Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG X MƯỜI PHÁP (DASAKANIPĀTA)/ VIII. PHẨM ƯỚC NGUYỆN (ĀKAṄKHAVAGGA)

II. KINH CÂY GAI (Kaṇṭakasutta)92 (A. V. 133)

72. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesāli, tại Đại Lâm, ở ngôi nhà có nóc nhọn, với rất nhiều các Thượng tọa có danh tiếng như: Tôn giả Cāla, Tôn giả Upacāla, Tôn giả Kakkaṭa, Tôn giả Kaḷimbha, Tôn giả Nikaṭa, Tôn giả Kaṭissaha, cùng nhiều Tôn giả có danh tiếng khác.

Lúc bấy giờ, có nhiều vị Licchavi có thời danh, có danh tiếng lớn đang cưỡi các cỗ xe lộng lẫy, tranh đua93 cao tiếng, lớn tiếng đi vào Đại Lâm để yết kiến Thế Tôn. Rồi các Trưởng lão ấy suy nghĩ: “Có nhiều vị Licchavi có thời danh, có danh tiếng lớn đang cưỡi các cỗ xe lộng lẫy, tranh đua cao tiếng, lớn tiếng đi vào Đại lâm để yết kiến Thế Tôn. Thế Tôn có dạy: ‘Tiếng ồn là cây gai cho thiền.’ Vậy chúng ta hãy đi đến Gosiṅga, khu rừng cây Sāla. Tại đấy, chúng ta có thể sống an ổn, không ồn ào, không chen chúc.”

Rồi các Tôn giả ấy đi đến Gosiṅga, khu rừng cây Sāla. Tại đấy, các Tôn giả ấy sống an ổn, không ồn ào, không chen chúc. Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, Cāla ở đâu? Upacāla ở đâu? Kakkaṭa ở đâu? Kaḷimbha ở đâu? Nikaṭa ở đâu? Kaṭissaha ở đâu? Này các Tỷ-kheo, các Trưởng lão đệ tử ấy đi đâu?

– Ở đây, bạch Thế Tôn, các Tôn giả ấy suy nghĩ như sau: “Có nhiều vị Licchavi có thời danh, có danh tiếng lớn đang cưỡi các cỗ xe lộng lẫy, tranh đua cao tiếng, lớn tiếng, đi vào Đại Lâm để yết kiến Thế Tôn, Thế Tôn có dạy: ‘Tiếng ồn là cây gai cho thiền.’ Vậy chúng ta hãy đi đến Gosiṅga, khu rừng cây Sāla. Tại đấy, chúng ta có thể sống an ổn, không ồn ào, không chen chúc.” Bạch Thế Tôn, các Tôn giả ấy đã đi đến Gosiṅga, rừng cây Sāla. Tại đấy, các Tôn giả ấy sống an ổn, không ồn ào, không chen chúc.

– Lành thay! Lành thay! Này các Tỷ-kheo, trả lời như các đại đệ tử ấy đã trả lời, là trả lời một cách chơn chánh. Này các Tỷ-kheo: “Tiếng ồn là cây gai cho thiền”, đã được Ta nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, có mười loại cây gai này. Thế nào là mười?

Với người ưa thích viễn ly, ưa thích hội chúng là cây gai. Với người chuyên chú tu tập tướng bất tịnh, tu tập tịnh tướng là cây gai. Với người phòng hộ các căn, đi xem văn nghệ trình diễn là cây gai. Với người sống Phạm hạnh, thân cận với phụ nữ là cây gai. Với người chứng Thiền thứ nhất, tiếng ồn là cây gai. Với người chứng Thiền thứ hai, tầm tứ là cây gai. Với người chứng Thiền thứ ba, hỷ là cây gai. Với người chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô hơi thở ra là cây gai. Với người đã đạt được Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ là cây gai. Tham là cây gai, sân là cây gai, si là cây gai.

Này các Tỷ-kheo, hãy sống không phải là cây gai. Này các Tỷ-kheo, hãy sống rời khỏi cây gai. Này các Tỷ-kheo, hãy sống không phải là cây gai và rời khỏi cây gai. Này các Tỷ-kheo, không có cây gai là bậc A-la-hán. Này các Tỷ- kheo, rời khỏi cây gai là bậc A-la-hán. Này các Tỷ-kheo, vị không có cây gai và rời khỏi cây gai là bậc A-la-hán.

Tham khảo:

92 Tham chiếu: Vô thích kinh 無刺經 (T.01. 0026.84. 0560b24); Tạp. 雜 (T.02. 0099.760. 0199c27).

93 Parapurāya. Chú giải giải thích para là phần sau, pura là phần trước, nghĩa là cỗ xe nối đuôi nhau hay cỗ xe sau muốn vượt cỗ xe trước. Xem D. II. 96 về Licchavi; Vin. I. 231.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.