Tam tạng Thánh điển PGVN 05 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»
Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ TRƯỞNG LÃO NI KỆ/ CHƯƠNG XV. BỐN MƯƠI KỆ (CATTĀLĪSANIPĀTA)
Trong thời đức Phật hiện tại, cô được sanh ở Ujjenī, con gái của một thương gia có giới đức, được kính trọng và giàu có, và cô được đặt tên là Isidāsī. Khi đến tuổi trưởng thành, người cha gả cô cho con trai của một người thương gia xứng đôi vừa lứa. Trong một tháng, cô sống với chồng đúng với bổn phận của một người vợ trung thành. Nhưng vì nghiệp đời trước của cô, người chồng trở nên lạnh nhạt và đuổi cô ra khỏi nhà. (Sự việc này được ghi rõ trong nguyên bản Pāli). Cô buồn chán bởi vì không muốn hết lấy người chồng này đến người chồng khác và khi được cha cho phép, cô đã xuất gia tu tập dưới sự hướng dẫn của Trưởng lão Ni Jinadattā. Sau khi tu tập thiền quán, không bao lâu cô chứng quả A-la-hán với pháp tín thọ và nghĩa tín thọ.
Trú trong sự an lạc Niết-bàn, một hôm, sau khi đi khất thực trong thành Patna và ăn xong, cô ngồi bên bờ cát sông Hằng và đáp lời hỏi của Trưởng lão Ni Bodhī, cô nói lên kinh nghiệm tu tập của mình ngang qua những bài kệ này. Và để cho có sự liên hệ giữa các câu trả lời trước và sau, có bài kệ được các vị kết tập về sau thêm vào:
402.
Trong thành được đặt tên,
Tên chỉ một đóa hoa,
“Pāṭaliputta,
Con của đóa bông kèn”,
Sống hai Tỷ-kheo-ni,
Có giới hạnh tốt đẹp,
Thuộc gia đình Thích-ca,
Gia đình cao quyền quý.
403.
Một Isidāsī,
Thứ hai tên Bodhī,
Cả hai có giới hạnh,
Ưa thích tu thiền định,
Ðược nghe kinh điển nhiều,
Kiết sử được trừ bỏ.
404.
Họ đi khất thực xong,
Ăn xong, bát rửa sạch,
Ngồi hưởng lạc viễn ly,
Nói lên những lời này:
405.
– Hỡi Isidāsī,
Căn cô thật thoải mái,
Tuổi thọ chưa tổn giảm,
Cô thấy khuyết điểm gì,
Khiến tâm chú trọng nhiều,
Ðến hạnh nguyện xuất ly.
406.
Như vậy sống viễn ly,
Thiện xảo về thuyết pháp,
Isidāsī thuyết,
Lời nói như thế này:
– Hãy nghe, này Bodhī,
Ta xuất gia thế nào.
407.
Tại thành phố thù thắng,
Ðặt tên Ujjenī,
Cha ta là triệu phú,
Có đức độ giới hạnh,
Ta là con gái một,
Ðược cha thương yêu quý.
408.
Từ thành Sāketa,
Một người dạm hỏi đến,
Một gia đình quyền quý,
Hỏi ta cho con trai,
Triệu phú bèn gả ta,
Làm dâu người giàu ấy.
409.
Sáng và chiều ta đến,
Ðảnh lễ cha mẹ chồng,
Cúi đầu đảnh lễ chân,
Như ta được dạy bảo.
410.
Với chị, với em anh,
Với bà con chồng ta,
Thấy một người bước vào,
Ta e sợ mời ngồi.
411.
Về đồ ăn, uống, nhai,
Ðược cất giữ có chỗ,
Ta thết đãi cho ăn,
Thích hợp từng người một.
412.
Ta thức dậy đúng thời,
Ði vòng quanh khắp nhà,
Rồi chà rửa chân tay,
Ta đến lễ chồng ta.
413.
Cầm theo lược, trang liệu,
Thuốc xoa mắt, gương nhỏ,
Ta trang điểm chồng ta,
Như thị tỳ hầu hạ.
414.
Ta tự nấu dọn cơm,
Ta tự rửa chén bát,
Như mẹ đối với con,
Ta hầu chồng như vậy.
415.
Như vậy phục vụ chồng,
Với phục vụ tối thượng,
Dậy sớm không biếng nhác,
Với tâm tư khiêm tốn,
Với giới hạnh tốt đẹp,
Nhưng chồng ác cảm ta.
416.
Chồng ta nói mẹ cha:
“Xin phép con sẽ đi!
Với Isidāsī,
Con không thể sống chung,
Cùng dưới một mái nhà,
Con không thể cùng ở.”
417.
“Chớ nói vậy, này con!
Vợ con, người có trí,
Thông minh, biết dậy sớm.
Sao con không hoan hỷ?”
418.
“Cô không hại gì con,
Nhưng con không bao giờ,
Có thể sống chung được,
Với Isidāsī,
Con ghét cay, chán ngấy,
Xin phép con sẽ đi!”
419.
Ðược nghe lời chồng nói,
Cha mẹ chồng hỏi ta:
“Làm gì xúc phạm chồng?
Hãy thẳng thắn nói thật.”
420.
“Con không xúc phạm gì!
Không hại, không mưu tính.
Với lời nói khó chịu,
Có thể làm gì được?
Tuy vậy chồng của con,
Lại ác cảm chống con.”
421.
Họ đưa ta về nhà,
Nhà thân phụ của ta,
Với tâm tư khổ não,
Sửng sốt và bối rối,
Không muốn mất con trai,
Họ muốn bảo vệ nó,
Ôi, chúng ta bại trận,
Bởi nữ thần may rủi!
422.
Cha ta lại gả ta,
Cho gia đình thứ hai,
Một gia đình giàu có,
Bằng lòng nửa số tiền,
Là tiền gả bán ta.
423.
Ta chỉ sống một tháng,
Trong gia đình vị ấy,
Vị ấy trả lui ta,
Dầu ta tận tụy làm,
Chẳng khác người nô lệ,
Không lỗi lầm, có đức.
424.
Cha ta nói khất sĩ,
Sống điều phục chế ngự,
“Ngươi hãy làm rể ta,
Bỏ áo rách, ghè bình!”
425.
Vị ấy sống nửa tháng,
Rồi nói với cha ta,
“Hãy trả lại áo rách,
Ghè bình và bình bát,
Con nay muốn sống lại,
Nghề khất sĩ của con.”
426.
Cha mẹ, toàn bà con,
Liền nói với vị ấy:
“Ở đây có cái gì,
Làm con không bằng lòng?
Hãy nói gấp cái gì,
Làm con không vừa ý?”
427.
Ðược nói vậy, vị ấy,
Liền trả lời như sau:
“Nếu đối với tự ngã,
Con có thể bằng lòng,
Nhưng con không chung sống,
Với Isidāsī!”
428.
Từ giã, vị ấy đi,
Một mình ta suy nghĩ:
Ta đến để xin phép,
Hoặc chết hay xuất gia.
429.
Rồi Jinadattā,
Vị Ni sư ấy đến,
Trong khi đi khất thực,
Ðến gia đình cha ta,
Vị thọ trì giới luật,
Nghe nhiều, có giới hạnh.
430.
Thấy Ni sư, chúng tôi,
Ðều đứng lên kính cẩn,
Và ta liền sửa soạn,
Chỗ ngồi cho Ni sư,
Ngồi xuống ta đảnh lễ,
Dưới chân bậc Ni sư,
Lễ xong ta cúng dường,
Các đồ ăn, đồ uống.
431.
Các món ăn, uống, nhai,
Tại đấy được dự trữ,
Làm Ni sư thỏa mãn,
Ta thưa với Ni sư,
Nay ta muốn xuất gia,
Sống đời không gia đình,
Cha ta nói với ta:
“Này con, hãy ở đây!
432.
Hành trì đúng Chánh pháp,
Với đồ ăn đồ uống,
Hãy làm cho thỏa mãn,
Sa-môn, hai lần sanh.”
433.
Vừa nói, ta khóc lóc,
Chắp tay vái cha ta:
“Với điều ác con làm,
Con sẽ tiêu nghiệp ấy.”
434.
Cha ta nói với ta:
“Hãy chứng ngộ Bồ-đề,
Và Chánh pháp tối thượng!
Hãy chứng đắc Niết-bàn,
Ðã được Lưỡng Túc Tôn,
Thành tựu và chứng đạt!”
435.
Ta đảnh lễ mẹ cha,
Cùng tất cả bà con,
Sau bảy ngày xuất gia,
Ta chứng được Ba minh.
436.
Ta biết bảy đời trước,
Quả gì nay thành thục,
Ta sẽ nói cho bạn,
Hãy một lòng lắng nghe.
437.
Tại thành phố đặt tên,
Erakaccha,
Ta sống là thợ vàng,
Tài sản thật phong phú.
438.
Say đắm với tuổi trẻ,
Ta xâm phạm vợ người,
Do vậy sau khi chết,
Trong cảnh giới địa ngục,
Ta bị đốt nung nấu,
Trong một thời gian dài,
Thoát khỏi sự nung đốt,
Ta sanh trong bụng khỉ.
439.
Bảy ngày từ khi sanh,
Ta bị khỉ chúa thiến,
Ðây là quả của nghiệp,
Do đi đến vợ người.
440.
Từ đây ta chết đi,
Mạng chung rừng Sindha,
Sanh trong bụng con dê,
Một mắt và què quặt.
441.
Mười hai năm bị thiến,
Mang nặng những đứa con,
Sán trùng ăn vô bụng,
Do đi đến vợ người.
442.
Từ đấy ta chết đi,
Sanh làm con bò cái,
Của một lái buôn bò,
Con nghé màu đỏ sẫm,
Khi được mười hai tháng,
Lại bị người ta thiến.
443.
Rồi ta lại kéo cày,
Kéo xe cho chúng nó,
Mù, lo lắng, vô dụng,
Do đi lại vợ người.
444.
Từ đấy chết được sanh,
Nhà nữ tỳ gần đường,
Không là nữ không nam,
Do đi lại vợ người.
445.
Ðến tuổi ba mươi lăm,
Bị chết, ta được sanh,
Sanh làm người con gái,
Gia đình người đánh xe,
Nghèo khổ, ít tài sản,
Rơi vào tay vay lãi.
446.
Do tiền nợ tăng trưởng, Chủ lữ đoàn bắt ta, Kéo ta, dầu ta khóc, Lôi ta ra khỏi nhà.
447.
Khi ta mười sáu tuổi,
Lớn lên thành thiếu nữ,
Con trai thương gia ấy,
Bắt ta lấy làm vợ.
448.
Nhưng nó có vợ khác,
Có giới đức, danh xưng,
Lại biết thương mến chồng,
Chính ta tạo thù hằn.
449.
Do quả của nghiệp này,
Họ khinh ghét chống ta,
Dầu ta như nô tỳ, Hầu hạ phục vụ họ,
Nhưng nay ta chấm dứt,
Mọi sự việc như trên.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.