Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 05  »  Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN

Mục Lục

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ Trưởng Lão Ni Kệ/ CHƯƠNG V - NĂM KỆ

§46. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NI BHADDĀ KUṆḌALAKESĀ
(Bhaddākuṇḍalakesātherīgāthā)11 (Thīg. 134; ThīgA. 99)
Trong thời đức Phật hiện tại, cô sanh ra ở Rājagaha (Vương Xá), trong gia đình vị thủ khố của nhà vua và được đặt tên là Bhaddā. Từ nhỏ đến lớn lên, cô luôn luôn có người hầu hạ. Một hôm, ngang qua khe cửa, cô thấy Satthuka, con vị giáo sĩ của vua, một kẻ cướp bị dẫn đi hành hình theo lệnh của vua. Cô bỗng yêu Satthuka và nằm trên giường cô nói: “Nếu ta không có được chàng, ta sẽ chết.” Người cha vì thương cô nên hối lộ cho những người lính và đưa Satthuka đến gặp cô. Satthuka khởi lòng tham đồ trang sức của cô nên nói với cô: "Bhaddā, khi ta bị dẫn đi ngang “hòn núi của kẻ trộm”, ta có nguyện rằng nếu ta được tha, ta sẽ làm lễ cúng tạ ơn. Cô có sẵn lòng giúp ta việc này chăng?" Muốn được Satthuka bằng lòng, cô vâng theo ý muốn của anh ta, tự trang điểm với các đồ trang sức, lên xe với Satthuka và cùng đi đến “hòn núi của kẻ trộm.” Satthuka không cho người hầu đi theo, lấy đồ trang sức cúng dường và leo lên núi một mình với cô, nhưng không nói lời thân ái với cô. Do thái độ của Satthuka, cô nhận ra được mưu kế của anh ta. Rồi Satthuka bảo cô cởi áo ngoài ra, dùng áo gói đồ trang sức cô đang mang theo, cô hỏi Satthuka rằng cô có làm điều gì sai chăng, và Satthuka trả lời: “Cô thật ngu si, ta đến đây có phải để làm lễ cúng dường đâu! Ta chỉ đến đây để lấy đồ trang sức của cô.” Cô nói: “Này anh yêu, các đồ trang sức này của ai, và đồ trang sức nào thuộc của em.” Satthuka nói: “Ta không biết gì về sự phân chia này.” Cô nói: “Thôi được, anh thân yêu, nhưng anh cho em một ước nguyện, cho em mang đồ trang sức và được hôn anh!” Satthuka bằng lòng và cô ôm hôn anh đằng trước rồi ôm hôn đằng sau và trong khi ấy xô anh ta ngã xuống vực núi. Một thiên nhân ở trên núi thấy cô làm vậy liền khen rằng:
Không phải là lúc nào,
Ðàn ông cũng khôn hơn!
Nữ nhân khi lanh lẹ,
Cũng tỏ khôn ngoan hơn,
Không phải là lúc nào,
Ðàn ông cũng khôn hơn.
Nữ nhân cũng khôn ngoan,
Chỉ nghĩ một phút giây!
Rồi Bhaddā suy nghĩ: “Nay ta không thể về nhà được khi sự việc đã xảy ra như vậy. Vậy từ đây ta sẽ xuất gia.” Rồi cô xuất gia theo phái Ni-kiền-tử. Họ hỏi cô: “Cô ưng xuất gia đến mức độ nào?” Cô trả lời: “Tôi muốn xuất gia vào hạng tối thượng!” Rồi họ nhổ tóc của cô và khi tóc cô dài và quăn lại, cô được gọi là Bhaddā tóc quăn. Nhưng trong khi cô tập sự học hỏi giáo lý của phái Ni-kiền-tử, cô biết rằng giáo lý ấy không có gì đặc biệt. Cô từ giã chúng Ni-kiền-tử, tìm học những bậc minh sư có danh tiếng và cuối cùng không ai có thể tranh luận với cô. Cô vun lên một đống cát gần cửa đi vào làng, trồng lên một nhánh cây Diêm-phù, bảo mấy đứa con nít xem ai nhổ lên nhánh cây ấy. Sau một tuần, không có ai nhổ lên cành cây, cô liền đem cành cây ấy đi một nơi khác. 
Thế Tôn trong khi đi thuyết giảng, đến tinh xá Jetavana gần Sāvatthi, đúng lúc Bhaddā tóc quăn trồng nhánh cây ấy tại cửa thành Sāvatthi. Tôn giả Sāriputta vào thành, thấy cành cây ấy, muốn nhiếp phục cô, bảo các đứa con nít giẫm lên cành cây ấy. Mở đầu cuộc tranh luận, cô nghĩ rằng cuộc tranh luận sẽ không có kết quả nếu không có quần chúng đỡ đầu, vì vậy cô quy tụ một số đông quần chúng đến chứng kiến cuộc tranh luận giữa cô và Tôn giả Sāriputta. Trước hết Tôn giả Sāriputta để cho cô hỏi và Tôn giả trả lời, cho đến khi cô không còn gì
để hỏi nữa và ngồi im lặng.
Rồi Tôn giả hỏi cô: “Thế nào gọi là một?” Cô Bhaddā tóc quăn thú nhận không thể trả lời được. Tôn giả nói: “Một chút như vậy mà cô không trả lời được thì cô có thể biết thêm được gì?” Rồi Tôn giả giáo giới cho cô và cô xin quy y Tôn giả. Tôn giả Sāriputta khuyên nên quy y Thế Tôn, bậc Ðạo sư loài trời và người. Cô vâng lời, chiều lại đi đến yết kiến Thế Tôn khi Ngài đang thuyết pháp. Sau khi đảnh lễ, cô đứng một bên, Thế Tôn thấy căn cơ cô đã thuần thục liền nói:
Dầu nói ngàn câu kệ,
Nhưng không chút lợi ích,
Tốt hơn nói một câu,
Nghe xong được tịnh lạc.12
Khi đức Phật nói xong bài kệ này, cô chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Cô xuất gia, thọ giới với quả A-la-hán và chính đức Phật trao Đại giới cho cô. Rồi cô đi đến tinh xá Tỷ-kheo-ni, sống an lạc hạnh phúc. Cô sung sướng phấn khởi nói lên những bài kệ:
107.
Trước ta sống một y,
Tóc cạo, thân mang bùn,
Không lỗi, xem có lỗi,
Có lỗi, xem là không.
108.
Ban ngày rời tinh xá,
Trên ngọn núi Linh Thứu,
Ta thấy Phật vô uế,
Dẫn đầu chúng Tỷ-kheo.
109.
Quỳ gối ta đảnh lễ,
Ðối diện ta chắp tay,
“Hãy đến, này Bhaddā!”
Ta được thọ Đại giới.
110.
Ta đi khắp Aṅga,
Magadha, Vajjī,
Quốc độ Kosala,
Mười lăm năm không nợ,
Ăn đồ ăn quốc độ.
111.
Làm được nhiều công đức,
Tín nam này có tuệ,
Cho Bhaddā chiếc y,
Thoát khỏi mọi triền phược.
Tham khảo:
11 Xem Ap. II. 560, Kuṇḍalakesātherīapadāna (Ký sự về Trưởng lão Ni Kuṇḍalakesā).
12 Xem Dh. v. 101.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.