Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/Chương IX. Chín Pháp (Navakanipāta)/VII. Phẩm Niệm xứ (Satipaṭṭhānavagga)

X. KINH TÂM TRIỀN PHƯỢC (Cetasovinibandhasutta)88 (A. IV. 461)

72. Này các Tỷ-kheo, có năm tâm triền phược89 này. Thế nào là năm?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có tâm không ly tham, đó là không ly dục, không ly ái, không ly khao khát, không ly nhiệt não, không ly ái nhiễm đối với các dục.

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có tâm không ly tham, đó là không ly dục, không ly ái, không ly khao khát, không ly nhiệt não, không ly ái nhiễm đối với các dục, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Tâm của vị nào không hướng về... như vậy là tâm triền phược thứ nhất.

Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo có tâm không ly tham đối với thân... không ly tham đối với sắc... ăn quá sức bao tử có thể chịu nổi, thọ hưởng sung sướng về giường nằm, sung sướng về thụy miên... Này các Tỷ-kheo, lại nữa, Tỷ-kheo sống đời sống Phạm hạnh với hy vọng mong được thành một loại chư thiên: “Với giới này, với luật này, với khổ hạnh này, hay với Phạm hạnh này, ta sẽ trở thành loại chư thiên này hay loại chư thiên khác.” Này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo sống đời sống Phạm hạnh với hy vọng được thành một loại chư thiên: “Với giới này, với luật này, với khổ hạnh này, hay với Phạm hạnh này, ta sẽ trở thành loại chư thiên này hay loại chư thiên khác”, tâm vị này không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Tâm vị nào... như vậy là tâm triền phược thứ năm.

Này các Tỷ-kheo, đây là năm tâm triền phược, muốn đoạn tận năm tâm triền phược này, bốn niệm xứ này cần phải tu tập.

Tham khảo

88 Xem chú thích 86 ở trên.

89 Vinibandha. Xem A. III. 249; V. 17; D. III. 238; M. I. 101.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.