Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IX CHÍN PHÁP (NAVAKANIPĀTA)/ IV. PHẨM LỚN (MAHĀVAGGA)

VI. KINH TÔN GIẢ ĀNANDA (Ānandasutta)65 (A. IV. 426)

37. Một thời, Tôn giả Ānanda trú ở Kosambī, tại khu vườn Ghosita. Tại đấy, Tôn giả Ānanda bảo các Tỷ-kheo: – Này chư Hiền Tỷ-kheo! – Vâng, thưa Hiền giả

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ānanda. Tôn giả Ānanda nói như sau: – Thật vi diệu thay, thưa các Hiền giả! Thật hy hữu thay, thưa các Hiền giả! Như thế nào là con đường thoát ly, thoát khỏi sự trói buộc, được Thế Tôn, bậc Trí Giả, bậc Kiến Giả, bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác tùy giác để các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt khỏi sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, giác ngộ Niết-bàn. Đây chỉ có mắt, chớ không có cảm thọ các sắc ấy và các xứ ấy; đây chỉ có tai, chớ không có cảm thọ các tiếng ấy và các xứ ấy; đây chỉ có mũi, chớ không có cảm thọ các hương ấy và các xứ ấy; đây chỉ có lưỡi, chớ không có cảm thọ các vị ấy và các xứ ấy; đây chỉ có thân, chớ không có cảm thọ các xúc ấy và các xứ ấy

Khi được nói vậy, Tôn giả Udāyī nói với Tôn giả Ānanda: – Này Hiền giả Ānanda, người không cảm thọ xứ ấy, người ấy có tưởng hay không có tưởng? – Này Hiền giả, người không cảm thọ xứ ấy, người ấy có tưởng, không phải không có tưởng

– Nhưng thưa Hiền giả, người không cảm thọ xứ ấy, người ấy tưởng cái gì? – Ở đây, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Này Hiền giả, vị ấy có tưởng như vậy nhưng không cảm thọ xứ ấy

Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Này Hiền giả, vị ấy có tưởng như vậy nhưng không cảm thọ xứ ấy

Lại nữa, này Hiền giả, Tỷ-kheo vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Này Hiền giả, vị ấy có tưởng như vậy nhưng không cảm thọ xứ ấy

Này Hiền giả, một thời tôi sống ở Sāketa,66 rừng Añjana, tại vườn nai. Rồi này Hiền giả, có một Tỷ-kheo-ni ở Jaṭilagāha đến tôi, đảnh lễ tôi và đứng một bên. Đứng một bên, này các Hiền giả, Tỷ-kheo-ni ở Jaṭilagāha thưa với tôi: “Thưa Tôn giả Ānanda, thiền định này không thiên tà dục, không dưỡng hận tâm; trong ấy, sự chế ngự không phải do hữu hành nhiếp phục, nhờ giải thoát, được vững chắc; nhờ vững chắc, được tri túc; nhờ tri túc, không có âu lo. Thưa Tôn giả Ānanda, thiền định này được Thế Tôn dạy, có quả gì?” Được nghe nói vậy, này Hiền giả, tôi nói với Tỷ-kheo-ni ở Jaṭilagāha như sau: “Thưa chị, thiền định này không thiên tà dục,67 không dưỡng hận tâm;2 trong ấy, sự chế ngự không phải do hữu hành nhiếp phục, nhờ giải thoát, được vững chắc; nhờ vững chắc, được tri túc; nhờ tri túc, không có âu lo. Đức Thế Tôn nói, này chị, thiền định này được chánh trí là quả.” Này Hiền giả, vị ấy có tưởng như vậy nhưng không cảm thọ xứ ấy

Tham khảo

65 Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.557. 0146a13)

66 Thành phố ở Kosala, khoảng 40 dặm về phía Nam Sāvatthi

67 Xem M. I. 386; KS. I. 39   

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.