Tam tạng Thánh điển PGVN 01 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 01 »
Kinh Trường Bộ
HT Thích Minh Châu Dịch
Phật giáo nguyên thuỷ/Kinh Tạng Pali/Kinh Trường Bộ
359. Như vầy tôi nghe.
Một thời, đức Thế Tôn trú tại Vesāli (Tỳ-xá-ly), ở giảng đường Trùng Các, trong Ðại Lâm. Lúc bấy giờ, một số đông sứ giả Bà-la-môn nước Kosala (Câu-tát-la) và nước Magadha (Ma-kiệt-đà) đang ở tại Vesāli vì một vài công việc.
Những vị sứ giả ấy được nghe như sau: “Này các Tôn giả, Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca hiện nay đang trú tại Vesāli, ở giảng đường Trùng Các, Ðại Lâm. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: ‘Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài đã tự chứng ngộ thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, sau đó tuyên thuyết điều đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có văn, có nghĩa, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.’ Nếu được yết kiến một vị A-la-hán như vậy thì rất quý.”
360. Những vị sứ giả Bà-la-môn ở Kosala và ở Magadha ấy đi đến giảng đường tại Ðại Lâm. Lúc bấy giờ, Đại đức Nāgita là thị giả đức Thế Tôn. Những vị sứ giả Bà-la-môn ở Kosala và ở Magadha ấy đi đến chỗ Đại đức Nāgita ở và thưa:
– Hiền giả Nāgita, hiện nay Tôn giả Gotama ở tại đâu, chúng tôi muốn yết kiến Tôn giả Gotama.
– Các Hiền giả, nay không phải thời yết kiến đức Thế Tôn, đức Thế Tôn đang chỉ tịnh.
Những sứ giả Bà-la-môn ở Kosala và Magadha liền ngồi xuống tại một bên và nói:
– Sau khi được yết kiến Tôn giả Gotama, chúng tôi mới đi.
361. Oṭṭhaddha (Môi thỏ), người Licchavi, cùng với một số đông dân chúng Licchavi cũng đi đến giảng đường Trùng Các trong Ðại Lâm, gặp Đại đức Nāgita, đảnh lễ vị này rồi đứng một bên. Oṭṭhaddha, người Licchavi, thưa với Đại đức Nāgita:
– Hiện nay đức Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác ở tại đâu, chúng con muốn yết kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác.
– Mahāli, nay không phải thời yết kiến đức Thế Tôn, đức Thế Tôn đang chỉ tịnh.
Oṭṭhaddha, người Licchavi, liền ngồi xuống một bên tại chỗ ấy và nói:
– Sau khi được yết kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác, con mới đi.
362. Khi ấy, Sa-di Sīha đến Đại đức Nāgita, đảnh lễ Đại đức và đứng một bên. Sau khi đứng một bên, Sa-di Sīha nói với Đại đức Nāgita:
– Bạch Đại đức Kassapa (Ca-diếp),[2] một số đông sứ giả Bà-la-môn ở Kosala và Magadha đã đến đây để yết kiến đức Thế Tôn; Oṭṭhaddha, người Licchavi, cũng đến đây với số đông dân chúng Licchavi để yết kiến đức Thế Tôn. Ðại đức Kassapa, lành thay nếu những vị này được yết kiến đức Thế Tôn!
– Vậy Sīha hãy thưa với đức Thế Tôn.
– Thưa vâng, bạch Ðại đức.
Sa-di Sīha[3] vâng theo lời dạy của Đại đức Nāgita, đến tại chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài rồi đứng một bên. Sa-di Sīha sau khi đứng một bên liền bạch đức Thế Tôn:
– Bạch đức Thế Tôn, một số đông sứ giả Bà-la-môn ở Kosala và Magadha đến đây để yết kiến đức Thế Tôn; Oṭṭhaddha, người Licchavi, cùng một số đông dân chúng Licchavi đã đến đây để yết kiến đức Thế Tôn. Lành thay nếu những vị này được yết kiến đức Thế Tôn!
– Này Sīha, hãy dọn chỗ ngồi trong bóng mát, phía trước ngôi tinh xá.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Sa-di Sīha vâng theo lời dạy đức Thế Tôn, sắp đặt một chỗ ngồi trong bóng mát phía trước ngôi tinh xá.
363. Đức Thế Tôn đi ra khỏi tinh xá và ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn trong bóng mát, phía trước ngôi tinh xá.
Rồi các sứ giả Bà-la-môn ở Kosala và ở Magadha đến tại chỗ đức Phật, nói lên những lời chúc tụng thân hữu và xã giao với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Oṭṭhaddha, người Licchavi, cùng với một số lớn dân Licchavi cũng đến tại chỗ đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.
364. Sau khi ngồi xuống một bên, Oṭṭhaddha, người Licchavi, thưa với Thế Tôn:
– Bạch Ðại đức, hai ba ngày về trước, Sunakkhatta, dòng họ Licchavi, đến chỗ con ở và nói với con: “Này Mahāli, từ khi tôi sống gần đức Phật, không lâu quá ba năm, tôi được thấy những thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không được nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi.” Bạch Thế Tôn, những thiên âm mà Sunakkhatta, dòng họ Licchavi, không nghe, những thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, không hiểu những thiên âm ấy có thật hay không có thật?
365. – Này Mahāli, những thiên âm mà Sunakkhatta, dòng họ Licchavi, không nghe, những thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, những thiên âm ấy có thật, không phải không có.
– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì những thiên âm mà Sunakkhatta, dòng họ Licchavi, không nghe, những thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, những thiên âm ấy có thật, không phải là không có?
366. – Này Mahāli, có Tỷ-kheo tu định nhất hướng, hướng về phía Đông với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì vị này tu định nhất hướng, hướng về phía Đông với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nên vị này thấy được về phía Đông các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì sao vậy? Này Mahāli, vì Tỷ-kheo này trong khi tu định nhất hướng, hướng về phía Đông chỉ với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi.
367. Lại nữa, này Mahāli, có vị Tỷ-kheo tu định nhất hướng, hướng về phía Nam… phía Tây… phía Bắc… về phía trên… về phía dưới, hướng ngang với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì vị này tu định nhất hướng, hướng về phía dưới, hướng ngang với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nên vị này thấy được về phía dưới, hướng ngang, các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì sao vậy? Này Mahāli, vì Tỷ-kheo này trong khi tu định nhất hướng, hướng về phía dưới, hướng ngang chỉ với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi.
368. Này Mahāli, có vị Tỷ-kheo tu định nhất hướng, hướng về phía Đông với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì vị này tu định nhất hướng, hướng về phía Đông với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nên vị này nghe được về phía Đông các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không thấy được các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì sao vậy? Này Mahāli, vì vị Tỷ-kheo này trong khi tu định nhất hướng, hướng về phía Đông chỉ với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi.
369. Lại nữa, này Mahāli, có Tỷ-kheo tu định nhất hướng, hướng về phía Nam… về phía Tây… về phía Bắc… về phía trên… về phía dưới, hướng ngang với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì vị này tu định nhất hướng, hướng về phía dưới, hướng ngang với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nên vị này nghe được về phía dưới, hướng ngang, các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không thấy được các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì sao vậy? Này Mahāli, vì Tỷ-kheo này trong khi tu định nhất hướng, hướng về phía dưới, hướng ngang chỉ với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi.
370. Này Mahāli, có Tỷ-kheo tu định nhị hướng, hướng về phía Đông với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi và với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì vị này tu định nhị hướng, hướng về phía Đông với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi và với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nên vị này hướng về phía Đông thấy được các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi và nghe được các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì sao vậy? Này Mahāli, vì Tỷ-kheo này trong khi tu định nhị hướng, hướng về phía Đông với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi và với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi.
371. Này Mahāli, có vị Tỷ-kheo tu định nhị hướng, hướng về phía Nam… về phía Tây… về phía Bắc… về phía trên… về phía dưới, hướng ngang với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi và với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì vị này tu định nhị hướng, hướng về phía dưới, hướng ngang với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi và với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nên vị này hướng về phía dưới, hướng ngang, thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi và nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì cớ sao? Này Mahāli, vì Tỷ-kheo này trong khi tu định nhị hướng, hướng về phía dưới, hướng ngang với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi và với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Này Mahāli, do nhân này, do duyên này, những thiên âm mà Sunakkhata, dòng họ Licchavi, không nghe, những thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, những thiên âm ấy có thật, không phải là không có.
372. – Bạch Thế Tôn, như vậy có phải muốn chứng được các pháp thiền định ấy mà các Tỷ-kheo sống đời Phạm hạnh dưới [sự chỉ dạy của] Thế Tôn?
– Này Mahāli, không phải muốn chứng được các pháp thiền định ấy mà các Tỷ-kheo sống đời Phạm hạnh dưới [sự chỉ dạy của] Ta. Này Mahāli, có những pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn. Vì muốn chứng được những pháp ấy, các vị Tỷ-kheo sống đời Phạm hạnh dưới [sự chỉ dạy của] Ta.
373. – Bạch Thế Tôn, những pháp ấy, cao thượng hơn, thù thắng hơn là gì mà các vị Tỷ-kheo vì muốn chứng được những pháp ấy, sống đời Phạm hạnh dưới [sự chỉ dạy của] Thế Tôn?
– Này Mahāli, ở đây Tỷ-kheo đoạn dứt ba kiết sử, thành bậc Dự lưu, không đọa ác thú, chắc chắn đạt quả Bồ-đề. Này Mahāli, pháp này cao thượng và thù thắng hơn. Vì muốn chứng được pháp này, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới [sự chỉ dạy của] Ta.
Lại nữa, này Mahāli, Tỷ-kheo đoạn dứt ba kiết sử, làm nhẹ bớt tham, sân, si, thành bậc Nhứt Lai, còn phải sanh lại trong đời này một lần nữa trước khi diệt hẳn khổ đau. Này Mahāli, pháp này cao thượng hơn và thù thắng hơn. Vì muốn chứng được pháp này, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới [sự chỉ dạy của] Ta.
Lại nữa, này Mahāli, vị Tỷ-kheo đã đoạn dứt năm hạ phần kiết sử, thành vị Hóa sanh, nhập Niết-bàn tại đây, không còn phải trở lại thế giới này nữa. Này Mahāli, pháp này cao thượng hơn và thù thắng hơn. Vì muốn chứng được pháp này, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới [sự chỉ dạy của] Ta.
Lại nữa, này Mahāli, vị Tỷ-kheo do đoạn trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình chứng tri, chứng ngộ và an trú Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát. Này Mahāli, pháp này cao thượng hơn và thù thắng hơn. Vì muốn chứng được pháp này, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới [sự chỉ dạy của] Ta.
Này Mahāli, những pháp cao thượng và thù thắng này, vì muốn chứng được pháp ấy, các Tỷ-kheo sống Phạm hạnh dưới [sự chỉ dạy của] Ta.
374. – Bạch Thế Tôn, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến sự chứng ngộ những pháp ấy?
– Này Mahāli, có con đường, có đạo lộ đưa đến sự chứng ngộ những pháp ấy.
375. – Bạch Thế Tôn, con đường, đạo lộ đưa đến sự chứng ngộ những pháp ấy là gì?
– Ðó là con đường Thánh có tám ngành: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này Mahāli, con đường này, đạo lộ này đưa đến sự chứng ngộ những pháp ấy.
376. Này Mahāli, một thời, Ta ở Kosambī, vườn Ghositārāma. Lúc bấy giờ, có hai người xuất gia, Muṇḍiya - một vị du sĩ, và Jāliya - đệ tử của Dārupattaka, đến tại chỗ Ta ở, nói lên những lời chúc tụng thân hữu và xã giao với Ta rồi đứng một bên. Sau khi đứng một bên, hai vị xuất gia nói với Ta như sau:
– Này Hiền giả: “Mạng căn và thân thể là một hay là khác?”
377. – Này Hiền giả, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
– Vâng, Hiền giả.
Hai vị xuất gia trả lời Ta như thế và Ta nói như sau:
– Này Hiền giả, ở đây, Như Lai sanh ra đời, vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác… (như Kinh Sa-môn quả, đoạn 190-212)... Này Hiền giả, như vậy vị Tỷ-kheo thành tựu giới hạnh... chứng và an trú Thiền thứ nhất. Này Hiền giả, khi Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy có sẵn sàng đề cập đến vấn đề: “Mạng căn và thân thể là một hay khác” không?
Này Hiền giả, Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy sẵn sàng đề cập đến vấn đề: “Mạng căn và thân thể là một hay khác.”
Này Hiền giả, tuy Ta biết như vậy, thấy như vậy nhưng Ta không nói: “Mạng căn và thân thể là một hay khác.”
... chứng và an trú Thiền thứ hai... Thiền thứ ba... Thiền thứ tư. Này Hiền giả, khi Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy có sẵn sàng đề cập đến vấn đề: “Mạng căn và thân thể là một hay khác” không?
Này Hiền giả, Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy sẵn sàng đề cập đến vấn đề: “Mạng căn và thân thể là một hay khác.”
Này Hiền giả, tuy Ta biết như vậy, thấy như vậy nhưng Ta không nói: “Mạng căn và thân thể là một hay khác.”
Vị ấy hướng tâm, dẫn tâm đến tri kiến. Này Hiền giả, khi vị Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy có sẵn sàng đề cập đến vấn đề: “Mạng căn và thân thể là một hay khác” không?
Này Hiền giả, vị Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy sẵn sàng đề cập đến vấn đề: “Mạng căn và thân thể là một hay khác.”
Này Hiền giả, tuy Ta biết như vậy, thấy như vậy, nhưng Ta không nói: “Mạng căn và thân thể là một hay khác.”
... Vị ấy biết: “Sau đời này sẽ không có đời khác nữa.” Này Hiền giả, khi Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy có sẵn sàng đề cập đến vấn đề: “Mạng căn và thân thể là một hay khác” không?
Này Hiền giả, vị Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy sẵn sàng đề cập đến vấn đề: “Mạng căn và thân thể là một hay khác.”
Này Hiền giả, tuy Ta biết như vậy, thấy như vậy nhưng Ta không nói: “Mạng căn và thân thể là một hay khác.”
Ðức Thế Tôn thuyết như vậy, Oṭṭhaddha, người Licchavi, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.