Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 05  »  Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 05»

Kinh Tiểu Bộ Quyển 1
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU dịch
NGUYÊN TÂM - TRẦN PHƯƠNG LAN

Mục Lục

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tiểu Bộ Quyển 1/ PHÁP CÚ/ DẪN LUẬN KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA)

DẪN LUẬN KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA)

1. Về từ ngữ

Là 1 trong 16 bản văn thuộc Kinh Tiểu bộ, Kinh Pháp cú (P. Dhammapada, S. Dharmapada, 法句經) của Phật giáo Theravāda có 26 phẩm (vagga, 品) hàm chứa các chủ đề Phật học, với 423 kệ tụng (偈頌) hay thi tụng (詩頌), tức lời vàng của Phật, được thuyết giảng trong nhiều bối cảnh thời gian và không gian khác nhau.

Kinh Pháp cú là quyển kinh Phật được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới, là kinh phổ biến nhất trong cộng đồng Phật giáo, đặc biệt tại các nước Phật giáo Nam truyền bao gồm Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia.

Ở Trung Hoa vào thời kỳ đầu, Dhammapada được phiên âm là “Đàm-bát” (曇鉢) hay “Đàm-bát kệ” (曇鉢偈).1 Nhóm của Chi-khiêm (支謙等人) dịch là “Pháp cú kinh” (法句經). Trúc Phật Niệm (竺佛念) dịch là “Xuất diệu kinh” (出曜經). Thiên-tức-tai (天息災) dịch là “Pháp tập yếu tụng kinh” (法集要頌經).

“Pháp cú” (Dhammapada) là từ tổ hợp gồm 2 đơn từ “pháp” (dhamma, 法) và “cú” (pada, 句), đều là từ đa nghĩa trong các ngữ cảnh khác nhau. Khái niệm “pháp” trong Kinh Pháp cú có nghĩa là “Chánh pháp” (Buddhadhamma, 佛陀的教導), là “học thuyết của Phật” (Buddha’s doctrine) hay “chân lý” (truth), trong khi, “pada” có nghĩa là “chân” (foot), là “con đường” (path), là “thi kệ” (verse) hay danh ngôn (sayings). Từ những cơ sở đó, “Pháp cú” đã được diễn đạt bằng nhiều cụm từ khác nhau như: “Con đường chân lý” (Path of Truth), “Con đường Chánh pháp” (Path of Buddha’s Teaching), “Danh ngôn Chánh pháp” (Sayings of Dhamma), “Lời Phật dạy” (Buddha’s Teachings) hay “Lời vàng của Phật” (Buddha’s Golden Sayings).

2. Về niên đại và các bản dịch

Kinh Pháp cú bản Pāli (Dhammapadapāḷi) gồm 423 thi kệ vốn được trích tuyển từ bốn bộ kinh Pāli vào khoảng thế kỷ III-IV TTL. Cũng có học thuyết cho rằng, Kinh Pháp cú được hình thành ngay từ thời đức Phật, vì các thi kệ Pháp cú này đã được các vị Tỳ-kheo học thuộc lòng và trì tụng để ghi nhớ hành trì, như trong Tương ưng bộ có đoạn:

“Vị Tỷ-kheo đang tụng,
Nếu chúng ta biết được,
Rồi như pháp hành trì,
Những lời về Pháp cú.
Học được Pháp cú này,
Chúng ta được lợi ích.”2

Bản chú giải của Bhadantacariya Buddhaghosa (Phật Âm) vào thế kỷ V có 305 truyện tích, trình bày rõ xuất xứ của từng bài thi kệ Pháp cú. Hòa thượng Pháp Minh đã dịch tác phẩm này sang tiếng Việt: Chú giải Kinh Pháp cú (4 tập).3 Quyển chú giải bằng tiếng Pāli này được E. W. Burlinghame dịch ra tiếng Anh “Buddhist Legends” in trong tùng thư Harward Oriental Series năm 19214 và cũng đã được Thiền viện Viên Chiếu dịch Việt với tựa đề “Tích truyện Pháp cú”, năm 1995.

Bên cạnh ấn bản Pāli nổi tiếng của Hội Thánh điển Pāli, còn có Kinh Pháp cú Gāndhāri (Gāndhāri Dharmapada, 犍陀羅語法句經) 26 phẩm, 520-560 kệ (hiện còn 354 kệ), thuộc Pháp Tạng bộ (Dharmaguptaka). Hiện nay còn 3 ấn bản khác nhau, nhưng không bản nào được đầy đủ. Ấn bản Patna Dharmapada dựa trên bản thảo của Rahula Saṁkṛtyāyana tìm thấy tại một tu viện Tây Tạng vào khoảng năm 1930,5 gồm 22 phẩm với 414 kệ, là ấn bản bằng tiếng Sanskrit hỗn hợp Phật giáo (Buddhist Hybrid Sanskrit).

Kinh Pháp cú Phạn ngữ (Udānavarga, 梵文法句經)6 có 33 phẩm và 1.050 bài kệ trong ấn bản của Tiến sĩ Bernhard (có ấn bản khác khoảng 1.100 bài kệ), được xem là ấn bản có số kệ nhiều nhất, có sự liên hệ mật thiết với Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ (Sarvāstivāda, 說一切有部). Bản tiếng Anh của ấn bản Udānavarga được cư sĩ Nguyên Giác dịch sang Việt ngữ năm 2019 có tựa đề là Kinh Pháp cú Tây Tạng.

Về các bản dịch Kinh Pháp cú trong Hán tạng, có 4 bản chính: Pháp cú kinh, Pháp cú thí dụ kinh, Xuất diệu kinh và Pháp tập yếu tụng kinh nằm trong bộ Bản duyên, lần lượt mang số hiệu 210-213 trong Đại Chánh tạng như sau:

(1) Pháp cú kinh (法句經) do Tôn giả Pháp Cứu (法救, S. Dharmatrāta) tuyển soạn, được nhóm Sa-môn Duy-kỳ-nan (維祇難), người gốc Ấn Độ cùng với Trúc-tương-diễm (竺將炎) và Chi-khiêm (支謙) dịch vào đời Đông Ngô (東吳) khoảng năm 225, gồm 2 quyển, 39 phẩm, 759 bài kệ. Tuy nhiên, trong bài tựa của cuốn này, ghi chỉ 752 bài kệ.7 Trong 39 phẩm ấy đã có 26 phẩm tương ứng với 26 phẩm của Kinh Pháp cú bản Pāli với những dị biệt không đáng kể.

(2) Pháp cú thí dụ kinh (法句譬喻經)8 gồm 39 phẩm, còn gọi là Pháp cú bổn mạt kinh (法句本末經), Pháp dụ kinh (法喻經) do Sa-môn Pháp Cự (法炬) và Pháp Lập (法立) dịch sang chữ Hán vào đời Tây Tấn (西晉) khoảng năm 305, chủ yếu dựa vào bản Kinh Pháp cú của nhóm Chi-khiêm, có bổ sung thêm phần truyện tích Thí dụ cố sự (譬喻故事).9

(3) Xuất diệu kinh (出曜經)10 gồm 30 quyển, 34 phẩm, còn gọi là Pháp cú lục (法句錄) do Sa-môn Trúc Phật Niệm (竺佛念) dịch vào đời Diêu Tần (姚秦), niên hiệu Kiến Nguyên,11 năm 383, nêu rõ xuất xứ của từng bài thi kệ.

(4) Pháp tập yếu tụng kinh (法集要頌經)12 còn gọi là Chư Phật pháp tụng kệ (諸佛法頌偈) do Tôn giả Pháp Cứu (法救, S. Dharmatrāta) sưu tập, 4 quyển, 33 phẩm, gồm 924,5 câu, do Sa-môn Thiên-tức-tai (天息災) đời nhà Tống (宋) dịch vào khoảng năm 990.

Ngoài ra còn có quyển Pháp cú dụ kinh (法句喻經) gồm 4 quyển, hiện tồn trong Kinh Luật dị tướng (經律異相).13 Đây là một dạng thức chú giải Kinh Pháp cú dựa trên bản của nhóm Chi-khiêm.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, có nhiều bản Kinh Pháp cú Nam truyền được dịch và phổ biến rộng rãi bằng văn ngôn hiện đại. Sau đây là một vài dịch phẩm tiêu biểu:

(1) Nam truyền Pháp cú (南傳法句) do Pháp sư Liễu Tham (了參) dịch văn xuôi vào năm Dân Quốc 42 (1953).

(2) Lời Chân lý (真理的語言) do Pháp sư Tịnh Hải (淨海) dịch vào năm Dân Quốc 62 (1973).

(3) Pháp cú kinh (法句經) do cư sĩ Hoàng Cẩn Lương (黃謹良) dịch vào năm Dân Quốc 82 (1993).

(4) Pháp cú kinh cố sự tập (法句經故事集) do cư sĩ Châu Kim Ngôn (周金言) dịch vào năm Dân Quốc 85 (1996). Bản này dựa vào bản Dhammapada của Hòa thượng K. Sri Dhammananda, và có tham khảo bản của Nārada Mahāthera, Acharya Buddharakkhita và Weragoda Sarada Mahāthera.

Ngoài ra còn một số học giả nghiên cứu Kinh Pháp cú như Kính Pháp (敬法), Hoàng Bảo Sinh (黄宝生) và các vị khác.

3. Các bản Kinh Pháp cú bằng tiếng Anh và tiếng Việt

Là tác phẩm văn học Pāli nổi bật nhất, Kinh Pháp cú do học giả Michael Viggo Fausböll dịch vào năm 1855, trở thành ấn bản Pāli La-tinh đầu tiên được cộng đồng học thuật châu Âu đón nhận nồng nhiệt. Hai dịch bản tiếng Anh nổi tiếng của Max Müller14 vào năm 1881 và bản dịch của Samuel Beal vào năm 1878 cũng như bản dịch của Tiến sĩ S. Radhakrishnan, do sử dụng quá nhiều từ không phải Phật học nên nội dung thâm sâu của Phật pháp bị giảm đi ít nhiều, một số khác mang tính ngộ nhận và lạc dẫn.15

Ngoài ra còn có các bản dịch của Edmunds, A. L. vào năm 1902, bản dịch của Wagismara và Saunders vào năm 1920, bản dịch của Woodward, F. L. vào năm 1921. Bản dịch của của Nārada Mahāthera16 trở nên phổ biến trong cộng đồng Phật giáo. Sau đây là một số bản dịch tiếng Anh thông dụng khác: (i) Buddharakkhita Acharya (tr.), Dhammapada, The Buddha’s Path of Wisdom17 (Bangalore, India: Maha Bodhi Society, 1959); (ii) Easwaran, Eknath, The Dhammapada (Tomales, CA: Nilgiri Press, 1986, 1st edn.); (iii) Tin, Daw Mya (tr.), The Dhammapada: Verses and Stories (Rangoon, Burma, 1986); (iv) Thanissaro Bhikkhu (tr.), The Dhammapada: The Translation18 (USA, 1997); (v) Varado Bhante và Bodhesako Samanera (tr.), Dhammapada in Verse19 (USA, 2008). Bảng đối chiếu bản Pāli và các bản dịch tiếng Anh tiêu biểu có thể xem tại trang nhà Nanda Online.20

Về tiếng Việt, ít nhất có 30 bản dịch Kinh Pháp cú được phổ biến, bao gồm Pháp cú Nam truyền, Pháp cú Bắc truyền và Pháp cú Tạng truyền. Sắp xếp theo thời gian xuất bản để độc giả có thể đối chiếu và tham khảo, các bản dịch Kinh Pháp cú được liệt kê như sau:

Nhóm Nam truyền:

(1) Kinh Pháp cú (Nam truyền) do HT. Thích Thiện Siêu dịch từ bản chữ Hán của Pháp sư Liễu Tham (1959)

(2) Pháp cú kinh (Anh - Hán đối chiếu) do Á Nam Trần Tuấn Khải dịch (1962)

(3) Kinh Pháp cú do HT. Thích Minh Châu dịch từ nguyên tác Pāli (1969)

(4) Kinh Pháp cú do Phạm Kim Khánh dịch từ bản tiếng Anh của Ngài Nārada Mahāthera (1971)

(5) Kinh thơ (Suối nguồn vi diệu) do Phạm Thiên Thư thi hóa (1973)

(6) Pháp cú - Dhammapada do HT. Thích Thiện Châu dịch (1978)

(7) Kinh Pháp cú do Sán Nhiên dịch (1989)

(8) Thi kệ Pháp cú kinh do Tịnh Minh dịch từ bản tiếng Anh của Ngài Nārada Mahāthera (1990)

(9) Dhammapada - Kinh Lời vàng do Minh Đức Triều Tâm Ảnh thi hóa (1995)

(10) Tích truyện Pháp cú do Thiền viện Viên Chiếu dịch (1995)

(11) Chú giải Kinh Pháp cú, 4 quyển, do HT. Pháp Minh soạn dịch (1997)

(12) Lời Phật dạy do Đinh Sĩ Trang dịch (1997)

(13) Pháp cú thi kệ do Trụ Vũ thi hóa (2003)

(14) Kinh Pháp cú do Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển thơ (2003)

(15) Kinh Ngọc quý do Giác Hạnh chuyển thơ (2008)

(16) Lời vàng vi diệu do HT. Thích Giác Toàn chuyển thơ (2010)

(17) Đọc Pháp cú Nam tông do HT. Thích Trí Quang soạn dịch (2011)

(18) 423 Lời vàng của Phật do Thích Nhật Từ dịch thơ (2013)

(19) Kinh Pháp cú chú giải do Thích Phước Thái dịch (2013)

(20) Pháp cú tinh hoa do cư sĩ Huyền Không (Vũ Anh Sương) thi hóa (2015)

(21) Pháp cú đối chiếu của Ānandajoti Bhikkhu do Nguyễn Quốc Bình dịch (2016)

Nhóm Pháp cú Bắc truyền và Tạng truyền:

(22) Kinh Pháp cú thí dụ do Thích Minh Quang dịch (1996)

(23) Kinh Pháp cú (Bắc truyền), Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng kinh dịch (2003)

(24) Pháp cú Bắc tông do HT. Thích Trí Quang soạn dịch (2011)

(25) Kinh Pháp cú (Hán tạng) do HT. Thích Nhất Hạnh dịch giải, lấy tựa đề “Kết một tràng hoa” gồm 39 phẩm với 759 bài kệ (2016)

(26) Kinh Pháp cú thí dụ do Thích Thiện Thuận và Thích Nguyên Trang dịch (2017)

(27) Kinh Pháp cú (Hán truyền) do Thích Nguyên Hùng và Thích Đồng Ngộ dịch gồm 39 phẩm, 759 bài kệ (2019)

(28) Kinh Pháp cú Tây Tạng do cư sĩ Nguyên Giác dịch từ bản tiếng Anh Udānavarga, có 33 phẩm, 1.100 bài kệ (2019)

(29) Kinh Pháp cú thí dụ gồm 12 phẩm do cư sĩ Nguyên Thuận dịch (2019)

(30) Kinh Pháp cú do cư sĩ Đào Nguyên dịch (2020)

Trong các bản dịch tiếng Việt nêu trên, bản dịch của HT. Thích Minh Châu dựa vào ấn bản Dhammapada bằng Pāli của Hội Thánh điển Pāli, gồm 26 phẩm với 423 lời vàng của Phật, được xem là ấn bản trung thành với nguyên tác Pāli, là ấn bản thông dụng nhất và được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay.

4. Về nội dung

Có thể nói, toàn bộ các lời dạy cao quý về Chân lý (Dhamma) và Đạo đức (Vinaya) được đức Phật khám phá và truyền bá trong 45 năm đều được chọn lọc cô đọng trong 423 câu lời vàng này, phân thành 26 chủ đề hay phẩm (vagga,品, chapter). Mỗi chủ đề gồm nhiều bài kệ có cùng tư tưởng và nội dung, đề cập đến các khía cạnh chân lý và các giá trị cao quý mà người đọc có thể học và ứng dụng trong cuộc sống, mang lại hạnh phúc và bình an cho bản thân, gia đình, xã hội, bây giờ và tại đây.

1. Phẩm Song yếu (Yamakavagga, 雙要品) (Dh. kệ 1-20)

2. Phẩm Không phóng dật (Appamādavagga, 不放逸品) (Dh. kệ 21-32)

3. Phẩm Tâm (Cittavagga, 心品) (Dh. kệ 33-43)

4. Phẩm Hoa (Pupphavagga, 花品) (Dh. kệ 44-59)

5. Phẩm Ngu (Bālavagga, 無知者品) (Dh. kệ 60-75)

6. Phẩm Hiền trí (Paṇḍitavagga, 賢智者品) (Dh. kệ 76-89)

7. Phẩm A-la-hán (Arahantavagga, 阿羅漢品) (Dh. kệ 90-99)

8. Phẩm Ngàn (Sahassavagga, 千品) (Dh. kệ 100-115)

9. Phẩm Ác (Pāpavagga, 惡品) (Dh. kệ 116-128)

10. Phẩm Hình phạt (Daṇḍavagga, 杖品) (Dh. kệ 129-145)

11. Phẩm Già (Jarāvagga, 老化品) (Dh. kệ 146-156)

12. Phẩm Tự ngã (Attavagga, 自我品) (Dh. kệ 157-166)

13. Phẩm Thế gian (Lokavagga, 世間品) (Dh. kệ 167-178)

14. Phẩm Phật-đà (Buddhavagga, 已覺者品) (Dh. kệ 179-196)

15. Phẩm An lạc (Sukhavagga, 樂品) (Dh. kệ 197-208)

16. Phẩm Hỷ ái (Piyavagga, 可愛品) (Dh. kệ 209-220)

17. Phẩm Phẫn nộ (Kodhavagga, 憤怒品) (Dh. kệ 221-234)

18. Phẩm Cấu uế (Malavagga, 垢品) (Dh. kệ 235-255)

19. Phẩm Pháp trụ (Dhammaṭṭhavagga, 存續於法品) (Dh. kệ 256-272)

20. Phẩm Đạo (Maggavagga, 道品) (Dh. kệ 273-289)

21. Phẩm Tạp lục (Pakiṇṇakavagga, 散漫品) (Dh. kệ 290-305)

22. Phẩm Địa ngục (Nirayavagga, 地獄品) (Dh. kệ 306-319)

23. Phẩm Voi (Nāgavagga, 象品) (Dh. kệ 320-333)

24. Phẩm Tham ái (Taṇhāvagga, 渴愛品) (Dh. kệ 334-359)

25. Phẩm Tỷ-kheo (Bhikkhuvagga, 比丘品) (Dh. kệ 360-382)

26. Phẩm Bà-la-môn (Brāhmaṇavagga, 婆羅門品) (Dh. kệ 383-423)

Kinh Pháp cú đề cập đến thế giới quan, nhân sinh quan, xã hội quan, đạo đức quan và giải thoát quan của đức Phật.

Về thế giới quan, đức Phật chủ trương không có nguyên nhân khởi thủy của sự sống và mọi sự vật hiện tượng, dù đó là duy thần, duy vật hay duy tâm. Thế giới là một tương quan đa chiều, tương tác và tương thuộc.

Về nhân sinh quan, đức Phật cho rằng con người là trung tâm của vũ trụ, con người là gốc của các hoạt động nhân văn, đạo đức và xã hội. Con người quan trọng hơn Thượng đế và thần linh.

Về xã hội quan, đức Phật chủ trương công bằng xã hội, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, nhằm góp phần thiết lập một xã hội hòa bình, thịnh vượng và phát triển.

Về đạo đức quan, Phật giáo đề cập đến ba phương diện: Không làm điều phi pháp, làm tất cả việc thiện, giữ tâm trong sáng và cao thượng.

Về giải thoát quan, đức Phật chủ trương giải phóng tất cả nỗi khổ niềm đau của kiếp người bằng cách thừa nhận bế tắc, truy tìm nguyên nhân (tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ), trải nghiệm hạnh phúc Niết-bàn và thực hiện bát chánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định).

Mỗi một bài thi kệ trong Kinh Pháp cú là một triết lý sống vị nhân sinh, bây giờ và tại đây. Mỗi ngày, dành 10-15 phút đọc các bài thi kệ của đức Phật trong Kinh Pháp cú, đọc thật chậm rãi, suy nghĩ nghĩa lý, chiêm nghiệm những lời dạy minh triết của Phật, chúng ta sẽ học được nhiều bài học cao quý trong việc làm chủ cảm xúc và hành vi, nhờ đó làm chủ được vận mệnh.

Mỗi khi có nỗi buồn, lo lắng, căng thẳng, sầu bi, bất hạnh, thất bại, khổ đau, thử thách và trở ngại, hãy đọc Kinh Pháp cú. Người đọc sẽ được truyền thêm nghị lực để vượt qua khó khăn, sống lạc quan, tích cực và thăng hoa các giá trị cao quý. Những lúc gặp thuận duyên, thành công, hạnh phúc, đọc Kinh Pháp cú sẽ nuôi lớn các đức tính cao quý như từ bi, hoan hỷ, buông xả, vô ngã, vị tha, nhờ đó, chúng ta có thêm năng lượng để tinh tấn vươn đến nhiều thành công to lớn hơn, góp phần làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Mong sao, mỗi gia đình Phật tử đều có Kinh Pháp cú trên bàn thờ Phật, mỗi Phật tử đều có Kinh Pháp cú trên bàn làm việc của mình. Hãy cùng phát tâm truyền bá Kinh Pháp cú đến tất cả mọi người, để ngọn đèn Chánh pháp có thể soi sáng tất cả chúng ta.

5. Vị trí của Kinh Pháp cú

Kinh Pháp cú là kinh Phật giáo được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất trên thế giới, được xem là quyển kinh Phật bỏ túi, kinh gối đầu giường của người học Phật, tu Phật và trải nghiệm chân lý Phật. Dù không phải là bài kinh theo dạng pháp hội được thuyết giảng từ đầu chí cuối như phần lớn các bài kinh khác, Kinh Pháp cú trong bản Pāli là một tuyển tập 423 bài thi kệ của đức Phật, vốn có xuất xứ và được trích lại từ trong 4 bộ kinh: Kinh Trường bộ, Kinh Trung bộ, Kinh Tương ưng bộ và Kinh Tăng chi bộ.

Do có xuất xứ từ 4 bộ kinh quan trọng nhất của Kinh tạng Pāli, Kinh Pháp cú được xem là kinh giới thiệu bao quát về triết lý cao siêu của đức Phật bằng ngôn ngữ thi ca giàu chất văn chương, ẩn dụ, ngụ ngôn, mang tính triết lý và giáo dục thực tiễn rất cao.

Nội dung của Kinh Pháp cú đã vượt ngoài các tình huống cụ thể. Các thi kệ được Phật thuyết giảng, đáp ứng giải pháp cho nhiều hạng người trong các tình huống khác nhau trong đời sống thực. Đối với giới bình dân, Kinh Pháp cú là vị thầy dẫn đường. Đối với giới tri thức, Kinh Pháp cú trở thành đối tượng thiền quán và triết học hóa. Đối với người tìm kiếm giải pháp cho các vấn nạn nhân sinh, Kinh Pháp cú chính là nguồn cảm hứng và là phương pháp hướng đến mục đích cao quý.

Kinh Pháp cú là tuyển tập 423 bài thi kệ của đức Phật rất chuẩn về niêm luật Pāli cổ, sử dụng loại ngôn ngữ quần chúng, giản dị, gần gũi với đời thường, với nhiều hình ảnh, ẩn dụ sâu sắc, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và đạo đức. Từ các hình ảnh và sự kiện từ cuộc sống thật trong thời đại của Ngài, đức Phật đã làm cho từng “bài thơ danh ngôn” trở nên sinh động, sâu huyền, làm cho người đọc cảm nhận các giá trị nội tĩnh trong mỗi lần đọc và chiêm nghiệm, sẽ cảm nhận được sự bình an đích thực.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20/2/2021

TT.TS. Thích Nhật Từ

(Đồng Tổng Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam)

Tham khảo:

1 Xem bài tựa Pháp cú kinh 法句經序 (T.04. 0210.1. 0566b15) của cư sĩ Chi-khiêm: 曇鉢偈者, 眾經 之要義; 曇之言法, 鉢者句也.

2 S. I. 209: “Mā saddaṁ kari piyaṅkara / Bhikkhu dhammapadāni bhāsati / Api ca dhammapadaṁ vijāniya / Paṭipajjema hitāya no siyā.”

3 Ấn bản Tập 1 đầu tiên, NXB. Tổng hợp TP. HCM, năm 1997.

4 Eugene Watson Burlingame, Buddhist Legends (USA: Harward University Press, 1921).

5 Xem Bhikkhu Ānandajoti, A Comparative Edition of the Dhammapada (Colombo-Sri Lanka, 2007, 2nd edn.), p. 2, n. 6. https://issuu.com/anandajotibhikkhu/docs/comparative-dhammapada/ (truy cập ngày 20/2/2021).

6 Bảng đối chiếu với bản Pháp tập yếu tụng kinh (法集要頌經, 校勘, 標點與 Udānavarga 對照表): http://yifertw213.blogspot.com/ (truy cập ngày 19/2/2021).

7 Bài tựa Kinh Pháp cú 法句經序 (T.04. 0210.1. 0566b15).

8 Bản chữ Hán: 法句譬喻經, 晉世法炬共法立譯: http://tripitaka.cbeta.org/ (T.04. 0211. 0575b11- 0609b21) (truy cập ngày 19/2/2021).

9 Nguyên bản chữ Hán: http://www.budaedu.org/story/dp000.php/ (truy cập ngày 19/2/2021).

10 Bản chữ Hán: 出曜經, 姚秦, 竺佛念譯: http://tripitaka.cbeta.org/ (T.04. 0212. 0609b22-0770c06) (truy cập ngày 19/2/2021).

11 Khai nguyên thích giáo lục 開元釋教錄 (T.55. 2154.4. 0512a08).

12 Bản chữ Hán: 法集要頌經, 法救集, 宋, 天息災譯: http://tripitaka.cbeta.org/ (T.04. 0213. 0777a01- 0799c05) (truy cập ngày 19/2/2021).

13 Xem 經律異相 (T.53. 2121.39. 0207b12).

14 Nguyên văn bản dịch tiếng Anh của Müller: https://en.wikisource.org/wiki/Dhammapada_(Muller) (truy cập ngày 13/2/2021).

15 Tham chiếu: Acharya Buddharakkhita (tr.), Dhammapada, The Buddha’s Path of Wisdom (India: Maha Bodhi Society in Bangalore, 1959): “In English alone several translations are available, including editions by such noted scholars as Max Müller and Tiến sĩ S. Radhakrishnan. However, when presented from a non-Buddhist frame of reference, the teachings of the Buddha inevitably suffer some distortion. This, in fact, has already happened with our anthology: An unfortunate selection of renderings has sometimes suggested erroneous interpretations, while footnotes have tended to be judgmental.” Xem https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/dhp/dhp.intro.budd. html#intro/ (truy cập ngày 13/2/2021).

16 Nguyên văn bản dịch tiếng Anh của Nārada Mahāthera: http://metta.lk/english/Narada/index.htm/ (truy cập ngày 14/2/2021).

17 Nguyên văn bản dịch tiếng Anh của Acharya Buddharakkhita: https://www.accesstoinsight.org/ tipitaka/kn/dhp/dhp.intro.budd.html/ (truy cập ngày 14/2/2021).

18 Nguyên văn bản dịch tiếng Anh của Bhikkhu Thanissaro: https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/ kn/dhp/dhp.intro.than.html/ (truy cập ngày 14/2/2021).

19 Nguyên văn bản dịch tiếng Anh của Varado: http://www.suttas.net/english/suttas/khuddaka-nikaya/ dhammapada/index.php/ (truy cập ngày 14/2/2021).

20 Parallel Reading (paragraph granularity) of the Buddha’s Path of Wisdom - Dhammapada: http:// nanda.online-dhamma.net/tipitaka/sutta/khuddaka/dhammapada/dhp-contrast-reading/dhp-contrastreading-en-full/ (truy cập ngày 14/2/2021).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.