Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IX CHÍN PHÁP (NAVAKANIPĀTA)/ II. PHẨM TIẾNG RỐNG SƯ TỬ (SĪHANĀDAVAGGA)

II. KINH CÓ DƯ Y (Saupādisesasutta) (A. IV. 378)

12. Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anāthapiṇḍika, rồi Tôn giả Sāriputta vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi vào Sāvatthi để khất thực. Tôn giả Sāriputta suy nghĩ như sau: “Nay còn quá sớm để vào Sāvatthi khất thực. Vậy ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo.” Rồi Tôn giả Sāriputta đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên

Lúc bấy giờ, trong khi các du sĩ ngoại đạo ấy đang ngồi tụ họp, câu chuyện này khởi lên: “Thưa chư Hiền, ai chết có dư y, tất cả không được giải thoát khỏi địa ngục, không được giải thoát khỏi loài bàng sanh, không được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, không được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ.” Rồi Tôn giả Sāriputta không hoan hỷ, không chỉ trích lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy; không hoan hỷ, không chỉ trích, Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi với ý nghĩ: “Ta sẽ biết ý nghĩa lời nói này từ Thế Tôn.” Rồi Tôn giả Sāriputta khất thực ở Sāvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sāriputta bạch Thế Tôn: – Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, con đắp y, cầm y bát đi vào Sāvatthi để khất thực. Bạch Thế Tôn, rồi con suy nghĩ như sau: “Nay còn quá sớm để vào Sāvatthi khất thực. Vậy ta hãy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo.” Bạch Thế Tôn, con đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo; sau khi đến, con nói lên với các du sĩ ngoại đạo những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, con ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ, trong khi các du sĩ ngoại đạo đang ngồi tụ họp, câu chuyện này khởi lên: “Thưa chư Hiền, ai chết có dư y, tất cả người ấy không được giải thoát khỏi địa ngục, không được giải thoát khỏi loài bàng sanh, không được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, không được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ.” Rồi bạch Thế Tôn, con không hoan hỷ, không chỉ trích lời nói của các du sĩ ngoại đạo ấy. Không hoan hỷ, không chỉ trích, con từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi với ý nghĩ rằng: “Ta sẽ biết ý nghĩa lời nói này từ Thế Tôn.” – Này Sāriputta, một số du sĩ ngoại đạo là những kẻ ngu si, không thông minh, một số sẽ biết: “Người có dư y là người có dư y”, hay một số sẽ biết: “Người không có dư y là người không có dư y.” Này Sāriputta, có chín hạng người này, khi chết có dư y, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh, được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Thế nào là chín? Ở đây, này Sāriputta, có hạng người viên mãn trong các giới, viên mãn trong định nhưng không viên mãn trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt tận năm hạ phần kiết sử, là vị Trung gian Bát-niết-bàn. Này Sāriputta, đây là hạng người thứ nhất, khi chết có dư y, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh, được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ

Lại nữa, này Sāriputta, ở đây, có hạng người viên mãn trong các giới, viên mãn trong định, không viên mãn trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt tận năm hạ phần kiết sử, là vị Tổn hại Bát-niết-bàn... là vị Vô hành Bát-niết-bàn... là vị Hữu hành Bát-niết-bàn... là vị Thượng lưu đi đến Sắc Cứu Cánh thiên. Này Sāriputta, đây là hạng người thứ năm, khi chết có dư y, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh... được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ

Lại nữa, này Sāriputta, ở đây có hạng người viên mãn trong các giới, không viên mãn trong định, không viên mãn trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt tận ba kiết sử, làm nhẹ bớt tham, sân, si, là vị Nhất lai, còn đến thế giới này một lần nữa, rồi đoạn tận khổ đau. Này Sāriputta, đây là hạng người thứ sáu, khi chết có dư y, được giải thoát khỏi địa ngục... được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ

Lại nữa, này Sāriputta, ở đây có hạng người viên mãn trong các giới, không viên mãn trong định, không viên mãn trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt tận ba kiết sử, là vị Nhất chủng, còn sanh hiện hữu làm người một lần nữa20 rồi đoạn tận khổ đau. Này Sāriputta, đây là hạng người thứ bảy, khi chết có dư y, được giải thoát khỏi địa ngục... được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ

Lại nữa, này Sāriputta, ở đây có hạng người viên mãn trong các giới, thành tựu vừa phải trong định, thành tựu vừa phải trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt tận ba kiết sử, là vị Gia gia, sau khi rong ruổi, sau khi luân chuyển hai hay ba gia đình, rồi đoạn tận khổ đau. Này Sāriputta, đây là hạng người thứ tám, khi chết có dư y, được giải thoát khỏi địa ngục... được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ

Lại nữa, này Sāriputta, ở đây, có hạng người viên mãn trong các giới, thành tựu vừa phải trong định, thành tựu vừa phải trong tuệ. Vị ấy, sau khi diệt tận ba kiết sử, là vị trở lui tối đa là bảy lần, sau khi rong ruổi, sau khi luân chuyển tối đa là bảy lần giữa chư thiên và loài người, rồi đoạn tận khổ đau. Này Sāriputta, đây là hạng người thứ chín, khi chết có dư y, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh, được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ

Này Sāriputta, một số du sĩ ngoại đạo là ngu si, không thông minh, một số sẽ biết: “Người có dư y là có dư y”, hay một số sẽ biết: “Người không có dư y là không dư y.” Này Sāriputta, chín hạng người này, khi chết có dư y, được giải thoát khỏi địa ngục, được giải thoát khỏi loài bàng sanh, được giải thoát khỏi cõi ngạ quỷ, được giải thoát khỏi cõi dữ, ác thú, đọa xứ. Nhưng này Sāriputta, cho đến nay, pháp môn này chưa được nói cho các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo-ni, các nam cư sĩ, các nữ cư sĩ. Vì cớ sao? Mong rằng khi nghe pháp môn này, họ không trở nên phóng dật. Lại nữa, này Sāriputta, pháp môn này được Ta nói đến vì Ta được hỏi đến  

Tham khảo

19 Xem D. I. 95; S. I. 50; Sn. 190

20 Ekaṃyeva mānusakaṃ bhavaṃ nibbattetvā  

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.