Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG X MƯỜI PHÁP (DASAKANIPĀTA)/ X. PHẨM UPĀLI (UPĀLIVAGGA)

III. KINH CÓ KIẾN GÌ (Kiṃdiṭṭhikasutta)126 (A. V. 185)

93. Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthi, Jetavana, tại khu vườn ông Anāthapiṇḍika. Bấy giờ, có gia chủ Anāthapiṇḍika, vào buổi sáng thật sớm đi ra khỏi Sāvatthi để yết kiến Thế Tôn. Rồi gia chủ Anāthapiṇḍika suy nghĩ: “Nay không phải thời để yết kiến Thế Tôn, Thế Tôn đang thiền tịnh. Cũng không phải thời để yến kiến các vị Tỷ-kheo đang tu tập về ý, các Tỷ-kheo tu tập về ý đang thiền tịnh. Vậy ta hãy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo.” Rồi gia chủ Anāthapiṇḍika đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo.

Lúc bấy giờ, các du sĩ ngoại đạo đang ngồi hội họp, đang tụ họp ồn ào, cao tiếng, lớn tiếng bàn luận những vấn đề phù phiếm. Các du sĩ ngoại đạo ấy thấy gia chủ Anāthapiṇḍika từ xa đi đến, khi thấy vậy liền dặn dò, bảo với nhau: “Hãy bớt ồn ào, các Tôn giả! Chớ có làm ồn, các Tôn giả! Gia chủ Anāthapiṇḍika này đang đến, một đệ tử trong những đệ tử của Sa-môn Gotama có gia đình, mặc áo trắng ở Sāvatthi, gia chủ Anāthapiṇḍika là một trong những vị ấy. Các vị ấy ít ưa ồn ào, được huấn luyện trong ít ồn ào, tán thán ít ồn ào. Nếu vị ấy thấy hội chúng ít ồn ào, vị ấy có thể nghĩ đến thăm ở đây.” Rồi các du sĩ ngoại đạo ấy giữ im lặng.

Rồi gia chủ Anāthapiṇḍika đi đến các du sĩ đạo ấy; sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với gia chủ Anāthapiṇḍika đang ngồi một bên:

– Này gia chủ, hãy nói lên Sa-môn Gotama có kiến gì?

– Thưa các Tôn giả, tôi không biết tất cả kiến của Thế Tôn.

– Này gia chủ, gia chủ có thể không biết tất cả kiến của Sa-môn Gotama. Vậy này gia chủ, hãy nói các Tỷ-kheo có kiến gì?

– Thưa các Tôn giả, tôi không biết tất cả kiến của các Tỷ-kheo.

– Này gia chủ, gia chủ có thể không biết tất cả kiến của Sa-môn Gotama, gia chủ có thể không biết tất cả kiến của các Tỷ-kheo. Vậy này gia chủ, hãy nói về kiến của gia chủ.

– Thưa các Tôn giả, thật không khó gì để tôi trả lời về kiến của tôi. Nhưng các Tôn giả hãy trả lời về kiến của các Tôn giả trước; rồi sau đó, thật không khó gì để tôi trả lời về kiến của tôi.

Khi được nghe nói vậy, một du sĩ ngoại đạo nói với gia chủ Anāthapiṇḍika: “Thường còn là thế giới. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này gia chủ, như vậy là kiến của tôi.”

Một du sĩ ngoại đạo khác nói với gia chủ Anāthapiṇḍika: “Vô thường là thế giới. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này gia chủ, như vậy là kiến của tôi.”

Rồi một du sĩ ngoại đạo khác nói với gia chủ Anāthapiṇḍika: “Có biên tế là thế giới... Không có biên tế là thế giới... Mạng sống127 và thân thể là một... Mạng sống và thân thể là khác... Như Lai128 có tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại sau khi chết... Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này gia chủ, như vậy là kiến của tôi.”

Khi nghe nói vậy, gia chủ Anāthapiṇḍika nói với các du sĩ ngoại đạo ấy:

– Thưa các Tôn giả, Tôn giả nào nói như sau: “Thường còn là thế giới. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này gia chủ, như vậy là kiến của tôi.” Kiến này của Tôn giả ấy, hoặc nhân tự mình tác ý không hợp lý, hoặc do duyên nghe tiếng người khác nói.129 Kiến ấy như vậy được sanh, được tác thành [hữu vi] do tâm suy tư, do duyên khởi lên. Và cái gì được sanh, được tác thành do tâm suy tư, do duyên khởi lên, cái ấy là vô thường; cái gì vô thường, cái ấy là khổ; cái [khổ] ấy, Tôn giả chấp trước [dính vào]; cái [khổ] ấy, Tôn giả chấp nhận.

Thưa các Tôn giả, Tôn giả nào nói như sau: “Vô thường là thế giới này... Có biên tế là thế giới này... Không biên tế là thế giới này... Sinh mạng và thân thể là một... Sinh mạng và thân thể là khác... Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại sau khi chết... Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này gia chủ, như vậy là kiến của tôi.” Kiến này của Tôn giả ấy, hoặc nhân tự mình tác ý không hợp lý, hoặc do duyên nghe tiếng người khác nói. Kiến như vậy được sanh, được tác thành do tâm suy tư, do duyên khởi lên. Và cái gì được sanh, được tác thành do tâm suy tư, do duyên khởi lên, cái ấy là vô thường; cái gì vô thường, cái ấy là khổ; cái [khổ] ấy, Tôn giả chấp trước; cái [khổ] ấy, Tôn giả chấp nhận.

Khi được nghe nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với gia chủ Anāthapiṇḍika:

– Này gia chủ, tất cả kiến của chúng tôi đã được nói lên. Này gia chủ, hãy nói lên kiến của gia chủ là gì?

– Thưa các Tôn giả, phàm cái gì được sanh, được tác thành do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì là khổ, cái ấy là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.” Tôi có kiến như vậy, thưa các Tôn giả.

– Này gia chủ, phàm cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì là khổ, cái ấy, này gia chủ, gia chủ lại chấp trước; cái ấy, này gia chủ, gia chủ lại chấp nhận.

– Thưa các Tôn giả, phàm cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái ấy là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.” Như vậy là như thật khéo thấy với chánh trí tuệ. Và từ nơi khổ ấy, tôi như thật rõ biết sự xuất ly hơn thế nữa.

Khi nghe nói như vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy ngồi im lặng, hoang mang, thụt vai, cúi đầu, sững sờ không nói lên lời.

Rồi gia chủ Anāthapiṇḍika, sau khi biết các du sĩ ngoại đạo ấy im lặng, hoang mang, thụt vai, cúi đầu, sững sờ không nói lên lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ Anāthapiṇḍika, câu chuyện với các du sĩ ngoại đạo ấy như thế nào, đều thuật lại tất cả cho Thế Tôn rõ.

– Lành thay! Lành thay! Này gia chủ, như vậy, những kẻ ngu si ấy thường cần phải được bác bỏ với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp.

Rồi Thế Tôn với một bài pháp thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ gia chủ Anāthapiṇḍika. Rồi gia chủ Anāthapiṇḍika, sau khi được Thế Tôn với bài pháp thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

Rồi Thế Tôn, sau khi gia chủ Anāthapiṇḍika ra đi không bao lâu, bảo các vị Tỷ-kheo:

– Tỷ-kheo nào dầu đã được đầy đủ một trăm năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này, vị ấy cần phải như vậy, thường bác bỏ các du sĩ ngoại đạo với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp, như gia chủ Anāthapiṇḍika đã khéo bác bỏ.

Tham khảo:

126 Bản tiếng Anh của PTS: View, nghĩa là Kiến. Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.968. 0248c06); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.201. 0448b18).

127 Jīva: Sinh mạng. Về sau, trong Upanishad, thuật ngữ này dùng để gọi cho “linh hồn”. Chính jīva nối liền atman với attabhāva (ngã tánh).

128 Tathāgata. Như Lai, một danh hiệu của đức Phật. Ở đây chỉ cho bất cứ người nào. Chú giải giải thích một cách chung chung “chỉ là một chúng sinh”.

129 Paraghosa, phân biệt với parato ghoso trong GS. I. 79, có nghĩa là tiếng từ thế giới khác.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.