Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 01  » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 01 »

Kinh Trường Bộ
HT Thích Minh Châu Dịch

Mục Lục

Trích lời giới thiệu của Hòa thượng Thích Minh Châu

“Năm 1965, tôi in xong tập I, gồm 3 kinh đầu. Năm 1967, tôi in xong tập II, gồm 10 kinh kế tiếp. Năm 1972, tôi in xong tập III và tập IV, gồm 21 kinh trong khoảng thời gian kỷ lục 7 tháng, từ Tết Nhâm Tý (tháng 2-1972) cho đến nay, Vu Lan - Rằm tháng 7 (tháng 8-1972). Cứ xem thời gian hoàn thành từng tập một, mới thấy chức vụ đa đoan của một Viện trưởng làm trở ngại cho sự phiên dịch như thế nào. Chúng tôi chỉ có thể để dành những ngày nghỉ, những buổi sáng thật sớm và những buổi tối (nếu không quá mệt mỏi vì những công việc ban ngày) để phiên dịch. Chúng tôi vẫn kiên trì phiên dịch và in cho xong tập IV Kinh Trường bộ là để hoàn thành một chí nguyện mà tôi ấp ủ từ khi tôi mới đi du học Tích Lan năm 1952. Về nước năm 1964, nếu tôi không nhận chức vụ Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, thời nay tôi đã dịch ít nhất cũng trọn bộ Kinh tạng Pāli rồi. Tôi tự đánh dấu hỏi, làm Viện trưởng hay làm một vị dịch kinh, làm chức vụ nào có lợi cho Phật giáo hơn? Và tôi phải tự thẳng thắn để trả lời, dịch kinh có lợi hơn! Và tôi chỉ có thể vớt vát bằng cách để những thời giờ thong thả, chú tâm vào vấn đề phiên dịch. Chúng tôi viết những dòng chữ này vừa để sám hối, vừa mong các Phật tử và các học giả thông cảm cho.

Phiên dịch Tam tạng Pāli có một dụng ý khác quan trọng hơn. Trước năm 1952, Việt Nam chúng ta chỉ biết có một số kinh Đại thừa căn bản, như Kinh Lăng nghiêm, Kinh Pháp hoa, Kinh Bát-nhã, Kinh Kim cang, Kinh Di-đà, v.v... dầu rằng chúng ta vẫn có Hán tạng hết sức phong phú, nhưng ít người nghiên cứu. Các Kinh A-hàm,Kinh Tứ thập nhị chương, Kinh Di giáo cũng có được đề cập. Tuy có biết, nhưng không dám học vì theo tứ y, cần phải “y liễu nghĩa kinh, bất y bất liễu nghĩa kinh.”

“Qua Tích Lan, chúng tôi được biết đến Tam tạng Pāli, rất là phong phú, rất gần với lời dạy nguyên thủy của đức Phật, lại được phổ biến rộng rãi ở năm châu. Qua Ấn Độ, chúng tôi được biết thêm tạng Sanskrit dồi dào và phong phú hơn cả tạng Pāli, nhưng nguyên bản gần như mất hết cả, ngoại trừ vài chục bộ mới tìm lại được. Cũng may tạng Sanskrit được dịch ra tạng Tây Tạng và Hán tạng, và nhờ vậy, hai tạng dịch này là kho tài liệu khá đầy đủ cho nguyên tạng Sanskrit. Nhưng nếu Pāli là Tam tạng vừa là nguyên thủy, vừa là của học phái Thượng Tọa bộ, thì tạng Sanskrit phong phú hơn, là Tam tạng vừa thuộc nguyên thủy, vừa thuộc nhiều học phái như Nhất Thiết Hữu bộ, Đại Chúng bộ, Đàm-vô-đức bộ, Di-sa-tắc bộ, v.v... và cũng vừa là tạng của Đại thừa. Giá trị của hai tạng dịch là như vậy, và tạng Trung Hoa cũng có dịch một số Kinh tạng Pāli có thể do Ngài Pháp Hiển, thế kỷ thứ IV - V đem từ Tích Lan về. Nếu chúng ta muốn tìm đến tạng nào hay kinh nào có thể là đại diện cho Nguyên thủy, chúng ta chỉ cần so sánh Kinh tạng, Luật tạng Pāli và Kinh tạng A-hàm và Luật tạng các học phái. Những điểm nào giống nhau, thời chúng ta có thể chấp nhận là tạng Nguyên thủy. Những điểm dị biệt có thể là do dị biệt lập trường của các học phái. Cho dịch Kinh Trường bộ này, chúng tôi không mong gì hơn là giới thiệu tạng Pāli cho Phật tử và học giả Việt Nam và cũng mở đầu một môn học mới, tức là môn Tỷ giảo học giữa Kinh tạng, Luật tạng Pāli và tạng chữ Hán tương đương. Môn Tỷ giảo học này sẽ giúp chúng ta hiểu được thế nào là tạng Nguyên thủy của Phật giáo.

Có người sẽ cho rằng, dịch tạng Pāli là tuyên truyền cho Tiểu thừa, phản lại tư tưởng Đại thừa. Chúng ta nên chấm dứt ngay thái độ ngây thơ và buồn cười này. Đạo Phật không có Đại thừa, Tiểu thừa, không có Nam tông, Bắc tông. Đạo Phật gồm có một số giáo lý căn bản mà học phái nào cũng phải tôn trọng, một số pháp môn thiết yếu mà đệ tử Phật nào cũng phải y cứ để tu hành, nếu không muốn lạc vào tà giáo, ngoại đạo. Cho dịch tạng Pāli là chúng tôi muốn giới thiệu và tìm hiểu số giáo lý căn bản ấy và số pháp môn thiết yếu ấy. Những danh từ Đại thừa, Tiểu thừa, Nam tông, Bắc tông là những danh từ được đẻ ra sau này để phân biệt các học phái, và một học phái chỉ được gọi là học phái Phật giáo khi nào học phái ấy tôn trọng và trung thực với số giáo lý, số pháp môn căn bản ấy.

Ngày nay, một nhà nghiên cứu Phật giáo phải biết đến Phật giáo Nguyên thủy, phải biết đến Phật giáo các học phái và phải biết đến Phật giáo Đại thừa mới có thể có một cái nhìn đại thể về lịch sử tư tưởng Phật giáo. Sau khi nắm được cái nhìn đại thể, vị ấy có thể chọn lấy một ngành nào, hay một pháp môn nào làm ngành chuyên môn của mình. Cho dịch Kinh tạng Pāli, chúng tôi muốn giúp phần tài liệu nghiên cứu cho các nhà học giả ấy để có thể biết đến Phật giáo Nguyên thủy và biết đến học phái Thượng Tọa bộ, một học phái có tiếng là bảo thủ nhất, trung thành với tư tưởng và lối sống Phật giáo Nguyên thủy nhất, và là học phái duy nhất gìn giữ được gần như trọn vẹn cả ba tạng giáo điển.

Hơn thế nữa, ngày nay chúng ta nhận thấy một chiều hướng mới đã bắt đầu sống dậy trong những nhà tìm hiểu tư tưởng Phật giáo, một chiều hướng đi ngược lên Phật giáo Nguyên thủy, tìm hiểu những căn bản giáo lý mà phần lớn các học phái chấp nhận, giới thiệu một lối sống đích thực, đức Phật muốn giảng dạy cho các đệ tử để sống ngay với đời sống hiện tại, khỏi phải qua những phân ly của các học phái, hay những mê tín, dị đoan, cuồng tín, v.v... đã dần dần xâm nhập vào đạo Phật, làm mất bản chất thuần túy của đạo Phật nghìn xưa. Hơn nữa, ngày nay người ta dần dần ý thức rằng chỉ có đạo Phật Nguyên thủy mới đáp ứng được những đòi hỏi của một thế giới khoa học hiện tại. Một tôn giáo muốn được giới trí thức trẻ hiện tại chấp nhận, vừa phải không mâu thuẫn với những phát minh khoa học mới mẻ nhất, vừa phải giải quyết được những vấn đề thuộc phạm vi của con người ở thế kỷ thứ hai mươi, hai mốt này, và chỉ có đạo Phật Nguyên thủy mới may ra đáp ứng được những đòi hỏi trên. Cho dịch tập Kinh Trường bộ này, chúng tôi nuôi dưỡng một hy vọng rất khiêm tốn, là giới thiệu được tới tay các học giả và các Phật tử, một phần nào những lời dạy thật sự nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất của đạo Phật.”

(Lời Giới thiệu Kinh Trường bộ, tập IV, 1972)

“Cho dịch và cho in các bản kinh Pāli, tôi không mong muốn gì hơn là để các Phật tử, các học giả, các sinh viên được đọc thẳng vào những kinh điển thật sự nguyên thủy hay gần nguyên thủy nhất, và tự mình tìm hiểu những lời dạy thật sự của đức Phật, khỏi phải qua những lập trường của các bộ phái. Nhất là khỏi phải qua những xuyên tạc của những học giả và những Phật tử muốn giải thích đạo Phật theo dục vọng và tà kiến của mình.”

“Đạo Phật không cần đến những đoàn người theo đạo Phật, theo một cách ồ ạt mù quáng, theo một cách thụ động nhắm mắt, hay tự mình bóp méo xuyên tạc đạo Phật theo tà kiến dục vọng của mình. Chính Kinh Đại Bát-niết-bàn, trang 124-126, tập III này có ghi rằng, dầu chúng ta có nghe vị Tỷ-kheo nào nói tự thân nghe đức Phật, tự thân nghe các vị Thượng tọa, Thủ chúng, v.v… nói như vậy là Pháp, như vậy là Luật, đức Phật khuyên cũng không được tán thán, đả kích, chấp thuận hay từ bỏ ngay, mà phải so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, có phù hợp mới được chấp nhận, không phù hợp thời phải từ bỏ. Đạo Phật đòi hỏi sự nhận xét, tìm hiểu, suy tư cá nhân rất nhiều. Nhưng chúng ta chỉ có thể nhận xét, tìm hiểu, suy tư khi chúng ta được đọc những lời dạy nguyên thủy nhất hay gần nguyên thủy nhất của đức Phật. Đó là nguyên nhân và động lực khiến tôi phải lo dịch và in bản Kinh Trường bộ này.”

(Lời Giới thiệu Kinh Trường bộ, tập III, 1972)