Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/Chương XI. Mười một Pháp (Ekādasakanipāta)/II. Phẩm Tùy niệm (Anussativagga)
IV. KINH SUBHŪTI (Subhūtisutta) (A. V. 337)
14. Rồi Tôn giả Subhūti,22 cùng với một Tỷ-kheo có lòng tin đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Subhūti đang ngồi một bên:
- Này Subhūti, Tỷ-kheo này là ai?
– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này là [Saddha] người có lòng tin, con một nam cư sĩ có lòng tin, đã vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
– Này Subhūti, Tỷ-kheo có lòng tin này, con một nam cư sĩ có lòng tin, đã xuất gia vì lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, người ấy có được thấy là sống trong những tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin không?
– Bạch Thế Tôn, nay là thời cho vấn đề này! Bạch Thiện Thệ, nay là thời cho vấn đề này, để Thế Tôn thuyết các tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin, nay con sẽ biết được: “Vị Tỷ-kheo này có được thấy là sống trong những tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin hay không?”
– Vậy này Subhūti, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Subhūti vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Ở đây, này Subhūti, Tỷ-kheo có giới,23 sống chế ngự với sự chế ngự của Giới bổn (Pātimokkha), đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu học trong các học pháp. Này Subhūti, vị Tỷ-kheo nào có giới, sống chế ngự với sự chế ngự của Giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu học trong các học pháp, này Subhūti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
Lại nữa, này Subhūti, Tỷ-kheo nghe nhiều, thọ trì những gì đã nghe, tích tập những gì đã nghe; những pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có văn, có nghĩa, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã thọ trì, đã tụng đọc bằng lời, đã quán sát với ý, đã khéo thể nhập với chánh kiến. Này Subhūti, Tỷ-kheo nào nghe nhiều... với chánh kiến, này Subhūti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
Lại nữa, này Subhūti, Tỷ-kheo làm bạn với thiện hữu, thân với thiện hữu, giao thiệp với thiện hữu. Này Subhūti, Tỷ-kheo nào làm bạn với thiện hữu, thân với thiện hữu, giao thiệp với thiện hữu, này Subhūti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
Lại nữa, này Subhūti, Tỷ-kheo là người dễ nói, thành tựu những pháp tác thành người dễ nói, kham nhẫn và khéo chấp nhận những lời giáo giới. Này Subhūti, Tỷ-kheo nào dễ nói, thành tựu những pháp tác thành người dễ nói, kham nhẫn và khéo chấp nhận những lời giáo giới, này Subhūti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
Lại nữa, này Subhūti, Tỷ-kheo phàm có những công việc gì cần phải làm, hoặc lớn, hoặc nhỏ, đối với các vị đồng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy khéo léo và tinh cần, thành tựu sự quán sát các phương tiện, vừa đủ để làm, vừa đủ để tổ chức. Này Subhūti, Tỷ-kheo nào, phàm có những công việc gì... vừa đủ để tổ chức, này Subhūti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
Lại nữa, này Subhūti, Tỷ-kheo ưa pháp, lời nói dễ thương, hân hoan lớn trong Thắng pháp, trong Thắng luật. Này Subhūti, phàm Tỷ-kheo nào ưa pháp, lời nói dễ thương, hân hoan lớn trong Thắng pháp, trong Thắng luật, này Subhūti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
Lại nữa, này Subhūti, Tỷ-kheo sống tinh cần tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, nỗ lực kiên trì, không bỏ rơi gánh nặng đối với các thiện pháp. Này Subhūti, phàm vị Tỷ-kheo nào sống tinh cần tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, nỗ lực kiên trì, không bỏ rơi gánh nặng đối với các thiện pháp, này Subhūti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
Lại nữa, này Subhūti, Tỷ-kheo đối với bốn thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Này Subhūti, phàm vị Tỷ-kheo đối với bốn thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức, này Subhūti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
Lại nữa, này Subhūti, Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, sáu đời, bảy đời, tám đời, chín đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây.” Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Subhūti, phàm Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ như một đời, hai đời... vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ với các nét đại cương và các chi tiết, này Subhūti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của một người có lòng tin.
Lại nữa, này Subhūti, Tỷ-kheo với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, ngữ và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này sau khi thân hoại mệnh chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những người này sau khi thân hoại mệnh chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, cõi đời này. Này Subhūti, phàm Tỷ-kheo với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang; người đẹp đẽ, kẻ thô xấu; người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ... này Subhūti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của người có lòng tin.
Lại nữa, này Subhūti, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát. Này Subhūti, Tỷ-kheo do đoạn diệt các lậu hoặc... này Subhūti, đây là tiêu chuẩn về lòng tin của người có lòng tin.
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Subhūti bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, các tiêu chuẩn về lòng tin của người có lòng tin này được Thế Tôn thuyết giảng là có trong Tỷ-kheo này, và Tỷ-kheo này được thấy là có chúng. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này là có giới, sống chế ngự với sự chế ngự của Giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu học trong các học pháp. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này nghe nhiều, thọ trì những gì đã nghe, chất chứa, tích tập những gì đã nghe; những pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có văn, có nghĩa, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh; những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã thọ trì, đã tụng đọc bằng lời, đã quán sát với ý, đã khéo thể nhập với chánh kiến. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này làm bạn với thiện hữu, thân hữu với thiện hữu, giao thiệp với thiện hữu. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này là người dễ nói, thành tựu những pháp tác thành người dễ nói, kham nhẫn và khéo chấp nhận những lời giáo giới. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này, phàm có những công việc gì cần phải làm, hoặc lớn, hoặc nhỏ, đối với các vị đồng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy khéo léo và tinh cần, thành tựu sự quán sát các phương tiện vừa đủ để làm, vừa đủ để tổ chức. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này ưa pháp, lời nói dễ thương, hân hoan lớn trong Thắng pháp, Thắng luật. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này sống tinh cần tinh tấn, đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các pháp thiện, nỗ lực kiên trì, không bỏ rơi gánh nặng đối với các thiện pháp. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này, đối với bốn thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này nhớ đến nhiều đời sống quá khứ như một đời, hai đời... nhớ đến nhiều đời sống quá khứ với các nét đại cương và các chi tiết. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân... rõ biết các chúng sanh, tùy theo hạnh nghiệp của họ. Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo này do đoạn diệt các lậu hoặc... chứng ngộ, chứng đạt và an trú Vô lậu tâm giải thoát, Tuệ giải thoát. Bạch Thế Tôn, các tiêu chuẩn về lòng tin này được Thế Tôn thuyết giảng là có trong Tỷ-kheo này, và Tỷ-kheo này được thấy là có chúng.
– Lành thay! Lành thay! Này Subhūti, ông hãy an trú với Tỷ-kheo có lòng tin này. Khi nào, này Subhūti, ông muốn yết kiến Như Lai, hãy cùng với Tỷ kheo có lòng tin này đi đến yết kiến Như Lai.
Tham khảo
22 Em trai của ông Anāthapiṇdika. Xem Pss. Breth. 4. Chú giải cho rằng Tôn giả còn có tên Saddha là cháu của ông Anāthapiṇdika. Xem S. II. 153
23 Như A. V. 340; GS. V. 219 (kinh 17 ở sau).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.