Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG X MƯỜI PHÁP (DASAKANIPĀTA)/ X. PHẨM UPĀLI (UPĀLIVAGGA)

VI. KINH KOKANUDA (Kokanudasutta)132 (A. V. 196)

96. Một thời, Tôn giả Ānanda trú ở Rājagaha, tại suối nước nóng Tapodārāma. Rồi Tôn giả Ānanda khi đêm vừa mới sáng, thức dậy đi đến Tapodā để rửa tay chân. Rửa tay chân xong ở Tapodā, sau khi ra khỏi, Tôn giả đứng đắp một y để phơi tay chân cho khô. Bấy giờ, có tu sĩ Kokanuda, khi đêm vừa mới sáng, thức dậy đi đến Tapodā để rửa tay chân. Du sĩ Kokanuda thấy Tôn giả Ānanda từ xa đi đến, sau khi thấy, nói với Tôn giả Ānanda:

– Hiền giả là ai?

– Thưa Hiền giả, tôi là Tỷ-kheo.

– Hiền giả, thuộc về các Tỷ-kheo nào?

– Là Sa-môn Thích tử.

– Này Hiền giả, tôi muốn hỏi Hiền giả một vài vấn đề.

– Nếu Hiền giả cho tôi cơ hội để trả lời câu hỏi thì nay Hiền giả hãy hỏi đi. Sau khi nghe, tôi sẽ được biết.

– Thưa Hiền giả, có phải: “Thế giới là thường còn. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng”, kiến là như vậy có phải không Hiền giả?

– Thưa Hiền giả, tôi không có kiến như vậy: “Thế giới là thường còn. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng.”

– Vậy có phải: “Thế giới là vô thường. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng”, kiến là như vậy có phải không Hiền giả?

– Thưa Hiền giả, tôi không có kiến như vậy: “Thế giới là vô thường, kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng.”

– Thưa Hiền giả, có phải: “Thế giới là có biên tế... Thế giới là không biên tế... Sinh mạng và thân thể là một... Sinh mạng và thân thể là khác... Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại sau khi chết... Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng”, kiến là như vậy có phải không Hiền giả?

– Thưa Hiền giả, tôi không có kiến như vậy: “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng.”

– Vậy thưa Hiền giả, Hiền giả không biết, Hiền giả không thấy.

– Thưa Hiền giả, không phải tôi không biết, không phải tôi không thấy. Thưa Hiền giả, tôi có biết, tôi có thấy.

– Thưa Hiền giả, có phải: “Thế giới là thường còn. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng”? Được hỏi vậy, Hiền giả nói: “Thưa Hiền giả, tôi không có kiến như vậy: ‘Thế giới là thường còn. Kiến này là sự thật, kiến nào là khác là hư vọng.’” Có phải, thưa Hiền giả: “Thế giới là vô thường. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng... Thế giới là có biên tế... Thế giới là không biên tế... Sinh mạng và thân thể là một... Sinh mạng và thân thể là khác... Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại sau khi chết... Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng”? Được hỏi vậy, Hiền giả nói: “Thưa Hiền giả, tôi không có kiến như vậy: ‘Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng.’” Vậy thưa Hiền giả: “Hiền giả không biết, Hiền giả không thấy”? Được hỏi vậy, Hiền giả nói: “Thưa Hiền giả, không phải tôi không biết, không phải tôi không thấy. Thưa Hiền giả, tôi có biết, tôi có thấy.” Vậy thưa Hiền giả, cần phải hiểu như thế nào ý nghĩa lời nói này?

– “Thế giới là thường còn. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng”, thưa Hiền giả, đây là tà kiến. “Thế giới là vô thường. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng”, thưa Hiền giả, đây là tà kiến. “Thế giới có biên tế... Thế giới không biên tế... Sinh mạng và thân thể là một... Sinh mạng và thân thể là khác... Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại sau khi chết... Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng”, thưa Hiền giả, đây là tà kiến. Thưa Hiền giả, xa cho đến như vậy là các tà kiến. Xa cho đến như vậy là kiến xứ, kiến trú, kiến triền phược, kiến khởi, kiến diệt,133 tôi có biết điều ấy, tôi có thấy điều ấy. Do tôi có biết điều ấy, tôi có thấy điều ấy, làm sao tôi lại trả lời: “Tôi không biết, tôi không thấy!” Thưa Hiền giả: “Tôi có biết, tôi có thấy.”

– Hiền giả tên là gì? Và như thế nào các vị đồng Phạm hạnh biết Hiền giả?

– Thưa Hiền giả, Ānanda là tên của tôi. Và các vị đồng Phạm hạnh biết tôi là Ānanda.

– Ôi, tôi đang nói chuyện với Tôn giả Đại sư mà tôi không biết là Tôn giả Ānanda. Nếu tôi biết là Tôn giả Ānanda, tôi đã không nói nhiều như vậy, mong Tôn giả Ānanda tha lỗi cho.

Tham khảo:

132 Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.967. 0248b11); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.210. 0448a22).

133 Chú giải: Đây chỉ là bậc Dự lưu.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.