Viện Nghiên Cứu Phật Học

TRÍCH LỜI GIỚI THIỆU CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU

 

Kinh Tăng chi bộ (như tên đã chỉ dẫn) là một bộ kinh được sắp đặt theo pháp số, từ một pháp lên đến 11 pháp, cứ mỗi chương tăng thêm một pháp đến số 11 pháp. Trong Chương Một pháp (Ekanipāla), gồm các kinh đề cập đến một pháp. Trong Chương Hai pháp (Dvenipāla) gồm các kinh đề cập đến hai pháp và tuần tự lên đến 11 pháp (Ekādasanipāla). Số kinh được ghi nhận là hơn 2.308 kinh, nhưng con số này không được chính xác vì số kinh phân biệt không được rõ ràng. Kinh Tăng chi bộ được chia làm 11 chương, từ “Chương Một pháp” cho đến “Chương Mười một pháp” và phân thành năm tập.”

Bộ Kinh Tăng chi bộ Pāli có bộ chữ Hán tương đương là bộ Tăng nhất A-hàm, do Ngài Tăng-già-đề-dà dịch, tức là Ngài Saṃghadeva, cùng một dịch giả với bộ Trung A-hàm.”

“Như các kinh trước, nay chúng tôi chỉ lo dịch cho xong, dịch cho đủ và dịch cho chính xác, chứ không có thể làm gì hơn, vì không có thì giờ, và không có người phụ giúp. Chúng tôi chưa thể giới thiệu về nội dung được vì các vấn đề được đề cập rất là phong phú, dồi dào và không được phân loại theo những tiêu chuẩn nhất định, chỉ sau khi dịch xong trọn bộ mới có thể đi sâu vào nội dung và phân loại các vấn đề được đề cập.”

“Chúng tôi cũng chưa làm được các bảng mục lục về tên kinh, tên người, các địa danh, các giáo lý được đề cập, các ví dụ, vì không có thì giờ, và không có người phụ tá. Những việc này thật sự không có gì khó khăn, chỉ cần kiên trì, chịu khó và có thì giờ.

Ngoài ra, có vấn đề tự điển Pāli-Việt, Việt-Pāli, vấn đề này làm tương đối dễ dàng, vì dịch xong hai ba bộ kinh thì có thể làm được. Nhưng dịch là cả một vấn đề uyển chuyển và linh động. Cũng một danh từ, nhưng có đoạn phải dịch khác, với nghĩa khác. Cũng như có những đoạn tương tự, nhưng khi dịch, các danh từ dùng lại khác nhau. Cho nên, phải chờ dịch xong cả năm bộ kinh, rồi làm một sự chọn lọc tổng quát các danh từ, các câu văn, thời khi ấy công trình làm tự điển Pāli-Việt, Việt-Pāli mới có thể hoàn thành tốt đẹp.

Một vấn đề nữa cũng làm chúng tôi bận tâm là tìm những kinh, những đoạn văn tương đương giữa Kinh tạng Pāli và Kinh tạng A-hàm chữ Hán. Chúng tôi tin rằng hai tạng kinh có những đoạn giống nhau, có nhiều đoạn bổ túc cho xxii nhau, có những đoạn soi sáng cho nhau. Nhưng muốn khai thác những điểm này cho được chính xác, cần phải dùng nhiều thì giờ và nhiều dụng công và như vậy có trở ngại cho sự phiên dịch hiện tại. Do vậy, chúng tôi quyết định, phải tạm gác vấn đề đối chiếu hai tạng một bên, hoặc chờ sau khi phiên dịch năm bộ Kinh tạng Pāli rồi sẽ làm; hay chờ một vị nào khác làm cho vấn đề này.”

(Lời Giới thiệu Kinh Tăng chi bộ, tập I, 1980)

“Một điều kỳ diệu nữa trong lời dạy của đức Phật là đối tượng thuyết pháp của Ngài không có xa lạ gì, chính là cái thân dài mấy tầm này, cái thân gọi là năm uẩn, không phải cái thân thuộc 2525 năm về trước, mà chính là cái thân hiện tại của chúng ta, với sắc tướng như thế này, với cảm thọ như thế này, với tưởng tượng như thế này, với các hành như thế này, với các thức như thế này. Chính trên cái thân có mấy tầm này, có tư tâm sở (Cetanā: Hành uẩn) làm chủ yếu. Với tư tâm sở, thân làm điều ác, miệng nói điều ác, ý nghĩ ác, thời cảnh giới địa ngục, súc sanh hiện ra. Nếu với tư tâm sở, thân làm điều lành, miệng nói lời lành, ý suy nghĩ lành, thời thế giới chư thiên hiện ra ngay trong hiện tại. Với tư tâm sở ấy, nếu chúng ta sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, uống rượu men rượu nấu, chúng ta trở thành đê tiện nam, đê tiện nữ. Trái lại, chúng ta giữ trọn năm giới cấm, chúng ta trở thành thiên nam, thiên nữ. Cũng chính với cái thân mấy tầm này, chúng ta sống lành mạnh, chí thiện, hành trì Bốn thiền, Hiện tại lạc trú, hướng đến Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát, thời chính cái thân này của chúng ta tỏa rộng ra Giới hương, Định hương, Tuệ hương, Giải thoát hương, Giải thoát tri kiến hương. Lời dạy của đức Phật chỉ cho chúng ta rõ đâu là con đường ác cần phải từ bỏ, đâu là con đường thiện cần phải thực hành, đâu là Giới Định Tuệ cần phải tu tập để hướng tiến trên con đường đạo. Với sự giải thoát và giác ngộ của Ngài, những lời dạy của Ngài bao giờ cũng thấm nhuần giải thoát và giác ngộ, cũng là những sức mạnh hướng dẫn đến giác ngộ giải thoát.

Viện Phật học Vạn Hạnh chúng tôi với tâm niệm đề cao và phổ biến Chánh pháp, luôn luôn cố gắng để phiên dịch Kinh tạng Pāli, xuất bản và phát hành dịch tạng này trong các ngày Lễ lớn, đặc biệt là ngày Phật đản. Những Kinh tạng này được sưu tầm và phổ biến trước khi đạo Phật chia thành Nam tông và Bắc tông, Đại thừa và Tiểu thừa, chứa đựng những lời dạy thật sự nguyên thủy, không rơi vào những chia ly của các học phái, những phát triển của Luận tạng.

Chúng tôi có thể nói sự chia rẽ thành các học phái khác biệt như Thượng Tọa bộ, Đại Chúng bộ, Nhất Thiết Hữu bộ, v.v… Nam tông, Bắc tông, v.v… bắt nguồn từ Văn học Jātaka (Bổn sanh), Văn học Luật tạng (Vinaya) và Văn học Luận tạng (Abhidhamma). Do vậy Kinh tạng (Suttanta) nay đã được thế giới học Phật xem là những giáo lý căn bản chung cho tất cả các học phái, chung cho cả Nam tông, Bắc tông, chung cho cả Đại thừa và Tiểu thừa.”

(Lời Giới thiệu Kinh Tăng chi bộ, tập IIA, 1981)

 “Điều nổi bật trong các kinh này là nói lên được trí tuệ vô thượng của đức Phật, những điều Ngài dạy liên hệ đến con người chúng ta, đến đời sống hằng ngày của con người. Ngài khuyên chúng ta nên nhìn thẳng vào thực trạng cuộc đời, nhìn vấn đề sanh, lão, bệnh, tử, đang chi phối con người chúng ta, nhìn mà không hốt hoảng, lo sợ, than khóc như kẻ phàm phu, nhìn mà không kiêu mạn trong tuổi trẻ, trong sức khỏe, trong sự sống và làm các hành động bất thiện thuộc tham, sân, si như một số người đã làm. Đức Phật khuyên các Thánh đệ tử có học, có trí, nhìn thẳng vào thực trạng sanh, lão, bệnh, tử của con người, và khi sanh đến, già đến, bệnh đến, chết đến, không có hốt hoảng, không có lo sợ, không có than khóc, nhìn thẳng vào đời để tìm thấy con đường đưa đến diệt tận khổ đau. Các kinh như Kinh Kakudha thuộc chương V (kinh 100), hay Kinh Đem lại An lạc thuộc chương V (kinh 104) giới thiệu cho chúng ta rõ năm bậc đạo sư, và đức Phật là vị Đạo sư có giới thanh tịnh, có sanh mạng thanh tịnh, có tri kiến thanh tịnh và đức Phật đích thực là một Đạo sư đem lại an lạc của Sa-môn cho các bậc Sa-môn, Bà-la-môn.

Một số kinh cũng giới thiệu cho chúng ta rõ vai trò quan trọng của Chánh pháp (Dhamma) và đức Phật đã cung kính Pháp như thế nào, đã thuyết pháp cẩn thận như thế nào cho các loài chúng sanh và các loài hữu tình. Chính nghe pháp, thẩm sát ý nghĩa pháp được tuyên dạy đã giúp cho Thánh đệ tử đoạn được năm hạ phần kiết sử, đạt được vô thượng đoạn diệt sanh y, đưa đến chấm dứt sanh, lão, bệnh, tử, chấm dứt trọn vẹn khổ đau.”

(Lời Giới thiệu Kinh Tăng chi bộ, tập IIB, 1981)

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.