Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IX CHÍN PHÁP (NAVAKANIPĀTA)/ III. PHẨM CHỖ CƯ TRÚ CỦA HỮU TÌNH (SATTĀVĀSAVAGGA)/ VI. KINH TRỤ ĐÁ (Silāyūpasutta)41 (A. IV. 402)
26. Một thời, Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Candikāputta trú ở Rājagaha (Vương Xá), tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Tại đấy, Tôn giả Candikāputta gọi các Tỷ-kheo, nói rằng: – Này các Hiền giả, Devadatta thuyết pháp cho các Tỷ-kheo như sau: “Thưa các Hiền giả, khi nào tâm vị Tỷ-kheo được khéo tích tập với trí tuệ, thời thật hợp lý cho Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: ‘Ta rõ biết sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa.’” Được nghe nói vậy, Tôn giả Sāriputta nói với Tôn giả Candikāputta: – Này Hiền giả Candikāputta, Devadatta không có thuyết pháp cho các Tỷ- kheo như sau: “Thưa các Hiền giả, khi nào tâm Tỷ-kheo được khéo tích tập với trí tuệ, thời thật hợp lý cho Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: ‘Ta rõ biết sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa.’” Này Hiền giả Candikāputta, Devadatta thuyết pháp cho các Tỷ-kheo như sau: “Thưa các Hiền giả, khi nào tâm vị Tỷ-kheo được khéo tích tập với tâm ý, thời thật hợp lý cho Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: ‘Ta rõ biết sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa.’” Lần thứ hai... Lần thứ ba, Tôn giả Candikāputta gọi các Tỷ-kheo, nói rằng: – Thưa các Hiền giả, Devadatta thuyết pháp cho các Tỷ-kheo như sau: “Khi nào tâm Tỷ-kheo được khéo tích tập với trí tuệ, thời thật hợp lý cho vị Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: ‘Ta rõ biết sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa.’” Lần thứ ba, Tôn giả Sāriputta nói với Tôn giả Candikāputta: – Này Hiền giả Candikāputta, Devadatta không có thuyết pháp cho các Tỷ- kheo như sau: “Thưa các Hiền giả, khi nào tâm Tỷ-kheo được khéo tích tập với trí tuệ, thời thật hợp lý cho Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: ‘Ta rõ biết sanh đã tận... không còn trở lại đời này nữa.’” Này Hiền giả Candikāputta, Devadatta thuyết pháp cho các Tỷ-kheo như sau: “Thưa các Hiền giả, khi nào tâm vị Tỷ-kheo được khéo tích tập với tâm ý, thời thật hợp lý cho Tỷ-kheo ấy trả lời như sau: ‘Ta rõ biết sanh đã tận... không còn trở lại đời này nữa.’” – Và như thế nào, này Hiền giả, tâm vị Tỷ-kheo được khéo tích tập với tâm ý? – “Ly tham là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với tâm ý. “Ly sân là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với tâm ý. “Ly si là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với tâm ý. “Tánh không có tham là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với tâm ý. “Tánh không có sân là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với tâm ý. “Tánh không có si là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với tâm ý. “Tánh không chuyển hướng về dục hữu là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với tâm ý. “Tánh không chuyển hướng về sắc hữu là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với tâm ý. “Tánh không chuyển hướng về vô sắc hữu là tâm của ta”, như vậy tâm vị ấy được khéo tích tập với tâm ý
Như vậy, này Hiền giả, với Tỷ-kheo có tâm chánh giải thoát như vậy, nếu các sắc do mắt nhận thức mạnh mẽ42 đi vào giới vức của con mắt, các sắc không chinh phục tâm vị ấy, tâm được an trú, không bị tạp nhiễm, không bị lay động; vị ấy tùy quán sự diệt tận của chúng43... nếu các tiếng do tai nhận thức mạnh mẽ đi vào giới vức của lỗ tai... nếu các hương do mũi nhận thức mạnh mẽ đi vào giới vức của lỗ mũi... nếu các vị do lưỡi nhận thức mạnh mẽ đi vào giới vức của lưỡi... nếu các xúc do thân nhận thức mạnh mẽ đi vào giới vức của thân... nếu các pháp do ý nhận thức mạnh mẽ đi vào giới vức của ý, các pháp không chinh phục tâm vị ấy, tâm được an trú, không bị tạp nhiễm, không bị lay động; vị ấy tùy quán sự diệt tận của chúng. Ví như, này Hiền giả, một trụ đá44 cao mười sáu khuỷu tay, tám khuỷu tay chôn sâu xuống đất, tám khuỷu tay nổi lên trên, nếu từ phương Đông, mưa to gió lớn đến, không làm rung động, không làm chuyển động, không làm chuyển động mạnh trụ đá ấy; nếu từ phương Tây... nếu từ phương Bắc... nếu từ phương Nam, mưa to gió lớn đến, không làm rung động, không làm chuyển động, không làm chuyển động mạnh trụ đá ấy. Vì sao? Này Hiền giả, vì trụ đá được đào sâu, được chôn sâu. Cũng vậy, này Hiền giả, với Tỷ-kheo có tâm chánh giải thoát như vậy, nếu các sắc do mắt nhận thức mạnh mẽ đi vào giới vức của con mắt, các sắc không chinh phục tâm của vị ấy, tâm được an trú, không bị tạp nhiễm, không bị lay động; vị ấy tùy quán sự diệt tận của chúng... nếu các tiếng do tai nhận thức... nếu các hương... nếu các vị... nếu các xúc... nếu các pháp do ý nhận thức mạnh mẽ đi vào giới vức của ý, các pháp không chinh phục tâm vị ấy, tâm được an trú, không bị tạp nhiễm, không bị lay động; vị ấy tùy quán sự diệt tận của chúng
Tham khảo
41 Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.499. 0131a25)
42 Bhusā. Xem A. III. 377; Vin. I. 184
43 Vayaṃ cassānupassati. Chú giải nói về sự sanh khởi và đoạn diệt
44 Silāyūba. Ví dụ này được thấy trong A. IV. 106; GS. IV. 70; S. V. 445
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.