Viện Nghiên Cứu Phật Học

Phật giáo nguyên thủy/ Kinh tạng Pali/ Kinh Tăng Chi Bộ/Chương VIII Tám Pháp (Aṭṭhakanipāta)/IX. Phẩm Niệm (Sativagga)

VI. KINH DANH VỌNG (Yasasutta)126 (A. IV. 340)

86. Một thời, Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Kosala với chúng Tỷ- kheo, đi đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là Icchānaṅgala.127 Tại đấy, Thế Tôn trú ở Icchānaṅgala, tại khu rừng Icchānaṅgala.

Các Bà-la-môn gia chủ128 trú ở Icchānaṅgala được nghe: “Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, nay đã đến Icchānaṅgala, trú ở Icchānaṅgala, tại khu rừng Icchānaṅgala; những tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: ‘Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.’... Lành thay, nếu được yết kiến một bậc A-la-hán như vậy!” Rồi các Bà-la-môn gia chủ, sau khi đêm ấy đã mãn, đem theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm, đi đến Icchānaṅgala; sau khi đến, đứng tại ngoài cổng nói lớn tiếng làm ồn ào.

Lúc bấy giờ, Tôn giả Nāgita là thị giả của Thế Tôn. Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Nāgita:

- Này Nāgita, những ai lớn tiếng, cao tiếng như những người hàng cá với đống cá lớn?

- Các người ấy, bạch Thế Tôn, là các Bà-la-môn gia chủ ở Icchānaṅgala đang đứng ở ngoài cổng vào, đem theo rất nhiều đồ ăn loại cứng và loại mềm cúng dường Thế Tôn và chúng Tăng.

- Này Nāgita, Ta không có liên hệ gì với danh vọng và danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nāgita, những ai tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức sự an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc mà Ta đã tìm được không khó khăn, tìm được không mệt nhọc, tìm được không phí sức, hãy để họ thọ hưởng lạc như phân, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc ấy.129

- Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy chấp nhận! Thiện Thệ hãy chấp nhận! Bạch Thế Tôn, nay là thời Thế Tôn chấp nhận. Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy, các Bà-la-môn gia chủ ở thị trấn và quốc độ ấy cũng sẽ đi đến với tâm hướng về Ngài. Ví như trời mưa nặng hạt,130 và nước mưa được chảy tùy theo chiều dốc; cũng vậy, bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn sẽ đi đến chỗ nào, tại chỗ ấy, các Bà-la-môn gia chủ ở tại thị trấn và quốc độ ấy cũng sẽ đi đến với tâm hướng về Ngài. Vì sao? Bạch Thế Tôn, do vì giới hạnh và trí tuệ của Thế Tôn.

– Này Nāgita, Ta không có liên hệ gì với danh vọng và danh vọng không có liên hệ gì với Ta. Này Nāgita, những ai tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức sự an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc mà Ta đã tìm được không khó khăn, tìm được không mệt nhọc, tìm được không phí sức, hãy để họ thọ hưởng lạc như phân, thụy miên lạc, lợi dưỡng, cung kính, danh văn lạc ấy. Này Nāgita, một số chư thiên tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức sự an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc mà Ta đã tìm được không có khó khăn, tìm được không có mệt nhọc, tìm được không có phí sức. Này Nāgita, khi nào các ông họp với nhau, tụ hội với nhau, sống an trú chú tâm trong nếp sống hội chúng, thời Ta suy nghĩ như sau: “Thật vậy, các Tôn giả này của Ta tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức sự an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc này; còn Ta, Ta đã tìm được không có phí sức an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; cho nên các Tôn giả của Ta mới họp với nhau, tụ hội với nhau, sống an trú chú tâm trong nếp sống hội chúng.”

Này Nāgita, khi nào Ta thấy các Tỷ-kheo chơi giỡn, lấy ngón tay đâm thọc nhau.131 Này Nāgita, Ta suy nghĩ như sau: “Thật vậy, các Tôn giả này của Ta tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức sự an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; còn Ta, Ta đã tìm được... chánh giác lạc; cho nên các Tôn giả của Ta mới chơi giỡn, lấy ngón tay đâm thọc nhau.”

Ở đây, này Nāgita, khi Ta thấy các Tỷ-kheo sau khi ăn cho đến thỏa mãn, cho đến bụng có thể chứa được, rồi sống chú tâm vào lạc nằm xuống, lạc về xúc, lạc về ngủ, khi ấy, này Nāgita, Ta suy nghĩ như sau: “Thật sự, các Tôn giả này tìm được có khó khăn, tìm được có mệt nhọc, tìm được có phí sức sự an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; còn Ta, Ta tìm được không khó khăn, tìm được không mệt nhọc, tìm được không phí sức sự an ổn lạc, viễn ly lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; vì rằng các Tôn giả này, sau khi ăn cho đến thỏa mãn, cho đến bụng có thể chứa được, rồi sống chú tâm vào lạc nằm xuống, lạc về xúc, lạc về ngủ.”

Ở đây, này Nāgita, Ta thấy một Tỷ-kheo trú ở cuối làng, đang ngồi thiền định, này Nāgita, rồi Ta suy nghĩ: “Nay người giữ khu vườn sẽ đến quấy rầy, hay một Sa-di sẽ làm vị ấy từ bỏ thiền định.” Do vậy, này Nāgita, Ta không hoan hỷ Tỷ-kheo ấy trú ở cuối làng.

Ở đây, này Nāgita, Ta thấy một Tỷ-kheo trú ở rừng, đang ngồi ngủ gục ở trong rừng,132 này Nāgita, Ta suy nghĩ như sau: “Nay Tôn giả này khi đoạn trừ được buồn ngủ và mỏi mệt, sẽ tác ý đến tưởng về rừng và sống nhất tâm.” Do vậy, này Nāgita, Ta hoan hỷ với Tỷ-kheo ấy sống ở trong rừng.

Ở đây, này Nāgita, Ta thấy một Tỷ-kheo sống ở rừng, đang ngồi không thiền định ở trong rừng, này Nāgita, Ta suy nghĩ như sau: “Nay vị Tôn giả này sẽ định tĩnh tâm chưa được thiền định và sẽ bảo vệ tâm đã được thiền định.” Do vậy, này Nāgita, Ta hoan hỷ với Tỷ-kheo ấy sống ở trong rừng.

Ở đây, này Nāgita, Ta thấy một Tỷ-kheo ngồi thiền định ở trong rừng, này Nāgita, Ta suy nghĩ như sau: “Nay Tôn giả này sẽ giải thoát tâm chưa được giải thoát hay sẽ bảo vệ tâm đã được giải thoát.” Do vậy, này Nāgita, Ta hoan hỷ với Tỷ-kheo sống ở trong rừng.

Khi nào, này Nāgita, Ta đi trên đường, không thấy một ai ở phía trước hay ở phía sau, này Nāgita, khi ấy, Ta cảm thấy an ổn cho đến vấn đề đại, tiểu tiện.

Tham khảo

126 Bản tiếng Anh của PTS: Homage, nghĩa là Đảnh lễ. Tham chiếu: Tạp. 雜(T.02. 0099.1250. 0343b07).

127 Xem D. I. 87; DA. I. 244; M. II. 196; S. V. 325; Sn. 116.

128 Đoạn đầu của kinh này xem A. I. 180; D. I. 87, 150; S. V. 352; Ud. 78. Phần sau của kinh, xem A.

III. 30, 341.

129 Lābhasakkārasilokasukhaṃ.

130 Ví dụ này, xem A. I. 243; II. 140; V. 114; S. II. 32; Miln. 57.

  131 Aṅgulipatodakena sañjagghante. Xem D. I. 91.

132 Pacalāyamāna. Xem A. IV. 84.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.