Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IX CHÍN PHÁP (NAVAKANIPĀTA)/ II. PHẨM TIẾNG RỐNG SƯ TỬ (SĪHANĀDAVAGGA)

III. KINH TÔN GIẢ KOṬṬHITA (Koṭṭhikasutta)21 (A. IV. 382)

13. Rồi Tôn giả Mahākoṭṭhita đến Tôn giả Sāriputta; sau khi đến, chào đón hỏi thăm Tôn giả Sāriputta; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahākoṭṭhita nói với Tôn giả Sāriputta: – Thưa Hiền giả Sāriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: “Phàm nghiệp gì được cảm thọ hiện tại, mong rằng nghiệp ấy ta được cảm thọ trong tương lai”? – Không phải vậy, thưa Hiền giả

– Thưa Hiền giả Sāriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: “Phàm nghiệp gì được cảm thọ tương lai, mong rằng nghiệp ấy, ta được cảm thọ trong hiện tại”? – Không phải vậy, thưa Hiền giả

– Thưa Hiền giả Sāriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: “Phàm nghiệp gì được cảm giác là lạc thọ, mong rằng nghiệp ấy ta được cảm giác là khổ thọ”? – Không phải vậy, thưa Hiền giả

– Thưa Hiền giả Sāriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: “Phàm nghiệp gì được cảm giác là khổ thọ, mong rằng nghiệp ấy ta được cảm giác là lạc thọ”? – Không phải vậy, thưa Hiền giả

– Thưa Hiền giả Sāriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: “Phàm nghiệp gì được cảm thọ là thuần thục, mong rằng nghiệp ấy ta cảm thọ là không thuần thục”? – Không phải vậy, thưa Hiền giả

– Thưa Hiền giả Sāriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: “Phàm nghiệp gì được cảm thọ là không thuần thục, mong rằng nghiệp ấy ta cảm thọ là thuần thục”? – Không phải vậy, thưa Hiền giả

– Thưa Hiền giả Sāriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: “Phàm nghiệp gì được cảm thọ là nhiều, mong rằng nghiệp ấy ta cảm thọ là ít”? – Không phải vậy, thưa Hiền giả

– Thưa Hiền giả Sāriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: “Phàm nghiệp gì được cảm thọ là ít, mong rằng nghiệp ấy ta cảm thọ là nhiều”? – Không phải vậy, thưa Hiền giả

– Thưa Hiền giả Sāriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: “Phàm nghiệp gì được cảm thọ, mong rằng nghiệp ấy ta không được cảm thọ”? – Không phải vậy, thưa Hiền giả

– Thưa Hiền giả Sāriputta, có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: “Phàm nghiệp gì không được cảm thọ, mong rằng nghiệp ấy ta được cảm thọ”? – Không phải vậy, thưa Hiền giả

– Thưa Hiền giả Sāriputta, vì sao khi được hỏi: “Có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: ‘Phàm nghiệp gì được cảm thọ hiện tại, mong rằng nghiệp ấy ta được cảm thọ trong tương lai’?” Hiền giả trả lời: “Không phải vậy, thưa Hiền giả.” Thưa Hiền giả Sāriputta, vì sao khi được hỏi: “Có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: ‘Phàm nghiệp gì được cảm thọ tương lai, mong rằng nghiệp ấy ta được cảm thọ hiện tại’?” Hiền giả trả lời: “Không phải vậy, thưa Hiền giả.” Thưa Hiền giả Sāriputta, vì sao khi được hỏi: “Có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: ‘Phàm nghiệp gì được cảm giác là lạc thọ, mong rằng nghiệp ấy ta được cảm giác là khổ thọ’?” Hiền giả trả lời: “Không phải vậy, thưa Hiền giả.” Vì sao khi được hỏi: “Có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: ‘Phàm nghiệp gì được cảm giác là khổ thọ, mong rằng nghiệp ấy ta được cảm giác là lạc thọ’?” Hiền giả trả lời: “Không phải vậy, thưa Hiền giả.” Vì sao khi được hỏi: “Có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: ‘Phàm nghiệp gì được cảm thọ là thuần thục, mong rằng nghiệp ấy ta được cảm thọ là không thuần thục’?” Hiền giả trả lời: “Không phải vậy, thưa Hiền giả.” Vì sao khi được hỏi: “Có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: ‘Phàm nghiệp gì được cảm thọ là không thuần thục, mong rằng nghiệp ấy ta được cảm thọ là thuần thục’?” Hiền giả trả lời: “Không phải vậy, thưa Hiền giả.” Vì sao khi được hỏi: “Có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: ‘Phàm nghiệp gì được cảm thọ là nhiều, mong rằng nghiệp ấy ta cảm thọ là ít’?” Hiền giả trả lời: “Không phải vậy, thưa Hiền giả.” Vì sao khi được hỏi: “Có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: ‘Phàm nghiệp gì được cảm thọ là ít, mong rằng nghiệp ấy ta cảm thọ là nhiều’?” Hiền giả trả lời: “Không phải vậy, thưa Hiền giả.” Vì sao khi được hỏi: “Có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: ‘Phàm nghiệp gì được cảm thọ, mong rằng nghiệp ấy ta không được cảm thọ’?” Hiền giả trả lời: “Không phải vậy, thưa Hiền giả.” Vì sao khi được hỏi: “Có phải sống Phạm hạnh dưới Thế Tôn với hy vọng: ‘Phàm nghiệp gì không được cảm thọ, mong rằng nghiệp ấy ta được cảm thọ’?” Hiền giả trả lời: “Không phải vậy, thưa Hiền giả.” Vì mục đích gì mà Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn? – Thưa Hiền giả, với những gì không biết, không thấy, không đạt, không chứng ngộ, không hiện quán, với mục đích để được biết, được thấy, được đạt, được chứng ngộ, được hiện quán, mà Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn

– Nhưng thưa Hiền giả, do không biết gì, không thấy gì, không đạt gì, không chứng ngộ gì, không hiện quán gì, với mục đích để được biết, được thấy, được đạt, được chứng ngộ, được hiện quán, mà Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn? – “Đây là khổ”, này Hiền giả, là điều không được biết, không được thấy, không được đạt, không được chứng ngộ, không được hiện quán, với mục đích để được biết, được thấy... mà Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn. “Đây là khổ tập”... “Đây là khổ diệt”... “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”, này Hiền giả, là điều không được biết, không được thấy, không được đạt, không được chứng ngộ, không được hiện quán, với mục đích được biết, được thấy, được đạt, được chứng ngộ, được hiện quán, mà Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn

Thưa Hiền giả, đây là điều không được biết, không được thấy, không được đạt, không được chứng ngộ, không được hiện quán, với mục đích để được biết, được thấy, được đạt, được chứng ngộ, được hiện quán, mà Phạm hạnh được sống dưới Thế Tôn

Tham khảo

21 Tham chiếu: Đại Câu-hy-la kinh 大拘絺羅經 (T.01. 0026.29. 0461b22); Tạp. 雜 (T.02. 0099.3440094b02)

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.