Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG X MƯỜI PHÁP (DASAKANIPĀTA)/ XXI. PHẨM THÂN DO NGHIỆP SANH (KARAJAKĀYAVAGGA)

VI. KINH PHÁP MÔN QUANH CO (Saṃsappanīyasutta)212 (A. V. 288)

216. – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về pháp môn quanh co và pháp môn Chánh pháp. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Thế nào là pháp môn quanh co,213 này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp môn Chánh pháp?

Này các Tỷ-kheo, chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là sanh căn của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm họ làm nghiệp gì, thiện hay ác, họ là những kẻ thừa tự của nghiệp ấy.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sát sanh, bạo ngược, bàn tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với tất cả loài hữu tình, sinh vật. Vị ấy quanh co với thân, quanh co với lời, quanh co với ý. Thân nghiệp của vị ấy quanh co, ngữ nghiệp của vị ấy quanh co, ý nghiệp của vị ấy quanh co, sanh thú quanh co, sanh thành quanh co. Với người có sanh thú quanh co, này các Tỷ-kheo, có sanh thành quanh co, Ta nói rằng có một trong hai sanh thú sau đây: Các địa ngục nhất hướng đau khổ hay các loài bàng sanh thuộc loại trườn bò. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các loài bàng sanh thuộc loại trườn bò? Loại rắn, bò cạp, con rết, con chồn hôi, con mèo, con chuột, con cú, và bất cứ loài súc vật nào, khi thấy người, trườn bò mà đi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là các sinh vật, sự sanh khởi của sinh vật. Do làm như thế nào, như vậy được sanh ra; và được sanh như thế nào, thời có những cảm xúc như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng các chúng sanh ấy là những kẻ thừa tự nghiệp của mình.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người lấy của không cho... có tà hạnh trong các dục... nói láo... nói hai lưỡi... nói lời thô ác... nói lời phù phiếm... có tham ái... có sân tâm... có tà kiến, có kiến điên đảo rằng: “Không có bố thí, không có cúng thí, không có tế tự; không có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau; không có mẹ, không có cha, không có các loài hóa sanh; ở đời không có các Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, những vị này, sau khi tự mình với thắng trí chứng ngộ đời này, đời sau và tuyên bố. Người ấy quanh co với thân, quanh co với lời, quanh co với ý. Thân nghiệp quanh co, ngữ nghiệp quanh co, ý nghiệp quanh co, sanh thú quanh co, sinh thành quanh co. Với người có sanh thú quanh co, này các Tỷ-kheo, có sanh thành quanh co, Ta nói rằng... Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng các chúng sanh ấy là những kẻ thừa tự nghiệp của mình.

Này các Tỷ-kheo, chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là sanh căn của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm làm nghiệp gì, thiện hay ác, họ thừa tự nghiệp ấy.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sau khi đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và các loài hữu tình. Vị ấy không quanh co với thân, không quanh co với lời, không quanh co với ý, thân nghiệp của vị ấy chánh trực, ngữ nghiệp chánh trực, ý nghiệp chánh trực, sanh thú chánh trực, sanh thành chánh trực. Với người có sanh thú chánh trực, này các Tỷ-kheo, có sanh thành chánh trực, Ta nói rằng có một trong hai sanh thú sau đây: Các thiên giới nhất hướng lạc, hoặc các gia đình cao quý, các Sát-đế-lỵ đại gia, các Bà-la-môn đại gia, các gia chủ đại gia, giàu có, tài sản lớn, vật thọ dụng lớn, vàng bạc nhiều, tài vật nhiều, tài sản lúa gạo nhiều. Do làm như thế nào, như vậy được sanh ra; và được sanh như thế nào, thời có những cảm xúc như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng các chúng sanh ấy là những kẻ thừa tự nghiệp của mình.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho... đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục... đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo... đoạn tận nói hai lưỡi, từ bỏ nói hai lưỡi... đoạn tận nói lời thô ác, từ bỏ nói lời thô ác... đoạn tận nói lời phù phiếm, từ bỏ nói lời phù phiếm... không có tham dục... không có sân tâm… có chánh kiến, không có các kiến điên đảo: “Có bố thí, có cúng thí, có tế tự; có kết quả dị thục các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời sau; có mẹ, có cha, có các loài hóa sanh; ở đời có các Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thành tựu, những vị này, sau khi tự mình với thắng trí chứng ngộ, lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau.” Vị ấy không quanh co với thân, không quanh co với lời, không quanh co với ý, thân nghiệp vị ấy chánh trực, ngữ nghiệp chánh trực, ý nghiệp chánh trực, sanh thú chánh trực, sanh thành chánh trực. Với người có sanh thú chánh trực, này các Tỷ-kheo, có sanh thành chánh trực, Ta nói rằng có một trong hai sanh thú sau đây: Các thiên giới nhất hướng lạc, hoặc các gia đình cao quý, các Sát-đế-lỵ đại gia, các Bà-la-môn đại gia, các gia chủ đại gia, giàu có, tài sản lớn, vật thọ dụng lớn, vàng bạc nhiều, tài vật nhiều, tài sản lúa gạo nhiều. Do làm như thế nào, như vậy được sanh ra; và được sanh như thế nào, thời có những cảm xúc như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng chúng sanh ấy là những kẻ thừa tự nghiệp của mình.

Này các Tỷ-kheo, các chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, là những kẻ thừa tự của nghiệp, là sanh căn của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm làm nghiệp gì, thiện hay ác, họ là những kẻ thừa tự của nghiệp ấy.

Tham khảo:

212 Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1046. 0273c21).

213 Saṃsappa: Loài bò sát trườn bò mà đi, bò quanh co mà đi. Phụ chú: Sự phân vân không quyết định của con nít. A. III. 354 và Chú giải viết paripphandati.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.