Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG X MƯỜI PHÁP (DASAKANIPĀTA)/ X. PHẨM UPĀLI (UPĀLIVAGGA)

V. KINH UTTIYA (Uttiyasutta)130 (A. V. 193)

95. Bấy giờ, có du sĩ ngoại đạo Uttiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, du sĩ Uttiya nói với Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, có phải Tôn giả chủ trương thế giới là thường còn. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng?

– Này Uttiya, Ta không có nói như sau: “Thế giới là thường còn. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng.”

– Thưa Tôn giả Gotama, có phải Tôn giả chủ trương thế giới là vô thường. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng?

– Này Uttiya, Ta không có nói như sau: “Thế giới là vô thường. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng.”

– Thưa Tôn giả Gotama, có phải thế giới là có biên tế... thế giới là không biên tế... sinh mạng và thân thể là một... sinh mạng và thân thể là khác... Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại sau khi chết... Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng?

– Này Uttiya, Ta không có nói như sau: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng.”

– Thưa Tôn giả Gotama, có phải thế giới là thường còn, kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng? Được hỏi vậy, Thế Tôn trả lời: “Này Uttiya, Ta không có nói: ‘Thế giới là thường còn. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng.’”

Thưa Tôn giả Gotama, có phải thế giới là vô thường, kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng? Được hỏi vậy, Thế Tôn trả lời: “Này Uttiya, Ta không có nói: ‘Thế giới là vô thường. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng.’”

Thưa Tôn giả Gotama, có phải thế giới là có biên tế... có phải thế giới không có biên tế... có phải sinh mạng và thân thể là một... có phải sinh mạng và thân thể là khác... có phải Như Lai có tồn tại sau khi chết... có phải Như Lai không có tồn tại sau khi chết... có phải Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau chết... có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng? Được hỏi vậy, Thế Tôn trả lời: “Này Uttiya, Ta không có nói: ‘Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng.’” Vậy cái gì được Tôn giả Gotama nói lên?

– Với thắng trí, này Uttiya, Ta thuyết pháp cho các đệ tử để họ được thanh tịnh, để sầu bi được vượt qua, để khổ ưu được chấm dứt, để Thánh lý được chứng đạt, để Niết-bàn được chứng ngộ.

– Nếu Tôn giả Gotama “thuyết pháp cho các đệ tử để họ được thanh tịnh... để Niết-bàn được chứng ngộ”, thời do vậy, cả thế giới này sẽ đi ra khỏi, hay chỉ có một nửa, hay chỉ có một phần ba?

Được nghe nói vậy, Thế Tôn im lặng.

Rồi Tôn giả Ānanda suy nghĩ như sau: “Chớ có để cho du sĩ Uttiya có ác tà kiến rằng: ‘Sa-môn Gotama khi được nghe ta hỏi câu hỏi tối ưu, quan trọng lại tránh né, không có trả lời, không dám trả lời, và như vậy là bất hạnh, là đau khổ lâu dài cho du sĩ Uttiya.’” Rồi Tôn giả Ānanda nói với du sĩ Uttiya:

– Vậy này Hiền giả Uttiya, ta sẽ dùng một ví dụ, chính nhờ ví dụ, ở đây một số người có trí có thể hiểu được ý nghĩa của lời nói. Ví như, này Hiền giả Uttiya, ngôi thành trì biên địa của vua với những nền móng vững chắc, với các thành lũy tháp canh vững chắc và chỉ có một cổng vào. Tại đây, người giữ cổng là người sáng suốt, thông minh, có trí, ngăn chặn những người không quen biết, cho vào những người quen biết. Khi đi tuần trên con đường chạy vòng quanh thành trì ấy, người ấy có thể không thấy một kẽ hở trong thành hay lỗ trống lớn cho đến một con mèo có thể chui qua. Người ấy có thể không biết được: “Từng ấy loài hữu tình đã đi vào hay đi ra thành này”;131 nhưng điều này người ấy biết: “Những loài hữu tình thô lớn nào đi vào hay đi ra thành này, tất cả chúng phải đi vào hay đi ra ngang qua cổng thành này.” Cũng vậy, này Hiền giả Uttiya, đối với Như Lai, không phải là một vấn đề quan trọng [câu hỏi này của ông] là có phải toàn thế giới do vậy được thoát ra khỏi hay nửa phần thế giới, hay là một phần ba. Nhưng điều Như Lai nói là như sau: “Những ai đã được thoát ra khỏi thế giới, hay đang được thoát ra, hay sẽ thoát ra, tất cả những vị ấy, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm ô nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ; sau khi như thật tu tập bảy giác chi, như vậy các vị ấy đã thoát khỏi, đang thoát khỏi, sẽ thoát khỏi thế giới.” Này Hiền giả Uttiya, về câu hỏi mà ông đã hỏi Thế Tôn đứng trên một lập trường khác, đó là lý do tại sao Thế Tôn không trả lời câu hỏi ấy cho ông.

Tham khảo:

130 Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.965. 0247c14); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.199. 0447b19).

131 Câu này không có trong D. II. 83; KS. V. 139.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.