Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ Chương IX. Chín Pháp (Navakanipāta)/ V. PHẨM TƯƠNG TỰ (SĀMAÑÑAVAGGA)74

I. KINH TRIỀN PHƯỢC (Sambādhasutta)75 (A. IV. 449)

42. Như vầy tôi nghe.

Một thời, Tôn giả Ānanda trú ở Kosambī, tại khu vườn Ghosita. Rồi Tôn giả Udāyī đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ānanda những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Udāyī nói với Tôn giả Ānanda:

– Thưa Hiền giả, lời này được thiên tử76 Pañcālacaṇḍa nói như sau:

“Bậc thiện trí77 tìm được,
Giải thoát trong triền phược,
Vị giác tỉnh với thiền,
Bậc Giác Giả Mâu-ni,
Bậc Từ Bỏ, Không Chấp,
Bậc Anh Hùng Ẩn Sĩ.”

Thưa Hiền giả, thế nào là triền phược? Thế nào là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến?

– Này Hiền giả, năm dục trưởng dưỡng này được Thế Tôn gọi là triền phược. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... Các hương do mũi nhận thức... Các vị do lưỡi nhận thức... Các xúc do thân nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.

Này Hiền giả, năm dục trưởng dưỡng này là triền phược, được Thế Tôn nói đến.

Ở đây, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo ly dục... chứng và trú Thiền thứ nhất. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì? Đó là tầm và tứ chưa diệt, chính cái ấy ở đây là triền phược.

Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ... chứng và trú Thiền thứ hai. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì? Đó là hỷ chưa diệt, chính cái ấy ở đây là triền phược.

Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả... chứng và trú Thiền thứ ba. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì? Đó là xả lạc chưa diệt, chính cái ấy ở đây là triền phược.

Lại nữa, này Hiền giả, vị Tỷ-kheo đoạn lạc... chứng và trú Thiền thứ tư. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì? Đó là sắc tưởng chưa diệt, chính cái ấy ở đây là triền phược.

Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến sai biệt tưởng, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì? Đó là Không vô biên xứ chưa diệt, chính cái ấy ở đây là triền phược.

Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo biết rằng: “Thức là vô biên”, vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Thức vô biên xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì? Đó là Thức vô biên xứ chưa diệt, chính cái ấy ở đây là triền phược.

Lại nữa, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì? Đó là Vô sở hữu xứ chưa diệt, chính cái ấy ở đây là triền phược.

Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Cho đến như vậy, thưa Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với pháp môn. Nhưng ở đây vẫn có triền phược. Và ở đây, triền phược ấy là gì? Đó là Phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa diệt, chính cái ấy ở đây là triền phược.

Lại nữa, thưa Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng định. Sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn diệt. Cho đến như vậy, này Hiền giả, là giải thoát khỏi triền phược được Thế Tôn nói đến với phi pháp môn.

Tham khảo

74 Bản tiếng Anh của PTS: The Pañcāla Chapter, nghĩa là Chương Pañcāla.

75 Bản tiếng Anh của PTS: Pañcālacaṇḍa.

76 Devaputta: Thiên tử. D. III. 205 gọi là yakka. Xem S. I. 48; KS. I. 69. 77 Bhūrimedhaso: Bhūri là quả đất, rộng lớn, phì nhiêu, sinh động, mau chóng, trí sáng. Ở đây chỉ cho bậc thiện trí.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.