Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 05  »  Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN

Mục Lục

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ KINH PHẬT THUYẾT NHƯ VẬY/ DẪN LUẬN KINH PHẬT THUYẾT NHƯ VẬY

DẪN LUẬN KINH PHẬT THUYẾT NHƯ VẬY (ITIVUTTAKA)

1. Về từ ngữ

Chữ “iti-vuttaka” trong tiếng Pāli và “iti-vṛttaka” trong tiếng Sanskrit có nghĩa là “điều được thuyết như vầy”, “lời được đức Phật dạy như thế này” (as it was said, thus was said, this was the Buddha said). Đây là tổ hợp từ có nghĩa là “điều được nói”, “lời được thuyết” hay “lời dạy” (P. vuttaṃ, S. vṛttam, it was said, what was said, saying) và “như vầy”, “rằng” hay “như thế này” (P. iti, S. ity, thus, in this way) từ đức Phật.

Trung Hoa thường dịch: “Như thị ngữ” (如是語), có nghĩa là “Phật nói như vậy”, hay đầy đủ hơn là “Như thị ngữ kinh” (如是語經), hay “Như thị ngôn thuyết” (如是言說), tức “Lời nói như vậy”, có nghĩa là “Đức Phật tuyên thuyết như vậy” (佛陀如此宣說), “Đức Phật đã dạy như vầy” (佛是這樣說的), hay “Kinh Phật nói như vậy” (佛陀如此宣說經),1 hoặc “Phật đã nói như vậy” (佛如是言說), hoặc “Tôi nghe những lời sau đây từ đức Thế Tôn” (吾從世尊,聞如是語).

Thi thoảng, các dịch giả Trung Hoa dịch Itivuttaka là “Bổn sự kinh” (本事經)2 và giải thích “Việc này quá khứ đã từng như vậy” (此事過去如是). Dịch ngữ này dễ bị gây ngộ nhận là tương đồng với “Bổn sanh” (Jātaka,

tiền thân đức Phật). Trên thực tế, hai dịch ngữ có nghĩa hoàn toàn khác biệt. Các dịch từ sát nghĩa trong chữ Hán của Itivuttaka là “Như thị chi sự” (如是之事) tức “Sự việc như vậy”, hay “Xuất nhân duyên” (出因缘), có nghĩa

là “Nêu ra nhân duyên.” Phiên âm trong Hán Việt có các từ thông dụng như sau: “Y-đế-việt-đa-già” (伊帝越多伽), “Nhất-mục-đa-ca” (一目多迦), “Nhất-trúc-đa” (一筑多).3

Khái niệm “Kinh Phật thuyết như vậy” vốn là bản sắc kinh điển Phật giáo, bắt đầu của các bài kinh thường có câu của Ngài Ānanda tường thuật như sau: “Vuttaṁ hetaṁ bhagavatā vuttaṁ arahatāti me sutaṁ” có nghĩa là “Đây là những lời tôi nghe đức Thế Tôn, bậc A-la-hán từng dạy như vầy.” Hoặc câu tương tự, “Etaṁ atthaṁ bhagava avoca, tatth’etaṁ iti vuccati”, có nghĩa là “Đây rõ ràng là nghĩa lý do đức Thế Tôn tuyên giảng như vầy”, cũng như câu “Ayampi attho vutto bhagavatā, iti me sutaṁ” có nghĩa là “Đây là nghĩa lý do đức Thế Tôn giảng, tôi đã được nghe.

2. Về các bản dịch tiếng Anh

Dưới đây là 3 bản dịch tiếng Anh tiêu biểu, cần tham khảo về nội dung của bản văn này:

- F. L. Woodward là người đầu tiên dịch và xuất bản Kinh Phật nói như vậy đăng trong quyển “Udāna in Minor Anthologies of the Pāli Canon” (Kinh Phật tự thuyết trong tuyển tập ngắn thuộc kinh điển Pāli), vol. II (London, 1935).

- John Ireland, The Buddha’s Sayings (Lời Phật dạy) (USA, 1999).4

- Thanissaro Bhikkhu (tr.), This Was Said by the Buddha (Đây là những điều Phật dạy) (USA, 2001).5

Đối với 12 bản dịch bằng các ngôn ngữ ngoài tiếng Anh, độc giả có thể xem tại trang nhà suttacentral.net.6

3. Về nguồn gốc, vị trí trong văn học Pali

Khái niệm “Kinh Phật nói như vậy” là tên gọi của 1 trong 9 thể tài kinh trong văn học Pāli và 1 trong 12 thể tài văn học Phật giáo Đại thừa. Đây là tuyển tập 112 bài kinh ngắn (short discourses).

Cũng như các bản văn thuộc Kinh Tiểu bộ, Kinh Phật thuyết như vậy được truyền miệng trong nhiều thế kỷ sau khi đức Phật nhập Niết-bàn cho đến khoảng thế kỷ III TTL mới được ấn hành chính thức.

Về nguồn gốc, tuyển tập này ra đời nhờ vào sự chú tâm lắng nghe, học thuộc và trùng tuyên của tín nữ Khujjuttarā7 vốn là thị nữ của Hoàng hậu Sāmāvatī và cũng là nữ cư sĩ xuất sắc nhất của đức Phật về tâm từ bi.8 Theo truyền thống Chú giải Pāli, vị tín nữ này đã chứng quả Dự lưu, có công dẫn dắt nhiều mệnh phụ phu nhân tại Kosambī làm đệ tử đức Phật. Hoàng hậu Sāmāvatī, vợ của Vua Udena nước Kosambī, do bận việc trong hoàng cung, không thể đích thân đến nghe đức Phật giảng chân lý, đã sai thị nữ Khujjuttarā đi nghe pháp và về thuật lại cho Hoàng hậu và 500 thị nữ khác cùng nghe.

Bhikkhu Thanissaro trong bản dịch tiếng Anh “This Was Said by the Buddha” (Đây là những điều được Phật dạy), đã cung cấp thông tin thú vị về bản dịch của Ngài Huyền Trang: “Đại tạng kinh Trung Quốc có chứa bản dịch Kinh Phật thuyết như vậy, được xem là của Ngài Huyền Trang, rất giống với bản văn Pāli của Kinh Phật thuyết như vậy. Khác biệt căn bản chính là chương III-IV trong bản Pāli bị tỉnh lược trong bản dịch của Huyền Trang. Dù hai chương này là phần thêm vào sau này trong bản Pāli nhưng chắc chắn không phải thêm mới trong bản Sanskrit do Ngài Huyền Trang chọn dịch, hoặc có thể bản văn Sanskrit không hoàn chỉnh, hoặc cũng có thể bản dịch của Ngài Huyền Trang chưa dịch hoàn tất (bản dịch này diễn ra vào những tháng cuối đời của Ngài Huyền Trang).”9

Tuy nhiên, giả định Ngài Huyền Trang chưa dịch hoàn tất vì đây là bản dịch cuối đời thì không có sức thuyết phục. Theo Khai nguyên Thích giáo lục, Kinh Bổn sự được Ngài Huyền Trang dịch vào niên hiệu Vĩnh Huy thứ nhất (650).10 Đây là giai đoạn làm việc thuận lợi và hiệu quả nhất của Ngài Huyền Trang, vì sự nghiệp dịch kinh vừa mới được 3 năm, do đó bản kinh này không thể dịch dang dở được. Mãi đến 14 năm sau, Ngài mới viên tịch (664). Bản kinh Ngài dịch cuối đời là Đại bảo tích, từ quyển 35 đến quyển 54 và bộ này dài tới 120 quyển.

4. Về cấu trúc bản văn và tính văn học

Kinh Phật thuyết như vậy giống với cấu trúc pháp số của Kinh Tăng chi bộ, bắt đầu bằng pháp số 1 và kết thúc với pháp số 4. Nếu Kinh Tăng chi bộ có cấu trúc văn xuôi, theo sau là đoạn thi kệ trùng tụng lại nội dung ở trên thì trong Kinh Phật thuyết như vậy, nhiều đoạn thi kệ cung cấp thêm nội dung mới, không có trong các đoạn văn xuôi bên trên.

 

Bản văn này gồm 112 bài được phân thành 4 chương (nipāta), 10 phẩm (vagga), mỗi phẩm gồm 7 hoặc 10, 12, 13 bài kinh ngắn. Ấn bản tiếng Anh của Hội Thánh điển Pāli giữ nguyên cấu trúc nhóm bài với pháp số 1 đến pháp số 4, đặt thứ tự từ bài 1-112. Nhiều bài kinh ngắn trong bản văn này được trích dẫn từ Kinh Tăng chi bộ, đang khi có một số bài có nội dung độc lập.

Mặc dù phần lớn các bài thi kệ có nội dung mới so với đoạn văn xuôi không dài lắm, nhưng cũng có vài thi kệ dài có nội dung được bổ sung phần văn xuôi chẳng hạn như It. III. II. §4. Có vài trường hợp, phần thi kệ lặp lại toàn bộ nội dung văn xuôi như It. I. II. §5, It. IV. §6; hoặc thay đổi rất ít giữa văn xuôi và thi kệ như It. I. I. §1-6.

Ngoài các bài kệ có tính thi vị văn học cao như It. II. II. §12, It. III. V. §10. Kinh Phật nói như vậy có nhiều ẩn dụ sâu sắc, điển hình theo thứ tự như It. II. II. §1, It. III. I. §1, §10, It. III. II. §10, It. III. III. §5-7, §9, It. III. IV. §7, §10, It. III. V. §2-3; các ngụ ngôn hay như It. I. III. §7, It. II. II. §9, It. III. II. §3, §8-10, It. III. IV. §3; It. IV. §10.

5. Về nội dung

Bản văn này chứa đựng lời Phật dạy với phạm vi rộng, từ cách diễn đạt đơn giản nhất cho đến cách mô tả triết lý thâm sâu nhất, theo một cách thức có thể tiếp cận được trong từng chủ đề.11

Về mặc định thứ tự các bài kinh trong tuyển tập này, 112 bài kinh ngắn trong bản văn được viết tắt bằng ký hiệu It. theo sau là con số thứ tự của chương, tiếp theo là số thứ tự của phẩm và thứ tự của bài kinh. Ví dụ, It. I. I. §1-10 được hiểu là các bài kinh từ thứ tự 1-10 thuộc phẩm I, chương I của Kinh Phật thuyết như vậy.

Chương thứ nhất (Ekakanipāta, 一集) có 27 bài kinh.

Đức Phật khuyên từ bỏ tham ái (Kinh Tham ái (Lobhasutta), It. I. I. §1), từ bỏ sân hận (Kinh Sân hận (Dosasutta), It. I. I. §2), từ bỏ si mê (Kinh Si mê (Mohasutta), It. I. I. §3), từ bỏ phẫn nộ (Kinh Phẫn nộ (Kodhasutta), It. I. I.§4), từ bỏ gièm pha (Kinh Gièm pha (Makkhasutta), It. I. I. §5), từ bỏ sự cao ngạo (Kinh Kiêu mạn (Mānasutta), It. I. I. §6), cho đến khích lệ mọi người cần biết rõ tất cả (Kinh Liễu tri tất cả (Sabbapariññāsutta), It. I. I. §7), biết rõ sự cao ngạo (Kinh Liễu tri kiêu mạn (Mānapariññāsutta), It. I. I. §8), biết rõ lòng tham (Kinh Liễu tri tham ái (Lobhapariññāsutta), It. I. I. §9) và biết rõ sân hận (Kinh Liễu tri sân hận (Dosapariññāsutta), It. I. I. §10) để từ bỏ các tâm lý và thái độ tiêu cực này.

Đức Phật khuyên mọi người nên thắng tri và liễu tri các đối tượng cụ thể sau đây: Sự si mê (Kinh Liễu tri si mê (Mohapariññāsutta), It. I. II. §1), sự phẫn nộ (Kinh Liễu tri phẫn nộ (Kodhapariññāsutta), It. I. II. §2), sự gièm pha (Kinh Liễu tri gièm pha (Makkhapariññāsutta), It. I. II. §3), trói buộc của vô minh (Kinh Vô minh triền cái (Avijjānīvaraṇasutta), It. I. II. §4), trói buộc của tham ái (Kinh Ái kiết sử (Taṇhāsaṃyojanasutta), It. I. II. §5), tác ý như thật (Kinh thứ nhất về hữu học (Paṭhamasekhasutta), It. I. II. §6), làm bạn với người thiện (Kinh thứ hai về hữu học (Dutiyasekhasutta), It. I. II. §7), hậu quả xấu của phá hoại hòa hợp Tăng (Kinh Phá hòa hợp Tăng (Saṅghabhedasutta), It. I. II. §8), lợi ích của hòa hợp Tăng (Kinh Hòa hợp Tăng (Saṅghasāmaggīsutta), It. I. II. §9) và tâm độc ác (Kinh Tâm độc ác (Paduṭṭhacittasutta), It. I. II. §10).

Đức Phật khuyên mọi người phát triển: Tâm thuần tịnh chói sáng (Kinh Tịnh thiện (Pasannacittasutta), It. I. III. §1), tâm từ (Kinh Tâm từ (Mettasutta), It. I. III. §2), không phóng dật (Kinh Hai lợi ích (Ubhayatthasutta), It. I. III. §3), nhiều lợi ích của việc hiểu bốn chân lý Thánh (Kinh Đống xương (Aṭṭhipuñjasutta), It. I. III. §4), đức Phật nói về kẻ nói láo sẽ làm nhiều việc ác (Kinh Nói láo (Musāvādasutta), It. I. III. §5), người bố thí được quả phúc (Kinh Bố thí (Dānasutta), It. I. III. §6), sự phát triển lòng từ đưa đến tâm giải thoát (Kinh Tu tập tâm từ (Mettābhāvanāsutta), It. I. III. §7).

Chương thứ hai (Dukanipāta, 二集) có 22 bài kinh.

Đức Phật giải thích về các hậu quả của việc không bảo vệ các giác quan và ăn uống vô độ (Kinh Trú khổ (Dukkhavihārasutta), It. II. I. §1), lợi ích của việc làm chủ giác quan và tiết độ trong ăn uống (Kinh Trú lạc (Sukhavihārasutta), It. II. I. §2), hậu quả xấu của việc không làm thiện và ngoan cố với việc ác (Kinh Làm cho hối hận (Tapanīyasutta), It. II. I. §3), lợi ích của việc làm điều thiện và bền bỉ với việc làm thiện (Kinh Không làm cho hối hận (Atapanīyasutta), It. II. I. §4), tác hại của ác giới và ác kiến (Kinh thứ nhất về giới (Paṭhamasīlasutta), It. II. I. §5), lợi ích của giới hiền thiện và kiến hiền thiện (Kinh thứ hai về giới (Dutiyasīlasutta), It. II. I. §6), lợi ích của sự nhiệt tình và sợ hãi tội lỗi (Kinh Nhiệt tâm (Ātāpīsutta), It. II. I. §7), sống Phạm hạnh không lừa dối và lợi dưỡng (Kinh thứ nhất về không lừa dối (Paṭhamanakuhanasutta), Kinh thứ hai về không lừa dối (Dutiyanakuhanasutta), It. II. I. §8-9), phấn khởi với việc tốt và siêng năng với phấn khởi (Kinh Nhiều hỷ lạc (Somanassasutta), It. II. I. §10).

Lợi ích của sống ẩn dật và không làm hại ai dầu là loài động vật hay không phải động vật (Kinh Suy tầm (Vitakkasutta), It. II. II. §1); nhàm chán cái ác và từ bỏ cái ác (Kinh Thuyết pháp (Desanāsutta), It. II. II. §2); tác hại của không biết xấu hổ và không sợ hãi tội lỗi (Kinh Minh (Vijjāsutta), It. II. I. §3); khổ đời này và đời sau do từ bỏ trí tuệ (Kinh Thối đọa khỏi trí tuệ (Paññāparihīnasutta), It. II. §4); lợi ích của tâm xấu hổ và sợ hãi tội lỗi (Kinh Pháp thanh tịnh (Sukkadhammasutta), It. II. II. §5); cái không sanh và không hiện hữu (Kinh Không sanh (Ajātasutta), It. II. II. §6); Niết-bàn khi còn sống và Niết-bàn sau khi viên tịch (Kinh Niết-bàn giới (Nibbānadhātusutta), It. II. II. §7); thích thiền tịnh và chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ (Kinh Thiền tịnh (Paṭisallānasutta), It. II. II. §8); tu học để tăng trưởng trí tuệ và được giải thoát (Kinh Lợi ích của học tập (Sikkhānisaṃsasutta), It. II. II. §9); được trí tuệ ở hiện tại và chứng quả Bất lai nhờ tu chánh niệm (Kinh Tỉnh thức (Jāgariyasutta), It. II. II. §10); bị đọa lạc vào khổ cảnh do cho rằng hạnh Thánh là xấu và hạnh bất tịnh cho là hạnh Thánh (Kinh Đọa lạc vào khổ cảnh (Āpāyikasutta), It. II. II. §11); tác hại của việc chấp chặt vào tà kiến và cực đoan trong sự lo âu, xấu hổ, nhàm chán với sanh hữu (Kinh Tà kiến (Diṭṭhigatasutta), It. II. II. §12).

Đức Phật dạy về ba tầm tư xấu gồm tầm tư tự đề cao mình, tầm tư liên hệ lợi dưỡng và tầm tư liên hệ đến lo lắng cho người khác (Kinh Suy tầm (Vitakkasutta), It. III. IV. §1); ba hạng người gồm người bị cung kính chinh phục, người không bị cung kính chinh phục và người vượt lên cả hai (Kinh Cung kính (Sakkārasutta), It. III. IV. §2); ba người cao quý gồm người xuất gia vì lý tưởng, người chuyên tu bảy yếu tố giác ngộ và người dứt các phiền não (Kinh Tiếng nói của chư thiên (Devasaddasutta), It. III. IV. §3); năm tướng xuất hiện trước lúc chết của một vị thiên gồm vòng hoa úa, quần áo dơ, mồ hôi chảy từ nách, thân xấu đi, thiên nhân không hoan hỷ tại chỗ ngồi chư thiên (Kinh Năm tướng xuất hiện trước (Pañcapubbanimittasutta), It. III. IV. §4); ba hạng người đem lại lợi ích cho chư thiên và loài người là đức Phật, Thánh A-la-hán và người đang đi trên con đường Thánh (Kinh Lợi ích cho nhiều người (Bahujanahitasutta), It. III. IV. §5); quán sự bất tịnh của thân, chánh niệm với hơi thở và quán vô thường với mọi sự vật (Kinh Tùy quán bất tịnh (Asubhānupassīsutta), It. III. IV. §6); thực hành đúng chân lý, nói đúng chân lý và suy tư đúng chân lý (Kinh Tuần tự hành trì giáo pháp (Dhammānudhammapaṭipannasutta), It. III. IV. §7); tác hại của dục tầm, sân tầm và hại tầm (Kinh Tác thành mù (Andhakaraṇasutta), It. III. IV. §8); tham sân si là nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch (Kinh Cấu uế trong thân (Antarāmalasutta), It. III. IV. §9); ba điều làm sa đọa gồm bị ác dục chinh phục, tâm bị uế nhiễm, chơi với bạn ác (Kinh Devadatta (Devadattasutta), It. III. IV. §10).

Đức Phật dạy ba sự thành tín tối thượng gồm thành tín với đức Phật, thành tín với ly tham và thành tín với Tăng đoàn (Kinh Tín thành tối thượng (Aggappasādasutta), It. III. V. §1); xem việc khất thực để sống là vì lý tưởng muốn chấm dứt toàn bộ khổ uẩn, thành tựu giác ngộ giải thoát, không phải vì bất kỳ nguyên nhân thấp kém nào cho rằng việc khất thực như một nghề nuôi sống (Kinh Nghề nuôi sống (Jīvikasutta), It. III. V. §2); có ba điều gần và xa Phật gồm gần Phật qua pháp y nhưng xa Phật vì chưa dứt tham ái, không thấy pháp nên không thấy Phật, gần Phật qua chánh niệm tỉnh thức (Kinh Viền y Tăng-già-lê (Saṅghāṭikaṇṇasutta), It. III. V. §3); ba loại lửa gồm lửa tham, lửa sân và lửa si (Kinh Lửa (Aggisutta), It. III. V. §4); cách quán sát để thức không tán loạn trước ngoại trần, để tâm không trú trước nội trần và không có sự sanh khởi, tập khởi của khổ (Kinh Quán sát (Upaparikkhasutta), It. III. V. §5); ba loại dục gồm dục với sự vật hiện tại, dục với sự vật do mình tạo ra và chấp nhận sự vật do người khác tạo ra (Kinh Dục sanh khởi (Kāmūpapattisutta), It. III. V. §6); ba trường hợp gồm trói buộc của dục, trói buộc của hiện hữu và không còn bị trói buộc bởi dục và hiện hữu (Kinh Trói buộc của dục (Kāmayogasutta), It. III. V. §7); vị toàn hảo là vị có đạo đức tốt, pháp đưa đến giác ngộ và thành tựu tuệ giác (Kinh Giới tốt lành (Kalyāṇasīlasutta), It. III. V. §8); bố thí pháp tối thượng hơn bố thí tài, phân phát pháp tối thượng hơn phân phát tài và tăng trưởng pháp tối thượng hơn tăng trưởng tài (Kinh Bố thí (Dānasutta), It. III. V. §9); ba tuệ giác đó là nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và chi tiết; với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy rõ sự sống và chết của chúng sanh, sự may mắn hay bất hạnh, đẹp hay xấu đều do hạnh nghiệp của mỗi chúng sanh; do diệt tận các lậu hoặc trong hiện tại, tự mình với thắng trí thành tựu Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát (Kinh Ba minh (Tevijjasutta), It. III. V. §10).

Chương thứ tư (Catukkanipāta, 四集) có 13 bài kinh.

Đức Phật dạy về bốn ưu thế gồm bố thí Pháp hơn bố thí vật chất, phân phát

Chánh pháp, tăng trưởng Chánh pháp và thừa kế Chánh pháp (Kinh Pháp tế tự Bà-la-môn (Brāhmaṇadhammayāgasutta), It. IV. §1); biết đủ với bốn pháp đơn giản, dễ được, không phạm lỗi đó là mặc y phấn tảo, đi khất thực từng miếng, nghỉ dưới gốc cây, dùng nước tiểu làm thuốc (Kinh Được lợi dễ dàng (Sulabhasutta), It. IV. §2); bốn chân lý Thánh gồm khổ đau, nguyên nhân khổ đau, Niết-bàn và con đường dứt khổ (Kinh Diệt tận lậu hoặc (Āsavakkhayasutta), (Kinh Sa-môn hay Bà-la-môn (Samaṇabrāhmaṇasutta), It. IV. §3-4); sự đầy đủ gồm đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ tri kiến về giải thoát (Kinh Đầy đủ giới (Sīlasampannasutta), It. IV. §5); bốn nhân sanh khởi của ái gồm ái do y phục, ái do thức ăn, ái do sàng tọa, ái do hiện hữu (Kinh Ái sanh (Taṇhuppādasutta), It. IV. §6); con cái hiếu kính với cha mẹ thì gia đình đó được xem bằng với Phạm thiên, Đạo sư thời xưa, đó là những vị đáng được cúng dường, tôn trọng (Kinh Có Phạm thiên (Sabrahmakasutta), It. IV. §7).Đức Phật dạy gia chủ hữu ích là người biết cúng dường bốn vật dụng, Tăng sĩ hữu ích là vị biết giảng Phật pháp (Kinh Rất có lợi ích (Bahukārasutta), It. IV. §8); Tăng sĩ không đủ chuẩn gồm người lừa đảo, ngoan cố, lắm mồm, buông thả, hỗn hào, vô lễ và không định tĩnh (Kinh Lừa đảo (Kuhasutta), It. IV. §9); tham ái ví như dòng sông, sáu nội xứ được ví là sắc dễ thương, năm hạ phần kiết sử như cái hồ, phẫn nộ và ưu não như sóng trên nước, năm dục như nước xoáy, phụ nữ như cá sấu và quỷ dạ-xoa, ngược dòng là sự xuất ly, tinh tấn như tay chân, Phật như người có mắt đứng trên bờ (Kinh Dòng sông (Nadīsotasutta), It. IV. §10); người bị dục tầm, sân tầm, hại tầm chi phối và người biết sợ hãi không để ba tầm cầu trên chi phối (Kinh Hành (Carasutta), It. IV. §11); đầy đủ giới hạnh, từ bỏ năm chướng ngại của tâm, tinh tấn, chánh niệm, khinh an và nhất tâm (Kinh Đầy đủ giới (Sampannasīlasutta), It. IV. §12); đức Phật không hệ lụy với đời, thế giới tập khởi được Phật chấm dứt, con đường dứt khổ được Phật khám phá và Phật tu tập con đường dứt khổ (Kinh Thế giới (Lokasutta), It. IV. §13).

Dù chủ đề của Kinh Phật thuyết như vậy rất đa dạng, nhưng chủ đề chính yếu vẫn là “quả” (vipāka) của các hành vi (kamma), bao gồm có chủ ý (cetanā, volition, will) hay vô tình. Nhân quả tác động đến ba chiều thời gian gồm kết quả từ nhân gieo trong quá khứ và hành động hiện tại kéo theo quả tương lai.

Các hành động có chủ đích tốt sẽ dẫn theo kết quả hạnh phúc, tái sanh vào cảnh giới cao, đang khi các hành động xấu kéo theo hậu quả khổ đau, thậm chí bị rơi rớt vào các cảnh giới xấu. Bằng sự khôn khéo, con người có thể trốn tránh luật pháp ở hiện tại, nhưng không ai có thể thoát khỏi luật nhân quả vốn rất công bằng và không bao giờ bị biến hoại thay đổi.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 15/2/2021

TT.TS. Thích Nhật Từ

(Đồng Tổng Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam)

Tham khảo

1 Tham chiếu: Đại Tỳ-bà-sa luận, quyển 126 (大毗婆沙論卷一二六), Thành thật luận, quyển 1 (成實論卷一), Du-già sư địa luận, quyển 25 (瑜伽師地論 卷二十五), Hiển dương Thánh giáo luận, quyển 6, quyển 12 (顯扬聖教論卷六, 卷十二).

2 Đại tập pháp môn kinh 大集法門經 (T.01.0012. 0227b26) đã nêu 9 thể loại văn học và Itivuttaka được dịch là “Bổn sự” như đoạn kinh sau: “Chư Bật-sô! Đương tri Phật sở tuyên thuyết, vị Khế kinh, Kỳ-dạ, Ký biệt, Già-đà, Bổn sự, Bổn sanh, Duyên khởi, Phương quảng, Hy pháp” (諸苾芻!當知佛所宣說, 謂契經, 祇夜, 記別, 伽陀, 本事, 本生, 緣起, 方廣, 希法). Diệu Pháp Liên Hoa kinh 妙法蓮華經 (T.09. 0262.1. 0007c25) cũng ghi: “Hoặc thuyết Tu-đa, Già-đà cập Bổn sự, Bổn sanh, Vị tằng hữu, diệc thuyết ư Nhân, Thí dụ tịnh Kỳ-dạ, Ưu-ba-đề-xá kinh” (或說修多, 伽陀及本事, 本生未曾有, 亦說於因, 譬喻并祇夜, 優波提舍經).

3 Tham chiếu mục từ “Y-đế-việt-đa-già” (伊帝越多伽) trong Phật học đại từ điển (佛學大辭典): 梵語 iti-vṛttaka ity-uktaka, 巴利語 itivuttaka. 又作伊帝越多伽, 伊帝目多伽, 一目多迦, 一筑多. 意本事,出因缘, 如是語經, 此事过去如是.

4 https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/iti/iti.intro.irel.html/ (truy cập ngày 14/2/2021).

5 https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/iti/iti-than.pdf/ (truy cập ngày 14/2/2021).

6 https://suttacentral.net/iti/ (truy cập ngày 13/2/2021).

7 Về cuộc đời của tín nữ Khujjuttarā, hãy xem bài viết này: https://www.wisdomlib.org/definition/ khujjuttara/ (truy cập ngày 14/2/2021).

8 Tham chiếu các kinh và bản chú giải sau đây: A. I. 26; DhA. I. 208ff; AA. I. 226, 237f; ItA. 23f; PsA. 498f.

9 Nguyên tác tiếng Anh: Bhikkhu Thanissaro, This Was Said by the Buddha (USA, 2001): “The Chinese canon contains a translation of an Itivuttaka, attributed to Hsüan-tsang, that strongly resembles the text of the Pali Itivuttaka, the major difference being that parts of the Group of Threes and all of the Group of Fours in the Pali are missing in Hsüan-tsang’s translation. Either these parts were later additions to the text that found their way into the Pali but not into the Sanskrit version translated by Hsüan-tsang, or the Sanskrit text was incomplete, or Hsüan-tsang’s translation was left unfinished (it dates from the last months of his life).”

10 開元釋教錄 (T.55. 2154.8. 0557a03): 本事經七卷 (見內典錄永徽元年年九月十日於大慈恩寺翻經院譯至十一月八日畢沙門靜邁神昉等筆受).

11 Tham chiếu đoạn nhận xét sau đây, Bhikkhu Thanissaro, This Was Said by the Buddha (USA, 2001): “Whatever the history of the text, though, it has long been one of the favorite collections in the Pali canon, for it covers a wide range of the Buddha’s teachings, from the simplest to the most profound, in a form that is accessible, appealing, and to the point.”

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.