Tam tạng Thánh điển PGVN 05 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ TIỂU TỤNG/ DẪN LUẬN TIỂU TỤNG (KHUDDAKAPĀṬHA)
DẪN LUẬN TIỂU TỤNG (KHUDDAKAPĀṬHA)
1. Về từ ngữ
Bản văn đầu tiên trong 16 tuyển tập thuộc Kinh Tiểu bộ là Tiểu tụng (小誦, Collection of Little Readings) gồm 9 bài kinh ngắn (短小經文), chưa đầy 9 trang Pāli trong ấn bản PTS, được viết tắt với mã số như sau: Kh. §1-9.
Trong 9 bài kinh ngắn, Kinh Bảo tàng được tìm thấy trong Kathāvatthu (Kv. 351, 18-21) thuộc Luận tạng,1 và có 3 bài kinh cũng được tìm thấy trong Kinh tập: Kinh Tâm từ (Sn. I. §8), Kinh Châu báu (Sn. II. §1), Kinh Điềm lành (Sn. II. §4). Tiểu tụng chủ yếu kết tập một số đoạn kinh văn trong Kinh tạng và Luật tạng, là sách gối đầu giường dành cho Tăng Ni và Phật tử. Trong số đó, các kinh như Tam quy, Thập giới, Điềm lành, Bảo tàng và Tâm từ trở nên rất quen thuộc tại các nước Phật giáo Nam truyền.
2. Về niên đại và bản dịch tiếng Anh
Tiểu tụng không được các nhà đọc tụng Kinh Trường bộ (Dīgha-bhāṇaka,長部誦者, 長部誦師) và các nhà đọc tụng Kinh Trung bộ (Majjhima-bhāṇaka,中部誦者, 中部誦師) đưa vào danh mục Kinh tạng. Trong Hán tạng, có nguyên phẩm “Cát tường” thuộc Kinh Pháp cú2 tương đương với Kinh Điềm lành của Tiểu tụng. Giới học giả cho rằng, về lịch sử văn học Pāli, Tiểu tụng có thể là bản văn được biên tập cuối cùng trong Kinh Tiểu bộ, nghĩa là xuất hiện trong giai đoạn sau cùng của Kinh tạng Pāli.3
Tiểu tụng hiện có các bản dịch tiếng Anh thông dụng sau đây:
(i) Childers, R. C. (tr.), Journal of the Royal Asiatic Society (London: Cambridge University Press, 1869).
(ii) Woodward, F. L. (tr.), Some Sayings of the Buddha (Những lời dạy của đức Phật), 1925.
(iii) Rhys Davids, C. A. F. (tr.), The Text of the Minor Sayings (Kinh về những lời dạy ngắn), trong The Minor Anthologies of the Pāli Canon (Tuyển tập các bài kinh ngắn trong kinh điển Pāli), vol. I (London: Humphrey Milford, Oxford University Press, 1931).
(iv) Ñaṇamoli (tr.), “The Minor Readings and the Illustrator of Ultimate Meaning” (Các bản đọc ngắn và minh họa ý nghĩa tuyệt đối), (Khuddhakapāṭha with Commentary) (London: PTS, 1960).
(v) Thanissaro Bhikkhu (tr.), Khuddakapāṭha: Short Passages: A Translation with an Introduction & Notes (Tiểu tụng: Các đoạn kinh ngắn: Bản dịch với Lời giới thiệu và Chú thích) (USA, 2017), in trong Handful of Leaves (Nắm lá trong tay), vol. 4 (USA: Metta Forest Monastery, 2003).
Ngoài ra còn có các bản tuyển dịch bằng tiếng Anh của các dịch giả như Mahāthera Nārada, Mahāthera Piyadassi, Acharya Buddharakkhita và Amaravati Sangha.
3. Về nội dung
Bốn bài kinh ngắn đầu là văn xuôi, trong khi, năm bài kinh còn lại thuộc thi kệ dễ nhớ. Tựa đề và nội dung tóm tắt của 9 bài kinh ngắn này như sau:
(i) Kinh Tam quy hay Ba ngôi báu (Saraṇattaya, 三歸文, Going for Refuge) nói về giá trị tâm linh của việc nương tựa Phật, Pháp, Tăng.
(ii) Kinh Thập giới hay Mười giới Sa-di (Dasasikkhāpada, 十戒文, Ten Precepts) là nền tảng giới hạnh của người xuất gia.
(iii) Kinh Ba mươi hai thân phần hay Ba mươi hai bộ phận của thân thể (Dvattiṃsākāra, 三十二身份, Thirty-two Parts of the Body) giúp người tu quán chiếu về tính tổ hợp, tính bất tịnh, tính tương tác và tính vô thường, nhờ đó không đắm nhiễm khoái lạc giác quan và lối sống phàm tục.
(iv) Kinh Nam tử hỏi đạo hay còn gọi là Sa-di hỏi đạo (Kumārapañhā, 問沙彌文, Novice’s Questions) gồm 10 pháp số căn bản cần học thuộc lòng gồm thức ăn, danh sắc, ba cảm giác, bốn chân lý Thánh, chấp năm tổ hợp, sáu giác quan, bảy yếu tố giác ngộ, con đường Thánh tám ngành, chín nơi ở của chúng sanh và mười đức của bậc A-la-hán.
(v) Kinh Điềm lành còn gọi là Kinh Cát tường (Maṅgalasutta, 吉祥經, Discourse on Blessings) dạy về 38 kỹ năng sống có chất lượng hạnh phúc và hữu ích cho đời.
(vi) Kinh Châu báu còn gọi là Kinh Tam bảo (Ratanasutta, 三寶經, Discourse on Treasures) đề cập tầm quan trọng của ba ngôi tâm linh và giá trị trị liệu sức khỏe thể chất và sức khỏe cảm xúc của thiền.
(vii) Kinh Ngoài bức tường (Tirokuṭṭasutta, 戶外經, Outside the Wall Chapter) nhắc nhở người còn sống nên nhớ thâm ân và cúng kính cho người thân đã qua đời, giúp họ tái sanh về cảnh giới an lành.
(viii) Kinh Bảo tàng hay còn gọi là Kinh Phục tàng (Nidhikaṇḍasutta, 伏藏經, Reserve Fund Chapter) khích lệ hạnh bố thí, cúng dường để mang lại hạnh phúc lâu dài.
(ix) Kinh Tâm từ (Mettasutta, 慈經, Discourse on Loving-kindness) hướng dẫn kỹ năng thương yêu con người và mọi loài, xóa bỏ hận thù, xây dựng hòa bình, bảo vệ môi trường.
Tiểu tụng đóng vai trò căn bản trong văn học Pāli, chứa đựng những bài kinh căn bản nhất trong đời sống tu học của Thượng Tọa bộ, trong số đó, nhiều bài kinh được đưa vào các Nghi thức Tụng niệm tại các quốc gia Thượng Tọa bộ.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 18/2/2021
TT.TS. Thích Nhật Từ
(Đồng Tổng Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam)
Tham khảo:
1 Xem Oskar von Hinüber, A Handbook of Pāli Literature (New Delhi: Munishiram Manoharlal Publishers, 1997, 1st Indian edn.), pp. 42-4.
2 Pháp cú kinh “Cát tường phẩm” 法句經吉祥品 (T.04. 0210.39. 0574c28-0575b09).
3 Xem Kenneth Roy Norman, Pāli Literature (Wiesbaden: Otto Harrassowitz, 1983), pp. 57-8.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.