Tam tạng Thánh điển PGVN 04 » Tam tạng Thượng Tọa bộ 04 »
Kinh Tăng Chi Bộ
HT. Thích Minh Châu dịch
Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/ CHƯƠNG IX CHÍN PHÁP (NAVAKANIPĀTA)/ I. PHẨM CHÁNH GIÁC (SAMBODHIVAGGA)/
VI. KINH CẦN PHẢI THÂN CẬN (Sevanāsutta)11 (A. IV. 365)
6. Ở đây, Tôn giả Sāriputta gọi các Tỷ-kheo... Tôn giả Sāriputta nói như sau: – Này chư Hiền, con người cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: Cần phải thân cận hay không cần phải thân cận. Y áo, này chư Hiền, cần phải tìm hiểu trên hai phương diện: Cần được sử dụng hay không cần được sử dụng. Đồ ăn khất thực, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: Cần được sử dụng hay không cần sử dụng. Sàng tọa, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: Cần được sử dụng hay không cần sử dụng. Làng và thị trấn, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: Cần được tìm đến hay không cần tìm đến. Quốc độ, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: Cần được tìm đến hay không cần được tìm đến
Con người, này chư Hiền, cần phải được tìm hiểu trên hai phương diện: Cần phải thân cận hay không cần phải thân cận đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến như vậy? Ở đây, khi biết được về một người như sau: “Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện bị đoạn giảm; các vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; mục đích của Sa-môn hạnh ấy, không đi đến tu tập viên mãn.” Đối với một người như vậy, này chư Hiền, bất luận đêm hay ngày, không hỏi gì, cần phải bỏ đi, không được theo người ấy
Ở đây, khi biết được một người như sau: “Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện bị đoạn giảm; nhưng các vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách không khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; mục đích của Sa-môn hạnh ấy, không đi đến tu tập viên mãn.” Đối với một người như vậy, này chư Hiền, sau khi tính toán (saṅkhā), không hỏi gì, cần phải bỏ đi, không được theo người ấy
Ở đây, khi biết được một người như sau: “Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện giảm thiểu, các pháp thiện tăng trưởng; những vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách khó khăn. Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; mục đích của Sa-môn hạnh ấy, đi đến tu tập viên mãn.” Này chư Hiền, đối với một người như vậy, sau khi tính toán, cần phải theo người ấy, không được bỏ đi
Ở đây, sau khi biết được một người như sau: “Người này, nếu ta thân cận, thời các pháp bất thiện giảm thiểu, các pháp thiện tăng trưởng; những vật dụng cần thiết cho đời sống xuất gia mà ta phải có như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng ấy có được một cách không khó khăn
Và vì mục đích gì ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; mục đích của Sa-môn hạnh ấy, đi đến tu tập viên mãn.” Này chư Hiền, đối với một người như vậy, cần phải theo cho đến trọn đời, không được bỏ đi, dầu có bị từ chối
Này chư Hiền, một người cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: Cần được thân cận và không cần được thân cận đã được nói đến như vậy, chính do duyên này được nói đến
Y áo, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: Cần được sử dụng hay không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến? Ở đây, sau khi biết được về y áo như sau: “Nếu ta sử dụng y áo này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; y áo như vậy không nên sử dụng.” Ở đây, sau khi biết được về y áo như sau: “Nếu ta sử dụng y áo này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; y áo như vậy nên sử dụng.” Này chư Hiền, y áo cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: Cần được sử dụng hay không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy, chính do duyên này được nói đến
Đồ ăn khất thực, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: Cần được sử dụng và không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy
Do duyên gì được nói đến? Ở đây, sau khi biết được về đồ ăn khất thực như sau: “Nếu ta sử dụng đồ ăn khất thực này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; đồ ăn khất thực như vậy không nên sử dụng.” Ở đây, sau khi biết được về đồ ăn khất thực như sau: “Nếu ta sử dụng đồ ăn khất thực này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; đồ ăn khất thực như vậy nên sử dụng.” Này chư Hiền, đồ ăn khất thực cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: Cần được sử dụng và không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy, chính do duyên này được nói đến
Sàng tọa, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: Cần được sử dụng và không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến? Ở đây, sau khi biết được về sàng tọa như sau: “Nếu ta sử dụng sàng tọa này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; sàng tọa như vậy không nên sử dụng.” Ở đây, sau khi biết được về sàng tọa như sau: “Nếu ta sử dụng sàng tọa này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; sàng tọa như vậy nên sử dụng.” Này chư Hiền, sàng tọa cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: Cần được sử dụng hay không cần được sử dụng đã được nói đến như vậy, chính do duyên này được nói đến
Làng, thị trấn, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: Cần được tìm đến và không cần được tìm đến đã được nói đến như vậy. Do duyên gì được nói đến? Ở đây, sau khi biết được về làng, thị trấn như sau: “Nếu ta tìm đến làng, thị trấn này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; làng, thị trấn như vậy không nên được tìm đến.” Ở đây, sau khi biết được về làng, thị trấn như sau: “Nếu ta tìm đến làng, thị trấn này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; làng, thị trấn như vậy cần được tìm đến.” Này chư Hiền, làng, thị trấn cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: Cần được tìm đến hay không cần được tìm đến đã được nói đến như vậy, chính do duyên này được nói đến
Quốc độ, này chư Hiền, cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: Cần được tìm đến và không cần được tìm đến đã được nói như vậy. Do duyên gì được nói đến? Ở đây, sau khi biết được về quốc độ như sau: “Nếu ta tìm đến quốc độ này, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện đoạn giảm; quốc độ như vậy không nên được tìm đến.” Ở đây, sau khi biết được về quốc độ như sau: “Nếu ta tìm đến quốc độ này, các pháp bất thiện đoạn giảm, các pháp thiện tăng trưởng; quốc độ như vậy nên được tìm đến.” Này chư Hiền, quốc độ cần phải được hiểu biết theo hai phương diện: Cần được tìm đến hay không cần được tìm đến đã được nói đến như vậy, chính do duyên này được nói đến
Tham khảo
11 Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.45.3. 0771c17); Lâm kinh 林經 (T.01. 0026.107. 0596c25)
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.