Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IX CHÍN PHÁP (NAVAKANIPĀTA)/ IV. PHẨM LỚN (MAHĀVAGGA)
V. KINH NHẬP THIỀN (Jhānasutta) (A. IV. 422)
36. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ nơi Thiền thứ nhất, các lậu hoặc được diệt tận.”60 Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Thiền thứ hai, các lậu hoặc được diệt tận.” Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Thiền thứ ba, các lậu hoặc được diệt tận.” Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Thiền thứ tư, các lậu hoặc được diệt tận.” Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Không vô biên xứ... Y chỉ vào Thức vô biên xứ... Y chỉ vào Vô sở hữu xứ... Y chỉ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ… Ta nói rằng: “Y chỉ vào Diệt thọ tưởng xứ, các lậu hoặc được đoạn tận.” Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Thiền thứ nhất, các lậu hoặc được đoạn tận”, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục... chứng và trú Thiền thứ nhất
Vị ấy, ở đây đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường,61 là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã
Vị ấy tránh né62 tâm mình khỏi những pháp ấy; sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Đây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.”63 Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc
Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa. Ví như người bắn cung, hay đệ tử người bắn cung tập bắn trên một hình nộm bằng cỏ hay trên đống đất sét, rồi người ấy có thể trở thành một người bắn xa, bắn nhanh, bắn thủng qua vật dày lớn.64 Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục... chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy; sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Đây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.” Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc
Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa
Này các Tỷ-kheo, Ta nói y chỉ vào Thiền thứ nhất, các lậu hoặc được đoạn tận, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy
Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng y chỉ Thiền thứ hai... y chỉ Thiền thứ ba... y chỉ Thiền thứ tư, các lậu hoặc được đoạn tận, như vậy được nói đến. Do duyên gì được nói đến như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn tận lạc đoạn tận khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã
Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy; sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Đây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.” Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc. Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa. Ví như một người bắn cung, hay đệ tử người bắn cung tập bắn trên một hình nộm bằng cỏ hay trên đống đất sét; rồi người ấy có thể trở thành người bắn xa, bắn nhanh, bắn thủng qua vật dày lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do đoạn tận lạc đoạn tận khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy; sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Đây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.” Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc. Nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa
Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Thiền thứ tư, các lậu hoặc được đoạn tận”, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy
Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Không vô biên xứ, các lậu hoặc được đoạn tận”, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vượt khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các chướng ngại tưởng, không tác ý đến tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành... do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa Này các Tỷ-kheo, ta nói rằng: “Y chỉ vào Không vô biên xứ, các lậu hoặc được đoạn tận”, như vậy được nói đến. Do duyên này được nói đến như vậy
Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Thức vô biên xứ... y chỉ vào Vô sở hữu xứ... các lậu hoặc được đoạn diệt”, được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Vị ấy ở đây, đối với cái gì thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành... do đoạn tận năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa
Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào Vô sở hữu xứ, các lậu hoặc được đoạn diệt”, được nói đến như vậy. Do duyên này được nói đến như vậy
Như vậy, xa cho đến các tưởng thiền chứng, cho đến như vậy, cần phải lấy trí để thể nhập. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, các xứ này như Phi tưởng phi phi tưởng thiền chứng và Diệt thọ tưởng thiền chứng là những xứ, các Tỷ-kheo thiền quán, khéo léo chứng nhập, khéo léo khởi xuất thiền chứng. Ta nói rằng: “Sau khi chứng nhập và khởi xuất, các xứ ấy cần phải được chơn chánh làm cho biết rõ.”
Tham khảo
60 Chỉ cho A-la-hán quả
61 Xem A. II. 128; M. I. 435; Miln. 418
62 Paṭivāpeti. AA. IV. 195: Paṭivāpetīti nibbānavasena nivatteti (“Né tránh” nghĩa là dừng lại vì quả vị Niết-bàn). Bản tiếng Nhật viết nhất tâm phóng hạ nghĩa là một lòng buông xuống
63 Xem A. V. 8; D. II. 36; S. I. 136
64 Mahato ca kāyassa padāletā. Xem A. I. 284, II. 170, 202; J. IV. 494; Miln. 353
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.