Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG X MƯỜI PHÁP (DASAKANIPĀTA)/ IX. PHẨM TRƯỞNG LÃO (THERAVAGGA)

IV. KINH NÓI LÊN CHÁNH TRÍ (Byākaraṇasutta) (A. V. 155)

84. Ở đây, Tôn giả Mahāmoggallāna gọi các Tỷ-kheo:

– Này các Hiền giả Tỷ-kheo!

– Thưa vâng, Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Mahāmoggallāna. Tôn giả Mahāmoggallāna nói như sau:

– Ở đây, này các Hiền giả, Tỷ-kheo nói lên chánh trí: “Tôi rõ biết: ‘Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa.’” Rồi Như Lai hay đệ tử Như Lai, là vị hành thiền, thiện xảo trong thiền chứng, thiện xảo trong tâm người khác, thiện xảo trong hành tướng tâm người khác, thẩm vấn, gạn hỏi, thảo luận. Vị ấy bị Như Lai hay đệ tử Như Lai, những vị hành thiền, thiện xảo trong thiền chứng, thiện xảo trong tâm người khác, thiện xảo trong hành tướng tâm người khác, thẩm vấn, gạn hỏi, thảo luận thì rơi vào trống không [sa mạc],107 rơi vào trong rối ren [rừng rậm],108 rơi vào trong bế tắc, rơi vào trong bất hạnh, rơi vào trong bế tắc và bất hạnh. Như Lai hay đệ tử Như Lai, những vị hành thiền, thiện xảo trong thiền chứng, thiện xảo trong tâm người khác, thiện xảo trong hành tướng tâm người khác, với tâm mình tác ý đến tâm của người ấy như sau: “Như thế nào, Tôn giả này nói lên chánh trí: Tôi rõ biết rằng: ‘Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa’?” Như Lai hay đệ tử Như Lai, những vị hành thiền, thiện xảo trong thiền chứng, thiện xảo trong tâm người khác, thiện xảo trong hành tướng tâm người khác, với tâm mình biết rõ tâm người ấy như sau: “Có phẫn nộ là Tôn giả này, sống nhiều với tâm bị phẫn nộ thấm nhuần. Với tâm bị phẫn nộ thấm nhuần, có nghĩa là tổn giảm trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng.

Có hiềm hận là Tôn giả này...

Có gièm pha là Tôn giả này...

Có não hại là Tôn giả này...

Có tật đố là Tôn giả này...

Có xan tham là Tôn giả này...

Có lừa đảo là Tôn giả này...

Có man trá là Tôn giả này...

Có ác dục là Tôn giả này...

Có thất niệm là Tôn giả này... dầu cho còn nhiều việc [cao thượng hơn] cần phải làm thêm, tuy có chứng được thù thắng nhưng chỉ là phần nhỏ, lại đứng lại giữa đường; đứng lại giữa đường này109 nghĩa là tổn giảm trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng.”

Tỷ-kheo ấy, này chư Hiền, do không đoạn tận mười pháp này, đi đến được tăng trưởng, lớn mạnh, lớn rộng trong Pháp và Luật này, sự kiện này không xảy ra. Tỷ-kheo ấy, này chư Hiền, do đoạn tận mười pháp này, đi đến được tăng trưởng, lớn mạnh, lớn rộng trong Pháp và Luật này, sự kiện này có xảy ra.

Tham khảo:

107 Iriṇaṃ āpajjati. S. Iriṇa: Đất khô cằn; P. Iriṇa: Sa mạc. AA. V. 56: Irīṇanti = Tucchabhāvaṃ (vùng sa mạc hoang vắng).

108 Apajjati vicinaṃ. AA. V. 56: Vicinanti guṇavicinataṃ nigguṇabhāvaṃ (“Tồi tệ, thiếu kém” nghĩa là thiếu năng lực, không có năng lực).

109 Antarā vosānaṃ. Xem D. II. 78; M. I. 193; S. III. 168. Trong It. 85, thuật ngữ này còn chỉ cho Devadatta.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.