Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IX CHÍN PHÁP (NAVAKANIPĀTA)/ III. PHẨM CHỖ CƯ TRÚ CỦA HỮU TÌNH (SATTĀVĀSAVAGGA)
VII. KINH HẬN THÙ THỨ NHẤT (Paṭhamaverasutta)45 (A. IV. 405)
27. Rồi gia chủ Anāthapiṇḍika đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anāthapiṇḍika đang ngồi một bên: – Này gia chủ, khi nào năm sợ hãi hận thù46 của vị Thánh đệ tử được chỉ tức, thời vị ấy thành tựu được bốn Dự lưu phần.47 Nếu vị ấy muốn, có thể tuyên bố về ngã đối với tự ngã: “Địa ngục đối với ta được đoạn tận; loài bàng sanh đối với ta được đoạn tận; cõi ngạ quỷ đối với ta được đoạn tận; cõi dữ, ác thú, đọa xứ đối với ta được đoạn tận. Ta là vị Dự lưu, không còn thối đọa, chắc chắn đạt đến Chánh giác.” Thế nào là năm sợ hãi hận thù được chỉ tức? Này gia chủ, sợ hãi hận thù do sát sanh,48 vì duyên sát sanh đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Từ bỏ sát sanh, sợ hãi hận thù không đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù không đưa đến trong tương lai, kể cả không có tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Đối với vị từ bỏ sát sanh như vậy, sợ hãi hận thù được nhiếp phục
Này gia chủ, sợ hãi hận thù do lấy của không cho, vì duyên lấy của không cho đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Đối với vị từ bỏ lấy của không cho như vậy, sự sợ hãi hận thù được nhiếp phục
Này gia chủ, sợ hãi hận thù do sống tà hạnh trong các dục, vì duyên sống tà hạnh trong các dục đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Đối với vị từ bỏ sống tà hạnh trong các dục như vậy, sợ hãi hận thù được nhiếp phục
Này gia chủ, sợ hãi hận thù do nói láo, vì duyên nói láo đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Đối với vị từ bỏ nói láo như vậy, sợ hãi hận thù được nhiếp phục
Này gia chủ, sợ hãi hận thù do đắm say rượu men rượu nấu, vì duyên đắm say rượu men rượu nấu đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ... Đối với vị từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu như vậy, sợ hãi hận thù được nhiếp phục
Năm sự sợ hãi hận thù này được nhiếp phục
Thế nào là bốn Dự lưu phần được đầy đủ? Ở đây, này gia chủ, vị Thánh đệ tử đầy đủ lòng tin tuyệt đối đối với đức Phật: “Đây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.” Vị ấy đầy đủ lòng tin tuyệt đối đối với Pháp: “Đây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu.” Vị ấy đầy đủ lòng tin tuyệt đối đối với chúng Tăng: “Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh, tức là bốn đôi tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn, đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời.” Vị ấy đầy đủ các giới đức,49 được bậc Thánh quý mến, không bị bể vụn, không bị hủy hoại, không có tỳ vết, không có vết nhơ, đưa đến tự do, được người trí tán thán, không bị nhiễm trước, đưa đến thiền định
Bốn Dự lưu phần này được thành tựu
Này gia chủ, khi nào năm sợ hãi hận thù này của vị Thánh đệ tử được chỉ tức, thời vị ấy thành tựu được bốn Dự lưu phần này. Nếu vị ấy muốn, có thể tuyên bố về ngã đối với tự ngã: “Địa ngục đối với ta được đoạn tận; loài bàng sanh đối với ta được đoạn tận; cõi ngạ quỷ đối với ta được đoạn tận; cõi dữ, ác thú, đọa xứ đối với ta được đoạn tận. Ta là vị Dự lưu, không còn thối đọa, chắc chắn đạt đến Chánh giác.”
Tham khảo
45 Tên kinh này và kinh kế tiếp trong bản tiếng Anh của PTS dịch: Dread and Hatred, nghĩa là Sợ hãi và Hận thù. Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.846. 0215a17)
46 Kinh này được tìm thấy trong S. II. 68; KS. II. 47. Kinh 27 này nói đến con đường đưa đến quả Dự lưu, kinh 28 kế tiếp nói đến bậc Dự lưu
47 Xem A. III. 211; D. II. 93; S. V. 357. Đoạn này với 4 Dự lưu phần được xem là Pháp kính (Dhammādāsa) trong Kinh Trường bộ và Kinh Tương ưng bộ. Xem A. II. 56; D. III. 227; M. I. 37; S. I. 219
48 Xem A. III. 20549 Xem A. IV. 54; GS. IV. 31 (kinh 47 ở trước)
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.