanh khởi lên và già chết đến với loài sinh vật.” Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói Như Lai, với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự từ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Như vậy, Thế Tôn thuyết giảng, các Tỷ-kheo ấy không hoan hỷ[19] tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

CHÚ THÍCH



[1] Xem Kvu. 401. Kinh tương đương trong bộ Trung A-hàm kinhTưởng kinh 想經 (T.01. 0026.106. 0596b09). Tham chiếu: Lạc tưởng kinh 樂想經 (T.01. 0056. 0851a23); Tăng. 增 (T.02. 0125.44.6. 0766a04).
[2]  Ariya: Chỉ cho đức Phật, Bích-chi Phật và đệ tử của Phật. Ở đây, có thể chỉ cho đức Phật.
[3] Sappurisa: Chỉ cho các vị Bích-chi Phật và đệ tử Phật.
[4] Deva: Chỉ cho các vị Tứ Thiên Vương và chư thiên cao hơn.
[5] Pajāpati: Thường chỉ cho vị Tạo hóa. Ở đây chỉ cho Ma vương, vì Ma vương đôi khi tự xưng là vị Tạo hóa.
[6] Abhibhū: Chỉ cho chúng sanh không có tưởng, tức là những vị có thiền định cao.
[7] Niết-bàn: Ở đây chỉ cho sự thọ hưởng năm dục trưởng dưỡng. Người phàm phu xem thọ hưởng năm dục trưởng dưỡng là Niết-bàn. Khái niệm “Niết-bàn” này không tương đồng với khái niệm “Niết-bàn” trong Phật giáo.
[8] Hữu học (Sekha): Vị còn phải học, còn phải tu tập, là hạng ở giữa người phàm phu (puthujjana) và bậc Vô học (Asekha). Người phàm phu không hiểu, vị Hữu học có thể hiểu, bậc Vô học đã hiểu.
[9] Appattamānasa. Mānasa có 3: Rāga (tham), Citta (tâm) và Arahatta (A-la-hán quả). Ở đây chỉ cho A-la-hán quả.
[10] Abhijānāti: Không phải với tà trí như người phàm phu, nhưng với thắng trí, vị này hiểu rõ các pháp là vô thường, khổ và vô ngã.
[11] Vị đã sống theo 10 hạnh của bậc Thánh. Xem D. III. 269.
[12] Ohitabhāra: Có 3 gánh nặng - khandha (uẩn), kilesa (phiền não) và abhisaṅkhāra (hành) đưa đến tái sanh.
[13] MA. liệt kê 10 kiết sử đưa đến tái sanh.
[14] MA. chỉ cho 2 loại giải thoát: Tâm giải thoát và Niết-bàn.
[15] Vì Ngài đã hoàn toàn (sammā) giác ngộ đối với các pháp và tự mình giác ngộ. Hoàn toàn không nhờ vả ai nên Ngài được gọi là vị Chánh Đẳng Chánh Giác (Sammāsambuddha).
[16] Dukkha: Ở đây chỉ cho năm thủ uẩn.
[17] Bhava: Hữu, ở đây chỉ cho nghiệp hữu (kammabhava).
[18] MA. I. 52: Giải thích bhūta là cái đã thành và satta là hữu tình. MA. I. 53 giải thích sự vui thích (nandī) thuộc về quá khứ; sanh, già, chết (jāti, jarā, maraṇa) thuộc về vị lai; khổ (dukkha) và hữu (bhava) thuộc về hiện tại.
[19] Theo MA. I. 56, các Tỷ-kheo không hoan hỷ khi nghe kinh này, các vị này ngu si mà tự hào cho rằng mình sáng suốt như đức Phật. Rồi đức Phật giảng Chuyện Kinh Pháp môn căn bản (Mūlapariyāyajātaka), số §245 để làm cho các vị này hết kiêu mạn. Sau khi đức Phật giảng Kinh Điện thờ Gotamaka (Gotamakacetiyasutta) (A. I. 276), các vị này chứng quả A-la-hán. Điều lạ là theo bản chữ La-tinh, các Tỷ-kheo không hoan hỷ, nhưng kinh tương đương trong bộ Trung A-hàm lại viết rằng các Tỷ-kheo đều hoan hỷ.


Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.