Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG X MƯỜI PHÁP (DASAKANIPĀTA)/ I. PHẨM LỢI ÍCH (ĀNISAṂSAVAGGA)

II. KINH NGHĨ VỚI DỤNG Ý (Cetanākaraṇīyasutta)3 (A. V. 2)

2. Này các Tỷ-kheo, với người có giới, có giới đầy đủ, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng không hối tiếc sẽ sanh khởi nơi ta.” Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người có giới, có giới đầy đủ, không hối tiếc sanh khởi.

Này các Tỷ-kheo, với người không hối tiếc, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng hân hoan sẽ sanh khởi nơi ta.” Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ- kheo, với người không hối tiếc, hân hoan sanh khởi.

Này các Tỷ-kheo, với người có hân hoan, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng hoan hỷ sẽ sanh khởi nơi ta.” Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ- kheo, với người có hân hoan, hoan hỷ sanh khởi.

Này các Tỷ-kheo, với người có hoan hỷ, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng thân ta được khinh an.” Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người có hoan hỷ, thân được khinh an.

Này các Tỷ-kheo, với người có thân khinh an, không cần phải làm với dụng ý rằng: “Mong rằng ta cảm thọ an lạc.” Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người có thân khinh an, an lạc được cảm thọ.

Này các Tỷ-kheo, với người có an lạc, không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng tâm ta được thiền định.” Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, với người có an lạc, tâm được thiền định.

Này các Tỷ-kheo, với người có thiền định, không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng ta biết, ta thấy như thật.” Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, người có tâm thiền định, biết và thấy như thật.

Này các Tỷ-kheo, người biết và thấy như thật, không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng ta sẽ nhàm chán, ta sẽ ly tham.” Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ- kheo, người biết và thấy như thật, nhàm chán và ly tham.

Này các Tỷ-kheo, người nhàm chán và ly tham không cần phải làm với dụng ý: “Mong rằng ta sẽ chứng ngộ giải thoát tri kiến.” Pháp nhĩ là vậy, này các Tỷ-kheo, người nhàm chán và ly tham, chứng ngộ giải thoát tri kiến.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, nhàm chán và ly tham có ý nghĩa giải thoát tri kiến, có lợi ích giải thoát tri kiến; như thật tri kiến có ý nghĩa nhàm chán và ly tham, có lợi ích nhàm chán và ly tham; định có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến; an lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định; khinh an có ý nghĩa an lạc, có lợi ích an lạc; hỷ có ý nghĩa khinh an, có lợi ích khinh an; hân hoan có ý nghĩa hỷ, có lợi ích hỷ; không hối tiếc có ý nghĩa hân hoan, có lợi ích hân hoan; các thiện giới có ý nghĩa không hối tiếc, có lợi ích không hối tiếc.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, các pháp khiến cho các pháp [khác] tăng thịnh;4 các pháp khiến các pháp [khác] viên mãn, đưa từ bờ bên này qua bờ bên kia.

Tham khảo:

3 Tham chiếu: Bất tư kinh 不思經 (T.01. 0026.43. 0485b19).

4 Dhammā dhamme abhisandenti,... paripūrenti. Xem D. I. 73.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.